Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương XV

Tác giả: Khaled Hosseini

Ba giờ sau khi chuyến bay của tôi hạ cánh xuống Peshawar, tôi đang ngồi trên tấm đệm rách nát ở hàng ghế sau của một chiếc taxi toả đầy khói. Tài xế của tôi, một anh chàng nhỏ bé, nhễ nhại mồ hôi, hút thuốc liên tục, giới thiệu tên mình là Cholam, dửng dưng lái xe một cách bạt mạng, tránh những va quệt chỉ trong gang tấc, cũng chẳng thèm ngừng miệng thao thao bất tuyệt hàng tràng dài:

-… Thật khủng khiếp những gì đang xảy ra ở đất nước của ông,yar 1. Người dân Afghan và người dân Pakistan như anh em, tôi cam đoan với ông như thế. Người Hồi giáo phải giúp đỡ người Hồi giáo để…

Tôi gật gật đầu một cách lịch sự để khỏi phải nghe anh ta nữa. Tôi vẫn nhớ rất rõ Peshawar từ hồi ức mấy tháng Baba và tôi trải qua ở đó năm 1981. Lúc này, chúng tôi đang đi về phía Tây, trên đường Jamrud, qua Cantonment và những ngôi nhà tường cao, hoang toàng. Cảnh hối hả của thành phố mờ mờ vụt qua nhắc tôi nhớ đến một phiên bản còn nhộn nhịp hơn, đông đúc hơn của Kabul mà tôi biết, đặc biệt là Kocheh-Morgha, còn gọi là khu phố chợ gia cầm, nơi Hassan và tôi thường mua khoai tây dầm tương ớt và nước anh đào. Các đường phố đông nghẹt người đi xe đạp, người đi bộ quanh quẩn, và những xe xích lô máy nổ ran nhả khói xanh, tất cả len lách nhau qua một mớ hỗn độn các ngõ hẹp và ngách hẻm. Những người bán hàng râu ria cuộn mình trong tấm chăn mỏng bán chụp đèn bằng da súc vật, thảm trải, khăn thêu, và đồ đồng từ những dãy lều quán nhỏ san sát nhau. Thành phố cuồn cuộn những âm thanh, tiếng quát tháo của những người bán hàng trộn lẫn với tiếng nhạc Hindi ồm ồm, tiếng phành phạch của xích lô máy, tiếng chuông leng keng xe ngựa kéo, tất cả oang oang trong tai tôi. Những mùi hương găn gắt, vừa thú vị vừa khó chịu, luồn qua cửa xe vào chỗ tôi, mùi gia vị của pakora và cà ri hầm nihari 2 mà Baba yêu thích vô cùng, trộn lẫn với mùi hôi dầu diesel, mùi thối của đồ ôi thiu, rác thải và các loại phân.

Đi quá những toà nhà bằng gạch đỏ của trường Đại học tổng hợp Peshawar một đoạn chúng tôi vào một khu mà người lái xe lắm lời của tôi nhắc đến như là “Thị trấn của người Afghan.” Tôi thấy những hiệu bánh kẹo, những người bán thảm, những quán Kabob, những đứa trẻ hai tay cáu bẩn bán thuốc lá, những tiệm ăn nhỏ – bản đồ Afghanistan vẽ đầy trên cửa sổ – tất cả đều có quan hệ mật thiết với các tổ chức trợ giúp bất hợp pháp.

– Nhiều người anh em của ông ở khu vực này, yar. Họ mở các sạp hàng kinh doanh, nhưng đa số rất nghèo khổ.

Anh ta tặc lưỡi và thở dài.

– Dẫu thế nào, giờ đây chúng ta cũng đang sát cánh bên nhau.

Tôi nghĩ tới lần cuối cùng tôi gặp chú Rahim Khan, năm 1981. Ông đến chào từ biệt, cái đêm Baba và tôi trốn khỏi Kabul. Tôi nhớ, Baba và chú ôm nhau, khóc khẽ. Khi Baba và tôi tới Mỹ, Baba và chú Rahim Khan vẫn giữ mối liên hệ. Họ thường nói chuyện với nhau mỗi năm bốn, năm lần, đôi khi Baba còn chuyển máy cho tôi. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với chú Rahim Khan, chỉ ít lâu sau khi Baba mất. Tin tức đó về tới Kabul và chú đã gọi cho tôi. Chúng tôi chỉ nói với nhau được vài phút thì đường dây mất liên lạc.

