Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tình Yêu Định Mệnh

Chương 10: Phòng biến hình

Tác giả: Alexandre Dumas

Độc giả thân mến, bạn hãy đếm lại những giờ phút sôi sục mà các bạn chậm dãi đếm giờ này sau giờ kia, trong khi chờ đợi giây phút của cuộc hẹn hò đầu tiên của bạn, hoặc hơn nữa, bạn hãy tìm trong kí ức những nỗi lo âu nhức nhối trong khi chờ đợi giây phút khốc liệt đem lại cho bạn chứng cứ về sự phản bội của người đàn bà mà bạn yêu quý thì bạn sẽ có một ý niệm về cái ngày đó trôi qua chậm chạp và đau đớn đến thế nào, riêng đối với ông hoàng thân khốn khổ Côngđê thì cái ngày này là vô tận. Thế là ông thử thực hiện các phương thuốc và những nhà triết học của mọi thời đại là: chống lại những mối bận tâm của tinh thần bằng cách làm cho cơ thể mệt mỏi. Ông nhanh chóng dắt con ngựa của mình, trèo lên, thả lỏng dây cương hoặc tưởng đã thả lỏng nó và sau đúng mười lăm phút, ngựa và kỵ sĩ đã ở Xanh Clu là nơi mà khi rời khỏi lâu đài, ông không hề có ý định tới đó.

Ông liền cho ngựa lao về hướng đối diện. Một giờ sau ông lại thấy mình vẫn ở chỗ cũ; lâu đài Xanh Clu đối với ông là trái tim kim cương của những thuỷ thủ trong Nghìn lẻ một đêm, tại đây lại trở lại không ngừng những con tàu lớn đã hết sức cố gắng để rời xa trái núi nhưng vô ích.

Phương pháp của những nhà triết học và thầy thuốc không thể lầm lẫn với những người khác lại hầu như vô hiệu đối với ông hoàng Côngđê. Buổi chiều, ông thấy cơ thể như vỡ vụn, đúng thế nhưng cũng vẫn hoàn toàn bận tâm như buổi sáng.

Vào lúc màn đêm buông xuống, ông trở về nhà, kiệt sức, mệt nhoài, chết lặng.

Gã hầu phòng trao cho ông ba lá thư mà ông nhận ra đó là những lá thư của các bà mệnh phụ hàng đầu ở cùng đình; ông cũng không thèm mở chúng ra. Cũng vẫn là gã hầu này báo cho ông biết có một người đàn ông trẻ tuổi đã sáu lần có mặt ở lâu đài trong cùng ngày, nói rằng ông ta có những tin tức quan trọng bậc nhất muốn nói với hoàng thân và mặc dầu bao lần nài nỉ, ông ta vẫn cứ từ chối không cho biết tên; còn hoàng thân không quan tâm tới cái tin này hơn là người ta nói với ông “ Thưa Đức ông, hôm nay trời đẹp” hoặc “Thưa Đức ông, trời đang mưa”.

Ông trèo lên buồng ngủ và máy móc mở một cuốn sách. Nhưng quyển sách nào có thể làm tê liệt những vết cắn của con rắn độc đang gặm nhấm trái tim ông được.

Ông gieo mình xuống giường, nhưng dẫu đêm trước ông đã mất ngủ và nay thật rã rời vì mệt mỏi bởi những cuộc đua ngựa trong ngày, ông vẫn kêu gọi một cách vô ích những người bạn mà người ta gọi là giấc ngủ ấy, giống hệt như những người bạn khác, luôn có mặt bên cạnh bạn vào những ngày hạnh phúc thì nó lại rời xa khi ta cần đến nó, có nghĩa là vào những lúc bất hạnh nhất.

Cuối cùng cái giờ biết bao chờ đợi cũng đã tới; chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng; người lính tuần cảnh đi qua kêu lên:

– Nửa đêm rồi!

Hoàng thân khoác áo choàng, thắt thanh kiếm, giắt dao găm và đi khỏi nhà.

Thật vô ích khi nói ông đi về hướng nào.

Mười hai giờ mười phút đêm, ông đã ở cổng điện Luvrơ.

Lính gác hộ khẩu hiệu, hoàng thân chỉ cần xưng danh và ông bước vào.

Một người đàn ông đang bước dạo trong hành lang trên đó mở ra chiếc cửa phòng Biến hình.

