Mùa đông.
Đây là những gì tôi làm vào ngày tuyết rơi đầu tiên hàng năm. Tôi bước ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, vẫn mặc quần áo ngủ, hai cánh tay co ro để chống lại cái lạnh. Tôi thấy lối xe vào, chiếc xe hơi của cha tôi, những bức tường, những nóc nhà và cả những dãy đồi nữa, thảy đều bị vùi dưới lớp tuyết dày chừng ba mươi phân. Tôi mỉm cười. Bầu trời không một gợn mây, xanh biếc, tuyết trắng đến nỗi mắt tôi nhức nhối. Tôi vốc đầy vốc tay tuyết mới rơi bỏ vào miệng, lắng nghe sự tĩnh lặng bao trùm chỉ bị phá vỡ bởi tiếng quạ kêu. Tôi bước xuống bậc thềm trước cửa, chân trần, và gọi Hassan ra ngoài xem.
Mùa đông là mùa ưa thích của mọi đứa trẻ ở Kabul, ít nhất cũng là những đứa mà cha nó có đủ tiền mua một chiếc lò sưởi bằng gang loại tốt. Lý do thật đơn giản: Người ta đóng cửa trường học vào mùa băng tuyết. Mùa đông đối với tôi là sự kết thúc bất đồng kéo dài, và đặt tên cho thủ đô Bulgaria, và sự khởi đầu của ba tháng chơi bài bên lò sưởi với Hassan, xem phim Nga miễn phí vào các sáng thứ Ba tại Công viên Điện ảnh, là qurma 1 củ cải ngọt ăn với cơm cho bữa trưa, sau cả buổi sáng đắp người tuyết.
Và diều, đương nhiên. Thả điều. Và đua diều.
Đối với một số ít đứa trẻ không may, mùa đông không có nghĩa kết thúc năm học. Có những cái gọi là khoá học mùa đông tự nguyện. Không bao giờ có đứa trẻ nào tôi biết lại tự nguyện đến các lớp học ấy, đương nhiên cha mẹ làm cái việc tự nguyện hộ chúng. May cho tôi, Baba không phải là một trong bọn họ. Tôi nhớ một đứa, thằng Ahmad sống ở dãy bên kia phố tôi. Bố nó là một bác sĩ gì gì đấy, tôi nghĩ vậy. Ahmad bị động kinh và luôn luôn mặc áo vest len, đeo đôi kính dày cộm gọng đen. Nó là một trong nhưng nạn nhân đều đặn của Assef. Sáng nào tôi cũng từ cửa số phòng ngủ của tôi quan sát người đày tớ Hazara của họ xúc tuyết khỏi đường xe vào nhà, dọn lối cho chiếc Opel màu đen. Tôi luôn cố xem thằng Ahmad và bố nó chui vào xe như thế nào, Ahmad trong chiếc áo vest len và áo khoác ngoài mùa đông, cặp đầy sách và bút chì. Tôi đợi cho đến khi họ đi khỏi, rẽ theo một góc phố, rồi lại chui vào giường trong bộ quần áo ngủ bằng flanen mỏng. Tôi kẻo chăn tới tận cằm và ngắm nhìn những ngọn đồi phủ tuyết ở phía Bắc qua cửa sổ. Ngắm những ngọn đồi cho đến khi lại mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố. Nhưng chủ yếu bởi vì khi mà cây cối cóng lạnh và băng giá từng lớp phủ những con đường, cái lạnh lẽo giữa Baba và tôi tan ra đôi chút. Và lý do của điều đó là diều. Baba và tôi sống trong cùng một ngôi nhà, nhưng lại trong những bầu sinh quyển khác nhau. Những cánh diều là những làn giấy mỏng ở nơi giao cắt giữa hai bầu sinh quyển đó.
Mùa đông nào, các quận của Kabul cũng tổ chức cuộc thi đấu diều. Và nếu bạn là một đứa con trai sống ở Kabul, thì ngày thi đấu chắc chắn là sự kiện nổi bật của mùa lạnh giá. Tôi không bao giờ ngủ được đêm trước hôm thi đấu. Tôi thường trằn trọc trở mình, làm bóng những con vật trên tường, thậm chí ngồi trên lan can trong đêm tối, chăn quấn quanh người. Tôi cảm thấy như một người lính cố ngủ trong chiến hào vào đêm trước trận đánh lớn. Và cũng chẳng khác mấy. Ở Kabul, thi thả diều quả hơi giống như đi ra trận.
