Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Kể Đêm Giáng Sinh

Phút Suy Tư Cầu Nguyện Với Những Hình Ảnh Và Biểu Tượng Của Mùa Giáng Sinh

Tác giả: Linh mục Phương Đình Toại
Thể loại: Văn Hóa - Tôn Giáo

Bạn thân mến, suốt mùa Vọng và Giáng Sinh, rảo bước trên các nẻo đường, từ nhà thờ đến khắp các khu đô thị hiện đại, từ các khu xóm đến cả trong nhà chúng ta, thật dễ dàng để bắt gặp hình ảnh của cây thông Noel, máng cỏ, đèn, nến, ngôi sao, và các Thiên Thần… nhưng thật ít khi chúng ta hiểu được những ý nghĩa sâu xa ẩn sau các biểu tượng được dùng để trang trí cho ngày sinh nhật Con Chúa.

Mỗi một biểu tượng có một ý nghĩa của nó, một khi chúng ta hiểu được nó, ngày lễ Giáng Sinh sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, giúp ta sống tâm tình mùa Giáng Sinh một cách trọn vẹn hơn.

Tôi xin được chọn một số biểu tượng thường có trong mùa Giáng Sinh (dựa theo ý của cha Anselm Grun, 2015) để mời bạn cùng suy ngẫm và cầu nguyện.

Chắc hẳn bạn thường thấy, khởi đầu Mùa Vọng chuẩn bị đón Giáng Sinh, các nhà thờ thường trưng một vương miện bằng lá trước bàn thờ (Wreaths), với bốn cây nến trên đó.

Vương miện, thường được xem là biểu tượng của sự thành đạt trong sự nghiệp và hoài bão của một người. Ngày xưa hoàng đế La Mã thường đội một vương miện bằng lá trên đầu nói lên sự vinh quang và thánh thiêng của đế chế mà vị hoàng đế đó cai trị.

Đối với người Công Giáo chúng ta, khi kết vương miện bằng vòng lá trong nhà thờ hay treo trước cửa nhà, là một cách chúng ta nói lên rằng, chúng ta đang khát khao và mong chờ đón rước vị hoàng đế của muôn dân là Con Thiên Chúa sẽ đến với chúng ta. Chúng ta sẵn sàng đón tiếp Người trong ngôi thánh đường, ngay tại nhà mình. Vương miện lá cũng là biểu tượng nhắc chúng ta rằng chính Thiên Chúa là người nối kết chúng ta lại với nhau như những chiếc lá. Vì thế qua vương miện lá, chúng ta hy vọng rằng mùa Giáng Sinh này, Chúa Hài Đồng sẽ là Đấng hiệp nhất gia đình, cộng đoàn chúng ta nên một. Vương miện nhắc nhở chúng ta rằng, điều duy nhất liên kết chúng ta lại với nhau không phải là của cải vật chất, hay danh vọng hão huyền bên ngoài, nhưng chính là Chúa Jesus, chính là sự chiến thắng của tình yêu Chúa trước tội lỗi nhân loại.

Bốn ngọn nến thắp lên trên vương miện lá vào mỗi tuần trong mùa Vọng nói lên một sự thật rằng thân phận con người chúng ta yếu đuối và mỏng giòn. Chúng ta cần ánh sáng ơn cứu độ của Chúa chiếu tỏa tâm hồn mình. Và một mặt khác, ngọn nến được thắp lên cũng như chính tâm hồn của chúng ta cần phải được thắp sáng trong sự tỉnh thức để đón chờ Ngài đến.

Khi bạn treo vòng lá trước cửa nhà, khi bạn đến nhà thờ trong Mùa Vọng, hãy nhớ đến ý nghĩa này: Hãy dâng cho Chúa những rạn nứt trong tương quan của mình với tha nhân, hãy đặt niềm hy vọng vào Chúa, xin Chúa là mối dây thắt chặt tâm hồn bạn và người thân của bạn bằng tình yêu và sự đơn sơ của Ngài qua Hài nhi Jesus.

Mùa Giáng Sinh chúng ta thắp rất nhiều đèn, ánh sáng được thắp lên khắp nơi. Đối với Giáo hội chúng ta, cây nến tượng trưng cho chính Chúa Kitô*:

Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.

