Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương VII

Tác giả: Khaled Hosseini

Sáng hôm sau, trong khi pha trà đen cho bữa điểm tâm, Hassan bảo tôi cậu ấy mới có một giấc mơ:

– Chúng ta ở hồ Ghargha, cậu, tôi, cha tôi, Agha sahib, chú Rahim Khan và hàng nghìn người khác. Trời ấm và có nắng. Mặt hồ trong sáng như gương. Nhưng không ai bơi bởi vì người ta bảo có một con quỷ đã đến chiếc hồ đó. Nó đang bơi ở dưới ấy, chờ đợi.

Hassan rót cho tôi một tách trà thêm đường vào, thổi qua loa một chút rồi đặt trước mặt tôi.

– Vì vậy ai nấy đều sợ lội xuống nước, bất ngờ cậu đá văng đôi giày đi, Amir agha, rồi cởi áo sơ mi ra, cậu nói: “Không có quỷ nào ở đây, tôi sẽ chứng minh cho mọi người.” Và trước khi ai đó kịp ngăn, cậu lao xuống nước và bắt đầu bơi ra xa. Tôi lao theo cậu và cả hai chúng ta cùng đang bơi.

– Nhưng cậu có bơi được đâu.

Hassan cười:

– Amir agha, đó là giấc mơ, người ta có thể làm bất cứ điều gì. Tóm lại, mọi người vẫn kêu thét lên: “Lên đi! Lên đi! Nhưng chúng ta cứ bơi trong nước lạnh. Chúng ta bơi tiếp ra giữa hồ và dừng lại. Chúng ta quay về phía bờ và vẫy tay chào mọi người. Trông họ bé như những con kiến nhưng bọn mình vẫn nghe tiếng họ vỗ tay. Bây giờ thì họ thấy rồi. Không có quỷ nào hết, chỉ có nước thôi. Sau đó họ đổi tên hồ và gọi là “Hồ của Amir và Hassan, hai Sultan của Kabul,” và chúng ta sẽ bắt mọi người trả tiền để bơi trên đó.

Tôi hỏi:

– Vậy giấc mơ ấy ngụ ý gì?

Hassan phết mứt quả lên bánh naan của tôi, đặt lên một cái đĩa:

– Tôi không biết. Tôi đang mong cậu có thể bảo cho tôi biết.

– Ồ, nó là một giấc mơ vớ vẩn. Chẳng có gì xảy ra trong đó.

– Cha tôi nói những giấc mơ luôn luôn ngụ ý điều gì đó.

Tôi nhấp một ngụm trà.

– Vậy sao cậu không hỏi ông ấy? Ông ấy sáng suốt lắm mà.

Tôi nói cộc lốc, tuy không định thế. Cả đêm tôi đã không ngủ được. Cổ và lưng tôi giống như những chiếc lò xo, và mắt tôi nhức nhối.

Tôi đã nhỏ nhen với Hassan. Suýt nữa tôi đã xin lỗi, rồi lại thôi. Hassan hiểu tôi đang căng thẳng. Hassan luôn hiểu về tôi.

Tôi nghe thấy tiếng nước chảy trong phòng tắm của Baba, ở trên gác.

Các đường phố lấp lánh tuyết mới rơi, và bầu trời một màu xanh biếc. Tuyết phủ lên thành lớp trên mọi nóc nhà, và trĩu trên những cành cây dâu tằm cằn cỗi thẳng hàng trên đường phố chúng tôi. Suốt đêm, tuyết đổ vào mọi khe suối và rãnh nước. Tôi nheo mắt trước màu trắng loá mắt khi Hassan và tôi bước qua chiếc cổng sắt. Ali đóng cổng lại cho chúng tôi. Tôi nghe thấy ông lẩm bẩm cầu nguyện trong hơi thở. Ông luôn đọc một câu kinh, khi con trai ông rời khỏi nhà.

Tôi chưa từng thấy nhiều người đến thế trên đường phố của chúng tôi. Lũ trẻ đang ném những quả cầu tuyết, cãi cọ ầm ĩ, rượt đuổi nhau, cười khúc khích. Những chiến binh đấu diều đang cụm lại với những người giữ cuộn dây của họ, chuẩn bị lần cuối. Từ những đường phố liền kề nhau, tôi nghe thấy tiếng cười và tiếng chuyện gẫu. Trên các nóc nhà, đã chật cứng những khán giả ngả người trên ghế vải lanh, trà nóng bốc hơi từ những phích nước, và nhạc của Ahmad Zahir oang oang từ những máy cát xét. Nhạc của Ahmad Zahir mang tính đại chúng rộng rãi đã cách mạng hoá âm nhạc Afghan và xúc phạm những người theo chủ nghĩa thuần tuý bằng việc thêm ghi-ta điện, trống và kèn vào loại trống vỗ và đàn harmonium truyền thống. Trên sàn diễn, hoặc tại các buổi tiệc tùng, ông tránh lối hát đơn điệu, gần như ảm đạm của các ca sĩ già hơn, và thực tế vừa hát ông vừa cười – thậm chí có lúc cười cả với phụ nữ. Tôi quay sang nhìn lên nóc nhà của chúng tôi, thấy Baba và chú Rahim Khan ngồi trên một chiếc ghế dài, cả hai đều mặc áo len, đang nhấp trà, Baba vẫy tay. Tôi không thể nói ông đang vẫy tôi hay Hassan.

– Ta bắt đầu thôi. – Hassan nói.Cậu đi đôi ủng cao su đen, mặc chiếc áo chapan xanh tươi ra ngoài chiếc áo len dày và chiếc quần dài bằng nhung kẻ đã bạc màu. Ánh nắng loáng lên gương mặt cậu, và trên đó, tôi thấy vết sẹo hồng trên môi đã lành hẳn.

Chợt tôi muốn rút lui. Ngừng tất cả thôi, về nhà. Tôi đang nghĩ gì nhỉ? Tại sao tôi phải thử thách mình như vậy, khi tôi đã biết kết quả rồi? Baba đang ở trên mái nhà, dõi theo tôi. Tôi cảm thấy cái nhìn nhức nhối của ông lên tôi, giống như hơi nóng của mặt trời rực cháy. Điều đó có lẽ là một thất bại lớn, cả đối với tôi.

– Tôi không chắc tôi muốn thả diều hôm nay, – tôi nói.

– Hôm nay là một ngày đẹp trời, – Hassan bảo.

Tôi xê dịch đôi chân. Cố để khỏi phải nhìn lên nóc nhà của chúng tôi:

– Tôi không biết. Có lẽ ta nên về nhà thôi.

