Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương III

Tác giả: Khaled Hosseini

Tương truyền cha tôi, một bận, bằng hai tay không đã vật nhau với một con gấu đen ở Baluchistan. Nếu chuyện kể về một ai khác, hẳn nó sẽ bị gạt bỏ coi như chuyện Laaf 1, rằng người Afghan có khuynh hướng thổi phồng mọi chuyện – buồn thay, hầu như đó lại là nỗi đau của đất nước. Nếu ai đó khoe khoang con mình là bác sĩ, may ra đứa trẻ từng có lần vượt qua một cuộc trắc khảo sinh học ở trường trung học. Nhưng lại chẳng một ai mảy may nghi ngờ tính chính xác của bất kỳ chuyện nào về Baba. Va nếu họ nghi ngờ, được thôi, Baba đã có ba vết sẹo sóng hàng xuống thành một đường xù xì ở lưng ông. Tôi đã bao lần tưởng tượng ra những cuộc đấu vật của Baba, cả mơ thấy nữa. Và trong những giấc mơ ấy, tôi chẳng bao giờ phân biệt rõ Baba và con gấu.

Chính chú Rahim Khan là người đầu tiên gọi Baba bằng cái tên sau này trở thành biệt danh nổi tiếng của ông, Toophan agha, hoặc “Ngài Bão tố”. Đó là cái biệt danh khá thích hợp. Cha tôi là một sức mạnh từ trong bản chất, một mẫu người Pashtun cao to sừng sững với bộ râu rậm, mớ tóc quăn màu nâu cắt ngắn phóng túng không theo trật tự nào, như chính bản thân ông, đôi bàn tay tưởng có thể nhổ bật rễ cả một cây liễu, và cái nhìn trừng trừng giận dữ như muốn “bắt con quỷ quỳ xuống xin tha tội,” như chú Rahim vẫn thường nói. Tại những bữa tiệc, khi cái thân hình một mét tám mươi lăm của ông thình thịch bước vào phòng ăn, mọi con mắt dõi theo ông như hoa hướng dương hướng về mặt trời.

Không thể nào mà lờ ông đi được, kể cả khi ông ngủ. Tôi thường phải nút đầy bông vào hai tai, kéo chăn trùm kín đầu mà vẫn nghe thấy tiếng Baba ngáy – to đến nỗi giống như tiếng gầm của động cơ xe tải – xuyên cả qua tường. Từ phòng ngủ của tôi phải qua đại sảnh mới đến phòng ngủ của cha tôi. Mẹ tôi làm thế nào để ngủ được cùng phòng với ông quả là một điều bí ẩn đối với tôi. Có cả một danh sách những chuyện tôi muốn hỏi mẹ, nếu lúc nào đó tôi gặp được mẹ.

Vào khoảng mấy năm cuối của thập kỷ sáu mươi, lúc tôi chừng năm sáu tuổi, Baba quyết định xây một trại mồ côi. Tôi được nghe chuyện qua chú Rahim Khan. Chú kể cho tôi, Baba đã tự mình vẽ những bản thiết kế, mặc dù thật ra ông chẳng có một chút kinh nghiệm nào về kiến trúc cả. Những người hoài nghi giục ông ngừng ngay trò điên rồ và phải thuê một kiến trúc sư. Tất nhiên Baba không chịu, ai nấy đều lắc đầu phát ngán về những cung cách ương bướng của ông. Thế rồi Baba thành công và mọi người lại lắc đầu choáng váng trước những kiểu cách chiến thắng của ông. Baba trả tiền túi của mình cho việc xây dựng trại mồ côi hai tầng này, ngay ngoài dải đất hẹp của Fadeh Maywand ở phía Nam sông Kabul. Chú Rahim bảo tôi riêng Baba tài trợ hoàn toàn cho dự án, trả công cho các kỹ sư, thợ điện, thợ nước và tất cả nhân công, không đếm xỉa đến đám giới chức ở thành phố, loại “ria mép cần phải bôi dầu.”

