Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương VIII

Tác giả: Khaled Hosseini

Liền một tuần lễ, tôi hầu như không gặp Hassan. Tôi thức dậy đã thấy bánh nướng, trà pha sẵn, một quả trứng luộc trên bàn ăn. Quần áo tôi ngày hôm ấy đã được là và gấp lại, để trên chiếc ghế mây trong tiền sảnh, chỗ Hassan thường là quần áo. Cậu ấy vẫn quen đợi tôi ngồi vào bàn ăn điểm tâm trước khi bắt đầu là, để chúng tôi có thể chuyện trò. Vẫn thường hát nữa, át tiếng réo của bàn là hơi, hát những bài ca Hazara cổ về những cánh đồng hoa tuylíp. Bây giờ chỉ còn đống quần áo đã gấp đón chào tôi. Thế thôi, và bữa điểm tâm tôi hiếm khi ăn hết.

Một buổi sáng ảm đạm, trong khi tôi đang lăn lăn quả trứng luộc trên chiếc đĩa của tôi, ông Ali bước vào, bê theo một ôm củi chẻ rồi. Tôi hỏi ông Hassan đang ở đâu.

– Nó lại về ngủ rồi, – Ali vừa nói vừa quỳ xuống trước lò sưởi ông kéo cánh cửa lò vuông nhỏ mở ra.

Liệu Hassan có thể chơi hôm nay không?

Ông Ali dừng lại với khúc củi trong tay. Một cái nhìn lo lắng hiện lên khuôn mặt ông.

– Gần đây, tất cả những gì nó muốn là ngủ. Nó vẫn làm những việc lặt vặt. – Tôi trông chừng nó mà – nhưng sau rồi nó chỉ muốn chui vào chăn. Tôi có thể hỏi cậu một điều không?

– Nếu ông cần hỏi.

– Sau cuộc thi đấu diều, nó về nhà, chảy máu đôi chút, áo sơmi rách toạc. Tôi hỏi nó, xảy ra chuyện gì, nó nói chẳng có chuyện gì, xô xát đôi chút với mấy đứa về cái diều thôi.

Tôi không nói gì. Chỉ tiếp tục lăn lăn quả trứng trên chiếc đĩa của tôi.

– Amir agha, đã xảy ra chuyện gì với nó ư? Chuyện gì mà nó không nói cho tôi biết?

Tôi nhún vai:

– Tôi làm sao biết được?

– Cậu nên nói cho tôi biết, phải không nào? Inshallah, lạy trời cậu sẽ nói cho tôi biết, nếu đã xảy ra chuyện gì phải không?

– Như tôi đã nói đấy, làm sao tôi biết được chuyện gì xảy ra với cậu ấy? – Tôi sốt ruột bảo. – Có thể cậu ấy ốm. Ông Ali, mọi người vẫnthường ốm đấy thôi. Lúc này tôi đang sắp chết cóng đây, hôm nay ông có định đốt lò lên không?

Đêm đó, tôi hỏi Baba liệu thứ Sáu này, tôi có thể đi Jalalabad không. Ông đang xoay xoay trên chiếc ghế quay đệm da đằng sau bàn viết, đọc một tờ nhật báo. Ông đặt báo xuống, bỏ đôi kính lão mà tôi không ưa chút nào ra. – Baba chưa già, không già chút nào và Baba còn sống nhiều năm nữa, vậy tại sao ông cứ phải đeo đôi kính vớ vẩn ấy?

– Sao lại không! – Ông nói. Gần đây Baba đồng ý với tôi mọi yêu cầu của tôi. Không chỉ có thế, đúng hai đêm trước đây, ông hỏi tôi liệu tôi có muốn xem phim El cid 1 với Charlton Heston ở rạp chiếu phim Aryana không.

– Con có muốn bảo Hassan đi cùng đến Jalalabad không?

Tại sao Baba lại phải làm hỏng chuyến đi như thế?

– Cậu ấy đang mareez 2, – tôi nói. – Cảm thấy không được khoẻ.

– Thật ư? – Baba ngừng xoay đi xoay lại trong chiếc ghế – Có chuyện gì với nó ư?

Tôi nhún vai và ngồi thụt vào chiếc sofa bên lò sưởi:

– Cậu ấy bị cảm lạnh hoặc một bệnh gì đó. Ông Ali bảo, cậu ấy đang ngủ cho đỡ hơn.

– Bố không hay gặp Hassan, mấy ngày gần đây, – Baba nói. – Vậy có đúng chỉ là bị lạnh không?

Tôi không khỏi căm ghét cách ông nhíu lông mày lại tỏ ra lo lắng.

– Chỉ là bị lạnh thôi. Vậy thứ Sáu chúng ta đi chứ, Baba?

– Ừ, ừ, – Baba vừa nói vừa vùng ra khỏi bàn làm việc – Tội cho Hassan quá. Bố nghĩ nếu nó đi cùng con có thể được vui hơn.

– Ồ, cả hai chúng ta có thể vui với nhau, – tôi nói.

Baba mỉm cười. Nháy mắt. Rồi nói:

– Mặc ấm vào.

Lẽ ra đã chỉ có hai chúng tôi thôi – tôi muốn như thế – thì tới tối thứ Tư, Baba đã thu xếp mời thêm hai tá người khác nữa. Ông gọi cho người anh họ Homayoun và nói ông sắp đi Jalalabad thứ Sáu này. Homayoun đã từng học chế tạo máy ở Pháp, có một ngôi nhà ở Jalalabad, nói rằng anh vẫn thích tất cả mọi người qua đấy, và anh sẽ đem theo lũ trẻ, hai bà vợ, rồi khi anh ở đó, thì cô em họ Shafiqa và gia đình cô từ Herat cũng tới thăm, có thể cô sẽ thích đi cùng họ, và vì cô đang ở với anh họ Nader ở Kabul, gia đình ông anh cũng phải được mời, mặc dù Homayoun và Nader còn một chút cừu thù cố hữu, và nếu Nader được mời, chắc chắn người em trai Faruq cũng phải được mời, nếu không sẽ cảm thấy bị xúc phạm và anh ta có thể sẽ không mời họ dự lễ cưới con gái mình vào tháng sau, và…

