Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương XII

Tác giả: Khaled Hosseini

Afghanistan, yelda là đêm đầu tiên của tháng Jadi, đêm đầu tiên của mùa đông, và là đêm dài nhất của cả năm. Theo tục lệ truyền thống, Hassan và tôi thường đi ngủ muộn, chân chúng tôi luồn dưới bàn sưởi kursi, trong khi ông Ali ném vỏ táo vào lò sưởi và kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ xưa về các Sultan và những tên trộm cắp để qua cái đêm dài nhất các đêm. Chính từ ông Ali mà tôi biết được những chuyện truyền miệng về yelda, rằng những con thiêu thân ma tự lao mình vào những ngọn nến và chó sói leo lên các ngọn núi ôm mặt trời. Ông Ali thề rằng, nếu anh ăn dưa hấu vào đêm yelda, mùa hè năm sau anh sẽ không thấy khát.

Khi nhiều tuổi hơn, tôi đọc trong một cuốn sách thơ, yelda là đêm không sao, những khách tình si đau khổ thức miệt mài cầu kinh, chịu đựng bóng đêm dài vô tận, đợi mặt trời mọc mang theo người yêu của họ. Sau khi tôi gặp Soraya Taheri, mỗi đêm trong tuần đều trở thành một yelda đối với tôi. Và khi sáng Chủ nhật tới, tôi dậy khỏi giường, khuôn mặt Taheri mắt nâu đã ngự trị trong đầu óc tôi. Trong xe buýt của Baba, tôi đếm các dặm đường cho tới khi tôi thấy nàng ngồi, chân trần, sắp xếp đám hộp các tông đựng những cuốn từ điển bách khoa thư ố vàng, hai gót chân nàng trắng nõn trên nhựa đường, những vòng bạc lanh canh quanh hai cổ tay mảnh mai của nàng. Tôi thường nghĩ tới bóng tóc nàng in trên mặt đất, khi mớ tóc tuột khỏi lưng nàng và rủ xuống như một tấm rèm nhung. Soraya. Nữ Quận chúa Tao ngộ của tôi. Mặt trời buổi sáng cho yelda của tôi.

Tôi bịa ra nhiều cớ đề thong thả đi dọc dãy bán hàng – mánh này Baba nhận ra bằng một nụ cười khoái chí – và đi qua chỗ cha con ông Taheri đứng. Tôi thường vẫy tay chào vị tướng, người luôn luôn mặc bộ đồ xám là bóng loáng, và ông cũng vẫy lại. Đôi khi ông còn rời chiếc ghế chủ hàng và chúng tôi sẽ huyên thuyên về chuyện viết lách của tôi, về chiến tranh, những mặc cả mua bán trong ngày. Tôi thường buộc mắt mình không được la lém, lảng vảng nơi Soraya đang ngồi đọc một cuốn sách bìa mềm. Vị tướng và tôi thường chào tạm biệt nhau và tôi cố không tỏ vẻ thẫn thờ khi đi khỏi.

Đôi khi nàng ngồi một mình, ông tướng đã bỏ đi đến một dãy hàng nào đó khác để góp vui, và tôi thường bước qua, vờ như không biết nàng, dù muốn đến chết đi được. Đôi khi nàng ngồi đó với một người đàn bà trung niên hơi béo, nước da nhợt nhạt, tóc nhuộm đỏ. Tôi tự hứa với mình là sẽ nói chuyện với nàng trước khi kỳ hè trôi qua, nhưng năm học đã trở lại, lá cây đỏ dần, vàng úa, rồi rơi rụng và mưa đông ào tới, đánh thức những tụ điểm ăn uống rẻ tiền của Baba, những lá non một lần nữa lại đâm chồi, và tôi vẫn chưa đủ can đảm ngay cả tới việc nhìn thẳng vào mắt nàng.

Ba tháng mùa xuân kết thúc vào cuối tháng Năm năm 1985. Tôi đạt loại A tất cả những môn học đại cương, một kỳ tích tối thiểu để tôi có thể bước vào giảng đường và nghĩ tới cánh mũi cong mềm mại của Soraya.

Thế rồi một Chủ nhật oi bức mùa hè năm đó, Baba và tôi đang ở chợ trời, ngồi trong lều của chúng tôi, lấy báo quạt mặt. Mặc dầu mặt trời chiếu xuống như sắt nung, nhưng chợ hôm đó nhung nhúc người và hàng hoá tiêu thụ mạnh. Mới chỉ 12 giờ rưỡi, nhưng chúng tôi đã bán được một trăm sáu mươi đô. Tôi đứng dậy, vươn vai và hỏi Baba, ông có muốn uống một hộp Coca không. Ông nói ông có muốn.

– Cẩn thận đấy, Amir. – ông nói khi tôi bước đi.

– Về chuyện gì ạ, Baba?

– Ta không phải là một ahmaq 1, nên đừng chơi trò ngớ ngẩn với ta.

– Con không hiểu bố đang nói gì?

– Hãy nhớ điều này, – Baba vừa nói vừa chỉ vào tôi. – Đàn ông phải Pashtun tận gốc. Phải có nang. Có namoos. Nang và namoos. Danh dự và tự hào. Những giáo lý của đàn ông Pashtun. Nhất là khi đụng đến phẩm hạnh trong trắng của một người vợ. Hoặc con gái người ta.

– Con chỉ định đi mua đồ uống cho chúng ta.

– Miễn là đừng làm ta ngượng mặt, đó là tất cả những gì ta yêu cầu.

– Con sẽ không, con thề đấy, Baba.

Baba châm một điếu thuốc lá và lại quạt tiếp.

Lúc đầu, tôi đi về phía lều giảm giá, rồi rẽ trái lại chỗ quầy bán áo phông, chỗ đó chỉ với năm đô bạn có thể có bộ mặt của Jesus, Elvis, Jim Morrison hoặc cả ba in trên áo phông ni lông trắng. Nhạc Mariachi chơi ở trên cao và tôi ngửi thấy mùi dưa góp và thịt nướng.

Tôi phát hiện ra chiếc xe chở hàng màu xám của gia đình Taheri cách chỗ chúng tôi hai dãy, cạnh một ki ốt bán xoài xâu que. Nàng ngồi một mình đọc sách. Hôm nay váy đầm dài tận gót chân màu trắng. Dép lê. Tóc chải ngược, búi lại trên đầu thành hình bông hoa tuy líp. Tôi định chỉ lại bước qua và tôi tưởng đây tôi đã đi qua rồi, thế mà bất ngờ tôi lại đang đứng ở mép chiếc khăn trải bàn trắng của nhà Taheri, chăm chú nhìn Soraya qua các gọng sắt cong và những chiếc cà vạt. Nàng ngước nhìn lên.

– Salaam, – tôi nói. – Tôi xin lỗi đã làm phiền. Tôi không định quấy rầy cô.

– Salaam.

– Tướng quân Sahib hôm nay có đến đây không? – Tôi nói. Hai tai tôi nóng bừng. Tôi không thể ép nổi mình nhìn vào đôi mắt nàng.

