Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Quận Chúa Nổi Loạn

Phần III – Phu nhân tử tước De Cambes – Chương 16

Tác giả: Alexandre dumas
Chọn tập

Chương 16

Bây giờ chúng ta hãy lùi lại phía sau một bước và chuyển sự chú ý của độc giả đến những biến cố xảy ra ở Vayres mà họ chưa được biết đầy đủ.

Sau những đợt tấn công mỗi lúc một thêm khủng khiếp và đã làm cho đội quân hoàng gia mất khá nhiều quân, những vòng tường thành bên ngoài đã bị chiếm, nhưng những kẻ cố thủ anh dũng, sau khi đã chống trả quyết liệt từng tấc đất một và để lại trên mặt đất đầy những xác chết, đã rút vào thành và cố thủ ở đấy. Thế nhưng ông De La Meilleraye không giấu giếm rằng nếu ông đã để mất sáu trăm người chỉ để chiếm được có một bức tường bên ngoài bằng đất nện, thì ông sẵn sàng hy sinh sáu lần số quân nhiều hơn để chiếm cho bằng được một thành lũy với những pháo đài kiên cố và được canh giữ bởi người mà ông đã được dịp tán thưởng tài chiến thuật và lòng dũng cảm.

Mọi người đã quyết định sẽ tổ chức một cuộc hãm thành đúng theo luật thì nhìn thấy đội tiền quân của công tước D’Epernon, ông này đang dẫn quân đội của mình đến hợp lực cùng với đội quân của ông De La Meilleraye và như vậy sẽ tăng lực lượng của quân đội hoàng gia lên gấp đôi. Điều này thay đổi hẳn cục diện vấn đề. Với hai mươi bốn ngàn quân không làm nổi. Cuộc công thành đã được quyết định vào sáng hôm sau.

Khi nhìn thấy đoàn quân mới đến và những cảnh sắp đặt của họ, Richon hiểu rằng ý định của kẻ thù là sẽ thôi thúc ông không ngừng nghỉ, và đoán được rằng ngày mai sẽ có cuộc công thành, ông cho nhóm người của mình lại để hỏi ý kiến của họ, mặc dù rằng ông chẳng có lý do gì để nghi ngờ lòng trung thành của họ, sau khi được chứng kiến họ đã phụ với ông vào việc giữ thành như thế nào.

Bởi vậy, ông không khỏi kinh ngạc khi thấy thái độ mới của đội quân trú phòng. Họ ném một ánh mắt lo âu và u tối về phía quân đội hoàng gia, và những tiếng thì thầm nho nhỏ nổi lên khắp nơi.Richon không muốn trong hàng ngũ của mình có những chuyện thiếu nghiêm túc nhất là những dịp như vậy.- Kẻ nào đang nói gì đó? – Ông nói và quay về phía có tiếng thì thầm nổi lên rõ ràng nhất.

– Tôi! – Một tên quân bạo gan hơn cả lên tiếng.- Mi?- Phải, tôi!

– Vậy hãy đến đây, và trả lời ta xem.Tên quân ra khỏi hàng và đến gần vị chỉ huy.- Ngươi thiếu thốn gì mà lại than vãn như vậy? – Richon khoanh hai tay lại trước ngực nói và nhìn thẳng vào mắt hắn.- Tôi thiếu thốn thứ gì ư?- Phải, mi còn cần gì nữa? Mi đã lãnh phần bánh chưa?- Rồi, thưa chỉ huy.

– Đã lãnh phần thịt chưa?- Rồi, thưa chỉ huy.- Phần rượu?- Rồi, thưa chỉ huy.

– Mi không có chỗ nghỉ ngơi hay sao?- Không.- Vậy thì nói đi: Mi còn đòi hỏi điều gì nữa? Mi có muốn gì? Mi lẩm bẩm như vậy là vì sao?- Là vì chúng tôi chiến đấu chống lại đức vua của chúng tôi, đối với một chiến sĩ Pháp, điều đó không thể chấp nhận được.- Như vậy mi muốn phục vụ đức vua?

– Đúng vậy.- Mi muốn về với vua của mi chứ?- Phải! – Tên quân nói, tưởng rằng qua vẻ bình thản của Richon, vấn đề sẽ kết thúc một cách giản dị là loại y ra khỏi hàng ngũ quân đội của hoàng thân.

– Được lắm. – Richon nói và nắm lấy cổ áo của tên quân – Nhưng vì đã đóng cửa thành rồi nên mi chỉ còn có một con đường này thôi.- Đường nào? – Tên quân hoảng sợ hỏi.- Đây! – Richon nói và đưa cánh tay hộ pháp của mình lên, nhấc bổng hắn và ném qua tường thành.

