Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đua Diều

Chương XXIII

Tác giả: Khaled Hosseini

Những khuôn mặt ló qua một lớp sương mù, nấn ná, rồi mờ nhạt đi. Họ chằm chằm nhìn xuống hỏi tôi nhiều câu hỏi. Tôi có biết tôi là ai không? Tôi có đau ở đâu không? Tôi biết tôi là ai và tôi đau ở khắp mọi chỗ. Tôi muốn nói cho họ biết vậy, nhưng nói cũng đau. Tôi biết điều này bởi vì hồi nào đó có thể là một năm, có thế là hai, cũng có thể mười năm rồi, tôi đã cố nói chuyện với một đứa trẻ má hồng, mắt bôi đen. Đứa trẻ. Phải, lúc này tôi thấy nó rồi. Chúng tôi trong một chiếc xe vớ vẩn, đứa trẻ và tôi, và tôi cũng không nghĩ Soraya đang lái xe đi vì Soraya không bao giờ lái nhanh thế này. Tôi muốn nói một điều gì đó với đứa bé, hình như việc tôi nói là rất quan trọng. Nhưng tôi không nhớ, tôi muốn nói gì, hoặc tại sao nó lại quan trọng như thế. Có thể tôi muốn bảo nó đừng khóc nữa, mọi việc bây giờ đều ổn rồi. Cũng có thể không phải. Vì một lý do nào đó tôi không tài nào tưởng nổi, tôi muốn cảm ơn đứa bé.

Những khuôn mặt. Họ đều đội nhưng chiếc mũ xanh. Họ ra ra vào vào để nhìn. Họ nói nhanh, dùng những từ tôi không hiểu. Tôi nghe thấy những giọng nói khác, những tiếng ồn khác, những tiếng còi ô tô và những tiếng còi cấp cứu. Và luôn luôn thêm những khuôn mặt. Chăm chú nhìn xuống. Tôi chẳng nhớ được ai trong bọn họ, trừ cái người tóc chải gôm có bộ ria Clark Gable, cái người có vết hoen hình châu Phi trên mũ. Ngài ngôi sao phim lá cải. Thật tức cười. Lúc này tôi lại muốn cười. Nhưng cười cũng đau.

Tôi lịm đi.

Bà bảo tên bà là Aisha, “giống như vợ nhà tiên tri” ấy. Mớ tóc hoa râm của bà rẽ ngôi giữa và buộc lại đằng sau kiểu đuôi ngựa, mũi bà xâu một chiếc khuyên giống như mặt trời. Bà đeo kính hai tròng khiến mắt bà như trồi ra. Bà cũng mặc đồ xanh và có hai bàn tay mềm mại. Bà thấy tôi nhìn bà và bà mỉm cười. Nói một câu gì đó bằng tiếng Anh. Một cái gì đó đâm mạnh vào cạnh ngực tôi.

Tôi lịm đi.

Một người đàn ông đang đứng bên giường tôi. Tôi biết anh ta. Anh ta ngăm đen và cao gầy, râu cằm dài. Anh đội một chiếc mũ, những chiếc mũ đó gọi là gì nhỉ? Pakol à? Đội lệch sang bên, như một nhân vật nổi tiếng mà tên tuổi đã tuột khỏi tâm trí tôi rồi. Tôi biết người đàn ông này.

Anh ta lái xe chở tôi đi đâu đó vài năm trước. Tôi biết anh ta. Có cái gì đó không ổn nơi miệng tôi. Tôi nghe thấy một tiếng nhỏ to gì đó.

Tôi lịm đi.

Cánh tay phải tôi rát bỏng. Người đàn bà đeo kính hai tròng và chiếc khuyên hình mặt trời đang khom người trên cánh tay tôi, gắn một ống nhựa trong lên đó. Bà ta nói, đó là chất “Potassium.” “Nhói một cái như ong đốt thôi, phải không?” Đúng là nhói một cái. Tên bà là gì nhỉ? Cái gì đó có liên quan đến tiên tri. Tôi cũng biết bà từ mấy năm trước. Bà thường buộc tóc kiểu đuôi ngựa. Bây giờ búi ngược lên. Soraya cũng búi tóc như thế lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau. Bao giờ nhỉ? Tuần trước à?

Aisha! Phải rồi.

Có một cái gì đó không ổn nơi miệng tôi. Và cái gì đó đâm mạnh vào ngực tôi.

Tôi lịm đi.

Chúng tôi đang trong dãy núi Sulaiman ở Baluchistan và Baba đang vật nhau với một con gấu đen. Ông là Baba của tuổi thơ tôi, Toophan agha, Ngài Bão tố, với khổ người cao lớn của dòng giống Pashtun chứ không phải người đàn ông khô héo dưới những tấm chăn, người đàn ông má hõm và mắt trũng. Người và thú, họ lăn xả vào nhau trên một đám cỏ xanh rờn, mớ tóc màu hung uốn cong của Baba tung bay. Con gấu gầm lên, hoặc cũng có thể là Baba. Nước dãi và máu bắn ra. Móng vuốt và bàn tay tát, đấm. Cả hai ngã đánh rầm một cái xuống đất và Baba đang ngồi trên ngực con gấu, những ngón tay ông thọc sâu vào lỗ mũi nó. Ông ngước lên nhìn tôi và tôi hiểu. Ông là tôi. Tôi đang vật con gấu.Tôi tỉnh dậy. Người đàn ông cao gầy, ngăm đen đã trở lại bên giường tôi. Tên anh ta là Farid. Giờ thì tôi nhớ rồi. Đến cùng anh là đứa trẻ trong chiếc xe. Bộ mặt nó nhắc tôi nhớ đến âm thanh của những cái chuông. tôi đang khát.