Thế là Hassan bước đến cho tôi, bằng một giọng trầm trầm, nói một điều khiến tôi hơi hoảng: “Hãy nhớ. Amir agha. Không có con quỷ nào, mà chỉ có một ngày đẹp trời.” Làm sao tôi có thể là một cuốn sách mở ngỏ như thế cho cậu, khi phần lớn thời gian tôi chẳng hề biết tới những gì đang quay cuồng trong đầu cậu? Tôi là kẻ cắp sách đến trường, biết đọc, biết viết. Tôi là người thông minh, còn Hassan không thể đọc nổi cuốn sách vỡ lòng nhưng cậu có thể thấu hiểu tôi rất nhiều. Điều đó có đôi chút bất ngờ, nhưng ở một mức độ, lại là điều an ủi, vì có được một người luôn biết những gì bạn cần.

– Không có quỷ, – tôi nói, và ngạc nhiên cảm thấy khá hơn đôi chút.

Cậu mỉm cười:

– Không có quỷ.

– Cậu chắc không?

Hassan nhắm mắt lại. Gật đầu.

Tôi nhìn lũ trẻ chạy nhảy tung tăng dưới đường phố, ném những quả cầu tuyết.

– Một ngày đẹp trời, có phải không?

– Ta cho bay thôi, – Hassan nói.

Thế rồi tôi chợt nghĩ, có thể Hassan đã bịa ra giấc mơ. Có thể thế chăng? Tôi khẳng định không thể. Hassan không tinh quái đến thế. Tôi cũng không tinh quái đến thế. Nhưng bịa hay không, thì giấc mơ ngớ ngẩn đó cũng cất bớt cho tôi đôi chút lo lắng. Có lẽ tôi nên cởi áo ra, bơi thử một cái trong hồ. Tại sao lại không nhỉ.

– Ta tiến hành thôi, – tôi nói.

Mặt Hassan sáng ngời lên và nói:

– Tốt.

Rồi cậu nâng diều của chúng tôi lên, chiếc diều màu đỏ, viền vàng, và ngay phía dưới, chỗ thanh trung tâm và thanh ngang gặp nhau, có chữ ký không thể nhầm lẫn vào đâu được của ông Saifo. Cậu liếm ngón tay, giơ lên cao để thử gió, rồi chạy theo hướng gió – trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng tôi thả diều vào mùa hạ, cậu đá bụi tung lên để xem gió thổi hướng nào. Ống dây tở ra trong hai tay tôi, cho tới khi Hassan dừng lại, cách xa khoảng mười lăm mét. Cậu nâng diều lên cao quá đầu, như một lực sĩ thế vận hội nâng chiếc huy chương vàng. Tôi giật mạnh dây diều hai lần, dấu hiệu quen thuộc của chúng tôi, và Hassan tung diều lên.

Bị giằng co giữa Baba và các giáo sĩ ở nhà trường, tôi vẫn chưa biết chắc liệu có Thượng đế hay không. Nhưng khi những thánh thi ayat 1tôi đã học trong lớp diniyat của tôi dâng lên môi, tôi vẫn lẩm bẩm đọc. Tôi hít một hơi sâu, thở mạnh và kéo dây diều. Trong vòng một phút, chiếc diều của tôi bay vút lên trời. Nghe như tiếng một con chim giấy vỗ cánh. Hassan vỗ tay, huýt sáo, và chạy lại chỗ tôi. Tôi trao cho cậu ống cuộn, và tiếp tục điều khiển dây diều, còn cậu thì quay nhanh ống cuộn để thả dây diều ra.

Ít nhất cũng có tới hai chục chiếc diều đã lơ lửng trên bầu trời như những con cá mập giấy lang thang tìm mồi. Trong vòng một giờ, con số đã lên gấp đôi, và diều đỏ, diều xanh, diều vàng bay liệng, nhào lộn trên bầu trời. Một luồng gió lạnh lùa qua tóc tôi. Gió thuận cho việc thả diều, chỉ vừa đủ mạnh để nâng lên, làm cho diều cuốn theo dễ dàng hơn. Đứng gần tôi, Hassan giữ ống cuộn, tay đã ứa máu vì dây cứa.

Chẳng mấy chốc, đến lúc cắt dây diều, loạt đầu tiên những diều bị đánh bại, quay tít, mất điều khiển. Chúng rơi từ trên trời xuống như sao sa với những chiếc đuôi lấp lánh, ngoằn ngoèo, làm thành trận mưa chiến lợi phẩm xuống những vùng quanh đó cho những người đua diều. Lúc này tôi có thể nghe rõ tiếng la hét của những người đua diều chạy trên các đường phố. Ai đó lớn tiếng thuật lại một cuộc chiến cách đó hai phố.

Tôi vẫn lén nhìn lên chỗ Baba ngồi với chú Rahim Khan trên mái nhà, không hiểu ông đang nghĩ gì. Ông có đang cổ vũ tôi không? Hay một phần trong ông thích ngắm tôi thất bại? Điều quan trọng khi thả diều đó là: Tâm trí anh trôi dạt với diều.

Lúc này diều đang rớt xuống khắp mọi nơi, và tôi vẫn đang bay. Tôi vẫn đang bay. Cái nhìn của tôi vẫn lướt trên người Baba, ôm lấy chiếc áo len của ông. Ông có ngạc nhiên thấy tôi vẫn bay được lâu như thế không? Đừng ngước mắt mãi lên trời, sẽ không chịu được lâu đâu. Tôi đột ngột quay phắt lại nhìn lên trời. Một chiếc diều đỏ đang tiến sát vào tôi – Tôi bắt được chiếc diều đó vừa đúng lúc. Tôi mắc mớ với nó một chút, cuối cùng chiếm ưu thế hơn, khi nó trở nên sốt ruột và định cắt hạ tôi từ phía dưới.

Tới rồi lui trên đường phố, những người đua diều đang quay lại với bộ dạng chiến thắng, những chiếc diều bị bắt được giơ cao lên. Họ đem khoe chúng với cha mẹ mình, bạn bè mình. Nhưng tất cả đều hiểu chiếc diều vô địch vẫn chưa tới. Giải lớn nhất của tất cả vẫn đang bay. Tôi cắt một chiếc diều vàng rực rỡ có cái đuôi trắng xoắn. Việc đó khiến tôi phải trả giá, bằng một vết cứa nữa ở ngón tay trỏ, và máu rỉ xuống gan bàn tay tôi. Tôi bảo Hassan giữ dây, liếm máu cho khô, rồi chùi ngón tay vào quần bò của tôi.

Trong khoảng một giờ nữa thôi, số diều sống sót giảm xuống có thể từ năm mươi chỉ còn khoảng một chục. Tôi là một trong số đó. Tôi sẽ thuộc một chục cuối cùng. Tôi biết phần này của cuộc thi đấu sẽ khá dài, bởi vì nhưng kẻ trụ được lâu như vậy đều giỏi – họ sẽ không dễ dàng rơi vào những bẫy đơn giản như cái mẹo cổ lỗ sĩ nhào lên lộn xuống, mẹo tủ của Hassan.

