Nói đến đây chú Ba than thở một hơi rõ dài, day day ấn đường, dường như không hề muốn nhắc đến những chuyện xảy ra sau đó.
Mà tôi nghe đến đây, cả người cũng đầm đìa mồ hôi hột. Chú Ba dừng lại, tôi vừa hay có dịp thở một miếng xả hơi.
Chuyện này thực là kinh hồn bạt vía. Suốt trong lúc nghe tôi cứ thấy hơi nghẹn thở, đặc biệt là khi nghe đến đoạn phát hiện ra kẻ thứ ba, tôi có cảm giác cứ như đang nghe kể tiểu thuyết chương hồi(*) vậy.
(*) nguyên văn 评书, một loại hình nghệ thuật hát nói: một người kể chuyện dài, vừa kể chuyện vừa minh họa các cảnh tượng, mô phỏng lại nhân vật, bình phẩm nội dung truyện, có thể dùng quạt, khăn làm đạo cụ.
Kẻ nọ là ai? Tôi thầm nghĩ, xét theo hành động của hắn thì có thể thấy kẻ này tương đối quyết liệt. Van bình dưỡng khí không thể bị hở do chạm vào đâu đó hay tự động lỏng ra được, nhưng giờ nó lại bị vặn mở ra, chứng tỏ chắc chắn là do người làm. Hơn nữa, rất có thể nó đã bị mở ra từ khi kẻ đó bám gót theo chú Ba tiến vào, dưỡng khí bên trong đương nhiên không còn lại nhiều lắm.
Mộ thất dưới đáy biển này nằm cách mặt nước một khoảng cách khá xa, nếu không có dưỡng khí, hiển nhiên chú Ba và Giải Liên Hoàn sẽ bị chôn sống trong này cho đến khi tắt thở. Kẻ nọ có trở về thuyền thì cũng sẽ không để hở ra chuyện của chú Ba, ngôi cổ mộ này nhất định sẽ không bị phát hiện. Người trên thuyền muốn tìm cũng đừng hòng tìm thấy, thì dĩ nhiên chẳng thể trông chờ vào khả năng được bọn họ lặn xuống đón lên được. Đây là một đòn sát thủ vô cùng thâm độc, hiển nhiên là kẻ này nhất quyết muốn chú Ba và Giải Liên Hoàn chết luôn trong ấy.
Như vậy, tình cảnh lúc đó của chú Ba thật ra còn gay go hơn cả chúng tôi. Chú chỉ có một mình, vả lại còn lặn sâu dưới đáy biển ở cự ly ghê gớm hơn chúng tôi rất nhiều.
Có điều giờ này chú Ba còn ngồi rung đùi uống trà lù lù trước mặt tôi, chứng tỏ rốt cuộc chú vẫn tìm được cách thoát thân. Cho nên cái thằng tôi đây cũng không cần phải hồi hộp quá đáng.
Khi cả hai đều trấn tĩnh lại, chú Ba ngừng một lát rồi mới kể tiếp.
Lúc ấy, thấy tình cảnh như thế, đầu óc chú lập tức muốn nổ tung, vội vã bổ nhào vào vặn lại chốt van dẫn khí. Vặn chặt xong, chú đã sợ đến lạnh toát cả người.
Trong nháy mắt ấy chú đã tưởng mình tiêu đời rồi, đảm bảo lần này chết chắc, hơn nữa còn là kiểu chết chú sợ nhất: trong cổ mộ bít bùng, cứ thế bị nhốt chết. Chú vừa hối hận vì mình sơ xuất quá, mà trong lòng thì vừa căm hận ngập tràn. Với chú Ba mà nói, chết trong mộ cổ thì chết trong mộ cổ, chẳng sao. Nếu trúng cạm bẫy rồi chết thì tức là cái số nó thế, chả làm thế nào được, nhưng để người ta hại chết thì chú cực kỳ cực kỳ không cam tâm. Thật sự rất ấm ức!
Chú lập tức xem đồng hồ đo dưỡng khí, xem xong liền nghiến răng nghiến lợi. Bình dưỡng khí của chú, có lẽ là do cái van có tác dụng chống rò rỉ nên oxy không thoát ra hết sạch, lượng khí oxy chỉ còn lại một phần mười. Bình dưỡng khí của Giải Liên Hoàn cũng chỉ còn một ít, gần như chỉ có xíu xiu, áng chừng thở được ba bốn chục hơi là cạn.
Điều này có khả năng là do thời gian xả khí tương đối ngắn. Nếu chậm thêm vài phút nữa thì chắc chỉ còn trơ lại mấy cái bình không.
Tí tẹo dưỡng khí ấy, khác nào có cũng như không. Lúc bọn họ vào đây chú Ba đã dùng hết một nửa, còn Giải Liên Hoàn thì dùng đến quá nửa. Chừng này dưỡng khí thì còn khướt mới đủ để trở ra.