Tên quân hét lên một tiếng, may mà hắn rơi vào hào đầy nước.Sau hành động quyết liệt đó là một cảnh thinh lặng hoàn toàn. Richon tưởng rằng đã dẹp được ý tưởng phản kháng và giống như một con bạc chơi nước liều, ông quay về phía người của mình.

– Bây giờ, ai muốn theo nhà vua thì cứ nói, ta sẽ cho những kẻ đó ra khỏi đây như ý hắn muốn.Khoảng một trăm tên la lên:- Phải, phải, chúng tôi thề là những người trung thành với đức vua và chúng tôi muốn ra khỏi đây!…

– À! À! – Richon nói, hiểu rằng đây không phải là những ý kiến riêng lẻ mà là một cuộc nổi dậy toàn diện đang bắt đầu hình thành – À! Đây lại là một chuyện khác, ta tưởng rằng chỉ phải đối phó với tên ương ngạnh, bây giờ thì ta mới rõ là phải đối đầu với năm trăm tên hèn nhát.

Richon đã sai khi lên án chung như vậy, chỉ có khoảng một trăm tên nói thôi, những người còn lại đều im lặng nhưng vì họ bị vơ đũa trong câu kết tội của Richon nên đến phiên họ cũng lẩm bẩm.- Nào! – Richon bảo – Không nên nói cùng một lúc như vậy, nếu ở đây có một viên sĩ quan muốn phản bội lời thề thì hãy ra thay mặt tất cả mà lên tiếng, người đó có thể tự do nói.

Thế là Ferguzon bước một bước ra khỏi hàng ngũ và chào viên chỉ huy một cách hết sức là lịch sự.- Thưa chỉ huy! – Y nói – Ông đã được biết ý nguyện của đội quân, ông chống lại hoàng thượng, đức vua của chúng tôi, thế nhưng phần lớn trong chúng tôi không được biết khi chiêu mộ, rằng chúng tôi chiến đấu chống một kẻ thù như vậy. Một trong những kẻ thù dũng cảm có mặt ở đây, bị ép uổng trong chính kiến của mình, rất có thể đang giữa trận chiến, lầm lẫn hướng súng của mình và cho ông một viên đạn vào đầu. Nhưng chúng tôi là những chiến sĩ thực sự chứ không phải là một tên hèn nhát như ông vừa nhầm lẫn mà nói ra. Vậy đây là ý kiến của tôi cùng các bạn hữu của tôi mà tôi xin được trình bày hết sức là lễ độ: Hãy cho chúng tôi về với vua của chúng tôi.

Bài diễn văn được đón tiếp với những tiếng hò reo nổi lên khắp nơi, chứng tỏ rằng ý kiến của viên trung úy nếu không phải là của tất cả đội quân phòng thủ thì cũng là của một số đông. Richon hiểu rằng mình đã thua.

– Ta không thể nào chống cự một mình ta. – Ông nói – Và ta cũng không muốn đầu hàng, vì chiến sĩ của ta đã rời bỏ ta, vậy ai đó hãy đứng ra mà điều đình tùy theo ý mình, nhưng kẻ đó không phải là ta. Miễn là người còn trung thành với ta được khỏi tội, đó là tất cả những gì mà ta mong muốn. Vậy ai sẽ là người đứng ra điều đình?

– Tôi xin lãnh trách nhiệm, thưa chỉ huy, nếu ông bằng lòng và nếu bạn hữu của tôi tin tưởng vào tôi.- Phải, phải lắm, trung úy Ferguzon! Trung úy Ferguzon! – Năm trăm cổ họng cùng la to, trong đó có thể nhận ra tiếng của Barrabas và Carrotel.

– Vậy ông sẽ nhận lãnh việc đó! – Richon nói – Ông hoàn toàn tự do ra vào Vayres tùy ý ông.- Chỉ huy có cần dặn dò gì thêm không? – Ferguzon hỏi.- Tự do cho quân lính của ta.- Còn với ông?- Không gì cả.

Một thái độ quên mình như vậy lẽ ra đã làm cho những kẻ lầm lạc phải hồi tâm, nhưng họ không chỉ lầm lạc, họ đã bị mua chuộc.- Phải, phải, tự do cho chúng tôi. – Họ kêu lên.- Xin chỉ huy yên tâm. – Ferguzon nói – Tôi sẽ không quên ông trong bản điều đình.Richon buồn bã mỉm cười, nhún vai, trở về chỗ ở của mình và đóng cửa phòng lại.

Ferguzon liền qua quân đội bên kia. Thế nhưng ông De La Meilleraye không muốn làm gì khi chưa có lệnh của hoàng hậu, nhưng hoàng hậu đã rời ngôi nhà nhỏ của Nanon để, như chính miệng bà nói, khỏi phải chứng kiến cảnh nhục nhã của quân đội, và rời đến tòa thị sảnh của thành phố Libourne.