Tôi lịm đi.

Tôi vẫn lịm đi rồi lại tỉnh dậy như thế.

Người đàn ông với bộ ria Clark Gable, hoá ra là bác sĩ Faruqi. Ông chẳng phải ngôi sao phim lá cải nào cả, mà là nhà giải phẫu đầu và cổ, dẫu tôi vẫn nghĩ, ông là cái gã tên Armand nào đó trong một bộ phim ướt át nào đó được dựng trên một hòn đảo nhiệt đới.

Tôi đang ở đâu? Tôi muốn hỏi. Nhưng miệng tôi vẫn không mở được. Tôi nhăn mặt. Gầm gừ. Armand mỉm cười. Hàm răng sáng trắng.

– Chưa được, Amir, – ông nói. – Nhưng sẽ chóng thôi. Khi nào tháo dây thép ra. – Ông nói bằng tiếng Anh, với một giọng Urdu nằng nặng ồm ồm.

Dây thép ư?

Armand khoanh tay, ông có hai cánh tay lông lá và đeo một cái lắc cưới bằng vàng.

– Ông hẳn lấy làm lạ, ông đang ở đâu, chuyện gì đã xảy ra với ông. Như thế là tuyệt đối bình thường, tình trạng hậu phẫu luôn mất phương hướng như thế đấy. Vậy tôi sẽ nói cho ông những gì tôi biết.

Tôi muốn hỏi ông về những dây thép. Hậu phẫu là thế nào? Aisha đâu rồi? Tôi muốn bà ấy mỉm cười với tôi, muốn bàn tay êm dịu của bà ấy trong tay tôi.

Armand cau mày, dựng một bên lông mày lên, làm ra vẻ hơi quan trọng:

– Ông đang trong một bệnh viện ở Peshawar. Ông đã ở đây được hai ngày rồi. Ông đã bị những thương tích rất trầm trọng, Amir, tôi phải nói với ông như vậy. Tôi muốn nói, ông thật may mắn mới sống sót đấy, ông bạn ạ. – Ông xua xua ngón tay trỏ của ông, như quả lắc đồng hồ khi nói vậy. – Lá lách của lưng bị giập – có lẽ thật may mắn cho ông – chỉ là giập chậm, bởi vì ông có những dấu hiệu xuất huyết sớm trong ổ bụng. Các đồng nghiệp của tôi trong nhóm tổng phẫu phải thực hiện việc cắt bỏ khẩn cấp một phần lá lách. Nếu nó bị vỡ sớm hơn, ông hẳn sẽ bị chảy máu dẫn tới tử vong. – Ông vỗ nhẹ lên cánh tay tôi, cánh tay đang I.V. 1 và mỉm cười. – Ông cũng bị gãy bảy chiếc xương sườn. Một chiếc gây tràn khí màng phổi.

Tôi cau mặt. Cố mở miệng. Lại nhớ đến những dây thép.

– Có nghĩa là một ca thủng phối. – Armand giải thích. Ông giật giật cái ống nhựa trong bên sườn trái tôi. Tôi lại cảm ấy vật gì đâm vào ngực. – Chúng tôi niêm kín cái lỗ thủng đó, bằng cái ống ở ngực này.

Tôi nhìn theo cái ống thọc qua những lớp băng trên ngực tôi dẫn tới một cái bình một nửa là các cột nước. Tiếng sủi tăm sùng sục là từ đó.

– Ông cũng bị nhiều vết rách khác nhau nữa. Nghĩa là những vết cắt.Tôi muốn bảo ông ta tôi hiểu từ đó nghĩa là gì. Tôi là một nhà văn. Tôi định mở miệng. Quên mất những dây thép.

– Vết rách tệ hại nhất là ở môi trên của ông. – Armand nói. – Cú va đập mạnh đã xẻ đôi môi trên của ông, vét sạch phần chính giữa. Nhưng không lo, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ khâu chúng lại với nhau và họ tin là ông sẽ có một kết quả tuyệt vời, dẫu ở đó sẽ là một cái sẹo. Cái đó thì không thể tránh khỏi.Có cả một vết gãy ở ổ mắt trên trái, nghĩa là xương hốc mắt, và chúng tôi cũng phải gắn nó lại. Những dây thép ở hai bên hàm ông khoảng sáu tuần nữa sẽ được tháo ra, – Armand nói liếp. – Cho đến lúc đó chỉ ăn chất lỏng, lắc đầu và bắt tay được thôi. Ông sẽ bị sút cân, và sẽ nói như Al Pacino trong tập đầu bộ phim Bố già ấy, trong ít lâu, – ông ta cười. – Nhưng hôm nay ông có một việc phải làm đây. Ông có biết việc gì không?

Tôi lắc đầu.

– Việc của ông hôm nay là phải thông hơi. Ông phải làm việc đó, chúng tôi mới có thể bắt đầu cho ông ăn chất lỏng được. Chưa đánh rắm, chưa được ăn. – Ông ta lại cười.