Như bất cứ cuộc chiến nào, anh phải chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến. Hassan và tôi thường bỏ ra một khoảng thời gian làm những chiếc diều riêng cho chúng tôi. Chúng tôi để dành tiền tiêu vặt hàng tuần vào mùa thu, bỏ tiền vào một con ngựa sành nhỏ mà Baba một lần đã đem từ Herat về. Khi những cơn gió mùa đông bắt đầu thổi và tuyết rơi đáng kể rồi chúng tôi cậy vỡ lớp mỏng dưới bụng con ngựa. Chúng tôi ra phố chợ mua tre, keo, dây và giấy. Môi ngày chúng tôi bỏ ra nhiều giờ để gọt ruột tre và uốn khung diều, cắt những miếng giấy mỏng mịn để dễ phết keo bồi diều. Và rồi, cố nhiên chúng tôi phải làm dây diều riêng cho mình, còn gọi là tar. Nếu diều là súng thì dây bọc bột thuỷ tinh sắc cạnh là đạn trong ổ súng. Chúng tôi thường ra ngoài sân tuốt độ một trăm năm mươi mét dây qua hỗn hợp thuỷ tinh nghiền và keo nhựa. Rồi treo lên giữa các thân cây để phơi khô. Hôm sau, chúng tôi quấn thứ dây đó sẵn sàng cho trận đánh đó vào một ống cuộn bằng gỗ. Đúng lúc tuyết tan và mưa xuân đổ xuống, đứa con trai nào ở Kabul cũng phải chịu những vết cứa ngang lộ rõ trên các ngón tay, từ cả một mùa đông đấu diều. Tôi còn nhớ vẫn thường cùng bọn ở lớp tụ tập với nhau vào ngày đầu năm học để so những vết sẹo chiến của chúng tôi. Những vết cứa đau buốt, vài tuần lễ sau không lành, nhưng tôi không buồn để ý. Chúng là những vật lưu niệm của một mùa yêu dấu đã lại một lần nữa trôi qua quá nhanh. Thế rồi lớp trưởng thường thổi còi và cả bọn lại đều bước thành một hàng duy nhất vào lớp, nhớ nhung mùa đông đã qua thay vì chào đón bóng ma của một năm học khác dài dặc.
Nhưng rõ ràng Hassan và tôi đã nhanh chóng trở thành những chiến binh đấu diều hơn là người làm diều. Một khiếm khuyết nào đó, hoặc có điều gì trong thiết kế của chúng tôi, khiến cái diều của chúng tôi chẳng đâu vào đâu. Vì vậy, Baba đem chúng tôi đến cửa hiệu Saifo để mua diều. Saifo là một ông già gần như mù, làm moochi – tức nghề chữa giày. Nhưng ông cũng là một người làm diều nổi tiếng nhất của thành phố, làm việc ngoài túp lều nhỏ trên phố Jadeh Maywand, một phố đông dân phía Nam hai bờ lầy lội của sông Kabul. Tôi vẫn nhớ, bạn phải khom người chui vào cái cửa hàng cỡ bằng xà lim nhà lao rồi phải nhấc một cửa sập để trườn xuống cầu thang gỗ, tới một tầng hầm nhớp nhúa là kho chứa những chiếc diều được người ta thèm muốn của ông. Baba thường mua cho chúng tôi mỗi đứa ba chiếc diều giống hệt nhau và những cuộn dây thuỷ tinh. Nếu tôi đổi ý và đòi mua một chiếc diều lớn hơn, lạ lùng hơn, Baba cũng vẫn mua cho tôi, nhưng ông cũng mua luôn cho Hassan nữa. Đôi khi tôi mong muốn ông đừng làm như vậy. Muốn ông hãy để cho tôi được là đứa con cưng.