Tài xế lái tới một toà nhà hẹp tại một góc phố nhộn nhịp nơi có hai con phố cong queo giao nhau. Tôi trả tiền xe, xách theo mỗi chiếc valy, và bước lên chỗ cánh cửa chạm khắc cầu kỳ. Toà nhà có những hàng ban công bằng gỗ với nhiều cửa chớp để ngỏ và từ nhiều hàng ban công ấy, quần áo giặt được phơi khô dưới ánh mặt trời. Tôi bước lên chiếc cầu thang kẽo kẹt tới tầng hai, men theo một hành lang nhờ sáng tới cánh cửa cuối cùng về bên phải. Kiểm tra lại địa chỉ trên mảnh giấy giữ chặt trong lòng bàn tay. Gõ cửa.

Rồi, một tạo vật toàn da bọc xương như không phải chú Rahim Khan ra mở cửa.

Một thầy giáo dạy sáng tác ở bang San Jose từng nói về các sáo ngữ: “Hãy tránh chúng như tránh bệnh dịch”. Rồi ông cười về câu nói đùa của riêng ông. Cả lớp cười theo, nhưng tôi luôn nghĩ những sáo ngữ bị đánh giá sai lầm. Bởi vì, chúng thường chính xác. Nhưng sự biểu đạt thích đáng của ngạn ngữ được sáo ngữ hoá thường bị coi nhẹ bởi bản chất ngạn ngữ vốn là sáo ngữ. Lấy ví dụ câu ngạn ngữ “voi ở trong phòng” 3. Không gì có thể miêu tả đúng hơn nhưng khoảnh khắc ban đầu cuộc tái ngộ của tôi với chú Rahim Khan.

Chúng tôi ngồi trên một bộ đệm rơm nhỏ dọc tường, đối diện với cửa số trông xuống đường phố náo nhiệt phía dưới. Ánh nắng xiên vào rọi một vệt sáng hình tam giác lên chiếc đệm cầu kinh Afghan trên sàn nhà. Hai chiếc ghế gấp tựa vào tường và một ấm samôva nhỏ bằng đồng đặt ở góc đối điện. Tôi rót trà cho chúng tôi từ chiếc ấm đó. Tôi hỏi:

– Chú làm thế nào tìm được cháu?

– Tìm người ở Mỹ không khó. Chú mua một tấm bản đồ nước Mỹ và gọi điện thoại hỏi thông tin về những thành phố ở miền Bắc California. Thật vô cùng kỳ lạ, thấy cháu đã trưởng thành như hôm nay.Tôi mỉm cười và bỏ ba miếng đường vào tách trà của mình. Chú thích trà đen và chát, tôi vẫn nhớ thế.

– Baba không có dịp nào để báo cho chú, nhưng cháu đã cưới vợ mười lăm năm nay rồi.Sự thật là lúc đó khối u trong não đã khiến Baba trở nên quên lãng, lơ đễnh.

– Cháu đã lấy vợ à? Lấy ai?- Tên cô ấy là Soraya Taheri. Tôi bỗng nhớ tới nàng đang ở nhà lo lắng cho tôi. Tôi mừng là nàng đã không phải ở một mình.

– Taheri… con gái của ai nhỉ?Tôi nói cho ông biết. Mắt ông sáng lên:

– Ồ chú nhớ ra rồi. Có phải Tướng Taheri lấy chị gái ông Sharif không? Tên bà ấy là gì nhỉ…

– Jamila jan.

– Balay! – Ông mỉm cười nói. – Chú biết ông Sharif jan ở Kabul từ lâu, trước khi ông ấy rời sang Mỹ.

– Ông ấy vẫn đang làm việc cho Sở Nhập cư nhiều năm rồi, cũng giải quyết được nhiều vụ nhập cư.

– Haiiii! – Ông thở dài. – Cháu và Soraya có con rồi chứ?

– Không.

– Ồ, – ông tợp một ngụm trà, không hỏi thêm gì nữa.Chú Rahim Khan vẫn luôn là một người có trực giác nhạy bén nhất tôi mà tôi từng gặp.

