Sao hả, bọn nhóc, tụi mày chuẩn bị quậy phá gì nữa đó? Horace Tremayne hỏi.
Anh đang đứng ở cửa vào phòng “Văn thư” của nhà xuất bản Amigos, và đang trừng mắt nhìn Hannibal Jones, Peter Crentch và Bob Andy.
– Tụi em đâu có chuẩn bị quậy phá, tụi em đang soạn thư – Peter ngạc nhiên trả lời.
– Không qua mắt tôi nổi đâu! Tremayne đáp.
Trên gương mặt thường vui vẻ của anh, lộ vẻ đe dọa.
– Các cậu dám tự xưng là nhân viên văn thư, trong khi thật ra các cậu là thám tử tư.
Anh Tremayne còn trẻ, chủ nhiệm Nhà xuất bản Amigos, được các nhân viên đặt cho bí danh là “Mập”, phá lên cười.
– Tôi nói quá đúng phải không? Các cậu đúng là thám tử? Anh nói tiếp.
– Ôi! Peter kêu, Anh làm bọn em hết hồn.
Bob Andy mỉm cười.
– Tụi em không có cuộc điều tra nào mùa hè này – Bob giải thích. Cho nên bọn em đã quyết định làm công việc văn phòng.
– Nhưng làm sao anh biết được bọn em là ai? Hannibal hỏi, khuôn mặt tròn tỏ ra rất ngạc nhiên.
– Tối hôm qua, chú Will đã thuê xe đi dự một buổi trình chiếu phim mới ở Hollywood – “Mập” Tremayne giải thích. Xe thuê là chiếc Rolls Royce mạ vàng có bác tài là một người Anh tên Warrington,
– Em hiểu rồi, Hannibal cười đáp.
Warrington không xa lạ với Ba Thám Tử Trẻ. Trước đó, Hannibal đã trúng giải một cuộc thi, phần thưởng là “Chạy xe Rolls ba mươi ngày”. Sau khi chở ba thám tử trẻ suốt một tháng, Warrington đã quan tâm đến công việc của ba bạn.
– Warrington đang nói về những người khách của mình – anh Mập nói tiếp. Khi biết các cậu vào làm chỗ chúng tôi ông đã khuyên tôi nên đề phòng: “Các cậu này hay gây rắc rối ở những nơi không có rắc rối” – ông đã nói thế.
– Chủ yếu Hannibal mới là người hay gây rắc rối, Peter nói rõ.
– Đúng. Và sau đó, tất cả bọn em phải xúm nhau làm đủ mọi cách để giải quyết – Bob nói thêm.
Hannibal rút danh thiếp ra khỏi ví, đưa cho anh Mập.
Ba Thám Tử Trẻ
Điều tra các loại
???
Thám tử trưởng: Hannibal Jones
Thám tử phó: Peter Crench
Lưu trữ và nghiên cứu: Bob Andy
– Nhìn có vẻ chuyên nghiệp quá – chủ nhiệm nhà xuất bản nói. Nhưng ba dấu chấm nghĩa là sao vậy?
Hannibal tỏ ra rất thích thú. Lúc nào người ta cũng hỏi từ này và thám tử trưởng luôn thích trả lời.
– Dấu chấm hỏi là biểu tượng toàn cầu của cái mà mình chưa biết đến, Hannibal trả lời. Mà cái chưa biết đến luôn khêu gợi sự tò mò của người khác,
– Đúng, Mập thừa nhận. Nếu có cần đến thám tử, thì có thể một ngày nào đó tôi sẽ gọi. Warrington bảo các cậu siêu lắm.
– Tụi em đã giải quyết được một số vụ khá hay – Hannibal thừa nhận. Bí quyết thành công là tụi em tin tưởng rằng cái gì cũng có thể làm được.
– Các cậu còn trẻ, nên không có thành kiến – Chủ nhiệm nhà xuất bản bình luận. Trong một cuộc điều tra, điều này là một thuận lợi đấy. Phiền cái là ở đây không có vụ bí ẩn nào hết. Ngoại trừ một điều khó hiểu: tại sao máy làm cà phê lại cho ra cà phê dở ẹt.
Đúng lúc đó, có tiếng chạy trong hành lang, Horace Tremayne ra nhìn thử.
– Chú Will ơi – anh nói. Sao lâu thế?