Thi đấu diều là truyền thống mùa đông lâu đời ở Afghanistan. Nó được bắt đầu vào sáng sớm ngày thi, và chỉ kết thúc khi nào còn duy nhất một chiếc diều thắng cuộc bay trên bầu trời. Tôi vẫn nhớ một năm cuộc thi đấu tàn ngày vẫn chưa xong. Dân chúng tụ tập bên lề đường, trên nóc nhà, reo lên hoan hô những chiếc diều của họ. Phố xá đầy những chiến binh đấu diều, giật dây, kéo diều của mình, mắt liếc lên bầu trời, cố chiếm lấy vị trí để cắt đứt dây diều của đối phương. Mỗi người đấu diều có một phụ tá – với tôi là Hassan – giữ ống cuộn dây và thả dây.
Có lần, một thằng nhóc Hindi, gia đình nó mới chuyển đến ở quanh vùng, kể cho chúng tôi nghe rằng, ở thị trấn quê nó, đấu diều có những luật lệ và quy tắc chặt chẽ. “Anh phải chơi ở một khu vực được khoanh lại và phải đứng ngược gió,” nó kiêu hãnh nói. “Và anh không được dùng nhôm để làm dây thuỷ tinh.”
Hassan và tôi nhìn nhau. Cười phá. Thằng nhóc Hindi rồi sẽ nhanh chóng học được những gì người Anh học được hồi đầu thế kỷ này, và những gì người Nga cuối cùng đã học được vào những năm cuối thập kỷ tám mươi rằng người Afghan là một dân tộc độc lập. Người Afghan yêu quý phong tục nhưng ghê tởm các luật lệ. Và với việc đấu diều cũng thế. Luật lệ thật đơn giản: Không luật lệ nào. Thả diều của bạn lên. Cắt hạ đối thủ. Chúc may mắn.
Tất nhiên không phải chỉ có thế. Trò vui thực sự bắt đầu khỉ một chiếc diều bị hạ. Là khi những đấu thủ thả diều ào đến, bọn trẻ ấy đuổi theo chiếc diều bị gió thổi cuốn đi, qua những vùng lân cận, cho đến khi nó quay mòng mòng lộn xuống cánh đồng, rơi vào sân nhà ai đó, mắc trên ngọn cây hoặc một nóc nhà. Cuộc rượt đuổi cực kỳ dữ dội, từng đám trẻ đua diều kéo đàn trên đường phố, xô đẩy lấn lướt nhau, giống những người ở Tây Ban Nha như chạy trốn những con bò tót tôi đã có lần được đọc. Một năm, có đứa trẻ hàng xóm trèo lên cây thông để tìm diều. Cái cành gãy răng rắc dưới sức nặng của nó, và nó rơi từ gần mười mét xuống. Gãy lưng và không bao giờ đi lại được nữa. Nhưng nó ngã mà chiếc diều vẫn ôm trong hai tay. Và khi một người đấu diều đặt hai tay lên chiếc diều, không ai có thể cướp được của họ. Đó không phải một luật lệ. Đó là phong tục.
Đối với những người đấu diều, giải thưởng đáng thèm muốn nhất là chiếc diều cuối cùng bị rơi của cuộc đấu diều mùa đông. Nó là một giải thưởng của danh dự, một cái gì đó để trưng trên tấm áo khoác, cho khách khứa trầm trồ. Khi bầu trời đã quang diều và chỉ còn hai chiếc cuối cùng trụ lại, mỗi người đua diều đều chuẩn bị sẵn sàng cho cơ may giật giải. Cậu ta chọn cho mình một vị trí nghĩ rằng sẽ đem lại cho mình lợi thế hơn. Những cơ bắp căng cứng đã sẵn sàng duỗi ra. Những chiếc cổ nghển lên. Những con mắt nheo lại. Những cuộc chiến nổ ra. Và khi chiếc diều cuối cùng bị hạ, thế là ồn ĩ loạn xạ cả lên.
Trải qua nhiều năm, tôi đã từng chứng kiến bao chàng trai đua diều. Nhưng Hassan vượt xa người đua diều vĩ đại nhất mà tôi từng thấy. Điều hoàn toàn lạ lùng là cung cách cậu luôn luôn nắm được vị trí chiếc diều tiếp đất, cả trước khi nó thật sự đáp xuống, như thể cậu có một sự định hướng sâu kín nào đó.