Tôi nói với ông rất nhiều về Baba, về nghề nghiệp của cha tôi, chợ trời, và cuối đời ông thế nào, ông đã chết hạnh phúc ra sao. Tôi kể cho ông nghe việc học hành của tôi, việc viết sách của tôi – bốn cuốn tiểu thuyết được xuất bản dưới cái tên tôi. Nghe nói vậy, ông mỉm cười và bảo ông chưa bao giờ có chút nghi ngờ nào về chuyện đó. Tôi kể cho ông nghe, tôi đã viết những truyện ngắn trong cuốn sổ bọc bìa da ông cho tôi, nhưng ông không còn nhớ cuốn sổ.

Câu chuyện không tránh khỏi quay sang bọn Taliban.Tôi hỏi:

– Chúng có xấu xa như chúng cháu được nghe không?

– Không, còn tệ hại hơn. Tệ hại hơn nhiều, – ông nói. – Chúng không để cháu được làm người nữa. – Ông chỉ vào vết sẹo bên mắt phải cắt một đường cong qua cánh lông mày làm của mình. – Năm 1998 chú đang xem bóng đá tại sân vận động Ghazi. Kabul đá với Mazirr-i-Sharif, hình như thế, cầu thủ lúc đó không được phép mặc quần cộc. Hở hang khiếm nhã, chú đoán vậy. – Ông cười mệt mỏi. – Dẫu thế nào Kabul cũng ghi một bàn thắng và người đàn ông ngồi cạnh chú, reo ầm lên. Bất ngờ một thằng ranh đứng gác hai bên cánh gà, bề ngoài nhiều lắm chỉ mười tám tuổi, bước đến chỗ chú, nện một cái vào trán chú bằng báng khẩu Kalashnikov của nó, và nói: “Réo nữa đi, con lừa già, tao sẽ cắt lưỡi mày!”

Chú Rahim Khan xoa xoa vết sẹo bằng ngón tay xương xẩu, nói tiếp:

– Chú đã già đáng tuổi ông nội nó và chú phải ngồi im, máu chảy ròng ròng xuống mặt, xin lỗi đồ chó đẻ đó.

Tôi rót cho ông thêm tách trà nữa, chú Rahim Khan chuyện trò thêm đôi chút. Nhiều chuyện tôi đã biết rồi, có những chuyện chưa. Ông kề cho tôi biết, theo như sự sắp xếp giữa Baba và ông, ông đã đến sống trong ngôi nhà của Baba từ năm 1981, điều này tôi đã biết. Baba đã “bán” ngôi nhà cho chú Rahim Khan trước khi ông và tôi trốn khỏi Kabul ít lâu. Những ngày đó, chúng tôi tưởng những rối loạn của Afghanistan chỉ tạm thời gián đoạn cuộc sống của chúng tôi – những ngày tiệc tùng trong ngôi nhà ở quận Wazir-Akbar-Khan, những bữa ăn ngoài trời ở Paghman, chắc chắn sẽ có ngày trở lại. Vì vậy, ông đã trao ngôi nhà cho Rahim Khan trông nom, cho tới cái ngày đó.

Chú Rahim Khan kể cho tôi, khi Liên minh miền Bắc chiếm Kabul khoảng giữa 1992 và 1996, các bè đảng khác nhau đã đòi xâu xé Kabul như thế nào.

– Nếu cháu đi từ khu Shar-e-Nau đến Kertch-Parwan để mua một tấm thảm, cháu dễ bị bắn bởi một tay bắn tỉa hoặc bị bắn tung lên bởi một quả tên lửa như chơi – nếu cháu phải đi qua các trạm kiểm tra, cũng thế. Cháu bắt buộc phải có một visa để đi từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy mọi người đành ở đâu cứ ở nguyên tại đấy, cầu nguyện quả tên lửa sắp tới đừng bắn vào nhà họ.

Ông kể cho tôi nghe, dân chúng phải đục tường nhà mình để vòng tránh những đường phố nguy hiểm ra sao, và chui từ lỗ này sang lỗ khác để đi suốt dãy nhà như thế nào. Ở những địa phận khác, dân chúng phải đi lại dưới đường ngầm.Tôi hỏi:

– Tại sao chú không rời đi?- Kabul là nhà của chú. Nó mãi mãi là như thế. – Ông cười khẩy, – cháu có còn nhớ đường phố từ nhà cháu đến Qishla, cái trại lính gần Trường Istiqlal không?

