Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tình Yêu Định Mệnh

Chương 17: Công khai chế giễu

Tác giả: Alexandre Dumas

Giờ đây, trong lúc ngài hồng y giáo chủ Loren được gã hầu phòng đưa vào giường nằm; trong lúc Rôbơc Stuya trở lại nhà Patric, bạn chàng; trong lúc hoàng thân Côngđê trở về lâu đài cùng lúc điên dại và cười cợt; trong lúc bà đô đốc không mệt mỏi lục hết các tủ áo của bà để tìm bức thư rủi ro đã gây nên tất cả sự bê bối này; trong lúc nhà vua hỏi mụ Lanu để thông qua mụ cố tìm hiểu làm thế nào mà cuộc hẹn hò của ông có thể lan truyền dư luận được; trong lúc ngài thống chế Xanh Ăngđrê tự hỏi có nên cảm ơn Chúa hoặc kết án sự ngẫu nhiên của sự việc đã xảy đến với ông; trong lúc tiểu thư Xanh Ăngđrê mơ màng có được quanh cổ và đôi cánh tay những đồ trang sức của bà Etămpơ và nữ công tước Valăngtinoa và trên đầu là vương miện của Mari Stuya, thì chúng ta hãy xem hai ông hoàng trẻ Môngpăngxiê và La Rôtxơ-suya-yông làm gì; về hai ông này chúng tôi hứa sẽ nói tới.

Hai ông hoàng đẹp trai và vui vẻ này, nhân chứng của cái cảnh ngoạn mục mà họ cho là hay ho thú vị đã cố hết sức kìm mình cho là hay ho thú vị đã hết sức kìm mình trước ba bộ mặt nghiêm khắc hơn bình thường vào lúc đó: ông Đờ Ghidơ, ông Xanh Ăngđrê và hồng y giáo chủ Loren. Còn hơn thế: cố giữ bộ mặt cho hợp với hoàn cảnh, họ đã có những lời lẽ an ủi rất thích hợp với hồng y giáo chỉ Loren, với ông thống chế Xanh Ăngđrê và ông Đờ Ghidơ. Rồi lợi dụng cái góc đầu tiên của hành lang cho phép họ giấu mặt, họ nín lặng dừng lại trong bóng tối đợi từng người một đi ra và khuất trong hướng đi thích hợp của họ. Khi chỉ còn hai người với nhau thì tiếng cười cố nén trong lồng ngực họ thoát ra ầm vang làm cho những cánh cửa kính của điện Luvrơ rung lên như có một chiếc xe chở nặng đi qua.

Mỗi người tựa lưng vào một bên tường, đối mặt với nhau, hai tay chống nạnh, đầu ngửa ra sau, oằn người cười sặc sụa trong những cơn co thắt làm người ta lầm tưởng là hai kẻ bị động kinh hoặc như người ta nói lúc ấy là hai kẻ bị ma ám.

– A! công tước thân mến! – Hoàng thân đờ La Rôtxơ-suya-yông lấy lại hơi thở nói.

– A! Hoàng thân thân mến!- Người này gắng đáp lại.

– Khi ta nghĩ rằng….khi ta nghĩ rằng có những người… những người đòi hỏi ta đừng cười nữa…ta đừng cười nữa trong cái thành phố Pari khốn khổ này!

– Đó là những người… những người có ý đồ xấu.

– A! Lạy Chúa tôi!…Việc này dẫu cùng lúc tạo ra cả điều tốt lẫn điều xấu thì cũng dễ cười cả thôi.

– Ông có nhìn thấy bộ mặt ông Đờ Gioanhvin không?

– Và bộ mặt thống chế đờ Xanh…Đờ Xanh Ăngđrê…

– Tôi chỉ tiếc một điều, công tước ạ – Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông bình tĩnh lại một chút nói.

– Còn tôi, tôi lại tiếc hai điều, hoàng thân ạ – Người này trả lời.

