Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương IV

Tác giả: Khaled Hosseini

Năm 1933, năm Baba chào đời, cũng là năm quốc vương Zahir Shah bắt đầu năm thứ bốn mươi trị vì Afghanistan, hai anh em, hai gã trai trẻ trong một gia đình giàu có và danh giá ở Kabul ngồi sau tay lái chiếc xe Ford của cha mình. Ngà ngà say thuốc lá tẩm thuốc phiện và chếnh choáng rượu vang Pháp, họ đã cán chết đôi vợ chồng người Hazara trên con đường tới Paghman. Cảnh sát đem hai gã trai có vẻ ăn năn hối lỗi và đứa con trai mồ côi năm tuổi của đôi vợ chồng đã chết đến trước ông tôi, lúc đó là một vị quan toà uy danh và là một con người uy tín mẫu mực. Sau khi nghe hai gã trai tường trình và người cha xin khoan hồng, ông tôi quyết định anh em nhà kia phải lập tức đến Kandahar và ghi tên vào quân đội trong một năm – mặc cho gia đình họ đã xoay xở mọi cách để họ được miễn trừ bản án. Người cha của họ cũng tranh biện, nhưng cũng không quyết liệt lắm, và cuối cùng mọi người đều đồng ý là việc trừng phạt có lẽ hơi cay nghiệt nhưng thoả đáng. Còn với đứa trẻ mồ côi, ông tôi nhận nuôi trong gia đình mình và ra lệnh cho những đày tớ khác kèm cặp nhưng phải đối xử tốt với đứa bé. Đứa bé đó là Ali.

Ali và Baba lớn lên cùng nhau như đôi bạn để chỏm – ít nhất cũng cho đến khi bệnh viêm tuỷ xám làm bại liệt chân của Ali – hệt như tôi và Hassan cùng lớn lên ở thế hệ sau. Baba luôn kể cho chúng tôi nghe về những trò tinh nghịch của ông và Ali, và Ali thường lắc đầu bảo: “Nhưng, Agha sahib 1, kể cho chúng tôi nghe ai là người nghĩ ra trò tinh nghịch và ai là người thực hiện đáng thương chứ?” Baba thường chỉ cười và dang cánh tay ôm lấy Ali.

Nhưng không có một chuyện nào ông kể mà trong đó Baba lại xem Ali như bạn của mình.

Điều lạ lùng là, tôi cũng không bao giờ nghĩ tôi và Hassan là đôi bạn. Dẫu sao, cũng không theo nghĩa thông thường. Bất kể việc chúng tôi dạy nhau đi xe đạp buông hai tay, hoặc thiết kế một cái máy tính tại nhà có đủ chức năng từ một hộp các tông. Bất kể chúng tôi cùng nhau thả diều suốt mùa đông, và đua diều. Bất kể đối với tôi, bộ mặt của người Afghanistan chính là bộ mặt của thằng bé có dáng người thon thả, với cái đầu cạo trọc, đôi tai mọc thấp, thằng bé với bộ mặt búp bê Tàu vĩnh viễn ngời sáng nụ cười môi hẻ.

Bất chấp mọi điều đó. Bởi vì lịch sử không dễ để mà vượt qua. Tôn giáo cũng vậy. Rốt cuộc rồi vẫn cứ là người Pashtun, còn cậu ấy là người Hazara. Tôi là người Sunmi và cậu ấy là người Shi’a, và không gì có thể thay đổi điều đó. Không gì hết.

Nhưng chúng tôi là những đứa trẻ đã từng cùng tập bò với nhau, và cũng không có lịch sử nào, vấn đề chủng tộc nào, xã hội nào, tôn giáo nào thay đổi được điều đó. Tôi đã trải qua mười hai năm đầu của đời tôi chơi đùa cùng Hassan. Đôi khi, cả thời thơ ấu của tôi tựa như một ngày hè dài lười biếng cùng với Hassan, đuổi nhau giữa nhưng rặng cây trong sân nhà cha tôi, chơi trò trốn tìm, công an bắt kẻ trộm, cao bồi và người da đỏ, hành hạ côn trùng – với thành công rực rỡ không chối cãi được là cái lần chúng tôi rút vòi của con ong rồi buộc quanh sinh vật đáng thương một cái dây, để mỗi lần nó bay lên lại bị giật mạnh lại.

