Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 18

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Tôi bước qua bậc cửa giáo đường, đi sâu vào bên trong mờ tối, mát dịu và thơm ngào ngạt.

Nhà thờ vắng ngắt. Những đài nến bằng đồng hun tỏa một ánh sáng yếu ớt. Một bức vách ngăn chạm trổ tinh vi hình thánh với một giàn nho vàng óng trĩu quả chiếm cả khoang đầu đằng kia giáo đường. Bốn bề tường, từ trên xuống dưới, phủ đầy bích họa hầu như bị xóa nhòa: hình ảnh hãi hùng của những thầy tu khổ hạnh, gày như bộ xương, các Đức Cha của Giáo Hội, những Khổ Hình kéo dài của Chúa Kitô, những thiên thần to lớn dữ tợn, tóc buộc bằng những dải băng rộng bản xanh xanh, hồng hồng đã phai màu vì ẩm thấp.

Tít trên vòm cao là Đức Mẹ Đồng Trinh, hai tay dang ra, cầu khẩn. Một ngọn đèn bạc lớn đặt phía trước tỏa quanh Người, một làn sáng dịu chập chờn ve vuốt khuôn mặt thon dài đau đớn. Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi mắt đầy khổ đau, cái miệng chum chúm cau lại và cái cằm mạnh mẽ kiên nghị của Người. Đây là Người Mẹ hoàn toàn sung sướng và mãn nguyện, tôi nghĩ, ngay cả trong nỗi đau quằn quại nhất, vì Người cảm thấy từ chốn khả vong của lòng mình, một cái gì bất tử đã ra đời. Khi tôi ra khỏi cửa nhà thờ thì mặt trời đang lặn. Tôi ngồi xuống dưới cây cam trong một tâm thái hoan lạc. Vòm mái tròn của giáo đường ngả sang màu hồng như vào lúc rạng đông. Các tu sĩ đã về trai phòng nghỉ ngơi. Họ không ngủ; họ còn phải tập trung toàn bộ sức lực. Đêm nay, Chúa Kitô sẽ bắt đầu trèo lên Golgotha ( [53] ) và họ phải đi theo Người. Hai con lợn nái vú hồng hồng đang nằm ngủ như chết dưới một cây minh quyết. Những con bồ câu đang lạch bạch đi trên mái nhà và gù nhau.

“Mình sẽ còn sống bao lâu để hưởng cái dịu ngọt của trái đất, sự tịch lặng và hương thơm của cây cam trổ hoa?” Tôi nghĩ thầm. Một bức tượng thánh Bacchus tôi vừa chiêm ngưỡng trong nhà thờ đã khiến lòng tôi tràn trề hạnh phúc. Những điều đã làm tôi xúc động sâu xa nhất – sự nhất quán cương quyết trong việc theo đuổi mục đích, kiên trì trong khát vọng – một lần nữa lại bày ra trước mắt tôi: Cảm tạ pho thánh tượng nhỏ bé đáng yêu này, thể hiện một thanh niên Cơ Đốc với mái tóc quăn xõa xuống trán như những chùm nho. Dionysus, vị thần tuấn tú của rượu vang và đê mê ngây ngất, quyện với Thánh Bacchus trong trí tôi và mang cùng một gương mặt. Dưới những lá nho và bộ đồ tu sĩ, phập phồng sống động cùng một thân thể cháy rực nắng: Hy Lạp.

Zorba trở lại và vội vã thông báo :

– Tu viện trưởng đã đến. Chúng tôi đã nói chuyện một lát; phải dỗ lão ta mãi; lão bảo lão không bằng lòng bán rẻ cánh rừng; lão đòi hơn giá chúng ta đề nghị nhiều, cái đồ bợm già ấy, nhưng tôi chưa dứt điểm với lão.

– Tại sao lại cần phải dỗ? Tôi tưởng hai bên đã thỏa thuận rồi cơ mà?

– Lạy Chúa, sếp đừng có dính vào chuyện này, Zorba khẩn khoản. Sếp sẽ chỉ làm hỏng việc thôi. Đấy, sau bao chuyện, sếp còn nói đến thỏa thuận cũ; cái đó lỗi thời từ lâu rồi. Đừng có cau mày, lỗi thời rồi, thật đấy. Chúng ta sẽ mua được cánh rừng ấy với nửa giá!