– Ông ấy đi lối kia, – nàng nói, chỉ về phía bên phải. Chiếc vòng tuột xuống khuỷu tay nàng, màu bạc tương phản với màu ôliu.

– Cô làm ơn nói giúp với ông, tôi ghé qua đây để tỏ lòng kính trọng ông, có được không? – Tôi hỏi.

– Tôi sẽ nói.

– Cảm ơn cô, – tôi nói. – À, tên tôi là Amir, phòng khi cô cần biết. Vậy cô có thể nói với ông rằng: tôi ghé qua đây… để… tỏ lòng kính trọng.

– Vâng.

Tôi nhúc nhích chân, hắng giọng.

– Tôi đi đây. Xin lỗi đã quấy rầy cô.

– Không, không đâu, – nàng nói.

– Ồ, may quá, – tôi nghiêng đầu và cười nửa miệng với nàng. Tôi đi đây. – Tôi đã chẳng nói thế rồi sao? – Khoda hãfez. Tạm biệt.

– Khoda hãfez.

Tôi đã bước đi. Rồi lại dừng và quay lại. Tôi kịp nói trước khi mất hết can đảm.

– Tôi có thể hỏi cô đang đọc gì không?

Nàng chớp mắt.

Tôi nín thở. Bất chợt, tôi cảm thấy như mọi con mắt ở chợ trời đổ dồn vào chúng tôi. Tôi hình dung ra một bầu không khí im lặng đang lắng xuống. Những đôi môi ngừng nói giữa chừng. Những cái đầu quay đi quay lại. Những đôi mắt nheo lại soi mói.

Chuyện này là thế nào?

Cho đến lúc này, cuộc chuyện trò của chúng tôi cùng lắm có thể được giải thích là một lời hỏi thăm xã giao, một người hỏi thăm về một người khác. Nhưng tôi lại hỏi nàng một câu, và nếu nàng trả lời. chúng tôi sẽ bị coi… ờ, chúng tôi đang tán gẫu. Tôi, một mojarad 2, và nàng, một phụ nữ trẻ chưa chồng. Huống chi một người đã mắc chuyện đồn đại. Chuyện này đang được thêm bớt một cách nguy hiểm ngấp nghé đồ ngồi lê, loại chuyện ngồi lê tuyệt nhất. Những cái lưỡi đầy nọc độc sẽ khua lên. Và nàng sẽ phải hứng chịu nọc độc đó chứ không phải tôi. Tôi thừa hiểu cái chuẩn mực nước đôi của người Afghan thiên vị giống đàn ông. Không có chuyện, anh không thấy hắn tán cô này à? Mà Wooooy 3! Anh có thấy cô nàng cứ bám lấy hắn không? Đúng là loại lochak!

Theo chuẩn mực Afghan, câu hỏi của tôi thế là trơ trẽn. Tôi đã lộ mặt tôi ra, và để lại chút nghi ngờ là tôi thích nàng. Nhưng tôi là một người đàn ông, tôi có liều đi chăng nữa chẳng qua do tôi bị giày vò. Những vết thương đã lành. Nhưng tiếng tăm thì chưa. Liệu nàng có chấp nhận sự táo tợn của tôi không?Nàng lật cuốn sách, cho bìa sách lộ ra trước mắt tôi: Đồi gió hú.

– Anh đã đọc cuốn này chưa? – Nàng hỏi.

Tôi gật đầu. Tôi cảm thấy như tiếng tim đập đằng sau mắt tôi:

– Đó là một chuyện buồn.

– Những chuyện buồn tạo nên những cuốn sách hay, – nàng nói.

– Đúng thế.

– Tôi nghe nói anh cũng viết.

Làm thế nào nàng biết được? Tôi thắc mắc, liệu có phải cha nàng đã kể cho nàng, cũng có thể nàng đã hỏi ông. Tôi lập tức xua ngay cả hai dự đoán đó đi. Các ông bố và con trai có thể chuyện trò thoải mái về đàn bà. Nhưng không cô gái Afghan nào – ít nhất cũng không có cô gái Afghan nền nếp và Mohtaram 4đang tuổi cập kê nào – lại hỏi cha mình về một chàng trai trẻ. Và không ông bố nào, nhất là một người Pashtun, với nang và namoos, danh dự và tự hào, lại đi bàn luận một mojarad với con gái mình, kể cả khi cái gã được hỏi đến là một, một người cầu hôn đã làm xong nghi lễ và nhờ cha mình đến gõ cửa.

Không thể tin nổi, tôi nghe thấy mình nói:

– Cô có thích đọc một truyện ngắn tôi viết không?

– Tôi thích chứ, – nàng nói.

Tôi bỗng cảm thấy vẻ thiếu tự nhiên ở nàng lúc này, tôi thấy điều đó từ cách nàng đảo mắt bên nọ qua bên kia. Có thể nàng đang muốn tìm ông tướng. Tôi không biết ông sẽ nói gì, nếu thấy tôi nói chuyện lâu lâu một cách không nên với con gái ông như thế.

– Có thể hôm nào tôi sẽ mang đến cho cô.

Tôi nói vậy. Tôi còn đang định nói thêm nữa thì người đàn bà tôi đã tình cờ nhìn thấy cùng với Soraya bước tới dãy hàng. Bà ta mang theo một túi nhựa đầy hoa quả. Khi trông thấy chúng tôi, mắt bà vụt nhìn từ Soraya sang tôi, rồi ngược lại. Bà mỉm cười:

– Amir jan, rất mừng được gặp cháu, – bà vừa nói vừa đổ túi quả lên chiếc khăn trải bàn. Lông mày bà long lanh một vệt mồ hôi. Bộ tóc đỏ của bà búi lên như một chiếc mũ cối, lấp lánh trong ánh nắng. Tôi có thể nhìn ra những mảnh nhỏ da đầu bà, nơi tóc đã thưa đi. Bà có đôi mắt nhỏ màu xanh lục, sâu trên bộ mặt tròn như cái bắp cải, răng bọc và những ngón tay nhỏ như những thanh xúc xích. Một tượng thánh Allah bằng vàng trên ngực bà, chuỗi dây đeo nấp dưới lớp da nhẽo và những nếp nhăn ở cổ.

– Tôi là Jamila, mẹ của Soraya jan.

– Salaam, Khala jan, – tôi nói hơi lúng túng, vì tôi quen nhiều người Afghan thế mà bà biết tôi còn tôi lại không biết bà là ai.

– Cha cháu có khoẻ không? – Bà hỏi.

– Cha cháu khoẻ, cảm ơn bà.

– Cháu có biết, ông cháu, Ghazi Sahib, vị thẩm phán ấy mà? Chú của ông và ông của ta là anh em họ, – bà nói. – Vậy cháu thấy đấy, chúng ta có họ với nhau. – Bà mỉm cười để lộ chiếc răng bọc và tôi để ý thấy bên phải miệng bà hơi trễ xuống. Mắt bà lại đảo đi đảo lại giữa Soraya và tôi.