Chúng tôi ngồi đầy ba chiếc xe. Tôi ngồi cùng xe với Baba, Rahim Khan và Kaka Homayoun – Baba đã dạy tôi từ lúc còn nhỏ, phải gọi bất kỳ họ hàng đàn ông lớn tuổi hơn nào bằng Kaka, hoặc chú bác, bất kỳ họ hàng đàn bà lớn tuổi hơn nào bằng Khala, hoặc cô dì. Hai người vợ Kaka Homayoun cũng ngồi cùng xe với chúng tôi. Người vợ nhiều tuổi hơn có một bộ mặt nhăn nhó với nhưng mụn cóc trên hai bàn tay, người vợ trẻ lúc nào cũng sực nức mùi nước hoa, còn luôn khiêu vũ với đôi mắt nhắm nghiền – hai đứa con gái sinh đôi của Kaka Homayoun cũng vậy. Tôi ngồi ở hàng sau, say xe và chóng mặt, bị kẹp như chiếc bánh sandwich giữa hai đứa con gái sinh đôi bảy tuổi, cứ đè qua đùi tôi để phát vào người nhau. Con đường đi đến Jalalabad là chặng đường vất vả, hai giờ đồng hồ ngoằn ngoèo dọc theo những dốc núi dựng đứng, và bụng tôi nôn nao ở mỗi chỗ ngoặt gấp. Từng người trong xe đều trò chuyện, trò chuyện ầm ĩ và cùng lúc gần như rít lên, như người Afghan thường nói. Tôi hỏi một trong hai chị em sinh đôi – Fazila hoặc Karima, tôi chẳng bao giờ có thể biết tên nào vào với tên nào – xem có thể đổi chỗ ngồi gần cửa xe cho tôi, để tôi có thể thở hít khí trời vì tôi bị say xe. Nó thè lưỡi ra và bảo không. Tôi bảo nó, tốt thôi, nhưng tôi sẽ không thể chịu trách nhiệm về việc nôn vào bộ váy áo mới của nó. Một phút sau, tôi thò đầu ra ngoài cửa xe. Tôi ngắm con đường ven vực thẳm lên lên xuống xuống, ngoằn ngoèo theo sườn núi, và đếm những chiếc xe tải nhiều màu, nhồi chặt cứng những người ngồi xổm, bị vượt qua. Tôi cố nhắm mắt lại, mặc cho gió tạt vào hai má, mở miệng để nuốt không khí trong sạch. Tôi vẫn không cảm thấy khá hơn. Một ngón tay thọc vào sườn tôi. Chắc là Fazila/Larima gì đó. Tôi hỏi:

– Cái gì?

– Bố vừa kể cho mọi người về cuộc thi đấu – Baba nói, từ sau tay lái. Kaka Homayoun và hai bà vợ từ hàng ghế giữa mỉm cười với tôi.

– Hôm đó phải đến một trăm chiếc diều hả? – Baba nói. – Có đúng thế không, Amir?

– Con đoán phải thế, – tôi lúng búng.

– Một trăm chiếc diều, Homayoun jan. Không laaf đâu. Và chiếc duy nhất còn bay vào phút cuối của ngày hôm đó là diều của Amir. Nó có 67 chiếc diều cuối cùng bị hạ ở nhà ấy, một chiếc diều xanh đẹp. Hassan và Amir cùng đuổi bắt đấy.

– Chúc mừng, – Kaka Homayoun nói. Người vợ cả, người có những mụn cóc, vỗ tay, “Wah wah 3! Chà chà! Amir jan, tất cả chúng ta rất tự hào về cháu!”. Người vợ trẻ cùng phụ hoạ theo. Rồi tất cả đều vỗ tay, ca ngợi ầm ĩ, bảo tôi đã khiến cho bọn họ tự hào. Chỉ mỗi chú Rahim Khan, ngồi trên ghế khách cạnh Baba là im lặng. Chú chằm chằm nhìn vào tôi rất lạ.

– Baba, đỗ xe lại đi, – tôi nói.

– Gì vậy?- Con say xe, – tôi lúng búng, ngả người vào thành ghế, ép chặt vào hai cô con gái của Kaka Homayoun. Mặt của Fazila/Karima nhăn lại, chúng kêu nheo nhéo.

– Đỗ lại đi Kaka! Mặt anh ấy vàng ra rồi! Cháu không muốn anh ấy phun vào bộ áo mới của cháu!

Baba cho xe đỗ lại, nhưng tôi không nôn. Vài phút sau, tôi ngồi trên một tảng đá bên đường trong khi mọi người ra khỏi xe hít thở. Baba đang hút thuốc với Kaka Homayoun, ông này bảo Fazila/Karima đừng khóc nữa và sẽ mua cho một bộ váy áo mới ở Jalalabad. Tôi nhắm mắt lại. quay mặt về phía mặt trời. Những bóng hình nho nhỏ hình thành sau bờ mi tôi, như trò chơi dùng tay tạo bóng trên tường. Chúng xoắn lại, hoà vào nhau, tạo thành một hình ảnh duy nhất: chiếc quần nhung kẻ màu nâu bị tụt ra vứt trên đống gạch cũ trong cái ngõ.

Ngôi nhà hai tầng trắng của Kaka Homayoun ở Jalalabad có một ban công nhìn bao quát cả khu vườn rộng có tường ngăn, trồng táo và hồng quả. Ở đó có những bờ giậu mà về mùa hè người làm vườn uốn tỉa thành những con vật và một bể bơi với gạch lát màu ngọc bích. Tôi ngồi trên bờ bể bơi cạn nước, ngoại trừ những lớp tuyết đang tan ở dưới đáy, chân đung đưa trong bể. Lũ trẻ nhà Kaka Homayoun đang chơi trò trốn tìm ở cuối sân. Những người phụ nữ đang nấu ăn và tôi ngửi thấy mùi hành phi, nghe thấy tiếng phù phù của bếp ga, tiếng nhạc và tiếng cười. Baba, chú Rahim Khan, Kaka Homayoun và Kaka Nadel đang ngồi trên bao lơn hút thuốc. Kaka Homayoun đang nói cho họ rằng ông mang theo máy chiếu để xem ảnh chụp nước Pháp. Đã mười năm kể từ ngày ông rời khỏi Paris và ông vẫn chiếu những bức ảnh ngớ ngẩn đó.

Nhẽ ra không nên cảm thấy thế này. Baba và tôi cuối cùng đã thân thiết với nhau. Chúng tôi đã đến vườn thú vài ngày trước xem con sư tử Marjan, và tôi đá ném mạnh một viên sỏi vào con gấu khi không có ai để ý. Sau đó chúng tôi đã đến Nhà hàng Kabob của Dadkhoda ở phía bên kia Công viên Điện ảnh, ăn món cừu kabob cùng bánh naan mới nướng từ lò nướng tandoor 4. Baba kể cho tôi nghe chuyện về những chuyến đi Ấn Độ và sang Nga của ông, những người dân ông đã gặp, như một cặp vợ chồng cụt tay cụt chân ở Bombay đã cưới nhau được bốn mươi bảy năm và nuôi lớn mười một đứa con. Được trải qua một ngày như thế với Baba, nghe những chuyện của ông, nhẽ ra phải vui. Cuối cùng tôi đã có những gì tôi muốn suốt những năm đó. Chỉ trừ giờ đây tuy đã có nó, nhưng tôi lại cảm thấy rỗng tuếch như cái bể bơi bị bỏ quên mà tôi đang đung đưa đôi chân vào này.