– Bác định giở ngón gì ra bây giờ, Zorba?

– Sếp không phải bận tâm. Đó là việc của tôi. Tôi nói sẽ tra dầu mỡ và máy sẽ chạy ro ro, sếp hiểu không?

– Nhưng tại sao? Tôi chẳng hiểu mô tê gì.

– Vì tôi đã tiêu sài quá đáng ở Candia. đấy là lý do! Vì Lola đã ngốn mất của tôi. . . có nghĩa là của sếp , một đống tiền. Sếp tưởng tôi quên rồi ư? Trên đời còn có cái gọi là tự trọng chứ. Tôi không thể để cuốn sổ đời mình đầy vết mực! Tôi tiêu bao nhiêu, trả bấy nhiêu. Tôi đã tính rồi, Lola làm tôi tốn bảy ngàn drachma. Tôi sẽ xà xẻo khoản ấy ở giá khu rừng. Chính tu viện trưởng, tu viện và Đức Mẹ Đồng Trinh sẽ phải chi cho Lola. Đó là kế hoạch của tôi. Sếp có ưng không?

– Chả ưng chút nào. Tại sao Đức Mẹ Đồng Trinh lại phải chịu trách nhiệm về những thái quá của bác?

– Bà ấy phải chịu trách nhiệm và còn hơn cả chịu trách nhiệm nữa cơ. Này nhé, bà có con trai là Chúa. Chúa tạo ra thằng tôi, Zorba đây, và Chúa cho tôi mấy cái đồ nghề sếp hiểu tôi muốn nói gì chứ? Và mấy cái đồ nghề chết tiệt ấy cứ làm tôi điên đầu lên và mở túi tiền ở bất cứ nơi nào tôi gặp giống cái. Sếp thấy không? Do đó, Đức Mẹ Đồng Trinh phải chịu trách nhiệm và còn hơn cả chịu trách nhiệm nữa. Để bà ấy phải chi thôi.

– Tôi không thích thế, Zorba ạ.

– Đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Ta hãy vớt vát bảy ngàn bạc trước đã, rồi sẽ tranh luận sau! “Ta hãy làm tình trước đã, cưng, sau đó, cô sẽ lại là cô của cháu… ” Sếp biết người ta hát thế chứ? . . .

Cha tiếp tân béo mập hiện ra.

– Xin mời vào, ông nói bằng cái giọng ngọt ngào của giới tăng lữ. Bữa ăn đã dọn xong.

Chúng tôi đi xuống phòng ăn, một phòng rộng kê những ghế băng cùng những bàn dài hẹp. Mùi dầu ôi, khăn khẳn tràn ngập. Đầu đằng kia là một bích họa cổ vẽ Bữa ăn Cuối Cùng. Mười một vị thánh tông đồ, xúm quanh Chúa Kitô như một bầy chiên và phía bên kia, đứng riêng hẳn một mình là Judas tóc đỏ , trán dô mũi khoằm, con chiên ghẻ. Và Chúa Kitô không thể rời mắt khỏi hắn.

Cha tiếp tân ngồi xuống ; ông xếp tôi ngồi bên phải ông và Zorba bên trái.

– Đang tuần chay, ông nói, nên tôi mong nhị vị thứ lỗi không có dầu hoặc rượu, ngay cả đối với khách. Nhưng xin nhận cho thịnh tình của chúng tôi.

Chúng tôi làm dấu thánh giá, rồi lặng lẽ lấy ô-liu, hành xuân, đậu tươi và halva vào đĩa mình. Cả ba nhai chậm rãi, trệu trạo như thỏ.

– Cuộc đời dưới trần gian là như thế đó, cha tiếp tân nói. Khổ hình và chay tịnh. Nhưng hãy kiên nhẫn, các đạo hữu, hãy kiên nhẫn. Cuộc Phục Sinh, Chúa Jesus và Nước Thiên đàng sắp tới.

Tôi ho khụ khụ. Zorba giẫm lên chân tôi như muốn nói “Im ngay!”