Lát sau, sau khi Aisha thay dây truyền tĩnh mạch và nâng đầu giường lên như tôi yêu cầu, tôi nghĩ về những gì đã xảy ra với tôi. Giập lách. Gãy răng. Thủng phổi. Vỡ xương hốc mắt. Nhưng trong khi tôi quan sát một con chim câu đang mổ mẩu vụn bánh trên bệ cửa sổ, tôi vẫn nghĩ tới một điều khác mà Armand,bác sĩ Faruqi đã nói: Cú va đập mạnh đã xẻ đôi môi trên của ông. Ông ta đã nói: Vét sạch phần chính giữa. Vét sạch phần chính giữa. Giống như môi chẻ.

Hôm sau Farid và Sohrab đến thăm.

– Hôm nay, ông có biết chúng tôi là ai không? Ông có nhớ ra không? – Farid hỏi, nửa đùa.Tôi gật đầu.

– Al hamdullellah! – Anh tươi cười nói. – Đừng nói vớ vẩn nữa.

– Cảm ơn, Farid. – Tôi nói qua hai hàm bị chằng kín dây thép. Armand nói đúng, tôi nói giống như Al Pacino trong phim Bố già. Và lưỡi tôi làm tôi ngạc nhiên mỗi lần nó thọc vào khe trống của những chiếc răng tôi đã nuốt. – Tôi muốn cảm ơn anh. Về tất cả mọi điều.

Anh xua tay, mặt đỏ lên một chút, và nói:

– Thôi đi. Không đáng cảm ơn đâu.

Tôi quay về phía Sohrab. Nó đang mặc một chiếc áo ngoài mới, một chiếc pirham-tumban màu nâu nhạt có vẻ hơi rộng đối với nó, và đội một mũ chỏm đen. Nó đang nhìn xuống dưới chân, mân mê cái dây truyền tĩnh mạch cuộn lại ở trên giường.

– Chúng ta chưa bao giờ được giới thiệu đầy đủ với nhau, – tôi nói và chìa tay ra cho nó. – Bác là Amir.

Nó nhìn xuống tay tôi rồi mặt tôi và hỏi:

– Bác là Amir Agha mà bố đã kể cho cháu?

– Đúng đấy. – Tôi nhớ rõ từng chữ trong bức thư của Hassan. Tôi đã kể rất nhiều về cậu cho Farzana jan và Sohrab, về chúng ta đã lớn lên cùng nhau, cùng chơi các trò chơi và chạy đuổi trên đường phố. Họ cười trước những chuyện về tất cả những trò tinh quái mà cậu và tôi thường gây ra.

– Bác nợ cháu lời cảm ơn, Sohrab jan. – Tôi nói. – Cháu đã cứu sống bác.

Nó không nói gì. Tôi thõng tay xuống khi nó không nắm tay tôi. Tôi lúng búng:

– Bác thích bộ quần áo mới của cháu.

– Của con trai tôi đấy, – Farid nói. – Chúng lớn không mặc vừa nữa. Rất vừa với Sohrab. – Anh bảo Sohrab có thể ở tạm với anh, cho đến khi nào chúng tôi tìm được chỗ cho nó. – Chúng tôi không có nhiều phòng, nhưng tôi làm thế nào được? Tôi không thể để nó lang thang trên đường phố. Vả lại, các con tôi có vẻ thích nó, phải không, Sohrab? Nhưng thằng bé vẫn chỉ nhìn xuống, quay quay cái dây.

– Tôi vẫn định hỏi ông, – Farid nói, hơi có vẻ ngần ngại. – Chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà đó? Chuyện gì đã xảy ra giữa ông và nên Talib ấy?

Tôi nói:

– Ta cứ coi như cả tôi và hắn đều đáng phải thế.

Farid gật đầu, không hỏi thêm nữa. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ là ở đâu đó giữa khoảng thời gian chúng tôi rời Peshawar đi Afghanistan đến giờ này, chúng tôi đã trở thành bạn bè.

– Tôi đang định hỏi một điều nữa.

– Điều gì?

Tôi không muốn hỏi. Tôi sợ câu trả lời.

– Rahim Khan, – tôi nói.

– Ông ấy đã đi rồi.

Tim tôi nảy lên:

– Chú ấy đã…

– Không, chỉ… ra đi thôi.

Farid trao cho tôi một mẩu giấy gấp kín và chiếc chìa khoá nhỏ:

– Chủ nhà đưa cho tôi thứ này khi tôi đến tìm ông ấy. Ông ta bảo Rahim Khan đi khỏi ngôi nhà ngay sau hôm chúng ta rời Peshawar.

– Ông ấy đi đâu?

Farid nhún vai:

– Chủ nhà không biết. Ông ấy bảo, Rahim Khan để lại bức thư và chiếc chìa khoá cho ông rồi bỏ di.

Farid xem đồng hồ:

– Tôi nên đi thôi, Sohrab.

– Anh có thể để nó lại đây một lúc được không, – tôi nói. – Lát nữa hãy đón nó. – Tôi quay lại phía Sohrab. – Cháu có muốn ở lại đây với bác một lúc không?

Nó nhún vai không nói gì.

– Tất nhiên rồi. – Farid nói. – Tôi sẽ đến đón nó đúng trước giờ cầu kinh buổi tối.