Nghĩ vậy, chú Ba liền tuyệt vọng. Chú nhìn mộ thất bốn phía tối thui, một cảm giác sợ hãi tột cùng ập đến. Chú tự hỏi lẽ nào mình lại bị nhốt ở đây đến chết thật sao?
Càng nghĩ chú Ba càng sợ hãi, hơn nữa là hoảng sợ thật sự chứ không phải căng thẳng hay lo âu. Lúc ấy bỗng có một ý nghĩ lóe lên trong đầu chú, rằng mình không thể chết trong này được, có chết thì cũng phải chết ở chỗ khác. Khoảnh khắc ấy chú suýt nữa định đâm đầu xuống cửa vào ngập nước, tự dìm mình chết đuối cho rồi.
Nhưng chú Ba nói cho cùng vẫn là một kẻ kiêu hùng. Cảm giác sợ hãi này bị chú đè nén xuống rất nhanh. Chú tự giáng cho mình một cái bạt tai, chửi bản thân là đồ không chí tiến thủ. Thế rồi chú bình tĩnh lại, bắt đầu suy tính xem mình nên làm gì bây giờ.
Khi tôi, Bàn Tử và Muộn Du Bình cùng bị vây nhốt, do một tẹo dưỡng khí cũng chẳng có nên chỉ có thể dồn mọi hy vọng vào việc tìm bình dưỡng khí. Thế nhưng, khi đó chú Ba vẫn còn dưỡng khí, hơn nữa lượng dưỡng khí cũng tầm tầm không nhiều không ít, cực kỳ khó xử, cho nên mọi suy nghĩ của chú nhanh chóng bị thu hút cả vào lượng dưỡng khí này. Việc đầu tiên chú bắt đầu cân nhắc, liệu với chút dưỡng khí này thì mình có tý khả năng nào có thể cầm cự để ra được đến bên ngoài hay không?
Suy đi tính lại, kỳ thực cũng chẳng ra được kết quả nào, bởi vì dưỡng khí quá ít. Tuy rằng lúc chú tiến vào hồi nãy, do suốt dọc đường cứ cẩn thận dè dặt từng ly nên tốc độ cũng không cao, nếu lúc đi ra tăng tốc một chút thì có thể bớt được một khoảng thời gian khá dài, nhưng mà lúc vào đã dùng đến năm phần dưỡng khí, giờ ra ngoài chỉ được dùng có một phần, hay nói cách khác là tốc độ đi ra phải gấp năm lần lúc đi vào.
Lúc vào mất chừng ba mươi phút, thế thì đi ra chỉ được có sáu phút à? Chú có phải cá đâu, sao mà làm được.
Quả này thì chú Ba lại hơi khó chịu rồi. Chú lập tức tát cho mình phát nữa, vỗ về cơn sợ hãi của bản thân, ép mình phải tiếp tục suy nghĩ.
Với sáu phút kia thì liệu có thể đến được chỗ nào đây? Từ đây ra đã mất khoảng ba phút, sáu phút thì chỉ có thể đến được miệng cái vực khổng lồ sâu hút hút mà thôi. Đó đã là tốc độ nhanh nhất rồi.
Một khi đã đến được miệng vực sâu, thế thì đại khái chỉ cần mười phút là nhất định sẽ ra được bên ngoài, cũng tức là lộ trình nửa tiếng đồng hồ đó, nếu tốt số thì có thể đi qua chỉ trong mười sáu phút thôi. Hơn nữa, chú ngó đồng hồ, thuỷ triều sắp rút rồi. Tới lúc đó thì cái miệng hang kia sẽ lộ ra khỏi mặt biển một chút, không khí sẽ tràn vào phía trên hang. Như vậy, có lẽ chưa cần ra đến cửa hang đã có thể hít được không khí.
Mà mình còn có thể nín thở một phút, vậy chỉ cần tìm đủ dưỡng khí để hít thở thêm mười phút là được.
Tuy nhiên, đào đâu ra dưỡng khí để thở trong mười phút này đây? Đến đây thì hết cách. Chú Ba vò đầu bứt tai, theo phản xạ nhìn quanh quất khắp nơi, hy vọng có thể tìm thấy thứ nào đó cho mình một gợi ý.
Thế nhưng trong cổ mộ thì có quái gì gợi ý được đây? Lẽ nào còn có cái bình dưỡng khí bằng gốm sứ thời Minh Thanh cho mình phát hiện ra chắc?
