Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương IX

Tác giả: Khaled Hosseini

Sáng hôm sau, ngồi ở giữa phòng, tôi xé mở hết hộp quà này đến hộp quà khác. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi chỉ thấy buồn bực, tôi chỉ chán ngán liếc nhìn chúng và quăng chúng vào góc phòng. Cả đống ùn lên ở đó, có cả chiếc máy ảnh Polaroid, một máy thu thanh bán dẫn, một đoàn tàu chạy điện phức tạp và nhiều phong bì dán kín đựng tiền. Tôi biết, tôi sẽ chẳng bao giờ tiêu xài đến tiền hoặc nghe máy thu thanh, chiếc tàu điện sẽ chẳng bao giờ chạy trên đường ray trong phòng tôi. Tôi chẳng muốn bất cứ thứ gì của cái đống đó hết – tất cả đều là đồng tiền máu. Baba sẽ chẳng bao giờ tổ chức cho tôi một bữa tiệc như thế, nếu tôi không thắng trong cuộc đấu diều.

Baba cho tôi hai món quà, một món chắc chắn trở thành sự thèm thuồng của mọi đứa trẻ trong vùng; một kiểu dáng mới của hãng Schwinn Stingray, vua của mọi loại xe đạp. Chỉ một dúm trẻ con ở toàn Kabul sở hữu một chiếc Stingray mới, và lúc này tôi là một trong bọn chúng. Nó có bộ tay cầm vươn cao, tay nắm bằng cao su đen, và bộ yên hình nải chuối nổi tiếng. Càng xe màu vàng và khung xe màu đỏ, như một chiếc kẹo táo. Hoặc máu. Bất kỳ đứa trẻ nào khác cũng muốn nhảy lên xe ngay lập tức và phóng một vòng mấy dãy nhà. Tôi đã có thể làm được điều đó nếu là vài tháng trước.

– Con thích nó chứ? – Baba nói, tựa lưng vào khung cửa phòng tôi.

Tôi ngượng ngùng nhe răng cười với ông và nói câu cảm ơn thật nhanh. Giá mà tôi đã có thể can đảm hơn thế.

– Chúng ta có thể cưỡi xe đi một lúc, – Baba nói. Một lời mời, nhưng chỉ thật lòng phân nửa thôi.

– Có lẽ lát nữa. Con đang hơi mệt, – tôi nói.

– Được thôi. – Baba đáp.- Baba ạ?

– Có chuyện gì?

– Con cảm ơn vì pháo hoa, – tôi nói. Một lời cảm ơn nhưng cũng chỉ thật lòng một nửa.

– Nghỉ một chút đi, – Baba vừa nói vừa bước về phòng mình.

Món quà kia Baba cho tôi, và ông cũng chẳng thèm đợi xem tôi mở hộp quà – là một chiếc đồng hồ đeo tay. Nó có cái mặt xanh, đôi kim vàng hình tia chớp có dạ quang. Tôi cũng chẳng buồn đeo thử. Tôi quẳngnó vào cái đống ở góc phòng. Món quà duy nhất tôi không quăng lên núi quà, đó là cuốn sổ bọc da của chú Rahim Khan. Đó là món quà duy nhất mà tôi không cảm thấy như đồng tiền máu.

Tôi ngồi ở mép giường, giở cuốn sổ trong tay, nghĩ về những gì chú Rahim Khan đã nói về Homaira, việc cha chú đã đuổi cô cuối cùng vẫn là điều tốt nhất như thế nào. Cô ấy hẳn sẽ đau khổ. Giống như những lần chiếc máy chiếu của Kaka Homayoun lưu luyến mãi một chớp hình, cái hình ảnh ấy vẫn còn loé sáng mãi trong tâm trí tôi: Hassan, mặt gằm xuống, đang hầu rượu cho Assef và Wali. Có thể đó mới là tốt nhất. Giảm bớt sự đau khổ của cậu ấy. Và của tôi nữa. Đằng nào thì, điều đó cũng quá rõ ràng: Một trong hai chúng tôi phải ra đi.

Chiều muộn hôm đó, tôi đem chiếc xe đạp Schwinn ra cho bon lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi đạp vòng quanh dãy nhà hai lần rồi trở về. Tôi đạp trên lối xe vào nhà đến sân sau, nơi Hassan và ông Ali đang dọn dẹp những đống rác rưởi từ bữa tiệc hôm trước. Những cốc giấy, những khăn ăn nát vụn, những vỏ chai soda lăn lóc ở sân. Ông Ali đang gấp ghế, đem dựng ở dọc tường. Ông trông thấy tôi liền vẫy vẫy.

