Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phù Hiểu, Em Là Của Anh!

Chương 82

Tác giả: Độc Độc
Chọn tập

Sau đám cưới linh đình, Đường Học Chính chính thức giới thiệu Phù Hiểu cho một nhân vật cực kỳ quan trọng – người “nặng ký” xét trên cả hai mặt: vai vế và cân nặng – ông ngoại của anh: cụ Hàn Hướng Thiên.

Phù Hiểu thấy ông cụ tròn vo, hễ cười là hai mắt híp tịt lại không thấy đâu này rất là ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Ông cụ Hàn ưng Phù Hiểu lắm, cụ là cụ thích mẫu con gái ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình và con cái. Tuy con gái cụ có kể tuốt với cụ chuyện năm đó, nhưng cụ có thể nhìn ra: cô bé này thật lòng với cháu ngoại cụ.

Đợi Phù Hiểu rời đi tìm bà nội và cô của cô, cụ Hàn Hướng Thiên bảo với Đường Học Chính: “Nếu đám cưới xong xuôi rồi thì anh cũng mau mau khởi hành đi Thượng Hải đi, dạo này, ngoại hay mệt lắm, anh có thể đỡ đần ngoại sớm ngày nào hay ngày ấy.”

Đường Học Chính đăm chiêu chốc lát rồi nhẹ gật đầu.

“Hừ, béo như lão gầy được đi đã tốt, sức khỏe quý như vàng đó nha, đồ tư bản nhà lão cứ tọng cho lắm vào, giờ đã thấy hối hận chưa?” Ông cụ Đường giễu cợt. Mấy năm không gặp nhau, hai cụ càng lúc càng giống trẻ nít.

“Tôi hối hận cái gì cơ? Tôi có bác sỹ riêng chăm sóc sức khỏe cho tôi đó, lão là cái đồ nhà quê.” Cụ Hàn Hướng Thiên phụng phịu.

Để hai “lão ngoan đồng[1]” này cãi nhau thả phanh thì hai cụ sẽ cãi đến đêm luôn, Đường học Chính vội chen vào, “Ngoại, con muốn chuyển trọng tâm sự nghiệp của nhà họ Hàn chúng ta về Bắc Kinh.”

“Bắc Kinh…” Cụ Hàn Hướng Thiên dường như đã lường trước được điều này, cụ chau mày ngẫm nghĩ một lát, rồi vẫn gật đầu, “Anh muốn làm thế nào thì làm.”

“Thần Duệ không phản đối ạ?”

“Kệ nó, nó ý kiến ý cò nên mấy hôm nay ngoại để nó chủ xị, cho nó thấy nó kém ở chỗ nào.”

Bà Hàn Ngọc Tố mừng rỡ nói: “Ba, nếu đã vậy hay ba với má cũng đến Bắc Kinh dưỡng lão luôn đi. Chuyện làm ăn cứ để đó cho tụi nhỏ.”

Cụ Hàn Hướng Thiên cười khà, bảo: “Khí hậu ở Bắc Kinh tệ bỏ xừ, đâu tốt như chỗ chúng ta. Còn nữa, nếu cứ quanh ra quanh vào là gặp lão khọm này thì ba không ốm cũng tức đến phát ốm.”

“Tên Trư Bát Giới nhà lão muốn trả đũa phỏng?”

… Được rồi, xem ra là hai cụ lâu ngày không gặp nhau, không cãi nhau thì sẽ ngứa mồm. Đường Học Chính rất biết biết điều chuồn đi, anh định đi tìm chị xã thì lại đụng phải Mạc Vu Phi đang đứng hút thuốc.

“Này, khách khứa về gần hết rồi à?” Anh xin lửa châm điếu thuốc.

“Ừ.”

“Hôm nào tao mời mày một chầu nhé.” Anh em tốt với nhau đâu cần nói câu cảm ơn chứ.

“Hứ.”

Hai người im lặng hút thuốc, một lát sau, Đường Học Chính hỏi: “Chuyện lần trước tao nhờ mày tra thế nào rồi?”