Ông Côngđê ngập ngừng giây lát. Người đàn ông này quay lưng lại, nhưng do tiếng động bởi hoàng thân gây ra, người này quay ngược lại và kẻ si tình của chúng ta nhận ra Đăngđơlô đang đợi ông.

– Xin cảm ơn! – Ông nói – Nhưng tôi không có gì e ngại cả mà tôi nhớ: không phải tôi là người được yêu đâu.

– Vậy thì – Đăngđơlô nói với hoàng thân – mà quỷ đưa dắt nào mà ông lại đến đây?

– Để xem ai là người mà người ta yêu.. nhưng, suỵt! Có kẻ nào đấy.

– Đâu? Tôi không thấy ai cả.

– Còn tôi, tôi nghe thấy tiếng bước chân.

– Chán thật! – Đăngđơlô nói- Những kẻ ghen tuông mới thính tai làm sao! Côngđê kéo bạn vào chỗ khuất và từ đấy, họ thấy một bóng người đi tới; đến trước cửa phòng Biến hình, cái bóng ấy dừng lại một lát nghe ngóng, nhìn quanh và không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì cả mới khẽ đẩy cửa bước vào.

– Không phải là tiểu thư Xanh Ăngđrê! – Hoàng thân lẩm bẩm – Người đàn bà này có cái đầu to hơn đầu cô ta.

– Vậy là ông đợi tiểu thư Xanh Ăngđrê à? – Đăngđơlô hỏi.

– Tôi đợi ư, không , mà tôi rình.

– Nhưng thế nào mà tiểu thư Xanh Ăngđrê?

– Suỵt!

– Nhưng mà…

– Hãy cầm lấy, Đăngđơlô thân mến, để lương tâm thanh thản, ông hãy giữ lại lá thư này, hãy giữ nó như con người của mắt ông, ông hãy thoả chí đọc nó và nếu ngẫu nhiên tối nay tôi không khám phá được điều gì mà tôi tìm kiếm thì ông hãy cố xem trong mọi nét chữ mà ông biết, tìm ra chủ nhân của nét chữ này.

– Tôi có thể chuyển lá thư này cho ông anh tôi được không?

– Ông ấy đã đọc rồi, tôi có chuyện gì bí mật với ông ấy được chứ?… A! Tôi sẽ cho rất hậu để biết ai viết thư này.

– Ngày mai tôi sẽ trả nó lại cho ông nhé.

– Không, tôi sẽ đến nhà ông lấy lại. Hãy để bức thư chỗ ông anh ông; có thể bản thân tôi có chuyện gì đó kể cho các ông… Này, đó, vẫn con người ấy đi ra.

Bóng người đã vào phòng đúng là lại trở ra và lần này đi bên cạnh hai người bạn; may thay cái hành lang này cố tình đề thiếu ánh sáng và hai người bạn ẩn sâu trong ấy đã ở ngoài tầm đường đi và đứng trong bóng tối.

Nhưng với bước chân nhanh nhẹn và vững vàng mà cái bóng ấy đi dù là tối mà, thật dễ dàng nhận thấy người ấy đã quá quen thuộc với con đường này.

Thật vậy, vào lúc con người này đi ngang qua hai người bạn thì ông Côngđê nắm chặt bàn tay Đăngđơlô.

– La Lanu! – Ông lẩm bẩm.

La Lanu là một trong số thì nữ của Catơrin đờ Mêđixit ( con gái của Lôrăng đờ Mêđixit, sinh ở Florăngxơ, vợ Hăngri đệ nhị, mẹ của Frăngxoa II, Xaclơ IX và Hăngri đệ tam, nhiếp chính khi Xaclơ còn nhỏ. Chính trị khéo léo nhưng không tế nhị, không có tầm nhìn cao xa, bà trị vì bằng chia rẽ, giữ thế cân bằng giữ Tin lành và Thiên

Chúa giáo trong chiến tranh tôn giáo. Trong chuyện này, bà là hoàng thái hậu (N.D));theo người t a nói thì trong tất cả các thị nữ thì mụ được hoàng thái hậu yêu mến hơn cả và được tin cẩn nhất.

Mụ đến đây làm gì nếu không phải là được gọi tới bởi cuộc hẹn hò trong lá thư?