– Tôi đã gặp cha Zaharia… Zorba nói để chuyển đầu đề câu chuyện.

Cha tiếp tân giật mình.

– Cái lão điên ấy đã nói những gì với nhị vị? Ông lo lắng hỏi: Y có cả bảy con quỷ trong người, các vị đừng có nghe một lời nào y nói ra. Linh hồn y vẩn đục và y thuần nhìn thấy những vẩn đục xung quanh y.

Chuông tập hợp các tu sĩ vang lên ảo não. Cha tiếp tân làm dấu và đứng dậy.

– Tôi phải đi thôi, ông nói. Khổ Hình của Chúa Jesus bắt đầu, chúng tôi phải cùng Người vác cây thập ác. Nhị vị có thể nghỉ ở đây đêm nay, các vị hẳn là mệt sau cuộc hành trình. Nhưng đến mai, vào lúc cầu kinh buổi sáng…

– Lũ lợn! Zorba lẩm bẩm qua kẽ răng khi ông thầy tu vừa đi khỏi. Đồ con lợn! Đồ dối trá? Đồ con lừa!

– Có chuyện gì không ổn, Zorba? Zaharia có nói gì với bác không?

– Sếp đừng bận tâm; thây kệ nó! Nếu họ không muốn ký tôi sẽ cho họ biết tay!

Chúng tôi về căn phòng dành cho mình. Trong góc phòng , có một tượng thánh Đức Mẹ Đồng Trinh áp má vào má Chúa Hài Đồng, cặp mắt to đầy lệ.

Zorba lắc cái đầu kếch xù.

– Sếp có biết tại sao bà ấy khóc không?

– Không.

– Vì bà không thấy được những gì đang diễn biến. Nếu tôi là họa sĩ vẽ thánh tượng, tôi sẽ vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh không có mắt, mũi, tai. Vì tôi thương hại bà.

Chúng tôi nằm dài trên hai cái giường cứng. Những xà gỗ thơm mùi trắc bá; qua cửa sổ để mở, phả vào hơi thở dịu dàng của mùa xuân ngọt ngào hương hoa. Thi thoảng, những điệu hát ai oán từ dưới sân thốc lên như những cơn gió. Một con chim họa mi cất tiếng hót ngay bên cửa sổ, rồi một con khác ở cách một quãng và một con khác nữa. Đêm dào dạt tình yêu.

Tôi không ngủ được. Tiếng chim họa mi quyện lẫn với tiếng than vãn của Chúa Cứu Thế và bản thân tôi cũng cố trèo lên Golgotha qua rặng cam nở hoa, lần theo những vệt máu lớn chỉ đường. Trong đêm xuân biêng biếc, tôi có thể thấy mồ hôi lạnh bóng nhẫy khắp thân hình xanh xao và loạng choạng của Chúa. Tôi có thể thấy hai tay Người giơ ra run rẩy như thể Người là một kẻ hành khất van vỉ khách qua đường ngoài cuộc lắng nghe. Dân chúng khốn khổ của thành Galilée hối hả chạy theo Người, hô: “Hosannah! Hosannah ( [54] )”. Họ cầm những tàu lá cọ trong tay và trải áo ngoài dưới chân Người. Chúa nhìn những kẻ Người yêu thương, mặc dù không ai đoán được nỗi tuyệt vọng sâu xa của Người. Chỉ riêng Người biết mình đang đi đến chỗ chết. Dưới màn sao, lặng lẽ khóc thầm, Chúa an ủi trái tim người tội nghiệp tràn đầy sợ hãi của mình.

“Trái tim ta hỡi, giống như hạt lúa mì, ngươi cũng phải rụng xuống đất và chết. Đừng sợ. Nếu ngươi không rụng xuống, làm sao cây kết trái được? Làm sao nuôi được những kẻ đang sắp chết đói?”

Nhưng trong lồng ngực, trái tim người của Chúa đang xỉu đi, đang run lên và không muốn chết…

Khu rừng quanh tu viện đầy tiếng họa mi hót. Tiếng hót dâng lên từ những vòm lá ẩm ướt, thuần nói về tình yêu và đam mê. Và cùng với nó, trái tim tội nghiệp của loài người run rẩy, căng phồng và khóc ròng.