– Đó là không hề được ở vào vị trí nhà vua, tôi hẳn được cả Pari chú ý đến!

– Còn tôi, đó là không hề được cả Pari chú ý khi ở vào địa vị nhà vua.

– Ồ! Đừng tiếc làm gì, công tước ạ: ngày mai, trước buổi trưa, cả Pari sẽ biết chuyện.

– Nếu ông có cùng tính hài hước như tôi, công tước ạ, cả Pari sẽ biết chuyện này đêm này thôi.

– Bằng cách nào?

– Thật đơn giản.

– Nhưng còn…

– Tất nhiên! Bằng cách hô lên trên những nóc nhà.

– Nhưng lúc này cả Pari ngủ hết rồi.

– Pari không thể ngủ trong khi nhà vua của nó thức.

– Ông có lí! Tôi cam đoan là nhà vua còn chưa nhắm mắt.

– Vậy chúng ta hãy đánh thức Pari dậy đi.

– Ôi! Sự điên rồ mới tốt đẹp biết bao!

– Ông từ chối ư?

– Không, vì tôi nói với ông rằng đó là sự điên rồ có nghĩa là tất nhiên tôi đồng ý rồi.

– Thế thì lên đường.

– Này! Tôi e rằng cả thành phố sẽ biết một phần câu chuyện.

Hai người trẻ tuổi bước vội qua các bậc, xuống thềm điện Luvrơ như Hippômen và Atalăngtơ (Atalăngto(atalante):con gái vua Xirôs(Syros) nổi tiếng về chạy giỏi trong cuộc chạy đua. Hipppmen(Hippomène), nhờ ở ba quả táo vàng liên tiếp bở lại trên đường đua để cám dỗ và làm chậm bước chạy của Atalăngtơ nên đã giành phần thưởng(N.D)) đang gianh đua giải chạy thi.

Đến trong sân, họ gặp Đăngđơlô; với ông này họ giữ kín miệng cảnh giác vì lý do vai trò của bà chị dâu ông này đã đóng trong toàn bộ câu chuyện ấy và sợ ông này ngăn cản không cho họ ra.

Đăngđơlô xác định lí lích họ như ông đã làm với hoàng thân Côngđê và cho mở cửa để họ đi ra.

Hai con người trẻ tuổi khoác tay nhau tươi cười trong nhưng tấm áo choàng của họ, nhào qua khỏi điện Luvrơ, qua cầu treo và đến gần sông; tại đây một cơn gió bấc giá lạnh bắt đầu quất vào mặt họ. Lúc ấy, lấy cớ làm ấm người, họ lượm những hòn đá và ném vào những ô cửa những nhà lân cận.

Họ vừa ném vỡ hai hoặc ba ô kính cửa sổ và định tiếp tục cái trò giải trí dễ chịu này thì hai người đàn ông khoác áo choàng thấy hai người trẻ tuổi đang chạy liền ngăn đường, hô họ dừng lại.Hai người này bèn dừng lại. Họ chạy nhưng không trốn.

– Ông có quyền gì mà ra lệnh cho chúng tôi dứng lại? – công tước Môngpăngxiê bước lại chỗ một trong hai người la lên – Các ông hãy đi con đường của các ông và để cho hai nhà quý tộc cao thượng giải trí theo ý họ.

– A! Xin lỗi, thưa ngài, tôi không nhận ra ngài – Một người được công tước Môngpăngxiê hỏi liền nói – Tôi là Savinhi, chỉ huy trăm lính xạ thủ đội cận vệ và tôi trở về Luvrơ cùng ông Cacvoadanh, kị sỹ tuỳ viên thứ nhất của hoàng đế.

– Xin chào ông Savinhi! – Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông đi đến gặp viên chỉ huy trăm lính xạ thủ, chìa bàn tay cho ông ta, trong khi công tước Môngpăngxiê lịch sự trả lời những lời cung kính của kị sỹ tuỳ viên thứ nhất.

