Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương XIII

Tác giả: Khaled Hosseini

Tối hôm sau khi chúng tôi đến gia đình ông Taheri – để chính thức ngỏ lời bằng lafz 1 – tôi phải đậu xe ở bên kia phố. Lối vào nhà chật cứng những xe. Tôi mặc một bộ đồ màu xanh nước biển mà tôi đã mua hôm trước, sau khi tôi chở Baba đến khastegari. Tôi kiểm tra lại cà vạt trong gương chiếu hậu.

– Con trông thật đẹp trai, – Baba nói.

– Cảm ơn Baba. Bố có ổn không? Bố có cảm thấy đủ sức làm việc này không?- Đủ sức hở? Đây là ngày hạnh phúc nhất đời bố, Amir – ông vừa nói vừa mỉm cười mệt mỏi.Tôi nghe rõ tiếng bàn tán phía sau cửa, tiếng cười, tiếng nhạc Afghan chơi nhẹ nhàng – nghe như bản ghazal 2 cổ điển của Ustad Sarahang. Tôi bấm chuông. Một khuôn mặt ló ra khỏi rèm cửa sổ tiền sảnh và biến mất. “Họ đến đây rồi!” Tôi nghe tiếng một phụ nữ nói. Tiếng rì rào bàn tán dừng lại. Ai đó tắt nhạc.Khanum Taheri ra mở cửa. Bà nói, mắt sáng ngời:

– Salaam Alaykum!

Bà đã uốn tóc, tôi thấy rõ và mặc bộ đầm đen lịch sự dài đến gót chân. Khi tôi bước vào tiền sảnh, mắt bà ứa lệ, và bà nói:

– Amir jan, con còn chưa vào trong nhà mà ta đã khóc rồi.

Tôi đặt một nụ hôn lên tay bà, như Baba đã dạy tôi đêm trước.Bà dẫn chúng tôi qua một hành lang đèn thắp sáng trưng vào phòng khách. Trên những bức tường ốp gỗ, tôi thấy những tấm ảnh của những người sẽ trở thành gia đình mới của tôi: Khanum Taheri còn trẻ, tóc uốn búp và ông tướng, hậu cảnh là thác Niagara. Khanum Taheri trong bộ váy áo dệt liền. Ông Taheri mặc áo jacket ôm sát có ve cổ hẹp, cravát thanh nhã, tóc dày đen nhánh, Soraya dợm bước lên một con tàu gỗ trò chơi ở hội chợ, đang vẫy tay và mỉm cười, ánh sáng lấp lánh trên hàm răng trắng bóng của nàng. Một tấm ảnh ông tướng bảnh bao trong bộ quân phục, đang bắt tay quốc vương Hussein của Jordan. Một bức chân dung của Zahir Shah.

Phòng khách đông khoảng hai chục khách, ngồi trên những chiếc ghế tựa dọc theo các bức tường. Khi Baba bước vào, mọi người đều đứng lên. Chúng tôi đi vòng quanh phòng, Baba từ từ đi trước, tôi theo sau, bắt tay và chào các vị khách. Ông tướng – vẫn trong bộ đồ xám – và Baba ôm hôn nhau, lịch sự vỗ nhẹ vào lưng nhau. Họ chào nhau Salaam bằng một giọng kính cẩn, khẽ khàng.

Ông tướng ôm vòng tôi hết cả hai cánh tay và cười xởi lởi như muốn nói, – nào, bây giờ thì chính thức – theo tục lệ của người Afghan – để làm điều này rồi, bachem. – Chúng tôi hôn lên má nhau ba lần.

Chúng tôi ngồi trong căn phòng đông kín người. Baba và tôi cạnh nhau, đối diện với ông tướng và bà vợ. Tiếng thở của Baba dồn dập hơn đôi chút, ông không ngừng lau mồ hôi trên trán và da đầu bằng chiếc khăn tay. Ông thấy tôi đang nhìn ông và cười gượng. – Bố không sao, – ông nhăn nhó.

Để giữ đúng phong tục, Soraya không có mặt.

Tiếp theo là nhưng chuyện tán gẫu tầm phào cho tới khi ông tướng hắng giọng. Căn phòng trở lại yên tĩnh và ai nấy đều nhìn xuống tay mình. Nghiêm trang, ông tướng gật đầu ra hiệu về phía Baba.

Baba cũng hắng giọng. Ông bắt đầu nói, ông không thể nói hết một câu mà không dừng lại thở:

– Thưa Tướng quân Sahib, Khanum Jamila jan… thật là một vinh dự lớn lao cho con trai tôi và tôi… được đến nhà các vị hôm nay. Các vị… là những con người đáng kính trọng… thuộc những gia đình kiệt xuất và danh giá và… dòng dõi kiêu hãnh. Tôi đến đây không vì điều gì khác ngoài ihtiram tối thượng… sự kính trọng nhất đối với các bậc tiền bối gia đình các vị, và tưởng nhớ… tổ tiên các vị. – Ông dừng lại. Lấy hơi. Quệt lông mày. – Amir jan là con trai duy nhất của tôi… đứa con duy nhất của tôi, và cháu luôn là đứa con trai hiếu thảo của tôi. Tôi mong cháu sẽ tỏ ra… xứng đáng với lòng tốt của các vị. Tôi ngỏ lời xin các vị đem lại vinh dự cho Amir jan và tôi… và chấp nhận con trai tôi vào trong gia đình các vị.

Ông tướng gật đầu lịch thiệp. Ông nói:

– Chúng tôi vinh dự đón chào con trai của một người như ông vào gia đình chúng tôi. Danh tiếng của ông còn đến trước ông. Tôi là một người nghiêng mình ngưỡng mộ ông ở Kabul và vẫn còn giữ nguyên lòng ngưỡng mộ đó tới ngày hôm nay. Chúng tôi rất vinh hạnh được gia đình ông thông gia với chúng tôi.

– Amir jan, về phần con, ta chào đón con vào gia đình ta như một đứa con trai, như là người chồng của con gái ta, noor 3 của mắt ta. Nỗi đau của con cũng sẽ là nỗi đau của chúng ta, niềm vui của con là niềm vui của chúng ta. Ta hy vọng con sẽ xem Khala Jamila và ta như cha mẹ thứ hai của con, và ta nguyện cầu cho hạnh phúc của con Soraya jan yêu quý của chúng ta. Cả hai con hãy nhận lời chúc phúc của chúng ta.

Mọi người vỗ tay, và với tín hiệu đó, tất cả đều quay đầu về phía hành lang. Giờ phút mà tôi mong đợi.

Cuối cùng Soraya xuất hiện. Trong áo váy Afghan truyền thống màu nho lộng lẫy với hai ống tay dài và đồ nữ trang bằng vàng. Tay của Baba nắm lấy tay tôi, xiết chặt. Khanum Taheri tràn trề nước mắt. Soraya chậm rãi bước lại phía chúng tôi, theo sau là một đoàn phù dâu gồm những họ hàng phụ nữ.

Nàng hôn tay cha tôi. Cuối cùng ngồi xuống cạnh tôi, mắt nhìn xuống.Tiếng vỗ tay ran lên.

Theo truyền thống, gia đình Soraya sẽ phải tổ chức tiệc đính hôn, Shirini khori, còn gọi là Lễ Ăn Kẹo. Rồi giai đoạn đính hôn đấy thường kéo dài vài tháng. Tiếp đến lễ cưới phải do Baba gánh vác.Tất cả chúng tôi đều đồng ý là Soraya và tôi sẽ bỏ qua Shirini khori. Ai cũng biết lý do, vì vậy chẳng ai phải nói hẳn ra rằng: Baba chẳng còn sống được mấy tháng nữa.