Dần dần, cùng với Khổ Hình của Chúa Jesus và tiếng hót họa mi, tôi đi vào cõi mộng từ lúc nào không biết, tựa như linh hồn đi vào Thiên đàng.

Ngủ chưa đầy một tiếng đồng hồ, tôi bỗng giật mình tỉnh giấc, kinh hoàng.

– Zorba! Tôi kêu lên. Bác có nghe thấy không? Một phát súng lục!

Nhưng Zorba đang ngồi trên giường hút thuốc.

– Đừng hốt hoảng, sếp, lão nói, vẫn cố nén giận, cứ để họ tính sổ với nhau, lũ lợn!

Những tiếng kêu từ hành lang vẳng tới cùng với tiếng dép lệt sệt nặng nề, tiếng cửa mở và đóng, và một tiếng rên ở đằng xa như có ai bị thương.

Tôi nhảy khỏi giường và mở cửa. Một ông già khô quắt hiện ra trước mặt tôi, dang tay chắn lối. Ông đội một cái mũ trùm đầu nhọn màu trắng và mặc một chiếc áo ngủ trắng dài đến gối.

– Cụ là ai?

– Giám mục… ông đáp, giọng run run.

Tôi suýt phì cười. Một đức giám mục đây à? Đâu rồi nhung phục sức của ngài; áo tế dát vàng, mũ tế và thánh giá, những ngọc thạch giả nhiều màu sắc…? Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy một giám mục mặc quần áo ngủ.

– Trình Đức Ngài, tiếng súng lục ấy là thế nào ạ?

– Tôi không biết, tôi không biết… ông lắp bắp, khẽ đẩy tôi trở vào phòng.

Từ giường mình, Zorba phá lên cười.

– Sợ à, Cha thân mến? Lão nói. Vậy thì, bạn già, vào đây với chúng tôi. Chúng tôi không phải là tu sĩ, nên cha khỏi phải lo.

– Zorba, tôi nói nhỏ, bác không tỏ ra kính cẩn hơn được ư? Đức giám mục đấy.

– Hừm, trong một chiếc áo ngủ thì không ai là giám mục cả! Vào đây, ông bạn già.

Lão đứng dậy, nắm lấy cánh tay vị giám mục dẫn vào phòng, và đóng cửa lại sau lưng ông. Lão lấy trong túi dết ra một chai rượu rum và rót đầy một ly nhỏ.

– Uống đi, bạn, lão nói. Cái này sẽ làm bạn phấn chấn lên.

Ông già nhỏ bé uống cạn ly và chẳng mấy chốc trấn tĩnh lại. ông ngồi xuống giường tôi và dựa vào tường.

– Trình Đức Cha chí tôn, tôi nói, chẳng hay phát súng lục ấy là thế nào ạ?

– Ta không biết, con ạ… Ta làm việc đến nửa đêm, sắp đi nằm thì nghe thấy trong phòng cha Demetrios ở bên cạnh…

– Ha? Ha! Zorba có nói. Vậy ra đằng ấy có lý, Zaharia! Lũ lợn bẩn thỉu!

Ông giám mục cúi đầu.

– Chắc là có một tên kẻ trộm nào đó, ông lẩm bẩm.

Trong hành lang, tiếng huyên náo đã dứt và tu viện lại chìm vào im lặng. Ông giám mục nhìn tôi bằng cặp mắt hiền từ khiếp hãi như cầu khẩn.

– Con có buồn ngủ không? ông hỏi.

Tôi cảm thấy rõ là ông không muốn rời khỏi đây và trở về trơ trọi một mình trong phòng riêng, ông sợ.

– Thưa không, tôi trả lời, con không buồn ngủ, cha cứ ở lại đây một lát.

Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Zorba dựa lưng vào gối, quấn một điếu thuốc.