Tôi nhớ một ngày đông ảm đạm, Hassan và tôi đang thả diều. Tôi đang đuổi theo cậu qua những vùng quanh đó, nhảy qua nhưng rãnh nước, len lỏi qua những đường phố hẹp. Tôi hơn cậu ấy một tuổi, nhưng cậu chạy nhanh hơn, và tôi tụt lại phía sau.
– Hassan, đợi với! – Tôi hét lên, thở gấp và giận dữ.
Cậu quay vòng lại, vẫy tay: “Lối này!”, cậu gọi trước khi vụt rẽ theo một góc phố khác, tôi ngước nhìn lên, thấy hướng chúng tôi đang chạy ngược với hướng diều rơi.
– Chúng ta lạc rồi! Chúng ta nhầm đường rồi! – Tôi kêu toáng lên.
– Tin tôi đi.
Tôi nghe thấy tiếng cậu gọi ở phía trước. Tôi đến góc đường và thấy Hassan vụt chạy, đầu cúi xuống, không thèm nhìn lên trời, mồ hôi đầm đìa trên lưng áo sơ mi. Tôi vấp chân lúc bước qua một hòn đá và ngã nhào – tôi không chỉ chậm hơn Hassan mà còn vụng về hơn. Tôi luôn luôn ghen với sức vóc lực lưỡng bẩm sinh của cậu ấy. Khi loạng choạng đứng lên, tôi thoáng nhìn thấy Hassan biến mất quanh góc phố khác. Tôi tập tễnh chạy theo cậu ấy, mà như có kim châm đau nhức liên hồi chọc vào hai đầu gối trầy xước của tôi.
Tôi thấy chúng tôi hoá ra đã ở trên một con đường bẩn thỉu đầy vệt bánh xe, gần trường Trung học Isteqlal. Một bên có cánh đồng rau diếp mọc vào mùa hè, bên kia là một rặng cây anh đào chua. Tôi thấy Hassan đang bắt tréo chân ngồi dưới gốc cây, ăn một nắm dâu tằm khô.
– Chúng ta định làm gì ở đây nào? – Tôi hổn hển, bụng quặn lên muốn nôn.
Cậu ta mỉm cười.
– Ngồi xuống đây với tôi, Amir agha.Tôi ngồi phịch xuống gần cậu ta, trên một lớp tuyết mỏng, thở phì phò:
– Cậu đang làm mất thì giờ của chúng ta. Nó đi theo lối khác rồi, cậu không thấy ư?
Hassan tóp tép một quả dâu tằm trong miệng, nói:
– Sắp đến rồi.
Tôi không thể thở nổi nữa, còn cậu ta vẫn chẳng hề tỏ ra mệt mỏi.
Tôi hỏi:
– Làm sao cậu biết?
– Tôi biết.
– Làm sao cậu có thể biết được?
Cậu ta quay lại phía tôi. Mấy giọt mồ hôi lăn từ lớp da đầu hói của cậu ta xuống:
– Amir agha, đã bao giờ tôi nói dối cậu chưa?
Chợt tôi quyết định đùa cậu ấy một chút:
– Tôi không biết, – cậu có thể làm vậy?
– Tôi thà ăn bẩn còn hơn, – Hassan giận dữ nhìn tôi nói.
– Thật ư? Cậu thà làm thế thật ư?
Cậu ta nhìn tôi một cách đắn đo:
– Làm gì?
– Ăn bẩn, nếu tôi bảo cậu thế. – tôi nói.
Tôi biết tôi đang tàn nhẫn, giống như khi tôi cợt nhạo cậu ấy nếu cậu ấy không biết một từ bóng bẩy nào đó. Nhưng có một cái gì đó có vẻ hấp dẫn – dù hơi độc ác – trong việc trêu chọc Hassan. Đại loại như khi chúng tôi chơi trò hành hạ côn trùng ấy. Chỉ khác lúc này cậu ấy là con kiến, và tôi đang cầm chiếc kính lúp.
