Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương XVI

Tác giả: Khaled Hosseini

Có nhiều lý do khiến chú đến Hazarajat năm 1986 để tìm Hassan. Lý do chủ yếu, thánh Allah xá tội cho chú, là chú cô đơn quá. Lúc đó phần lớn bạn bè và người thân hoặc bị giết hoặc đã trốn khỏi đất nước sang Pakistan hay Iran. Chú hầu như không quen biết ai nữa ở Kabul, cái thành phố mà chú đã từng sống trọn đời. Mọi người đều trốn hết. Chú thường đi bộ đến tiểu khu Karteth – Parwan – nơi những người bán dưa vẫn sống ở đó những ngày xa xưa, cháu còn nhớ tụ điểm ấy chứ – Và chú thường không nhận ra ai ở đấy nữa. Chẳng ai đón chào, chẳng có ai để cùng ngồi uống trà, chẳng có ai để kể chuyện với nhau, chỉ có mỗi bọn lính Roussi tuần tiễu trên đường phố. Rốt cuộc, chú đành thôi không ra phố nữa. Ngày ngày chú ở lì trong nhà của bố cháu, lên phòng đọc, đọc những cuốn sách cũ của mẹ cháu, nghe tin tức, xem bọn chúng tuyên truyền trên ti vi. Rồi chú thường cầu kinh namaz, nấu món gì đó ăn, đọc sách thêm, lại cầu nguyện, và lên giường ngủ. Buổi sáng, chú thường dậy sớm, cầu nguyện, nguyện đi nguyện lại mãi.

Và bệnh đau khớp của chú khiến việc chăm nom ngôi nhà trở nên khó khăn hơn. Hai đầu gối và lưng chú luôn đau nhức – chú thường dậy vào buổi sáng và phải mất ít nhất một giờ để vặn vẹo cho đỡ cứng các khớp xương, nhất là về mùa đông. Chú không muốn để cho ngôi nhà của bố cháu bị hư hỏng, chúng ta đã từng có biết bao giờ phút đẹp đẽ trong ngôi nhà đó có quá nhiều kỷ niệm, Amir jan ạ. Như thế thật không phải – bố cháu đã tự tay thiết kế ngôi nhà đấy, mà ngôi nhà mang quá nhiều ý nghĩa đối với ông ấy, và hơn nữa, chú đã hứa với Baba của cháu, chú sẽ chăm nom nó khi ông ấy và cháu bỏ sang Pakistan. Lúc này chỉ mỗi chú với ngôi nhà và… chú đã làm hết sức mình. Chú đã cố tưới tắm cho cây cối vài ngày một lần, cắt cổ và chăm sóc hoa, sửa chữa những gì cần sửa, nhưng rồi chú cũng đâu phải là một người đàn ông trẻ nữa.

Mà kể cả như thế, đáng lẽ chú đã có thể cố gắng. Ít nhất cũng thêm một thời gian nữa. Nhưng tin bố cháu qua đời ập đến… lần đầu tiên chú cảm thấy một sự cô đơn khủng khiếp trong ngôi nhà ấy. Một sự trống vắng không thể nào chịu nổi.

Thế là một hôm, chú đổ dầu vào chiếc Buick và lái tới Hazarajat. Chú nhớ sau khi ông Ali tự xin ra khỏi ngôi nhà, bố cháu nói cho chú biết ông ấy và Hassan chuyển đến một ngôi làng nhỏ, ngay ngoại ô Bamiyan. Theo như chú nhớ, ông Ali có người họ hàng ở đó. Chú không biết liệu Hassan có còn ở đó ấy không, liệu có ai biết gì về nó hoặc nơi nó ở hay không. Chung quy lại, cũng đã mười năm từ khi ông Ali và Hassan rời khỏi ngôi nhà của bố cháu. Vào khoảng 1986 thì Hassan có lẽ đã trưởng thành, hăm hai, hăm ba tuổi gì đó. Nếu nó vẫn còn sống là vì bọn Shorawi, mong cho chúng chết thối rữa dưới địa ngục vì những gì chúng đã làm với những watan của chúng ta, chúng giết quá nhiều những chàng trai, chuyện đó chú không cần kể với cháu nữa.