– Con có vẻ là một chàng trai có văn hóa, giám mục nói với tôi. Ở đây, cha không kiếm được ai để trò chuyện. Cha có ba lý thuyết góp phần làm cho cuộc sống của cha dễ chịu; cha muốn giảng giải cho con nghe, con ạ. Không đợi tôi trả lời, ông bắt đầu ngay:

– Lý thuyết thứ nhất của cha là thế này: hình dạng của hoa ảnh hưởng đến màu sắc của chúng, màu sắc lại ảnh hưởng đến đặc tính. Như thế, mỗi loại hoa tác động một khác đối với thân thể một người và do đó , đối với linh hồn anh ta. Vì vậy, ta phải hết sức thận trọng khi đi qua một cánh đồng đang nở hoa.

Ông dừng lại như để chờ nghe ý kiến tôi: Tôi có thể hình dung ông già nhỏ bé tha thẩn qua một cánh đồng, lòng náo nức thầm, rà soát mặt đất tìm các dạng hình và màu sắc hoa. Hẳn ông già tội nghiệp phải run lên vì một nỗi kinh hãi huyền bí; mùa xuân, chắc ông thấy ở các cánh đồng đầy những ma quỷ và thiên thần muôn màu nghìn sắc.

Đây là lý thuyết thứ hai của cha: mọi ý tưởng có một ảnh hưởng thật sự cũng đều có một tồn tại thật sự. Nó thực sự hiện hữu ở đây, nó không vật vờ vô hình trong khí quyển – nó có một thân thể thực sự – mắt, miệng, chân, bụng. Nó là đực hay là cái và do đó chạy theo đàn ông hay đàn bà, như có thể xảy ra. Vì thế kinh Phúc âm nói: “Ngôi Lời trở thành xác thịt…”.

Ông lại lo lắng nhìn tôi:

– Lý thuyết thứ ba của cha, ông vội vã nói tiếp, như thể không chịu nổi sự lặng im của tôi, là thế này: có một thứ Vĩnh Cửu nào đó ngay cả trong cuộc đời phù du của chúng ta, có điều chúng ta rất khó phát hiện thấy nó một mình. Những lo toan hằng ngày lái chúng ta đi lạc hướng. Chỉ một số ít người, tinh hoa của nhân loại, có thể sống vĩnh cửu cả trong cuộc đời thoáng qua của họ trên cõi trần ai này. Vì tất cả những người khác do vậy sẽ tiêu vong, nên Thượng đế rủ lòng thương, gửi cho họ tôn giáo – như thế, đám đông cũng có thể sống trong vĩnh cửu.

Ông đã thuyết trình xong và rõ ràng là nhẹ nhõm hẳn đi vì đã nói ra được. Ông ngước cặp mắt nhỏ trụi hết lông mi nhìn tôi, mỉm cười. Như thể muốn nói: “Đó, ta đã cho con tất cả những gì ta có, hãy nhận lấy!” Tôi xúc động thấy ông già bé nhỏ này mới chỉ biết tôi sơ sơ đã tặng ngay kết quả công việc cả đời mình như vậy.

Mắt ông rưng rưng lệ.

– Con nghĩ thế nào về những lý thuyết của ta? Ông hỏi, đưa tay cầm tay tôi và nhìn vào mắt tôi. Tôi có cảm giác như ông chờ đợi câu trả lời của tôi vạch cho ông thấy cuộc đời ông có ích gì hay không.

Tôi biết bên trên và bao trùm chân lý còn có một bổn phận khác quan trọng hơn nhiều và giàu tính người hơn nhiều.

– Những lý thuyết ấy có thể cứu vớt nhiều linh hồn, tôi trả lời.

Mặt vị giám mục sáng lên. Như vậy có nghĩa cuộc đời ông là đáng sống.

– Cám ơn con, ông thì thầm, trìu mến siết chặt tay tôi.

Zorba bật dậy từ trong góc của mình.

– Tôi có một lý thuyết thứ tư, lão kêu.

Tôi lo ngại nhìn lão. Vị giám mục quay lại phía lão.

– Nói đi, con, và cầu Chúa ban phước cho lý thuyết của con? Như thế nào?

– Hai với hai là bốn? Zorba nghiêm trang nói.

Giám mục nhìn lão, ngớ ra.

– Và lý thuyết thứ năm nữa, ông già ạ, Zorba nói tiếp: hai với hai không phải là bốn. Nào, ông bạn, thử xem! Chọn đi!

