Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đạo Mộ Bút Ký – Trọn Bộ

Quyển 5 – Chương 3: Who are you?

Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
Chọn tập

Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo Beta: Earl Panda . .***** Dựa theo chỉ dẫn của dân bản xứ, chú Ba đi men theo con đường không tên do người thời trước mở ra trong rặng núi, đại khái đi mất chừng bốn ngày trời. Khoảng một phần ba con đường là được mở trên lưng chừng vách đá, theo chú đoán thì chắc cũng phải bị bỏ hoang mấy trăm năm rồi. Có lẽ nó vốn là đường hành quân ven núi, mà giờ đây rêu xanh phủ kín, cỏ cây um tùm, càng vào sâu bên trong việc tu tạo lại càng cẩu thả.

Con đường nhỏ chạy thẳng vào đầm lầy ở sâu trong khu rừng rậm rạp. Đoạn đường bên ngoài dân miền núi còn thường xuyên qua lại, chứ khi đã đi qua khu Trại Quỷ thì càng vào trong càng chẳng có dấu chân người, đường đi lối lại sụt lên sụt xuống, dây leo thì mặc sức quấn kín mít, đến mức gần như là không thể tiến lên trước được.

Chú Ba phát huy tính ương ngạnh của mình, vật vã những mấy lần mới đi qua nổi con đường cổ đó. Tới được một nơi khác trên vách núi, chú từ trên cao phóng mắt nhìn xuống, đã thấy thung lũng được ghi trong cuốn bút ký đang ở ngay dưới chân mình. Trải qua hai mươi năm dầm mưa dãi nắng, vết tích của những người nhà ông tôi để lại năm xưa đã sớm biến mất dưới những tán cây tươi tốt sum xuê. Thế nhưng cái đồi đất màu đỏ trơ trụi trống hoác đang phơi ra giữa thung lũng kia lại vô cùng nổi bật, cực kỳ bắt mắt, như nói với chú rằng nơi đây chính là Phiêu Tử Lĩnh trong truyền thuyết kia.

Đồng thời, chú còn nhìn thấy ở gần đồi đất đỏ gắt kia, thấp thoáng dưới những tán cây, dường như có một thứ gì quái lạ đang đứng lù lù. Bởi vì màu sắc của nó gần giống với màu cây, nên từ độ cao nơi chú đứng mà nhìn thì không thể nhận ra được nó là cái gì.

Chú mơ hồ cảm thấy có điều gì không ổn. Nơi đây là thung lũng trong núi ít người lai vãng, dù có là dấu vết của công trình xây dựng hay cuộc sống sinh hoạt của con người thì cũng không thể nào xuất hiện ở chỗ này mới đúng. Vì vậy, chú bèn leo cao lên trên thêm vài bước, móc chiếc kính viễn vọng hàng lậu của Nga ra quan sát.

Vừa nhìn một cái chú liền chết sững. Cạnh đồi đất, dưới những tán cây, có mấy chiếc lều bạt quân dụng được dựng rải rác. Bạt phủ lều là loại vải rằn ri dùng để ngụy trang, cho nên đừng từ xa nhìn lại rất khó để phát hiện ra. Nếu không phải trong lúc giám định địa chất chú Ba rất nhạy cảm với những chênh lệch màu sắc vô cùng nhỏ này, thì khi nãy có lẽ đã để lọt lưới.

Bấy giờ, ruột gan chú Ba sôi lên sùng sục, thầm nghĩ cái chỗ quái quỷ này sao lại có người được cơ chứ? Mà lại còn dựng cả lều bạt, chắc không phải thợ săn đâu. Thợ săn sẽ không chui vào tận sâu tít thế này, cũng sẽ không được trang bị tốt đến vậy.

Chú còn đang buồn bực thì đột nhiên một trong số mấy chiếc lều vải chợt rung rung, từ trong đó có một người đi ra ngoài. Chú Ba nâng kính viễn vọng dõi theo, nhìn xong liền càng thấy bực bội.

Thì ra kẻ vừa xuất hiện kia là một tên lông tóc trắng lóa, vóc người to cao, người sặc mùi tiền, đích thị là một thằng giặc Tây.