Nhưng ơn trời, chú đã tìm thấy nó ớ đó. Cũng không phải mất công tìm kiếm mấy, tất cả những gì chú phải làm là hỏi thăm vài câu ở Bamiyan, và người ta chỉ cho chú ngôi làng của nó. Chú cũng chẳng nhớ tên ngôi làng nữa hoặc chẳng biết nó có tên không. Nhưng chú vẫn nhớ đó là một ngày hè thiêu đốt và chú đang cho xe chạy trên một con đường đất đầy vết bánh xe, chẳng có thứ gì ở hai bên ngoài những bụi cây gày guộc và cỏ khô như rơm. Chú đi qua một con lừa chết thối bên lề đường, rồi theo một lối rẽ, và ngay giữa vùng đất trơ trọi ấy, chú thấy một cụm những ngôi nhà vách đất, xa hơn nữa chẳng có gì ngoài trời rộng bao la và núi đá lởm chởm như răng nhọn.

Người dân ở Bamiyan đã bảo chú là tìm nó dễ thôi – Nó sống trong ngôi nhà duy nhất có vườn xây tường trong cả cái làng đó. Tường đất, thấp và thủng lỗ chỗ, bao kín ngôi nhà nhỏ – thực sự chẳng hơn mấy một túp lều ra vẻ ta đây. Những đứa trẻ chân trần nô đùa trên đường làng, lấy gậy đánh một quá bóng quần vợt nhồi vải, và chúng chăm chú nhìn khi chú lái xe đến và tắt máy. Chú gõ vào cánh cổng gỗ rồi bước qua. vào một cái sân hầu như trống trải ngoại trừ một bụi dâu tây khô cháy và cây chanh trơ trụi. Có một cái lò nướng tandoor ở góc sân, dưới bóng cây keo, và chú thấy một người đàn ông ngồi xổm bên cạnh lò. Anh ta đang phết bột nhão lên một cái bàn xẻng 1 bằng gỗ rộng và vỗ vỗ vào thành lò tandoor. Anh ta buông rơi bột khi nhìn thấy chú. Chú phải ngăn nó không được hôn tay chú.

– Để chú nhìn cháu xem nào, – chú nói. Nó đứng lui ra.

Nó cao lớn quá rồi. Chú đứng kiễng chân lên mà chỉ tới cằm nó. Mặt trời Bamiyan đã tôi luyện nước da của nó, hoá thẫm hơn là chú nhớ, và nó đã bị mất vài cái răng cửa. Có mấy sợi râu lơ thơ dưới cắm. Ngoài những cái đó ra, vẫn đôi mắt hẹp màu xanh lục, vẫn cái sẹo đó ở môi trên, vẫn bộ mặt tròn trĩnh đó, nụ cười đáng yêu đó. Cháu cũng sẽ nhận ra nó, Amir jan. Chú tin chắc như vậy.

Hai chú cháu vào nhà, có một phụ nữ Hazara trẻ làn da tươi sáng đang khâu một chiếc khăn ở góc nhà. Cô ta rõ ràng đang đợi ngày lâm bồn.

– Chú Rahim Khan, đây là vợ cháu, – Hassan nói, vẻ tự hào. – Cô ấy là Farzana jan.

Cô ta là một phụ nữ bẽn lẽn, rất ư thanh nhã với giọng nói hầu như không cao hơn tiếng thì thầm, và thường không ngước đôi mắt màu nâu lục hạt để gặp cái nhìn chăm chú của ta. Nhưng cái cách cô ta nhìn Hassan thì có thể nói như Hassan đang ngồi trên ngai vàng của cung điện Arg vậy.

– Khi nào đứa bé ra đời? – Chú hỏi sau khi tất cả đã yên vị quanh căn phòng tường gạch đất nung. Chẳng có thứ gì ở trong phòng, ngoài một tấm thảm quỳ để cầu kinh sờn cũ, vài chiếc đĩa, một đôi đệm nằm, và một cái đèn.

-Inshallah, mùa đông này ạ, – Hassan nói. – Cháu đang cầu xin cho thằng bé được mang tên cha cháu.