Vả nữa, mụ không đóng cửa mà chỉ khép hờ, vậy mụ phải trở lại.

Không thể để mất một giây vì sau khi mụ ta, lần này có thể cửa bị đóng lại.

Tất cả những suy tư ấy qua đầu hoàng thân nhanh như ánh chớp; ông xiết chặt bàn tay Đăngđơlô một lần nữa và lao về phòng Biến hình.

Đăngđơlô khoát một cử chỉ định giữ hoàng thân lại thì Côngđê đã rời xa.

Như ông đã nghĩ, chỉ khẽ đẩy, cánh cửa đã phải nhượng bộ và ông đã ở trong phòng.

Căn phòng này là một trong những căn phòng đẹp nhất ở điện Luvrơ trước khi gian phòng nhỏ trưng bày đồ mĩ nghệ được bắt đầu khởi công bởi Xaclơ IX, mượn một cái tên thần thoại ở những tấm thảm phủ buồng.

Quả thật, đó là những chuyện hoang đường về Pecxê và Ăngđrômet, về Mêđuydơ, về thần Păng, Apôlông và Đapnê, hình thành những đề tài chính của những bức tranh này, ở đây chiếc kim thêu đã hơn một lần tranh chấp một cách vinh quang chống lại chiếc bút vẽ.

Nhưng đặc biệt hấp dẫn là thần thoại Giuypite và Đanaê theo lời các sử gia.

Bức Đananê được tạo bởi một bàn tay tinh tế thật khéo léo mà ta thấy bộ mặt nàng rạng rỡ như đang cảm nhận, đang nhìn và nghe cơn mưa vàng rơi.

Tẩm thảm này được coi như hoàng hậu của những tấm thảm khác, được chiếu sáng bởi ngọn đèn bằng bạc, chạm trổ chứ không phải đúc, theo người ta khẳng định thì đây là tác phẩm của chính bàn tay Benvennutô Xelini sáng tạo. Thật thế, nào ai khác hơn người thợ chạm khắc và tạc tượng người Florăngxơ (Ý) là người mới có thể tự hào tạo một khối bạc thành một bình hoa từ đây thoát ra một ngọn lửa chói sáng chính từ bông hoa.

Tẩm thảm Đanaê này tạo bởi những bức vách của khuê phòng, đồng thời được ngọn đèn chiếu sáng Đanaê bất tử cũng được dành để chiếu sáng mọi Đanaê đang sống và sẽ chết, chờ đợi trên giường này, trên đó được treo cơn mưa vàng, của những thần Giuypite ở trái núi Ôlempơ trên mảnh đất này mà ta gọi là Luvrơ.

Hoàng thân nhìn khắp quanh mình, nâng các tấm rèm và rèm cửa để tin chắc chỉ có mình ông và sau khi khám xét tỉ mỉ, ông nhảy qua những trụ lan can, nằm xuống tấm thảm rồi trườn vào gầm giường.

Đối với độc giả không quen trang trí nội thất của thế kỉ thứ mười sáu, chúng tôi xin nói rằng đó là cái lan can.

Người ta gọi lan can là hàng rào làm bằng các trụ nhỏ hình thành các phòng nhỏ đặt quanh các giường để đóng kín các phòng the như ta hiên còn thấy trong các nơi đồng ca ở nhà thờ hoặc tiểu giáo đường và trong phòng ngủ của vua Lui thứ mười bốn ở Vecxay.

Chúng ta hãy tin rằng ông Côngđê nhảy qua lan can, xin độc giả hãy miễn cho chúng tôi tả những quan sát của ông, nhưng thay cho việc giải thích, chúng ta hãy dũng cảm tiến lên phía trước.

Như chúng tôi đã nói, sau khi nằm trên tấm thảm, hoàng thân trườn vào gậm giường.

Này! Vâng, chắc chắn đây là một tư thế kì cục, một tư thế không xứng đáng với một ông hoàng, nhất là ông hoàng ấy lại là hoàng thân đờ Côngđê. Nhưng các bạn muốn gì! Đó không hề là lỗi của tôi vì đúng là ông hoàng Côngđê trẻ, đẹp trai, si tình, thật ghen tuông đã kì cục đến thế, và đúng như tôi thấy sự việc được ghi trong lịch sử của hoàng thân thì người ta sẽ cho phép tôi không hề tỉ mỉ hơn nhà sử học.