(John 8,12)

Ánh sáng của Chúa Kitô chiến thắng bóng tối và tất cả mọi bóng đêm của cái chết. Khi chúng ta thắp đèn, đốt nến trong ngày Giáng Sinh, chúng ta thắp lên lại niềm tin trong lòng mình, đó là lúc chính mỗi người chúng ta cũng được ánh sáng Chúa chiếu rọi qua phép rửa tội, và chúng ta được làm con Chúa. Do đó, ngọn nến nhắc nhớ về bí tích rửa tội của mỗi người chúng ta, khi chúng ta được trao cho ngọn nến và được sai đi, làm cho Chúa sinh ra và hiện diện qua chính cuộc đời và nhân chứng của mình.

Bạn hãy thử thắp một ngọn nến trước hang đá trong mùa Giáng Sinh này và ngồi trước ngọn nến để cầu nguyện với Chúa Hài Đồng. Hãy hình đung như bạn đang đặt trước ngọn nến và Hài Nhi Jesus tất cả những gì là con người thật của mình, như Chúa ban cho mình. Bạn cũng muốn thắp sáng lên những mảng tối trong tâm hồn mình mà lâu nay đã bị che đậy trước người khác: những lỗi lầm, những mặc cảm, nỗi buồn thầm kín, những yếu đuối, những thèm khát riêng tư. Hãy mang những điều này đặt trước Chúa Hài Đồng và xin người dùng ánh sáng ơn cứu độ của Người chiếu rọi vào những bóng tối đó. Sau đó bạn kết thúc phút cầu nguyện của bạn bằng lời của tiên tri Isaiah:

Những người đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; những người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

(Isaiah 9,11)

Nhờ ánh sáng của Chúa, tâm hồn bạn sẽ không còn sợ hãi trước bóng tối, bạn sẽ không còn phải lo sợ khi phải đi qua những đêm tối của cuộc đời vì biết rằng có ánh sáng Chúa dẫn đường cho bạn. Và nhờ nguồn sáng đó, bạn cũng sẽ trở thành ánh sáng cho tha nhân trên những nẻo đường của họ.

Cây thông Giáng Sinh thật sự chỉ được trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ 19 tại các nước phương tây. Sở dĩ người ta dùng cây thông để trưng trong mùa Giáng Sinh vì gần như nó là cây duy nhất còn giữ được màu xanh vào mùa đông băng giá. Vì thế người ta còn gọi thông là “evergreen tree”. Từ xa xưa, cây thông cũng được xem là biểu tượng của Chúa Kitô, vì Chúa là cây đem lại sự sống thật. Và cây cũng là biểu tượng kết nối trời và đất. Hình ảnh cây thông nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Kitô sinh ra đã trở thành Đấng kết nối giao hòa trời và đất. Cây thông mãi giữ màu xanh ngay cả trong mùa đông tuyết lạnh muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy tê cóng và mất đi sự sống, Chúa Kitô là Đấng sẽ đem lại nguồn sống thật cho chúng ta.

Cây thông xanh cũng nhắc chúng ta đến hình ảnh Adam và Eva, đã đến hái trái cấm của cây hiểu biết trong Vườn Địa Đàng năm xưa, do kiêu ngạo và không vâng phục, họ đã phải chết. Nay với Chúa Kitô là cây đem lại sự sống thật, chúng ta được kín múc sự sống của Ngài qua hoa trái của sự hiểu biết thật về Chúa. Vì Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống.

Người ta thường gắn trên lên cây thông những trái châu tròn, nhằm nói lên biểu tượng của mỗi một người chúng ta, nếu biết gắn kết mình với nhánh cây của Chúa, chúng ta sẽ trở nên tròn đầy bởi sự sống của Chúa. Khi hiểu được ý nghĩa của Cây Ban Sự Sống là chính Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể ngầm hiểu rằng, vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh chúng ta tặng bánh khúc cây cho nhau, và cùng nhau ăn bánh trong đêm lễ vọng mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là chúng ta chúc nhau được tràn đầy sự sống từ Chúa Hài Đồng, và chúng ta cũng muốn thông phần mình vào chính sự sống mà Chúa ban cho chúng ta qua chính Con Một của Ngài.