Bởi vậy, ông giao cho hai tên lính canh giữ Ferguzon, còn mình lên ngựa và chạy đến Libourne. Ông trông thấy ngài De Mazarin và thông báo tin mừng với ông này, nhưng ngay lời nói đầu tiên của vị thống chế, vị hồng y đã chặn ông lại với nụ cười quen thuộc của mình.

– Chúng ta đã biết điều đó rồi, thưa ngài thống chế, và vấn đề đã được thu xếp từ tối hôm qua. Ông hãy điều đình với viên trung úy Ferguzon, nhưng với Richon thì ông chỉ hứa miệng thôi.- Sao? Tại sao lại chỉ hứa miệng? – Viên thống chế hỏi – Nhưng khi tôi đã nói ra rồi thì nó cũng đánh giá bằng một bản văn tự chứ?

– Cứ làm như tôi nói đi, ngài thống chế, tôi đã nhận được từ đức thánh cha những sự khoan dung đặc biệt cho tôi được phép giải lời hứa của bất kỳ ai.- Có thể lắm, nhưng những sự khoan dung đó đâu có ăn nhập gì đến các vị thống chế của nước Pháp.Mazarin mỉm cười và ra hiệu cho vị thống chế rằng ông có thể trở về trại quân.

Viên thống chế làu bàu quay trở về, giao cho Ferguzon một bản ân xá cho y và quân lính, còn với Richon, ông chỉ hứa miệng.Ferguzon trở về thành thông báo với Richon những gì đã xảy ra và cả lời hứa suông của ngài thống chế. Hai giờ sau, khi Richon vừa trông thấy qua cửa sổ phòng mình đoàn viện binh do Ravailly chỉ huy, thì người ta vào phòng ông và bắt ông theo lệnh của hoàng hậu.

Gương mặt của người chỉ huy dũng cảm lộ vẻ hài lòng. Nếu ông tự do, phu nhân De Condé có thể nghi ngờ ông đã phản bội, còn bị bắt thì cảnh giam giữ sẽ minh chứng cho ông.Chính với niềm hy vọng đó, mà ông đã không bỏ đi.Thế nhưng người ta không chỉ lấy kiếm của ông, như ông thoạt nghĩ, mà sau đó bốn người, đang đứng đợi sẵn ngoài cửa sổ, đổ xô đến và trói giật tay ông ra sau lưng.

Đối lại cách xử sự tàn bạo đó, Richon chỉ có một thái độ bình thản và nhẫn nhục. Richon được dẫn đến Libourne và đưa đến trình diện trước hoàng hậu, bà nhìn ông với con mắt thật cao ngạo, còn đức vua thì nhìn ông đầy hung dữ, và ngài Mazarin thì bảo ông.

– Ông chơi canh bạc lớn đấy, ông Richon.- Và tôi đã thua, phải không thưa đức ông? Bây giờ vấn đề là biết chúng ta đã đặt cược cái gì?- Tôi e rằng ông đã ném đầu mình ra mà đặt cược đấy. – Mazarin nói.- Hãy nói với ông D’Epernon là đức vua muốn gặp ông ấy. – Hoàng hậu nói – Còn người này sẽ ở đây và chờ bản án dành cho hắn.

Và bà nắm tay vị vua trẻ bước ra ngoài, với một điệu bộ khinh miệt kiêu kỳ, theo sau là ngài Mazarin cùng đám cận thần.Đúng là ngài D’Epernon đến đã được một giờ rồi, nhưng sự thăm viếng đầu tiên của ông là dành cho Nanon. Ông đã được biết Canolles phòng thủ Saint – Georges kiên cường, và là một người luôn tin tưởng vào người tình của mình, nên ông đã khen ngợi nàng về hành động dũng cảm của ông anh yêu quý một người mà theo như ông thú nhận một cách thật thà, có một bề ngoài chẳng lấy gì làm tài ba và cao thượng đến như vậy.

Nanon đang bận tâm đến một điều khác để còn nghĩ đến chuyện cười thầm về điều hiểu lầm kia. Vấn đề bây giờ không chỉ liên quan đến hạnh phúc của nàng mà còn là tự do cho người yêu. Nanon đang yêu Canolles đến mức mù quáng để tin vào một hành động dối trá của chàng, dù rằng đôi khi ý nghĩ ấy cũng thoáng qua đầu óc nàng. Khi chàng quan tâm lo lắng đến việc đưa nàng ra khỏi thành, nàng chỉ cho đó là một sự săn sóc đầy thương yêu, nàng tin chàng đã bị bắt giam giữ, nàng chỉ còn biết khóc và mong chờ đến lúc nàng có thể, nhờ ông D’Epernon, giải thoát cho chàng.