Có ba bệnh nhân khác trong phòng tôi. Hai người đàn ông nhiều tuổi hơn, mỗi người bị cắt bỏ một chân, người kia cò cử vì hen, và một thiếu niên khoảng mười lăm, mười sáu tuổi mổ ruột thừa. Người bị cắt chân chằm chằm nhìn chúng tôi không chớp, mắt chuyển từ tôi sang thằng bé Hazara đang ngồi trên chiếc ghế đẩu. Người thân những bạn cùng phòng với tôi – những bà già trong shalwar-kameezes 2 sáng màu, bọn trẻ và người đàn ông đội mũ chỏm – ra ra vào vào ầm ĩ cả căn phòng. Họ mang theo mướp đắng pakoras, bánh naan, bánh samosas 3, cơm biryani 4.

Đôi khi người ta cứ thế lang thang vào trong phòng, như cái người đàn ông cao lớn để râu ấy bước vào ngay trước lúc Sohrab và Farid đến. Ông ra quấn một chiếc mền nâu quanh người. Bà Aisha hỏi ông ta điều gì đó bằng tiếng Urdu. Ông ta chẳng thèm chú ý tới bà và đưa mắt nhìn qua căn phòng. Tôi nghĩ ông ta nhìn tôi hơi lâu hơn cần thiết.

Khi bà hộ lý lại hỏi tiếp, ông ta chỉ quay người rồi đi.

– Cháu có khoẻ không? – Tôi hỏi Sohrab. Nó nhún vai, nhìn vào hai bàn tay nó.

– Cháu có đói không? Cái bà kia cho bác một đĩa biryani, nhưng bác không ăn được, – tôi nói. Tôi không biết nói gì khác với nó. – Cháu có muốn ăn không?

Nó lắc đầu.

– Cháu có muốn nói chuyện không?

Nó lại lắc đầu.Chúng tôi ngồi như thế, lặng im trong một lúc, tôi đặt lưng vào hai chiếc gối ở trên giường, còn Sohrab ngồi trên chiếc ghế đẩu ba chân gần giường. Tới một lúc, tôi ngủ mất, và khi tỉnh dậy, ánh nắng đã nhạt đi đôi chút, bóng chiều đã dài ra, và Sohrab vẫn còn đứng ngồi cạnh tôi. Nó vẫn nhìn xuống hai bàn tay nó.

Đêm đó, sau khi Farid đón Sohrab đi rồi, tôi bóc thư của chú Rahim Khan. Tôi đã chần chừ việc đọc thư càng lâu càng tốt. Thư viết:

Amir jan.

Inshallah, cháu đã nhận bức thư này một cách an toàn. Chú cầu nguyện chú đã không đẩy cháu vào con đường hiểm nguy và Afghanistan đã không đến nỗi tàn tệ với cháu. Cháu luôn luôn ở trong những lời cầu nguyện của chú từ hôm cháu rời khỏi đây.

Suốt những năm qua cháu đã đúng khi nghi ngờ chú biết. Chú biết hết. Hassan kể lại vắn tắt cho chú sau khi chuyện xảy ra. Những gì cháu đã làm là sai, Amir jan, nhưng đừng quên, cháu chỉ là một thằng bé khi chuyện đó xảy ra. Một thằng bé gặp rắc rối. Cháu quá khắc nghiệt với bản thân cháu, và cháu vẫn còn như thế – Chú đã nhìn thấy điều đó trong mắt cháu ở Peshawar. Nhưng chú hy vọng, cháu sẽ lưu ý đến điều này: một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ. Chú hy vọng nỗi đau của cháu sẽ chấm dứt cùng với cuộc hành trình về Afghanistan.

Amir jan, chú lấy làm xấu hổ về những lời dối trá chú đã kể với cháu suốt những năm ấy. Cháu nổi giận ở Peshawar cũng đúng thôi. Cháu có quyền được biết. Hassan cũng vậy. Chú biết, không được miễn tội cho ai về bất cứ chuyện gì, nhưng Kabul cái thời chúng ta sống là một thế giới lạ lùng, một nơi trong đó có những việc bị làm to chuyện hơn là sự thật.

Amir jan, chú biết cha cháu đã nghiêm khắc với cháu thế nào khi cháu lớn lên. Chú thấy cháu đã phải chịu đựng thế nào, và khao khát đến mức nào để có được tình yêu thương của ông ấy, và trái tim chú đã rớm máu vì cháu. Nhưng cha cháu là một người bị giằng xé giữa hai nửa, Amir jan: Cháu và Hassan. Ông ấy yêu cả hai đứa, nhưng ông ấy khôngthể yêu Hassan như ông ấy mong mỏi, công khai và như một người cha. Vì vậy, ông ấy bất đắc dĩ phải đối xử thiếu tình cảm với cháu – Amir, cái nửa hợp pháp về mặt xã hội, cái nửa đại diện cho sự giàu sang ông ấy đã được thừa hưởng và đặc quyền mắc-tội-được-miễn-hình phạt do sự giàu sang đem lại. Khi ông ấy nhìn thấy cháu, ông ấy nhìn thấy chính bản thân ông ấy. Và tội lỗi của ông ấy. Cháu vẫn còn giận và chú nhận ra còn quá sớm để mong cháu chấp nhận việc này, nhưng có thể một ngày nào đó cháu sẽ thấy ông ấy khắc nghiệt với cháu, thì ông ấy cũng khắc nghiệt với chính mình. Cha cháu, cũng giống như cháu, là một linh hồn bị hành hạ, Amir jan ạ.