Phải mất ba năm để xây trại mồ côi. Đến lúc đó tôi đã tám tuổi. Tôi nhớ hôm trước ngày khánh thành trại mồ côi, Baba mang tôi đến hồ Ghargha, cách Kabul vài dặm về phía Bắc. Ông bảo tôi tìm Hassan nữa để cùng đi, nhưng tôi nói dối ông rằng Hassan bị tiêu chảy. Tôi muốn Baba hoàn toàn là của mình. Thêm nữa, một bận tại hồ Ghargha, Hassan và tôi ném thia lia đá, Hassan lia đá nảy được tám lần. Tôi nhiều nhất chỉ được năm. Baba ở đó theo dõi, và ông vỗ nhẹ vào lưng Hassan. Rồi còn đưa cánh tay quàng vai cậu ấy nữa.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn picnic bên hồ, chỉ có mỗi Baba và tôi ăn trứng luộc với bánh nhân thịt Kofia – một loại bánh naan cuốn thịt viên và dưa góp. Nước hồ xanh biếc và ánh nắng lấp lánh trên mặt nước sáng như gương. Vào những ngày thứ Sáu bờ hồ nhộn nhịp các gia đình đang mong có một ngày phơi nắng. Nhưng hôm ấy là giữa tuần, chỉ có mỗi Baba và tôi, chúng tôi và hai người khách du lịch tóc dài, râu rậm – “kiểu hippy”, tôi nghe thấy họ được gọi thế. Họ ngồi trên bến, chân khuấy nước, cần câu trong tay. Tôi hỏi Baba, tại sao họ lại để tóc dài, nhưng Baba chỉ càu nhàu không trả lời. Ông đang chuẩn bị bài diễn văn cho ngày hôm sau, đang lật mở một mớ rối tung những trang viết tay, lấy bút chì ghi chú chỗ này chỗ khác. Tôi cắn quả trứng và hỏi Baba có đúng như một đứa bạn cùng trường bảo tôi, rằng nếu ăn phải một miếng vỏ trứng thì thế nào cũng đái ra nó. Baba lại càu nhàu.

Tôi lại cắn một miếng bánh cuộn. Một trong hai người khách du lịch tóc vàng cười và phát vào lưng người kia. Xa xa bên kia hồ, một chiếc xe tải ì ạch chạy quanh góc lượn của đồi. Ánh nắng nhấp nháy trong chiếc gương bên cửa xe.

– Con nghĩ con bị Saratan 2, – tôi nói. Đầy bụng. Baba ngẩng đầu lên khỏi nhưng trang giấy đang sột soạt trong gió nhẹ. Bảo tôi có thể tự mình lấy soda uống. Tất cả những gì tôi phải làm là tìm trong thùng xe.

Hôm sau, bên ngoài trại mồ côi, hết cả ghế ngồi cho mọi người. Số đông phải đứng để xem lễ khai trương. Đó là một ngày giông gió, và tôi ngồi phía sau Baba, trên một diễn đài nhỏ ngay phía ngoài cửa chính của công trình mới. Baba mặc một bộ lễ phục màu xanh chai và đội mũ lông cừu. Giữa chừng bài diễn văn, gió thổi lật mũ của ông và mọi người cười rộ. Ông ra hiệu cho tôi cầm mũ cho ông, tôi lấy thế làm sung sướng bởi vì như vậy mọi người sẽ biết ông là cha tôi, Baba của tôi. Ông quay lại micrô và nói, ông mong toà nhà sẽ vững chắc hơn chiếc mũ của ông, và tất cả lại cười. Khi Baba kết thúc bài diễn văn, mọi người đứng cả lên hoan hô. Họ vỗ tay một hồi lâu. Sau đó mọi người bắt tay ông, vài người trong bọn họ xoa đầu tôi và cũng bắt tay tôi nữa. Tôi tự hào về Baba, về chúng tôi.

Nhưng bất kể những thành tựu của Baba, người ta vẫn luôn nghi ngờ ông. Họ bảo việc ông theo đuổi kinh doanh là không thích hợp với dòng máu của mình. Và ông nên nghiên cứu luật như cha của ông. Vì thế Baba đã chứng tỏ cho họ biết tất cả đều sai lầm bằng việc không chỉ theo đuổi chuyện kinh doanh của riêng ông mà còn trở thành một trong những thương nhân giàu có nhất ở Kabul. Baba và chú Rahim Khan gây dựng một hãng kinh doanh thảm xuất khẩu thành công mỹ mãn, hai hiệu tân dược, và một nhà hàng ăn.