Một lần, tôi đã hỏi Baba tại sao con gái tướng Taheri chưa lấy chồng. Không có người cầu hôn, Baba nói. Không có người cầu hôn thích hợp, ông chữa lại. Nhưng ông không nói gì thêm – Baba quá hiểu những mẩu chuyện trò vô bổ có thể ảnh hưởng tới viễn cảnh lấy chồng đàng hoàng của một người phụ nữ trẻ ra sao. Đàn ông Afghan, nhất là những người thuộc gia đình danh giá, là những sinh vật hay thay đổi. Một tiếng xì xào ở đây, một lời bóng gió ở kia, thế là họ bùng như những con chim bị giật mình. Vì vậy những hôn lễ đến rồi lại đi và không ai hát ahesta boro cho Soraya, không ai vẽ gan bàn tay của nàng bằng cây lá móng, không ai cầm cuốn kinh Koran trên khăn trùm đầu của nàng, và tướng Taheri là người duy nhất từng nhảy với nàng tại mọi đám cưới.

Và giờ đây, người đàn bà này, mẹ của nàng, với nụ cười đau lòng háo hức, quanh co, niềm hy vọng được che đậy qua loa trong đôi mắt. Tôi hơi thu mình lại trước cái vị thế của quyền lực được ban cho mình và tất cả chỉ bởi vì tôi đã thắng trong trò xổ sổ di truyền quyết định giới tính của tôi. Tôi chẳng bao giờ có thể đọc nổi những ý nghĩ trong đôi mắt của tướng Taheri, nhưng tôi lại hiểu điều ấy quá rõ ở bà vợ của ông: nếu tôi sắp phải có một đối thủ trong việc này, bất kể như thế nào, thì cũng sẽ không phải là bà.

– Ngồi xuống nào, Amir jan, – bà nói. – Soraya, mang cho anh một cái ghế. Và rửa một quả đào. Đào ngọt và tươi đấy.

– Không, cảm ơn cô. – tôi nói. – Cháu nên đi. Cha cháu đang đợi cháu.

– Ồ, – Khanum Taheri đáp, rõ ràng xúc động về việc tôi tỏ ra lễ phép và từ chối lời mời. – Vậy thì đây, ít nhất cháu cũng cầm lấy cái này. – Bà bỏ một vốc quả kiwi với vài quả đào vào một cái túi, và khăng khăng đòi tôi cầm về. – Gửi lời chào tới bố cháu hộ cô. Và thỉnh thoảng lại tới đây với mẹ con ta.

– Cháu sẽ tới, cảm ơn cô, Khala jan. – Tôi nói và liếc mắt, thấy Soraya đang nhìn đi chỗ khác.

“Bố nghĩ con đi mua coca.” – Baba vừa nói vừa cầm lấy cái túi từ tay tôi. Ông nhìn thẳng vào tôi vừa nghiêm nghị vừa bông đùa. Tôi đang định đùa lại nhưng ông đã cắn quả đào và xua tay. – Đừng ngại, Amir, hãy nhớ những gì bố đã nói.

Đêm đó trên giường, tôi nghĩ đến ánh nắng nhấp nhánh nhảy múa trong đôi mắt của Soraya và những cái hõm thon thả trên vành xương cổ nàng. Tôi ngẫm đi ngẫm lại một cuộc chuyện trò giữa chúng tôi. Nàng đã nói Tôi nghe nói anh viết văn hay Tôi nghe nói anh là một nhà văn? Câu nào nhỉ? Tôi tung chăn vùng dậy nhìn lên trần nhà, chán nản khi nghĩ tới những sáu đêm yelda khó nhọc, dài vô tận cho tới khi lại được gặp nàng.

Tôi cứ tiếp tục như thế mấy tuần liền. Tôi thường đợi cho tới khi ông tướng đi dạo đâu đó, để ghé qua quầy hàng của nhà Taheri. Nếu Khanum Taheri ở đó, bà thường mời tôi một tách trà và một chiếc kẹo kolcha và chúng tôi chuyện gẫu về Kabul ngày xưa, những người chúng tôi quen biết, về bệnh đau khớp của bà. Không nghi ngờ gì nữa, bà đã để ý thấy những lần hiện diện của tôi luôn luôn trùng hợp với những lần chồng bà vắng mặt, nhưng bà không bao giờ để lộ ra. Bà thường nói:

– Ồ, anh lại không gặp được Kaka của anh rồi.Thực ra tôi thích khi Khanum Taheri ở đó, và không phải chỉ vì lối thân mật của bà, Soraya có vẻ thoải mái hơn và hay chuyện trò linh tinh với mẹ hơn. Như thể sự có mặt của bà đã hợp pháp hoá bất kể điều gì xảy ra giữa chúng tôi – dẫu chắc chắn không thể bằng được nếu là ông tướng. Khanum Taheri bảo trợ cho những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, nếu không để thoát khỏi chuyện ngồi lê thì cũng để bớt dẫn đến ngồi lê, ngay cả khi cái giới hạn chiều chuộng tôi của bà rõ ràng làm Soraya ngượng ngùng.

Một hôm, chỉ có Soraya và tôi trong lều bán hàng của họ, đang chuyện trò. Nàng kể cho tôi về trường học, nàng học hành quá chăm chỉ thế nào trong những khoá học đại cương của nàng tại Trường dự bị Đại học Ohlone ở Fremont.

– Cô sẽ chuyên về ngành gì?

– Tôi muốn trở thành một giáo viên, – nàng nói.

– Thật ư? Tại sao?

– Tôi đã luôn luôn muốn vậy. Khi chúng tôi sống ở bang Virginia, tôi đã học ESL, đã tốt nghiệp và bây giờ tôi dạy tại thư viện công cộng tuần một tối. Mẹ tôi cũng là giáo viên, bà dạy tiếng Farsi và lịch sử tại trường nữ trung học Zarghoona ở Kabul.

Một người đàn ông bụng phệ đội mũ đi săn trả ba đô la cho một hộp nến năm đô la và Soraya để ông ta lấy. Nàng bỏ tiền vào cái hộp đựng kẹo để dưới chân. Nàng nhìn vào tôi bẽn lẽn:

– Tôi muốn kể cho anh một chuyện, nhưng tôi hơi ngượng về chuyện đó.

– Kể cho tôi đi.

– Loại chuyện ngớ ngẩn ấy mà.

– Làm ơn, kể cho tôi đi.