Vào khoảng ba giờ chiều, những cụm mây giạt đến và mặt trời đã luồn vào sau các đám mây. Những bóng râm bắt đầu dài ra. Khán giả trên các mái nhà co ro lại trong khăn quàng và áo khoác dày. Chúng tôi đã giảm xuống tới mức chỉ còn nửa tá, tôi vẫn bay. Hai chân tôi tê nhức và cổ tôi cứng đuỗn. Nhưng với mỗi chiếc diều bị đánh bại, hy vọng lại nhen lên trong lòng tôi, như tuyết đang dồn lại trên một bức tường, mỗi lúc dày thêm một lớp.

Mắt tôi vẫn quay lại nhìn chiếc diều xanh đang đánh phá vào giờ cuối cùng này. Tôi hỏi:

– Nó hạ được bao nhiêu chiếc rồi?

– Tôi đếm được mười một, – Hassan nói.

– Cậu có biết có thể là của ai không?

Hassan chậc lưỡi và vênh mặt lên. Đó là một điệu bộ riêng của Hassan, có nghĩa là không biết. Chiếc diều xanh cắt ngọt một chiếc diều lớn màu tía đỏ và quét hai lần vòng thắt lớn. Mười phút sau, nó cắt hạ hai chiếc khác nữa, tạo điều kiện cho một bầy trẻ đua diều đua nhau đuổi bắt những diều bị hạ.

Thêm ba mươi phút nữa, chỉ còn bốn chiếc diều trụ lại. Và tôi vẫn bay. Có vẻ như tôi khó lòng mắc một động tác sai lầm, như thể mỗi đợt gió đều làm lợi cho tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vững vàng đến thế, may mắn đến thế. Làm cho tôi cảm thấy say sưa hứng khởi. Tôi không dám nhìn lên mái nhà. Không dám rời mắt khỏi bầu trời. Tôi phải tập trung tư tưởng, để chơi thật thông minh. Lại thêm mười lăm phút nữa, và những gì tựa như một giấc mơ tức cười sáng hôm đó đã bất ngờ trở thành thực tế: Chỉ còn mỗi tôi và chàng trai kia. Chiếc diều xanh.

Sự căng thăng trên bầu trời cũng căng ngang với dây trộn thuỷ tinh mà tôi đang kéo giật mạnh với hai bàn tay ứa máu. Mọi người đang giậm chân vỗ tay, huýt sáo hát vang “Boboresh! Boboresh! Hạ nó đi! Hạ nó đi!” Tôi không biết liệu tiếng của Baba có hoà trong tiếng của bọn họ không. Nhạc vang dội. Mùi bánh bao Mantu 2hấp và Pakora 3rán toả từ trên mái nhà và những cánh cửa mở rộng.

Nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy – tất cả những gì tôi muốn nghe – là tiếng máu giật thình thịch trong đầu tôi. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là chiếc diều xanh. Tất cả những gì tôi ngửi thấy là chiến thắng. Cứu rỗi. Chuộc tội. Nếu Baba nhầm và có một Thượng đế như họ nói ở trường học, thì Ngài sẽ để tôi chiến thắng. Tôi không biết anh chàng kia đang giở trò gì, có thể chỉ là những trò khoác lác. Nhưng đó lại là một cơ may của tôi để trở thành một người được nhìn vào, chứ không phải nhìn thấy, lắng nghe chứ không phải nghe thấy. Nếu có một Thượng đế, Ngài sẽ dẫn dắt để gió thổi về phía tôi, sao cho bằng một cái giật mạnh dây diều, tôi sẽ dứt được nỗi đau của tôi, lòng khao khát của tôi. Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều, đã đi quá xa. Và bất ngờ, hệt như thế, hy vọng trở thành thực tế. Tôi sắp thắng. Vấn đề chỉ là khi nào thôi.

Hoá ra nó lại sớm chứ không muộn. Một đợt gió mạnh nâng diều tôi lên, và tôi chiếm lợi thế. Thả dây ra, giật lại. Lượn vòng diều tôi lên đỉnh chiếc diều xanh. Tôi giữ nguyên tư thế. Chiếc diều xanh biết nó đang trong thế quẫn. Nó đang cố một cách vô vọng hòng thoát ra khỏi thế bị kẹt, nhưng tôi không để nó thoát. Tôi giữ vững tư thế. Đám đông cảm thấy chung cuộc đã trong tầm tay. Tiếng hô đồng thanh “Hạ nó đi! Hạ nó đi!” Càng to hơn, giống như dân La Mã động viên các đấu sĩ giết, giết!

– Sắp được rồi! Amir agha! Sắp rồi! – Hassan hổn hển nói.

Rồi thời khắc đó cũng đến. Tôi nhắm mắt lại, và nới lỏng tay nắm dây diều. Nó lại cứa vào các ngón tay tôi trong khi gió giật kéo. Và rồi… Tôi chẳng cần nghe tiếng đám đông hô ầm lên mới biết. Tôi cũng chăng cần nhìn. Hassan đang hét lên và vòng hai cánh tay ôm lấy cổ tôi.

– Hoan hô, hoan hô, Amir agha!

Tôi mở mắt, thấy chiếc diều xanh đang điên cuồng quay lộn như một chiếc lốp xe tuột khỏi chiếc xe đua. Tôi chớp mắt cố nói một điều gì đó. Chẳng nói ra được điều gì. Bất chợt tôi như đang bay liệng, từ bên trên nhìn xuống bản thân tôi. Áo khoác da đen, khăn quàng đỏ, quần bò bạc màu. Một đứa con trai mảnh mai, hơi xanh tái, một thằng nhóc thấp bé hơn tuổi mười hai của nó. Nó có đôi vai hẹp và một chút quầng đen quanh đôi mắt màu nâu tái. Gió nhẹ vờn bay mớ tóc màu nâu nhạt của nó. Nó ngước lên nhìn tôi và chúng tôi mỉm cười với nhau.

Thế rồi tôi hét to lên, và mọi vật đều rực rỡ sắc màu và âm vang, mọi vật đều sống động và tốt đẹp. Hai tay tôi ôm lấy Hassan và chúng tôi cùng nhảy tới nhảy lui, cả hai chúng tôi cùng cười, cả hai cùng khóc với nhau. “Amir agha, cậu thắng rồi, thắng rồi!”

“Chúng ta thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!” Là tất cả những gì lẽ ra tôi có thể nói. Nhưng điều đó biết đâu lại không xảy ra. Một lát nữa thôi, có thể tôi sẽ chớp mắt và tỉnh dậy khỏi giấc mơ đẹp, ra khỏi giường, xuống bếp ăn điểm tâm với duy nhất Hassan để trò chuyện. Mặc quần áo. Đợi Baba. Từ bỏ. Trở lại cuộc sống cũ của tôi. Thế rồi, tôi thấy Baba trên mái nhà của chúng tôi. Ông đang đứng ở rìa mái, vung lên vung xuống cả hai nắm đấm của ông. Reo hò và vỗ tay. Và đó là giây phút quan trọng nhất và duy nhất của mười hai năm đời tôi, được thấy Baba trên cái nóc nhà đó, cuối cùng đã tự hào về tôi.