– Salaam, ông Ali! – Tôi chào và vẫy lại ông.

Ông giơ một ngón tay lên, bảo tôi đợi, và bước về chỗ ăn nghỉ của ông. Một lát sau, ông hiện ra với thứ gì đó trong tay:

– Đêm qua chẳng hở ra được lúc nào để Hassan và tôi tặng cậu món quà này, – ông vừa nói vừa trao cho tôi một chiếc hộp. – Nó là thứ tầm thường, không đáng gì với cậu. Amir agha ạ. Nhưng chúng tôi vẫn mong cậu thích nó. Chúc mừng sinh nhật.

Một cái gì dâng lên như chẹn họng tôi. Tôi nói:

– Cảm ơn, ông Ali.

Ước gì họ đừng mua cho tôi bất cứ thứ gì. Tôi mở hộp thấy một cuốn sách Shahnamah 1 bìa cứng bọc vải, có những tranh minh hoạ vẽ màu trên giấy láng bóng phía dưới các đoạn trích. Đây là Ferangis đang chăm chú nhìn đứa con mới sinh của mình Kai Khosrau. Kia là Afrasiyab đang cưỡi con ngựa chiến, thanh kiếm tuốt trần, dẫn đầu đoàn quân. Và tất nhiên, có cả Rostam đâm một nhát chí tử vào con trai mình, chiến binh Sohrab.

Tôi nói:

– Đẹp quá.

– Hassan bảo bản in của cậu cũ rách rồi, có chỗ lại thiếu trang, – ông Ali nói. – Tất cả những tranh trong này đều được về tay bằng mực và bút sắt, – ông tự hào bổ sung, dán mắt vào cuốn sách mà ông cũng như con trai ông đều không đọc nổi.

– Thích thật, – tôi nói. Và đúng là thích thật. Và tôi cũng đoán chừng nó không hề rẻ. Tôi muốn nói với ông Ali là không phải quyển sách, mà là tôi không xứng đáng. Tôi lại nhảy lên chiếc xe đạp và bảo ông:

– Cảm ơn Hassan hộ tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng quăng cuốn sách lên đống quà ở góc phòng tôi. Nhưng mắt tôi vẫn cứ ngoái lại dán vào đấy, vì vậy tôi vùi nó xuống đáy. Đêm đó trước khi lên giường ngủ, tôi hỏi Baba xem ông có thấy chiếc đồng hồ mới của tôi ở đâu không?

Sáng hôm sau, tôi ở trong phòng đợi cho ông Ali dọn dẹp bàn ăn sáng ngoài bếp. Đợi ông rửa bát đã lau chùi quầy bếp xong. Tôi nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của tôi và đợi, cho tới khi ông Ali và Hassan đi ra phố chợ mua hàng, đẩy chiếc xe cút kít trước mặt.

Thế rồi tôi lấy vài cái phong bì tiền từ đống quà và cái đồng hồ của tôi, kiễng chân rón rén đi ra ngoài. Tôi dừng lại trước phòng đọc của Baba, nghe ngóng. Sáng nào ông cũng ở trong phòng, gọi điện thoại. Ông đang nói chuyện với ai đó về việc chuyến tàu biển chở thảm trải phải đến vào tuần sau. Tôi xuống thang gác, đi ngang qua sân, vào nơi ở của ông Ali và Hassan bên cây sơn trà. Tôi nâng tấm đệm của Hassan lên và nhét cái đồng hồ mới của tôi với một nắm tiền giấy Afghan xuống dưới.

Tôi đợi ba mươi phút. Rồi tôi gõ cửa phòng Baba và kể cho ông nghe những gì tôi hy vọng sẽ là lần cuối cùng của cả một chuỗi dài dối trá.

Qua cửa số phòng ngủ của tôi, tôi theo dõi ông Ali và Hassan đẩy chiếc xe cút kít chất đầy những thịt, bánh naan, trái cây và rau tươi trên lối xe vào. Tôi thấy Baba từ trong nhà đi ra, bước tới gặp ông Ali. Miệng mấp máy những tiếng gì tôi không nghe rõ. Baba chỉ về phía ngôi nhà và ông Ali gật đầu. Họ tách ra, Baba trở về nhà, ông Ali đi theo Hassan về phía túp lều đất của họ.