Nàng cười:

– Được, khi tôi học lớp bốn ở Kabul, cha tôi thuê một người đàn bà tên là Ziba để giúp việc vặt trong nhà. Cô ấy có một người chị ở Iran, tại Mashad, và vì Ziba mù chữ, cô ấy thường nhờ tôi viết thư cho chị mình, ít lâu lại một bức. Và khi người chị trả lời, tôi lại đọc hộ cho Ziba. Một hôm, tôi hỏi cô có thích học đọc, học viết không. Cô cười toét miệng, tít mắt lai, và bảo cô thích lắm. Thế là chúng tôi thường ngồi tại bàn ăn trong bếp sau khi tôi đã soạn xong bài vở ở trường, và tôi dạy cô Alef- beh 5. Tôi vẫn nhớ, đôi khi ghé thăm cô giữa lúc đang làm bài tập ở nhà và thấy Ziba đang đảo thịt trong nồi áp suất, rồi lại ngồi xuống với chiếc bút chì làm bài tập vỡ lòng mà tôi ra cho cô đêm trước. Tóm lại trong vòng một năm, Ziba đã đọc được sách trẻ con. Chúng tôi thường ngồi ngoài sân và cô đọc cho tôi những chuyện kể về Dara và Sara – chậm thôi nhưng rất đúng. Cô bắt đầu gọi tôi là Moalem Soraya, cô giáo Soraya.

Nàng lại cười:

– Tôi biết, nghe có vẻ trẻ con, nhưng lần đầu tiên Ziba tự viết tên mình, tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ ao ước nghề gì khác ngoài nghề giáo viên. Tôi rất tự hào về cô ấy, và tôi cảm thấy đã làm được một việc gì đó xứng đáng, anh hiểu chứ?

– Vâng, – tôi nói dối. Tôi nghĩ tới việc tôi đã dùng chữ nghĩa của tôi để giễu cợt Hassan như thế nào. Tôi đã trêu cậu ấy bằng những từ bóng bẩy mà cậu ấy không hiểu như thế nào.

– Cha tôi muốn tôi vào trường luật. Mẹ tôi lại luôn luôn có những lời bóng gió về trường y, nhưng tôi sẽ là một giáo viên. Nghề này lương chẳng được bao nhiêu, nhưng đó là điều tôi muốn.

– Mẹ tôi cũng là một giáo viên, – tôi nói.

– Tôi biết, – nàng nói. – Mẹ tôi bảo tôi thế.

Thế rồi mặt nàng đỏ ửng lên vì những gì nàng buột miệng nói ra, vì ngụ ý trong câu trả lời của nàng, rằng “những cuộc đàm thoại về Amir” đã xảy ra giữa họ, khi tôi không có mặt ở đó.Tôi phải cố gắng phi thường đề ngăn mình khỏi mỉm cười.

– Tôi mang cho cô cái này. – Tôi moi cuộn giấy ghim bằng đinh kẹp ở túi sau ra. – Như đã hứa. – Tôi trao cho nàng một trong những truyện ngắn tôi viết.

– Ồ, anh vẫn nhớ, – nàng nói, thật sự hớn hở – Cảm ơn anh!

Tôi chẳng còn đủ thì giờ để ghi nhận lần đầu tiên nàng đã gọi tôi bằng “tu” 6chứ không bằng “Shoma” 7trịnh trọng, bởi vì bất chợt nụ cười của nàng héo tắt ngay. Mặt nàng biến sắc và mắt nàng chăm chú nhìn cái gì đó phía sau tôi. Tôi quay lại. Mặt đối mặt với tướng Taheri.

– Amir jan. Người kể chuyện mong chờ của chúng ta. Thật là thú vị, – ông nói và khẽ mỉm cười.

– Salaam, tướng quân Sahib, – tôi nói qua đôi môi đờ đẫn.

Ông đi qua chỗ tôi về phía quầy hàng:

– Một ngày đẹp trời biết mấy, phải không – Ông nói, ngón tay cái móc vào túi ngực áo vest, tay kia chìa về phía Soraya. Nàng đưa cho ông cuộn giấy.

– Họ bảo tuần này trời sẽ mưa. Không tin được phải không? – Ông bỏ cuộn giấy vào thùng rác.

Quay lại phía tôi và lịch sự đặt tay lên vai tôi. Chúng tôi đi mấy bước cùng nhau.

– Cháu biết đấy, bachem ạ. Ta đã thấy hơi thích cháu. Cháu là một chàng trai nền nếp, ta thực sự tin vậy, nhưng, – ông thở dài và xua tay. – ngay cả những chàng trai nền nếp đôi khi cũng cần nhắc nhở. Vậy bổn phận của ta là phải nhắc nhở rằng cháu là một trong những người quý tộc ở cái chợ trời này. – Ông dừng lại. Đôi mắt vô cảm bám lấy mắt tôi.

– Cháu thấy đấy, ai ai ở đây cũng đều là người đưa chuyện. – Ông cười, lộ hết cả hàm răng. – Chuyển giùm lời chào kính trọng của ta tới cha cháu, Amir jan.

Ông buông tay ra. Lại cười tiếp.

° ° °

– Có chuyện gì sao – Baba nói, ông đang nhận tiền bán con ngựa gỗ từ một bà đứng tuổi.

– Không có gì, – tôi trả lời và ngồi xuống một chiếc máy thu hình cũ. Rồi tôi kể hết cho ông mọi chuyện.

– Chà, Amir, – ông thở dài.

Tôi cũng chẳng hơi sức đâu mà nghĩ ngợi nhiều về những gì đã xảy ra.

Bởi vì cuối tuần, Baba bị cảm lạnh.

Bắt đầu bằng một cơn ho khan và sổ mũi. Rồi ông hết số mũi nhưng vẫn còn ho. Ông thường ho vào một chiếc khăn tay, rồi gấp lại bỏ túi. Tôi lẵng nhẵng theo bắt ông đi kiểm tra, nhưng ông xua tay bảo tôi đi đi. Ông ghét bác sĩ và bệnh viện. Tôi biết, lần duy nhất ông đến bác sĩ là cái lần tôi bị bệnh sốt rét ở Ấn Độ.

Thế rồi hai tuần sau, tôi bắt gặp ông trong phòng vệ sinh đang ho vào một miếng gạc, đờm vấy máu.

– Bố làm thế này bao lâu rồi? – Tôi hỏi.

– Bữa tối thế nào? – Ông nói.

– Con sẽ đưa bố đi khám bác sĩ.

Mặc dầu Baba là quản đốc tại trạm bán xăng dầu, chủ trạm đã không mua bảo hiểm sức khoẻ cho ông và Baba vốn tính bạt mạng, đã không đòi. Thế là tôi đem ông đến bệnh viện khu vực ở San Jose. Viên bác sĩ mắt húp híp vàng khè gặp chúng tôi, tự giới thiệu là bác sĩ nội trú năm thứ hai. Baba càu nhàu: “Trông hắn trẻ hơn con, và ốm yếu hơn ta”. Bác sĩ nội trú gửi chúng tôi đi kiểm tra X-quang. Khi y tá gọi chúng tôi vào, bác sĩ nội trú đang điền một hồ sơ khám bệnh.

– Mang giấy này đến bàn phía trước, – anh ta vừa nói vừa viết ngoáy vội.

– Đây là giấy gì? – Tôi hỏi.- Giấy chuyển viện – Tiếp tục ngoáy ngoáy.

– Để làm gì?

– Viện phổi!

– Thế là thế nào?