Soraya và tôi không bao giờ cùng nhau đi ra ngoài trong khi tiến hành chuẩn bị cho lễ cưới – do chúng tôi còn chưa cưới, thậm chí không có cả Shirini khori – đi cùng nhau như thế bị xem là không hợp lẽ. Vì vậy tôi đành phải đi cùng với Baba qua nhà ông Taheri ăn tối. Ngồi đối diện với Soraya qua bàn ăn. Tưởng tượng ra khi đầu nàng gối lên ngực mình, mùi tóc nàng sẽ như thế nào. Hôn nàng. Làm tình với nàng.

Baba tiêu ba lăm ngàn đô la, gần hết khoản tiền ông dành dụm cho awrossi, lễ cưới. Ông thuê một phòng tiệc lớn ở Fremont – chủ nhà hàng biết ông từ ngày ở Kabul nên đã giảm giá đáng kể cho ông. Baba phải thuê dàn nhạc cho đám cưới của chúng tôi, và chi tiền cho chiếc nhẫn kim cương tôi chọn. Ông mua cho tôi bộ vest đuôi tôm và bộ áo quần truyền thống màu xanh cho lễ nika – lễ nguyện thề. Mọi công cuộc chuẩn bị tới tấp đáng sợ cho đêm cưới – may mắn sao phần lớn đều do Khanum Taheri và bạn bè bà đảm nhiệm – tôi chỉ còn nhớ được một chút không đáng kể.

Tôi còn nhớ lễ nika của chúng tôi. Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn. Soraya và tôi mặc màu xanh lục – màu của đạo Hồi, nhưng cũng là màu của mùa xuân và sự khởi đầu mới. Tôi đóng bộ, Soraya (người phụ nữ duy nhất tại chiếc bàn đó) mặc áo váy dài tay, che mạng. Baba, TướngTaheri (lần này trong bộ vest đuôi tôm) và mấy người cậu của Soraya cũng có mặt tại chiếc bàn đó. Soraya và tôi nhìn xuống, nghiêm trang, kính cẩn, chỉ dám liếc trộm nhau. Ông giáo sĩ hỏi những người làm chứng và đọc kinh Koran. Chúng tôi nói nhưng lời nguyện thề. Ký vào giấy chứng hôn. Một trong những người cậu của Soraya đến từ Virginia, ông Sharif jan, em trai của Khanum Taheri, đứng lên và hắng giọng. Soraya bảo tôi rằng, ông đã sống ở nước Mỹ hơn hai mươi năm. Ông làm việc ở Sở Nhập cư và Nhập quốc tịch, còn có một bà vợ Mỹ. Ông cũng là một nhà thơ. Một người nhỏ nhắn với bộ mặt giống mặt chim, tóc mềm như tơ. Ông đọc một bài thơ dài tặng Soraya, ghi vội trên một tờ giấy của khách sạn. Khi ông đọc xong mọi người reo lên: “Wah wah, chà chà, Sharif jan.”

Tôi còn nhớ lúc ấy, trong bộ lễ phục, tôi bước về phía diễn đài, Soraya trong chiếc pari 4 che mặt màu trắng, tay chúng tôi khoác lấy nhau. Baba tập tễnh bên tôi, ông tướng và bà vợ bên cạnh con gái mình. Một đoàn phù đâu, phù rể gồm chú bác cô dì, anh chị em họ theo sau, lúc tôi đi suốt căn phòng lớn, rẽ qua một biển khách dự đang hoan hô và nheo mắt vì đèn máy ảnh. Một người anh họ của Soraya, con trai ông Sharif jan, giơ cao cuốn kinh Koran trên đầu chúng tôi khi chúng tôi tiến dần lên. Bài ca hôn lễ, ahesta boro trầm trầm dâng lên, vẫn bài ca mà tên lính Nga tại trạm kiểm soát thác Mahipar đã hát, cái đêm mà Baba và tôi rời Kabul:

Biển buổi sáng thành một chiếc chìa khoávà ném xuống giếng,Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.Hãy để cho mặt trời buổi sáng quên dậy ở phương Đông,Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.

Tôi nhớ đang ngồi trên chiếc sofa đặt trên diễn đài như một cái ngai vàng, tay Soraya trong tay tôi, trong khi khoảng ba trăm gương mặt nhìn lên chúng tôi. Chúng tôi làm Ayena Masshaf 5, tức họ cho chúng tôi một chiếc gương và ném một chiếc khăn trùm đầu lên đầu chúng tôi, như thế chúng tôi sẽ được riêng hai đứa nhìn nhau trong gương. Nhìn vào khuôn mặt đang mỉm cười của Soraya trong chiếc gương ấy, trong cái khoảnh khắc riêng tư dưới khăn trùm đầu, lần đầu tiên tôi thì thào với nàng rằng tôi yêu nàng. Má nàng đỏ bừng lên, như màu lá móng.

Tôi hình dung lại các đĩa thức ăn đầy màu sắc, chopan kabob, sholeh-goshti 6 và xôi có màu cam dại. Tôi thấy Baba ngồi giữa hai chúng tôi trên chiếc ghế sofa ấy và mỉm cười. Tôi nhớ những con người mồ hôi đầm đìa nhảy điệu attan 7 truyền thống theo một vòng tròn, bật người lên, xoay tít mỗi lúc một nhanh theo nhịp cuồng nhiệt của cặp trống cơm, cho tới khi tất cả trừ một hai người rớt khỏi vòng vì kiệt sức. Tôi nhớ tôi chỉ mong chú Rahim Khan có mặt ở đó.

Và tôi nhớ mình tự hỏi không biết liệu Hassan cũng đã cưới chưa. Nếu cưới rồi thì cậu ấy sẽ nhìn thấy khuôn mặt của ai trong chiếc gương dưới chiếc khăn trùm đầu? Bàn tay nhuộm lá móng của ai cậu đang cầm?

Khoảng hai giờ sáng, tiệc cưới chuyển từ phòng đại tiệc về căn hộ của Baba. Trà một lần nữa lại tràn trề và nhạc được chơi cho tới khi láng giềng phải gọi cảnh sát. Quá khuya đêm đó, mặt trời chỉ chưa đầy một giờ nữa sẽ mọc và cuối cùng khách khứa cũng ra về. Lần đầu tiên Soraya nằm cùng tôi. Suốt đời tôi, tôi chỉ quanh quẩn với đàn ông. Đêm đó, tôi mới khám phá ra sự dịu dàng của một người đàn bà.

Chính Soraya là người đề nghị chuyển đến ở cùng Baba và tôi. Tôi nói:

– Anh tưởng, có lẽ em muốn chúng ta có một chỗ ở riêng.

Nàng đáp:

– Với Kaka jan đang ốm yếu như thế này ư? Mắt nàng như muốn bảo tôi không còn cách nào khác để bắt đầu cuộc sống gia đình. Tôi hôn nàng:

– Cảm ơn em.