– Ông nói rằng ông trở vào điện Luvrơ à? Thưa ông Savinhi.

– Vâng, thưa hoàng thân.

– Thế này, chúng tôi vừa ở đấy ra, chúng tôi đây.

– Vào giờ này ư?

– Ông Savinhi, xin ông hãy lưu ý rằng nếu giờ vào là tốt thì giờ để đi ra hẳn cũng tốt đấy.

– Ngài hãy tin rằng, thưa hoàng thân, nếu biết đích xác là ngài thì tôi đã không bất cẩn hỏi ngài.

– Và ông đã lầm, ông bạn thân mến, bởi vì chúng tôi có những chuyện cực kì lí thú để nói với ông đấy.

– Về công việc của nhà vua phải không? – ông Cacvoadanh hỏi.

– Đúng thế, về việc của nhà vua. Ông đã phát hiện sự việc rồi sao, thưa ông kỵ sĩ tuỳ viên vĩ đại – Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông cười phá lên.

– Đúng thế sao? – Ông Savinhi hỏi.

– Xin lấy danh dự mà thề.

– Thuộc chuyện gì thưa các ngài.

– Nó thuộc về vinh dự lớn lao mà hoàng đế vừa làm thoả mãn chỉ trong chốc lát một trong số chỉ huy nổi tiếng nhất của ngài, – Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói.

– Và ông em của tôi, Đờ Gioanhvin, – Công tước Môngpăngxiê nói với tư cách là một học sinh thực thụ.

– Ngài nói về vinh dự nào? Thưa Hoàng thân.

– Vị chỉ huy ấy là ai, thưa công tước.

– Thưa các ông, đó là thống chế Xanh Ăngđrê.

– Còn những vinh dự nào mà hoàng đế còn có thể ban thêm vào những vinh dự mà ngài đã trao quá nhiều trọng trách cho ngài Xanh Ăngđrê: thống chế nước Pháp này, quý tộc đứng đầu đại diện này, dây bắc đẩu Bội tinh Xanh Misen này, hiệp sĩ Giarơchie này? Thực tế có những con người thật may mắn!

– Còn tuỳ.

– Thế nào? Còn tuỳ gì?

– Tất nhiên đó là một hạnh phúc có thể sẽ không thích hợp với ông, với ông, ông Savinhi ạ – vì ông đã có một bà vợ trẻ đẹp; kể cả ông, ông Cacvoadanh là người có một Côngđêcon gái trẻ và xinh đẹp…

– Thật thế sao? – Ông Savinhi kêu lên, bắt đầu hiểu ra.

– Ông đã hiểu rồi đấy, ông bạn thân mến- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói.

– Liệu ông có tin chắc những điều ông nói đấy chứ?- Ông Savinhi hỏi.

– Tất nhiên!

– điều ông nói đó thật nghiêm trọng đấy, thưa hoàng thân! – Ông Cacvoadanh nói tiếp.

– Ông thấy thế ư? Còn tôi, tôi thấy điều đó, trái lại, hài hước khủng khiếp.

– Nhưng ai đã nói với ông?

– Ai đã nói với chúng tôi ư? Không ai cả , chúng tôi đã nhìn thấy.

– Ở đâu?

– Tôi đã nhìn thấy và cùng nhìn thấy với tôi là các ông Đờ La Rôtxơ-suya-yông, Xanh Ăngđrê, ông em Đờ Gioanhvin của tôi, xin mở ngoặc chính ông này đã nhìn thấy rõ hơn người khác vì ông ấy cầm một cây đèn chum… Có bao nhiêu ngọn nhỉ, hoàng thân?

– Có năm ngọn!- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói và lại cười ròn rã hơn.

– Sự liên minh giữa hoàng thượng và thống chế vậy là không còn nghi ngờ nữa – Công tước Môngpăngxiê nghiêm nghị nói tiếp- kể từ lúc này, những kẻ tà giáo chỉ có giữ mình cho kỹ. Chính vì lũ ấy chúng tôi sắp tiếp xúc với người Thiên Chúa giáo chính thống của Pari.