Các bà vợ và mấy cô con gái phục vụ bữa tối – cơm, thịt viên kofta, qurma gà giò – lúc mặt trời lặn. Chúng tôi ăn tối theo lối truyền thống, ngồi trên những tấm đệm nhỏ quanh phòng ăn, khăn ăn trải trên sàn, ăn bốc theo từng mâm bốn năm người một. Tôi không đói nhưng cũng ngồi xuống ăn lấy lệ cùng Baba, Kaka Faruq, và hai con trai của Kaka Homayoun. Baba đã làm một chút scotch trước khi ăn, vẫn đang huênh hoang về cuộc thi đấu diều, tôi đã bay lâu hơn tất cả như thế nào, tôi đã trở về nhà cùng với chiếc diều cuối cùng bị hạ ra sao. Giọng nói như bom nổ của ông át hết cả phòng. Mọi người đều ngẩng đầu lên khỏi mâm thức ăn hò reo chúc mừng. Kaka Faruq dùng bàn tay sạch vỗ vỗ vào lưng tôi. Tôi cảm thấy như bị đâm dao vào mắt.

Sau đó, lúc quá nửa đêm, sau mấy giờ chơi bài poke giữa Baba và những người họ hàng, đàn ông nằm ngủ trên những chiếc đệm trải song song vẫn trong cái phòng chúng tôi ăn tối, đàn bà lên trên gác. Một giờ sau tôi vẫn không ngủ được. Tôi lăn bên nọ, quay bên kia trong khi những người họ hàng tôi, ư ử thở dài, ngáy trong khi ngủ. Tôi ngồi dậy. Một mảnh trăng lùa qua cửa sổ.

– Mình đã chứng kiến Hassan bị hiếp, – tôi nói

– chẳng với ai. Baba cựa quậy trong giấc ngủ. Kaka Homayoun ư ử. Một phần con người tôi mong ai đó tỉnh giấc, và nghe thấy, để tôi sẽ không phải sống với sự dối trá này thêm nữa. Nhưng không ai tỉnh dậy và trong sự im lặng tiếp theo, tôi hiểu ra bản chất lời nguyền mới của tôi: Tôi sẽ phải xoay xở để thoát khỏi chuyện đó.

Tôi nghĩ tới giấc mơ của Hassan, giấc mơ chúng tôi bơi trong một cái hồ. Không có quỷ nào hết, cậu đã nói, chỉ có nước thôi. Trừ phi cậu đã nhầm về điều đó. Có một con quỷ ở trong hồ. Nó đã túm lấy hai mắt cá chân Hassan, kéo tụt cậu xuống dưới đáy hồ tăm tối. Tôi là con quỷ đó.

Đó là cái đêm tôi trở thành người mất ngủ.

Tôi không nói chuyện với Hassan mãi tới tận giữa tuần sau. Tôi chỉ mới ăn hết nửa bữa trưa, và Hassan đang làm những món ăn cho tôi. Tôi đang bước lên gác để về phòng tôi thì Hassan hỏi tôi có muốn đi bộ lên đồi không. Tôi bảo tôi mệt. Hassan trông cũng mệt – cậu sút cân và những quầng thâm xuất hiện dưới đôi mắt lồi lên của cậu. Nhưng khi cậu hỏi lại, tôi miễn cưỡng đồng ý.

Chúng tôi vất vả leo lên đồi, ủng của chúng tôi lép nhép trong bùn tuyết. Chẳng ai trong chúng tôi nói gì. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây lựu quen thuộc, và tôi biết tôi đã làm một việc sai lầm. Lẽ ra tôi không được lên đồi. Những chữ tôi đã khắc lên thân cây bằng con dao bếp của ông Ali: Amir và Hassan: Hai Sultan của Kabul. Lúc này tôi không chịu nổi khi nhìn vào chúng.

Cậu nhờ tôi đọc cuốn Shahnamah cho cậu nghe và tôi bảo cậu tôi đã đổi ý. Bảo tôi chỉ muốn về phòng. Cậu nhìn đi chỗ khác, nhún vai. Chúng tôi bước xuống con đường ban nãy chúng tôi vừa mới leo lên: trong im lặng. Và lần đầu tiên trong đời tôi không thể đợi đến mùa xuân.

Ký ức về phần còn lại của mùa đông năm 1975 ấy hầu như mờ mịt. Tôi nhớ, tôi khá sung sướng khi Baba ở nhà. Chúng tôi ăn cùng, cùng đi xem phim, thăm Kaka Homayoun hay Kaka Faruq. Đôi khi chú Rahim Khan đến thăm và Baba cho phép tôi ngồi trong phòng đọc của ông, uống trà cùng hai người. Ông cũng đã để tôi đọc cho ông nghe một trong số những truyện tôi viết. Thật là sung sướng, và tôi muốn như thế mãi mãi. Và tôi tin Baba cũng tin như thế. Cả hai chúng tôi hẳn đã hiểu nhau hơn. Ít nhất vài tháng sau cuộc đấu diều, Baba và tôi đã hoà quyện vào nhau trong một ảo tưởng ngọt ngào, nhìn nhau theo cách trước đây chúng tôi chưa từng có. Chúng tôi thực tế đã lừa dối nhau đến mức nghĩ rằng, một thứ đồ chơi làm bằng giấy dai, keo dán, và tre, theo cách nào đó có thể lấp kín được hố sâu ngăn cách giữa chúng tôi.

Nhưng khi Baba đi vắng – mà đi vắng rất thường xuyên, tôi lại tự nhốt mình trong phòng riêng. Cứ đôi ba ngày tôi lại đọc hết một quyển sách, viết truyện ngắn, học cách vẽ ngựa. Tôi thường nghe thấy tiếng chân Hassan loẹt quẹt quanh bếp vào buổi sáng, tiếng leng keng của dao dĩa bạc, tiếng phì hơi của ấm đun trà. Tôi thường đợi cho đến khi nghe thấy tiếng đóng cửa lúc đó tôi mới đi xuống ăn sáng. Trên tờ lịch của tôi, tôi khoanh tròn đánh dấu ngày vào năm học, và bắt đầu đếm ngược.Hassan vẫn cố nhen nhóm lại mọi chuyện giữa chúng tôi làm tôi phát ngán. Tôi nhớ lần cuối cùng. Tôi đang ở trong phòng đọc một bản dịch vắn tắt bằng tiếng Farsi truyện Ivanhoe 5, thì cậu gõ cửa.

– Chuyện gì đấy?

– Tôi định đến hiệu bánh mua bánh naan, – cậu nói ở ngoài cửa. – Tôi không biết liệu cậu… liệu cậu có muốn đi cùng không.