Chúng tôi đuổi theo người Kochi, những bộ lạc du mục ngang qua Kabul, trên đường tới các dãy núi phía Bắc. Chúng tôi thường nghe tiếng những ngôi nhà lưu động tiến gần vùng lân cận chúng tôi, tiếng đàn cừu của họ kêu è ẹ, tiếng đàn dê kêu be be, nhạc rung quanh cổ lũ lạc đà. Chúng tôi thường chạy ra khỏi nhà để xem đoàn nhà lưu động cót két lăn qua đường phố của chúng tôi, những người đàn ông đầy bụi bặm, mặt dãi dầu nắng gió và những người đàn bà choàng khăn dài sặc sỡ, đeo những chuỗi hạt cườm và vòng bạc ở cổ tay và khuỷu tay. Chúng tôi ném đá cuội vào những con dê của họ. Chúng tôi phun nước vào những con la của họ. Tôi thường bắt Hassan ngồi trên Bức tường Ngô ốm lấy súng cao su bắn sỏi vào đít lũ lạc đà.

Chúng tôi cùng nhau đi xem bộ phim cao bồi viễn Tây đầu tiên, Rio Bravo, với diễn viên John Wayne thủ vai, ở Công viên Điện ảnh, vượt qua đường phố có hiệu sách ưa thích của tôi. Tôi nhớ mình đã từng nài xin Baba mang chúng tôi tới Iran, để chúng tôi có thể gặp John Wayne. Baba phá lên cười một chuỗi dài tưởng vỡ họng – một âm thanh không phải không giống động cơ xe tải đang rồ máy – rồi khi đã có thể nói lại được, ông giải thích cho chúng tôi khái niệm về lồng tiếng. Hassan và tôi sửng sốt. Sững sờ. John Wayne không thực sự nói tiếng Farsi và ông ta không phải người Iran. Ông ta là người Mỹ, hệt như những người đàn ông và đàn bà tóc dài thân thiện chúng tôi luôn thấy vơ vẩn ở Kabul, mặc những chiếc váy màu sặc sỡ và xơ gấu. Chúng tôi xem Rio Bravo ba lần, nhưng chúng tôi xem bộ phim cao bồi ưa thích của mình, phim Bảy anh chàng cừ khôi tới mười ba bận. Mỗi lần xem, lúc kết thúc chúng tôi đều khóc khi thấy những đứa trẻ Mexico chôn Charles Bronson – hoá ra cũng không phải là người Iran.

Chúng tôi tản bộ trong những phố chợ nhỏ sặc mùi rêu mốc của quận Sha-e-Nau ở Kabul, hoặc trong khu đô thị mới phía Tây quận Wazir Akbar Khan. Chúng tôi trò chuyện về bất cứ phim nào vừa xem và dạo bộ giữa những đám người hối hả của khu phố chợ. Chúng tôi len lỏi giữa những thương gia và những kẻ ăn mày, lang thang qua các ngõ hẹp vướng víu nhiều dãy lều quán nhỏ chặt ních hàng. Baba cho mỗi đứa chúng tôi mỗi tuần mười đồng Afghani 2 và chúng tôi tiêu vào khoản Coca-Cola ấm và kem nước hoa hồng bên trên có rắc quả hồ trăn nghiền nhỏ.