Chú Ba lúc bấy giờ còn chưa biết đến sự khác biệt của người châu Âu giữa các vùng miền, thời bấy giờ chưa mở cửa cải cách, người phương Tây đến Trung Quốc cũng không nhiều, chủ yếu là đám dân Mỹ mê mạo hiểm. Vì thế, chú chả cần suy nghĩ đã chắc mẩm luôn rằng thằng Tây kia chính là người Mỹ.

Chú bèn suy nghĩ một lúc. Có người đặt chân đến đây đã là có vấn đề, mà bây giờ, chẳng những có người đến mà người đó lại còn là mấy thằng giặc Tây. Bọn chúng thì tới chỗ này để làm gì? Lẽ nào là lũ Đế quốc Mỹ xâm nhập phá hoại? Hay là… cũng vì ngôi mộ cổ dưới lòng Phiêu Tử Lĩnh mà tìm đến đây?

Chuyện mấy thằng Tây hám đồ cổ ai cũng thừa biết, nhưng bọn chúng nào có máu chiến đến mức phải đích thân đi đào. Bọn chúng cũng không biết đến cuốn bút ký của ông bô nhà mình, làm sao biết được dưới lòng đất chỗ này có mồ mả cơ chứ?

Đúng là quan hệ dây mơ rễ má đại bác bắn chẳng tới, chú Ba không tài nào đoán ra nổi, cảm thấy quái lạ vô cùng.

Chú ôm một bụng đầy nghi ngờ, đặt đống trang bị cá nhân xuống, rồi nhẹ nhàng luồn bên dưới khu rừng rậm lẻn vào đến tận gần chiếc lều bạt, phát hiện ra mấy thằng giặc Tây này đóng quân ở ngay sát mép đồi đất đỏ luôn. Có khoảng bốn chiếc lều bạt thôi, chú đoán nhân số chắc cũng không nhiều lắm. Gần đó còn có mấy gã người Trung Quốc, trông có vẻ như là dân địa phương làm bốc vác, đang ngồi hút thuốc nghỉ ngơi. Đồng thời, chú còn nhìn thấy trên gò đất bên cạnh có đào một cái hố to, miệng hố được che lại bằng một cái khung tre, phủ bạt chống thấm màu xanh lá. Bởi vì những thứ này nằm ở phía bắc tầm nhìn của chú, nên vừa rồi lúc ở trên vách núi chú mới không phát hiện ra.

Đối đất đỏ chắc hẳn chính là cái mả bị lấp năm đó. Bùn đất ở đây đều bị rang lên, trộn thêm một loại đơn dược làm cho cây cỏ không thể nào mọc nổi. Ấy vậy mà, bây giờ nhìn mà xem, trên bề mặt vẫn có rất nhiều cỏ dại mọc lỗ chỗ, rõ ràng người xưa đã đánh giá thấp khả năng thích nghi của các loài thực vật.

Chú ba nhìn thấy cái hố lớn tròn vành như cái miệng loa kia, liền hiểu ra ngay mục đích của mấy thằng Mỹ này cũng giống y như mình: bọn chúng đang khai quật mộ cổ.

Khi đó chú Ba hãy còn ít tuổi, thấy cảnh này, trong đầu chỉ rặn ra được một suy nghĩ: đây có lẽ là đội khảo cổ hợp tác Trung Mỹ, tới nơi đây khai quật hiện trường. Vào lúc ấy thì có lẽ đây là lời giải thích hợp lý nhất rồi.

Nếu là người Bắc phái, chắc lúc này chỉ biết cam chịu vận xui, vì theo luật lệ của bọn họ, dân không giành giật với quan. Nếu gặp phải đội khảo cổ thì còn biết làm sao nữa, anh cũng có xông lên giết sạch bọn họ được đâu? Nhưng chú Ba thì khác. Chú không cam lòng để kẻ khác nẫng tay trên của mình như vậy. Quan sát vị trí khai quật và cường độ làm việc của đám người Mỹ kia, chú liền biết ngay bọn người này không có kinh nghiệm của thổ phu tử, chắc chắn là chỉ biết áp dụng phương pháp đào mồ Tây của họ để đối phó với mộ cổ Trung Quốc mà thôi. Cứ đào như thế thì chẳng bao giờ vào được đến mộ cổ. Còn chú, chú chỉ cần tìm đúng vị trí, đào một đường hầm đi xuống là có thể thần không biết quỷ không hay mà chui lọt vào cổ mộ trước cả bọn chúng, khoắng sạch sẽ đồ đạc ở trong đó.