Bởi vậy, sau mười lá thư gởi cho ngài công tước yêu dấu, nàng đã dùng hết quyền lực của mình hối thúc ông quay về.Cuối cùng, ông đã trở về, và Nanon trình lên ông lời khẩn nguyện của mình, xin ông cứu thoát người anh yêu quý càng sớm càng tốt khỏi tay kẻ thù, hoặc nói đúng hơn là khỏi tay phu nhân De Cambes, bởi vì nàng tin rằng thực sự Canolles không bị nguy hiểm nào hơn là ngày càng trở nên say đắm nữ tử tước. Hiểm nguy đó, đối với Nanon là hiểm nguy hàng đầu. Và nàng chắp hai taylại cầu xin ngài D’Epernon.

– Vừa đúng lúc. – Ngài công tước trả lời – Ta mới được tin rằng tổng đốc thành Vayres đã bị bắt giữ. Được lắm! Chúng ta sẽ đổi y với anh Canolles của nàng.- Ôi! Đây là một ân huệ bởi trời! – Nanon kêu lên.- Em yêu quý anh trai đến thế nào Nanon?

– Hơn cả cuộc đời của em nữa.- Thật chẳng hiểu tại sao trước kia em không nói cho ta biết, cho đến ngày mà ta đã ngu ngốc đi…- Như vậy, rồi sao, thưa đức ông?… – Nanon cắt ngang.- Như vậy, ta sẽ trao trả tổng đốc thành Vayres cho phu nhân De Condé, họ sẽ trả Canolles lại cho chúng ta, trong chiến tranh chuyện này vẫn thường xảy ra, chỉ giản dị là một sự trao đổi.

– Này, nhưng mà có khi phu nhân De Condé đánh giá Canolles cao hơn một sĩ quan thường thì sao?- Nếu vậy, thì thay vì một tên sĩ quan, chúng ta sẽ trả lại cho bà ấy hai, hoặc ba, người ta sẽ thu xếp sao cho nàng được hài lòng, hiểu không người đẹp của ta? Và khi anh chàng chỉ huy Saint-Georges trở về Libourne, chúng ta sẽ ăn mừng anh ta.

Nanon không cảm thấy vui vẻ gì. Chiếm lại được Canolles đấy là giấc mơ nóng bỏng nhất của cuộc sống hiện tại. Nhưng ngài D’Epernon sẽ nói gì đây khi ngài thấy rằng không phải là một Canolles mà ngài đã biết mặt, điều này thì nàng rất lo. Một khi Canolles trở về, nàng sẽ bảo đây là tình nhân của nàng, nàng sẽ nói trước mặt mọi người, và sẽ nói thật lớn!Mọi việc mới đến đây thì người liên lạc của hoàng hậu bước vào.

– Đấy, Nanon yêu quý, thật vừa đúng lúc, ta sẽ đến gặp hoàng hậu và sẽ mang về cho em văn bản trao đổi.- Như vậy anh trai của em sẽ có mặt ở đây?…- Có lẽ ngày mai. – Ngài công tước nói.

– Thế à! – Nanon kêu lên – Xin ngài đừng chậm trễ một giây nào cả. Ôi! Ngày mai, ngày mai, cầu cho được như vậy.- Một con người tốt bụng. – Ngài công tước lẩm bẩm khi bước ra ngoài.Ngài D’Epernon bước vào phòng hoàng hậu khi bà đang giận dữ vô cùng và vì vậy, vốn là người hào hoa đã quen với nụ cười của bà, ông lại được đón tiếp như một tên dân giả thành Bordeaux nổi loạn.

Ngài D’Epernon kinh ngạc nhì hoàng hậu, bà không đáp lại lời chào của ông, và mày cau lại, bà nhìn ông với tất cả uy quyền vương giả của mình.- À! À! Ông đó ư, ông công tước? – Cuối cùng bà nói sau một hồi lâu im lặng – Hãy đến gần đây để tôi có lời khen ông về cách ông bổ nhiệm người của ông.

– Tâu hoàng hậu, tôi đã làm gì kia? – Ngài công tước hỏi, hoàn toàn ngạc nhiên – Có chuyện gì xảy ra vậy?- Vấn đề là ông đã bổ nhiệm lầm tổng đốc thành Vayres, một kẻ đã nổ súng thần công vào đức vua, có vậy thôi.- Tôi ư, thưa hoàng hậu! – Ngài công tước kêu lên – Chắc chắn là người đã lầm lẫn rồi, không phải tôi đã bổ nhiệm tổng đốc thành Vayres. Dẫu sao thì, tôi cũng không được biết điều này.

Ngài D’Epernon lấy lại bình tĩnh, bởi vì lương tâm đang trách móc ông đã không tự mình bổ nhiệm.- À! Lại như vậy nữa sao! – Hoàng hậu nói – Có lẽ ông Richon đã không do ông bổ nhiệm à?Ngài công tước, vốn biết tài năng của Nanon trong việc chọn lựa người nào vào chức vụ, nên liền lấy lại bình tĩnh.