Anh ta liếc nhìn tôi rất nhanh. Nâng kính lên. Lại tiếp tục ngoáy:

– Ông ấy có một vết đen ở phổi phải. Tôi muốn họ kiểm tra xem sao.

– Một vết đen? – Tôi hỏi, căn phòng chợt trở nên quá hẹp.

– Ung thư à? – Baba vô tình hỏi thêm.

– Có thể. Dẫu sao cũng chỉ là nghi ngờ thôi, – viên bác sĩ lúng búng.

– Anh không thể nói rõ thêm cho chúng tôi ư? – Tôi hỏi.

– Thực sự là không. Trước hết cần chụp cắt lớp, rồi qua bác sĩ chuyên khoa phổi. – Anh ta trao cho tôi giấy chuyển viện – Anh nói bố anh hút thuốc lá phải không?

– Vâng.

Anh ta gật đầu. Hết nhìn tôi lại nhìn Baba và ngược lại:

– Hai tuần nữa họ sẽ gọi cho anh.Tôi muốn hỏi anh ta, tôi phải sống thế nào với cái từ “nghi ngờ” đó suốt hai tuần liền. Tôi phải ăn, đi làm, học hành thế nào? Làm sao anh ta có thể đuổi tôi về nhà với cái từ đó.

Tôi cầm tờ giấy chuyển viện và trao lại nó cho họ. Đêm đó, tôi đợi cho tới khi Baba đã ngủ để gấp một mảnh chăn lại. Tôi dùng nó như tấm thảm quỳ đề cầu kinh. Cúi đầu sát đất, tôi đọc những câu kinh nửa nhớ nửa quên trong kinh Koran – nhưng câu kinh mà giáo sĩ đã bắt chúng tôi thề phải thuộc lòng ở Kabul – và cầu xin lòng nhân từ của Thượng đế mà tôi không chắc tồn tại. lúc này tôi thèm được như giáo sĩ, thèm đức tin và sự chắc chắn của ông.

Hai tuần trôi qua, không thấy ai gọi. Và khi tôi gọi lại, người ta bảo tôi họ đã đánh mất tờ giấy chuyển viện rồi. Tôi có chắc là tôi đã trao lại cho họ không? Họ bảo ba tuần nữa họ sẽ gọi. Tôi phản đối kịch liệt và mặc cả từ ba tuần xuống một tuần để chụp cắt lớp, và hai tuần để đi bác sĩ.

Cuộc thăm khám của bác sĩ chuyên khoa phổi, Bác sĩ Schneider, đang diễn ra tốt đẹp thì Baba hỏi ông ấy gốc gác ở đâu, Bác sĩ Schneider nói nước Nga. Thế là Baba bỏ luôn.

– Xin thứ lỗi cho chúng tôi, bác sĩ, – tôi vừa nói vừa kéo Baba sang một bên.

Bác sĩ Schneider mỉm cười đứng lên, ống nghe vẫn trong tay.

– Baba, con đã đọc lý lịch của Bác sĩ Schneider ở phòng chờ. Ông ấy sinh ở Michigan. Michigan! Ông ấy là người Mỹ. Mỹ hơn cả bố và con.

– Ta không quan tâm hắn sinh ở đâu. Hắn là Roussi, – Baba nói, mặt cau có như đó là một từ bẩn thỉu. – Bố mẹ hắn là Roussi, ông bà hắn là Roussi. Ta thề trước vong hồn mẹ con, ta sẽ bẻ gãy cánh tay hắn, nếu hắn dám đụng vào ta.

– Bố mẹ Bác sĩ Schneider chạy khỏi Shorawi, bố không thấy ư? Họ chạy trốn.

Nhưng Baba không muốn nghe gì nữa. Đôi khi tôi nghĩ, thứ duy nhất ông yêu không kém sâu nặng so với người vợ thuở trước của ông chính là Afghanistan, cố hương của ông. Tôi đã suýt gào lên vì thất vọng. Thay vào đó, tôi thở dài và quay lại nói với ông Schneider:

– Xin lỗi bác sĩ. Thế này thì chẳng được việc gì.

Vị bác sĩ chuyên khoa phổi thứ hai, Bác sĩ Amani, là người Iran và Baba chấp nhận. Bác sĩ Amani, một người ăn nói nhỏ nhẹ, có bộ ria xoắn và mái tóc dài đốm bạc bảo chúng tôi ông phải xem xét lại kết quả chụp cắt lớp vi tính và sẽ phải thực hiện một thao tác gọi là nội soi khí quản để lấy một bệnh phẩm ở phổi phục vụ cho bệnh học. Ông sắp xếp việc đó vào tuần sau. Tôi cảm ơn ông, vừa giúp Baba ra khỏi phòng làm việc vừa nghĩ rằng bây giờ tôi phải sống một tuần liền với cái từ “bệnh phổi” này, một từ còn gở hơn cả từ “nghi ngờ”. Giá mà có Soraya ở đó cùng với tôi.

Té ra, giống như quỷ Satan, ung thư cũng có ba bảy đường. Cái của Baba gọi là “Khối u Tế bào quá sản.” – Đã di căn. Không thể phẫu thuật. Baba yêu cầu bác sĩ Amani cho biết chẩn đoán bệnh. Ông Amani cắn môi, dùng một từ “nặng”. Ông nói:

– Tất nhiên còn hoá trị liệu. Nhưng sẽ chỉ giảm nhẹ đi thôi.

– Như thế nghĩa là gì? – Baba hỏi.

Bác sĩ Amani thở dài. – Nghĩa là sẽ không thay đổi được kết cục. Chỉ kéo dài thêm thôi.

– Thế mới là một câu trả lời rõ ràng, bác sĩ Amani, cảm ơn ông, – Baba nói. – Nhưng không có hoá dược nào cho tôi hết.Vẫn cái nhìn quyết đoán trên gương mặt ông, như ngày nào ông buông cả một đống tem thực phẩm lên bàn của bà Dobbins.

– Nhưng Baba…

– Con đừng có thách thức ta ở chỗ công cộng, Amir. Đừng bao giờ. Con nghĩ con là ai?

Cơn mưa mà tướng Taheri nói tới lúc ở chợ trời đã muộn mấy tuần, nhưng khi chúng tôi bước ra khỏi phòng khám của Bác sĩ Amani, những chiếc xe qua lại đã bắn tung toé nước bẩn lên hai bên lề đường. Baba châm một điếu thuốc. Ông hút suốt lúc ra xe và suốt đoạn đường về nhà.

Lúc ông tra chìa khoá vào cửa gian sảnh, tôi nói:

– Baba, con mong bố sẽ cho hoá dược một cơ may.

Baba đút chùm chìa khoá vào túi, kéo tôi đến tránh mưa dưới mái bạt che của chung cư. Ông ngoáy bàn tay đang cầm thuốc lá vào ngực tôi:

– Thôi đi, bố đã quyết định rồi.

– Thế còn con, Baba? Con phải làm gì đây? – Tôi nói mà mắt rưng rưng.