Khi mọi người nói kháy Baba sẽ không lấy được vợ ra hồn – vì rốt cuộc ông không thuộc dòng máu hoàng tộc – ông lại cưới mẹ tôi, Sofia Akrami, một phụ nữ học vấn cao được mọi người coi như một trong nhưng phu nhân tôn kính nhất, đẹp nhất và đức hạnh nhất. Và không chỉ dạy văn học cổ điển Karsi tại trường đại học, bà còn là hậu duệ của một gia đình hoàng tộc, sự kiện mà cha tôi thường bỡn cợt ném trả vào những bộ mặt hoài nghi bằng cách gọi “nữ quận chúa của tôi”.

Cùng với tôi, hiển nhiên là một ngoại lệ, cha tôi xây đắp thế giới quanh ông theo sở thích của ông. Cố nhiên, Baba nhìn thế giới chỉ có trắng và đen. Ông lại phải tự mình định đoạt cái gì trắng cái gì đen. Bạn không thể yêu một con người sống theo lối đó mà không cảm thấy sợ hãi. Có thể còn hơi ghét nữa.

Khi tôi học lớp năm, có một giáo sư dạy chúng tôi về đạo Hồi. Tên ông là Fatiullah Khan, một người thấp béo có bộ mặt đầy sẹo trứng cá, giọng khàn khàn. Ông giảng cho chúng tôi những lợi ích của thuế cứu tế và bổn phận hành hương đến thánh địa Mecca. Ông dạy chúng tôi những sự vô cùng phức tạp của năm bổn kinh cầu nguyện Namaz 3, và bắt chúng tôi phải thuộc lòng những vần thơ của kinh Koran – dẫu ông không bao giờ dịch những từ ra cho chúng tôi, ông vẫn nhấn mạnh, đôi khi với sự trợ giúp của một cành liễu đã bóc vỏ, rằng phải phát âm được tiếng Ẳ rập cho thật đúng thì Thượng đế mới nghe rõ được chúng tôi. Một hôm ông bảo chúng tôi rằng đạo Hồi coi uống rượu là một tội ghê gớm. Những kẻ nào uống rượu sẽ phải trả lời về tội của họ vào ngày Qiyamat, Ngày Phán xử. Thời đó, uống rượu hết sức phổ biến ở Kabul. Chẳng một ai công khai chỉ trích anh về điều đó, nhưng những người Afghan phải uống thì cứ uống lén uống lút, chẳng nể nang gì cả. Mọi người mua rượu Scotch như mua “thuốc chữa bệnh” trong túi giấy nâu từ những “cửa hàng thuốc” đặc biệt. Họ thường ra về với chiếc túi giấu cho thật kín, đôi khi thu hút những cái nhìn vừa lén lút vừa không bằng lòng của những người đã biết tai tiếng của cửa hàng về chuyện làm ăn như thế.

Chúng tôi đang ở trên gác, trong phòng đọc của Baba, cũng là phòng hút thuốc, khi tôi kể cho ông những gì giáo sĩ Fatiullah Khan đã dạy chúng tôi ở lớp. Baba tự rót cho mình một ly whisky từ quầy rượu xây ở góc phòng. Ông nghe, gật đầu, nhấp một nhắp rượu. Rồi ông ngồi vào chiếc ghế sofa đệm da, đặt ly rượu xuống, bế tôi lên đùi ông. Tôi cảm thấy như đang ngồi trên hai thân cây. Ông hít một hơi dài và thở ra đằng mũi, không khí rít lên qua ria mép ông tựa như không dứt. Trong nỗi sợ điếng người, tôi phân vân không biết có muốn ôm ghì lấy ông hay tụt ngay ra khỏi đùi ông.

– Bố thấy con bị hoang mang về những gì con đang học ở trường, theo lối giáo dục hiện thời, – ông nói bằng một giọng nặng trịch.

– Nhưng nếu những gì ông ta nói đều đúng, hoá ra Baba là kẻ mắc tội?

– Hừm! – Baba nghiến một miếng nước đá giữa hai hàm răng. – Con có biết bố con nghĩ thế nào về tội lỗi không?

– Có ạ.

