Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 9

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Ngày ngắn dần, trời mau tối và mỗi ngày về cuối chiều, lòng người trở nên bứt rứt không yên. Một nỗi kinh hoàng ban sơ chụp lấy chúng tôi – nỗi kinh hoàng của tổ tiên ta khi thấy mặt trời mỗi ngày tắt một sớm hơn trong nhũng tháng mùa đông. “Ngày mai, nó sẽ tắt vĩnh viễn”, hẳn các cụ tổ ta đã tuyệt vọng nghĩ thế và suốt đêm run rẩy hãi hùng trên núi thẳm đồi hoang.

Zorba cảm thấy nỗi lo âu ấy sâu sắc hơn và hoang sơ hơn tôi. Để trốn tránh nó, lão thường chỉ rời khỏi hầm mỏ khi sao đã lấp lánh trên bầu trời.

Lão đã bắt gặp một vỉa than bùn rất tốt, ít tro, không ẩm lắm và giàu nhiệt lượng. Lão hài lòng vì lão đã hình dung những lợi nhuận của chúng tôi biến thành bao điều tuyệt điệu: những chuyến đi, đàn bà và những cuộc phiêu lưu mới. Lão nôn nóng chờ cái ngày lão kiếm được một gia tài và đôi cánh của lão đủ lớn – lão gọi tiền là “cánh” – để bay đi. Do đó, lão thức trọn nhiều đêm hí hoáy thử nghiệm các hệ thống cáp chuyên chở mini, không ngừng tìm độ dốc chính xác cho các thân cây trôi xuống thật chậm – thật êm, thật êm như do tay thiên thần chuyển vận, lão nói.

Một hôm, lão lấy một tờ giấy lớn cùng mấy cây bút chì màu và vẽ núi, rừng, tuyến chuyên chở, những thân cây treo trên dây cáp trôi xuống, mỗi thân cây có hai cánh màu xanh da trời. Trong cái vịnh tròn nhỏ, lão vẽ những con tàu đến cùng những thủy thủ tô xanh như những con vẹt và những thương thuyền chở đầy những thân cây màu vàng. Bốn góc có bốn tu sĩ miệng nhả ra những dải băng hồng trên ghi bằng chữ in hoa đen nhánh: “Vĩ đại thay Thượng đế và tuyệt diệu thay những công trình của Người!”

Mấy hôm nay, Zorba nhóm lửa, làm bữa ăn chiều khá vội vã, ăn xong là sấp ngửa chạy vào làng, rồi một lát sau, cau có trở về.

– Bác lại đi đâu đấy, Zorba? Tôi hỏi lão.

– Sếp khỏi quan tâm, lão đáp và chuyển sang chuyện khác. Một tối khi trở về, lão lo âu hỏi tôi:

– Liệu có Thượng đế không nhỉ – có hay không? Sếp nghĩ sao, sếp? Và nếu có – mọi sự đều có thể – sếp hình dung Người ra sao?

Tôi nhún vai.

– Tôi không đùa đâu, sếp ạ. Tôi hình dung Thượng đế y hệt như tôi đây. Có điều là to hơn, khỏe hơn, rồ dại hơn. Và ngoài ra, còn bất tử nữa. Người ngồi trên một chồng da cừu êm ái và lều của Người là bầu trời. Nó không làm bằng những can xăng cũ như lều của chúng ta, mà bằng mây. Tay phải Người không cầm một con dao hay một cái cân – những dụng cụ chết tiệt ấy là dành cho bọn đồ tể và bọn chủ hiệu tạp hóa – không, Người cầm một miếng bọt biển đẫm nước, tựa như một đám mây mưa. Bên phải Người là Thiên đàng, bên trái là Địa Ngục. Này đây, một linh hồn tới, nhỏ nhoi, tội nghiệp, trần như nhộng vì đã mất chiếc áo ngoài – tức là thân xác – và run rẩy. Thượng đế nhìn nó, cười thầm nhưng người sắm vai quỷ sứ. “Lại đây”, Người thét, tại đây, đồ khốn kiếp!” Và Người bắt đầu tra vấn. Cái linh hồn trần truồng phủ phục dưới chân thượng đế. “Xin rủ lòng thươngt”. Nó kêu, “con là kẻ có tội”. Và nó liến thoắng kể lể tội lỗi của mình, một thôi một xốc, bất tận. Thượng đế cho thế là quá đủ, Người ngáp. “Trời đất, thôi đi!” Người quát “Ta nghe phát ngấy rồi!” Xoẹt! Oạp! Một nhát bọt biển và Người rửa sạch tội lỗi. “Xéo đi cho khuất mắt ta, chạy sang Thiên đàng đi!” Người bảo linh hồn nọ. “Pierre, cho cả cái sinh linh bé bỏng tội nghiệp này vào nốt”. Bởi vì, sếp biết đó, Thượng đế là một đấng chúa tể vĩ đại và làm một chúa tể có nghĩa là tha thứ!