– Tôi nghĩ tôi chỉ định đọc sách. – Tôi nói, xoa xoa hai bên thái dương. Ít lâu nay, mỗi khi Hassan đến gần, tôi lại nhức đầu.

– Hôm nay là ngày nắng đẹp, – cậu nói.

– Tôi biết.

– Đi dạo một chút cũng thú đấy.

– Cậu cứ đi.

– Nhưng tôi muốn cậu đi cùng, – cậu nói. Rồi dừng lại. Một cái gì đó đâm sầm vào cánh cửa, có thể là trán cậu ấy. – Tôi không biết tôi đã làm gì, Amir agha. Tôi mong cậu nói cho tôi biết. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không chơi với nhau nữa.

– Cậu chẳng làm gì cả. Cứ đi đi.

– Cậu có thể nói cho tôi biết. Tôi sẽ thôi không thế nữa.

Tôi gục đầu xuống lòng mình, hai đầu gối kẹp chặt hai bên thái dương, như một cái bệ kẹp, hai mắt bị ép nhắm lại và nói:

– Tôi sẽ bảo cho cậu biết điều tôi muốn cậu thôi đừng làm.

– Gì cũng được.

– Tôi muốn cậu đừng quấy rầy tôi. Tôi muốn cậu xéo khỏi đây, – tôi cáu tiết nói. Tôi mong cậu trả đũa tôi ngay, đẩy bật cửa, nói thẳng ra với tôi – như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, tốt hơn. Nhưng cậu lại không làm bất cứ điều gì như thế, và mấy phút sau – tôi mở cửa, cậu không còn đấy nữa. Tôi ngã vật xuống giường, vùi mặt dưới gối và khóc.

Từ đó trở đi Hassan chỉ loanh quanh ở vòng ngoài cuộc đời tôi. Tôi sắp xếp mọi việc trong ngày để đảm bảo chúng tôi giáp mặt nhau càng ít càng tốt. Bởi vì khi cậu quanh quẩn bên tôi, khí trời rò rỉ hết khỏi phòng. Ngực tôi thắt lại và tôi không thể hít thở đủ không khí. Tôi thường đứng đó, thở hổn hển trong cái bong bóng bị hút hết khí trời bé nhỏ của riêng tôi. Nhưng ngay cả khi không còn quanh quẩn, cậu vẫn như thấp thoáng đâu đây. Cậu ở đó trong bộ quần áo giặt bằng tay và được là phẳng, trên chiếc ghế mây, đôi dép lê ấm áp để ngoài bậc cửa, bên củi sưởi rực cháy trong lò khi tôi xuống ăn điểm tâm. Tôi ngoảnh đi đâu cũng thấy những dấu hiệu lòng trung thành của cậu, lòng trung thành trơ trơ, trời đánh thánh vật của cậu.

Đầu mùa xuân đó, vài ngày trước khi bắt đầu năm học mới, Baba và tôi trồng hoa tuylíp ở trong vườn. Tuyết đã tan gần hết, và những dãy đồi phía Bắc đã lốm đốm những đám cỏ xanh. Đó là một buổi sáng mát mẻ, hơi u ám, Baba đang ngồi xổm bên tôi, đào đất và trồng những củ cây tôi đưa cho ông. Ông đang nói cho tôi biết, phần lớn mọi người nghĩ trồng tuylíp vào mùa thu sẽ tốt hơn, và điều đó không đúng như thế nào, dù tôi buột miệng nói ra:

– Baba, đã bao giờ Baba nghĩ đến chuyện thuê người ở mới chưa?

Ông ném củ hoa tuylíp xuống, vùi cái bay vào đống phân. Tháo bao tay làm vườn ra. Tôi đã làm ông giật mình.

– Hả, con vừa nói cái gì?

– Con chỉ thắc mắc, có thế thôi.

– Tại sao ta lại muốn làm việc đó nhỉ? – Baba nói cộc lốc.

– Con đoán bố sẽ không mà. Đó chỉ là một câu hỏi thôi. – Tôi nói giọng nhi nhí dần trở thành gần như tiếng thầm thì. Tôi thấy tiếc đã nói như thế.

– Có phải do chuyện con và Hassan không? Ta biết có chuyện gì đấy đang xảy ra giữa hai đứa, nhưng bất cứ thế nào, hai đứa cũng phải giải quyết với nhau, chứ không phải là ta. Ta đứng ngoài chuyện đó.

– Con xin lỗi Baba.

Ông lại đeo bao tay vào:

– Ta lớn lên cùng với Ali, – ông nói, răng nghiến lại. – Cha ta mang ông ấy về nhà, ông yêu Ali như chính con trai mình. Bốn mươi năm ông Ali từng sống với gia đình ta. Bốn mươi năm chết tiệt à? Và con nghĩ ta định đuổi ông ấy đi ư? – Lúc này ông quay lại tôi, mặt đỏ như hoa tuylíp. – Amir, ta chưa lần nào đụng tay vào người con, nhưng con mà nói như thế nữa… – Ông ngoảnh đi, lắc đầu. – Con làm ta xấu hổ. Và Hassan… Hassan sẽ chẳng đi đâu cả, con có hiểu không?

Tôi cắm mặt xuống và bốc một vốc tay đất lạnh. Để đất lọt qua kẽ ngón tay tôi.

– Ta nói, con có hiểu không? – Baba gầm lên.

Tôi giật thót:

– Có, thưa Baba…

– Hassan sẽ không đi đâu cả, – Baba ngắt lời. Ông lấy bay đào một hố mới, hất phân xuống mạnh hơn cần thiết. Nó sẽ ở ngay tại đây với chúng ta, nơi mà nó có quyền ở. Đừng bao giờ hỏi ta một câu như thế nữa.

– Con sẽ không hỏi, thưa Baba, con xin lỗi.Chúng tôi trồng nốt những củ tuylíp trong yên lặng.

Tôi thấy khuây khoả khi trường khai giảng, tuần sau đó. Bọn học sinh với những cuốn vở mới và bút chì vót nhọn trong tay, lang thang trong sân trường, đá bụi lên, chuyện gẫu từng nhóm, đợi các lớp trưởng thổi còi. Baba lái xe xuống cái ngõ đầy bụi dẫn đến cổng trường. Trường là một toà nhà hai tầng cũ kỹ với cửa kính vỡ và mờ đục, những lối đi rải sỏi, những vết loang lổ của lớp sơn tường đầu tiên màu vàng xỉn, vẫn còn lộ ra giữa nhiều lớp vôi vữa bị long tróc. Phần lớn lũ con trai đi bộ đến trường, và chiếc xe đen Mustang của Baba càng làm cho nhiều con mắt thèm thuồng. Nhẽ ra tôi phải tươi cười hãnh diện khi Baba cho tôi xuống xe – trước đây vẫn thường như thế – nhưng tất cả những gì tôi còn dám làm là thu mình lại hơi bối rối. Chỉ thế và trống rỗng. Baba lái xe đi không thèm tạm biệt tôi.