– Tôi không nhớ là đã bổ nhiệm ông Richon. – Ông nói – Nhưng nếu có chuyện đó thì Richon phải là một người trung thành với đức vua.- Hừ! Ông nói Richon là một người trung thành của đức vua, trung thành mà chưa được ba ngày, đã giết của ta mất năm trăm người.

– Tâu hoàng hậu. – Ngài công tước lo lắng nói – Nếu có chuyện đó, tôi xin thú nhận rằng tôi đã có lỗi. Nhưng trước khi xét xử tôi, xin hãy để tôi xác minh được điều này.Hoàng hậu làm một cử chỉ để giữ công tước lại, nhưng sau đó bà nghĩ lại và để ông đi.

– Được, cứ đi đi! – Bà nói – Và khi ông mang lại chứng cớ của ông thì ta sẽ đưa ra chứng cớ của ta.Ngài D’Epernon bước ra ngoài và chạy không nghỉ đến nhà Nanon.

– Sao? – Nàng nói – Ngài đã đem về cho em văn bản trao đổi đấy ư?- À, phải lắm! Đúng là chuyện đó. – Ngài công tước trả lời – Hoàng hậu đang giận dữ đấy.- Tại sao ngài lại giận dữ?

– Bởi vì em hoặc là ta đã bổ nhiệm ông Richo làm tổng đốc thành Vayres và viên tổng đốc này hình như đã giết mất của chúng ta năm trăm binh lính.- Richon! – Nanon lặp lại – Em không biết người đó.- Cả tôi cũng vậy.

– Nếu vậy, ngài cứ nói thẳng với hoàng hậu rằng ngài lầm rồi.- Nhưng biết đâu chính nàng lại là kẻ lầm lẫn?- Hãy khoan đã, em không muốn làm một điều gì đáng phải chê trách, để em coi lại.Và Nanon trở vào phòng làm việc của mình, xem lại sổ sách, không có tên Richon.

– Ngài có thể về thông báo lại với hoàng hậu rằng ngài đã lầm lẫn. – Nanon bảo với ngài công tước.Ngài công tước lại chạy vội đến tòa thị sảnh.

– Tâu hoàng hậu! – Ông kiêu hãnh thưa với bà – Tôi hoàn toàn vô tội trước điều mà người ta gán cho tôi. Lệnh bổ nhiệm Richon là do các cận thần của người ta đưa ra.- Thế cận thần của ta ký tên D’Epernon hay sao?

– Có chuyện như vậy à?- Có thể lắm bởi vì chữ ký đó nằm dưới lệnh bổ nhiệm của ông Richon.- Không thể được, thưa hoàng hậu. – Ông công tước trả lời, với một giọng yếu đi của một người đã bắt đầu thiếu tự tin.Hoàng hậu nhún vai.

– Không thể được? – Bà nói – Đây, đọc đi!Và bà lấy trên bàn một tờ bổ nhiệm thư trao cho ông.Ngài công tước đỡ lấy, đọc vội vã, xem xét từng nếp gấp của tờ giấy, từng chữ, và tỏ ra sửng sốt, một kỷ niệm khủng khiếp trở lại tâm trí ông.

– Tôi có thể gặp ông Richon đó được không ạ? – Ông hỏi.- Được thôi. – Hoàng hậu nói – Ta đã bảo ở lại nơi phòng bên để sẵn sàng hầu ông.Rồi quay lại những người lính gác đang chờ lệnh nơi cửa.- Hãy dẫn tên khốn kiếp ấy vào đây. – Bà nói.

Lính gác trở ra và một lát sau, Richon, tay trói quặt sau lưng, được dẫn vào. Ngài công tước bước đến và nhìn đăm đăm vào người tù binh, Richon chống đỡ cái nhìn đó với vẻ nghiêm nghị thường lệ của mình. Và vì trên đầu ông đang đội nón, một tên lính gác đưa tay hất cái nón rớt xuống đất.Viên tổng đốc thành Vayres không tỏ thái độ gì trước hành động láo xước đó cả.

– Hãy khoác lên vai y một chiếc áo choàng, và cho y đeo mặt nạ vào. – Ngài công tước nói – Và hãy lấy cho tôi một cây nến.Lính gác tuân theo hai lệnh đầu. Hoàng hậu kinh ngạc trước những sự chuẩn bị đó. Ngài công tước đi vòng quanh Richon, nhìn ông hết sức chăm chú, cố gắng nhớ lại mọi kỷ niệm cũ và hình như vẫn còn nghi ngờ.- Hãy đưa cho tôi một cây nến. – Ông nói.