– Ta không hiểu , ông già lắp bắp , đưa mắt thầm hỏi tôi.

– Tôi cũng vậy, Zorba nói và cười phá lên.

Tôi quay sang ông già tội nghiệp đang ngượng ngập và chuyển sang chuyện khác.

– Cha đang nghiên cứu những vấn đề đặc biệt gì ở tu viện này, thưa Đức Cha chí tôn? Tôi hỏi.

– Cha đang sao lại những thư bản cổ của tu viện, con ạ, và gần đây, cha tiến hành sưu tầm tất cả những hình dung từ thiêng liêng do Giáo Hội dùng đối với Đức Mẹ Đồng Trinh.

Ông thở dài.

– Cha già rồi, ông nói, không thể làm được việc gì khác. Cha tìm thấy an ủi trong việc liệt kê tất cả những trang sức bằng ngôn từ cho Đức Mẹ Đồng Trinh và như vậy cha quên đi những khổ ải của trần ai.

Ông tì khuỷu tay lên gối, nhắm mắt lại và bắt đầu lầm rầm như nói mê:

– Đóa Hồng Bất Diệt, Đất Phì Nhiêu, Cây Nho, Suối, Nguồn Phép Mầu, Thang Lên Thiên Giới, Cầu Bắc Ngang, Xuồng Cứu Kẻ Đắm Tàu, Bến Trú An Lành, Chìa Khóa Thiên đàng, Bình Minh, Ánh Sáng Vĩnh Cửu, Ánh Chớp, Cột Lửa, Nguyên Soái Vô Địch, Tháp Trụ, Pháo Đài Bất Khả Xâm Phạm, An ủi, Niềm Vui, Gậy Chống Cho Kẻ Mù Lòa, Mẹ Của Trẻ Mồ Côi, Bàn, Lương Thực, Hòa Bình, Thanh Tĩnh, Hương Thơm, Tiệc, Sữa và Mật Ong…

– Tay già này mê sảng rồi… Zorba khẽ nói. Để tôi đắp kín cho lão khỏi cảm lạnh.

Lão đứng dậy, phủ một tấm mền lên người vị giám mục và sửa lại gối cho ngay ngắn.

– Tôi nghe nói có ba mươi sáu ( [55] ) kiểu điên, lão nói. Đây chắc là kiểu thứ ba mươi sáu.

Trời rạng dần. Chúng tôi nghe thấy tiếng mõ. Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ. Trong những tia sáng đầu tiên của bình minh, tôi trông thấy một tu sĩ gày nhẳng, đầu đội một chiếc mũ chụp dài màu đen, chậm rãi đi quanh sân, tay cầm chiếc búa nhỏ gõ vào một miếng gỗ dài có những đặc tính âm nhạc kỳ diệu. Tiếng mõ vang trong không khí ban mai, dịu dàng, du dương và quyến rũ. Họa mi đã ngừng hót và các loại chim khác bắt đầu líu lo trong những lùm cây.

Tôi lắng nghe, mê mẩn với những nốt ngọt ngào đầy sức gợi của chiếc mõ gỗ. Tôi nghĩ: ngay cả trong suy tàn, một nhịp điệu cao cả trong đời vẫn bảo toàn nguyên vẹn hình thức bên ngoài của nó, vẫn uy nghi và sang nhã biết bao. Tinh thần đã ra đi, còn để lại nơi trú ngụ mênh mang mà nó đã phát triển dần, với nhiều ngóc ngách rắc rối như một cái vỏ ốc biển.

Những ngôi nhà thờ lớn mỹ miều ta thấy ở những thành phố ồn ào, vô thần, chính là những vỏ ốc rỗng ruột ấy tôi nghĩ tiếp. Những quái vật tiền sử chỉ còn sót lại một bộ xương bị mưa nắng xói mòn! Có tiếng gõ cửa phòng chúng tôi: Cái giọng ngọt xót của cha tiếp tân vọng đến tai chúng tôi.

– Nào, dậy thôi, các đạo hữu, đến giờ cầu kinh buổi sáng rồi.