– Vậy bố nói cho con nghe, – Baba tiếp – nhưng trước hết phải hiểu điều này, và hiện ngay bây giờ, Amir ạ. Con sẽ chẳng học được điều gì ra hồn từ những lão râu dài ngu xuẩn ấy.

– Ý bố nói giáo sĩ Fatiullah Khan?

Baba ra hiệu bằng ly rượu. Nước đá kêu lanh canh.

– Bố muốn nói tất cả bọn họ. Đái vào râu tất cả cái lũ khỉ lên mặt đạo đức ấy.

Tôi bật cười khúc khích. Hình ảnh Baba đái lên râu của bất kỳ con khỉ nào, lên mặt đạo đức hoặc không phải thế, thật quá đã.

– Họ chẳng làm được trò gì ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết theo một lối mà chính họ cũng không hiểu, – ông nhấp một nhắp nữa. – Cầu Thượng đế phù hộ cho chúng ta để đừng bao giờ Afghanistan rơi vào tay họ.

– Nhưng giáo sĩ Fatiullah Khan có vẻ tốt mà, – tôi cố nói xen vào giữa lúc đang bật lên cười rúc rích.

– Thành Cát Tư Hãn cũng có vẻ như vậy, – Baba nói. – Nhưng thôi xếp lại chuyện ấy. Con hỏi bố về tội lỗi và bố muốn nói cho con nghe. Con đang nghe đấy chứ?

– Vâng ạ, – tôi nói, mím môi lại. Nhưng một tiếng khụt khịt vẫn cứ bật ra khỏi mũi tôi khiến tôi lại khúc khích cười.

– Bố muốn nói với con như một người đàn ông nói với một người đàn ông. Con có thể xử sự như thế được một lần không?

– Vâng, thưa Baba jan 4, – tôi ấp úng ngạc nhiên, không phải lần đầu chỉ bằng mấy lời mà Baba lại có thể khiến tôi thấy nhói lên trong lòng. Chúng tôi đã có được những phút giây tốt đẹp ngắn ngủi – chẳng mấy khi Baba nói với tôi mà chỉ có mỗi mình tôi ngồi trên đùi ông như thế – và tôi đúng là một thằng ngốc mới để phí hoài điều đó.

– Tốt lắm, – Baba nói nhưng mắt ông lạ lùng. – Bây giờ, không cần biết ông thầy giáo sĩ ấy dạy gì, chỉ biết có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp. Con có hiểu không?

– Không, thưa Baba jan, – Tôi nói, trong lòng thất vọng những mong mình hiểu. Tôi đâu muốn làm ông thất vọng.

Baba thốt ra một tiếng thở dài sốt ruột. Như thế cũng làm tôi day dứt, bởi ông không phải con người nóng nảy. Tôi vẫn nhớ tất cả những lần tối rồi mà ông vẫn chưa về nhà, tất cả những lần tôi ăn tối một mình. Tôi thường hỏi ông Ali rằng Baba đâu, khi nào thì cha tôi trở về nhà, mặc dầu tôi thừa biết ông ở công trường xây dựng để trông nom chỗ này, giám sát chỗ kia. Như thế không cần kiên nhẫn sao? Tôi đâm ra căm ghét tất cả những đứa trẻ mà ông đang xây trại mồ côi cho. Đôi khi tôi mong chúng chết đi theo cha mẹ chúng.

– Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, – Baba nói. – Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?

Tôi hiểu. Khi Baba sáu tuổi, giữa đêm khuya một tên trộm đột nhập vào nhà ông tôi. Ông tôi, vị thẩm phán đáng kính, đương đầu với hắn, nhưng tên trộm đâm ông tôi vào họng giết ông chết ngay, cướp mất cha của Baba. Dân thị xã bắt được tên sát nhân ngay trước buổi trưa hôm sau. Hoá ra là mộ lên du thủ du thực từ vùng Kunduz. Người ta treo cổ hắn lên cành một cây sồi, trước lễ cầu nguyện ban chiều hai tiếng. Chính chú Rahim Khan chứ không phải Baba kể cho tôi chuyện đó. Tôi luôn được biết mọi điều về Baba từ những người khác.

– Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ, – Baba nói. – Một người chiếm đoạt những gì không phải của mình, dù đó là một cuộc đời hay một ổ bánh naan… Ta nhổ vào loại người ấy. Và Thượng đế phù hộ cho hắn để đừng bao giờ hắn gặp phải ta. Con có hiểu không?