Tôi tránh không tham gia vào cái trò so sánh sẹo đấu diều và đứng vào hàng. Chuông reo, chúng tôi xếp thành đôi đều bước vào lớp học đã được phân. Tôi ngồi ở hàng ghế sau. Khi thầy giáo dạy tiếng Farsi phát cho chúng tôi sách giáo khoa, tôi nài xin ông cho tôi thật nhiều bài tập về nhà.

Trường học cho tôi cái cớ để ở lì hàng mấy tiếng đồng hồ trong phòng. Và trong một thời gian, nó cất khỏi tâm trí tôi những gì đã xảy ra mùa đông đó, những gì tôi đã để xảy ra. Mấy tuần liền, tôi để hết tâm trí vào trọng lực và lực mô men, nguyên tử và tế bào, cuộc chiến giữa Anh quốc và Afghanistan, thay vì nghĩ tới Hassan và những gì đã xảy ra với cậu. Nhưng, tâm trí tôi luôn luôn quay lại cái ngõ ấy, cái quần nhung kẻ màu nâu của Hassan vứt trên đống gạch, và những giọt máu nhỏ vấy bẩn lên tuyết màu đỏ bầm, gần như đen lại.

Một buổi chiều mù sương, lãng đãng đầu hè năm đó, tôi rủ Hassan trèo lên đồi với tôi. Bảo với cậu tôi muốn đọc cho cậu nghe một truyện tôi mới viết. Cậu đang phơi quần áo ngoài sân và tôi thấy rõ nhiệt tình của cậu khi làm nhanh như ăn cướp cho xong công việc.

Chúng tôi vừa leo lên đồi vừa chuyện trò linh tinh với nhau. Cậu hỏi tôi về nhà trường, tôi học những gì, còn tôi nói về các thầy giáo của tôi, đặc biệt là giáo viên chính dạy toán, phạt học trò nói chuyện bằng cách kẹp một chiếc roi sắt giữa hai ngón tay rồi siết mạnh. Hassan nhăn mặt lại, nói mong tôi không bao giờ phải nếm trải hình phạt đó. Tôi nói cho đến giờ tôi vẫn gặp may, dẫu biết may mắn chẳng liên quan gì đến chuyện này. Tôi cũng đã dự phần nói chuyện trong lớp đấy chứ. Nhưng cha tôi giàu và mọi người đều biết ông, vì vậy tôi được tha xử phạt bằng roi sắt.

Chúng tôi ngồi dựa vào dãy tường thấp của nghĩa trang, dưới bóng ngả của cây lựu. Một hay hai tháng nữa thôi, những đám cỏ dại úa vàng thường sẽ phủ kín sườn đồi, nhưng năm đó, mưa rào mùa xuân kéo dài hơn thường lệ, lấn sang cả mùa hè đến sớm, và cỏ vẫn còn xanh, lốm đốm những chùm hoa hướng dương. Phía dưới chỗ chúng tôi, những ngôi nhà mái bằng tường trắng nhạt nhoà trong ánh nắng mặt trời, đám quần áo giặt sạch phơi trên các dây phơi ở ngoài sân, bị gió nhẹ làm cho uốn lượn như những cánh bướm.

Chúng tôi hái xuống một tá quả lựu từ trên cây. Tôi mở cái truyện ngắn mang theo, lật trang đầu rồi đặt xuống. Tôi đứng dậy, nhặt một trái lựu chín rục rơi xuống đất.

– Cậu sẽ làm gì nếu tôi ném cậu bằng quả này? – Tôi vừa nói, vừa tung lên tung xuống quả lựu.

Nụ cười của Hassan héo rũ xuống. Cậu ấy trông già hơn là tôi nhớ. Không, không già hơn, mà già. Có thể thế chăng? Những đường khắc sâu lên khuôn mặt sạm nắng gió và những nếp nhăn viền quanh mắt, miệng của cậu. Cũng có thể chính tôi đã cầm một con dao và khắc những nếp nhăn ấy.

– Cậu sẽ làm gì? – Tôi nhắc lại.

Mặt cậu tái đi. Cạnh cậu, những trang giấy ghim chặt với nhau của cái truyện ngắn tôi đã hứa đọc cho cậu bay phần phật trong gió. Tôi ném mạnh quả lựu, trúng vào ngực cậu ấy, quả lựu vỡ ra, tung toé ruột đỏ. Tiếng khóc của Hassan đầy vẻ ngạc nhiên và đau đớn.

– Ném trả lại tôi đi! – Tôi cáu tiết. Hassan hết nhìn những vết bẩn trên ngực mình lại nhìn tôi.

– Đứng lên! Đánh tôi đi! – Tôi nói.

Hassan vùng dậy nhưng chỉ đứng đó, trông sững sờ như một người bị sóng triều xoáy cuốn xuống đại dương, mà mới chỉ một lúc trước thôi còn đang thích thú tuyệt vời dạo chơi trên bãi biển.Tôi ném vào cậu một quả lựu khác, lần này trúng vai. Nước lựu bắn lên mặt cậu.

– Ném trả tôi đi! – Tôi khạc ra. – Ném trả đi, đồ trời đánh thánh vật!

Tôi mong cậu sẽ ném trả. Tôi mong cậu sẽ ném trả. Tôi mong cậu sẽ cho tôi sự trừng phạt mà tôi khát khao, như vậy có thể cuối cùng ban đêm tôi sẽ ngủ được. Có thể rồi mọi chuyện giữa chúng tôi sẽ trở lại như cũ. Nhưng Hassan vẫn không làm gì trong khi tôi tiếp tục ném túi bụi nữa, rồi lại nữa vào cậu.

– Cậu là một thằng hèn! – tôi nói. – Chẳng là gì hết ngoài một thằng hèn chết tiệt!

Tôi không biết tôi đã ném cậu bao nhiêu lần. Tất cả những gì tôi biết là cuối cùng khi tôi ngừng lại kiệt sức thở hổn hển, Hassan bê bếttrong màu đỏ, như bị bắn bằng một loạt súng. Tôi quỵ gối xuống mệt mỏi, kiệt sức, thất vọng.Thế rồi Hassan đã nhặt một quả lựu lên, bước về phía tôi, bửa quả lựu ra và nghiền nát vào trán mình. khàn giọng nói: “Vào đây này!”, nước đỏ nhỏ xuống mặt cậu như máu. “Cậu đã thoả mãn chưa? Đã cảm thấy dễ chịu hơn chưa?” Nói rồi quay người đi và bước xuống đồi.

Tôi để mặc nước mắt tuôn trào, choáng váng, lảo đảo khuỷu xuống “Hassan, tôi sẽ làm gì với cậu đây? Tôi sẽ làm gì với cậu đây.” Nhưng cho đến lúc, nước mắt tôi khô, và tôi lê bước xuống chân đồi, tôi đã biết câu trả lời cho câu hỏi đó.