Một cái nhìn chán chường lướt qua bộ mặt đẫm nước mưa của ông. Vẫn là cái nhìn ông ném cho tôi, thuở còn nhỏ, khi tôi ngã, trầy xước hai đầu gối và khóc. Tiếng khóc đã dẫn đến cái nhìn ấy khi xưa, tiếng khóc dẫn đến nó lúc này.

– Amir, con hai mươi hai tuổi rồi! Một người đàn ông trưởng thành! Con…

Ông mở miệng, khép lại, rồi lại mở miệng, nghĩ lại. Trên đầu chúng tôi, mưa rơi bồm bộp trên mái bạt che.

– Điều gì sẽ xảy ra với con, con nói xem nào? Tất cả những năm tháng vừa qua, chính là ta đã cố dạy con, đừng bao giờ phải hỏi câu hỏi đó.

Ông mở cửa, quay lại tôi:

– Còn một điều nữa. Không ai được biết việc này, con có nghe ta nói không? Không ai hết. Ta không muốn bất cứ ai thương hại.

Rồi ông biến mất trong hành lang nhờ tối. Phần còn lại ngày hôm đó, ông hút thuốc liên tiếp trước máy thu hình. Tôi không biết ông thách thức ai hoặc cái gì. Tôi ư? Tiến sĩ Amani? Hay có thể Thượng đế mà ông chẳng bao giờ tin cả.

Một thời gian, ngay cả ung thư cũng không thể ngăn ông đến chợ trời. Các ngày thứ Bảy chúng tôi lại có những chuyến đi vất vả đến các gara bán đồ cũ, Baba lái xe, tôi là hoa tiêu, và lại bày bán hàng vào những ngày Chủ nhật. Đèn đồng. Bao tay bóng chày, áo Jacket trượt tuyết có khoá đồng. Baba chào đón những người quen biết từ xứ sở cũ, và tôi cò kè với khách mua hàng tới một, hai đô la. Như thể mọi thứ đều quan trọng cả. Như thể cái ngày tôi sẽ trở nên côi cút sẽ không gần lại theo mỗi bận đóng quầy.

Đôi khi tướng Taheri và bà vợ ghé thăm. Ông tướng vẫn thói xã giao, chào tôi bằng một nụ cười và đưa cả hai tay ra bắt tay tôi. Nhưng thái độ của Khanum Taheri có đôi chút dè dặt khác trước. Một sự dè dặt chỉ bị phá vỡ bởi những nụ cười kín đáo chán chường, và những cái nhìn lén lút khi ông tướng chú ý nhìn chỗ khác.

Tôi vẫn nhớ giai đoạn đó như là một thời kỳ của nhiều cái “lần đầu”: Lần đầu tiên tôi nghe thấy Baba rên trong phòng tắm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy máu trên gối của ông. Hơn ba năm điều hành trạm bán ga dầu, Baba chưa bao giờ phải đi khám bệnh. Lại một cái lần đầu khác. Đến lễ Halloween năm đó. Giữa trưa thứ Bảy Baba mệt quá nên ông phải ngồi đợi sau tay lái, khi tôi ra ngoài mặc cả mua đồ cũ. Đến Lễ Tạ ơn, ông gục trước buổi trưa. Khi những xe trượt tuyết xuất hiện cạnh nhưng bãi cỏ mặt tiền và tạo lớp tuyết giả lên những cây linh sam Douglas, Baba ở lại nhà, và tôi đơn độc lái chiếc VW lui lui tới tới trên bán đảo.

Đôi khi tại chợ trời, những người Afghan quen biết bàn tán chuyện Baba sút cân. Lúc đầu họ biếu quà thăm hỏi. Nhưng những lời thăm hỏi và quà cáp ngừng lại khi việc sút cân vẫn không ngừng lại. Khi cân nặng tiếp tục rơi rụng. Và rơi rụng. Khi hai má ông hõm xuống, hai thái dương chảy ra. Và hai mắt thụt vào trong hốc mắt.

Rồi một Chủ nhật lạnh trời ít lâu sau ngày tết đầu năm, Baba đang bán một chiếc chụp đèn cho một người đàn ông Philipin to bè, trong khi tôi đang bới trong chiếc VW để tìm chăn phủ chân cho ông.

– Ê, có ai giúp ông này với! – Người đàn ông Philipin kêu toáng lên. Tôi ngoảnh lại thấy Baba nằm trên đất. Tay và chân đang giật giật.

– Komak! – Tôi kêu lên. – Ai giúp với! – Tôi chạy đến với Baba. Ông đang sùi bọt mép, bọt mép đầm đìa râu ông. Đôi mắt trợn trừng trắng dã.

Mọi người đổ xô đến chỗ chúng tôi. Tôi nghe thấy ai đó nói về cơn tai biến não. “Gọi 911”. Tôi nghe tiếng bước chân rầm rập. Trời tối lại khi mọi người xúm xít quanh chúng tôi.

Bọt mép Baba chuyển sang màu đỏ. Ông đang cắn lưỡi. Tôi quỳ xuống bên ông, ôm lấy hai cánh tay ông và nói, con đây, Baba, con đây, bố sẽ ổn thôi, con ở ngay đây. Như thể tôi có thể xoa dịu những cơn co giật của ông. Thuyết phục mọi người để Baba được ớ lại một mình. Tôi cảm thấy ươn ướt ở đầu gối. Thấy Baba đã vãi đái ra. Xì… xì, Baba jan, con ở đây. Con trai bố ở ngay đây mà.

Ông bác sĩ, râu bạc trắng và đầu hói trụi, kéo tôi ra khỏi phòng và bảo:

– Tôi muốn cùng anh xem kỹ lại phim chụp cắt lớp của bố anh.

Nói rồi, ông đặt mấy chiếc phim vào hộp chiếu ở hành lang, và chỉ bằng đầu tẩy bút chì lên ảnh khối u của Baba, như một cảnh sát hình sự chỉ những chân dung kẻ giết người cho gia đình nạn nhân xem. Óc Baba trên những tấm ảnh đó trông giống như mặt cắt ngang của quả óc chó lớn, lổn nhổn những hình giống quả bóng quần vợt.

– Như anh thấy đấy, khối u đã di căn, – ông nói. – Ông ấy phải dùng nhiều thuốc tổng hợp để giảm bớt những chỗ phù nề trong não và những thuốc ngừa tai biến. Và tôi khuyên nên điều trị phóng xạ giảm đau. Anh có hiểu thế là thế nào không?Tôi nói tôi hiểu. Tôi đã trở nên quá quen với những cuộc nói chuyện về ung thư.

– Thôi được rồi, – ông nói và kiểm tra lại máy nhắn tin của mình. – Tôi phải đi đây, nhưng anh có thể gọi cho tôi nếu anh muốn hỏi bất kỳ điều gì.

– Cảm ơn ông.

Suốt đêm ấy tôi ngồi trên một chiếc ghế, gần giường Baba.