Cây nến được đem đến. Ngài công tước đưa tờ bổ nhiệm thư đến gần ánh sáng, và do sức nóng của ngọn lửa, một hình thập tự hiện lên bên dưới chữ ký nhờ một thứ mực hóa học.Nhìn thấy dấu hiệu đó, trán của vị công tước dãn ra, và ông kêu lên:- Tâu hoàng hậu, đúng là tờ bổ nhiệm này đã do tôi ký, nhưng không phải là cho ông Richon hoặc bất cứ ai khác, trên này đã dùng một cái bẫy để cướp nó của tôi. Tuy nhiên, trước khi trao tờ khống chỉ này, tôi đã làm một dấu hiệu riêng như người có thể nhìn thấy đây, đây là một bằng chứng tố cáo tên tội phạm. Xin hãy nhìn đây.

Hoàng hậu giật lấy tờ giấy và nhìn vào đó trong khi ngài D’Epernon đưa ngón tay chỉ dấu thập tự.- Tôi không hiểu gì về lời ngài tố cáo tôi. – Richon chỉ nói vậy.- Sao? – Ngài công tước kêu lên – Ngươi không phải là tên mang mặt nạ mà đã giao tờ giấy trên sông Dordogne đó sao?- Chưa bao giờ tôi được dịp tiếp xúc với ông trước ngày hôm nay, chưa bao giờ mang mặt nạ tại dòng sông Dordogne. – Richon lạnh lùng nói.

– Nếu không phải là ngươi, thì là một kẻ đã được ngươi cử đến.- Tôi không được lợi lộc gì đâu khi giấu sự thật cả. – Richon vẫn nói với một giọng bình tĩnh – Tờ bổ nhiệm mà ông đang cầm, thưa công tước, là do phu nhân Condé trao cho tôi, chính từ tay của ngài De La Rochefoucauld, tên tôi đã được điền vào đó do tay ông Lenet, mà có lẽ ngày cũng biết nét chữ. Còn việc bằng cách nào mà tờ giấy lọt vào tay phu nhân De Condé. Làm sao mà ngài De La Rochefoucauld có được nó thì tôi hoàn toàn không được biết, mà tôi cũng không quan tâm đến.

– À, ông cho là như vậy à? – Ông công tước nói với một giọng diễu cợt.Và đến bên hoàng hậu, ông kể nhỏ vào tai bà câu chuyện dài dòng, mà bà chăm chú lắng nghe: sự tố giác của Cauvignac và cuộc gặp gỡ trên sông Dordogne, và vì hoàng hậu là phụ nữ nên hoàn toàn thông cảm với lòng ghen tuông của ông.Và khi ông đã kể xong.

– Đây là một hành động bỉ ổi ti tiện cộng với tội phản nghịch. – Bà nói – Có vậy thôi, kẻ nào đã không do dự khi chống lại đức vua của mình thì có ngần ngại gì khi bán rẻ bí mật của một người phụ nữ.

“Bọn họ nói cái quái gì vậy!” Richon lẩm bẩm, vừa cau mày, bởi vì không thể nghe toàn bộ để hiểu được câu chuyện, ông cũng nghe khá đủ để đoán được rằng danh dự của mình đã bị xúc phạm, hơn nữa hai cặp mắt nảy lửa của hoàng hậu và của ngài D’Epernon chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành, và dù có dũng cảm đến đâu, hai vẻ mặt đầy đe dọa không phải là không làm cho ông lo lắng mặc dù khó đoán được qua bề ngoài bình tĩnh kia, trong bụng ông đang nghĩ gì.

– Phải đem y ra xử. – Hoàng hậu nói – Hãy cho nhóm họp tòa án quân sự, ông D’Epernon, ông sẽ chủ trì cuộc xử án, vậy hãy mau chọn những người phụ tá đi.- Tâu hoàng hậu! – Richon nói – Không cần phải họp tòa án quân sự, không cần phải xử án. Tôi là tù binh danh dự của ngài De La Meilleraye, tôi là tù binh tự nguyện, và bằng chứng là tôi có thể bỏ chạy khỏi Vayres cùng với binh sĩ của tôi thế nhưng tôi đã không làm như vậy.

– Ta không hiểu gì về những chuyện đó. – Hoàng hậu nói và đứng dậy ra khỏi phòng – Nếu ngươi có những lý lẽ tốt, thì hãy đưa ra trước các vị quan tòa đi. Này công tước, cho xử trong phòng này được chứ?- Vâng, thưa hoàng hậu. – Ông này trả lời, và liền đó ông ta chọn mười hai viên sĩ quan để thành lập một tòa án.Richon trả lời đầy đủ.

– Ông bị buộc tội phản nghịch vì đã bắn thần công vào binh sĩ của đức vua. – Viên thơ lại nói – Ông có thú nhận mình đã phạm tội đó không?- Chối từ là chối điều hiển nhiên, vâng, thưa ông tôi đã bắn vào binh sĩ của nhà vua.- Ông lấy quyền gì chứ?