Tôi thấy cái ý của Baba chỉ trích kịch liệt tên trộm cắp vừa hay ho vừa làm tôi sợ phát khiếp:

– Vâng, thưa Baba.

– Nếu như có một vị Thượng đế ở đâu đó, thì ta chỉ mong ông ấy có nhiều việc quan trọng hơn là để ý đến ta uống rượu Scotch và ăn thịt lợn. Nào, bây giờ tụt xuống. Nói chuyện mãi về tội lỗi làm ta lại khát rồi.

Tôi nhìn ông rót đầy ly rượu và ngạc nhiên, không hiểu còn lâu lắm không, cho tới khi chúng tôi lại chuyện trò như vừa rồi. Bởi vì sự thật là, tôi luôn cảm thấy như Baba hơi ghét tôi. Và tại sao lại không nhỉ? Rốt cuộc, chẳng phải tôi đã giết chết người vợ yêu dấu của ông, bà quận chúa xinh đẹp của ông hay sao? Điều tối thiểu mà tôi có thể làm, là phải cư xử sao cho đúng phép để trở nên giống ông hơn một chút. Nhưng tôi đã không trở thành giống ông. Không chút nào.

° ° °

Ở trường, chúng tôi thường chơi trò chơi Sherjangi, hay “Đấu thơ”. Thầy giáo dạy môn văn học Farsi điều khiển cuộc chơi khái như sau: Anh đọc lên một câu từ một bài thơ và đối thủ của anh có sáu mươi giây để đáp lại bằng một câu thơ khác khởi đầu bằng chữ cuối của câu kia. Mọi người ở lớp đều muốn tôi trong đội chơi của họ, bởi vì vào lúc mười một tuổi, tôi đã có thể đọc hàng tá các câu thơ từ Khayyám, Hãfez hoặc Masnawi nổi tiếng của Rumi 5. Một bận, tôi chấp cả lớp và tôi thắng. Rất khuya đêm đó, tôi kể lại chuyện ấy với Baba, nhưng ông chỉ gật đầu lẩm bẩm “Tốt”.

Vì thế mà tôi thường tìm cách thoát khỏi sự xa cách của cha, nhờ vào đống sách của người mẹ đã khuất của tôi. Tất nhiên, cả Hassan nữa. Tôi đọc mọi thứ của Rumi, Hãfez, Saadi, Victor Hugo, Jules Verne, Mark Twain, Ian Fleming. Khi đọc hết đống sách của mẹ – không kể những cuốn sách lịch sử buồn chán, tôi chẳng bao giờ để ý tới loại ấy, chỉ đọc những tiểu thuyết, những sử thi, – tôi bắt đầu tiêu tiền bố cho vào việc mua sách. Mỗi tuần tôi mua một cuốn ở hiệu sách gần Công viên Điện ảnh, và cất giữ trong một thùng các tông, khi đã hết chỗ để trên kệ.

Đương nhiên, cưới một nhà thơ là một chuyện, làm cha một đứa con trai thích vùi đầu vào sách thơ hơn đi săn… ồ, đó lại là điều mà Baba không nhắm tới, tôi cho là như vậy. Đàn ông đích thực không đọc thơ – và Thượng đế cấm họ không bao giờ được làm thơ! Những người đàn ông đích thực – những chàng trai đích thực nữa – chơi bóng đá như Baba đã từng chơi hồi còn trẻ. Giờ đây, bóng đá vẫn là điều gì đó khiến ông say mê. Năm 1970, Baba cho ngừng việc xây dựng trại mồ côi, và bay đến Tehran một tháng để xem bóng đá thế giới trên vô tuyến truyền hình, vì thời đó Afghanistan chưa có truyền hình. Ông ghi tên tôi vào những đội bóng đá để khuấy lên cùng sự đam mê trong tôi. Nhưng tôi là một gánh nặng sai lầm tệ hại khổ sở cho đội bóng của tôi, luôn làm vướng chân một đường chuyền thích hợp hoặc vô tình đứng chặn một đường bóng thoáng. Tôi lê đôi chân khẳng khiu về phía sân đối phương, hét lên gọi những đường bóng chẳng bao giờ đến được với mình. Và tôi càng cố, hai tay giơ trên đầu vẫy vẫy, cuồng nhiệt hét to “Tôi đón đây! Tôi đón đây!” thì lại càng bị phớt lờ. Nhưng Baba nào có chịu buông tha. Khi sự thể đã trở nên quá rõ ràng, tôi không kế thừa được những tài năng lực sĩ của ông, ông lại tìm cách biến tôi thành một khán giả say mê bóng đá. Chắc chắn tôi có thể xoay xở ư? Tôi vờ vịt quan tâm đến chuyện đó càng lâu càng tốt. Tôi reo lên cùng ông khi đội Kabul ghi bàn vào đội Kandahar và hét lên lăng mạ trọng tài thổi phạt đền đội bóng của chúng tôi. Nhưng Baba đoán được tôi thiếu niềm say mê thực sự và ông đành đầu hàng trước sự thể hiển nhiên là con trai ông chẳng bao giờ trở thành cầu thủ cũng như một fan bóng đá.