– Có thể thế được chăng?- Ông Savinhi và ông Cacvoadanh cùng kêu lên một lúc.

– Đúng như tôi có hân hạnh nói với các ông chuyện này, thưa các ông- Hoàng thân trả lời- tin tức còn tươi rói chưa quá một giờ đến nỗi chúng tôi tin rằng chúng tôi đã cho các ông một chứng minh sự thân ái bằng cách thông báo cho các ông tin này. Thật rõ ràng đó là điều kiện cho các ông lan truyền tin này và ông thông báo chuyện này cho tất cả những ai mà các ông gặp.

– Vào giờ này thật ít gặp được bạn bè, ít ra là một sự may mắn như may mắn đã cho phép chúng tôi gặp được các ông, chúng tôi mời các ông làm như chúng tôi là những cánh cửa đóng kín phải mở ra, làm cho các bạn ông đang ngủ phải bật dậy và nói với họ bằng cách thông báo cho họ điều bí mật như gã thợ cạo của vua Miđat đã làm với những kẻ yếu: “Vua Frăngxoa đệ nhị là tình nhân của tiểu thư Xanh Ăngđrê”.

– A! tất nhiên! Thưa các ngài- Nhà kị sỹ tuỳ viên vĩ đại nói- việc sẽ được làm như ông nói, tôi có thể làm thống chế Xanh Ăngđrê đau khổ và tôi biết gần đây có một bạn tôi và với tin này sẽ gây biết bao niêm vui nên tôi sẽ không ngần ngại khi chia tay ông, đi đánh thức ông ta dậy dù ông ta mới ngủ say.

– Còn ông, ông Savinhi thân mến- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói- Tôi tin chắc rằng ông không có thiện cảm gì với ông Đờ Gioanhvin, tôi tin rằng ông sẽ theo gương ông Cacvoadanh.

– A! Tất nhiên! Vâng! – Ông Savinhi kêu lên- Thay cho việc trở vào Luvrơ, tôi sẽ về nhà và kể việc này cho vợ tôi. Ngày mai, trước chín giờ sáng, bốn bà trong số bạn bà ấy sẽ biết chuyện tôi hứa với ông rằng không khác gì ông đưa bốn cái kèn hoa hướng về bốn phía.

Thoả thuận xong, bốn lãnh chúa tạm biệt nhau, hai người trẻ tuổi đi qua bờ sông về phố Mone; còn ông Savinhi và ông Cacvoadanh, đáng lẽ trở vào Luvrơ thì mỗi người đi mỗi phía, cần mẫn loan cái tin của ngày này, đúng hơn là ban đêm.

Đến phố Mone, hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông thấy một bảng hiệu kêu ken két trước gió, một cửa sổ còn sáng đèn.

– Này!- Công tước nói – Tuyệt! Kia là một cửa kính của gia đình sang trọng còn sáng vào ba giờ rưỡi sáng. Đây là một nhà tư sản cưới vợ hoặc một thi sĩ hẳn đang làm thơ.

– Có cái đúng trong những lời ông vừa nói, ông bạn thân yêu, tôi quên khuấy là tôi được mời dự một hôn lễ. Quả thật, tôi muốn có thể chỉ cho ông người vợ của ngài Bantada. Ông sẽ thấy cô gái dẫu không phải là con một thống chế nước Pháp nhưng không kém một cô gái đẹp; tuy vắng mặt người vợ, tôi sẽ chỉ cho ông thấy mặt người chồng.

– A! Hoàng thân thân mến, sẽ không nhân ái bắt người đàn ông khốn khổ phải ra cửa sổ lúc này.

– Được! – Hoàng thân nói -Về chuyện này, đây là con người duy nhất không sợ gì hết.

– Tại sao?