Nhưng lúc này, ông đang làm điều gì đó, xua xua hai tay một cách khẩn thiết. Thế là tôi hiểu.

– Hassan, chúng ta.

– Tôi hiểu, – Hassan nói, gỡ vòng tay ôm của chúng tôi ra. – Inshallah, chúng ta sẽ ăn mừng sau. Ngay bây giờ, tôi sẽ đuổi bắt chiếc diều xanh cho cậu.Hassan buông ống cuộn xuống và vụt chạy, vạt áo chapan xanh của cậu quét tuyết phía sau.

– Hassan! – Tôi gọi. – Trở về với chiếc diều nhé!

Cậu đã ngoặt ở góc phố, đôi ủng cao su đá vung tuyết lên. Dừng, rồi rẽ. Cậu bắc loa mồm nói to:

– Vì cậu cả ngàn lần rồi!

Rồi cậu cười nụ cười của Hassan và biến mất quanh góc phố. Lần thứ hai tôi được thấy cậu nụ cười rộng mở đó, là hai mươi sáu năm sau, trong tấm ảnh đã ngả màu, chụp từ máy Polaroid.

Tôi bắt đầu kéo diều của mình xuống, trong khi mọi người đổ đến chúc mừng. Tôi bắt tay họ nói cảm ơn. Mấy thằng bé ít tuổi hơn nhìn tôi mắt long lanh tỏ ra kinh sợ: Tôi là một anh hùng. Những bàn tay vỗ nhẹ lưng tôi và xoa xoa tóc tôi. Tôi vẫn kéo dây và mỉm cười đáp lại, nhưng đầu óc tôi đang ở chỗ chiếc diều xanh.

Cuối cùng, tôi cũng đã có chiếc diều của tôi trong tay. Tôi quấn mớ dây diều đã thu lại dưới chân quanh ống cuộn, bắt tay thêm vài người nữa, và lon ton chạy về nhà. Đến chiếc cổng sắt, ông Ali đã đợi bên kia đường. Ông thò hai tay qua song sắt, nói:

– Xin chúc mừng! Tôi đưa chiếc diều và cuộn dây của tôi cho ông, bắt tay ông:

– Tashakor, cảm ơn Ali jan.

– Tôi cầu nguyện cho cậu suốt.

– Vậy ông cầu tiếp đi. Chúng tôi đã xong đâu.

Tôi vội quay lại đường phố. Tôi không hỏi ông Ali về Baba. Tôi chưa muốn gặp ông. Trong đầu tôi, tôi đã sắp xếp tất cả: tôi sẽ phải đi vào một cách trịnh trọng, phần thưởng cho người anh hùng hiện ra trong đôi tay đẫm máu của tôi. Những cái đầu sẽ quay lại và những đôi mắt sẽ nhắm nghiền. Rostam và Sohrab sẽ phán xử lẫn nhau. Một khoảnh khắc kịch tính của sự câm lặng. Rồi người chiến binh già sẽ bước tới người chiến binh trẻ, ôm hôn và công nhận sự xứng đáng của con mình. Chứng thực. Cứu rỗi. Chuộc tội. Và rồi sao? Ồ… tất nhiên, hạnh phúc mãi về sau. Gì nữa?

Những đường phố của quận Wazir Akbar Khan được đánh số và vuông góc với nhau như kẻ ô. Đó là một khu dân cư mới đang phát triển, với nhiều khoảnh đất trống và những nhà đang xây dựng dở dang trên mọi đường phố giữa các khu nhà có tường cao khoảng hai mét rưỡi bao quanh. Tôi chạy tới chạy lui mọi phố tìm Hassan. Ở đâu, dân chúng cũng đều đang bận rộn xếp dọn ghế, gói ghém thức ăn và đồ nhà bếp sau một ngày dài tiệc tùng. Một số người vẫn còn ngồi trên nóc nhà, hô to những lời chúc mừng tôi.

Cách phố chúng tôi về phía Nam bốn phố, tôi gặp Omar, con trai một kỹ sư, một ông bạn của Baba. Nó đang chơi bóng cùng với em trai trên bãi cỏ phía trước nhà chúng. Omar là một đứa con trai rất tốt. Chúng tôi đã từng là bạn học cùng lớp bốn, và một bận, nó đã cho tôi một chiếc bút máy, loại bút phải lắp một ống mực vào. Nó nói:

– Mình nghe thấy nói cậu thắng, Amir, chúc mừng cậu.

– Cảm ơn. Cậu có thấy Hassan không?

– Thằng Hazara của cậu à?

Tôi gật đầu.

Omar đánh đầu quả bóng cho em trai mình:

– Mình nghe nói nó là một tay đua diều giỏi.

Em trai đánh đầu bóng lại cho Omar. Omar bắt bóng, tung lên, tung xuống.

– Mặc dầu mình vẫn luôn không hiểu nó điều khiển thế nào. Mình muốn nói với đôi mắt ti hí ấy, nó làm thế nào nhìn thấy được cái gì?

Em trai Omar bật cười, đòi trả lại bóng. Omar lờ nó đi.

– Cậu có nhìn thấy Hassan không?

Omar bật ngón tay cái qua vai chỉ về phía Tây Nam:

– Mình trông thấy nó chạy về phía khu phố chợ lúc nãy.

– Cảm ơn.

Tôi chạy vọt đi.

Lúc tôi chạy tới khu phố chợ, mặt trời đã gần như lặn sau những dãy đồi và hoàng hôn nhuộm hồng, nhuộm tía bầu trời. Cách mấy dãy nhà cao lớn, từ nhà thờ Haji Yaghoub, ông giáo sĩ trầm trầm đọc vang kinh Azan, kêu gọi những tín đồ trải thảm nhỏ của họ ra và cúi đầu hướng về phía Tây trong khi cầu nguyện. Hassan không bao giờ bỏ bất kỳ buổi nào trong năm buổi cầu nguyện ban ngày. Cả khi chúng tôi định chơi trò gì đó, cậu ấy cũng cáo lỗi, kéo nước giếng sâu lên, rửa ráy, rồi biến vào túp lều. Mấy phút sau, cậu đi ra, tươi cười thấy tôi đang ngồi tựa vào tường hoặc vắt vẻo trên một cành cây. Đêm nay, cậu sẽ bỏ lỡ buổi cầu nguyện, dẫu sao cũng tại tôi.