– Nhân thể nói tới Ali, ông ấy đâu?

Hassan cụp mắt xuống. Kể cho chú biết ông Ali và người anh em họ – người chủ ngôi nhà này bị giết chết bởi một quả mìn hai năm trước, ngay bên ngoài khu Bamiyan. Một quả mìn. Lại có thêm một cách chết nữa cho người Afghan, phải không Amir jan? Và vì lý do điên rồ nào đó chú tuyệt đối tin rằng chính cái chân phải của ông Ali, cái chân bị vặn đi vì teo cơ cuối cùng đã phản bội ông ấy, và đạp lên quả mìn chôn. Chú đau buồn vô cùng khi nghe nói ông Ali đã chết. Bố cháu và chú lớn lên cùng nhau, như cháu đã biết, và ông Ali cũng đã từng ở bên bố cháu, theo như chú nhớ, lâu không biết chừng nào. Chú nhớ khi tất cả chúng ta còn nhỏ, cái năm ông Ali bị viêm tuỷ xám và gần sắp chết. Bố cháu thường suốt ngày chạy quanh nhà kêu khóc.

Farzana làm cho chúng ta món shorwa bằng đỗ, củ cải và khoai tây. Bọn ta rửa tay và nhúng bánh naan vừa mới ở lò tandoor ra vào món shorwa – đó là bữa ăn ngon nhất mà chú từng ăn trong nhiều tháng trời. Thế rồi chú yêu cầu Hassan chuyển đến Kabul với chú. Chú nói cho nó biết về ngôi nhà, một mình chú không thể trông nom nổi ra sao. Chú bảo nó chú sẽ trả công nó tử tế, rằng nó và khanum của nó sẽ được đầy đủ. Hai vợ chồng nó nhìn nhau và không nói gì. Lát sau, sau khi hai chú cháu rửa tay và Fanana mời cả hai ăn nho, Hassan mới nói ngôi làng bây giờ là nhà của nó, nó và Farzana đã gây dựng cuộc đời hai vợ chồng nó ở đó.

– Và Bamiyan rất thân thiết với nhau. Chúng cháu quen biết mọi người ở đây. Thứ lỗi cho cháu. Rahim Khan. Cháu cầu xin chú hiểu cho cháu.

– Dĩ nhiên. – chú nói. – Cháu không có gì phải xin lỗi cả. Chú hiểu.

Giữa lúc uống trà sau bữa shorwa, Hassan hỏi về cháu. Chú bảo nó cháu đang ở Mỹ, nhưng chú cũng chẳng biết gì nhiều hơn. Hassan hỏi rất nhiều về cháu. Cháu đã cưới vợ chưa? Có con chưa? Có cao lớn không? Có còn thả diều và đi đến rạp chiếu phim không? Có hạnh phúc không?Nó nói, nó kết bạn với một thầy giáo già dạy tiếng Farsi ở Bamiyan, ông ấy đã dạy nó đọc và viết. Nếu nó viết cho cháu một bức thư, liệu chú có chuyển hộ cho nó đến cháu không? Và chú có nghĩ cháu sẽ viết thư trả lời không? Chú bảo nó những gì chú biết về cháu là từ mấy cuộc điện đàm với cha cháu, nhưng chủ yếu là chú không biết trả lời nó như thế nào. Rồi nó hỏi chú về cha cháu. Khi chú kể cho nó, Hassan hai tay bưng mặt khóc nức nở. Nó khóc như một đứa trẻ suốt đêm hôm đó.

Hai vợ chồng nó khăng khăng đòi chú nghỉ đêm ở đó. Farzana sắp xếp một giường ngủ nhỏ cho chú và để một cốc nước đầy, phòng chú khát. Suốt đêm, chú nghe cô ấy thì thào với Hassan và thấy nó thổn thức.Sáng ra Hassan bảo chú nó và Farzana đã quyết định chuyển đến Kabul ở với chú.

– Lẽ ra chú không nên đến đây, – chú nói, – cháu nói đúng, Hassan jan, cháu có một cuộc sống ở đây. Chú thật là mạo muội mới tới đây, yêu cầu cháu từ bỏ mọi thứ. Chính chú mới cần được tha thứ.