– Bởi vì người này luôn bị sổ mũi. Tôi quên biết ông ta đã mười năm nhưng tôi chưa thể kéo nổi lưỡi ông ta lấy một lời “ chào hoàng thân” một cách thẳng thắn.

– Vậy chúng ta hãy xem con người ấy.

– Bởi lẽ ông ta vừa là chủ nhà tắm vừa là chủ khách sạn nên ông ta có những nồi hấp trên sông Sen và ngày mai khi kỳ cọ những người của ông ta, ông ta sẽ nói chuyện mà chúng ta kể cho ông ta.

– Hoan hô!

Hai người trẻ tuổi của chúng ta giống như hai học sinh đi đến bờ sông, nhét đầy sỏi vào túi để ném thia lia xuống nước; hai người trẻ tuổi buộc phải rời bờ sông đã nhét đầy túi những hòn đá nhỏ mà họ tính sẽ sử sụng như những máy phóng đá vào những ngôi nhà mà họ mong là công hãm được. Hoàng thân lấy một hòn sỏi trong túi, lùi lại hai bước để lấy đà như chúng ta đã thấy Rôbơc Stuya làm… nhưng với ý đồ thâm hiểm hơn, ông liệng hòn sỏi vào những ô cửa sổ sáng đèn.

Cửa sổ được mở ra rất mau lẹ làm ta tưởng như chính hòn sỏi mở nó ra.

Một người đàn ông đội mũ ngủ xuất hiện, tay cầm cây đèn nến la lên:

– Cướp!

– Hắn nói gì thế?- Công tước hỏi.

– Ông thấy rõ ta cần làm quen với hắn để hiểu hắn nói gì. Hắn gọi chúng ta là kẻ cướp đấp.

Rồi quay lưng về phía cửa sổ:

– Đừng nóng vội, Bantada; tôi đây! – Hoàng thân nói.

– Ngài…Điện hạ đấy ư?….Mong Điện hạ thứ lỗi cho tôi!… Điện hạ có đầy đủ quyền làm vỡ những “ô vuông” kính của tôi nếu điều đó làm điện hạ vui lòng.

– A! Lạy Chúa lòng lành!- Công tước cười khùng khục trong họng kêu lên – Con người hiền lành nói tiếng gì với ông lạ thế? Hoàng thân?

– Những người quen biết hắn nói rằng đó bí ngữ của tiếng Iarốc và Hôtăng. Trong cái giọng gầm gừ ấy, hắn nói với chúng ta một điều rất thật thà.

– Điều gì?

– Rằng chúng ta có quyền ném vỡ các ô cửa kính của hắn.

– A! Tất nhiên! Điều này xứng đáng một lời cảm ơn đấy.

Rồi nói với Bantada:

– Ông bạn ơi – Ông nói với gã – Tiếng đồn lan tới tận cung đình là hôm nay ông cưới vợ và vợ ông thật đẹp. Thế là chúng tôi vội vàng ra khỏi Luvrơ để chúc mừng ông.

– Và để nói với ông rằng, ông Bantada thân mến, trời chuyển lạnh và đó là thời tiết tốt cho hạnh phúc trên trái đất.

– Trong lúc trái tim của hoàng thượng lại chuyển sang nóng, đó sẽ là điều hạnh phúc cho thông chế Xanh Ăngđrê đấy.

– Tôi không hiều gì cả.

– Bất kể! Ông hãy nhắc lại đúng những lời chúng tôi vừa nói với ông là đủ, ông Bantada thân mến ạ. Những người khác sẽ hiểu điều đó và sẽ biết điều đó muốn nói gì rồi. Xin gửi lời chúc mừng của chúng tôi tới bà nhà nhé.

Và hai người trẻ tuổi lại quay về phía Mone vừa cười phá lên, vừa lắng tai nghe người chủ khách sạn “Bò cái đen” làu bàu và ho, ông ta có thể đã đóng chặt cửa nhưng không thể hàn gắn lại các ô cửa kính vỡ.

Bình luận
× sticky