Chú không sao miêu tả nổi cho cháu chiều sâu và sự u ám của nỗi buồn ập đến với chú khi chú được biết ông ấy qua đời. Chú yêu ông ấy bởi vì ông ấy là bạn chú, nhưng cũng vì ông ấy là một người tốt, có thể còn là một con người vĩ đại nữa. Và đấy là điều chú muốn cháu hiểu, rằng lòng tốt, lòng tốt đích thực ấy, đã được sinh ra từ sự ân hận của bố cháu. Đôi khi, chú nghĩ mọi việc ông ấy làm, nuôi người nghèo lang thang trên đường phố, xây dựng trại mồ côi, cho bạn bè tiền khi túng quẫn, thảy đều là cách để ông ấy tự chuộc lỗi. Và chú tin, Amir jan, chuộc lỗi thành thực chính là như thế, khi tội lỗi dẫn đến lòng tốt.

Chú biết, cuối cùng thì Thượng đế sẽ tha thứ. Người sẽ tha thứ cho cha cháu, cho chú, và cả cháu nữa. Chú mong cháu cũng có thể tha thứ như thế. Tha thứ cho cha cháu nếu cháu có thể. Tha thứ cho chú nếu cháu mong muốn. Nhưng quan trọng nhất, hãy tha thứ cho chính bản thân cháu.Chú đã để lại cho cháu một ít tiền, thật ra là hầu hết những gì chú còn lại. Chú nghĩ cháu có thể phải chi tiêu một ít khi cháu quay lại đây, và số tiền đó có thể đủ để trang trải. Có một ngân hàng ở Peshawar, Farid biết địa chỉ. Tiền ở trong hộp tiền gửi có bảo đảm. Chú đã gửi cho cháu chìa khoá.

Còn đối với chú, đã đến lúc chú phải ra đi. Chú còn rất ít thời gian và chú muốn được một mình thời gian đó. Xin đừng tìm chú. Đó là yêu cầu cuối cùng của chú đối với cháu.Chú để lại cháu trong bàn tay Thượng đế.

Bạn của cháu mãi mãi.Rahim

Tôi đưa ống tay áo bệnh viện lên chùi mắt. Tôi gấp bức thư lại và đặt xuống dưới đệm.

Amir, cái nửa hợp pháp về mặt xã hội, cái nửa đại diện cho sự giàu sang ông ấy đã được thừa hưởng và đặc quyền mắc-tội-được-miễn-hình phạt do sự giàu sang đem lại. Có thể đó là nguyên do tại sao Baba và tôi đã từng đối xử với nhau tốt đẹp đến thế ở Mỹ, tôi cũng chẳng biết nữa. Bán đồ đồng nát lấy vài đồng tiền nhỏ mọn, những nghề tôi tớ của chúng tôi, căn hộ bẩn thỉu của chúng tôi – phiên bản của chiếc lều ở Mỹ, có thể ở Mỹ, khi Baba nhìn vào tôi, ông thấy một chút của Hassan.

Cha cháu, giống như cháu, là một linh hồn bị hành hạ, chú Rahim Khan đã viết thế. Có thể là như thế. Cả hai chúng tôi đều mắc tội và phản bội. Nhưng Baba đã tìm thấy một con đường để trở lại tốt đẹp từ sự ăn năn. Tôi đã làm gì nào, ngoài chối bỏ tội lỗi đối với chính những con người tôi đã từng phản bội và rồi cố quên đi tất cả? Tôi đã làm gì, ngoài mang lấy một chứng mất ngủ?

Tôi đã bao giờ làm gì để sửa sai chưa?

Khi bà điều dưỡng viên – không phải Aisha, mà là một phụ nữ tóc đỏ tôi không nhớ tên – bước vào với một bơm tiêm trong tay, hỏi tôi có cần tiêm một ống moóc phin không, tôi nói có.

Sớm hôm sau, họ tháo ống hút khí ở ngực tôi ra, và Armand cho phép nhân viên của mình để tôi được nhấp nước táo ép. Tôi bảo Aisha cho tôi mượn một chiếc gương khi bà đặt ca nước ép lên chiếc bàn tủ cạnh giường tôi. Bà vừa nâng cặp kính hai tròng của mình lên trên trán vừa kéo rèm cửa mở rộng ra để ánh sáng ban mai tràn vào trong phòng và ngoái lại bảo tôi:

– Hãy nhớ là mấy ngày nữa trông sẽ khá hơn. Con rể tôi bị tai nạn xe máy năm ngoái, bộ mặt đẹp trai của nó bị kéo lê trên đường nhựa và thâm tím như quả cà. Bây giờ lại đẹp trai rồi, trông như ngôi sao màn bạc Lollywood 5 ấy.

Bất kể những lời đảm bảo của bà, nhìn vào trong gương và thấy một vật khăng khăng rằng nó là mặt mình, khiến tôi điếng người đi một chút. Trông giống như ai đó đã luồn một chiếc vòi bơm khí vào dưới da tôi và bơm tháo hết ra. Đôi mắt tôi trồi lên và thâm lại. Tệ hại nhất là cái miệng tôi, một miếng thịt kỳ quái dẩu lên màu tím và đỏ, nhàu nát và đầy những mũi khâu. Tôi thử mỉm cười, và một cơn đau như xé lướt dọc qua đôi môi tôi. Tôi sẽ làm thế trong một thời gian. Có những mũi khâu qua má trái tôi, ngay dưới cằm, trên trán sát dưới chân tóc.