Soraya tình nguyện chăm sóc cha tôi. Nàng pha trà và làm bánh nướng vào buổi sáng cho ông, đỡ ông ra khỏi giường và vào giường. Nàng mang thuốc giảm đau cho ông, giặt quần áo cho ông, đọc cho ông nghe phần tin tức quốc tế trên tờ nhật báo vào mỗi buổi chiều. Nàng nấu cho ông những món ăn ông ưa thích, món khoai tây nấu shorwa 8, dẫu hiếm khi ông ăn nổi quá vài thìa đầy, và dắt ông ra khỏi phòng đi bộ một quãng quanh dãy nhà. Rồi khi ông liệt giường, mỗi tiếng đồng hồ nàng lại lật người ông để khỏi bị hoại thư.

Một hôm tôi từ hiệu thuốc mua ít viên moóc phin giảm đau cho Baba về nhà. Vừa kịp đóng cửa lại, tôi bắt gặp Soraya nhìn rất nhanh qua thứ gì đó dưới tấm chăn của Baba. Tôi nói:

– Này, anh thấy rồi nhé! Hai người đang làm gì vậy?

– Làm gì đâu, – nàng mỉm cười nói.

– Nói dối. – Tôi lật chăn Baba lên. – Cái gì đây?

Tôi nói, dẫu vừa nhặt lên cuốn sổ bọc da tôi đã biết. Tôi vạch ngón tay dọc theo mép sách mạ vàng. Tôi vẫn nhớ pháo hoa cái đêm chú Rahim Khan cho tôi cuốn sổ, đêm sinh nhật lần thứ mười ba của tôi, những luồng sáng xẹt xẹt và nổ bùng thành những bó hoa đỏ, xanh, vàng.

– Em không thể tin được anh có thể viết như thế. – nàng nói.

Baba nhích đầu ra khỏi gối:

– Bố bảo nó làm vậy đấy. Bố mong con đừng để ý.

Tôi đưa cuốn sổ lại cho Soraya và rời khỏi phòng. Baba ghét khi tôi khóc.

Một tháng sau đám cưới, ông bà Taheri, ông Sharif, bà Suzy và mấy bà cô, bà dì của Soraya đến căn hộ của chúng tôi ăn tối. Soraya làm món sabzi challow, gạo trắng nấu với rau bina và thịt cừu non. Sau bữa tối, tất cả chúng tôi uống chè xanh và chơi bài theo nhóm bốn người. Soraya và tôi chơi cùng ông Sharif và bà Suzy, vợ ông, trên chiếc bàn cafe, gần cái sofa Baba đang nằm đắp tấm chăn len. Baba nhìn tôi đang đùa với ông Sharif, nhìn tôi và Soraya đang ngoéo tay nhau, nhìn tôi giật mớ tóc uốn cong bỏ lơi của nàng. Tôi có thể thấy nụ cười thẳm sâu trong lòng Baba, cũng mênh mông như bầu trời những đêm khi những cây bạch dương run rẩy và tiếng dế kêu âm vang khắp khu vườn. Đúng trước nửa đêm, Baba bảo chúng tôi đỡ ông lên giường. Soraya và tôi quàng hai cánh tay ông lên vai chúng tôi và ôm lấy lưng ông. Khi chúng tôi đặt ông nằm xuống, ông bắt Soraya tắt đèn ngủ.

Ông bảo chúng tôi ngả người xuống và hôn chúng tôi mỗi người một cái.

– Con sẽ mang moóc phin và cốc nước đến, Kaka jan, – Soraya nói.

– Đêm nay không cần, – ông nói. – Đêm nay không đau đâu.

– Vâng ạ. – nàng đáp lời. Nàng kéo chăn lên cho ông. Chúng tôi khép cửa lại.

Baba không bao giờ thức dậy nữa.

Mọi người đỗ xe đầy bãi xe tại nhà thờ Hồi giáo ở Hayward. Trên một cánh đồng trụi cỏ phía sau toà nhà, những chiếc xe bốn chỗ và những chiếc SUV đỗ chặt cứng các điểm đỗ tạm thời. Một số người phải lái qua ba, bốn dãy nhà ở phía Bắc nhà thờ để tìm chỗ.Khu vực dành cho đàn ông của nhà thờ là một phòng vuông rộng lớn, những tấm thảm nhỏ Afghan và những tấm đệm mỏng trải song song thành hàng. Đàn ông xếp hàng đi vào căn phòng, giày để ngoài cửa, ngồi 140 khoanh chân trên những tấm đệm. Một giáo sĩ hát surrah 9từ kinh Koran trước micro. Tôi ngồi bên cửa theo phong tục quy định cho gia đình người đã khuất. Tướng Taheri ngồi cạnh tôi.Qua cánh cửa mở rộng, tôi có thể nhìn thấy những dòng xe ùn ùn kéo tới, ánh nắng lấp lánh trên kính chắn gió. Họ thả khách đi xe xuống, những người đàn ông mặc đồ đen, phụ nữ mặc áo dài đen, đầu đội những khăn trắng truyền thống hijab 10.

Vì tiếng cầu nguyện từ kinh Koran vang dội khắp căn phòng, tôi lại nghĩ tới câu chuyện cũ Baba vật nhau với một con gấu đen ở Baluchistan. Baba đã vật nhau với gấu suốt cuộc đời mình. Mất người vợ trẻ. Một mình nuôi con trai. Rời bỏ quê hương yêu dấu của mình, watan tuổi xanh của mình. Nghèo khổ. Bị khinh miệt. Cuối cùng, một con gấu nữa tới mà ông không thể thắng nổi. Nhưng ngay cả như thế, ông đã thua trong những hoàn cảnh của chính mình.

Sau mỗi một vòng những người cầu nguyện, những tốp người đến chia buồn xếp hàng lại và chào tôi khi đi ra. Theo đúng nghĩa vụ, tôi bắt tay họ. Nhiều người trong số họ tôi hầu như không biết. Tôi lễ phép mỉm cười, cảm ơn tất cả về những điều họ cầu chúc, lắng nghe bất cứ điều gì họ nói về Baba.

– … giúp tôi xây nhà ở Taimani…

– … ban phúc lành cho ông…

– … không một ai khác chịu giúp và ông đã cho tôi vay…

– … kiếm cho tôi một công việc… hầu như không biết tôi…

– … như một người anh của tôi.

Lắng nghe họ nói, tôi nhận ra tôi là ai, là cái gì, đến mức nào, đã được định rõ bởi Baba và những dấu ấn ông để lại trên cuộc đời mọi người. Cả cuộc đời tôi, tôi đã là “con trai Baba”. Giờ ông ra đi rồi. Baba không thể chỉ đường cho tôi nữa. Tôi sẽ phải tự tìm lấy nó.

Nghĩ đến việc đó khiến tôi kinh hoàng.

Lúc trước tại khu mộ nhỏ của người Hồi giáo ở nghĩa trang, tôi đã chứng kiến người ta hạ Baba xuống một cái hố. Còn ông giáo sĩ đã tới mức phải tranh cãi với một người đàn ông về việc đâu mới là ayat chính xác của kinh Koran để đọc tại mộ chí. Sự việc có thể đã trở nên nghiêm trọng nếu tướng Taheri không can thiệp. Giáo sĩ chọn một ayat, vừa đọc vừa khó chịu liếc nhìn người kia. Tôi chứng kiến họ hất những xẻng đất đầu tiên xuống mộ. Rồi tôi bỏ đi. Bước về phía bên kia của nghĩa trang. Ngồi dưới bóng cây ngô đồng đã đỏ lá.