Trong năm học, chúng tôi có lệ quen hàng ngày. Vào lúc tôi lề mề ra khỏi giường và lê đến buồng tắm thì Hassan đã tắm rửa rồi, cả cầu nguyện kinh Namaz buổi sáng với ông Ali và sửa soạn bữa sáng cho tôi: trà đen nóng, với ba thỏi đường, một lát bánh naannướng bên trên quệt món mứt dầm anh đào chua mà tôi ưa thích, tất cả đều được đặt ngay ngắn trên bàn ăn. Trong khi tôi ăn và phàn nàn về bài tập về nhà, Hassan dọn dẹp giường ngủ, đánh giày cho tôi, là áo ngoài mặc hôm đó và xếp sách bút cho tôi. Tôi thường nghe thấy cậu hát một mình ở ngoài tiền sảnh lúc là quần áo, hát nhưng bài ca cổ Hazara bằng giọng mũi. Rồi, Baba và tôi rời khỏi nhà trong chiếc xe Ford Mustang đen – chiếc xe mà đâu đâu mọi người cũng nhìn mộ cách thèm thuồng, bởi vì nó cùng loại xe mà Steve McQueen đã lái trong phim Bullitt, bộ phim được chiếu trong một rạp chiếu phim tới sáu tháng liền. Hassan ở nhà giúp ông Ali những công việc trong ngày: giặt bằng tay quần áo bẩn rồi đem phơi ngoài sân, lau quét sàn nhà, ra phố chợ mua bánh naan sống, nấu món sốt thịt cho bữa chiều, tưới cỏ.

Đi học về, tôi và Hassan lại gặp nhau, vơ lấy một cuốn sách, tung tăng phi lên ngọn đồi hình bát úp toạ lạc đúng phía Bắc dinh cơ của cha tôi ở quận Wazir Akbar Khan. Nơi đó có một nghĩa địa hoang phế, với những dãy bia mộ bằng đá không ghi tên và những bụi cây ngăn hai bên lối đi. Nhiều mùa mưa và tuyết rơi đã làm chiếc cổng sắt han gỉ và khiến những dãy tường đá trắng của nghĩa địa xiêu đổ. Có một cây lựu gần lối vào nghĩa địa. Một ngày mùa hè, tôi đã dùng con dao bếp của ông Ali khắc tên chúng tôi tên thân cây: “Amir và Hassan, hai Sultan 3 của Kabul”. Những chữ đó chính thức tỏ rõ: cây lựu là của chúng tôi. Đi học về, Hassan và tôi trèo lên cây và hái những quả lựu đỏ tươi. Ăn lựu và chùi tay xuống cỏ xong, tôi thường đọc sách cho Hassan nghe.

Ngồi xếp bằng tròn, ánh nắng và bóng lá cây lựu vờn múa trên mặt, Hassan lơ đãng nhổ những túm cỏ khỏi mặt đất, trong khi tôi đọc những truyện ngắn mà cậu không tự đọc được. Thực tế Hassan lớn lên cũng mù chữ như ông Ali và phần lớn những người Hazara vốn đã được định phận từ giây phút sinh ra, thậm chí có lẽ từ lúc bắt đầu được thai nghén bất đắc dĩ trong bụng của Sanaubar. Nhưng rốt cuộc người hầu biết chữ để làm gì cơ chứ? Nhưng dẫu mù chữ, hoặc biết đâu chính vì vậy, Hassan bị sự huyền bí của ngôn từ thu hút, bị quyến rũ bởi một thế giới bí mật cấm đoán với mình. Tôi đọc cho cậu ấy những bài thơ, truyện ngắn, đôi khi những câu đố mẹo – dẫu tôi thường dừng ngay khi thấy cậu giải hay hơntôi quá nhiều. Thế là tôi đọc cho cậu những chuyện không cần tranh cãi, như những chuyện rủi ro của giáo sĩ Hồi giáo Nasruddin ngớ ngẩn và con lừa của ông ta. Chúng tôi ngồi hàng giờ dưới gốc cây đó, ngồi cho đến khi mặt trời tà úa ở phía Tây, vậy mà Hassan vẫn cố nài, nói hai đứa còn đủ ánh sáng để đọc thêm một truyện nữa, một chương nữa.

Phần đọc tôi thú vị là khi chúng tôi tình cờ gặp một từ mà cậu ấy không biết. Tôi thường trêu cậu, phơi bày sự dốt nát của cậu ra. Có lần tôi đang đọc cho cậu nghe một truyện về tu sĩ hồi giáo Nasruddin, Hassan ngắt lời tôi:

– Từ ấy nghĩa thế nào?

– Từ nào?

– Đần độn.

– Cậu không biết nghĩa là gì à? – Tôi nhăn nhở hỏi.