Khu phố chợ chẳng mấy chốc vắng tanh, các thương nhân đang kết thúc nốt công việc mua bán mặc cả trong ngày. Tôi chạy trong bùn giữa những dãy lều quán san sát, có thể mua ở đây một con chim trĩ vừa mới giết thịt đồng thời một cái máy tính ở ngay quầy bên cạnh. Tôi luồn lách qua đám đông đang vãn dần, những kẻ ăn mày què mặc không biết bao nhiêu lớp giẻ rách, những người bán hàng đội thảm trên hai vai, các nhà buôn vải và hàng thịt đóng cửa hàng về nghỉ. Tôi không thấy bóng dáng Hassan đâu.

Tôi dừng lại bên một khóm cây quả héo khô, tả hình dạng Hassan cho một ông lão thương nhân đang tải lên lưng con lừa cái của ông những thùng gỗ chứa hạt thông và nho, đầu đội một chiếc khăn tu-ban màu xanh lơ nhạt.

Ông dừng lại nhìn tôi một lúc lâu trước khi trả lời:

– Có thể tôi đã gặp nó.

– Cậu ấy đi theo đường nào?

Ông ta nhìn đi nhìn lại tôi:

– Một người như cậu mà lại ở đây vào lúc chạng vạng này, để đi tìm một thằng Hazara ư?

Ông ta liếc nhìn mãi chiếc áo khoác da và quần bò của tôi, tỏ vẻ ngưỡng mộ – quần cao bồi, chúng tôi vẫn quen gọi thế. Ở Afghanistan, sở hữu bất kỳ thứ gì của Mỹ, nhất là khi nó lại không phải đồ cũ, là một dấu hiệu của sự giàu có.

– Agha, tôi cần tìm cậu ấy.

– Nó với cậu là thế nào với nhau? – Ông ta nói..

Tôi không rõ ngụ ý câu hỏi, nhưng tôi nhắc mình có sốt ruột cũng sẽ không làm cho ông ta cho biết nhanh hơn. Tôi nói:

– Cậu ấy là con trai người giúp việc của chúng tôi.

Ông già ngước đôi lông mày ngả màu muối tiêu lên:

– Thế kia à? Một tên Hazara may mắn có được cậu chủ quan tâm đến thế. Bố nó nên quỳ xuống, lấy lông mi quét bụi chân cho cậu.

– Ông có định nói cho tôi biết hay không nào?

Ông ta cứ để nguyên cánh tay trên lưng con la, chỉ về hướng Nam:

– Tôi cho là tôi đã gặp thằng bé cậu vừa tả, chạy theo lối đó. Nó cầm một một chiếc diều trong tay, chiếc diều xanh.

– Cậu ấy cầm thật à – Tôi hỏi.

Vì cậu, một nghìn lần rồi. Cậu ấy đã hứa mà. Hassan yêu quý tội nghiệp. Hassan thân thiết tội nghiệp. Cậu đã giữ lời hứa và đuổi bắt chiếc diều cho tôi.

– Tất nhiên bây giờ thì chúng đã tóm được nó – ông thương nhân già càu nhàu nói và chất thêm một bọc nữa lên lưng con la.

– Ai cơ?

– Những thằng bé khác – Ông nói – Những đứa đang săn đuổi nó. Chúng cũng ăn mặc như cậu – Ông liếc mắt nhìn lên trời và thở dài. – Thôi, đi đi, cậu đang làm tôi chậm buổi cầu kinh namaz đấy.

Nhưng tôi đã sẵn sàng lao ngay xuống ngõ hẻm đó.

Tôi lần lượt tìm khắp khu phố chợ trong mấy phút sau nhưng vô ích. Có thể ông già thương nhân đã nhìn nhầm. Trừ phi ông ta nhìn thấy chiếc diều xanh thật. Ý nghĩ tôi sẽ đặt tay lên chiếc diều đó… Tôi chui đầu vào mọi ngõ hẻm, mọi cửa hàng. Không có dấu hiệu nào của Hassan.

Tôi bắt đầu lo bóng đêm đổ xuống trước khi tìm thấy Hassan, bỗng nghe thấy tiếng người ở phía trước. Tôi đã tới một con đường hẻo lánh lầy lội. Con đường này vuông góc với đoạn cuối của đại lộ chính phân đôi khu phố chợ. Tôi rẽ theo những vết chân và đi theo hướng có tiếng người. Ủng tôi nhóp nhép trong bùn mỗi bước tôi đi, và hơi thở tôi phả ra như khói trắng trước mặt. Lối đi hẹp chạy song song một bên khe suối phủ đầy tuyết mà tới mùa xuân một dòng nước có thể đổ về cuồn cuộn. Phía bên kia sừng sững những hàng cây bách nặng nề tuyết phủ giữa những ngôi nhà bằng đất sét mái bằng – đa phần không hơn những túp lều là mấy – cách nhau bằng các ngõ hẹp.

Tôi lại nghe thấy tiếng người, lần này to hơn, từ một trong những ngõ nhỏ ấy. Tôi rón rén đến sát đầu ngõ. Nín thở, liếc nhìn quanh ngõ.

Hassan đang đứng ở cuối ngõ cụt trong tư thế thách thức, hai nắm đấm vặn lên, chân hơi xoạc ra. Đằng sau cậu, trên một đống phế thải và gạch vụn, vôi cát là chiếc diều xanh. Chiếc chìa khoá mở cửa trái tim của Baba.

Chặn lối ra của Hassan là ba đứa con trai, vẫn ba thằng hôm đó ở trên đồi, một ngày sau cú đảo chính của Daoud Khan, khi Hassan đã cứu chúng tôi bằng chiếc súng cao su của cậu. Wali đứng ở một bên, Kamal đứng bên kia và Assef đứng giữa. Tôi cảm thấy cơ thể tôi thót lại, và hơi gai lạnh sống lưng. Assef có vẻ thoải mái, tự tin. Nó đang quay quay hai quả đấm thép của nó. Hai thằng kia rụt rè nhích chân, hết nhìn Assef lại nhìn Hassan, như thể chúng đang dồn con thú vào một góc mà chỉ có Assef mới có thề thuần hoá nổi.

– Súng cao su của mày đâu rồi, thằng Hazara? – Assef vừa nói vừa xoay hai quả đấm thép trong tay. – Mày đã nói cái gì nhỉ? “Chúng nó sẽ phải gọi mày là thằng Assef Một Mắt.” Đúng rồi Assef Một Mắt. Tài giỏi. Tài giỏi thực sự đấy. Nhưng mà, nếu mày đang cầm một thứ vũ khí nạp đạn thì tài giỏi cũng dễ thôi.

Tôi nhận ra tôi vẫn còn chưa thở được. Tôi thở ra, chậm rãi và lặng lẽ. Tôi cảm thấy bị tê liệt. Tôi nhìn chúng tiến sát lại đứa con trai mà tôi đã cùng lớn lên, đứa con trai có bộ mặt môi hẻ là ký ức đầu đời của tôi.