Giờ thì lượt cuối cùng những người đến viếng đã bày tỏ trọn lòng kính trọng, và nhà thờ vắng hết người, ngoại trừ ông giáo sĩ đang tháo phích cắm micrô và bọc cuốn kinh Koran vào trong tấm vải xanh. Ông tướng và tôi bước ra ngoài lúc mặt trời đã xế bóng. Chúng tôi bước xuống các bậc thềm, đi qua những đám người đang tụ tập hút thuốc. Tôi nghe lõm bõm những câu chuyện của họ, một trận bóng đá ở Union City tuần tới, một tiệm ăn mới của người Afghan ở Santa Clara. Đời đã lại đang vận động, để lại Baba ở phía sau rồi.

– Con thế nào, bachem? – Tướng Taheri hỏi.

Tôi nghiến răng. Ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra suốt cả ngày:

– Con đi tìm Soraya đây, – tôi nói.

– Phải đấy.

Tôi bước sang phía dành cho phụ nữ của nhà thờ. Soraya đang đứng trên bậc thềm với mẹ mình và hai bà nào đó mà tôi chỉ mang máng nhớ từ hôm đám cưới. Tôi ra hiệu cho Soraya. Nàng nói gì đó với mẹ và đến chỗ tôi.

– Liệu chúng mình đi dạo bộ có được không? – Tôi nói.

– Được chứ, – nàng cầm lấy tay tôi.Chúng tôi lặng lẽ bước xuống một lối đi rải sỏi quanh co, ngăn cách bằng nhưng hàng rào thấp. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế dài, quan sát một cặp vợ chồng già đang quỳ cạnh một ngôi mộ cách đó mấy hàng và đặt một bó hoa cúc bên bia mộ.

– Soraya này?

– Gì anh?

– Anh bắt đầu nhớ ông.

Nàng đặt tay lên đùi tôi. Chiếc chila 11 Baba mua lấp lánh trên ngón tay đeo nhẫn của nàng. Phía sau nàng, tôi có thể nhìn thấy nhưng người đến viếng Baba đang lái xe rời khỏi đây về phía Đại lộ Mission. Chẳng mấy chốc nữa thôi, chúng tôi cũng rời khỏi đó, và đây là lần đầu tiên, Baba sẽ hoàn toàn cô độc.

Soraya kéo tôi vào người nàng và cuối cùng nước mắt tôi trào ra.

Bởi vì Soraya và tôi chẳng bao giờ có giai đoạn hứa hôn, tất cả những gì tôi biết được về gia đình Taheri đều là từ sau khi đã cưới. Ví dụ, tôi mới biết rằng, tháng một lần, ông tướng lại phải chịu một cơn thiên đầu thống kéo dài gần một tuần. Khi bị cơn đau đầu hành hạ, ông đi về phòng riêng, cởi quần áo, tắt đèn, khoá cửa, và không chịu ra ngoài cho tới khi cơn đau dịu hẳn. Không ai được phép vào phòng, không ai được phép gõ cửa. Cuối cùng ông thường lại hiện ra, trong bộ đồ xám, sực mùi giấc ngủ và khăn trải giường, mắt ông vồng lên và vằn máu.

Tôi được Soraya cho biết, ông và Khanum Taheri đã ngủ riêng ở hai phòng từ khá lâu rồi. Tôi được biết ông có thể vẫn chấp vặt, ví như khi ông cắn một miếng qurma bà vợ đặt trước mặt ông, rồi thở dài và đẩy món ấy đi. “Tôi sẽ làm cho mình món khác.” Khanum Taheri thường nói vậy, nhưng ông phớt lờ bà, hờn dỗi và ăn bánh mì với hành. Việc này làm Soraya tức giận và mẹ nàng khóc. Soraya bảo tôi ông đã dùng thuốc ngủ.

Tôi được biết ông vẫn giữ cho gia đình mình được hưởng phúc lợi xã hội và không bao giờ làm một nghề gì ở Hoa Kỳ, thích đổi những tấm séc chính phủ ra tiền mặt hơn là tự hạ mình làm những công việc không phù hợp với một người tài ba và hiển hách như ông – ông chỉ đến thăm chợ trời như một trò giải trí, một cách để hoà nhập với những bạn bè cũ người Afghan. Ông tướng tin rằng, sớm muộn, Afghanistan cũng sẽ được giải phóng, chế độ quân chủ sẽ được phục hồi, và ông một lần nữa lại được mời ra phục vụ. Vì vậy, ngày nào ông cũng chỉnh tề trong bộ đồ xám của ông, xoay xoay chiếc đồng hồ bỏ túi, đợi chờ.

Tôi được biết Khanum Taheri – mà bây giờ tôi gọi là Khala Jamila – từng một thời nổi tiếng ở Kabul vì giọng hát mê hồn. Dẫu chưa bao giờ hát kiểu chuyên nghiệp, bà đã có đủ tài làm việc đó – bà có thể hát dân ca, những ghazals 12 và cả raga 13 vốn thường là lĩnh vực của đàn ông nữa. Nhưng càng đánh giá cao việc thưởng thức âm nhạc – thực tế ông tướng sở hữu một bộ sưu tập đáng kể những băng ghi âm ghazals cổ điển do các ca sĩ Afghan và Hindi thể hiện – ông càng tin rằng việc đó tốt nhất là dành cho những người thuộc tầng lớp hạ lưu. Cho nên việc bà không bao giờ hát ở nơi công cộng là một trong những điều kiện khi họ cưới nhau. Soraya kể cho tôi nghe, mẹ nàng đã muốn hát trong đám cưới chúng tôi, một bài thôi, nhưng ông tướng lườm bà, và chuyện bà hát đành chôn vùi. Khanum Taheri chơi xổ số tuần một lần và tối nào cũng xem Johnny Carson 14. Bà dành nhiều hôm ở ngoài vườn để chăm sóc những cây hoa hồng, thiên trúc quỳnh, khoai tây leo và hoa lan của bà.

Khi tôi cưới Soraya, hoa và Johnny Carson chiếm vai trò thứ yếu. Tôi là niềm vui mới trong cuộc đời Khala Jamila. Không giống cung cách xã giao và phòng thủ của ông tướng – ông không đính chính khi tôi gọi ông là “Tướng quân Sahib” – Khala Jamila không giấu việc bà ngưỡng mộ tôi vô cùng. Vì một lý do, tôi lắng nghe cả một danh sách rất ấn tượng những căn bệnh của bà, một chủ đề mà ông tướng đã từ lâu vờ điếc không nghe.

Soraya bảo tôi, từ khi mẹ nàng bị đột quỵ đến nay, mỗi lần mạch yếu, trong ngực bà lại là một cơn đau tim, mọi khớp xương đau đều gắn với bệnh thấp khớp, mỗi lần mắt bà co giật là một cơn đột quy mới. Tôi nhớ, lần đầu tiên Khala Jamila nói tới một cục gì đó nghẹn ở cổ bà. Tôi bảo: “Ngày mai con sẽ không đến trường và đưa mẹ đến bác sĩ.” Đáp lại ông tướng mỉm cười: “Vậy thì con cũng có thể bỏ quách luôn sách vở của con được rồi đấy, bachem. Danh mục khám chữa bệnh của Khala con nhiều như tác phẩm của Rumi: phải hàng tập.”