Mùa Giáng Sinh này, khi bạn treo những trái châu vào cây thông Giáng Sinh trong nhà hãy nghĩ đến chính bạn, những người thân của bạn. Hãy tạ ơn Chúa vì sự sống Ngài đã ban cho bạn và những người bạn yêu mến. Bạn hãy đặt thêm một quả châu đặc biệt để nhớ đến ai đó đang xa Chúa mà bạn biết, hay một ai đó đang cần đến sức mạnh của Chúa để vượt qua thử thách. Mỗi lần bạn đi ngang qua cây thông ấy, hãy dâng một kinh nguyện cho những người đó, xin Chúa đem lại ơn chữa lành cho họ.

Năm xưa, chính Thánh Francis thành Assisi là người đầu tiên nghĩ ra việc làm hang đá và máng cỏ trong mùa Giáng Sinh. Ngài đã mượn một số người đóng vai các nhân vật trong hang đá một cách thật đơn sơ và sống động như đã được kể trong Phúc Âm, nhằm giúp cho mọi người hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự kiện Chúa làm người.

Hang đá và máng cỏ không chỉ là một hình ảnh trang trí để làm chúng ta nhớ lại hơn hai ngàn năm trước Chúa sinh ra, nhưng cũng là hình ảnh dành riêng cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên máng cỏ để Chúa đến và được nằm vào trong.

Ai trong chúng ta cũng có sự yếu đuối, nghèo hèn của bản thân mình. Nếu năm xưa Chúa không ngại sinh ra trong hang đá và đặt nằm trong máng cỏ, nơi không ai ngờ Ngài có thể chọn để đến, thì chắc chắn trong mỗi người chúng ta cũng sẽ có những nơi, những ngóc ngách nghèo hèn, yếu đuối mà Chúa sẵn sàng đến để sinh ra và ở lại. Với Chúa Jesus, chúng ta cũng có thể dâng cho Ngài sự yếu đuối cùng những bối rối của tâm hồn, sự thiếu trong sạch và ngay cả những khao khát thế tục mà mình đang che giấu mặc cảm, tin rằng Chúa không ngại đến ở trong chúng ta cho dù chúng ta giới hạn như thế nào.

Hang đá và máng cỏ nói lên hai khía cạnh của tương quan giữa chúng ta và Chúa Jesus, một mặt nó nói lên sự yếu đuối, thấp hèn và bất xứng của con người mình trước mặt Chúa, nhưng mặt khác nó nói lên việc Chúa sẵn sàng biến đổi sự yếu đuối nơi con người ta thành nơi trú ẩn thánh thiêng của Chúa.

Còn nhiều người trên thế giới hôm nay do địa vị thấp bé, do thiếu sót bản thân đã bị xã hội cười chê khinh rẻ, có khi những người đó đang sống xung quanh bạn, có khi bạn cũng từng là nạn nhân của sự khinh miệt chê cười của người đời, và làm cho lòng tự trọng của bạn bị tổn thương.

Đêm Giáng Sinh này, bạn hãy dành một vài phút cầu nguyện cho những con người đó. Hãy dâng cho Chúa chính những mặc cảm và tủi nhục mà bạn đã từng nếm trải, biết đâu Chúa đang cần những điều đó để có chỗ tựa đầu… và biến nó thành nơi trú ẩn ấm cúng trong tâm hồn bạn.

Có lẽ một trong những hình ảnh đặc biệt mà chúng ta thường thấy trong mùa Giáng Sinh đó là các Thiên Thần. Trong Phúc Âm, Thánh Luke và Thánh Matthew kể đến các Thiên Thần đóng vai trò đưa tin và báo mộng. Thiên Thần truyền tin cho Mary, Joseph về việc Chúa sẽ sinh ra. Tin Mừng Thánh Luke kể lại việc Thiên Thần báo tin cho các mục đồng Chúa đã giáng sinh làm người và chỉ cho họ biết Ngài ở đâu. Có một đặc điểm của các Thiên Thần khi hiện ra đó là việc Thiên Thần luôn trấn an những người các ngài gặp.

“Đừng sợ, vì ta nói cho ngươi một tin vui.”