Sáng hôm sau, phòng đợi phía dưới đại sảnh chật ních người Afghan. Ông hàng thịt ở Newark. Một kỹ sư làm việc với Baba ở trại mồ côi của ông. Họ lần lượt vào, bày tỏ lòng kính trọng với ông một cách lặng lẽ. Mong ông chóng bình phục. Baba tỉnh dậy, chệnh choạng và mệt mỏi, nhưng đã tỉnh dậy.

Giữa buổi sáng, tướng Taheri và bà vợ tới. Soraya đi theo. Chúng tôi liếc nhìn nhau, rồi nhìn đi chỗ khác ngay.

Tướng Taheri cầm tay Baba.

– Anh thế nào rồi, bạn tôi? Baba chỉ dây truyền tĩnh mạch treo trên cánh tay ông, khẽ mỉm cười. Tướng Taheri mỉm cười đáp lại.

– Anh không được chuốc lấy gánh nặng vào mình. Cả gia đình anh, – Baba nói, giọng khàn khàn.

– Làm gì có gánh nặng nào, – Khanum Taheri nói.

– Không có gánh nặng nào hết. Mà quan trọng hơn, anh cần gì không? – Tướng Taheri nói. – Không gì hết ư? Hãy yêu cầu tôi như anh yêu cầu một người anh em ruột thịt.

Tôi nhớ Baba một lần đã nói về người Pashtun. Có thể chúng ta ương ngạnh, và ta biết chúng ta quá kiêu hãnh, nhưng lúc cần thiết, hãy tin ta, không có ai hơn một người Pashtun ở bên con.

Baba lắc đầu trên gối:

– Anh đến đây làm tôi thấy sung sướng quá.

Ông tướng mỉm cười và xiết chặt bàn tay của Baba:

– Cháu thế nào, Amir jan? Cháu có cần gì không?

Cách ông đang nhìn thẳng vào tôi, lòng tốt trong đôi mắt ông…

– Không, cảm ơn bác. Tướng quân Sahib, cháu…

Cổ họng tôi nghẹn lại. Mắt tôi ràn rụa. Tôi vội lao ra ngoài.

Tôi khóc trong hành lang, bên cái hộp chiếu phim mà đêm trước tôi đã nhìn thấy mặt kẻ giết người.

Cánh cửa phòng Baba khẽ mở và Soraya bước ra. Nàng đứng cạnh tôi. Nàng mặc áo cộc tay màu xám và quần jeans. Tóc nàng xoã xuống. Tôi thật sự muốn được an ủi trong vòng tay nàng.

– Tôi rất tiếc, Amir, – nàng nói. – Cả nhà tôi đều biết có điều gì đó không ổn, nhưng chúng tôi không hề biết đến mức độ này.

Tôi lấy ống tay áo lau mắt:

– Ông không muốn cho ai biết cả.

– Anh có cần gì không?

– Không, – tôi cố mỉm cười. Nàng đặt tay lên tay tôi. Lần đầu tiên chúng tôi chạm vào nhau. Tôi nắm lấy bàn tay nàng. Đưa lên mặt tôi, mắt tôi. Tôi cứ để mặc như thế. – Cô nên quay vào trong thì hơn, nếu không cha cô sẽ để ý đến tôi.

Nàng mỉm cười và gật đầu.

– Tôi sẽ vào.

Nàng quay gót.

– Soraya?

– Dạ?

– Tôi rất sung sướng vì cô đã đến. Điều đó có ý nghĩa… rất nhiều với tôi.

Hai ngày sau họ cho Baba xuất viện. Họ đưa một chuyên gia được gọi là bác sĩ chuyên khoa phóng xạ trị ung thư đến để thuyết phục Baba điều trị phóng xạ. Baba từ chối. Họ lại cố thuyết phục tôi để tôi thuyết phục Baba. Nhưng tôi đã thấy cái nhìn trên gương mặt của Baba. Tôi cảm ơn họ, ký vào giấy xuất viện và mang Baba về nhà trong chiếc xe Ford Torino của tôi.

Đêm đó Baba nằm trên trường kỷ, một chiếc chăn len đắp lên người. Tôi mang cho ông trà nóng và hạt hạnh nhân rang. Hai cánh tay tôi ôm ngang lưng ông và kéo ông ngồi dậy quá dễ. Có cảm giác bả vai ông như một cánh chim dưới ngón tay tôi. Tôi kéo chăn lên trên ngực ông, ở xương ngực lộ ra dưới lớp da mỏng và sạm lại.

– Con có thể làm gì khác nữa cho Baba không?

– Không, bachem. Cảm ơn con.

Tôi ngôi bên cạnh ông:

– Vậy thì con không biết, liệu bố có làm một điều gì đấy cho con không, nếu bố chưa quá kiệt sức?

– Điều gì?

– Con muốn bố đi Khastegari. Con muốn bố hỏi con gái tướng Taheri cho con.

Đôi môi khô héo của Baba rặn ra một nụ cười. Một đốm xanh trên chiếc lá héo:

– Con chắc chứ?

– Chắc hơn bất cứ điều gì con từng tin chắc.

– Con đã nghĩ kỹ chưa?

– Balay 8, Baba…

– Vậy đưa điện thoại đây cho bố. Cả cuốn sổ tay của bố nữa.

Tôi chớp chớp mắt:

– Ngay bây giờ?

– Vậy bao giờ?

Tôi cười:

– Ok.

Tôi đưa điện thoại cho ông và cuốn sổ nhỏ bìa đen Baba ghi vội những số điện thoại của bạn bè. Ông tra số của gia đình Taheri. Bấm số. Đưa ống nghe lên tai. Tim tôi như múa balê trong lồng ngực.

– Jamila jan phải không? – Salaam alaykum, – ông nói. Ông giới thiệu tên. Ngừng. – Đỡ hơn nhiều, cảm ơn chị. Anh chị thật tử tế đã đến thăm. – Ông lắng nghe một chốc. Gật đầu. – Tôi sẽ ghi nhớ, cảm ơn chị. Tướng quân Sahib có nhà không ạ – Ngừng. – Cảm ơn chị.

Ông nháy mắt với tôi. Chẳng hiểu sao tôi muốn cười thật to. Hoặc gào lên. Tôi đưa nắm tay chặn miệng và cắn chặt.

Baba khẽ cười hắt ra đằng mũi.

– Tướng quân Sahib, Salaam alaykum..

– Vâng đỡ hơn nhiều lắm… Anh thật tốt. Tướng quân Sahib, tôi gọi để hỏi anh, có thể cho phép tôi đến thăm anh và KhanumTaheri sáng mai không. Một chuyện tôn nghiêm…Vâng… Mười một giờ là đẹp nhất. Mai nhé. Khoda hãfez. Tạm biệt.

Ông cúp máy. Chúng tôi nhìn nhau. Tôi bật cười khúc khích. Ông cũng khúc khích cười theo.