Ông bạn già bị cắt bỏ chân nói gì đó bằng tiếng Urdu. Tôi nhún vai và lắc đầu với ông ta. Ông ta chỉ vào mặt mình, vỗ nhẹ, và toét miệng cười, răng đã móm hết cả. “Tốt lắm”, ông nói bằng tiếng Anh. Inshallah.

– Cảm ơn. – tôi thì thào.

Farid và Sohrab đến, đúng lúc tôi cất chiếc gương đi. Sohrab ngồi lên chiếc ghế đẩu, ngả đầu vào thành giường.

– Ông biết đấy, chúng tôi mong đưa ông khỏi đây càng sớm càng tốt, – Farid nói.

– Bác sĩ Faruqi bảo…

– Tôi không nói bệnh viện. Tôi muốn nói Peshawar kia.

– Tại sao?

– Tôi không nghĩ ông sẽ được an toàn ở đây lâu, – Farid nói. – Anh hạ giọng. – Bọn Taliban có bè đảng ở đây. Chúng sẽ bắt đầu lùng kiếm ông.

– Tôi nghĩ chúng có thể đã lùng rồi, – tôi thầm thì, bất chợt nghĩ đến người đàn ông để râu la cà vào căn phòng và đứng ngay đó chăm chú nhìn tôi.

Farid khom người xuống:

– Chừng nào ông có thể đi lại được là tôi sẽ mang ông tới Islamabad. Ở đó cũng không tuyệt đối an toàn đâu, không chỗ nào ở Pakistan tuyệt đối an toàn cả, nhưng còn hơn ở đây. Ít nhất cũng sẽ chấp nhận được một thời gian.

– Farid jan, việc này không được an toàn cho lắm. Có lẽ anh không nên để chúng thấy cùng với tôi. Anh còn có cả một gia đình phải chăm sóc.

Farid phẩy tay:

– Mấy đứa con trai tôi còn nhỏ, nhưng chúng rất khôn ngoan. Chúng biết làm thế nào để chăm sóc các mẹ của chúng và em gái chúng, – anh mỉm cười. – Hơn nữa, tôi không nói tôi làm chuyện ấy miễn phí.

– Tôi cũng chẳng để anh làm thế. – tôi nói. Tôi quên mất tôi không thể mỉm cười và cố thử. Một vệt máu nhỏ rỉ ra dưới cằm tôi. – Tôi có thể xin anh giúp tôi một việc nữa không?

– Vì ông, cả nghìn lần rồi. – Farid nói.

Và bất chợt, tôi bật khóc. Nước mắt trào xuống hai má tôi, làm buốt lớp thịt bị bóc da của hai môi tôi.

– Có chuyện gì vậy – Farid hoảng hốt hỏi.

Tôi lấy tay bưng mặt, giơ tay kia lên. Tôi biết cả phòng đang nhìn tôi. Sau cùng, tôi cảm thấy mệt, chống chếnh:

– Tôi xin lỗi.

Sohrab đang cau mày nhìn tôi.

Khi tôi đã có thể nói tiếp, tôi bảo Farid tôi cần gì:

– Chú Rahim Khan nói họ sống ở Peshawar.

– Ông có thể viết tên họ của họ ra, – Farid nói, mắt thận trọng nhìn tôi, dường như không biết tôi có thể gây chuyện gì tiếp nữa. Tôi nguệch ngoạc tên của họ xuống một mảnh khăn giấy. “John và Betty Cadwell”.

Farid gấp mảnh giấy lại bỏ vào túi:

– Tôi sẽ đi tìm họ ngay, – nói xong anh quay lại Sohrab. – Còn cháu, tối nay chú sẽ đến đón cháu. Đừng làm Amir agha quá mệt.

Nhưng Sohrab đã lảng đến bên cửa sổ, nơi có đến nửa tá chim bồ câu nghênh ngang đi tới đi lui trên bệ cửa mổ vào gỗ và những mẩu bánh cũ.

Trong ngăn kéo giữa của chiếc bàn tủ bên giường tôi, tôi tìm thấy một cuốn tạp chí Địa lý Quốc gia cũ, một chiếc bút chì bị cắn đầu, chiếc lược mất răng, và thứ mà tôi đang nhễ nhại mồ hôi cố tìm bằng được: Một cỗ bài. Trước đó tôi đã đếm, và lạ thay, cỗ bài đủ cả. Tôi hỏi Sohrab có muốn chơi không. Tôi không mong nó trả lời, nói gì đến chơi. Từ lúc chúng tôi chạy trốn khỏi Kabul, nó cứ lầm lầm lỳ lỳ. Nhưng từ cửa sổ nó ngoảnh lại và bảo:

– Cháu chỉ biết chơi bài panjpar.

– Thế thì bác lấy làm tiếc cho cháu mất rồi, bởi bác là một đại kiện tướng về bài panipar. Nổi danh thế giới đấy.