Tôi nhớ là tối hôm ấy tôi đã cười khi Zorba tuôn ra bài loạn ngôn sâu sắc của lão. Nhưng cái “tư chất chúa tể” của Thượng đế dần hình thành và chín muồi trong tôi, từ bi, đại lượng và toàn năng.

Một buổi tối khác, trời mưa, chúng tôi đang ngồi trong lều, cúi mình trên bếp lò nướng hạt dẻ, Zorba quay sang nhìn tôi hồi lâu như thể cố gỡ mối một điều bí ẩn lớn nào đó. Cuối cùng, không nén mình được nữa, lão nói:

– Sếp ạ, tôi muốn biết sếp có thể thấy cái quái gì ở tôi, tại sao sếp không xách tai tôi lẳng ra ngoài? Tôi đã kể với sếp rằng người ta gọi tôi là Nấm Milđiu và đi đến đâu tôi cũng phá phách tan hoang… Công việc của sếp sẽ tiêu tan. Hãy tống cổ tôi đi!

– Tôi thích bác, tôi đáp. Cứ biết thế thôi.

– Nhưng sếp, sếp không biết rằng óc tôi không đúng cân lượng sao? Có thể nó hơi quá nặng, hoặc hơi quá nhẹ, nhưng chắc chắn là không đúng trọng lượng cần phải có. Đây nhé, nói điều này thì sếp sẽ hiểu: bao ngày đêm nay, cái mụ góa nọ không để cho tôi yên. Không, tôi không nhằm cho phần tôi, không, tôi xin thề không phải thế. Ma quỷ bắt mụ đi, riêng phần tôi thì tôi nói vậy đó. Tôi sẽ không bao giờ đụng tới mụ, đó là cái chắc. tôi không hợp “gu” mụ… Nhưng tôi không muốn bỏ phí mụ, không ai được hưởng. Tôi không muốn mụ đêm đêm vò võ một mình. Như thế thật không phải, sếp ạ; tôi không chịu đựng nổi ý nghĩ đó. Cho nên, đêm đêm, tôi cứ tha thẩn quanh vườn mụ – chính vì thế mà sếp thường thấy tôi biến mất và sếp cứ hỏi tôi đi đâu. Nhưng sếp có biết tại sao không? Để xem có ai đến ngủ với mụ thì đầu óc tôi mới thư thái được.

Tôi bật cười.

– Đang có cười, sếp! Nếu một người đàn bà phải ngủ lẻ loi một mình thì lỗi tại đàn ông chúng ta. Tất cả chúng ta sẽ phải phúc trình vào ngày phán xử cuối cùng.

– Thượng đế sẽ tha thứ mọi tội lỗi như lần trước chúng ta đã từng nói – Người sẵn sàng lia một nhát bọt biển.

– Nhưng cái tội này thì Người sẽ không tha thứ đâu. Tai họa cho gã đàn ông nào có hoàn cảnh ngủ với một người đàn bà mà không làm thế! Tai họa cho người đàn bà nào có thể ngủ với một người đàn ông mà lại không làm thế! Hãy nhớ lấy những lời của lão hodja!

Lão im lặng một lát.

– Một người đã chết rồi có thể sống lại được không?

Lão đột ngột hỏi.

– Tôi nghĩ là không, Zorba ạ.

– Tôi cũng vậy. Nhưng nếu có, thì những kẻ tôi vừa nói tới, những kẻ không chịu phục vụ, những kẻ đào ngũ, sếp thử đoán xem chúng trở lại cõi trần dưới hình dạng gì? Dưới dạng những con la!

Lão lại im lặng và suy nghĩ. Hốt nhiên, mắt lão lấp lánh.

– Biết đâu, lão nói, phấn khích với phát hiện mới, có thể tất cả những con la ta nhìn thấy trên thế giới ngày nay chính là những người đó, bọn phế nhân, bọn đào ngũ, kiếp trước là đàn ông và đàn bà, đồng thời lại không phải thế. Và chính vì thế mà chúng luôn luôn đá hậu. Sếp nghĩ sao?

– Rằng óc bác không đủ cân lượng, Zorba ạ, tôi cười đáp. Lấy cây santuri xuống đi.