Thưa độc giả thân mến, nếu nhận xét của bạn thật đúng và hợp lý thì hoàng thân vừa nằm dưới gậm giường cũng có cùng những suy nghĩ như bạn là tự khiển trách mình một cách nghiêm khắc nhất. Ông tự hỏi bộ mặt ông sẽ khó coi thế nào dưới gậm giường nếu ông bị phát hiện tại đây dù chỉ bởi một tên hầu; ông sẽ cung cấp cho những kẻ thù của ông một loạt những lời châm biếm chế giễu đến mức nào! Ông có cơ tự chuốc lấy sự mất uy tín đến mức nào dưới mắt bạn bè! Cuối cùng ông đi tới chỗ tin rằng ông thấy tách ra từ đáy tấm thảm bộ mặt giận dữ của ông đô đốc; bởi vì dù là trẻ con hãy người lớn khi chúng ta ở trong một hoàn cảnh mập mờ thì con người mà chúng ta nghĩ tới và chúng ta sợ nhất là thấy xuất hiện để trách cứ chúng ta về sự điên rồ của chúng ta, luôn luôn là người chúng ta yêu mến và kính trọng nhất, bởi vì chính lúc ấy và cũng lúc ấy đó là con người mà ta sợ nhất.

Vây là hoàng thân- Chúng tôi xin độc giả khắt khe tin chắc điều này – tự sỉ vả hết lời mà một người với tính cách và điều kiện của mình phải làm trong hoàn cảnh như vậy nhưng kết quả của mọi lập luận của ông là ông tiến sâu vào gậm giường hơn hai mươi xăngtimet như ta nói ngày nay, và ông chọn một tư thế thuận lợi nhất có thể ở lại đó.

Vả lại còn có việc khác phải nghĩ tới.

Ông đã quyết định khi hai kẻ tình nhân có mặt.

Đối với ông, điều hầu như đơn giản nhất là đột ngột bước ra và không cần lời giải thích mào đầu, đọ kiếm luôn với tình đích của ông.

Hành động này vẻ hoàn toàn đơn giản nhưng suy nghĩ lại, đối với ông tỏ ra không phải là không nguy hiểm. Không phải vì con người ông mà vì danh dự của ông. Người bạn ấy dù là ai, đúng là đồng loã với tính lẳng lơ của tiểu thư Xanh Ăngđrê, nhưng là đồng loã vô tư.

Vậy ông trở lại quyết định ban đầu của ông là quyết nhìn và nghe một cách lạnh lùng những gì sắp diễn ra dưới cặp mắt và đôi tai của một tình địch.

Ông vừa làm tròn cái hành động từ nhượng nhẫn nhục lớn lao này thì nghe tiếng kêu của chiếc đồng hồ của ông vang to đột nhiên nhắc cho ông một hiểm hoạ mà ông không nghĩ tới nó. Vào thời ấy, những đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường không chỉ là những vật xa xỉ mà còn là sở thích riêng, đã chạy rất kém tuỳ theo ước vọng của người thợ cơ khí hơn là tuỳ theo tính chất thất thường của chúng. Do đó mà chiếc đồng hồ của ông Côngđê đã chạy chậm nửa giờ so với giờ Luvrơ nên đổ chuông báo nửa đêm.

Ông đờ Côngđê như ta đã thấy, đang bị giày vò về sự nôn nóng hơi thất thường của nó, và tiếng chuông kêu của kẻ tố giác này không thể để tố giác ông, ông liền để cái vật trang sức bất cẩn ấy trong lòng bàn tay trái và ép nó lên đầu chuôi dao găm của ông, ấn mạnh đầu chuôi dao lên mặt kính đồng hồ và dưới sức ép ấy làm vỡ cái vỏ kép; chiếc đồng hồ đeo tay vô tội đã thở hơi cuối cùng.

Sự bất công của con người đã được thoả mãn.

Hành động này vừa hoàn thành thì cửa buồng một lần nữa mở ra; qua tiếng động mà nó gây ra đã thu hút đôi mắt hoàng thân quay về bên cạnh mình và ông đờ Côngđê thấy tiểu thư Xanh Ăngđrê bước vào, mắt rình mò, tai hóng gió, và theo sau, đi nhón đầu ngón chân là cái mụ xấu xa ghê tờm có tên Lanu.

Bình luận