– Đó là quyền chiến tranh thôi, trong một trường hợp tương tự ngài De Contim, ngài De Beaufort, ngài D’Elboeuf và tất cả mọi người đều sử dụng đến quyền đó.- Quyền đó không có thưa ông, bởi vì đó chẳng qua là một hành động nổi loạn.- Thế nhưng viên trung úy của tôi đã sử dụng quyền hạn đó để ra đầu hàng. Tôi xin nêu lên hành động đầu hàng này.- Đầu hàng! – Ngài D’Epernon mỉa mai nói – Đầu hàng! Một người như ông lại dám thương lượng với một thống chế nước Pháp hay sao?

– Tại sao không? – Richon nói – Bởi vì chính viên thống chế ấy đã điều đình với tôi.- Vậy hãy đưa văn bản đầu hàng ra đây cho mọi người có thể chứng thực giá trị của nó.- Chúng tôi chỉ thương lượng bằng lời thôi.- Hãy đưa người chứng ra.

– Tôi chỉ có một người chứng.- Ai?- Chính ngài thống chế.- Hãy cho gọi thống chế đến. – Ngài công tước nói.

– Vô ích. – Hoàng hậu mở cánh cửa nơi mình đang ngồi và nói – Ông thống chế lên đường đã được hai tiếng đồng hồ rồi, ông ấy đang tiến về Bordeaux với đội quân của chúng ta.Rồi bà đóng cửa lại.

Sự xuất hiện đó làm cho mọi người lạnh gáy, bởi vì nó buộc các ngài quan tòa phải kết án Richon. Người tù binh mỉm cười chua chát:- À! – Ông nói – Đây là danh dự mà ngài De La Meilleraye đặt vào lời nói của mình! Ông nói đúng lắm, thưa ông. – Richon quay về phía ngài D’Epernon nói tiếp – Tôi đã dại dột mà đi thương lượng với một viên thống chế của nước Pháp.

Kể từ khi đó, Richon giam mình trong một thái độ im lặng hoàn toàn, và dù có hỏi ông câu gì đi nữa, ông cũng không trả lời.Điều này khiến cho cuộc xử án trở nên đơn giản hơn, và những thủ tục còn lại kéo dài không đến một giờ đồng hồ. Người ta chẳng viết gì bao nhiêu và nói còn ít hơn. Viên thư lại đề nghị kết án tử hình, và sau một dấu hiệu của ngài D’Epernon, tất cả hội đồng xử án cùng đồng ý với án tử hình.

Richon nghe bản luận án đó tưởng chừng ông chỉ là một khán giả và vẫn thản nhiên và câm lặng, ông bị giao ngay cho viên pháp quan của quân đội.Còn về phần ngài công tước D’Epernon, ông qua gặp hoàng hậu, bà đang hết sức vui vẻ và mời ông dùng bữa tối với bà. Ngài D’Epernon vội vã nhận lời, ông đã tưởng rằng mình bị thất sủng, và quay về báo với Nanon rằng ông vẫn được hoàng hậu tin tưởng và trọng dụng.

Ông thấy nàng đang ngồi trên một chiếc ghế dài, bên cửa sổ nhìn xuống quảng trường của Libourne.- Sao! – Nàng nói – Ngài đã khám phá ra được điều gì chưa?- Ta đã khám phá ra tất cả. – Ngài công tước nói.

– Thế à! – Nanon lo lắng nói.- Phải, trời ạ! Em có nhớ lá thư tố giác em mà ta đã ngu ngốc mà tin vào không?- Thì sao?- Em còn nhớ tờ khống chỉ mà tên khốn kiếp đã đòi ta không?- Có, rồi sao nữa?

– Tên khốn kiếp đó đang ở trong tay chúng ta, em à!- Thế à! – Nanon hoảng sợ kêu lên, bởi vì nàng biết rằng kẻ đó là Cauvignac, và dù nàng không yêu thương gì ông anh cho lắm, nàng cũng không muốn thấy anh gặp tai họa, vả lại người anh đó có thể thoát khỏi cảnh khó khăn, phun ra một lô chuyện mà nàng muốn giữ trong vòng bí mật.

– Chính hắn, em à! – Ngài D’Epernon tiếp tục nói, em có biết không, tên khốn đã dùng tờ khống chỉ đó phong mình làm tổng đốc thành Vayres, nhưng Vayres thất thủ và y đang ở trong tay ta.Tất cả những chi tiết đó rất hợp với những mưu mô khôn khéo của Cauvignac khiến cho Nanon càng thêm lo âu.- Còn tên đó… – Nàng nói với một giọng run run – Ngài làm gì với y?