– Nhớ ạ, đó là lối đi tắt đến trường. – Tôi vẫn nhớ cái ngày Hassan và tôi đi tắt qua đấy và bọn lính trêu Hassan về mẹ cậu ấy. Sau đó Hassan đã khóc trong rạp chiếu phim, và tôi đã quàng tay ôm lấy cậu.

– Khi bọn Taliban tràn vào và đánh đuổi Liên minh khỏi Kabul, chú thực sự đã nhảy múa trên đường phố đó, – chú Rahim Khan nói. – Và hãy tin chú, không phải chỉ mình chú đâu.

Mọi người đều tổ chức lễ mừng tại Chaman ở Deh Mazang, đón chào Taliban trên các đường phố, trèo lên xe tăng của chúng và đòi chụp ảnh cùng với chúng. Người dân quá mệt mỏi vì chiến tranh triền miên, mệt mỏi vì tên lửa, súng máy, tiếng bom mìn nổ, mệt mỏi vì chứng kiến Gulbuddin 4 và những băng nhóm của hắn nổ súng vào bất cứ vật gì chuyển động. Bọn Liên minh còn gây thiệt hại cho Kabul hơn là bọn Shorawi. Chúng phá huỷ trại mồ côi của cha cháu, cháu có biết chuyện đó không?

– Tại sao? – Tôi hỏi – Tại sao chúng phải phá huỷ một trại mồ côi? – Tôi vẫn nhớ tôi ngồi đằng sau Baba, cái ngày khánh thành trại mồ côi. Gió đã thổi bay chiếc mũ lông cừu của ông và mọi người cười, rồi đứng cả lên vỗ tay khi ông đọc xong bài diễn văn. Và bây giờ nơi đó chỉ còn là đống gạch vụn. Tất cả số tiền ông đã tiêu vào đấy, bao nhiêu đêm ông đã đổ mồ hôi cho những bản thiết kế, tất cả những cuộc thăm viếng tìm địa điểm xây dựng để đảm bảo mỗi viên gạch, mỗi thanh xà và mỗi khối nhà phải được xây thật chính xác…

– Thiệt hại chung thôi, – Rahim Khan nói, – cháu sẽ không muốn biết đâu, Amir jan, khi đi tìm bới trong đống gạch vụn ấy. Ở đó là những phần cơ thể của lũ trẻ…

– Vậy khi bọn Taliban đến…

– Chúng là những người anh hùng, – Rahim Khan nói.

– Rốt cuộc cũng được hoà bình.

– Phải, hy vọng là một điều lạ lùng. Rốt cuộc cũng hoà bình. Nhưng với giá nào? – Một cơn ho dữ dội đủ làm Rahim Khan rúm ró lại, khiến tấm thân hốc hác của ông chao tới chao lui. Khi ông khạc nhổ vào chiếc khăn tay, chiếc khăn lập tức nhuốm màu đỏ. Tôi nghĩ đó là dịp tốt nhất để nói thẳng với con voi đang vã mồ hôi cùng chúng tôi trong căn phòng nhỏ.

– Chú làm sao vậy? – Tôi hỏi. – Cháu muốn hỏi thực sự chú bị sao?

– Thực ra là sắp chết, – ông vừa nói vừa thở hồng hộc. Nhiều máu hơn thấm trên chiếc khăn tay. Ông lau miệng, chấm mồ hôi vã trên lông mày từ bên thái dương hốc hác này tới bên kia bằng ống tay áo, và liếc nhìn tôi một cái rất nhanh. Khi ông gật đầu, tôi biết ông đã đọc được câu hỏi sắp tới trên khuôn mặt tôi. – Không lâu nữa đâu, – ông lại thở.

– Bao lâu nữa?

Ông nhún vai. Lại ho thêm. Ông nói:

– Chú không nghĩ chú sẽ thấy mùa hè kết thúc.

– Để cháu đem chú về nhà với cháu. Cháu sẽ tìm cho chú một bác sĩ giỏi. Họ vẫn thường chữa khỏi bệnh với những phương pháp điều trị mới mà. Có những loại thuốc mới, cả những điều trị thử nghiệm nữa, chúng cháu có thể ghi tên chú vào một… – Tôi đang dông dài, tôi biết thế. Nhưng thế còn hơn khóc, mà dẫu thế nào tôi cũng sắp khóc đến nơi.