– Nhưng hôm nay là một ngày may mắn của mày, thằng Hazara kia, – Assef nói. Lưng nó quay lại phía tôi, nhưng tôi dám cược là nó đang nhăn nhở. – Tao đang trong tâm trạng muốn tha thứ. Chúng mày bảo sao, hai thằng kia?

– Thế là rộng lượng, – Kamal nói ngay. – Nhất là sau cái bộ dạng láo xược nó tỏ với chúng ta bận trước. – Nó cố nói giống giọng Assef, ngoại trừ vẫn rung rung trong giọng nói. Thế là tôi hiểu: nó không sợ Hassan, thực sự không sợ. Nó sợ bởi vì nó không biết Assef nghĩ gì trong đầu.

Assef vẫy vẫy bàn tay tỏ ý khinh miệt:

– Bakhshida 4. Miễn tội. Thế là xong. – Giọng nó hạ xuống một chút. – Tất nhiên, không có gì cho không trên đời này, và việc tha thứ của tao phải kèm theo một giá nhỏ.

– Thế mới phải chứ, – Kamal nói.

– Không gì miễn phí hết, – Wali thêm vào.

– Mày là một thằng Hazara may mắn đấy, – Assef vừa nói vừa nhích một bước về phía Hassan. – Bởi vì hôm nay, mày sẽ chỉ phải trả bằng cái diều xanh kia thôi. Rất biết điều, phải không, mấy đứa?

– Còn hơn biết điều ấy chứ – Kamal nói.

Thậm chí từ nơi đang đứng, tôi cũng thấy được nỗi sợ hãi đang bò vào đôi mắt Hassan, nhưng cậu lắc đầu:

– Amir agha đã thắng trong cuộc thi đấu, và tôi phải đuổi bắt chiếc diều này cho cậu ấy. Tôi đuổi bắt nó đúng luật. Chiếc diều này là của Amir agha.

– Một thằng Hazara trung thành, trung thành như một con chó, – Assef nói.

Kamal cười lên the thé và bồn chồn.

– Nhưng trước khi mày hy sinh bản thân cho nó, hãy nghĩ tới điều này: Liệu nó có làm thế cho mày không? Mày đã bao giờ thắc mắc, tại sao nó chẳng bao giờ cho mày vào chơi cùng khi nó có khách không? Tại sao nó chỉ chơi với mày khi không có ai khác quanh nó? Tao sẽ bảo cho mày biết tại sao, Hazara. Bởi vì đối với nó, mày chẳng là gì ngoài một con chó xấu xí. Một con vật gì đó nó có thể chơi với khi nó buồn chán, một con vật gì đó nó có thể đá đi khi nó tức giận. Đừng tự lừa dối mình nữa và nghĩ mày là thứ gì đó hơn thế.

– Amir agha và tôi là những người bạn, – Hassan nói. Cậu có vẻ đỏ mặt.

– Những người bạn ư? – Assef vừa nói vừa cười – Mày, đồ ngốc đáng thương! Một ngày nào đó, mày sẽ tỉnh ra khỏi cái ý nghĩ ngông cuồng nho nhỏ của mày và sẽ hiểu nó là một thằng bạn tốt đến mức nào. Còn bây giờ, mẹ kiếp! Đủ rồi. Đưa cái diều ấy cho chúng tao.

Hassan cúi xuống nhặt một hòn đá.

Assef nao núng. Nó lùi một bước rồi dừng lại:

– Hazara, cơ hội cuối cùng đấy.

Hassan trả lời bằng việc giơ tay đang cầm hòn đá lên.

– Tùy mày thôi.

Assef cởi khuy áo khoác mùa đông, rồi cởi hẳn ra, từ từ và cẩn thận gấp lại. Nó để áo vào chân tường. Tôi mở miệng, suýt nói ra một điều gì đó. Suýt thôi. Phần còn lại của đời tôi có thể đã khác đi nếu tôi nói. Nhưng tôi không nói. Tôi chỉ xem thôi. Tê liệt.

Assef vẫy tay ra hiệu, và hai thằng kia tách ra tạo thành nửa đường tròn vây Hassan trong ngõ. Assef nói:

– Tao đổi ý rồi. Hazara, tao vẫn để mày giữ chiếc diều. Tao vẫn để cho mày giữ nó, để nó sẽ mãi mãi nhắc nhở mày về những gì tao định làm đây.

Rồi nó tấn công. Hassan dùng hết sức ném hòn đá. Hòn đá đập vào trán Assef. Nó thét lên và lao người vào Hassan, đánh Hassan ngã xuống đất. Wali và Kamal đánh hôi. Tôi cắn nắm đấm của tôi. Mắt nhắm lại.

Mày có biết Hassan và mày được nuôi từ cùng một bầu vú không? Mày có biết điều đó không, Amir agha? Sakina là tên bà. Bà là một phụ nữ Hazana xinh đẹp, mắt xanh, từ Bamiyan đến và bà ru mày bằng những bài ca hôn lễ cổ. Người ta bảo có tình anh em máu mủ giữa những người được nuôi từ cùng một bầu vú. Mày có biết điều đó không?

Một hồi ức:

“Lũ trẻ, mỗi đứa một đồng rupia. Mỗi đứa chỉ một rupia thôi, và ta sẽ vén bức màn sự thật.” Ông già ngồi dựa vào bờ tường đất. Đôi mắt mù loà của ông như bạc nấu chảy bám chặt sâu hoắm bên trong, hai chiếc hố sinh đôi. Cúi xuống chiếc gậy chống, ông thầy bói xoa xoa bàn tay xương xẩu lên đôi má hõm của mình. Bàn tay khum lại trước mặt chúng tôi. “Không mất nhiều để hỏi sự thật đâu, chỉ một rupia mỗi cháu thôi, phải không nào?” Hassan bỏ một đồng vào lòng bàn tay như da thuộc. Tôi cũng bỏ một đồng vào. “Nhân danh Thánh Allah đại phúc đức đại nhân từ”, ông thầy bói già lẩm bẩm. Ông cầm bàn tay của Hassan trước, lấy một móng tay cứng như sừng cào gan bàn tay cậu, cào quanh rồi lại quanh. Rồi ngón tay uể oải đưa lên mặt Hassan, từ từ vạch theo đường cong đôi má, đường viền của môi, làm thành một âm thanh sồn sột khô khan. Những ngón tay thành chai của ông cọ phải mắt của Hassan. Bàn tay dừng ở đó. Nấn ná. Một bóng mờ lướt qua khuôn mặt ông già. Hassan và tôi liếc nhìn nhau. Ông già nắm lấy tay Hassan và trả lại đồng rupia vào lòng bàn tay cậu, ông quay lại phía tôi. Ông nói: “Còn cậu thế nào, anh bạn trẻ?” Bên kia bức tường một con gà trống gáy. Ông già giơ tay nắm tay tôi và tôi rụt lại.