Vài phút sau Baba gõ cửa phòng tôi. Ông nói:

– Đến phòng làm việc của ta. Tất cả chúng ta sẽ ngồi xuống và giải quyết việc này.

Tôi đến phòng đọc của Baba, ngồi lên ghế sofa da. Độ ba mươi phút, hay hơn thế, rồi Hassan và ông Ali đến góp mặt với chúng tôi.

Cả hai đều khóc. Tôi có thể nhận ra từ đôi mắt họ sưng đỏ lên. Họ đứng trước Baba, tay trong tay, và tôi tự hỏi, làm thế nào và khi nào tôi lại trở thành kẻ có thể gây ra nỗi đau khổ này.

Baba hỏi thẳng thừng:

– Có phải cháu đã ăn cắp món tiền này không? Hassan, cháu đã ăn cắp chiếc đồng hồ của Amir à?

Câu đáp lại của Hassan là một từ đơn độc, thốt ra bằng một tiếng nhỏ, cộc lốc:

– Vâng.

Tôi nao núng, như thể bị tát vào mặt. Tim tôi lịm đi, tôi suýt phải nói ra sự thật. Rồi tôi hiểu: Đây là lần hy sinh cuối cùng của Hassan cho tôi. Nếu cậu ấy nói không phải, Baba hẳn sẽ tin cậu ấy, bởi vì chúng tôi đều biết, Hassan chẳng bao giờ nói dối. Và nếu Baba tin cậu ấy, thì tôi mới là kẻ bị kết tội. Tôi sẽ phải giải thích, và sẽ bị vạch trần những gì tôi đáng phải nhận. Baba sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi, mãi mãi. Và điều đó lại dẫn đến một cách hiểu khác: Hassan biết. Biết tôi thấy hết mọi chuyện trong cái ngõ đó, biết tôi đứng đấy và không hề làm gì. Biết tôi đã phản bội cậu và tuy vậy, cậu đang cứu tôi một lần nữa, có thể là lần cuối cùng. Lúc đó, tôi yêu cậu, yêu cậu hơn bất kỳ ai tôi đã từng yêu, và tôi muốn nói thẳng với tất cả bọn họ rằng, tôi là một con rắn trong đám cỏ, một con quỷ trong lòng hồ. Tôi không xong đáng với sự hy sinh ấy, tôi là một kẻ dối trá, một tên lừa đảo, một đứa trộm cắp. Và tôi có lẽ đã nói, nếu không có chuyện một phần trong con người tôi lại thấy mừng. Mừng là tất cả sẽ sớm qua đi. Baba sẽ đuổi họ, sẽ có một chút đau khổ đấy, nhưng cuộc sống lại tiếp tục vận động. Tôi muốn thế, tiếp tục vận động, quên đi và bắt đầu bằng một lý lịch sạch sẽ. Tôi muốn lại có thể thở được.

Ngoại trừ Baba đã làm tôi choáng váng, bằng câu nói:

– Ta tha thứ cho cháu.

Tha thứ ư? Nhưng trộm cắp là một tội không thể tha thứ, là mẫu số chung mọi tội lỗi. Khi con giết một người, là con đánh cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp người cha của những đứa con. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó đối với sự thật. Khi con lừa đảo, con ăn cắp quyền đối với sự chính trực. Không có hành động nào cực kỳ xấu xa hơn ăn cắp. Chẳng phải Baba đã bế tôi lên lòng ông và nói những lời ấy với tôi ư? Thế thì làm sao ông lại có thể chỉ tha thứ cho Hassan? Và nếu Baba có thể tha thứ chuyện đó, vậy tại sao ông lại không thể tha thứ cho tôi vì đã không là đứa con trai như ông hằng mong muốn? Tại sao?

– Chúng tôi sẽ đi, Agha sahib, – ông Ali nói.

– Cái gì – Baba nói, mặt tái đi.

– Chúng tôi không thể sống ở đây được nữa, – ông Ali nói.

– Nhưng tôi tha thứ cho nó, Ali, ông không nghe rõ à? – Baba nói.