– Không, Amir agha.

– Nhưng nó chỉ là một từ thông thường thôi mà!

– Tôi vẫn không hiểu.

Nếu Hassan có cảm thấy tôi chơi xỏ cậu, thì khuôn mặt tươi cười của cậu cũng không biểu lộ ra.

– Ồ cả trường tôi, ai chả biết nó nghĩa là gì, – Tôi nói. – Để xem nào, “Đần độn” có nghĩa là tinh nhanh, thông minh. Tôi đặt một câu cho cậu có sử dụng chữ đó nhé: Nói về từ vựng, Hassan là một kẻ đần độn.

– À, à, – Hassan gật gật đầu.Sau đó, tôi luôn cảm thấy mình có tội. Vì vậy tôi thường tìm cách xí xoá bằng cách cho cậu ấy một chiếc áo sơ mi cũ, hoặc một đồ chơi hỏng. Tôi thường tự nhủ thế là đủ sửa chữa cho trò đùa vô hại rồi.

Cuốn sách mà Hassan ưa thích nhất là cuốn Shahnamah, thiên sử thi thế kỷ thứ mười kể về những anh hùng Ba Tư cổ xưa. Cậu thích tất cả các chương, các Shah 4 đời trước Feridoun, Zal và Rudabeh. Nhưng truyện ưa thích nhất của cậu cũng như của tôi, là “Rostam và Sohrab”, câu chuyện về chiến binh vĩ đại Rostam và con ngựa nhanh như gió Rakhsh. Trên chiến trường, Rostam chém tử thương Sohrab, kẻ báo ứng can đảm của mình, chỉ để nhận ra Sohrab chính là đứa con trai từ lâu thất lạc. Giày vò đau đớn, Rostam nghe những lời trăng trối của con trai mình:

Nếu ông quả thật là cha ta, chẳng phải thanh kiếm trong tay ông đã vấy máu tươi của con trai ông rồi ư. Và ông làm thế là do sự ngoan cố của ông. Bởi ta đã cố làm cho ông biết yêu thương, ta van xin đích danh ông, vì ta nghĩ nhìn thấy trong ông những dấu hiệu nhắc nhớ điều gì đó của mẹ ta. Nhưng ta cầu cứu trái tim ông vô ích, và bây giờ cơ hội tái hợp đã qua rồi…

– Đọc lại đi, tôi xin Amir agha đấy, – Hassan thường nói vậy. Đôi khi nước mắt ứa lên trong đôi mắt của Hassan khi tôi đọc cái đoạn ấy, và tôi luôn không hiểu cậu khóc vì ai, cho ông Rostam dằn vặt đớn đau xé toang áo quần và phủ tro trên đầu mình, hay Sohrab đang hấp hối, từ lâu vẫn mong đợi tình thương yêu của cha mình. Riêng tôi, tôi không thể thấy được tấn bi kịch trong số phận của Rostam. Rốt cuộc, phải chăng tất cả những người cha trong tâm can sâu kín của mình đều ấp ủ một ước muốn giết chết con trai họ?

Một hôm, vào tháng Bảy năm 1973, tôi chơi một trò bịp nhỏ khác với Hassan. Đang đọc cho cậu ấy nghe, bất chợt tôi bỏ câu chuyện đi. Tôi vờ như vẫn đọc cuốn sách đó, cũng lật trang đều đặn, nhưng tôi đã bỏ rơi hoàn toàn văn bản, làm chủ câu chuyện, và phịa ra theo ý tôi. Hassan đương nhiên không nhận ra điều đó. Với cậu, những từ trên trang giấy là sự cạnh tranh gay gắt của bao nhiêu mật mã không thể giải nổi, bí hiểm. Từ ngữ là những cổng vào bí mật và tôi nắm giữ chìa khoá. Sau đó, tôi hỏi cậu xem có thích truyện đó không, một tiếng khúc khích dâng lên trong họng tôi, khi Hassan vỗ tay hoan hô. Tôi hỏi:

– Cậu đang làm cái gì đấy?