Đôi mắt cậu ấy thăm dò mặt tôi một lúc lâu. Chúng tôi ngồi đó, hai thằng con trai dưới một gốc cây anh đào chua, bất chợt nhìn, nhìn thật sự vào nhau. Lại xảy ra điều đó: mặt Hassan biến đổi. Có lẽ không biến đổi, không thật sự, nhưng bất chợt tôi cảm thấy đang nhìn vào hai bộ mặt, bộ mặt này tôi biết, bộ mặt là ký ức ban đầu của tôi, và bộ mặt kia, bộ mặt thứ hai, bộ mặt lẩn tránh ngay dưới vẻ bề ngoài. Trước, tôi đã từng thấy nó – nó luôn làm tôi bị sốc đôi chút. Bộ mặt khác chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc, đủ lâu để đem lại cho tôi một cảm giác bất ngờ là có thể trước đây tôi đã từng gặp nó ở đâu đó. Thế rồi, Hassan vụt loé sáng và lại đúng là cậu ta. Vẫn chỉ Hassan.
– Nếu cậu yêu cầu, tôi sẽ làm, – cuối cùng cậu ấy nhìn thẳng vào mặt tôi, nói.
Tôi cụp mắt xuống. Từ ngày hôm ấy, tôi thấy khó mà nhìn thẳng vào những người như Hassan, những kẻ nghĩ gì nói nấy.
– Nhưng tôi vẫn không hiểu, – cậu nói thêm. – Cậu đã bao giờ yêu cầu tôi làm điều như thế đâu, hở Amir agha?
Và thật bất ngờ, cậu đã ném vào tôi một phép thử nhỏ riêng của cậu. Nếu tôi định đùa với cậu, và thử thách lòng trung thành của cậu, vậy thì cậu cũng đùa lại với tôi, thử lương tâm và đạo đức của tôi.
Uớc gì tôi đừng khơi ra chuyện đó. Tôi cố gượng cười:
– Đừng có ngớ ngẩn, Hassan. Cậu biết là tôi không mà.
Hassan mỉm cười trở lại. Chỉ khác là nụ cười của cậu không có vẻ gượng ép. Rồi nói:
– Tôi biết chứ.
Và đó chính là điểm đặc biệt về những người nghĩ gì nói nấy. Họ nghĩ mọi người khác cũng như họ.
– Đây nó đến rồi – Hassan nói, tay chỉ lên trời. Cậu kiễng chân lên, đi mấy bước về bên trái. Tôi nhìn lên, thấy chiếc diều đang rơi thẳng về phía chúng tôi. Tôi nghe thấy tiếng bước chân, tiếng la hét, một đám hỗn loạn trẻ đua diều đang tới gần. Nhưng chúng chỉ phí thời gian. Bởi vì Hassan đã đứng đó, hai cánh tay dang rộng, mỉm cười, đang đợi chiếc diều. Và mong Thượng đế – là nếu Ngài có tồn tại – hãy chọc mù mắt tôi đi, nếu chiếc diều không rơi đúng vào hai cánh tay dang thẳng ra của cậu ấy.
Vào mùa đông năm 1975, tôi thấy Hassan săn đuổi một chiếc diều lần cuối cùng.
Thường thường, mỗi vùng tổ chức một cuộc đua diều riêng. Nhưng năm đó, một cuộc thi đấu lớn sẽ được tổ chức ở quận tôi. Wazir Akbar Khan, và mấy quận khác – Karteh-Char, Karteh-Parwan, Mekro-Rayan và Koteh-Sangi – đã được mời. Bạn khó có thể đi bất cứ đâu mà không nghe thấy nói về cuộc tỉ thí đang sắp đến. Đồn rằng, đó sẽ là cuộc thi đấu lớn nhất trong hai mươi nhăm năm qua.
Một tối mùa đông đó, cuộc thi lớn chỉ còn cách có bốn ngày, Baba và tôi ngồi ở phòng đọc của ông, trong những ghế tựa đệm da căng phồng bên hơi ấm của lò sưởi. Chúng tôi đang vừa nhấp trà vừa trò chuyện. Ông Ali đã dọn bữa tối sớm hơn, khoai tây và súp lơ nấu cary ăn với cơm, và đã rút lui về ngủ với Hassan. Baba đang vỗ béo tẩu thuốc và tôi đang đòi ông kể cho tôi nghe câu chuyện về mùa đông, có một đàn chó sói từ như dãy núi ở Herat xuống và buộc ai nấy phải ở lì trong nhà cả một tuần lễ, thì ông quẹt một que diêm, rồi bất chợt bảo:
– Bố nghĩ có thể con sẽ thắng cuộc đấu năm nay. Con nghĩ thế nào?