Baba dấp nước vào tóc và chải hất ra sau. Tôi giúp ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng sạch và thắt cà vạt cho ông, thấy cổ áo ông lỏng ra đến năm phân. Tôi nghĩ đến những khoảng trống ông để lại phía sau khi ông ra đi, và tôi bắt mình phải nghĩ về một điều khác. Ông không ra đi. Chưa. Và hôm nay là một ngày để nghĩ những điều tốt lành. Chiếc áo jacket trong bộ lễ phục màu nâu của ông, bộ ông mặc ngày tôi tốt nghiệp, lõng thõng trên người – Baba đã nhẽo ra quá nhiều không còn mặc vừa nữa. Tôi phải xắn hai ống tay lên. Tôi cúi xuống buộc dây giày cho ông.

Gia đình Taheri sống trong một ngôi nhà một tầng mái bằng lại khu dân cư ở Fremont, nơi có rất đông người Afghan. Ngôi nhà có những cửa sổ nhô ra, mái dốc, tiền môn khép kín, trên đó tôi thấy những chậu hoa Thiên trúc quỳnh. Chiếc xe chở hàng màu xám của ông tướng đậu ở lối xe vào.

Tôi đỡ Baba ra khỏi chiếc Ford, rồi lại lui vào phía sau tay lái. Ông dựa người vào cửa xe:

– Cứ về nhà, một giờ nữa bố sẽ gọi cho con.

– Yên tâm. Baba, – tôi nói. – Chúc bố may mắn.

Ông mỉm cười.

Tôi lái xe đi. Trong gương chiếu hậu, Baba đang loạng choạng bước lên lối xe tới cửa nhà ông Taheri, để làm cái nghĩa vụ cuối cùng của người cha.

Tôi đi đi lại lại trong phòng khách căn hộ của chúng tôi đợi Baba gọi. Mười lăm bước chiều dài. Mười bước rưỡi chiều rộng. Nhỡ ông tướng bảo không thì sao? Nhỡ ông ấy ghét tôi thì sao? Tôi vẫn bước vào bếp kiểm tra chiếc đồng hồ hẹn giờ.Chuông điện thoại reo đúng trước buổi trưa.

– Thế nào bố?

– Ông tướng nhận lời.

Tôi thở phào. Ngồi phịch xuống. Hai tay tôi run run.

– Ông ấy nhận rồi ư?

– Ừ, nhưng Soraya jan ở trên gác trong phòng riêng của con bé. Con bé muốn nói chuyện với con trước đã.

– Được thôi ạ.

Baba nói với ai điều gì đó và có tiếng cạch hai lần khi ông dập máy.

– Amir phải không? – Giọng của Soraya.

-Salaam.

– Bố em nói đồng ý.

– Anh biết, – tôi nói. Tôi đổi tay cầm máy. Tôi đang mỉm cười, – Anh rất hạnh phúc. Anh không biết nói gì nữa.

– Em cũng hạnh phúc, Amir. Em… không thể tin nổi điều này lại xảy ra.

Tôi cười:

– Anh biết.

– Nghe đây, – nàng nói. – Em muốn nói với anh một điều. Một điều anh phải biết trước khi…

– Anh không quan tâm điều gì hết.

– Anh cần phải biết. Em không muốn chúng ta khởi đầu bằng những bí mật. Và em muốn anh nghe từ em thì hơn.

– Nếu như thế khiến em cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng sẽ không làm thay đổi điều gì hết.

Một quãng dừng lâu ở đầu kia.

– Khi gia đình em sống ở Virginia, em chạy trốn cùng một người đàn ông Afghan. Lúc đó em mười tám… dễ nổi loạn… ngốc nghếch, và… hắn nghiện ma tuý… chúng em đã sống chung với nhau gần một tháng. Mọi người Afghan ở bang Virginia đều bàn tán về chuyện đó.Cuối cùng Padar cũng tìm thấy chúng em. Ông hiện ra ở cửa và bắt em phải về nhà. Em phát cuồng. Hét lên. Kêu thét. Rằng em ghét ông… Dẫu sao em cũng đã về nhà, và… – Nàng khóc – Tha lỗi cho em.

Tôi nghe thấy nàng buông máy. Hỉ mũi.

– Buồn thay. – Nàng tiếp tục, giọng khàn đi. – Khi em về đến nhà, em thấy mẹ em bị một cơn đột quỵ, bên phải mặt mẹ bị liệt và… Em cảm thấy vô cùng tội lỗi. Mẹ không đáng phải như vậy. Ít lâu sau Padar chuyển gia đình tới California.Một lúc im lặng tiếp theo.

– Rồi bố em và em thế nào? – Tôi hỏi.

– Bố con em vẫn luôn có sự khác biệt, bây giờ vẫn thế, nhưng em biết ơn ông đã đến cứu em hôm đó. Em thực sự tin ông đã cứu em. – Nàng dừng lại. – Vậy, những gì em nói có làm anh băn khoăn không?

– Một chút, – tôi nói. Tôi có bổn phận phải thành thật lại với nàng. Tôi không thể dối nàng mà bảo rằng lòng kiêu hãnh của tôi, Iftikhar 9 của tôi, không bị chạm nọc trước sự thực nàng đã từng cùng một người đàn ông, trong khi đó tôi chưa hề mang một người đàn bà nào lên giường. Tôi có băn khoăn một chút, nhưng tôi đã cân nhắc điều đó nhiều lần mấy tuần liền trước khi yêu cầu Baba đến khastegari. Và vào phút cuối, câu hỏi luôn trở lại với tôi là thế này: Làm sao tôi có thể là loại người đi trừng phạt nghiêm khắc ai đó về quá khứ của họ?

– Nó có làm anh băn khoăn đến mức thay đổi ý định không?

– Không. Soraya. Không một chút nào, – tôi nói. – Không gì em nói làm thay đổi bất cứ điều gì hết. Anh muốn chúng ta cưới nhau.

Nàng oà khóc.

Tôi thèm được như nàng. Bí mật của nàng đã hết. Đã nói ra. Giải quyết rồi. Tôi mở miệng và suýt đã kể cho nàng nghe tôi đã phản hội Hassan, lừa dối, đuổi cậu ấy đi, và huỷ hoại tình thân thiết bốn mươi năm giữa Baba và Ali như thế nào. Nhưng tôi đã không nói. Tôi ngờ rằng về nhiều mặt Soraya là người tốt hơn tôi. Lòng can đảm chính là một trong số đó.

——————————–1 Ahmaq: Thằng ngốc.

2 Mojarad: Trai tân, thanh niên chưa vợ.

3 Wooooy: Tiếng cảm thán, tỏ ý chê trách, miệt thị.

4 Mohtaram: Gái chưa chồng.

5 Alef beh: Sách vỡ lòng ABC.

6 “Tu”: Tiếng xưng hô thân mật để gọi người đang nói chuyện với mình, có lẽ bắt nguồn từ “Tu” trong tiếng Pháp.

7 Shoma: Tiếng xưng hô xã giao để gọi người đang nói chuyện với mình.

8 Balay: như từ OK, được rồi, tốt thôi, yên tâm đi.

9 Iftikhar: Cũng có nghĩa lòng kiêu hãnh.

Bình luận
720
× sticky