– À, rồi nàng sẽ được chính mắt chứng kiến chúng ta sẽ làm gì hắn. Phải, vừa đúng lúc, em hãy vén màn lên, hoặc là cứ mở hẳn cửa sổ ra đi, hắn là kẻ thù của đức vua và chúng ta có thể nhìn cảnh hắn bị treo cổ.- Treo cổ? – Nanon kêu lên – Đức ông nói gì kia chứ? Treo cổ tên đó à?

– Phải, kìa em, có thấy cái giá kia không, sợi dây và đám lính đang áp tải hắn đến đó không? À, kia là đức vua cũng ra cửa sổ để xem.Trái tim của Nanon như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nàng đã nhìn thấy rằng người được dẫn đến kia không phải là Cauvignac.

– Nhưng mà – Nanon kêu lên vừa nắm lấy tay của ngài công tước – kẻ khốn khổ này không phải là thủ phạm. Đây có thể là một chiến sĩ dũng cảm, một con người lương thiện, biết đâu ngài đang sắp sửa giết hại một người vô tội!- Không đâu! Không đâu! Em lầm to rồi, hắn là một kẻ chuyên giả mạo và vu cáo. Vả lại, dù cho hắn chỉ là tổng đốc thành Vayres đi chăng nữa thì hắn cũng là một tên phản quốc, điều đó khá đủ rồi.

– Nhưng y lại không được lời hứa của ông De La Meilleraye hay sao?- Hắn nói nhưng ta không tin.- Vậy tại sao ngài thống chế lại không làm chứng trước tòa án về điều quan trọng đó?- Ông ấy lên đường hai tiếng đồng hồ trước khi hắn được đưa ra trước tòa án.

– Ôi, lạy Chúa! Ôi, lạy Chúa! Ngài ơi, em có linh cảm rằng đây là một người vô tội. – Nanon kêu lên – Và cái chết của người đó sẽ mang tai họa đến cho chúng ta. Ôi, thưa ngài, ngài đã từng ban cho em ân huệ là đừng giết người đó.- Không thể nào được em à, chính hoàng hậu đã kết án y và không ai có thể nói lại được gì cả.

Nanon thốt ra một tiếng thở dài chẳng khác gì tiếng rên rỉ.Ngay khi đó Richon đã đến bên dưới nhà lồng chợ, vẫn bình thản và câm lặng, ông được dẫn đến cái giá có cột sợi dây, một cây thang đã được dựng sẵn. Richon bước lên cây thang với bước chân vững vàng, con mắt lạnh lùng thản nhiên của ông nhìn thẳng vào đám đông. Viên pháp quan quàng dây vào cổ ông, và một người đọc lớn tiếng bản án, rằng đức vua xử tử ông Richon về tội man trá, phản bội và lỗ mãng.

– Vào thời đại chúng ta – Richon nói – có lẽ nên là một tên lỗ mãng như ta còn là một thống chế nước Pháp.Vừa nói xong mấy tiếng đó, chân ông hụt đi và thân thể ông lơ lửng trong khoảng không.Cả đám đông vội vàng tản mát trong một mỗi kinh hoàng bất chợt và chẳng có một tiếng tung hô: “Vạn tuế đức vua!” nào vang lên, mặc dù mọi người đều thấy có đức vua và hoàng hậu đều đang ngự nơi cửa sổ. Nanon giấu mặt vào hai bàn tay, nép mình vào trong một góc phòng.

– Đấy! – Ngài D’Epernon nói – Dù em có nghĩ sao đi nữa Nanon à, ta vẫn tin rằng cuộc hành hình này sẽ là cái gương cho mọi người, không biết đám dân Bordeaux sẽ hành động như thế nào khi thấy ta treo cổ một tên tổng đốc của chúng như vậy.Khi nghĩ đến hành động trả thù có thể có của họ, Nanon há miệng ra để nói, nhưng nàng chỉ có thể kêu lên một tiếng khủng khiếp và đưa hai tay lên cao như để khẩn cầu cái chết của Richon sẽ không bị trả thù, và tưởng chừng như mọi sức lực đều mất cả, nàng ngã lăn ra sàn nhà.

– Kìa, kìa! – Ngài công tước kêu lên – Em làm sao vậy Nanon? Kìa hãy tỉnh dậy đi, ôi trời ơi, nàng bất tỉnh rồi thế mà mấy tên dân Agen ấy lại bảo là nàng lạnh lùng không biết cảm xúc là gì. Người hầu đâu, nhanh lên!Và không thấy ai chạy đến sau tiếng gọi của mình, ngài công tước đành phải tự mình chạy tìm những thứ cần thiết. Đám người hầu có lẽ đang bận xem cảnh tượng đặc biệt không mất tiền mà đức vua đã rộng rãi ban cho họ.

Chọn tập
Bình luận