Nhưng đó không chỉ là bà muốn tìm một thính giả cho những độc thoại về bệnh tật đau ốm của bà. Tôi tin tưởng vững chắc rằng nếu tôi đã nhặt một khẩu súng lên và tham gia vào một vụ hành hung giết người, tôi vẫn sẽ còn có được sự trợ giúp từ tình yêu kiên định của bà. Bởi vì tôi đã cất khỏi trái tim bà căn bệnh trầm trọng nhất. Tôi đã cất khỏi hộ bà nỗi sợ lớn nhất của mọi bà mẹ Afghan, không có người khastegar danh giá nào tới xin kết hôn với con gái mình. Rồi con gái mình sẽ già đi, đơn độc, không chồng, không con. Người đàn bà nào cũng cần có một người chồng. Ngay cả khi hắn ta làm câm bặt tiếng hát trong lòng nàng.

Và, từ Soraya, tôi biết được những gì đã xảy ra ở Virginia.

Chúng tôi đang dự một đám cưới. Cậu của Soraya, ông Sharif, người làm việc tại Sở Nhập cư đó, đang tổ chức lễ cưới cho con trai mình với một cô gái Afghan ở Newark. Đám cưới cũng được tổ chức ngay tại cái phòng sáu tháng trước Soraya và tôi đã làm lễ awroussi. Chúng tôi chợt nghe thấy hai người dàn bà trung niên quay lưng lại chúng tôi trò chuyện.

– Trông cô dâu mới đáng yêu quá. – Một trong hai người nói, – cứ nhìn kỹ xem. Maghbool quá, như mặt trăng ấy.

– Ừ, – người kia nói, – và trong trắng nữa. Tiết hạnh. Không có bạn trai.

– Tôi biết. Tôi nói cho bà rõ chàng trai kia không cưới cô em họ là đúng lắm.

Trên đường về nhà Soraya như phát điên lên. Tôi lái chiếc Ford vào lề và đậu xe dưới đèn đường đại lộ Fremont.

– Không sao đâu. – Tôi vừa nói vừa vuốt lại tóc nàng. – Ai để ý nào?

Nàng hét lên:

– Đểu giả quá.

– Quên chuyện đó đi.

– Con trai họ đến các hộp đêm tìm trò giải trí và làm lũ bạn gái ễnh bụng ra, chúng có những đứa con ngoài hôn thú và chẳng ai nói một điều chết tiệt gì. Ồ, chúng chỉ là những người đàn ông ham vui thôi! Em mắc một sai lầm thế là mọi người nói đến nang và namoos – danh dự và tự hào – và em phải mặt dày về chuyện đó suốt cả phần còn lại đời em.

Tôi lấy lòng ngón lay cái quệt giọt nước mắt rơi xuống hàm nàng, ngay trên vết bớt.

– Em đã không kể cho anh biết, – Soraya vừa nói vừa chớp mắt. – nhưng đêm đó, cha em xuất hiện với một khẩu súng. Ông bảo… anh ta… ông có hai viên đạn trong nòng, một cho anh ta, một cho bản thân ông, nếu em không trở về nhà. Em kêu thét lên, gọi ông bằng đủ mọi thứ tên, bảo ông không thể giữ em cấm cung mãi mãi, rằng em mong ông chết đi. – Những giọt nước mắt nóng hổi ứa ra giữa hai bờ mi nàng. – Đúng là em đã nói như thế với ông, rằng em mong ông chết đi.

Khi ông đem em về nhà, mẹ quàng hai cánh tay ôm lấy em và bà cũng đang khóc. Bà cứ nói mãi những gì đó, nhưng em chẳng thể hiểu nổi chút nào, bởi vì bà líu lưỡi lại quá tệ. Thế là cha mang em về phòng ngủ và để em ngồi trước cái gương trang điểm. Ông đưa cho em một chiếc kéo và bình thản bảo em cắt hết tóc đi. Ông theo dõi trong khi em gọt tóc.

Em không bước ra khỏi nhà mấy tuần liền. Rồi khi em ra, em nghe thấy những tiếng xì xào hoặc hình dung thấy họ ở bất kỳ chỗ nào em tới. Đã bốn năm rồi và cách xa ba nghìn dặm, em vẫn còn nghe thấy họ xì xào.

– Mặc xác họ, – tôi bảo.

Nàng như nửa khóc nửa cười, nói:

– Cái đêm khastegari khi em kể cho anh nghe về điều này trong điện thoại, em tin chắc thế nào anh cũng đổi ý.

– Không có chuyện đó đâu, Soraya.

Nàng mỉm cười và cầm lấy tay tôi:

– Em thật quá may mắn đã tìm thấy anh. Anh khác xa với tất cả bọn con trai Afghan em đã từng gặp.

– Chúng ta đừng bao giờ nói về chuyện này nữa, được không?

– Vâng.

Tôi hôn má nàng và lái xe rời khỏi lề đường. Trong khi lái, tôi thắc mắc tại sao tôi lại khác xa. Có thể vì tôi đã được những người đàn ông nuôi dưỡng. Tôi không lớn lên quanh quẩn bên những người đàn bà và chưa bao giờ thực sự chung sống với cái chuẩn mực lập lờ 15 mà xã hội Afghan lấy đó để đối xử với họ. Cũng có thể tại Baba là một người cha Afghan khác thường đến thế, một người tự do đã sống theo luật lệ riêng của mình, một con người độc lập về tư tưởng, coi thường hoặc chấp nhận những tục lệ xã hội theo chính kiến của riêng ông.

Nhưng tôi nghĩ, phần lớn lý do tôi không quan tâm tới quá khứ của Soraya chính là tôi cũng có quá khứ riêng của tôi. Tôi hiểu rõ thế nào là ân hận.

Sau ngày Baba mất ít lâu. Soraya và tôi chuyển đến căn hộ một phòng ngủ ở Fremont, chỉ cách ngôi nhà của ông tướng và Khala Jamila vài dãy. Cha mẹ Soraya mua cho chúng tôi một ghế sofa đệm da nâu và một bộ đĩa hát Mikasa coi như quà mừng nhà mới. Ông tướng cho tôi thêm một món quà nữa, một máy chữ IBM mới toanh. Trong hộp, ông luồn vào một mẩu giấy viết bằng chữ Farsi:

Amir jan,Bố mong con khám phá ra nhiều câu chuyện trên những phím chữ này.

Tướng Iqbal Taheri

Tôi bán chiếc xe buýt VW của Baba và từ hôm đó, tôi không trở lại chợ trời nữa. Mỗi thứ Sáu tôi lại lái xe đến mộ Baba, và đôi khi, tôi thấy có bó hoa freesia 16 tươi thắm bên bia đá, hiểu rằng Soraya cũng đã đến đó. Soraya và tôi ổn định dần những thói quen – và những ngạc nhiên nho nhỏ – của đời sống vợ chồng. Chúng tôi dùng chung bàn chải răng và bít tất, đưa cho nhau giấy vệ sinh. Nàng nằm ở bên phải, tôi thích ở bên trái giường. Nàng thích gối lông chim, tôi thích gối cứng. Nàng ăn điểm tâm qua loa bằng bánh nhạt không bơ, thêm chút sữa.

Tôi nhận được chứng chỉ tại tiểu bang San Jose mùa hè năm đó và chọn chuyên ngành tiếng Anh. Tôi nhận công việc bảo vệ, làm ca đêm tại một kho hàng lớn đồ nội thất ở Sunnyvale. Công việc thật buồn chán khủng khiếp, nhưng thuận lợi lại thật đáng kể. Khi mọi người ra về vào lúc 6 giờ chiều và bóng tối bắt đầu bò vào giữa hai dãy sofa còn bọc nhựa chồng cao đến tận trần, tôi lấy sách của tôi ra và nghiên cứu. Chính trong cái văn phòng sực mùi gỗ thông thơm phức của kho hàng ấy, tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.