– Đấy là câu chuyện hay nhất cậu đọc cho tôi lâu nay đấy, – Hassan vẫn vừa vỗ tay vừa nói.

Tôi cười:

– Thật không?

– Thật.

– Thế thì hấp dẫn ư? – tôi lẩm bẩm. Tôi cũng định nói như thế. Điều này là… hoàn toàn không mong đợi. – Cậu tin chắc thế không, Hassan?

Hassan vẫn đang vỗ tay:

– Thật tuyệt vời, Amir agha. Mai cậu lại đọc nữa cho tôi chứ?

– Hấp dẫn, – tôi nhắc lại, hơi khó thở, cảm thấy như một người vừa khám phá ra kho tàng chôn giấu trong sân sau nhà mình. Bước xuống chân đồi, những ý nghĩ cú phụt ra trong đầu tôi như pháo hoa trong ngày hội Chaman 5.Truyện hay nhất cậu đọc cho tôi lâu nay đấy, cậu ấy đã nói thế. Tôi đã đọc cho cậu khá nhiều truyện ngắn. Hassan hình như đang hỏi tôi điều gì đó.

– Gì cơ?

– Hấp dẫn, thế nghĩa là gì?

Tôi cười, ghì chặt lấy cậu ấy và đặt một cái hôn lên má.

– Thế là thế nào? – Hassan giật mình, đỏ mặt nói.

Tôi thân mật ẩy cậu một cái. Rồi mỉm cười.

– Hassan, cậu là một ông hoàng. Cậu là một ông hoàng và tôi yêu cậu.

Ngay tối hôm đó, tôi viết cái truyện ngắn đầu tiên của tôi. Mất ba mươi phút. Đó là một câu chuyện nhỏ u tối về một người đàn ông tìm thấy chiếc cốc thần và biết được rằng nếu khóc vào chiếc cốc ấy nước mắt của ông sẽ biến thành ngọc trai. Nhưng mặc đầu luôn sống trong cảnh nghèo khổ, ông vẫn là người hạnh phúc và hiếm khi rơi một giọt nước mắt. Vì vậy, ông tìm mọi cách làm cho mình buồn, để nước mắt có thể làm cho ông trở nên giàu có. Ngọc trai chất đống cao đến đâu, lòng tham của ông ta tăng lên đến đấy. Truyện kết thúc kết thúc khi người đàn ông ngồi trên một núi ngọc, con dao cầm trong tay, đang khóc một cách vô vọng vào trong chiếc cốc, tay ôm xác người vợ yêu dấu bị giết.

Tối đó, tôi leo lên thang gác và bước vào phòng hút thuốc của Baba, trong tay tôi là hai tờ giấy trên đó tôi viết nguệch ngoạc câu chuyện ấy. Baba và chú Rahim Khan đang hút tẩu thuốc và nhấm nháp rượu brandy khi tôi bước vào.

– Cái gì thế, Amir? – Baba vừa hỏi vừa ngả người trên ghế sofa, đan hai tay gối phía sau đầu. Khói xanh cuộn xoáy quanh mặt ông. Cái nhìn trừng trừng của ông làm cho họng tôi khô lại. Tôi hắng giọng nói tôi vừa viết xong một truyện ngắn.

Baba gật đầu và nhếch mép cười, chẳng ngụ ý gì hơn là giả vờ quan tâm. “Được. tốt lắm, phải không nào ông nào?” ông nói vậy. Rồi chăng thêm gì nữa. Ông chỉ nhìn tôi qua làn khói.

Có lẽ tôi đứng đó chưa đầy một phút, nhưng đến ngày hôm nay, nó là cái phút dài nhất của đời tôi. Những giây đồng hồ nặng nhọc trôi đi, giây này cách giây sau một thời gian vĩnh cửu. Không khí trở nên nặng nề, ẩm thấp, gần như đặc lại. Tôi như đang thở ra những viên gạch. Baba tiếp tục nhìn tôi trừng trừng và không bảo tôi đọc truyện.

Như mọi khi, Rahim Khan luôn luôn là người giải cứu tôi. Chú chìa bàn tay ra và ưu ái tôi bằng một nụ cười không chút vờ vĩnh:

– Amir jan, chú rất muốn đọc truyện đó, cho chú đọc được không?