Nó đến ngồi vào chiếc ghế đẩu cạnh tôi. Tôi chia cho nó năm quân bài:

– Khi bố cháu và bác ở tuổi cháu, bọn bác thường chơi loại bài này. Nhất là về mùa đông, khi tuyết rơi và không thể ra ngoài. Thường chơi cho đến khi mặt trời lặn.Nó đánh cho tôi một quân và tôi nhặt một quân ở cỗ bài lên. Tôi nhìn trộm nó khi nó tính nước đánh. Nó giống bố đủ đường: từ cách nó xoè bài ra bằng cả hai tay, cách nó hiếng mắt khi đọc lên quân bài đánh ra, cách nó hầu như không nhìn ai trong khi chơi.Chúng tôi lặng lẽ chơi. Tôi thắng ván đầu, để nó thắng ván sau, và thua thực sự năm ván:

– Cháu chơi giỏi như bố cháu, có thể còn hơn nữa, – tôi nói sau ván thua cuối cùng. – Bác vẫn thường đánh bại bố cháu, nhưng bác nghĩ bố cháu nhường bác thắng. – Tôi ngừng lại một lúc – Bố cháu và bác được bú cùng một bà mẹ.

– Cháu biết.

– Thế… Thế bố cháu đã nói với cháu điều gì về bọn bác?- Nói bác là người bạn tốt nhất mà bố cháu chưa bao giờ có, – nó nói.

Tôi quay quay con Ji rô trong mấy ngón tay, lật sấp lật ngửa quân bài và nói:

– Bác sợ bác không phải là một người bạn tốt đến thế đâu. Nhưng bác muốn là bạn cháu. Bác nghĩ, bác có thể là một người bạn tốt của cháu. Liệu thế có ổn không? Cháu có muốn thế không?

Tôi đặt bàn tay lên cánh tay nó một cách thận trọng, nhưng nó vội rụt lại. Nó ném bài xuống, rời khỏi chiếc ghế, bước trở lại cửa sổ. Bầu trời bồng bềnh những dải mây màu đỏ và tía trong khi mặt trời đang lặn trên Peshawar. Từ dưới đường phố, tiếng còi ô tô nối tiếp nhau và tiếng be be của một con lừa, tiếng còi của một viên cảnh sát. Sohrab đứng trong ánh sáng màu đỏ sẫm, trán tì vào kính cửa sổ, hai nắm tay giấu dưới hai bên nách.

Aisha bảo một trợ lý nam giúp tôi tập đi những bước đầu tiên ngay đêm đó. Tôi chỉ bước quanh phòng được một lần, một tay nắm chặt lấy cái giá truyền tĩnh mạch có bánh xe, tay kia bám vào cánh tay người trợ lý. Mất mươi phút để tôi bước trở lại giường, và ngay lúc đó, vết mổ ở bụng tôi quặn đau dữ dội làm tôi vã hết mồ hôi. Tôi nằm vào giường, thở dốc, tim đập thình thịch trong tai, càng nghĩ tôi nhớ vợ tôi biết mấy.

Sohrab và tôi chơi panjpar gần như suốt ngày hôm sau, lại trong im lặng. Và sau hôm ấy nữa. Chúng tôi hầu như không nói, chỉ chơi panjpar, tôi xê đi dịch lại trên giường, nó, trên chiếc ghế đẩu ba chân. Cái lệ của chúng tôi chỉ bị phá vỡ lúc tôi tập đi quanh phòng, hoặc xuống phòng tắm bên dưới. Khuya đêm đó tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy Assef đang đứng ở lối cửa ra vào phòng bệnh của tôi, viên bi đồng vẫn còn trong hốc mắt. Nó đang nói:

– Chúng ta cùng một giuộc, mày và tao. Mày bú cùng với nó, nhưng mày là anh em sinh đôi của tao.Tôi bảo với Armand sớm hôm sau rằng tôi sẽ rời khỏi đây.

– Chưa ra viện được, – Armand phản đối. Hôm đó ông không mặc quần áo phẫu thuật khử trùng, mà thay một bộ com lê mở khuy, cravát vàng. Tóc chải gôm hất ra sau. – Ông vẫn còn đang phải truyền kháng sinh tĩnh mạch và…

– Tôi phải đi, – tôi nói. – Tôi rất biết ơn mọi việc ông đã làm cho tôi, biết ơn tất cả. Thực sự như thế. Nhưng tôi phải rời khỏi đây.

– Ông sẽ đi đâu? – Armand hỏi.

– Tôi không nói thì hơn.

– Ông hầu như chưa thể bước đi nổi.

– Tôi có thể đi lại từ đầu đến cuối phòng, – tôi nói. – Sẽ ổn thôi.

Kế hoạch như thế này: Rời khỏi bệnh viện. Lấy tiền từ hộp tiền gửi bảo đảm ở ngân hàng, thanh toán viện phí. Đi xe đến trại mồ côi và để Sohrab lại với ông bà John và Betty Cadwell. Rồi đi xe đến Islamabad và thay đổi kế hoạch di chuyển. Cho bản thân thêm vài ngày nữa để bình phục hơn. Bay về nhà.

Dẫu sao đó mới là kế hoạch. Cho tới khi Farid và Sohrab đến sáng hôm đó:

– Các bạn ông, cái ông bà John và Betty Cadwell ấy, họ không có ở Peshawar, – Farid nói.

Tôi đã phải mất mười phút mới chui vào được chiếc áo pirham-tumban của tôi. Ngực tôi, nơi họ đã rạch để lồng ống hút khí vào vẫn đau khi tôi giơ cánh tay lên, và bụng tôi vẫn giần giật mỗi lần tôi cúi xuống. Tôi thở như kéo bễ dẫu chỉ để cố gói ghém một ít đồ đạc của tôi vào cái túi giấy nâu. Nhưng tôi tỏ ra đã sẵn sàng và đang ngồi ở đầu giường khi Farid bước vào đem theo những tin tức ấy.