Một giấc mơ:

Tôi bị lạc trong một trận bão tuyết, gió gào rít ném những bông tuyết lạnh buốt vào tôi. Tôi loạng choạng lê bước dưới những lớp tuyết trắng trượt. Tôi kêu cứu, nhưng gió dập những tiếng kêu của tôi đi. Tôi ngã và nằm thở hổn hển trên tuyết, chìm trong màu trắng, gió hú trong tai tôi. Tôi nhìn tuyết vùi xoá dấu chân tôi. Tôi nghĩ, giờ thì ta đã là một con ma, con ma không có dấu chân. Tôi lại kêu váng lên, niềm hy vọng ờ nhạt theo dấu chân tôi. Nhưng lần này, một tiếng ú ớ đáp lại. Tôi che mắt và tìm cách ngồi dậy. Tôi thoáng nhìn thấy, ngoài lớp màn tuyết đang đu đưa, một cái gì đó chuyển động, một cơn gió sắc màu. Một hình bóng thân quen hiện ra. Một bàn tay vươn ra cho tôi. Tôi nhìn thấy mấy vết cứa sâu, song song với nhau trong gan bàn tay, máu đang nhỏ, vấy đỏ lên tuyết. Tôi nắm lấy bàn tay và bất chợt tuyết biến mất. Chúng tôi đang đứng trên một cánh đồng táo đầy cỏ xanh với những sợi mây mỏng trôi dạt bên trên. Tôi nhìn lên và thấy trời quan đầy những chiếc diều, xanh, vàng, đỏ, da cam. Chúng lung linh trong ánh sáng ban chiều.

° ° °

>Một đống phế thải, gạch vụn vôi vữa đổ bừa trên lối ngõ. Lốp xe đạp cũ, chai lọ bóc nhãn, những tạp chí rách nát, những nhật báo ngả vàng, tất cả rải rác giữa một đống gạch và mảnh sắc xi-măng. Cái lò sưởi gang han gỉ với một lỗ thủng ở thành lò, nghiêng nghiêng dựa vào tường. Nhưng có hai vật giữa đống rác thải đó mà tôi không thể không nhìn: Một thứ là chiếc diều xanh dựng vào tường sát với cái lò sưởi gang, thứ nữa là chiếc quần dài nhung tăm màu nâu của Hassan ném trên đống gạch cũ.

– Tôi không biết, – Wali đang nói. – Bố tôi bảo thế là có tội – Giọng nó tỏ ra không chắc chắn, đồng thời hồi hộp và khiếp sợ. Hassan nằm, cằm cắm xuống đất. Wali và Kamal mỗi đứa kẹp chặt một cánh tay, vặn cong khuỷu tay để hai tay Hassan ép vào sau lưng. Assef đứng bên chúng theo dõi, gót ủng đi tuyết của nó nghiến lên gáy của Hassan.

– Bố mày cũng không biết được đâu, – Assef nói. – Và chẳng có gì là tội lỗi khi dạy cho con lừa láo xược một bài học.- Tôi không biết, – Wali lẩm bẩm.- Tuỳ mày, – Assef nói rồi quay lại Kamal. – Còn mày thế nào?

– Tôi… ờ…

– Chỉ là một thằng Hazara, – Assef nói. Nhưng Kamal vẫn nhìn đi đâu.

– Thôi được, – Assef sốt ruột nói. – Tất cả những gì tao muốn lũ yếu như sên chúng mày làm là ghì chặt nó xuống. Có làm được không?

Wali và Kamal gật đầu. Chúng có vẻ yên tâm hơn.

Assef quỳ xuống phía sau Hassan, đưa hai tay lên háng Hassan lột trần đôi mông của cậu ra. Nó vẫn để một tay lên lưng Hassan, và tay kia tháo khoá dây lưng của nó, mở khoá kéo quần bò của nó. Ném quần lót của nó xuống. Nó quỳ sát phía sau Hassan. Hassan không chống lại. Cũng không rên rỉ. Cậu hơi ngóc đầu lên, và tôi lờ mờ thấy khuôn mặt cậu ấy. Thấy sự cam chịu trên đó. Đó là một cái nhìn tôi từng thấy trước đây. Đó là cái nhìn của con cừu non.

Ngày mai là ngày thứ Mười của Dhul Hijjah, tức tháng cuối theo lịch đạo Hồi, cũng là ngày đầu của lễ ba ngày Eid Al-Adha, hay Eid-e-Qorban như người Afghan vẫn gọi – ngày để tôn vinh nhà tiên tri Ibrahim suýt nữa đã hy sinh con trai mình cho Thượng đế. Baba năm nay đã lại tự tay chọn ra một con cừu nữa, một con đốm trắng với hai tai cúp màu đen.

Tất cả chúng tôi đều đứng ở sân sau, Hassan, Ali, Baba và tôi. Ông giáo sĩ đọc kinh cầu nguyện, vò râu mình. Baba lẩm bẩm. Tiếp tục lẩm bẩm chẳng ai nghe rõ. Ông tỏ vẻ phiền với việc cầu nguyện dài dòng này, cái nghi lễ làm món thịt halal. Baba nhạo báng câu chuyện đằng sau lễ Eid này, giống như ông vẫn nhạo báng mọi thứ mang màu sắc tôn giáo. Nhưng ông tôn trọng truyền thống của lễ Eid-e-Qorban. Tục lệ là chia thịt ra thành ba, một phần cho gia đình, một phần cho bạn hữu, một phần cho người nghèo. Năm nào, Baba cũng đem tất cả cho người nghèo. Người giàu béo đủ rồi, ông bảo thế.

Giáo sĩ kết thúc bài cầu kinh. Ameen. Ông chọn con dao bếp có lưỡi dài. Tục lệ là không được để con cừu nhìn thấy con dao. Ông Ali cho con vật ăn một miếng đường, một tục lệ khác, để làm cho cái chết ngọt ngào hơn. Con cừu đá chân, nhưng không nhiều. Giáo sĩ nắm lấy phía dưới xương hàm nó và kề lưỡi dao vào cổ. Đúng một giây trước khi ông cắt họng con cừu bằng một động tác sành sỏi, tôi nhìn thấy mắt con cừu. Đó là cái nhìn ám ảnh những giấc mơ của tôi suốt nhiều tuần lễ. Tôi không hiểu tại sao tôi lại quan sát cái nghi lễ hàng năm này ở sân sau. Những cơn ác mộng của tôi cứ kéo dài mãi sau khi vết máu trên cỏ đã phai màu. Nhưng tôi vẫn cứ quan sát. Tôi quan sát vì cái nhìn chấp thuận trong đôi mắt con vật. Tôi tưởng tượng con vật hiểu rằng cái chết sắp đến của mình là vì một mục đích cao cả hơn. Đó là cái nhìn…