– Nói sếp đừng giận, tối nay chẳng santuri gì hết. Nếu tôi tiếp tục nói, nói tào lao, sếp có biết tại sao không? Bởi vì tôi có biết bao điều lo nghĩ chồng chất trong đầu. Cái đường hầm mới – ma quỷ bắt nó đi! – đang sắp làm tôi lộn tiết. Thế mà sếp lại bảo tôi chơi santuri .

Nói đoạn, lão cời những hạt dẻ ra khỏi đống tro, đưa cho tôi một nắm và rót rượu raki đầy ly của chúng tôi.

– Cầu Thượng đế nghiêng bàn cân về bên phải, tôi nói và cụng ly.

– Về bên trán Zorba chữa lại, về bên trái! Cho đến nay, bên phải chả sản sinh ra cái gì tốt đẹp cả.

Lão nốc một hơi cạn ly lửa lỏng và nằm lên giường.

– Ngày mai, lão nói, tôi sẽ cần đến toàn bộ sức lực của mình. Tôi sẽ phải chiến đấu với cả ngàn tên quỷ dữ. Chúc ngủ ngon.

*

Hôm sau, từ tờ mờ sáng, Zorba đã biến xuống mỏ. Đám thợ đã tiến sâu thêm trong việc mở đường hầm theo vỉa than tốt. Nước rỉ qua trần hầm và họ lội bì bõm trong bùn.

Cách đây hai hôm, Zorba đã yêu cầu nhiều thân cây để chống lò, củng cố đường hầm. Nhưng lão vẫn không yên tâm. Những cột chống không lớn như yêu cầu và, với cái bản năng sâu sắc khiến lão cảm thấy mọi điều xảy ra trong thứ mê cung dưới đất này như chính trong thân thể mình, lão ngờ ngợ rằng những cột chống đó không lấy gì làm an toàn. Lão có thể nghe thấy những tiếng răng rắc rất nhỏ mà những lỗ tai khác chưa tiếp nhận được – như thể những cột kèo chống đỡ trần đang rên xiết dưới sức nặng.

Một điều nữa làm tăng thêm nỗi bồn chồn của Zorba ngày hôm ấy. Đúng lúc lão sắp sửa xuống hầm thì cha Stephanos, thầy tư tế của làng cưỡi la đi qua, hối hả phóng đến tu viện bên cạnh để làm lễ lâm chung cho một nữ tu sĩ đang hấp hối. May sao, trước khi cha đạo nói với lão, Zorba còn đủ thì giờ để nhổ xuống đất ba lần và tự véo mình.

– Chào cha! Lão nhăn nhó đáp lại lời chào của thầy tư tế, lão nói thêm, giọng hơi nhỏ hơn:

– Cầu sao lời nguyền rủa của nhà ngươi nhằm vào ta!

Mùi than linhit và đất phèn bốc lên nồng nặc. Đám thợ đã khởi sự củng cố những xà rầm đỡ trần hầm. Zorba chào họ một cách cộc cằn, cáu kỉnh. Lão xắn tay áo lên, bắt tay vào việc.

Tuy nhiên, lão cảm thấy những sự phù phép xua tà ma ấy vẫn chưa đủ, cho nên lão đi xuống đường hầm mới, lòng bứt rứt.

Khoảng mười hai người đang bắt đầu cuốc vỉa mới và đánh đống than dưới chân, những người khác lấy xẻng xúc lên những xe goòng nhỏ chở ra.

Đột nhiên, Zorba dừng lại, ra hiệu cho đám thợ dừng theo và dỏng tai lên. Như người kỵ sĩ nhập làm một với con ngựa, thuyền trưởng với con tàu, Zorba cũng đã hòa đồng với mỏ. Lão có thể cảm thấy những phân nhánh của đường hầm như những mạch máu trong da thịt mình và những gì khối than đen không thể cảm thấy được, Zorba cảm thấy với sự sáng suốt hữu thức của con người.

Sau khi chăm chú lắng nghe bằng đôi tai to lông lá, lão ngó vào đường hầm. Đúng lúc đó, tôi tới. Tôi đã choàng tỉnh giấc như do một linh cảm nào đó, như có một bàn tay thúc đẩy. Tôi đã sấp ngửa mặc quần áo rồi lao ra mà không hề biết tại sao mình lại hớt hơ hớt hải thế, cũng chẳng biết mình đi đâu. Nhưng, thân thể tôi đã không ngần ngừ đi vào con đường dẫn tới mỏ. Tôi đến vào lúc Zorba đang lo âu lắng nghe và ngó nhìn.

– Không có gì, sau một lúc, lão nói. Có một lúc, tôi đã tưởng… Không sao. Làm việc đi, các cậu.