– Chú Rahim Khan, chúng cháu có gì nhiều mà từ bỏ, – Hassan nói. – Mắt nó vẫn còn đỏ và sưng lên. – Chúng cháu sẽ đi với chú. Chúng cháu sẽ giúp chú chăm nom ngôi nhà.

– Cháu có tuyệt đối chắc không?

Nó gật và gục đầu xuống:

– Agha sahib như là người cha thứ hai của cháu. Cầu trời cho ông được bình yên.

Vợ chồng nó xếp đống những đồ đạc của mình vào giữa mấy miếng vải cũ và buộc các góc lại với nhau. Bọn chú chất cái bó ấy lên chiếc xe Buick. Hassan đứng ở ngưỡng cửa cầm cuốn kinh Koran lúc mọi người lần lượt hôn và đi qua bên dưới. Rồi tất cả rời về Kabul. Chú vẫn nhớ khi chú lái xe đi khỏi đấy, Hassan còn quay lại nhìn lần cuối ngôi nhà họ.

Khi về tới Kabul. chú phát hiện Hassan không có ý định chuyển vào ở trong ngôi nhà. Chú nói:

– Nhưng tất cả các phòng đều trống rỗng, Hassan jan. – Sẽ không có ai đến sống ở đấy nữa.Nhưng nó lại không muốn. Nó bảo đây là vấn đề ihtiram, là sự tôn trọng. Nó và Farzana chuyển đồ đạc vào cái lều ở sân sau, nơi nó đã sinh ra. Chú nài nỉ để hai vợ chồng nó chuyển đến một trong những phòng khách ở trên gác, nhưng Hassan không chịu nghe.

– Amir agha sẽ nghĩ sao? – Nó bảo chú thế. – Cậu ấy sẽ nghĩ sao khi cậu ấy trở về Kabul sau cuộc chiến và thấy cháu đã chiếm một chỗ của cậu ấy trong cái nhà này?

Rồi để tướng nhớ, tiếc thương bố cháu. Hassan đã mặc đồ đen bốn mươi ngày sau.

Chú không muốn hai vợ chồng nó phải thế, nhưng cả hai đã làm tất cả những việc bếp núc, quét dọn. Hassan chăm sóc hoa ở ngoài vườn, tưới gốc, nhặt lá vàng và trong những khóm hồng. Nó sơn lại tường. Trong nhà, nó quét những phòng bao nhiêu năm không ai ngủ, dọn rửa phòng tắm không ai tắm. Cứ như nó sửa soạn nhà cho ai đó trở về. Cháu còn như bức tường phía sau hàng cây ngô bố cháu đã trồng chứ. Amir jan? Cháu và Hassan đã gọi nó thế nào nhỉ, “Bức tường Ngô ốm” phải không? Một quả tên lửa đã phá huỷ hoàn toàn một phần của bức tường đó vào giữa cái đêm đầu thu đó. Hassan đã tự tay xây lại bức tường, từng viên gạch một, cho đến khi nó đứng vững trở lại. Chú không biết chú sẽ làm gì nếu nó không đến ở đấy.

Rồi cuối mùa thu năm ấy, Farzana sinh một bé gái bị chết lưu. Hassan hôn lên bộ mặt đứa bé không còn sinh khí, và chúng ta chôn nó ở sân sau, gần những bụi tầm xuân. Chúng ta phủ lên nấm mồ nhỏ lá của những cây bạch dương. Chú đọc kinh cầu cho đứa bé. Farzana ở lì suốt ngày trong túp lều than khóc – tiếng hờ của người mẹ là một âm thanh nghe đứt ruột đứt gan, Amir jan ạ. Chú cầu Đức Allah để cháu đừng bao giờ nghe thấy.

Bên ngoài những bức tường của ngôi nhà, là một cuộc chiến tranh điên dại. Nhưng cả ba chúng ta, trong ngôi nhà của bố cháu, chúng ta tạo một nơi ẩn trú riêng để tránh khỏi cuộc chiến. Mắt chú bắt đầu bị mờ đi vào cuối những năm thập kỷ 80, nên chú phải nhờ Hassan đọc hộ chú những cuốn sách của mẹ cháu. Chúng ta thường ngồi ở tiền sảnh, bên lò sưởi, và Hassan thường đọc cho chú nhưng tác phẩm của Masnawi hoặc Khayyám trong khi Farzana nấu nướng ở trong bếp. Và sáng nào Hassan cũng đặt một bó hoa trên nấm đất nhỏ cạnh nhưng bụi tầm xuân.