Một hồi sau, một người đàn ông tóc vàng và ria vàng xuất hiện. Đó là ông William Tremayne. Như mọi ngày ông ăn mặc hết sức thanh lịch, ông mặc quần màu cà phê sữa và áo vét màu sôcôla. Ông liếc nhìn ba thám tử, nhưng cảm thấy không cần thiết phải nói chuyện với ba cậu.
– Khi chú bỏ xe lại ở gara, người ta không chịu cho chú mượn xe – ông giải thích với Tremayne. Chú phải đi taxi, thật là phiền phức.
– Đúng, phiền phức thật – Mập nói đùa. Này chú Will ơi, hôm nay là ngày ông Marvin Gray nộp bản thảo cho ta. Chú có muốn gặp ông ấy để nói chuyện không?
– Marvin Gray à… William Tremayne nói, nét mặt vừa không hiểu vừa bực bội.
– Kìa chú Will! Đó là người đại diện cho bà Madeline BrainBridge. Chính ông ấy đã làm hợp đồng.
– Ý cháu nói tài xế của ngôi sao điện ảnh lừng danh hả? William Tremayne nói.
– Cựu tài xế – Mập trả lời có vẻ bực mình nhưng cố không lớn tiếng, Nay, ông đã trở thành đại diện cho bà Madeline BrainBridge, và bản thảo của ông mang đến có vẻ sẽ thành công vang dội. Thời còn là ngôi sao điện ảnh, Madeline BrainBridge biết mọi người ở Hollywood. Khi công chúng biết nhà xuất bản ta sắp ra hồi ký của bà, sẽ gây tiếng vang rất lớn.
– Phải, sẽ gây ồn ào đấy – Will Tremayne đồng tình, nét mặt khinh bỉ. Chú không hiểu tại sao dân tình lại mê mấy bà cựu ngôi sao điện ảnh đến thế. Nhưng chú đồng ý là họ đòi gì thì ta bán nấy.
– Madeline BrainBridge không phải là một cựu ngôi sao điện ảnh.
– Thế là gì?
– Một truyền thuyết.
– Khác nhau ở chỗ nào? William Tremayne nói mỉa.
Nhưng ông không chờ trả lời. Ba thám tử nghe tiếng ông bước lên cầu thang dẫn lên phòng, lên lầu một. Horace có vẻ khó chịu, điều này thường xảy ra sau khi anh gặp ông chú của mình.
– Anh có bao giờ gặp đích thân Madeline Bainbridge không? Hannibal hỏi.
Anh Mập có vẻ ngạc nhiên.
– Cậu có nghe nói đến bà ấy à?
– Em quan tâm đến điện ảnh – Hannibal trả lời. Em có đọc bài báo về bà. Nghe nói bà ấy rất đẹp và diễn xuất tuyệt vời. Tất nhiên thời bây giờ thì khó mà đánh giá nổi, bởi vì phim bà ấy đóng không bao giờ được chiếu trên truyền hình nữa.
– Chưa – anh chủ nhiệm nhà xuất bản nói. Tôi chưa bao giờ được gặp bà ấy, bà ấy trốn tránh, không muốn gặp ai cả. Mọi liên lạc với bà là qua Marvin Gray. Có thể ông từng là tài xế, nhưng ông có vẻ là một doanh nhân rất tài giỏi. Khi về hưu, bà Madeline BrainBridge đã mua lại mọi cuốn phim âm bản của các bộ phim của mình từ tay các nhà sản xuất phim, và cất giữ trong phòng kín ở ngôi nhà tại Malibu. Marvin Gray nói bóng nói gió rằng có thể bà ấy sắp bán lại cho đài truyền hình. Nếu được vậy, quyển sách này sẽ là quyển bán chạy nhất trong năm.
Chỉ nghĩ như vậy thôi, Mập cũng thích thú mỉm cười, rồi rời khỏi phòng. Ba thám tử nghe anh vấp trên cầu thang, rồi lấy lại thăng bằng, leo lên lầu một, vừa đi vừa huýt sáo vui vẻ.
– Anh này dễ thương quá há, Peter nhận xét.