Tôi không biết phải nghĩ gì. Hoặc nói gì. Có phải đó là những gì sẽ xảy ra không? Hay ông vừa giúi cho tôi một chiếc chìa khoá? Tôi là một chiến binh đấu diều giỏi. Thực tế, một chiến binh rất giỏi nữa. Một vài lần, tôi thậm chí đã đến sát việc thắng giải cuộc thi đấu mùa đông. Một lần tôi đã từng lọt vào trong số ba người cuối cùng. Nhưng đến sát không đồng nghĩa thắng cuộc, chẳng phải thế sao? Baba đã không đến sát. Ông thắng, bởi vì những người vượt trội chiến thắng và mọi người khác chịu bỏ về nhà. Baba quen với thắng cuộc, thắng trong mọi chuyện ông có ý định thắng. Chẳng phải ông có quyền mong đợi điều tương tự ở con trai ông ư? Và cứ thử tưởng tượng xem. Nếu tôi thắng…
Baba hút tẩu thuốc và trò chuyện. Tôi giả vờ lắng nghe. Nhưng tôi không thể lắng nghe, không thật sự, bởi lời bình nhỏ của Baba đã gieo vào đầu tôi một hạt giống: nhất quyết tôi sẽ thắng trong cuộc thi đấu mùa đông này. Tôi sẽ thắng, không còn chọn lựa nào khác. Tôi sẽ thắng và tôi sẽ đuổi bắt chiếc diều cuối cùng. Rồi tôi sẽ đem nó về nhà và phô nó với Baba. Cho ông xem một lần và về tất cả những gì con trai ông xứng đáng. Rồi có thể cuộc đời vật vờ như một bóng ma của tôi trong ngôi nhà này cuối cùng sẽ qua đi. Tôi mặc sức mơ mộng: Tôi tưởng tượng những cuộc chuyện trò và tiếng cười suốt bữa tối, thay vì sự im lìm chỉ bị phá vỡ bởi tiếng lanh canh của dao dĩa bằng bạc và tiếng càu nhàu thỉnh thoảng buông ra. Tôi mường tượng, chúng tôi dùng ngày thứ Sáu để lái chiếc xe hơi của Baba đến Paghman, giữa đường dừng lại ở hồ Ghargha ăn món cá hồi chiên và khoai tây. Chúng tôi sẽ đến vườn thú xem con sư tử Marjan, và có thể Baba sẽ không ngáp và lén nhìn đồng hồ tay. Có thể, Baba sẽ đọc một trong những truyện ngắn của tôi. Tôi sẽ viết cho ông một trăm truyện, nếu tôi nghĩ rằng ông sẽ đọc một thôi. Có thể ông sẽ gọi tôi là Amir jan, như chú Rahim Khan gọi. Và có thể, chỉ có thể thôi, cuối cùng tôi sẽ được tha thứ vì đã giết chết mẹ tôi.
Baba vẫn đang kể cho tôi nghe cái lần ông đã hạ mười bốn chiếc diều trong cùng một ngày. Tôi mỉm cười, gật đầu, cười đúng chỗ, nhưng tôi hầu như chẳng nghe thấy một từ nào ông nói. Bây giờ tôi đã có một sứ mệnh. Và tôi không định làm thất vọng Baba. Không phải lần này.
Tuyết rơi nặng đêm trước hôm tôi đấu. Hassan và thi ngồi bên dưới cái bàn sưởi kursi và chơi bài panjpar, trong khi những cành cây bị gió thổi soàn soạt vỗ vào cửa sổ. Trước hôm đó, đã bảo ông Ali trang bị một cái kursi cho chúng tôi, về cơ bản nó là một lò sưởi điện dưới một cái bàn thấp trùm một chiếc chăn dày. Xung quanh bàn, ông xếp những tấm đệm và gối nệm, để chừng hai mươi người có thể ngồi và luồn chân vào dưới bàn. Hassan và tôi thường trải qua tất cả những ngày tuyết rơi, rúc vào nhau bên dưới cái bàn sưởi kursi, chơi cờ, bài, phần nhiều là chơi bài panjpar.