Ông cười ồ, để lộ chỗ khuyết của những răng cửa dưới. Đó là chuỗi cười mệt mỏi nhất mà tôi từng thấy:

– Chú thấy nước Mỹ đã rót vào người cháu cái thứ chủ nghĩa lạc quan, đã làm cho nó trở nên quá vĩ đại. Thế là rất tốt. Chúng ta là một dân tộc buồn đau, những người Afghan chúng ta ấy, có phải chúng ta như thế không? Chúng ta thường đắm mình quá nhiều trong ghamkhori 5 và thương thân trách phận. Chúng ta chào thua mất mát, chịu đựng, chấp nhận đó như một thực tế ở đời, thậm chí coi đó là cần thiết. Zendagi migzara, đời vẫn tiếp tục trôi, chúng ta thường nói thế. Nhưng chú không đầu hàng số phận đâu, chú là một con người thực tế. Chú đã từng đến khám nhiều bác sĩ giỏi ở đây, và họ đều cho chú vẫn cùng một câu trả lời. Chú phó thác cho họ, và tin tưởng họ. Trên đời này còn có một thứ là ý trời.Tôi nói:

– Vậy chỉ còn vấn đề chú làm gì và không làm gì.

Rahim Khan cười:

– Lúc này cháu nói sao nghe giống bố cháu thế. Chú nhớ ông ấy vô cùng. Nhưng đó là ý trời muốn thế, Amir jan ạ, thực như thế. – Ông dừng lại. – Ngoài ra. còn có một lý do khác chú yêu cầu cháu đến đây. Chú muốn được gặp cháu trước khi chú ra đi, đúng vậy, nhưng cũng có điều khác nữa.

– Bất cứ điều gì.

– Cháu biết tất cả những năm ấy chú sống trong ngôi nhà của bố cháu sau khi bố con cháu rời đi chứ?

– Vâng.

– Chú không sống đơn độc đâu. Hassan sống ở đó với chú.

– Hassan ư? – Tôi nói. Lần cuối cùng tôi nhắc tới tên cậu ấy là khi nào? Những ngạnh gai tội lỗi ấy một lần nữa lại móc vào lòng tôi, như thể nhắc đến tên cậu là một câu phù chú để cho những cái gai ấy lại một lần nữa hành hạ tôi. Tự nhiên bầu không khí trong căn hộ bé của Rahim Khan bỗng trở nên quá ngột ngạt, quá nóng, quá dậy mùi của đường phố.

– Chú đã nghĩ về việc viết cho cháu và nói cho cháu biết trước, nhưng chú không chắc là cháu có muốn biết. Chú có nhầm không?

Sự thật là không. Dối trá thì là có. Tôi chọn một cái gì đó ở giữa:

– Cháu không biết.

Ông lại ho ra một bụm máu nữa vào chiếc khăn tay. Khi ông cúi đầu xuống để khạc, tôi nhìn thấy những chỗ viêm đóng vẩy màu mật ong trên da đầu ông.

– Chú bảo cháu sang đây bởi vì chú định yêu cầu cháu một việc. Chú định yêu cầu cháu làm một việc cho chú. Nhưng trước hết, chú muốn nói cho cháu biết về Hassan đã, cháu hiểu chứ?

Tôi lúng búng:

– Vâng.

– Chú muốn nói cho cháu biết về nó. Chú muốn nói cho cháu biết mọi điều. Cháu sẽ nghe chứ?

Tôi gật đầu.

Rahim Khan uống thêm vài ngụm trà nữa. Ông tựa đầu vào tường và kể.

——————————–

1 Yar: Tiếng xưng hô lịch sự với người khác ở Pakistan.

2 Nihari: Món ăn xuất xứ từ cộng đồng đạo hồi ở Delhi được nêm rất nhiều gia vị, là cari bê hoặc cừu hầm.

3 Elephant in the room: Ngạn ngữ Anh, ý nói sự thật hiển nhiên, như con voi to trong căn phòng bé tí, ấy thế mà vẫn bị tảng lờ như không.

4 Gulbuddin: Nhân vật bị báo chí phương Tây coi là tàn ác và xảo quyệt, từng hai lần giữ chức thủ tướng Afghanistan những năm 90, đồng thời là một người Pashtun dòng Ghilzai ủng hộ quan điểm thà nội chiến còn hơn bị nước ngoài chiếm đóng – cũng bị xem là thân Taliban.

5 Ghamkhori: Nỗi sầu đau.

Bình luận
720
× sticky