Chú Ba quay về chỗ cũ, lấy lại trang bị cá nhân. Giờ này bóng đã xế tà, trong ánh hoàng hôn, chú dùng bước chân của mình làm đơn vị, đi xuyên qua thung lũng để đo đạc diện tích bốn bề của đồi đất, tìm vị trí thích hợp nhất để đào đường hầm.

Quá trình tiến hành vô cùng phức tạp, mà chú Ba cũng chẳng giải thích tường tận. Chú chỉ cho tôi biết rằng lúc đó chú tràn đầy tự tin, điều duy nhất đáng lo là tình hình trong mộ cổ.

Đường hầm trộm mộ mà năm xưa ông tôi đào, thời gian tồn tại không được lâu, chắc chắn đã sụp sau mấy mùa mưa. Không biết lúc đó bọn họ vào mộ trong tình trạng nào, đã đào được đến địa cung trong hầm mộ hay chưa. Nếu vào được rồi, thì bên trong hầm mộ có khả năng là đã bị ngấm nước mưa, vậy thì ngoại trừ thứ nằm trong quan tài, còn lại những thứ đồ bồi táng khác có thể là đã mủn ra hết cả rồi. Mà muốn biết đồ trong quan tài có gặp họa hay không, còn phải xem chất liệu của quan tài và trình độ niêm phong thời ấy nữa.

Đêm xuống, đám người Tây bắt đầu nổi lửa lên trong doanh trại. Chú Ba lẳng lặng âm thầm mà đợi. Cho đến khi bọn chúng lăn quay ra ngủ hết, chú mới bắt đầu dùng “xẻng chân mèo” của mình cẩn thận đào từng li từng tý đất lên.

Xẻng chân mèo là loại xẻng chuyên dụng của thổ phu tử, tiếng động lúc đào phát ra cực nhỏ. Nhưng thời nay đã có xẻng công binh, đào còn ngọt và êm hơn cả xẻng chân mèo, cho nên xẻng chân mèo đã rút khỏi vũ đài lịch sử. Tuy nhiên, vào thời điểm đó thì xẻng chân mèo đã là thứ gây ít tiếng động nhất mà chú Ba có thể sử dụng rồi.

Cho dù như thế, lúc đào bới chú Ba vẫn cực kỳ căng thẳng, vì không thể dùng xẻng Lạc Dương thám thính trước tình hình dưới lòng đất (xọc một nhát là phát ra tiếng động, với lại chẳng biết vì sao mà tiếng xẻng Lạc Dương cắm ngập vào đất rất dễ làm chim rừng hoảng sợ bay tán loạn) nên chú cũng không tự tin rằng đào một lần vào được ngay lòng mộ.

Đào suốt chừng hai giờ thì ra năm cái đường hầm, đều không trúng chỗ, nhưng cũng dần dần thu hẹp được phạm vi. Đến cái đường hầm thứ sáu, khi đào được khoảng sáu mét, xẻng của chú Ba rốt cuộc đụng phải một vật rắn. Đang lúc chú thu vén xong xuôi, muốn dùng đèn pin chiếu sáng xem thử một cái, thì đột nhiên cảm thấy không ổn. Dưới lớp đất truyền đến một đợt chấn động cực nhỏ, rồi ngay sau đó, toàn bộ đường hầm sụp hẳn xuống. Đến một tiếng hét chú cũng chẳng kịp kêu, mồm miệng đã bị vùi kín trong bùn đất. Đất dưới chân và xung quanh chú cũng loáng cái đã bị sụp xuống tận dưới sâu trong lòng đất.

Chọn tập
Bình luận
× sticky