Tôi diệt con mười rô của Hassan và đánh ra hai con Ji với một con sáu. Liền cửa bên, trong phòng đọc của Baba, Baba và chú Rahim Khan đang tranh luận với hai người đàn ông khác – một trong hai người tôi nhận ra là bố của Assef. Qua tường ngăn, tôi có thể nghe thấy tiếng sột soạt của Đài Phát thanh Kabul.
Hassan diệt con sáu và ôm hai con Ji. Trên radio, Daoud Khan đang thông báo gì đó về đầu tư nước ngoài.
Tôi nói:
– Ông ta bảo một ngày nào đó, chúng ta sẽ có vô tuyến truyền hình ở Kabul.- Ai nói?- Daoud Khan, ông tổng thống ấy, ngu thế.
Hassan cười khúc khích.
– Tôi được nghe nói, ở Iran đã có.
Tôi thở dài:
– Bọn người Iran ấy…
Đối với số đông người Hazara, Iran đại diện cho một thánh đường giả hiệu. – Tôi đoán như thế, bởi vì giống như người Hazara, hầu hết người Iran đều là tín đồ Hồi giáo Shi’a. Nhưng tôi nhớ ra một điều gì đó thầy giáo từng nói hồi mùa hè năm ấy về người Iran, họ là những kẻ ăn nói ngọt xớt, nhăn nhở cười, một tay vỗ vào lưng bạn, còn tay kia móc túi bạn. Tôi kể lại cho Baba chuyện đó, và ông bảo thầy giáo tôi là một trong những kẻ Afghan ghen ghét, ghen ghét vì Iran là một cường quốc đang nổi lên ở châu Á, còn phần lớn dân các nước thậm chí không tìm nổi Afghanistan trên bản đồ thế giới. Ông nhún vai bảo: “Nói thế cũng đau đấy. Nhưng thà bị đau bởi sự thật còn hơn được vỗ về bằng sự dối trá.”
– Rồi tôi sẽ mua một chiếc cho cậu, – tôi bảo.
Mặt Hassan rạng rỡ lên:
– Một máy thu hình ư? Thật không?
– Nhất định thế. Và cũng không phải loại đen trắng đâu. Có thể lúc đó chúng ta đã là những người trưởng thành rồi, nhưng tôi sẽ mua cho chúng ta hai chiếc. Một cho cậu và một cho tôi.
– Tôi sẽ đặt nó trên chiếc bàn tôi vẫn thường vẽ, – Hassan nói.
Câu nói của cậu làm tôi thấy buồn buồn. Buồn vì nỗi Hassan là ai, sống ở đâu. Buồn vì làm sao cậu ấy lại chấp nhận sự thể sẽ sống đến già trong túp lều tranh vách đất như bố cậu đã sống.
Tôi rút con bài cuối cùng và chơi cậu một đôi Q với một con mười. Hassan nhấc những con Q lên:
– Cậu biết không, cậu sẽ làm cho Agha sahib ngày mai rất tự hào.
– Cậu nghĩ thế ư?
– Inshallah, – Hassan nói. – Cầu trời phù hộ.
– Inshallah! Tôi hô theo, dẫu câu “Trời phù hộ” từ miệng tôi thốt ra có vẻ không thành thực. Đó là chuyện với Hassan. Cậu ấy quá trong sáng, khiến tôi cảm thấy như mình là kẻ giả dối đâu đó quanh cậu.
Tôi diệt con K của cậu và chơi con bài cuối cùng, con đầm píc. Cậu phải nhặt lên. Tôi đã thắng, nhưng lúc xáo ván bài mới, tôi có linh cảm là rõ ràng Hassan đã để cho tôi thắng.
– Amir agha này.
– Cái gì?
– Cậu biết không… Tôi thích nơi tôi sống. – Cậu luôn như thế, luôn đọc được trong đầu tôi như thế. – Đây là nhà tôi.
– Dù thế nào, – tôi nói, – cũng phải chuẩn bị thua lần nữa đi thôi.
——————————–
1 Qurma: Món súp rau hầm truyền thống của Afghanistan.