Lão quay lại, trông thấy tôi và liền mắm môi:

– Sếp làm gì ở đây sớm thế?

Lão đến bên tôi.

– Sao sếp không lên trên kia hít thở chút không khí mát mẻ, sếp? Lão thì thào. Hôm khác, sếp hẵng đến đây đi dạo.

– Có chuyện gì thế, Zorba?

– Chẳng có gì… Tôi hoang tưởng đấy thôi. Sáng nay ra ngõ, tôi đụng phải một ông thầy tu. Thôi, sếp đi đi.

– Nếu có gì nguy hiểm mà tôi lại bỏ đi thì thật xấu hổ .

– Phải, Zorba đáp.

– Bác có đi không?

– Không.

– Vậy thì sao tôi lại phải đi?

– Zorba phải làm gì, là một chuyện, lão bực bội đáp, những người khác phải làm gì, lại là chuyện khác! Nhưng nếu sếp cảm thấy bỏ đi là đáng xấu hổ thì sếp đừng đi. Hãy ở lại đây. Đó là việc riêng của sếp!

Lão cầm lấy một chiếc búa nặng và kiễng chân để đóng mấy cái đinh vào những xà đỡ trần. Tôi nhấc cây đèn đất ở một cái cột và đi tới đi lui trong bùn, nhìn vào vỉa than đen lấp lánh. Hẳn là hàng triệu năm trước đây, những khu rừng mênh mông đã bị nuốt chửng ở đây.

Trái đất tiêu hóa và biến đổi con cái của nó. Cây biến thành linhit, linhit thành than, Zorba đến…

Tôi treo trả lại cây đèn ở cái đinh và quan sát Zorba làm việc: Lão hoàn toàn bị cuốn hút vào nhiệm vụ, không nghĩ đến bất cứ điều gì khác, lão hòa làm một với đất, với cây cuốc và với than. Lão liên kết với cây búa và đinh trong cuộc đấu tranh với gỗ. Lão đau đớn với cái trần hầm võng xuống. Lão đấu với sườn núi để lấy than của nó bằng mưu trí và sức mạnh. Zorba có thể dò bắt trúng mạch than với một bản năng chắc chắn không thể lầm lẫn, và lão khôn khéo giáng đòn vào nhưng chỗ nó yếu nhất và có thể bị chinh phục. Và như cái bề ngoài của lão bấy giờ, mình trát đầy bùn đất, chỉ thấy hai lòng trắng con ngươi long lanh, tôi thấy lão như ngụy trang bằng than, biến thành than để có thề tiếp cận kẻ địch bất ngờ và thâm nhập vào tuyến phòng thủ bên trong của nó.

– Hoan hô, Zorba! Tiến công đi! Tôi kêu lên, say mê trong một niềm thán phục hồn nhiên.

Nhưng thậm chí lão cũng không ngoái lại nhìn. Làm sao lúc đó lão có thể nói chuyện với một con mọt sách chỉ biết cầm trong tay một mẩu bút chì khốn khổ, thay vì quai búa? Lão đang bận, lão không muốn nói. “Đừng có nói với tôi khi tôi đang làm việc”, một buổi tối, lão bảo vậy, “tôi có thể gắt toáng lên đấy!” – “Gắt ư, Zorba? Tại sao?” “Đấy, sếp lại “tại sao” với “thế nào” rồi! Cứ như trẻ con ấy! Làm sao tôi có thể giải thích được? Tôi thường hoàn toàn bị công việc choán hết mình, căng thẳng từ đầu đến chân và gắn chặt vào đá, hay vào than, hay vào cây đàn santuri . Nếu sếp thình lình chạm vào tôi hay nói với tôi và tôi cố quay lại, tôi có thể cáu gắt. Đó, sếp hiểu chưa?”

Tôi nhìn đồng hồ. Mười giờ.

– Đã đến giờ nghỉ để ăn trưa, các bạn! Tôi mời. Các bạn làm việc quá giờ rồi.

Đám thợ lập tức ném dụng cụ vào một góc, lau mồ hôi trên mặt và chuẩn bị ra khỏi hầm. Hoàn toàn cuốn hút vào công việc, Zorba không nghe thấy gì. Ngay cả nếu có nghe thấy, lão cũng không nhúc nhích khỏi đó.

Một lần nữa, lão lại lo âu lắng nghe.

– Khoan một lát, tôi bảo đám thợ, hút điếu thuốc đã.

Tôi lục túi trong khi anh em đứng xung quanh.

Đột nhiên , Zorba giật nảy mình. Lão dán tai vào vách ngăn của đường hầm. Dưới ánh sáng của nhiều ngọn đèn đất, tôi thấy miệng lão há hốc, rúm ró.