° ° °

Tôi ngừng quan sát, quay ra khỏi ngõ. Một cái gì âm ấm đang chảy xuống cổ tay tôi. Tôi chớp chớp mắt, thấy mình vẫn còn đang cắn nắm đấm, mạnh đến bật máu từ những đốt ngón tay. Tôi nhận ra một cái gì khác. Tôi đang khóc. Đúng tới gần cho rẽ, tôi nghe thấy tiếng hự hự đều nhịp và nhanh của Assef.Tôi có một cơ may cuối cùng để ra quyết định. Một cơ hội tối hậu để quyết định tôi sẽ là người thế nào. Tôi có thể bước vào cái ngõ đó hỗ trợ Hassan – đúng như cái cách cậu ấy đã từng giải cứu tôi mọi lần trong quá khứ – và chấp nhận bất cứ chuyện gì xảy ra với mình. Hoặc tôi chạy trốn.

Cuối cùng, tôi chạy trốn.

Tôi chạy trốn bởi vì tôi là một thằng hèn. Tôi sợ Assef và tất cả những gì nó có thể làm đối với tôi. Tôi sợ bị đánh. Đó là những gì tôi đã tự nhủ lúc tôi quay ra khỏi cái ngõ đó. Tôi thực sự cảm nhận được sự hèn hạ, bởi vì lý do có thật và duy nhất khiến tôi chạy trốn là Assef có lý: Không có gì cho không trên đời này. Có thể Hassan là cái giá tôi phải trả, con cừu non tôi phải giết hại để giành được Baba. Phải chăng đó là cái giá tương xứng? Câu trả lời bồng bềnh trôi dạt đến trí não tỉnh táo của tôi trước khi tôi có thể gạt đi: Cậu ấy chỉ là một thằng Hazara, chẳng phải thế ư?

Tôi chạy về theo con đường tôi đã đến, chạy khỏi cái khu phố chợ hầu như hoang vắng ấy. Tôi loạng choạng chạy đến một quầy hàng, dựa người vào cánh cửa có khoá móc đang lắc lư. Tôi đứng đó thở hổn hển, mồ hôi vã ra, mong sao mọi chuyện khác đi.

Khoảng mười lăm phút sau, tôi nghe thấy những tiếng nói và tiếng bước chân. Tôi nép người sau cái quầy và thấy Assef cùng hai thằng kia chạy vụt qua, cười cợt khi chúng vội vã rút khỏi cái ngõ hoang vắng ấy. Tôi miễn cưỡng đợi thêm mười phút nữa. Rồi tôi bước chân quay lại cái lối đi đầy vết bánh xe dọc theo khe suối đầy tuyết. Tôi liếc nhìn trong ánh sáng lờ mờ và phát hiện ra Hassan đang bước chậm rãi về phía tôi. Tôi gặp cậu bên một cây phong trụi lá trên bờ suối.

Cậu cầm chiếc diều xanh trong hai tay, đó là vật đầu tiên tôi nhìn thấy. Và bây giờ tôi không thể dối trá mà bảo rằng, mắt tôi không liếc nhìn mấy vết rách. Áo chapan của cậu đầy nhưng vết bùn hoen bẩn ở phía trước và áo sơ mi bị xé toạc đến tận cổ. Cậu dừng lại. Chân lảo đảo như sắp gục ngã. Rồi tự đứng vững được, trao cho tôi chiếc diều.

– Cậu ở đâu? Tôi đã đi tìm cậu, – Tôi nói. Thốt ra những lời đó như đang nhai đá.

Hassan kéo ống tay áo đưa lên ngang mặt, lau nước mũi và nước mắt. Tôi đợi cho cậu nói một điều gì, nhưng chúng tôi chỉ đứng đó trơ trơ trong im lặng, trong ánh sáng mờ nhạt. Tôi phải biết ơn bóng tối đến sớm đổ lên khuôn mặt Hassan và che mặt tôi đi. Tôi lấy làm mừng vì tôi đã không nhìn trả lại cái nhìn chằm chằm của cậu. Cậu có biết tôi biết không? Và nếu cậu biết, thì liệu tôi sẽ thấy gì nếu phải nhìn vào đôi mắt của cậu? Trách mắng? Tức giận? Hoặc, cầu Thượng đế ngăn lại, những gì tôi sợ nhất: sự tận tuỵ ngây thơ? Hơn tất cả mọi thứ, đó là điều mà tôi không thể nhìn nổi.

Cậu định nói một điều gì đó, nhưng giọng nghẹn lại. Cậu mím miệng, mở miệng, rồi lại mím chặt lại. Lùi một bước. Lau mặt. Đó là tất cả những gì Hassan và tôi từng đả động đến về chuyện đã xảy ra trong cái ngõ ấy. Tôi nghĩ cậu sẽ bật khóc, nhưng cậu không thế, khiến tôi an tâm,và tôi vờ như không nghe thấy tiếng nghẹn tắc trong giọng cậu. Hệt như tôi giả vờ không trông thấy vết bẩn ở đũng quần cậu. Hoặc những giọt nhỏ xíu đó nhỏ xuống từ giữa hai chân cậu làm vấy bẩn mặt tuyết.

“Agha sahib sẽ lo lắng” là tất cả nhưng gì cậu nói. Cậu ngoảnh đi và khập khiễng rời khỏi chỗ tôi.

° ° °

Chuyện đó xảy ra đúng như tôi tưởng tượng.

Tôi mở cửa phòng đọc đầy khói thuốc và bước vào. Baba và chú Rahim Khan đang uống trà, vừa nghe tin tức bị nhiễu trên radio. Những cái đầu quay lại. Rồi một nụ cười nở trên đôi môi cha tôi. Ông dang hai cánh tay ra. Tôi đặt chiếc diều xuống, và bước vào hai cánh tay mập mạp lông lá của ông. Tôi vùi mặt vào hơi ấm ngực ông và khóc. Baba ôm chặt lấy tôi, lắc qua lắc lại, lắc lui lắc tới người tôi. Trong cánh tay ông, tôi quên những gì tôi đã làm. Và thế cũng hay.

——————————–

1 Ayat: Số nhiều của từ Ayah, nghĩa tiếng Ẳ rập làdấu hiệu hay phép thần diệu, ở đây ý nói đến các thánh thi trích trong kinh Koran. Người Hồi giáo coi kinh Koran như dấu hiệu từ Thượng đế.

2 Mantu: Bánh bao Afghan nhồi thịt cừu hoặc bê.

3 Pakora: Một loại món ăn Ấn Độ hay Pakistan với thành phần gồm gà, hành tây, khoai tây, cà chua, ớt, tẩm bột và rán.

4 Bakhshida: Miền tội.

Bình luận