Baba khó có khi nào lại dùng cái từ Jan tỏ vẻ thân thiết đó khi ông nói với tôi.

Baba nhún vai đứng dậy. Ông có vẻ nhẹ mình như thể chính ông cũng được chú Rahim Khan cứu.

– Phải đấy, đưa cho Kak 6 Rahim. Bố lên gác chuẩn bị đây.

Nói xong, rồi ông rời khỏi căn phòng. Hầu như ngày nào tôi cũng tôn sùng Baba với một cảm xúc mãnh liệt gần tới mức tôn giáo. Nhưng ngay lúc đó, tôi mong có thề cắt tĩnh mạch tôi ra để trút hết dòng máu đáng nguyền rủa của ông khỏi cơ thể tôi.

Một giờ sau, khi trời chiều đã tối mờ mờ, hai người bọn họ rời nhà đi trong chiếc xe hơi của cha tôi. Lúc ra khỏi nhà, chú Rahim Khan ngồi xổm xuống trước mặt tôi và trao trả cái truyện ngắn của tôi cùng một mảnh giấy gập kín. Mặt chú loé sáng một nụ cười và chú nháy mắt bảo tôi: “Cho cháu đấy. Sau hãy đọc.” Rồi chú dừng lại và thêm một từ duy nhất, sau này đã cổ vũ tôi theo đuổi việc viết văn, hơn bất kỳ lời chúc mừng nào mà bất kỳ chủ biên nào từng dành cho tôi. Từ đó là Hoan hô.

Khi hai người đi rồi, tôi ngồi xuống giường mình và ước gì chú Rahim Khan là cha tôi. Rồi tôi nghĩ về Baba và bộ ngực lớn vĩ đại của ông, cảm thấy tuyệt vời biết bao khi ông ôm tôi vào ngực, người ông sặc mùi rượu cất thô vào buổi sáng ra sao, và râu ông giụi vào mặt tôi như thế nào. Tôi bỗng cảm thấy vô cùng đau đớn vì cái tội lỗi bất ngờ, đến mức phải lao ngay vào buồng tắm và nôn vào cái chậu.

Khuya đêm đó, nằm co trên giường, tôi đọc đi đọc lại bức thư ngắn của chú Rahim Khan.Nội dung như sau:

Amir jan!

Chú thích truyện ngắn của cháu lắm. Mashallah 7, Thượng đế đã phú cho cháu một tài năng đặc biệt. Bổn phận của chú bây giờ là phải mài giũa tài năng đó, bởi vì một con người để phí tài năng Thượng đế ban cho mình, là một con lừa. Cháu đã viết câu chuyện của cháu bằng một thứ ngữ pháp sáng sủa và một phong cách thú vị. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất về truyện ngắn cháu viết là nó có tính châm biếm. Cháu có thể còn chưa biết từ đó nghĩa là gì. Nhưng rồi một ngày nào đó cháu sẽ biết. Nó là cái gì đó mà một số nhà văn muốn vươn tới nhưng không bao giờ đạt được. Cháu đã thực hiện được điều đó bằng truyện ngắn đâu tiên.

Cửa nhà chú luôn luôn và mãi sẽ rộng mở với cháu, Amir jan ạ. Chú sẽ đọc bất kỳ truyện ngắn nào cháu cần chia sẻ với chú. Hoan hô.

Bạn của cháu,Rahim

Phấn chấn bởi bức thư của chú Rahim Khan, tôi vồ lấy cái truyện ngắn và chạy vội xuống cầu thang ra tiền sảnh, nơi Hassan và ông Ali đang ngủ trên tấm đệm. Đó là lần duy nhất họ ngủ trong ngôi nhà, khi Baba đi vắng và ông Ali phải trông nom tôi. Tôi lay Hassan thức dậy và hỏi có muốn nghe một truyện không.

Cậu ấy dụi đôi mắt díp lại vì ngái ngủ và duỗi người ra:

– Bây giờ ư? Mấy giờ rồi?