Vào đầu năm 1990, Farzana lại mang thai. Cũng vào năm đó giữa mùa hè, một người đàn bà choàng burqa 2 màu xanh da trời một buổi sáng đến gõ cổng trước. Khi chú bước vội ra cổng, bà ta đã đang lảo đảo trên đôi chân như thể quá yếu không đứng vững nổi. Chú hỏi xem bà ta muốn gì, nhưng bà không có ý trả lời.

– Bà là ai – Chú hỏi. Nhưng bà ta đã ngã quỵ xuống ngay ở đó, trên lối xe vào. Chú hét gọi Hassan và nó giúp chú khiêng bà ta vào trong nhà, tới phòng khách. Chúng ta đặt bà ta nằm trên chiếc sofa và cởi burqa của bà ta ra. Dưới chiếc khăn, chúng ta thấy một bà già đã móm hết răng với mái tóc hoa râm và những vết viêm loét trên hai cánh tay. Bà ta có vẻ như đã nhiều ngày không ăn. Nhưng điều tệ hại nhất là khuôn mặt của bà ấy. Ai đã rạch dao lên đó và… Amir jan, những vết rạch xiên ngang cắt dọc. Một trong những vết rạch cắt từ xương má lên tận chân tóc và không chừa mắt trái của bà ta. Trông cực kỳ ghê sợ. Chú lấy một miếng vải ướt vỗ nhẹ vào lông mày bà ta và bà ta mở mắt, thều thào:

– Hassan đâu?

– Con ở ngay đây thôi, – Hassan nói. Nó cầm lấy bàn tay bà ta và bóp chặt.Con mắt lành của bà ấy quấn lấy nó:

– Ta đã đi bộ rất lâu và rất xa để xem liệu con có bằng xương bằng thịt như con vẫn hiện ra trong những giấc mơ của ta không. Và con đã đúng như thế. Thậm chí còn hơn. – Bà ta kéo tay nó lên bộ mặt chằng chịt sẹo của mình. – Xin con cười với ta một cái.Hassan mỉm cười và bà già khóc:

– Con cũng cười khi vừa lọt lòng mẹ, đã ai bảo cho con biết bao giờ chưa? Và mẹ đã không cả bế con. Thánh Allah tha tội cho mẹ, mẹ đã không cả bế con.

Chẳng ai trong chúng ta từng gặp Sanaubar kể từ khi bà ta bỏ theo đám du ca và vũ công năm 1964, ngay sau khi sinh Hassan. Cháu cũng không bao giờ trông thấy bà ấy, Amir, nhưng vào tuổi thanh xuân của mình, bà ấy là một trang tuyệt sắc. Bà ấy có nụ cười má lúm đồng tiền và một dáng đi khiến đàn ông phát điên. Không ai trên đường phố gặp bà ấy, dù là đàn ông hay đàn bà, lại có thể chỉ nhìn bà ấy một lần. Vậy mà lúc bấy giờ…

Hassan buông tay bà ấy và đột ngột lao ra khỏi phòng. Chú đuổi theo nó, nhưng nó chạy quá nhanh. Chú thấy nó chạy lên ngọn đồi nơi hai cháu vẫn thường chơi đùa, hai chân nó đá bung những lớp bụi lên. Chú để mặc nó đi. Chú ngồi cùng bà Sanaubar suốt ngày từ lúc trời sáng xanh cho đến lúc tím sẫm. Khi đêm xuống và trăng lướt qua mây, Hassan vẫn không về. Sanaubar khóc, nói bà ta trở về đây là sai lầm, một sai lầm, có thể còn tệ hại hơn cả bỏ đi. Nhưng chú giữ bà ấy ở lại. Chú biết, Hassan sẽ quay về.