Năm sau, Soraya đến tiểu bang San Jose với tôi, và đăng ký vào trường sư phạm, bất chấp thái độ sầu não của cha mình.

– Bố không hiểu tại sao con đang để phí tài năng của con như thế – một buổi tối ông tướng nói trong bữa ăn. – Con có biết không, Amir jan, ở trường trung học con bé toàn được điểm A, – ông quay lại phía nàng. – Một đứa con gái thông minh như con có thể trở thành luật sư, một nhà khoa học chính trị. Và, Inshallah, khi Afghanistan được tự do, con có thể giúp viết bản hiến pháp mới. Lúc đó sẽ cần những người Afghan trẻ có tài năng như con. Họ có thể đề nghị con cả cái ghế bộ trưởng nữa ấy chứ, sẽ làm rạng rỡ tên tuổi gia đình mình.

Tôi có thể thấy Soraya đang kiềm chế, mặt nàng cau lại:

– Con không còn là đứa con gái nữa, Padar. Con là một phụ nữ có chồng. Hơn nữa người ta cũng cần giáo viên.

– Ai cũng có thể dạy được.

– Có còn chút cơm nào không, Madar 17? – Soraya hỏi.

Sau khi ông tướng lấy cớ đi gặp vài người bạn ở Hayward, Khala Jamila cố an ủi Soraya, bà nói:

– Bố con có ý tốt. Ông ấy chỉ muốn con thành đạt thôi mà.

– Để bố có thể khoe khoang cô con gái công tố viên của ông với bạn bè chứ gì. Thêm một cái mề đay nữa cho ông tướng, – Soraya nói.

– Con nói linh tinh rồi đấy!

– Thành đạt! – Soraya kêu lên. – Ít nhất con cũng không giống bố, chỉ ngồi quanh một chỗ trong khi mọi người khác chiến đấu chống lại bọn Shorawi, ngồi đợi khi sự rối loạn đã yên ắng để ông có thể nhảy vào đòi lại một chức sắc be bé trong chính phủ. Dạy học có thể không được trả lương nhiều, nhưng đó là công việc con muốn làm! Đó là công việc con yêu, và việc đó còn tốt hơn nhiều nhận tiền phúc lợi, tiện thể nói thẳng ra như vậy.Khala Jamila mím môi:- Ông ấy mà nghe thấy nói con nói như vậy, ông ấy sẽ không bao giờ thèm nói với con nữa.

– Mẹ đừng lo. Soraya đáp trả ngay, vừa quàng khăn ăn của mình lên cái đĩa, – con sẽ không làm sứt mẻ cái tôi quý báu của bố đâu.

Mùa hè năm 1988, khoảng sáu tháng trước khi quân đội Xô viết rút khỏi Afghanistan, tôi viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, chuyện về hai cha con ở Kabul, phần lớn viết trên cái máy chữ mà ông tướng đã cho tôi. Tôi gửi thư hỏi một tá các hãng môi giới xuất bản, và một ngày tháng Tám tôi sửng sốt khi mở hộp thư và thấy yêu cầu của một hãng môi giới New York bảo tôi gửi bản thảo hoàn chỉnh. Hôm sau tôi gửi đi bằng đường thư tín. Soraya hôn lên tập bản thảo đã được bọc cẩn thận và Khala Jamila nhất định đòi chúng tôi phải cầu kinh Koran cho nó. Bà bảotôi, bà sẽ làm lễ nazr cho tôi, sẽ chọc tiết một con cừu, lấy thịt chia cho người nghèo nếu cuốn sách của tôi được chấp nhận.

– Khala jan, làm ơn đừng nazr, – tôi vừa nói vừa hôn má bà, – chỉ làm zakat, cho người túng quẫn nào đó tiền, được không ạ? Không giết cừu.

Sáu tuần sau, một người tên là Martin Gleenwalt từ New York gọi đến, ngỏ ý muốn đại diện cho tôi. Tôi chỉ biết bảo cho Soraya biết.

– Bởi anh có một đại điện không có nghĩa sách của anh sẽ được xuất bản. Nếu Martin bán được cuốn tiểu thuyết chúng ta sẽ ăn mừng. Một tháng sau, Martin gọi và thông báo cho tôi biết, tôi sắp là một tiểu thuyết gia có sách được xuất bản. Khi tôi nói cho Soraya, nàng reo lên.

Tối đó, chúng tôi tổ chức ăn mừng cùng với bố mẹ nàng. Khala Jamila làm món kofia – thịt viên với gạo trắng và ferni trắng. Ông tướng long lanh nước mắt, nói ông tự hào về tôi. Sau khi tướng Taheri và vợ ông về rồi, Soraya và tôi ăn mừng bằng một chai rượu Merlot đắt tiền tôi mua trên đường về nhà – ông tướng không chấp nhận đàn bà uống rượu, và Soraya không dám uống trước mặt ông.

– Em rất tự hào về anh, – nàng vừa nói vừa chạm cốc với tôi.

– Anh biết, – tôi nói, vừa nghĩ đến Baba, mong ông có thể nhìn thấy tôi lúc này.

Khuya đêm đó, sau khi Soraya đã ngủ – rượu làm nàng ngủ rất say – tôi đứng ngoài bao lơn hít thở không khí mát mẻ của mùa hè. Tôi nghĩ tới chú Rahim Khan và bức thư ủng hộ tôi ông viết sau khi đọc xong truyện ngắn đầu tiên của tôi. Và tôi nghĩ về Hassan. Một ngày nào đó, Inshallah, cậu sẽ là một nhà văn lớn, cậu một lần đã nói thế, và mọi người khắp thế giới sẽ đọc truyện ngắn cậu viết.

Có quá nhiều lòng tốt trong đời tôi. Quá nhiều hạnh phúc. Tôi không hiểu liệu tôi có chút nào xứng đáng không.

Cuốn tiểu thuyết được phát hành vào mùa hè năm sau đó, năm 1989, và nhà xuất bản gửi tặng tôi một phiếu du lịch năm thành phố. Tôi trở thành một nhân vật nổi tiếng nho nhỏ của cộng đồng người Afghan. Và cũng năm ấy, bọn Shorawi hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan. Đó lẽ ra phải là thời điểm huy hoàng cho người Afghan. Thay vào đó lại diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa người Afghan, tức quân Mujahedin, với chính phủ bù nhìn Najibullah do Xô Viết dựng lên và người Afghan lại ùn ùn kéo sang Pakistan. Năm đó cũng là năm chiến tranh lạnh kết thúc, năm bức tường Berlin sụp đổ. Cũng là năm xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Nằm trong tất cả những sự kiện đó Afghanistan bị lãng quên. Và tướng 148 Taheri, với những hy vọng vừa trỗi dậy sau khi quân Xô Viết rút đi, lại lên dây cót chiếc đồng hồ bỏ túi của mình.

Đó cũng là năm mà Soraya và tôi bắt đầu cố sinh lấy một đứa con.

Ý tưởng về tình cha con đã tháo tung cơn lốc xoáy cảm xúc trong tôi. Tôi thấy nó đồng thời vừa đáng sợ, đáng nản, vừa như được tiếp thêm sinh lực, khiến tôi hân hoan phấn khởi. Tôi sẽ là một người cha như thế nào đây, tôi thường tự hỏi. Tôi muốn giống hệt Baba mà cũng muốn không có gì giống như ông.