Tôi mười ba tuổi vào mùa hè năm 1975 đó, Afghanistan đã gần tới mùa hè hoà bình và vô danh cuối cùng. Mọi chuyện giữa Baba và tôi đã lại nguội lạnh đi. Tôi nghĩ mọi việc bắt đầu từ lời nhận xét ngu ngốc tôi đưa ra hôm chúng tôi trồng tuylíp, về việc mướn người ở mới. Tôi hối tiếc đã nói như thế, tôi thật sự hối tiếc, nhưng tôi lại nghĩ dù tôi không nói thì cái quãng thời gian xen kẽ hạnh phúc ngắn ngủi của chúng tôi cũng sẽ phải kết thúc. Có thể không sớm đến thế, nhưng sẽ phải kết thúc. Đến cuối mùa hè, tiếng leng keng của thìa dĩa vào bát đĩa đã thay thế cho riêng chuyện gẫu tại bàn ăn bữa tối và sau bữa ăn, Baba lại thu mình trong phòng đọc. Và đóng kín cửa. Tôi cũng trở về với cái kiểu giơ ngón tay cái ra hiệu Hãfez 6 và Khayyám 7, gặm móng tay đến tận thịt, về với các câu chuyện mà tôi viết ra. Tôi giữ những truyện ngắn thành một đống dưới gậm giường của tôi, giữ chúng chỉ để phòng xa, mặc dầu tôi vẫn ngờ Baba sẽ không bao giờ đòi tôi đọc cho ông nghe nữa.

Phương châm của Baba về việc mở tiệc là thế này: Phải mời toàn thế giới, bằng không thì không phải là tiệc tùng. Tôi nhớ mình đã liếc qua danh sách khách mời một tuần trước tiệc sinh nhật của tôi và không nhận ra ít nhất ba phần tư trong số hơn bốn trăm Kaka và Khala sẽ đến để mang quà cho tôi và chúc mừng tôi đã sống được mười ba tuổi. Rồi tôi nhận ra họ đến không thật sự vì tôi. Đó là ngày sinh của tôi, nhưng tôi biết ai mới là ngôi sao thực sự của buổi diễn.

Mấy ngày liền, ngôi nhà đầy những người Baba thuê giúp việc. Có cả ông hàng thịt Saeahuddin, có mặt cùng với một con bê, hai con cừu dắt theo, từ chối không nhận tiền cho bất cứ con nào trong số ba con. Ông tự tay chọc tiết mấy con vật ở ngoài sân, bên gốc cây dương liễu. “Máu tốt cho cây lắm,” tôi vẫn nhớ ông nói thế khi cỏ quanh cây liễu đỏ sậm. Những người đàn ông tôi không biết là ai trèo lên những cây sồi với cuộn dây điện dài hàng trăm mét và những bóng điện nhỏ. Những người khác kê hàng lô bàn ở ngoài sân, trải khăn bàn lên đó. Đêm trước ngày đại tiệc, ông bạn Del Muhammed của Baba, người sở hữu một Nhà hàng Kabob ở Shar-e-Nau, đến nhà tôi với những thứ đồ gia vị. Giống như ông hàng thịt, ông Del Muhammed – hay Dello, như Baba gọi, từ chối tiền trả cho những dịch vụ của ông. Ông nói Baba đã giúp đỡ nhiều cho gia đình ông. Chính chú Rahim Khan nói nhỏ cho tôi biết, lúc ông Dello nấu món xốt thịt, Baba cho ông ấy vay tiền để mở tiệm ăn. Baba đã không chịu nhận món tiền trả lại mãi tới khi ông Dello xuất hiện trong chiếc xe Benz ở lối xe vào nhà tôi và khăng khăng không chịu rời khỏi đó cho đến khi Baba chịu nhận tiền.

Tôi cho rằng, xét về nhiều khía cạnh, hay ít nhất cũng trên phương diện tổ chức tiệc tùng, sự cố gắng cho sinh nhật của tôi là một thành công lớn. Tôi chưa bao giờ thấy ngôi nhà đông người đến thế, khách khứa rượu trên tay, chuyện gẫu với nhau ở các hành lang, hút thuốc trên những cầu thang gác, tựa lưng vào các khung cửa. Họ ngồi ở bất kỳ chỗ nào thấy trống, trên quầy bếp, trong tiền sảnh, cả dưới lan can cầu thang. Trong sân sau, họ đứng lẫn với nhau dưới ánh sáng xanh lơ, đỏ, xanh lá cây nhấp nháy trên các tàng cây, mặt họ được chiếu sáng bởi những ngọn đèn dầu hoả kê ở khắp nơi. Baba cho dựng một sàn trình diễn trên bao lơn bao quát khu vườn và treo những loa điện khắp sân. Ahmad Zahir chơi đàn phong cầm và hát trên sàn diễn, phía trên những đám người đang nhảy múa.

Tôi phải đón chào từng vị khách một – có thế Baba mới yên tâm. Ngày hôm sau, sẽ không ai ngồi lê đôi mách về việc ông không biết dạy con trai cách cư xử. Tôi hôn hàng trăm chiếc má, ôm ghì toàn bộ khách lạ, cảm ơn họ đã cho quà. Mặt tôi đau đớn vì căng ra với nụ cười mụ mị.

Tôi đang đứng cùng với Baba gần quầy rượu trong sân, thì ai đó nói: “Amir, chúc sinh nhật hạnh phúc”. Đó là Assef đi cùng bố mẹ nó. Bố của Assef, ông Mahmood, thuộc loại người thấp, gầy gò, da sạm và mặt choắt. Mẹ nó, bà Tania là một người đàn bà nhỏ nhắn, nóng nảy luôn luôn mỉm cười và chớp mắt. Lúc này Assef đang đứng giữa hai người, cười nhăn nhở, trông cao lớn át cả bố mẹ, hai cánh tay đặt trên vai hai người. Nó dẫn họ về phía chúng tôi như thể nó đem họ đến đây. Như nó là cha mẹ, còn cha mẹ lại là con cái. Một con sóng choáng váng ập tới xuyên qua người tôi. Baba cảm ơn họ đã đến.

– Chính tôi chọn quà cho cậu đấy – Assef nói. Mặt bà Tania cau lại, đôi mắt hết nhìn Assef lại nhìn tôi. Rồi bà miễn cưỡng mỉm cười, và nháy mắt. Tôi không biết Baba có để ý thấy không.

– Vẫn chơi bóng đá chứ, Assef jan? – Baba hỏi. Ông luôn muốn tôi là bạn của Assef.

Assef mỉm cười. Thật khủng khiếp khi thấy nó tạo cho nụ cười ấy vẻ chân thật ngọt ngào đến thế.