Sáng hôm sau nó trở về, trông mệt mỏi và rã rời, như thể suốt đêm không ngủ. Nó lấy cả hai tay cầm lấy tay Sanaubar, bảo bà muốn khóc bao nhiêu thì khóc nhưng không cần phải thế, bây giờ bà đã về nhà, cùng với gia đình bà. Nó sờ lên nhưng vết sẹo trên mặt bà và lùa bàn tay vào tóc bà.

Hassan và Farzana chăm nom, săn sóc cho bà trở lại mạnh khoẻ. Chúng bón cơm, giặt quần áo cho bà. Chú cho bà ấy ở một trong những phòng khách ở trên gác. Đôi khi chú thường nhìn qua cửa sổ ra sân và chứng kiến Hassan cùng mẹ nó quỳ xuống hái cà chua hoặc cắt xén bụi hồng, vừa trò chuyện. Họ đã lấy lại được những năm đã mất, chú cho là như vậy. Theo như chú biết, nó chẳng bao giờ hỏi mẹ đã từng ở đâu, tại sao lại bỏ nơi ấy, và bà ấy cũng chẳng bao giờ nói. Chú cho rằng có những chuyện không cần phải kể.

Chính Sanaubar đỡ đẻ cho đứa con trai của Hassan mùa đông năm 1990 đó. Tuyết chưa bắt đầu rơi, nhưng gió mùa đông đã thổi qua sân, nghiêng ngả những thảm hoa và làm xào xạc lá cây. Chú nhớ Sanaubar ra khỏi túp lều bế theo đứa cháu trai, được bọc trong một chiếc chăn len. Bà đứng rạng rỡ dưới bầu trời u ám, nước mắt trào xuống hai bên má, gió lạnh như kim châm thổi vào tóc, và ủ ấp đứa bé trong đôi cánh tay như thể chẳng bao giờ muốn rời nó ra. Không phải lần này. Bà trao đứa bé cho Hassan, Hassan trao nó cho chú và chú hát bài kinh Aylat-ul-Kursi 3 sát tai thằng bé.

Họ đặt tên cho nó là Sohrab, theo tên nhân vật anh hùng mà Hassan yêu thích trong cuốn Shahnamah, như cháu đã biết, Amir jan. Nó là một thằng bé xinh đẹp, ngọt ngào như đường, và tính nết cũng ôn hoà như bố nó. Lẽ ra cháu nên gặp Sanaubar và thằng bé, Amir jan. Nó trở thành trung tâm cuộc sống của bà ấy. Bà ấy may quần áo cho nó, làm đồ chơi cho nó từ những miếng gỗ, vải vụn và cỏ khô. Khi nó bị cảm sốt, bà ở lại với nó suốt đêm và ăn chay ba ngày liền. Bà đốt isfand 4 cho nó trên một cái xoong nhỏ có cán, để xua đuổi nazar, cái mắt ma đi. Đến lúc Sohrab đã lên hai, nó gọi bà bằng Sasa. Hai bà cháu không thể rời nhau.

Bà sống được đến lúc thấy nó đã lên bốn, thế rồi, một buổi sáng bà không tỉnh dậy nữa. Trông bà có vẻ thư thái, bình yên, như thể bà không còn nghĩ đến cái chết. Chúng ta chôn bà ở nghĩa địa trên đồi, cái nghĩa địa có cây lựu ở bên, và chú cũng đã cầu nguyện cho bà ấy. Sự mất mát đè nặng lên Hassan – có rồi lại mất luôn luôn đau hơn cả việc không có ngay từ đầu. Nhưng mất mát còn đè nặng hơn lên thằng bé Sohrab.Nó liếp tục đi quanh quẩn khắp nhà tìm Sasa, nhưng cháu đã biết trẻ con là thế nào, chúng quên đi rất nhanh.Lúc đó – có lẽ vào năm 1995 – bọn Shorawi đã bị đánh bại và cuốn xéo từ lâu, Kabul thuộc về Massoud, Rabbani và quân Mujahedin. Cuộc xung đột nội bộ giữa các bè phái rất khốc liệt và không ai biết liệu chúng ta có còn sống cho đến hết ngày không. Tai chúng ta trở nên quen với tiếng rít của những quả đạn pháo, với tiếng nổ đùng của súng máy, mắt quen nhìn người ta đào bới xác người ở những đống gạch vụn. Kabul những ngày đó, Amir jan, gần như một chốn địa ngục trần gian. Tuy vậy, thánh Allah nhân từ đôi với chúng ta, quận Wazir Akbar-Khan không bị tấn công nhiều lắm, nên chúng ta không phải chịu cảnh tệ hại như vài quận láng giềng khác.