Ý nghĩ này chẳng khác nào nằm mơ giữa ban ngày. Chú Ba ảo não dùng sức vỗ đét một cái lên mặt nước chỗ cửa vào. Lúc đó chú liền thấy làn nước biển đen ngòm bên dưới phản chiếu cái bóng của mình, bèn xoay đèn pin chênh chếch, cái bóng lại càng rõ ràng hơn. Trong chốc lát, chú đã phát hiện ra thứ có thể cung cấp cho mình mười phút dưỡng khí rồi.
Chú Ba đúng là có sáng kiến lóe lên. Thứ lúc đó chú nhìn thấy, chính là bộ đồ lặn trên người mình.
Vậy làm sao đem đồ lặn ra làm bình dưỡng khí được đây? Ý tưởng mà chú Ba nghĩ đến thật vô cùng tài tình. Chú buộc hết ống tay ống chân bộ đồ lặn, sau đó ra sức túm lại, lấy đầy khí vào bên trong rồi buộc kín luôn cả cổ áo. Bộ đồ lặn liền biến thành một cái túi khí. Chú nhảy vào trong nước, sau đó cởi một ống tay áo làm ống hít dưỡng khí.
Sau một lúc, chú phát hiện ra cái món này đúng là xài được. Mẹ nó chứ, chú hít thở đại khái khoảng ba bốn phút mới cảm thấy không khí bắt đầu ngột ngạt.
Có cửa, có cửa rồi! Chú mừng húm, lập tức trèo lên, lột nốt đồ của Giải Liên Hoàn làm thành một túi khí khác. Sau đó chú lại lấy đầy khí vào hai cái túi nước rỗng, bụng bảo dạ thế là kiếm chác được mười phút rồi!
Nghĩ đến đây thì chú chẳng thể đợi nổi thêm một khắc nào nữa, lập tức kéo hết toàn bộ đồ nghề, chuẩn bị lặn xuống nước thoát ra ngoài.
Tính chú Ba không hay ngần ngừ như tôi, cũng sẽ không chọn cách làm bảo thủ. Cho nên lúc ấy chú không hề do dự chút xíu nào cả.
Có điều, cho dù có thể cầm cự thoát ra ngoài bằng số dưỡng khí này, thì cũng chỉ có thể miễn cưỡng đủ để một người trở ra. Người này nhất định phải mang cả hai bình dưỡng khí, người còn lại phải ở đây chờ người kia quay về đón. Nếu người kia chết dọc đường, vậy thì chẳng có ai về được nữa. Cho nên lần này áp lực tâm lý cực kỳ lớn.
Lúc đó chú Ba không cảm thấy cái việc này quan trọng đến thế nào. Chú tự nhủ lòng rằng dù sao dưỡng khí của Giải Liên Hoàn vốn đã không đủ, làm thế này chẳng qua chỉ nghiêm trọng hơn chút xíu mà thôi. Vả lại lúc đó chú căn bản cũng chả còn lòng dạ nào mà lo cho Giải Liên Hoàn được nữa. Bản thân chú đã rơi vào một trạng thái kích động cực độ rồi.
Chú đặt Giải Liên Hoàn lên bệ quan tài, sau đó lấy cái túi đựng sọ người ban nãy dùng choảng nhau ra cho hắn gối đầu, lại sửa sang tư thế để hắn thoải mái dễ chịu chút, rồi quay về cửa vào ngập nước, nhào xuống luôn chẳng thèm nghĩ ngợi gì.
Sự thật đúng như chú Ba dự đoán, sáu phút sau chú đã ở trong lòng vực sâu kia. Dưỡng khí thế mà vẫn còn một ít.
Lúc này chú Ba đã yên lòng trở lại, trong thâm tâm chú thật sự bội phục bản thân. Chú tự nhủ rằng làm đến nước này mà còn không nhốt chết được mình, giờ mình trở lại thuyền, cái thằng khốn nạn ám hại mình kia còn không bị hù chết.
Chú chật vật kéo hai cái túi khí vĩ đại sau lưng, thế là không chủ định thì vẫn nổi lên, cũng giúp chú tiết kiệm được kha khá sức lực. Dựa vào trí nhớ, chú bơi về hướng miệng vực sâu. Nhưng điều khiến chú bất ngờ chính là, đợi tới khi bơi đến chỗ mình vẫn đinh ninh là cửa ra vào, chú lại sững sờ.
Nơi đó trống trơn, chỉ có một mảng đá san hô ngầm gồ ghề.
Hả? Chú buồn bực, lại chiếu đèn sang bên, cứ thế chiếu lấy chiếu để mà vẫn chẳng thấy lối ra đâu cả.
Trong chốc lát chú lạnh toát người. Mẹ kiếp, mọi việc không hề thuận lợi như chú nghĩ. Xem ra có vẻ như là mình đã nhớ nhầm vị trí lối vào rồi! Thoáng căng thẳng, mồ hôi lạnh toát ra, chú nhìn mức dưỡng khí, đã xuống tới dưới 0.