– Tất nhiên, thưa Kaka jan.

– Vẫn cánh phải như bác nhớ chứ?

– Năm nay, thực tế cháu đã chuyển sang tiền đạo trung tâm, – Assef nói. – Chơi tuyến ấy có thể ghi bàn nhiều hơn. Tuần sau chúng cháu đá với đội Mekro – Rayan. Chắc sẽ là một trận đá hay. Bọn họ có những cầu thủ giỏi.

Baba gật đầu.

– Cháu biết không, bác cũng chơi tiền đạo trung tâm thời còn trẻ đấy.

– Cháu dám cược bác vẫn có thể chơi nếu bác muốn đấy, – Assef nói. Nó nháy mắt hiền lành nịnh Baba.

Baba cũng nháy mắt:

– Ta thấy bố cháu đã dạy cháu những thói tâng bốc nổi tiếng thế giới của ông ấy đấy, – ông hích bố Assef, gần như hạ nốc ao ông bạn bé nhỏ.

Tiếng cười của ông Mahmood có vẻ hồn nhiên như nụ cười của bà Tania, và tôi chợt băn khoăn tự hỏi liệu có phải, ở mức độ nào đó, con trai họ cũng làm họ khiếp sợ.

Tôi cố tạo ra một nụ cười vờ vĩnh nhưng tất cả những gì tôi làm được chỉ là hơi nhếch mép – bụng tôi quặn lên buồn nôn khi nhìn cha tôi thân mật với Assef.

Assefvội nhìn sang tôi:

– Wali và Kamal cũng ở đây đấy, chúng nó không thể vắng mặt trong sinh nhật của cậu vì bất cứ điều gì.

Nó vừa nói vừa cười hời hợt bề ngoài. Tôi lặng lẽ gật đầu.

– Bọn mình đang định tổ chức một cuộc đấu bóng chuyền nhỏ ngày mai, ở nhà mình, – nó nói. – Cậu có thể tham gia với chúng mình. Mang theo cả Hassan nếu cậu muốn.

– Cũng hay đấy – Baba nói, mặt rạng rỡ hơn lên. – Amir, con nghĩ thế nào?

– Con thật sự không thích bóng chuyền, – tôi lúng búng. Tôi nhìn thấy ánh chớp loé ra từ ánh mắt Baba, và một sự im lặng khó chịu tiếp theo.

– Xin lỗi, Assef jan, – Baba nhún vai nói. Nó làm tôi nhức nhối, cái lời xin lỗi thay cho tôi đó.

– Không, không sao đâu, – Assef nói. – Nhưng Amir jan, cậu sẽ có giấy mời chính thức. Dẫu thế nào, tôi nghe nói cậu thích đọc, nên tôi đã mang đến cho cậu một cuốn sách. Một trong những cuốn tôi ưa thích. – Nó chìa một gói quà sinh nhật cho tôi. Chúc sinh nhật hạnh phúc.

Nó mặc một chiếc áo sơ mi sợi bông, quần dài xanh, đeo cà vạt lụa đỏ và đi đôi giày da đế mềm đen bóng. Người nó sực mùi nước hoa, và mớ tóc hung đỏ chải mượt hất về phía sau. Bề ngoài, nó là hiện thân giấc mơ của mọi bậc cha mẹ, một đứa con trai cao to, cường tráng, ăn mặc tinh tươm, biết ứng xử với những dáng vẻ đầy ấn tượng và tài năng, chưa kể đến sự hóm hỉnh để đùa với một người lớn. Nhưng với tôi, đôi mắt của nó đã phản bội nó. Khi tôi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, cái mã ngoài lung lay xiêu vẹo đi, thấp thoáng lộ ra vẻ điên dại ẩn giấu đằng sau.

– Amir, con có định nhận không đấy? – Baba nói.

– Gì ạ?

– Quà của con, – Baba bực bội nói – Assef jan cho con một món quà.

– Ồ, – tôi nói và cầm cái hộp của Assef rồi nhìn gằm xuống. Tôi ước gì có thể được một mình trong phòng riêng của tôi với những cuốn sách của tôi, thoát khỏi những người này.

– Thế nào? – Baba nói.

– Gì ạ?

Baba nói khẽ, như vẫn thường nói mỗi khi tôi làm ông ngượng ngùng trước mọi người:

– Con không định cảm ơn Assef jan hay sao? Như thế là nó rất quan tâm đến con đấy.

Tôi ước gì Baba đừng gọi nó là jan như thế. Ông đã gọi tôi bằng “Amir jan” được bao nhiêu lần?

– Cảm ơn, – tôi nói.

Mẹ của Assef nhìn tôi như thể bà muốn nói một điều gì, nhưng bà không nói được, và tôi nhận ra chẳng ai trong bố mẹ Assef nói một tiếng nào. Trước khi tôi có thể làm cho tôi và Baba không còn lúng túng nữa – nhưng chủ yếu là để thoát khỏi Assef và sự nhăn nhở của nó – tôi bước lảng đi và nói:

– Cảm ơn đã đến.

Tôi đi vòng vèo qua đám đông khách khứa và chuồn ra ngoài cổng sắt. Cách nhà tôi hai ngôi nhà, có một bãi đất trống rất rộng, cằn cỗi và bẩn thỉu. Tôi đã được nghe Baba kể với chú Rahim Khan, là một ông thẩm phán đã mua miếng đất đó và một kiến trúc sư hiện đang thiết kế. Lúc này, bãi đất vẫn còn trống trơn, chỉ có phân, đá và cỏ dại.Tôi bóc giấy bọc gói quà của Assef và đọc tên bìa sách dưới ánh trăng. Đó là cuốn tiểu sử của Hitler. Tôi ném nó vào giữa đám cỏ dại.

Tôi dựa vào dãy tường nhà hàng xóm, ngồi bệt xuống đất. Tôi cứ ngồi trong bóng tối như thế một lúc lâu, đầu gối tì vào ngực ngước nhìn sao vừa đợi cho đêm trôi qua.

– Cháu không cần tiếp khách ư? – Một giọng thân quen nói.

Chú Rahim Khan đang bước lại phía tôi, dọc theo bức tường.

– Họ không cần cháu việc ấy. Baba ở đó, chú nhớ chứ? – Tôi nói.

Miếng nước đá trong cốc rượu của chú Rahim Khan va lanh canh, chú ngồi xuống cạnh tôi, – cháu không biết chú say đấy.

– Hoá ra chú say, – chú nói. Trêu tôi. – Nhưng chỉ vào những dịp quan trọng nhất thôi.

Tôi mỉm cười:

– Cảm ơn chú.

Chú chìa cốc rượu về phía tôi và tợp một ngụm. Chú châm một điếu thuốc lá, loại thuốc lá Pakistan không có đầu lọc mà chú và Baba vẫn hút:

– Đã bao giờ chú kể cho cháu nghe, một lần suýt nữa chú đã cưới vợ chưa?