Nhưng một năm trôi qua, chẳng có gì chuyện xảy ra. Cùng với mỗi chu kỳ kinh nguyệt, Soraya lại càng thêm thất vọng, càng thêm sốt ruột, càng thêm tức giận. Thế là nhưng lời bóng gió tế nhị lúc ban đầu của Khala Famila trở lên công khai, kiểu như “Kho dega! 18” Thế đấy! “Bao giờ tôi mới được alahoocho nawasa 19bé nhỏ của tôi đây”. Ông tướng, muôn đời Pashtun, không bao giờ buông một câu thắc mắc – nhất lại ý ám chỉ đến chuyện chung sống giữa con gái ông và một người đàn ông, ngay cả khi anh ta đã lấy nàng bốn năm trời. Nhưng mắt ông tươi rói lên khi Khala Jamila trêu chúng tôi về chuyện đứa con.

– Đôi khi cũng cần phải có thời gian, – một đêm tôi bảo nàng.

– Một năm không phải là thời gian sao, Amir! – Nàng nói – có cái gì đó không ổn, em biết mà.

– Vậy chúng ta đi khám bác sĩ.

Bác sĩ Rosen, một người đàn ông với cái bụng tròn xoe, bộ mặt múp míp, hàm răng đều và nhỏ, nói bằng thứ âm sắc Đông Âu trọ trẹ có dây mơ rễ má xa với ngôn ngữ Slave. Ông ta có một niềm đam mê với tàu hoả – phòng khám của ông bừa bãi những cuốn sách về lịch sử đường sắt, các kiểu đầu tàu, những bức hoạ các đoàn tàu chuyển động nặng nề qua những dãy đồi xanh biếc và những cây cầu. Một khẩu hiệu trên bàn làm việc của ông: ĐỜI LÀ MỘT CON TÀU. HÃY LÊN TÀU.

Ông vạch kế hoạch cho chúng tôi. Tôi sẽ được kiểm tra trước. “Đàn ông dễ thôi”, ông nói, ngón tay gõ gõ lên chiếc bàn gỗ gụ:

– Ống nước của đàn ông giống như ý nghĩ của anh ta: đơn giản, rất ít chuyện bất ngờ. Phụ nữ các bà, trái lại.., ồ, thượng đế đã suy nghĩ rất nhiều khi tạo ra các bà.

Tôi không hiểu liệu ông ta có buôn chuyện ống nước với tất cả các cặp vợ chồng đến khám không.

– Thật may cho chúng tôi, – Soraya nói.

Bác sĩ Rosen cười. Như thế giảm bớt đôi chút sự không mấy thành thật ở ông. Ông đưa cho tôi một tờ giấy xét nghiệm và một bình nhựa, trao cho Soraya một giấy yêu cầu xét nghiệm máu theo thông lệ. Chúng tôi bắt tay nhau.

– Chào mừng các vị lên tàu.

Ông vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi đi ra.Tôi vượt qua các xét nghiệm một cách mỹ mãn.Vài tháng sau là một loạt những xét nghiệm mù mờ về Soraya: Nhiệt độ cơ bản toàn thân, xét nghiệm máu đối với mỗi hoóc môn gây thụ thai, xét nghiệm nước tiểu, một thứ gì đó gọi là “Xét nghiệm Dịch Cổ Tử cung”, siêu âm, lại thêm những xét nghiệm máu, và thêm những xét nghiệm nước tiểu. Soraya phải trải qua một thủ tục gọi là soi tử cung – bác sĩ luồn ống nội soi vào và đò tìm khắp chung quanh. Ông chẳng thấy gì. “Ống nước tốt”. Ông vừa tuyên bố vậy vừa tháo đôi găng nhựa mỏng ra. Tôi mong ông đừng gọi như thế – chúng tôi có ở trong phòng tắm đâu. Khi chúng tôi đã trải qua bao nhiêu xét nghiệm, ông trả lời rằng không thể giải thích nổi tại sao chúng tôi lại chưa thể có con. Và rõ ràng, điều đó không phải quá bất bình thường. Nó được gọi là “Chứng bất thụ không giải thích được”.

Rồi đến pha điều trị. Chúng tôi thử dùng loại thuốc Clomiphene và hMG, hàng loạt nhưng mũi tiêm mà Soraya tự tiêm lấy. Khi tất cả những cái đó thất bại, bác sĩ Rosen khuyên thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng tôi nhận được bức thư lịch sự từ tổ chức HMO 20 của chúng tôi, chúc chúng tôi mọi may mắn, và tiếc rằng không thể đài thọ tiền chi phí.Chúng tôi sử dụng tiền tạm ứng mà tôi nhận được cho cuốn tiểu thuyết đầu tay để trả cho việc đó. IVF 21 tỏ ra dài dòng, tỉ mỉ rồi thất vọng và cuối cùng là không kết quả. Sau nhiều tháng ngồi ở những phòng chờ, đọc các tạp chí Good housekeeping 22 và Reader’s Diges 23, sau một loạt vô tận những áo choàng giấy, và những phòng xét nghiệm vô trùng được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, cảm giác nhục nhã lặp đi lặp lại về việc tranh luận từng chi tiết chuyện phòng the của chúng tôi với những người hoàn toàn xa lạ, nhưng mũi tiêm và những dụng cụ kiểm tra cùng hàng mớ những mẫu xét nghiệm, chúng tôi trở về với bác sĩ Rosen và những con tàu của ông.

Ông ngồi đối diện chúng tôi, gõ ngón tay xuống bàn và lần đầu tiên dùng cái từ “con nuôi”. Soraya khóc suốt trên đường về nhà.Cuối tuần, sau khi chúng tôi đến thăm bác sĩ Rosen lần cuối, Soraya nói hết với cha mẹ mình. Chúng tôi đang ngồi trên những chiếc ghế ngoài trời ở sân sau gia đình Taheri, nướng cá hồi và nhấm nháp sữa chua dog. Đó là một buổi xế chiều tháng Ba năm 1991. Khala Jamila đã tưới những cây hoa hồng và kim ngân mới trồng, hương thơm của chúng trộn lẫn với mùi cá nướng. Đã hai lần bà nhích ghế ngang qua để vuốt tóc Soraya, và bảo:

– Thượng đế hiểu thấu hơn cả, bachem. Có thể Người không có ý thế đâu.

Soraya vẫn chỉ nhìn xuống hai tay mình. Nàng mệt mỏi, tôi biết, mệt mỏi về tất cả chuyện đó. Nàng lẩm bẩm:

– Bác sĩ bảo chúng con có thể nhận con nuôi.

Tướng Taheri nghe thấy thế quay đầu ngoắt lại. Ông đóng cửa lò nướng, hỏi ngay:

– Ông ấy bảo thế à?

– Ông ấy bảo đấy là một sự lựa chọn.

Chúng tôi đã bàn chuyện nhận con nuôi ở nhà. Soraya phân vân làm sao cho tốt nhất.

– Em biết thế là ngớ ngẩn và có thể vô ích, – nàng nói với tôi trên đường đến nhà cha mẹ nàng – Nhưng em không thể chịu nổi. Em luôn luôn mơ ôm con trong vòng tay, và hiểu rằng dòng máu của em đã nuôi nó suốt chín tháng trời, và một ngày em sẽ nhìn vào đôi mắt nó rồi giật mình thấy anh hoặc thấy em, rồi đứa bé sẽ lớn lên và có nụ cười của anh hoặc của em. Không có điều đó… Điều đó có gì sai không?