Sohrab ngồi lên giường cạnh tôi. Tôi hỏi:

– Họ đã đi đâu?

Farid lắc đầu:

– Ông không hiểu…

– Bởi vì Rahim Khan đã nói…

– Tôi đã đến lãnh sự quán Mỹ, – Farid vừa nói vừa nhấc chiếc túi của tôi lên. – Ở Peshawar chẳng có ông bà John và Betty Cadwell nào cả. Theo như những nhân viên lãnh sự quán, họ không hề tồn tại. Dẫu sao cũng không ở Peshawar này.

Ngồi cạnh tôi, Sohrab lật giở nhưng trang sách của tạp chí Địa lý Quốc gia cũ.

Chúng tôi đến lấy tiền ở ngân hàng. Ông giám đốc, một người bụng phệ, mồ hôi lấm chấm dưới cánh tay, vẫn tươi cười và bảo tôi, không ai ở ngân hàng đụng đến tiền. “Tuyệt đối không ai”, – Ông ta nói một cách nghiêm trang, xua xua ngón tay trỏ giống như cách nói của Armand.

Cho xe chạy qua Peshawar với món tiền lớn như thế trong cái túi giấy quả là chuyện hơi đáng sợ. Thêm nữa, tôi vẫn ngờ, bất kỳ ai để râumà nhìn chằm chằm vào tôi đều là một tên sát nhân Talib do Assef phái tới. Hai điều khiến nỗi sợ hãi của tôi thêm tồi tệ là: Có quá nhiều người để râu ở Peshawar và ai cũng nhìn chằm chằm.

– Chúng ta có liên quan gì đến hắn nào – Farid nói, vừa dìu tôi từ phòng thanh toán về chỗ chiếc xe. Sohrab ngồi sẵn ở ghế sau của chiếc Land Cruiser, đang nhìn xe cộ đi lại qua cửa xe đã hạ kính xuống, tay chống cằm.

– Nó không thể ở lại Peshawar, – tôi hổn hển nói.

– Không, Amir Agha, nó không thể, – Farid nói. Anh đã đọc được ý nghĩ của tôi. – Tôi xin lỗi, tôi cũng muốn, tôi…- Không sao đâu, Farid, – tôi nói, cố tạo ra một nụ cười mệt mỏi. – Anh phải nuôi nhiều miệng ăn.Lúc này một con chó đang đứng cạnh chiếc xe, nó đứng hai chân sau, quào quào vào cửa xe, đuôi ve vẩy. Sohrab đang âu yếm con chó. Tôi nói:

– Tôi nghĩ giờ thì nó phải đi Islamabad thôi.

Tôi ngủ suốt gần như cả bốn tiếng đồng hồ xe chạy tới Islambad. Tôi mơ rất nhiều, phần lớn chỉ còn nhớ lại như là ít mớ hổ lốn những hình ảnh, những mẩu ký ức rõ mồn một loé lên trong đầu tôi như những thẻ nhớ Rolodex 6: Baba đang nấu món sốt cừu non cho bữa tiệc sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Soraya và tôi đang làm tình lần đầu tiên, mặt trời mọc lên ở đằng Đông, tai chúng tôi vẫn còn vang tiếng nhạc cưới, bàn tay nhuộm lá móng của nàng lồng vào bàn tay tôi. Lần Baba mang Hassan và tôi tới cánh đồng dâu tây ở Jalalabad – người chủ bảo chúng tôi có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích, chừng nào chúng tôi mua của ông ít nhất bốn kilô – cuối cùng tất cả chúng tôi đều bị đau bụng ra sao. Những giọt máu của Hassan nhỏ từ đũng quần xuống trên tuyết, trông sẫm lại, màu gần như đen. Máu mủ là thứ quyền uy, bachem ạ. Khala Jamila vỗ nhẹ vào đầu gối Soraya và nói: Thượng đế hiểu hơn cả, có thể Người không định thế đâu. Baba nói trọng tội duy nhất là tội ăn cắp. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền được biết sự thật của một con người. Chú Rahim Khan trên điện thoại bảo tôi, có một con đường để tốt lành trở lại. Một con đường để lại tốt lành trở lại.

——————————–

1 I.V. Viết tắt từ intraveinous – truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.

2 Shalwar – kameezes: Loại quần áo phương Đông do Max Tilke thiết kế dùng cho những dân tộc khác nhau ở Nam Á, năm 1922.

3 Samosas: Bánh bột khoai thơm vùng Trung Á, nhân bên trong gồm hành, táo khô, thịt khô, phổ biến ở Ấn Độ, Pakistan và các nước Nam Á.

4 Biryani: Món cơm Ấm Độ – cơm nhuộm màu gia vị trộn lẫn thịt, cá, rau.

5 Lollywood: Chỉ công nghệ điện ảnh Pakistan, xây dựng ở Lahore – Lollywood là từ kết hợp từ Lahore và Hollywood.

6 Rolodex: Một thiết bị hồ sơ quay vòng dùng để lưu giữ sự trao đổi thông tin về kinh doanh. Rolodex là từ ghép của hai từ Rolling (lăn, quay) và Index (mục lục chỉ dẫn)

Bình luận
720
× sticky