Tôi còn nhớ một lần Baba mang tôi tới xem cuộc tỉ thí Buzkashi hàng năm tổ chức vào đầu xuân, ngày Tết năm mới.

Buzkashi là, và mãi là, niềm đam mê của cả nước Afghanistan. Một Chapandaz, kỵ mã cực kỳ điệu nghệ, thường được những người hâm mộ giàu có bảo trợ, phải chộp được xác con dê hoặc con thú đã chết từ giữa một đám hỗn loạn, phi hết nước đại mang theo con mồi chạy quanh đấu trường, rồi ném nó vào đường tròn thắng điểm, trong khi ấy đội của Chapandaz khác săn đuổi, và làm đủ mọi điều tuỳ sức của họ – đá, túm, vụt, thụi để chộp lại con mồi từ anh ta. Hôm đó, người xem gào lên phấn khích khi người kỵ sĩ trên đấu trường gầm nhưng tiếng thét chiến trận, chen đẩy để cướp con mồi trong đám bụi mù mịt. Mặt đất rung lên tiếng vó ngựa rầm rập. Tôi và cha tôi ngồi xem ở phía khán đài trên khi các kỵ sĩ phi hết nước đại rầm rập chạy qua, vừa reo vừa gào thét, ngựa sùi bọt mép. Bỗng Baba chỉ về phía ai đó.

– Amir này, con có trông thấy người ngồi trên đó cùng với những người khác vây quanh ông ta không?Tôi có thấy.

– Đó là ông Henry Kissinger 6 đấy.

– Ồ! – Tôi nói. Tôi đâu có biết ông Kissinger là ai, và đã định hỏi cha. Nhưng ngay lúc ấy, tôi khiếp hãi chứng kiến một trong những Chapandaz ngã khỏi yên và bị giày xéo dưới nhiều móng ngựa. Thân thể người ấy bị ném tung lên, và quăng vào đám đông hỗn loạn như một con búp bê nhồi vải vụn, cuối cùng lăn lông lốc rồi dừng lại, khi đám hỗn loạn đã rời đi. Anh ta giật lên một cái rồi nằm bất động, đôi chân còng lại thành những góc bất bình thường, một vũng máu ướt đẫm trên cát.

Tôi bắt đầu khóc.

Tôi khóc suốt trên đường về nhà. Tôi còn nhớ hai tay Baba siết chặt vô lăng như thế nào. Siết chặt và nới lỏng. Cái chính là, tôi không bao giờ quên những cố gắng phi thường của Baba hòng che giấu cái nhìn kinh tởm trên khuôn mặt ông khi ông im lìm lái xe.

Khuya đêm đó, tôi đang đi ngang qua phòng đọc của cha tôi thì thoáng nghe thấy ông đang nói chuyện với chú Rahim Khan. Tôi áp tai vào cửa đóng kín.

-…may là nó khoẻ mạnh, – chú Rahim Khan đang nói.

– Tôi biết, tôi biết. Nhưng nó cứ luôn vùi đầu vào mấy cuốn sách đó hoặc lang thang quanh nhà như lạc trong mộng mị.

– Thì sao?

– Tôi không thích thế, – Baba nói oang oang, chán nản, gần như tức giận.

Chú Rahim Khan cười.

– Trẻ con đâu phải những quyền sách tập tô màu. Anh không phải bôi đầy chúng bằng những màu anh ưa thích.