– Không, – tôi trả lời.

– Em có đang ích kỷ không?

– Không, Soraya.

– Bởi vì nếu anh thực sự muốn làm như thế…

– Không, – tôi nói. – Nếu chúng ta định nhận con nuôi, chúng ta không nên có một chút nghi ngờ nào về việc đó cả hai chúng ta nên thống nhất. Bằng không, sẽ không tốt cho đứa trẻ.

Nàng tựa đầu vào cửa xe và chẳng nói gì thêm nữa suốt chặng đường còn lại.

Lúc này ông tướng ngồi bên nàng:

– Bachem, việc nhận con nuôi này… một việc, bố không tin lắm là dành cho người Afghan chúng ta.

Soraya nhìn tôi mệt mỏi và thở dài.

– Vì một điều, chúng lớn lên và muốn biết cha mẹ thực của chúng là ai, – ông nói. – Cũng chẳng thể trách chúng. Đôi khi, chúng bỏ nhà ra đi, trong khi đó con lao động vất vả nhiều năm trời để nuôi dưỡng cuộc sống của chúng để rồi chúng tìm được người đã đẻ ra chúng. Tình máu mủ là thứ đầy uy lực, bachem, đừng bao giờ quên điều đó.

– Con không muốn nói về chuyện này nữa, – Soraya đáp.

– Bố sẽ nói thêm một điều nữa, – ông tiếp. Tôi có thể nói ông đang tăng tốc, chúng tôi sắp sửa nhận một trong những bài giáo huấn nho nhỏ của ông tướng. – Ngay như Amir đây. Chúng ta đều biết cha nó, bố biết ông nó là ai ở Kabul và cả cụ Amir nữa. Bố có thể ngồi đây và vạch ra hết các thế hệ tổ tiên nhà chồng con nếu con yêu cầu. Cho nên tại sao khi cha Amir – cầu trời cho ông ấy được bình yên, – đến khastegari bố đã không do dự. Và hãy tin bố, bố chồng con cũng sẽ không bằng lòng đến hỏi con nếu ông ấy không biết con là dòng dõi của ai. Máu mủ là một thứ quyền uy, bachem, và khi con nhận con nuôi, con không biết con đang đem dòng máu của ai vào nhà mình. Ờ, nếu con là người Mỹ, đó sẽ không thành vấn đề. Ở đây người ta cưới nhau vì tình yêu, tên tuổi gia đình và tổ tiên thậm chí chẳng bao giờ xét vào chuyện môn đăng hộ đối. Họ cũng nhận con nuôi theo cách đó, chừng nào đứa bé vẫn khoẻ mạnh thì mọi người đều hạnh phúc. Nhưng chúng ta là người Afghan, bachem.

– Cá đã nướng gần xong chưa bố? – Soraya hỏi.

Đôi mắt tướng Taheri vẫn không chịu rời khỏi nàng. Ông vỗ vào đầu gối nàng:

– Con có sức khoẻ và có một người chồng tốt, thế là hạnh phúc rồi.

– Còn con nghĩ thế nào, Amir jan? – Khala Jamila hỏi.

Tôi đặt chiếc cốc của tôi lên gờ tường, nơi một hàng những chậu hoa thiên trúc quỳnh của bà đang nhỏ nước:

– Con nghĩ con đồng ý với tướng quân Sahib.

An tâm rồi. Ông tướng gật đầu và trở lại với cái lò nướng.

Chúng tôi tất cả đều có nhưng lý lẽ của mình để không nhận con nuôi. Soraya có lý lẽ của nàng, ông tướng có lý lẽ của ông và lý lẽ của tôi là thế này: có lẽ một cái gì đó, một ai đó, ở một nơi nào đã quyết định từ chối quyền làm cha của tôi vì những chuyện tôi đã làm. Có thể đây là hình phạt của tôi, mà có lẽ đúng là như vậy. Khala Jamila đã nói: Thượng đế không có ý thế đâu. Mà biết đâu. Người có ý còn tệ hơn thế.

Vài tháng sau, chúng tôi dùng tiền tạm ứng cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi để đặt mua trả ngay bằng tiền mặt một ngôi nhà hai phòng ngủ kiểu Nữ hoàng Victoria, tại Đồi Bernal bang San Francisco. Nhà có mái dốc, sàn gỗ cứng và một sân sau nhỏ tận cùng là một sàn phơi nắng. Ông tướng giúp tôi hoàn tất lại cái sàn phơi và sơn tường. Khala Jamila phàn nàn việc chúng tôi chuyển đi xa đến gần một giờ đi đường, nhất là vì bà nghĩ Soraya cần đến cả tình yêu lẫn sự giúp đỡ mà bà có thể đem lại cho nàng – Không biết đến thực tế rằng chính tình thương yêu che chở có tính áp đặt của bà đã buộc Soraya phải chuyển đi.

Đôi khi, Soraya ngủ cạnh tôi, tôi nằm trên giường và nghe thấy cửa ngăn đu đưa mở ra đóng vào theo gió, nghe tiếng dế kêu râm ran ở ngoài sân. Và tôi có thể cảm thấy sự trống vắng trong bụng Soraya, giống như một vật sống đang hít thở. Sự trống vắng ấy luồn lách vào hôn nhân của chúng tôi, vào tiếng cười của chúng tôi và cả chuyện làm tình của chúng tôi. Và đêm khuya, trong bóng tối của phòng ngủ chúng tôi, tôi thường cảm thấy nó trỗi dậy từ Soraya và chễm chệ giữa chúng tôi. Ngủ giữa chúng tôi. Như một đứa trẻ sơ sinh.

——————————–

1 Lafz: Như lễ dạm hỏi, hoặc lễ chạm mặt của ta.

2 Ghazal: Bản tình ca.

3 Noor: Có nghĩa con ngươi; cũng là tên của Hoàng hậu Jordani, sứ giả của tự do hoà bình.

4 Pari: Khăn che mặt theo đạo Hồi.

5 Ayena Masshaf: Thủ tục hôn lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo Afghan.

6 Chopan kabob, Shikek goshti: Thịt cừu non nướng và Sholek goshti.

7 Attan: Một vũ điệu tập thể truyền thống của người Afghan.

8 Shorwa: Món súp hầm.

9 Surrah: Kinh cầu hồn.

10 Hijab: Khăn tang.

11 Chila: Nhẫn cưới.

12 Ghazals: Tình ca.

13 Raga: Một dạng âm nhạc dựa theo truyền thống Ấn Độ.

14 Johnny Carson: Diễn viên Mỹ. kiêm nhà văn, nổi tiếng vì phong cách hài hước khi dẫn chương trình Show diễn đêm nay.

15 Nguyên văn Double Standard: Chuẩn mực lập lờ, chuẩn mực nước đôi, có ý nói nang và namoos vận dụng cho nam và nữ khác nhau.

16 Một loại cây hoa có nguồn gốc từ châu Phi, màu trắng, hồng, hoặc tím, có hương thơm.

17 Madar: mẹ.

18 Kho dega: Có nghĩa Anh là biết phải làm gì chứ!

19 Alahoo: Hát ru – Nawasa: Cháu.

20 HMO: Viết tắt của Health Maintenance Organization, tức Tổ chức chăm sóc Sức khoẻ.

21 I.V.F: Viết tắt của Invitro Fertilization, tức Thụ tinh trong Ống nghiệm.

22 Good housekeeping: Quản gia giỏi.

23 Reader’s Digest: Tập san bạn đọc.

Bình luận