“Chuyện gì?” Mạc Vu Phi híp mắt lại, anh thừa biết thằng bạn muốn hỏi gì nhưng anh vẫn vòng vèo đôi câu hòng co kéo thời gian để có thể suy xét thêm.

“Chuyện nhà Phù Hiểu.”

“À, chuyện đó hả, tao tra rồi, không có gì, là tụi mình lo xa.” Khi đối mặt Đường Học Chính, những người biết sự thật của câu chuyện không bàn bạc trước cũng thống nhất được câu trả lời.

Đường Học Chính chau mày, nhẹ búng tan làn khói, nó đã nói vậy chắc là không có chuyện gì thật, chỉ có điều, sao anh vẫn có cảm giác là có chỗ nào đó không hợp lý… hay là anh nghĩ vẩn vơ?…

Người nhà Phù Hiểu ở lại Bắc Kinh chơi hai ngày, vì hai em trai Phù Hiểu còn đi học, không thể nghỉ lâu nên họ từ chối khéo lời mời của người nhà họ Đường, quyết định sáng mai sẽ lên đường về nhà.

Dù không nỡ xa người nhà thì Phù Hiểu cũng không thể giữ họ ở thêm được. Đêm hôm đó, đợi bà cụ Phù ngủ, cô kéo cô của cô vào buồng dành cho khách.

Thấy cháu gái có chuyện muốn nói riêng với mình thì bà Phù em bỗng thấy hơi căng thẳng, lẽ nào Đường phu nhân nói cho con bé chuyện khoản tiền nọ?

Hai người ngồi xuống mép giường, Phù Hiểu hỏi: “Cô, sang năm là Gia Minh thi đại học, có phải em nó định đi du học không ạ?”

“Gì? Ừ, phải đó.” Bà Phù em ậm ừ.

“Bây giờ mà đi du học thì tốn khoảng bao nhiêu cả thảy cô nhỉ?” Bạn đại học của cô cũng có người đi du học, song cô không dám hỏi thẳng người ta chi phí, huống hồ đang thời buổi lạm phát nên chi phí tăng theo thời gian.

Bà Phù em thấy tim mình như rớt đánh “bịch” một cái, “Ừm… thì khoảng… mấy chục vạn.”

“Thế ạ…”

Thấy cô có vẻ đăm chiêu, bà Phù em càng căng thẳng hơn, bà nhìn ra ngoài cửa, bà đang suy xét xem có nên gọi chồng bà vào đỡ lời cho bà không thì Phù Hiểu làm động tác gì đó…

Cô rút từ trong túi xách ra một chiếc thẻ ngân hàng, dúi chiếc thẻ vào tay cô của cô, “Cô, cô cất cái này đi.”

Ngay lập tức, bà Phù em ngẩn ra, “Đây là cái gì?”

Phù Hiểu e thẹn, nói: “Chỗ tiền này là tiền mấy năm vừa rồi con dành dụm được, chỉ khoảng hơn mười vạn tệ thôi. Lẽ ra con đã đế dành được nhiều hơn, nhưng có mấy lần lỡ tiêu mất một ít.”

“Con làm gì thế hả?” Hiểu ý cô cháu, bà Phù em vội vàng nhét lại chiếc thẻ vào tay cháu.

Phù Hiểu không chịu cầm, “Chút tiền này cô đừng chê ít, đây vốn là tiền con dành dụm cho Gia Minh và Gia Dương. Cô chú vẫn muốn cho hai em đi du học nước ngoài, nhưng cô chú làm buôn bán nhỏ, công việc vất vả mà nào có kiếm được nhiều nhặn gì cho cam, lo cho hai em đi du học thì vất quá. Dù sao con cũng ít phải tiêu tiền, bây giờ, để Đường Học Chính nuôi con một thời gian cũng được. Tuy nhà Đường Học Chính lắm tiền nhưng con thấy dùng tiền của nhà anh ấy thì không được hay cho lắm, cô đừng trách.”