Không ai trả lời Peter. Ba cậu đã làm việc được ba tuần lễ ở nhà xuất bản Amigos, và biết rằng anh Mập luôn bị vấp khi leo cầu thang, Anh ấy có đôi vai rộng và thân hình như người tập thể thao, nhưng các bộ phận của cơ thể anh không chịu thống nhất với nhau. Cặp giò hơi quá ngắn so với lồng ngực đô vật. Bàn chân cũng hơi bị nhỏ. Cái mũi cũng vậy, có lẽ khi nhỏ anh đã bị té dập mũi, bởi vì mũi anh vừa xẹp vừa cong queo. Tóc cắt ngắn, nhưng lại có vẻ rối bù, không chải chuốt. Mặc dù anh luôn mặc quần áo sạch sẽ và là cứng, nhưng vẫn trông như mới lấy từ trong vali ra. Dù có xấu xí đến mấy, nhưng anh Mập vẫn gây thiện cảm. Ba thám tử trẻ rất mến anh.
Peter và Bob bắt đầu phân loại thư đến, xếp thành những chồng ngăn nắp trên cái bàn lớn chiếm hết chiều dài gian phòng. Hannibal đang mở một cái bao vải đầy thư, thì một ông già tóc bạc đi vào.
– Chào bác – Hannibal nói.
– Chào Hannibal – ông Grear trả lời. Chào Bob, chào Peter.
Ông Grear là trưởng phòng, ông đang vào phòng làm việc của mình, thông với phòng văn thư.
– Các cháu có thấy ông William sáng nay chưa? Ông hỏi.
– Ông William vừa mới lên. – Hannibal đáp.
– Bác cần gặp ông ấy nói chuyện. Ông Grear thở dài.
Ông Grear không thích William Tremayne lắm. Thật ra, không có nhân viên nào yêu quý William Tremayne. Mọi người vẫn cho rằng ông là kẻ cướp ngôi. Ba của Horace mới là người sáng lập ra nhà xuất bản, và Horace mới là người kế ngôi. Một vụ tai nạn tàu bi thảm đã làm cho Horace mồ côi lúc mười chín tuổi, và theo di chúc, chú của Horace sẽ làm chủ tịch công ty cho đến khi chính Horace được ba mươi tuổi.
– Nếu bác hiểu đúng – có lúc ông Grear nói, thì ba cậu ấy chỉ muốn bảo vệ cậu ấy thôi, Mập vụng về lắm! Không ai tưởng tượng nổi rằng sẽ có ngày cậu trở thành chủ nhiệm một nhà xuất bản lớn. Vậy mà chuyện này đã xảy ra. Cậu ấy có tài biết được cái gì sẽ bán chạy. Tuy vậy, nhân viên chúng tôi vẫn phải chịu đựng William Tremayne, ít nhất cho đến tháng tư tới. Khi Horace chưa tròn ba mươi tuổi, chỉ ông chú cậu ấy là có quyền ra các quyết định tài chính: khi bác cần mua văn phòng phẩm, dù chỉ là hộp bút chì màu thôi, cũng phải xin phép ông trước rồi mới được đặt hàng.
Ông Grear luôn có vẻ như bị xúc phạm khi nói về William Tremayne với ba thám tử trẻ. Chính lúc này, ông cũng có bộ mặt ấy, nhưng không nói thêm lời đả kích nào. Ông chỉ buồn bã nhìn giấy tờ chất thành đống trên bàn viết khi Peter bước ra khỏi phòng để đi phát thư.
Nhà xuất bản Amigos nằm trong tòa nhà cùng tên, là một tòa nhà cũ kỹ một tầng, nằm kẹp giữa các cao ốc thương mại hiện đại trên đại lộ Pacifica, một trong những trục lộ có nhiều hoạt động nhất Santa Monica. Tòa nhà xây bằng những khối đất khô từ thời các thống đốc Mêhicô điều hành Californie. Tường nhà rất dày nên trong nhà vẫn mái khi mặt trời mùa hè thiêu cháy thành phố. Song sắt thanh nhã trang trí cửa sổ tầng trệt làm cho tòa nhà thêm nét duyên dáng.
Peter qua phòng kế toán trước. Trưởng bộ phận này là một người đàn ông đứng tuổi, khá dữ dằn, ông đang giám sát việc làm của hai người phụ nữ dáng buồn bã đang cúi xuống máy tính và chồng hóa đơn.
– Chào bác – Peter vừa nói vừa đặt xuống bàn viết của ông Thomas một xấp phong bì.
– Không được để ở đó! Ông Thomas trừng mắt nhìn Peter và càu nhàu. Trong cái hộp đằng kia. Bộ cậu không nhớ nổi một chuyện đơn giản như thế hay sao?