– Tôi nói để ông biết, – Baba nói. – Tôi không thích như thế chút nào cả, mà có phải tôi sống với đứa trẻ bất kỳ nào đó đâu cơ chứ.

– Anh biết không, đôi khi anh là một người tự coi mình là trung tâm bậc nhất đấy. – Chú Rahim Khan nói. Chú là người duy nhất mà tôi biết có thể phân đôi bằng việc nói những điều như thế với Baba.

– Thế thì chẳng còn điều gì phải bàn cả.

– Không ư?

– Không.

– Rồi sao?

Tôi nghe thấy tiếng da đệm ghế Baba kin kít, như thể ông đang xê dịch trên đó. Tôi nhắm mắt lại, ép tai chặt hơn nữa vào cánh cửa, nửa muốn nghe, nửa không muốn. – “Đôi khi từ cửa số này tôi nhìn ra ngoài và thấy nó đang chơi trên đường phố cùng lũ con trai hàng xóm. Tôi thấy chúng trêu chọc nó, cướp đồ chơi của nó, ẩy vào chỗ này, đánh vào chỗ kia. Mà, ông biết không, nó không bao giờ đánh trả. Không bao giờ. Nó chỉ… cúi đầu và…

– Vậy nó không ưa bạo lực, – chú Rahim nói.

– Ý tôi không phải như thế, Rahim, ông biết mà, – Baba phản bác. – Có một cái gì đó thiếu hụt trong thằng bé này.

– Phải, một tính cách tiểu nhân.

– Tự vệ không có gì giống với tiểu nhân. Ông có biết điều gì luôn xảy ra khi những đứa trẻ hàng xóm trêu chọc nó không? Hassan giúp sức và cản chúng lại. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh đó. Rồi khi hai đứa về nhà, tôi nói với nó: “Làm thế nào mà Hassan lại có vết xước trên mặt thế kia?” Nó nói: “Cậu ấy ngã”. Tôi bảo cho ông hay, Rahim ạ, có một cái gì đó thiếu hụt ở thằng bé đó.

– Anh chỉ cần để nó tự tìm con đường của mình, – chú Rahim Khan nói.

– Và rồi nó sẽ đi tới đâu, – Baba nói. – Một thằng con trai không tự bảo vệ mình sẽ trở thành một người đàn ông không thể bảo vệ bất cứ điều gì.

– Anh vẫn cứ hay quá đơn giản hoá mọi điều.

– Tôi không nghĩ thế.

– Anh tức giận bởi vì anh sợ nó sẽ không bao giờ quản lý được công việc kinh doanh cho anh.

– Nào, xem bây giờ ai đang quá đơn giản hoá mọi chuyện đây, – Baba nói. – Xem nào, tôi biết có một sự quyến luyến giữa anh và nó. Tôi sung sướng về điều đó. Ghen tị nhưng sung sướng. Tôi muốn nói thế. Nó cần một ai đó… hiểu nó, bởi vì Thượng đế biết, tôi không hiểu nổi nó. Nhưng có điều gì đó Amir làm tôi bứt rứt, bứt rứt như thế nào tôi không diễn tả được. Nó giống như… – Tôi có thể hình dung ra ông loay hoay tìm một từ thật đúng. Ông hạ giọng xuống, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn nghe thấy. – Nếu như tôi không tận mắt trông thấy bác sĩ lôi nó ra từ trong bụng vợ tôi, tôi chẳng giờ tin nó là con trai tôi.

Sáng hôm sau, lúc chuẩn bị bữa sáng cho tôi Hassan hỏi có điều gì làm tôi khó chịu vậy. Tôi nổi cáu với cậu ấy, bảo hãy nghĩ đến công việc của mình.

Chú Rahim đã nhầm về chuyện tính cách tiểu nhân.

——————————–

1 Laaf: trong nguyên bản, tạm dịch chuyện tếu.

2 Saratan: tiếng Afghan có nghĩa là khối u, tạm dịch là đầy bụng.

3 Kinh cầu nguyện buổi chiều tối.

4 Jan: tiếng đệm khi xưng hô tỏ ý yêu quý.

5 Tên những tập thơ và tác giả quen thuộc của Afghanistan.

6 Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó.

Bình luận