– Sống ở đây bây giờ là không thể đối với chúng tôi rồi, Agha sahib. Chúng tôi sẽ đi. – ông Ali kéo Hassan lại gần ông và quàng cánh tay qua vai con trai mình. Đó là một cử chỉ bảo vệ, và tôi biết ông Ali đang bảo vệ con mình khỏi ai. Ông Ali liếc nhìn xem thái độ của tôi bằng một cái nhìn lạnh lùng và không tha thứ, tôi biết Hassan đã kể lại cho ông. Cậu đã kể lại cho ông biết hết mọi chuyện, về những gì Assef và lũ bạn của nó đã làm đối với cậu, về chiếc diều, về tôi. Thật lạ lùng, là tôi lại lấy làm mừng, rằng ai đó đã biết tôi thực sự là người như thế nào. Tôi đã mệt mỏi vì phải giả vờ.

– Tôi không quan tâm đến tiền và cái đồng hồ, – Baba nói, hai cánh tay ông mở ra, lòng bàn tay ngửa lên – Tôi không hiểu tại sao ông lại làm thế… Ý ông nói “không thể” là thế nào?

– Tôi xin lỗi, Agha sahib, nhưng đồ đạc của chúng tôi đã đóng gói cả rồi. Chúng tôi đã quyết định rồi.

Baba đứng lên, một nỗi đau buồn thoáng lướt qua mặt ông:

– Ali, phải chăng tôi đã không chu cấp đủ cho ông? Phải chăng tôi đã không tốt với ông và Hassan? Ông là người anh em ruột thịt mà tôi chẳng bao giờ có nữa, ông Ali, ông biết thế mà, xin ông đừng làm thế.

– Agha sahib, xin đừng làm việc này khó khăn hơn nó vốn dĩ đã vậy, – ông Ali nói. Miệng ông xoắn lại, và trong một khắc, tôi nghĩ tôi thấy một cái nhăn mặt. Đó là khi tôi hiểu được chiều sâu của nỗi đau tôi đã gây ra, cái bóng đen của nỗi sầu đau tôi đã mang đến cho mọi người, đến nỗi ngay cả bộ mặt bị liệt của ông Ali cũng không thể ngụy trang được nỗi đau buồn. Tôi ép mình phải nhìn Hassan, nhưng cậu cúi gằm, hai vai cậu trễ xuống, ngón tay vê vê sợi dây rút ở gấu áo sơ mi.

Lúc này, Baba đành nài xin:

– Ít nhất cũng phải nói cho tôi biết tại sao chứ. Tôi cần phải biết.

Ông Ali không nói cho Baba biết cũng như ông đã không phản đối khi Hassan thú nhận ăn cắp. Tôi sẽ không bao giờ biết tại sao, nhưng tôi có thể hình dung ra cả hai người trong cái lều nhỏ nhờ nhờ tối ấy, khóc lóc. Hassan nài xin ông đừng để lộ ra tôi. Nhưng tôi đã không thề tưởng tượng nổi sự kiềm chế mà ông Ali phải gắng để giữ lời hứa đó.

– Ông sẽ cho chúng tôi đến bến xe buýt chứ?

– Tôi cấm ông không được làm thế, – Baba rống lên. – Ông có nghe rõ tôi nói không? Tôi cấm ông!

– Thưa, nhưng ông không thể cấm tôi bất cứ điều gì, Agha sahib. – ông Ali nói. – Chúng tôi không làm việc cho ông nữa.

– Ông sẽ đi đâu – Baba hỏi, giọng rưng rưng.

– Hazarajat.

– Đến nhà họ hàng à?

– Vâng. Ông sẽ đưa chúng tôi tới bến xe chứ, Agha sahib?

Rồi tôi thấy Baba làm cái điều mà trước đó tôi chưa từng thấy bao giờ. Ông khóc. Nhìn một người lớn khóc khiến tôi hoang mang đôi chút. Các ông bố không được phép khóc.

– Xin ông, – Baba nói, nhưng ông Ali đã quay ra đến cửa và Hassan đi theo ông. Tôi sẽ không bao giờ quên thái độ của Baba khi nói điều đó, nỗi đau đớn trong lời cầu xin của ông, nỗi sợ hãi.