– Bình tĩnh nào, anh Thomas ơi – ông Grear đang đứng phía sau Peter nói.
Ông đã bước ra khỏi phòng mình và đang nhìn ông kế toán trưởng.
– Tôi biết là cháu Peter sẽ nhớ chỉ thị của anh – ông nói tiếp, nhưng tôi xin anh nhớ một diều: văn thư là trách nhiệm của tôi. Nếu các cháu không làm tốt công việc, thì anh cứ cho tôi biết, tôi sẽ nói chuyện với các cháu.
Peter bỏ đi. Khi đi qua trước mặt ông Grear, Peter nghe ông lầm bầm:
– Cái ông khó chịu hay quấy người khác này sẽ không ngồi ở đây hơn một năm đâu. Không hiểu làm cách nào mà phòng bào chế dược phẩm chịu đựng nổi ông ta suốt năm năm.
Peter không dám có ý kiến gì. Cậu còn phải đưa thư cho cô trực tổng đài ngồi ngoài tiền sảnh. Peter giao thư cho cô, rồi lên lầu, tìm các phòng sưu tập và lưu trữ, makét và chế bản.
Ông Grear và ông Thomas không nói chuyện với nhau cho đến giữa chiều. Lúc đó, máy phôtô ở ngay góc phòng văn thư bị hư. Một cuộc tranh cãi quyết liệt nổ ra giữa ông Thomas, đòi máy phải được sửa chữa ngay, và ông Grear, khẳng định rằng nhân viên kỹ thuật chỉ có thể đến vào sáng mai.
Hai người đàn ông vẫn còn đang cãi nhau khi Hannibal lên lầu, khi gần bốn giờ chiều, để đi thu thư của nhà xuất bản. Bà Paulson, trợ lý của Horace, ngước mắt lên nhìn Hannibal và mỉm cười. Người phụ nữ mập mạp, lớn tuổi hơn Mập nhiều; bà đã làm trợ lý cho ba của Horace, trước khi làm cho anh. Bà đưa cho Hannibal hai phong bì, rồi bà nhìn một người đang leo lên cầu thang,
– Ông Tremayne đang chờ ông – bà chỉ cửa phòng làm việc của Horace, đang mở.
Hannibal quay lại. Một người đàm ông thon thả, tóc đen, mặc bộ vét mùa hè mỏng, bước vào phòng của Mập.
– Đó là Marvin Gray – bà Paulson thì thầm. Ông mang bản thảo của Madeline Bainbridge đến.
Rối bà thở dài nói thêm:
– Ông ấy đã cống hiến cả cuộc đời mình phục vụ Madeline. Lãng mạn quá, phải không?
Hannibal chưa kịp trả lời, thì chủ nhiệm nhà xuất bản xuất hiện tay ôm ram giấy.
– Thật may mắn là cậu có ở đây, Hannibal à. Cậu hãy xuống chỗ máy phôtô, phôtô ngay cho tôi một bản từ tập bản thảo đây. Bản thảo này không được đánh máy, đây là một bản độc nhất, ông Gray sợ bị thất lạc.
– Máy phôtô bị hư rồi, – Hannibal trả lời, anh có muốn em mang ra ngoài cho phôtô gấp không?
Gray xuất hiện ỡ ngưỡng cửa và ra đứng cạnh chủ nhiệm.
– Không! Không được làm thế – ông nói. Thà giữ lại ở đây.
– Chúng tôi sẽ giữ cẩn thận – Anh chủ nhiệm nhà xuất bản hứa.
Gray gật đầu.
– Được! Bây giờ ông đã có trong tay bản thảo rồi, thì ông chỉ còn việc trao cho tôi tấm ngân phiếu, và tôi đi ngay.
– Tấm ngân phiếu cho ông à? Anh chủ nhiệm nhà xuất bản hỏi. Ý ông muốn nói phần trả trước hả?
– Theo hợp đồng, anh phải thanh toán hai mươi lăm ngàn đô-la cho bà Bainbridge khi nhận bản thảo – Gray nói.
Mập có vẻ bất ngờ.
– Thường chúng tôi phải đọc bản thảo trước. Tấm ngân phiếu chưa được viết…
– Được rồi – Marvin Gray nói. Tôi hiểu. Vậy anh cứ gửi bưu điện cho tôi nhé.
Rồi ông quay xuống cầu thang.