– Thật ạ? – Tôi nói, hơi mỉm cười trước cái khái niệm mơ hồ, chú Rahim Khan lấy vợ. Tôi luôn luôn nghĩ về chú như một hoá thân thầm lặng của Baba, như một người thầy vĩ đại của tôi, bạn cố tri của tôi, người không bao giờ quên mang tới cho tôi một món quà lưu niệm, một saughat 8, mỗi khi trở về từ một chuyến ra nước ngoài. Nhưng một người chồng ư? Một người cha ư?

Chú gật đầu:

– Đúng đấy. Chú mười tám. Tên cô ấy là Homaira. Cô ấy là người Hazara, con gái một người ở của ông hàng xóm của chúng ta. Cô ấy đẹp như một pari, tóc nâu mượt, đôi mắt to màu nâu biếc. Cô ấy có tiếng cười… đôi khi chú vẫn còn có thể nghe thấy. – Ông lắc lắc cốc rượu, – bọn ta thường bí mật gặp nhau trong vườn táo của cha chú, luôn luôn sau nửa đêm, khi mọi người đã đi ngủ. Bọn ta thường dạo bước dưới các gốc táo và chú thường cầm tay cô ấy… Chú có làm cháu ngượng không, Amir jan?

– Một chút thôi ạ.

– Sẽ không làm chết cháu đâu, – chú nói, rít thêm một hơi thuốc nữa. – Bất kể thế nào bọn ta vẫn nuôi ảo tưởng ấy. Bọn ta sẽ có một đám cưới linh đình và mời họ hàng, bạn bè từ Kabul tới Kandahar. Ta sẽ xây cho chúng ta một ngôi nhà lớn với hàng hiên lát đá trắng và cửa sổ lớn. Chúng ta sẽ trồng cây ăn quả trong vườn và trồng thêm đủ các loài hoa, có một bãi cỏ để con cái của chúng ta chơi trên đó, vào ngày thứ Sáu, sau lễ cầu kinh Namaz ở nhà thờ Hồi giáo, mọi người sẽ đến tụ tập ở nhà chúng ta để ăn trưa, và chúng ta sẽ ăn ở trong vườn, dưới những gốc cây anh đào, uống nước mát ở dưới giếng. Rồi uống trà với kẹo trong khi chúng ta ngắm lũ trẻ của mình chơi với anh chị em họ chúng…

Chú hớp một ngụm dài rượu scotch và ho:

– Giá cháu thấy cái nhìn trên bộ mặt của cha ta, khi ta nói cho ông biết. Mẹ ta ngất xỉu. Các chị ta té nước vào mặt bà. Họ quạt cho bà, và nhìn ta như thể ta đã cắt họng họ. Ông anh trai Falal của ta thì đi tìm khẩu súng săn của ông ấy trước khi cha ta kịp ngăn ông ấy lại. – Chú Rahim Khan cười gằn cay đắng. – Như là chú và Homaira đã chống lại cả thế giới. Và chú muốn nói cho cháu biết điều này: Cuối cùng thì thế giới luôn luôn thắng. Đó mới là con đường của mọi sự.

– Vậy điều gì đã xảy ra?

– Ngay ngày hôm ấy, cha chú đem Homaira và cả gia đình cô ấy lên một chiếc xe tải, và tống họ về Hazarajat. Chú không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

– Cháu rất tiếc. – Tôi nói.

– Dẫu sao, vẫn có thể như thế là tốt nhất. – Chú Rahim Khan nhún vai nói tiếp, – cô ấy sẽ chịu đau khổ. Gia đình chú sẽ chẳng bao giờ chấp nhận cô ấy được bình đẳng. Cháu không thể ra lệnh cho ai đó đánh giày cho mình hôm nay và gọi người đó bằng “em gái” ngày hôm sau được, – chú nhìn tôi. – Cháu hiểu chú, cháu có thể nói cho chú bất kỳ chuyện gì cháu muốn, Amir jan. Bất cứ lúc nào.

– Cháu hiểu, – tôi do dự nói.

Chú nhìn tôi một lúc lâu, như thể đang chờ đợi, đôi mắt đen sâu thẳm của chú ngụ ý giữa chúng tôi có một bí mật chưa được nói ra. Trong một khắc, tôi suýt đã kể cho chú. Suýt kể hết cho chú mọi chuyện. Nhưng rồi chú sẽ nghĩ thế nào về tôi? Chú sẽ ghét tôi. Cũng phải thôi.

– Đây, – chú trao cho tôi vật gì đó. – Suýt nữa chú quên. Chúc mừng sinh nhật.

Đó là một cuốn sổ bọc da nâu. Tôi miết ngón tay lên lớp chỉ kim tuyến may ở mép sách. Tôi ngửi thấy mùi da thuộc. Chú nói:

– Cho những truyện ngắn cháu viết.

Tôi đang định cảm ơn chú thì một thứ gì đó nổ và bắn lên sáng cả bầu trời.

– Pháo hoa.

Chúng tôi vội trở về nhà và thấy khách khứa tất cả đều đang đứng trong sân, nhìn lên trời. Trẻ con huýt sáo và la hét, mỗi khi có tiếng nổ giòn và tiếng phụt lên. Người lớn reo hò, bật ra nhưng tiếng hoan hô, mỗi lần những bó lửa loe to và nổ bùng thành những chùm hoa lửa. Cứ vài giây một, sân sau lại bất chợt bùng sáng lên những luồng sáng màu đỏ, xanh, vàng.

Trong một đợt bùng sáng ngắn ngủi ấy, tôi nhìn thấy một cảnh tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên được: Hassan bưng rượu mời Assef và Wali trên một chiếc khay bạc. Ánh sáng vụt tắt, một tiếng rít và tiếng nổ giòn, rồi lại một đợt vụt sáng khác màu da cam: Assef nhăn nhở, ngoáy mạnh vào ngực Hassan quả đấm thép.

Rồi, may sao, bóng tối.

——————————–

1 El cid: Dựa theo vở kịch cổ điển Le cid của nhà văn Pháp Comeille thế kỷ 17.

2 Mareez trong nguyên bản có nghĩa là ốm.

3 Wah wah: Tiếng reo tỏ ý vui mừng, hoan hô, tạm dịch Chà chà!

4 Một loại lò bằng đất sét dùng nướng thịt hoặc bánh bằng xiên sắt theo lối của người Hindu.

5 Tiểu thuyết nổi tiếng của Walker Scott, nhà văn cổ điển Anh (1771-1832).

6 Hãfez: Tạm biệt.

7 Khayyám: Chúc ngủ ngon.

8 Saughat: Cũng có nghĩa quà lưu niệm.

Bình luận
720
× sticky