(Lc 2,10)

Chưa bao giờ con người chúng ta lại mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi như ngày nay. Chúng ta sợ bị hãm hại, sợ bị cướp, sợ ăn phải thực phẩm bẩn, sợ bệnh tật, sợ bị bỏ rơi, sợ bị nghĩ xấu… Nỗi sợ làm cho chúng ta khép lòng mình lại. Sợ làm cho chúng ta luôn ở tư thế tự vệ và làm cho tâm hồn chúng ta luôn ngờ vực, nặng trĩu bởi lo âu. Thiên Thần Chúa trong lễ Giáng Sinh, cũng chính là biểu tượng của sự trấn an của Chúa dành cho chúng ta. Đừng sợ, vì Chúa đã đến, Chúa đang ở đây, Chúa đang chờ ta, hãy đến phụng thờ Ngài. Hơn thế nữa, chúng ta cũng có thể tự hỏi bản thân xem mình có phải là người đem lại nỗi sợ hãi cho người thân xung quanh mình chăng. Từ chính sự sợ hãi bị tổn thương của mình, mà mình lại gây ra sợ hãi cho người khác.

Đêm Giáng Sinh này, Chúa cũng muốn bạn trở nên một người đưa tin của Ngài bằng cách vượt qua sự thờ ơ và cứng nhắc của mình, nhưng hãy là người đưa tin vui của Chúa, bằng chính sự hiện diện và đồng cảm của bạn đối với ai đang sống trong lo âu sợ hãi vì bạn tin rằng trong chính tâm hồn mỗi người Chúa đều muốn đến trú ngụ và muốn được sinh ra.

Một biểu tượng dường như không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh đó là ngôi sao. Thánh Matthew kể lại việc có một ngôi sao đã hiện ra báo hiệu cho các nhà đạo sĩ ở phương đông biết Chúa Cứu Thế đã sinh ra ở Judea. Họ đã lần mò theo dấu hiệu của ngôi sao để tìm đến Chúa.

Ngôi sao trong đêm Giáng Sinh không chỉ là ngôi sao dẫn đường, nhưng ngôi sao cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà người ta thường biết đến. Sao sáng trên bầu trời trong đêm tối cũng nói lên ánh sáng thiêng liêng của Chúa trong tâm hồn mỗi người chúng ta, vốn có thể hiện diện trong bất cứ bóng tối nào, và có thể biến đổi bóng tối đó.

Người Do Thái năm xưa cũng như truyền thống đông phương vẫn thường cho rằng, mỗi một người chúng ta có một ngôi sao hộ mệnh trên trời đại diện cho các Thiên Thần bản mệnh. Và ngôi sao là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối của cuộc đời chúng ta như là Thiên Thần bản mệnh đồng hành với chúng ta qua những lúc khó khăn, cám dỗ.

Tiếng Latinh dùng từ “desiderium” để nói đến nỗi nhớ mong, nhưng từ này có gốc từ là “sidera” nghĩa là ngôi sao. Đối với người La Mã, nhớ mong và khao khát đồng nghĩa với việc ước muốn đem được ngôi sao xuống mặt đất. Chúng ta cũng có truyền thống nhìn đến ngôi sao như những điều ước, và khao khát. Và một trong những khao khát đó là được trở về nhà trong dịp Giáng Sinh. Khi chúng ta ở xa nhà, chúng ta thường nhìn lên trời tìm kiếm những ánh sao sáng để gửi những ước mong của mình. Chúng ta hy vọng rằng người thân của chúng ta trong đêm tối cũng nhìn thấy sao trên trời như chúng ta nhìn thấy. Sao trở nên điểm chung trong tầm nhìn của hai người yêu nhau khi họ ở xa nhau. Qua đó, ngôi sao là ánh sáng dẫn đường cho cảm xúc của mình đến với người mình yêu.

Khi bạn đang ở xa quê hương, khi bạn nhớ ai đó trong mùa Giáng Sinh này, trước khi sử dụng điện thoại hay internet để liên lạc trực tiếp với người mình yêu thương, hãy thử dành ít phút đi dạo dưới đêm trời sao, hãy thử tìm một ánh sao nào đó và gửi gắm lên Chúa lời cầu nguyện của bạn cho người đó. Và hãy Xin Chúa là ánh sáng dẫn dắt tình cảm của bạn trong mọi suy nghĩ hành động của mình đối với người mình yêu mến.

Chú Thích

* Khristos (tiếng Hy Lạp), nghĩa là “Đấng được xức dầu”, dịch theo danh hiệu Messiah trong tiếng Hebrew.

Bình luận