– Ông ấy có vẻ nóng lòng muốn nhận tiền – bà Paulson bình luận.
– Chắc ông ấy không rành hợp đồng xuất bản – Mập nói. Ông ấy không để ý đến câu nói rõ rằng bản thảo phải được chấp thuận.
Anh chủ nhiệm trở về phòng làm việc, trong khi Hannibal quay lại phòng văn thư.
– Hôm nay, cứ cậu có muốn làm thêm ngoài giờ không? Ông Grear hỏi. Nhà in vừa mới gửi đến phần quảng cáo cho quyển sách về các loại chim lạ. Trong vòng một hai tiếng, là có thể cho các tờ bướm vào phong bì và sáng mai tôi sẽ gửi bưu điện tất cả.
Vui mừng vì có cơ hội kiếm thêm chút tiền, ba bạn gọi điện thoại về nhà để báo nguyên nhân sẽ về trễ, rồi tiến hành gấp các tờ quảng cáo, nhét vào phong bì. Trong khi đó toàn bộ nhân viên nhà xuất bản đang ra về. Đến sáu giờ kém mười lăm, ông Grear quyết định mang những phong bì đã chuẩn bị xong ra bưu điện trung tâm.
– Khi về, tôi sẽ mau gà rán cho các cậu – ông hứa.
Trong khi ông đi vắng, ba bạn vẫn tiếp tục làm việc. Luồng gió bay qua cửa sổ văn phòng, làm cánh cửa đóng sập lại khiển Ba Thám Tử Trẻ giật mình.
Lúc sáu giờ mười lăm, Bob ngưng tay và khịt mũi ngửi ngửi.
– Hình như có mùi khói đâu đây phải không? Bob hỏi.
Peter nhìn cánh cửa đóng, ba cậu nghe tiếng xe cộ chạy ầm ầm trên đại lộ Pacifica. Nhưng cũng nghe tiếng lách cách khẽ qua bức tường đất khô dày.
Hannibal chau mày đứng dậy, ra sờ thử cửa gỗ và thấy nóng, cậu đặt tay lên tay cầm; nó càng nóng hơn nữa. Thám tử trưởng thận trọng xoay thử…
Ngay lập tức, liếng lách lách nghe mạnh hơn. Cuộn khói bay vào phòng làm việc, làm mờ mắt ba cậu.
– Úi chà! Peter kêu.
Hannibal đè mạnh cửa và đóng lại được. Cậu quay sang hai bạn.
– Cả hành lang đang rực cháy – Hannibal thông báo.
Qua khe cửa, khói xì vào phòng. Khói bị hút bởi một cửa sổ mở nhìn ra một con đường nhỏ hẹp phân chia tòa nhà Amigos với tòa nhà bên cạnh. Hannibal cầm lấy song sắt rèm trang trí cửa sổ la lên:
– Cứu! Cháy nhà!
Không ai trả lời và các song sắt không nhúc nhích.
Bob cầm lấy cái ghế kim loại, nhét lưng ghế vào giữa song sắt cửa sổ. Bob và Peter dùng ghế như đòn bẩy, cố gắng kéo song cửa sổ ra. Nhưng chính cái ghế bị cong đi, một chân ghế rơi xuống đất.
– Ta bị mắc kẹt rồi – Hannibal chạy qua phòng ông Grear về và tuyên bố. Điện thoại không gọi được nữa. Và không có ai nghe ta.
Hannibal trở ra cánh cửa dẫn ra hành lang.
– Nhất định phải ra khỏi đây, và đây là ngả ra duy nhất.
Hannibal quỳ xuống, hé mở cửa, khói lại tràn vào phòng, làm Bob ho, Peter chảy nước mắt. Ngồi chồm hỗm phía sau Hannibal, Bob và Peter nhìn hành lang mịt mù khói dày đặc. Ngọn lửa nhảy nhót dọc theo tường và bắt đầu tấn công cầu thang.
Hannibal hít thật sâu: tưởng như cậu đang khóc nức nở. Rồi cậu nín thở bước tới. Nhưng cậu chưa vượt qua cửa, thì lượng hơi nóng đẩy cậu lại, như bàn tay của một người khổng lồ. Cậu phải lùi lại, rồi đóng cửa lại một lần nữa:
– Không đi được – Hannibal thở dài. Không ai qua nổi đám cháy này. Ta đã bị mắc bẫy.