Bà Phù em cầm chiếc thẻ mà không nói nên lời, mấy năm gần đây, thấy cháu gái viết văn hình như cũng bán được ít tiền, bà liền thôi không chu cấp tiền sinh hoạt cho cháu nữa. Không ngờ con bé lại… Sự day dứt bỗng trào dâng trong bà, bà Phù em như không cầm nổi chiếc thẻ nọ, “Chỗ tiền này… cô không thể nhận.” Tuyệt đối, tuyệt đối không thể nhận.

Phù Hiểu dúi chiếc thẻ vào tay bà rồi nắm tay bà lại, “Chúng ta là người một nhà, con cho em trai con tiền đi học, cô nhận đi cho con vui.”

“Đây là tiền mà con phải làm lụng vất vả mới kiếm được, con giữ lấy mà tiêu…” Nghe con bé nói thì có vẻ con bé đã bắt đầu chuẩn bị khoản tiền này cho hai người con trai của bà từ mấy năm trước rồi.

“Cô, sao cô lại nói thế, cô chú nuôi nấng con bao nhiêu năm trời, lại còn chăm sóc nội, con không biết phải báo đáp cô chú thế nào, chỉ đưa cô được một chút tiền thế này, con cũng ngại lắm.” Cô lấy chồng giàu, về lý mà nói, lẽ ra cô phải chịu trách nhiệm chi trả tất cả chi phí du học của hai người em trai. Nhưng cô ngại, cô không sao mở miệng nói chuyện này với Đường Học Chính cho được, thế nên cô vẫn thấy hơi áy náy với cô của mình.

Bà Phù em thấy cổ họng mình nghẹn đắng, bà nhìn đứa cháu gái tuy lúc nào cũng chín chắn, độc lập nhưng vẫn luôn giữ được tấm lòng lương thiện trước mặt, nỗi hổ thẹn lớn lao như trào dâng trong bà, “Hiểu Hiểu, cô…” Bà chợt nắm chặt tay cháu, muốn nói hết mọi chuyện năm đó cho con bé, nhưng khi lời đến nơi chót lưỡi đầu môi thì bà lại không sao thốt nên câu. Bà nên nói sao bây giờ? Cháu gái bà luôn hết lòng hết dạ với nhà bà, vợ chồng bà lại lén giấu đi khoản ‘tiền bồi thường tính mạng’ của ba mẹ con bé, nếu bây giờ bà nói ra, Hiểu Hiểu sẽ nghĩ về vợ chồng bà như thế nào? Nhất định con bé sẽ khinh thường vợ chồng bà… Bà không thể mất đi đứa cháu gái này, không thể.

“Cô, cô đừng từ chối nữa, cô cứ nhận chỗ tiền này đi, đợi hai cậu ấm nhà chúng ta đi du học về, kiếm được công việc tốt, thì cô chú tha hồ hưởng phúc. Mấy năm rồi, vất vả cho cô chú quá.” Phù Hiểu nở nụ cười tươi rói với bà.

Trước khi đi về, bà Phù em lại trộm nhét chiếc thẻ nọ vào túi xách của Phù Hiểu, nhưng đến cùng, bà vẫn đã bỏ lỡ cơ hội nói ra sự thật. Khi về nhà, bà có bàn chuyện này với chồng, song chồng bà không có quan hệ huyết thống với Phù Hiểu nên ông ta cũng chỉ thấy hơi áy náy mà thôi. Về sau, Đường Học Chính nghe được tin vợ chồng bà muốn cho hai người con trai đi du học thì khăng khăng trả tất cả chi phí du học của hai đứa, còn thu xếp công việc tử tế cho hai đứa nữa. Hành động của vợ chồng Phù Hiểu khiến bà càng thêm áy náy với anh trai và chị dâu, ngẫm lại những hành vi của vợ chồng mình, bà quả thật cực kỳ hổ thẹn. Thế là, năm này qua năm khác, sự cắn rứt và áy náy cứ tích tụ lại trong lòng bà, chưa đến sáu mươi tuổi, bà Phù em đã ốm liệt giường.

[1] 老頑童: lão ngoan đồng: danh từ, đại khái để chỉ những ông cụ tính tình như trẻ con.

Chọn tập
Bình luận