– Cần gì mấy giờ. Truyện ngắn này rất đặc biệt. Mình tự viết ra đấy, – tôi thì thào, mong không làm ông Ali thức giấc.

Mặt Hassan sáng ngời lên.

– Thế thì tôi phải nghe rồi, – cậu nói và tung chăn ra.

Tôi đọc truyện đó cho Hassan ở phòng khách, bên lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Lần này thì không có chuyện đọc giả vờ nữa; đó là truyện của tôi. Hassan là một thính giả hoàn hảo về nhiều mặt, hoàn toàn chìm đắm vào câu chuyện, nét mặt thay đổi theo giọng điệu đổi thay trong câu chuyện. Khi tôi đọc đến câu cuối Hassan vỗ tay không thành tiếng, mặt rạng rỡ hẳn lên:

– Mashallah Amir agha! Hoan hô!

– Cậu thích chứ? – Tôi hỏi, và lần thứ hai cảm thấy hương vị ngọt ngào biết mấy – của một lời khen.

– Một ngày nào đó, Inshallah 8, cậu sẽ là một nhà văn lớn, – Hassan nói, – và mọi người trên toàn thế giới sẽ đọc những truyện cậu viết.

– Hassan, cậu bốc rồi, – tôi nói, thấy yêu Hassan vì thế.

Nhưng cậu khăng khăng:

– Không, cậu sẽ vĩ đại và nổi tiếng.

Rồi Hassan dừng lại, như thể đang định nói thêm điều gì đó. Cậu ta đắn đo tìm lời lẽ, rồi hắng giọng, bẽn lẽn hỏi:

– Nhưng cậu sẽ cho phép tôi hỏi một câu về cái truyện đó chứ?

– Tất nhiên.

– Được… – Cậu bắt đầu, rồi tịt mất.

– Nói đi, Hassan, – tôi mỉm cười bảo, dẫu bất chợt cái tên nhà văn dễ nao núng trong tôi không tin lắm có muốn nghe không.

– Được, nếu cho phép tôi hỏi, tại sao người ấy lại phải giết vợ mình? Tại sao ông ta cứ phải bao giờ cũng buồn mới rơi nước mắt? Ông ta không thể chỉ ngửi một củ hành ư?

Tôi sững sờ. Cái chi tiết cụ thể đó, quá rõ ràng hoàn toàn ngớ ngẩn, thế mà tôi lại không nghĩ ra. Tôi mấp máy môi không thành tiếng. Có vẻ như cũng trong đêm đó, tôi đã học được về một trong những mục tiêu viết, ấy là châm biếm. Tôi cũng được biết tới một trong những cái bẫy của nó: Kẽ hở của Tình tiết. Được Hassan dạy cho, thật đáng kinh ngạc. Hassan – kẻ không thể đọc nổi và chẳng bao giờ viết nổi một từ suốt cuộc đời mình. Một giọng nói lạnh lùng và đen tối thì thào trong tôi, Thằng Hazara mù chữ ấy, nó thì biết cái gì nào? Nó sẽ chẳng là gì ngoài việc là thằng bếp. Sao nó lại dám phê bình cậu?

– Được lắm!

Tôi bắt đầu, nhưng chẳng bao giờ nói hết được câu ấy. Bởi vì Afghanistan đã bất ngờ biến đổi mãi mãi.

——————————–

1 Agha: Tiếng xưng hô tỏ ý tôn kính của người dưới, có thể dịch là ngài, cậu v.v… Sahib: Tiếng gọi những người có vai vế trong xã hội.

2 Đơn vị tiền Afghanistan.

3 Sultan: Tước hiệu của Hồi giáo chỉ người nắm quyền lực.

4 Shah: Danh hiệu quốc vương của Ba Tư, thường là Iran.

5 Chaman: Là một thành phố nhỏ thuộc Babochistan, Pakistan, giáp ranh biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, là nơi rất nhiều người Afghan chạy sang tị nạn thời nội chiến.

6 Kaka: trong nguyên bản để gọi những người họ hàng bậc cha chú.

7 Mashalah: Hoan hô.

8 Inshallah: Cầu trời phù hộ.

Bình luận