Ở Kabul, hiếm khi mưa vào mùa hè. Bầu trời xanh cao và xa thẳm, mặt trời như một khối sắt nung thui cháy gáy bạn. Những nhánh sông mà Hassan và tôi thia lia đá suốt mùa xuân đều đã trở nên khô cạn, và nhưng chiếc xe kéo khuấy bụi khi ầm ầm lăn bánh qua. Dân chúng đi đến các nhà thờ Hồi giáo thực hiện mười Raka’t 2 buổi trưa, và rồi rút lui tới bất cứ nơi nào có bóng mát để đánh giấc ngủ trưa, đợi cái mát mẻ của buổi chiều sớm. Mùa hè có nghĩa những ngày dài dặc ở trường, nhễ nhại mồ hôi trong những lớp học chẳng hề thông thoáng dồn chặt người để học đọc các ayats trong kinh Koran, vất và với những từ uốn lưỡi ngoại lai Ẳ rập. Có nghĩa bắt ruồi bằng lòng bàn tay, trong khi ông giáo sĩ tiếp tục giọng đều đều đọc kinh và một làn gió nóng mang theo cả mùi phân từ cái nhà vệ sinh phía bên kia sân trường, khuấy bụi lầm lên quanh chiếc vòng bóng rổ xộc xệch, bơ vơ.

Nhưng buổi chiều hôm Baba đem ông Ali và Hassan ra bến xe buýt, trời mưa. Những tràng sấm rền vang phủ khắp bầu trời một màu chì xám. Chỉ mấy phút, những vạt mưa đã quét rầm rập, tiếng rít không ngừng của nước đổ ào ào trong hai tai tôi.

Baba ngỏ ý sẽ tự mình chở họ đến tận Bamiyan, nhưng ông Ali từ chối. Qua cửa sổ đầm đìa mờ mịt nước mưa phòng ngủ của tôi, tôi dõi theo ông Ali kéo cái vali cô độc đựng tất cả nhưng gì thuộc về ông tới chiếc ôtô của Baba đang nổ máy bên ngoài cánh cổng. Hassan lặc lè tấm đệm, bó chặt bằng sợi thừng, trên lưng. Cậu đã để lại tất cả đồ chơi của mình trong túp lều trống rỗng. – Ngày hôm sau, tôi phát hiện ra chúng được xếp đống ở góc nhà, giống hệt như đống quà sinh nhật trong phòng tôi.

Những hạt nước mưa trơn tuột nhỏ ròng ròng xuống cửa sổ phòng tôi. Tôi thấy Baba đóng sầm cửa xe lại. Người ướt sũng ông bước sang bên phía ghế lái xe, ngả người vào trong xe nói một điều gì đó với ông Ali ở hàng ghế sau, có lẽ một cố gắng cuối cùng hòng thay đổi ý định của ông Ali. Họ nói chuyện như thế một lúc, Baba ướt sũng, cúi lom khom, một cánh tay dựa trên mui xe. Nhưng khi ông đứng thẳng lên, tôi chấy trên đôi vai rũ xuống của ông, cuộc đời mà tôi từng biết từ khi tôi được sinh ra đã qua rồi. Baba luồn vào trong xe. Đèn pha bật lên, rạch hai luồng sáng trong mưa. Nếu đó là một trong những bộ phim Hinđi Hassan và tôi vẫn thường xem, thì đoạn cảnh ấy sẽ là tôi chạy ùa ra ngoài, đôi chân trần của tôi đạp tung toé nước mưa, tôi sẽ đuổi theo chiếc xe, la hét thất thanh cho xe đừng lại. Tôi sẽ kéo Hassan ra khỏi hàng ghế sau và nói với cậu ấy, tôi xin lỗi, rất xin lỗi, nước mắt tôi hoà lẫn nước mưa. Nhưng đó không phải là bộ phim Hinđi. Tôi rất hối tiếc nhưng tôi không khóc, và không đuổi theo chiếc xe. Tôi nhìn chiếc xe của Baba lao khỏi lề đường, mang theo một con người, mà tiếng tập nói đầu tiên của người ấy là tên tôi. Tôi bắt được hình bóng cuối cùng mờ nhạt của Hassan ngồi rũ ở ghế sau trước lúc Baba rẽ trái chỗ góc phố, nơi chúng tôi từng chơi bi đá không biết bao nhiêu lần.

Tôi lui vào và tất cả những gì tôi thấy là mưa lọt qua tấm kính cửa sổ trông như bạc nấu chảy.

——————————–

1 Shahnamah: trong nguyên bản là cuốn sách có tên làShahnamah Truyện về một quốc vương – ND.

2 Raka’t: Một lượt thi lễ Salat (cầu nguyện), gồm các động tác đứng, quỳ, phủ phục hai lần, và ngồi thiền.

Bình luận
720
× sticky