– Có chuyện gì đấy, Zorba?

Nhưng ngay lúc đó, toàn bộ trần hầm như rung lên trên đầu chúng tôi:

– Ra khỏi đây! Zorba thét, giọng khàn đi. Chạy đi!

Chúng tôi lao trở lại về phía cửa ra, nhưng chưa đến khung gỗ thứ nhất thì đã lại nghe thấy một tiếng rắc thứ hai to hơn ở trên đầu. Trong khi đó, Zorba nâng một thân cây lớn để chêm vào như một trụ chống lớp xà kép đang rạn xuống. Nếu lão nhanh tay làm kịp, cây chống có thể đỡ trần hầm thêm mấy giây nữa, cho chúng tôi đủ thì giờ chạy thoát.

– Chạy đi! Zorba lại la, những lần này giọng lão nghèn nghẹn như thể phát ra từ lòng đất vậy.

Với sự nhát sợ thường xâm chiếm con người trong những lúc gay cấn, tất cả chúng tôi ào ra, quên phắt Zorba. Nhưng sau vài giây, tôi định thần lại và chạy trở vào đường hầm.

– Zorba! Tôi gào lên, Zorba!

Chí ít tôi cũng nghĩ là mình đã gào lên. Về sau, tôi hiểu ra rằng tiếng kêu đó không thoát ra khỏi cổ họng tôi. Cái sợ đã bóp nghẹt tiếng tôi.

Tôi xấu hổ chín người. Tôi dang hai tay nhảy bổ về phía lão. Zorba vừa dựng chắc cây trụ lớn và đang chạy trượt trên bùn về phía cửa ra. Bổ nháo bổ nhào trong bóng tối, lão va phải tôi và ngẫu nhiên chúng tôi ngã vào vòng tay nhau.

– Chúng ta phải ra khỏi đây! Lão hét lên. Chạy đi!

Chúng tôi ra tới chỗ ánh sáng. Đám thợ thất đảm đã tụ lại ở cửa hầm và đang ngó vào trong.

Chúng tôi nghe thấy một tiếng gẫy vụn thứ ba to hơn, như cái cây bị đánh toác trong dông bão. Rồi thình lình một tiếng rầm ghê sợ như sấm nổ, làm rung cả sườn núi, và đường hầm sập xuống.

– Lạy Chúa toàn năng! Đám thợ thì thào, làm dấu thánh giá.

– Các người bỏ cả cuốc xẻng trong đó rồi! Zorba giận dữ la.

Đám thợ nín thinh. Tại sao các người không mang theo? Lão lại tức tối quát. Tôi dám chắc là các người đái ra quần! Mất toi cả đống đụng cụ hớ?

– Ôi Zorba, đây không phải lúc buồn phiền vì mấy cái cuốc, tôi xen vào can. Ta hãy lấy làm sung sướng vì tất cả đều lành lặn nguyên vẹn! Cảm tạ bác, Zorba, vì tất cả chúng tôi chịu ơn bác cứu mạng.

– Tôi đang đói đây! Zorba nói. Đói rỗng cả ruột.

Lão lấy cái túi dết lão đã đặt trên một phiến đá, mở nắp và lấy ra một khúc bánh, ô-liu, hành, khoai tây luộc và một bầu rượu nhỏ.

– Nào, các cậu, ta ăn thôi, lão nói, miệng nhồm nhoàm.

Lão ngốn ngấu rất nhanh, như thể vừa đột ngột tiêu hao nhiều sức lực, giờ muốn bồi bổ lại.

Lão chúi đầu về phía trước mà ăn, chẳng nói chẳng rằng. Lão cầm lấy bầu rượu, ngửa cổ cho rượu chảy ừng ực xuống cuống họng khô cháy.

Đám thợ cũng lấy lại can đảm, mở túi dết và bắt đầu ăn. Họ ngồi xếp bằng quanh Zorba, vừa ăn vừa nhìn lão.

Họ muốn phủ phục dưới chân lão và hôn tay lão, nhưng họ biết lão vốn tính cộc cằn và kỳ lạ, nên không ai đám làm một cử chỉ gì.

Cuối cùng, Michelis, người lớn tuổi nhất có bộ ria rậm chớm bạc quyết định lên tiếng:

– Nếu không có thầy ở đây, thầy Alexis phúc hậu, chắc con cái chúng tôi giờ đây đã thành trẻ mồ côi.

– Im đi! Zorba nhồm nhoàm nói, và không ai dám ho he một lời nào nữa.

Bình luận