Vào những ngày đó khi đã bớt đạn tên lửa bắn ra và giao tranh cũng thưa dần, Hassan thường mang Sohrab đến vườn thú xem sư tử Marjan, hoặc tới rạp chiếu phim. Hassan dạy nó bắn súng cao su thế nào, và, sau đó, lúc tám tuổi, Sohrab đã trở nên thiện xạ về ngón này: Nó có thể đứng trên thềm nhà, cách nửa cái sân, bắn trúng quả thông dựng trên một cái thùng. Hassan dạy con đọc và viết – con nó lớn lên sẽ không mù chữ như nó. Chú càng ngày càng gắn bó với thằng bé – Chú đã thấy nó chập chững những bước đầu tiên, nghe nó bập bẹ nói những tiếng đầu tiên. Chú mua sách trẻ con cho Sohrab ở hiệu sách gần Công viên Chiếu phim – bây giờ chúng cũng đã bị phá huỷ rồi và Sohrab đọc liến thoắng khiến chú khó có thể theo kịp. Nó nhắc chú nhớ tới cháu, nhớ khi còn nhỏ cháu thích đọc sách đến thế nào, Amir jan. Đôi khi, ban đêm chú đọc cho nó, chơi đoán câu đố với nó, dạy nó mẹo đánh bài. Chú nhớ nó ghê gớm.

Vào những ngày đông, Hassan mang con trai đi thả diều. Gần như chẳng còn mấy những cuộc đấu diều như ngày xưa – không ai cảm thấy yên tâm khi ra khỏi nhà quá lâu – nhưng loáng thoáng vẫn còn vài cuộc đấu diều thưa thớt. Hassan thường công kênh con trai lên vai và hai bố con nó chạy qua các đường phố, đuổi theo những chiếc diều, trèo lên những cái cây có diều rơi xuống. Amir jan, cháu còn nhớ Hassan là người đua diều giỏi đến thế nào chứ? Nó vẫn còn giỏi như xưa. Vào cuối mùa đông, Hassan và Sohrab treo những chiếc diều chúng đuổi bắt được trong cả mùa đông trên những dây tường cửa hành lang chính. Hai bố con thường nâng niu chúng như những bức hoạ.

Chú đã kể cho cháu nghe năm 1996, tất cả chúng ta đã tổ chức lễ hoan nghênh. khi bọn Taliban tràn vào và chấm dứt cuộc xung đột diễn ra hàng ngày. Chú nhớ tối đó trở về nhà, thấy Hassan đang ở trong bếp nghe Radio. Đôi mắt nó rưng rưng. Chú hỏi nó có chuyện gì không ổn nhưng nó chỉ lắc đầu:

– Rahim Khan sahib, cầu thượng đế giúp người Hazara! Chú nói:

– Chiến tranh qua rồi mà Hassan. Sẽ được hoà bình, Inshallah, hạnh phúc, bình yên. Không còn tên lửa, không còn giết chóc, không còn tang tóc nữa.Nhưng nó tắt ngay đài đi và hỏi chú liệu nó có thể làm cho chú món gì để ăn trước khi nó đi ngủ không.Mấy tuần sau, bọn Taliban ra lệch cấm đấu diều. Và hai năm sau, năm 1998, chúng tàn sát tập thể người Hazara ở Mazar-i-sharif.

——————————–

1 Spatula: Bàn xẻng, trong nấu bếp và hội hoạ, dùng để trộn, pha nguyên liệu.

2 Burqa: Khăn trùm đầu.

3 Ayat-ul-kursi: Kinh sưởi ấm cho trẻ sơ sinh.

4 Isfand: Một dạng đốt vía như ở Việt Nam.

Bình luận
720
× sticky