Zorba bật dậy:

– Phát súng lục hồi đêm là thế nào vậy? Lão tức tối quát. Lão đợi một lát. Im lặng. Sau cánh cửa, ông thầy tu hẳn phải nghe thấy câu hỏi của lão vì chúng tôi có thể nghe thấy tiếng ông thở phì phò, Zorba nổi điên giậm chân.

– Phát súng lục ấy là thế nào? Lão lại hỏi trong một cơn cuồng nộ.

Chúng tôi nghe thấy tiếng chân vội vã lảng đi. Zorba nhảy một bước tới cửa, mở toang ra.

– Lũ vô lại bẩn thỉu! Quân đê tiện! Lão gầm lên, nhổ bọt về phía ông thầy tu đang bỏ chạy. Linh mục, nữ tu, thầy dòng, bọn quản lý tài sản Giáo Hội và giữ đồ thánh, cả bọn các ngươi thật đáng nguyền rủa!

Và lão lại nhổ.

– Ta đi thôi! tôi nói, không khí nơi đây có mùi máu.

– Đâu phải chỉ có máu, Zorba làu bàu. Sếp cứ đến chỗ cầu kinh buổi sáng, nếu sếp muốn. Tôi sẽ tìm quanh đây xem có phát hiện ra cái gì không.

– Ta đi thôi? Tôi nhắc lại, cảm thấy lợm giọng. Và xin bác đừng có thò mũi vào chuyện không dính dáng gì đến bác.

– Tôi lại thích thò mũi vào những chuyện đó cơ chứ? Zorba nói.

Lão ngẫm nghĩ một lúc, rồi mỉm cười ranh mãnh.

– Ma quỷ đang cho chúng ta một đặc ân, lão nói. Tôi nghĩ nó đang đẩy tình hình đến cao trào. Sếp có biết một phát súng lục như vậy có thể làm cho tu viện tốn bao nhiêu tiền không? Gọn bảy ngàn!

Lão đi xuống sân. Mùi hoa thơm ngào ngạt, buổi sớm mai êm đềm, diễm phúc thần tiên. Zaharia đang đợi chúng tôi. Y chạy đến nắm lấy cánh tay Zorba.

– Đạo hữu Canavaro, y thì thầm. giọng run run. Này, chúng ta phải đi thôi?

– Phát súng ấy là thế nào? Có phải họ đã giết ai không? Nói đi kẻo tôi vặn cổ bây giờ!

Tay lão thầy tu run lên. Y nhìn quanh. Sân vắng tanh, các trai phòng đóng kín; qua cửa giáo đường mở rộng vẳng ra từng đợt sóng nhạc.

– Cả hai người hãy theo tôi, y lầm bầm. Sodom và Gomorrah!

Chúng tôi lẻn theo sát tường tới phía bên kia sân và ra khỏi vườn. Cách tu viện khoảng một trăm mét là một nghĩa địa. Chúng tôi vào đó.

Chúng tôi bước qua các ngôi mộ, Zaharia đẩy cánh cửa nhỏ phía sau giáo đường và chúng tôi vào theo y. Ở giữa, trên một cái chiếu bấc, nằm sóng soài một xác chết trên một phủ một bộ đồ tu sĩ. Trên đầu và dưới chân tử thi đều có một ngọn nến cháy.

Tôi cúi xuống nhìn.

Gã thầy tu trẻ! Tôi rùng mình lẩm bẩm. Chủ tiểu tóc vàng của cha Demetrios.

Trên cánh cửa hậu cung lấp lánh hình ảnh thượng đẳng thiên sứ Michael hai cánh xòe rộng, gươm tuốt trần, chân đi dép đỏ.

– Thượng đẳng thiên sứ Michael! Tay thầy tu kêu lên xin hãy giáng sấm sét xuống thiêu cháy tất cả bọn chúng. Thượng đẳng thiên sứ Michael xin hãy làm một cái gì đi! Hãy rời khỏi thánh tượng của ngài! Vung gươm lên chém chúng đi! Ngài không nghe thấy tiếng súng đó sao?

– Ai giết gã? Ai? Demetrios? Nói đi, lão dê già!

Tu sĩ vùng khỏi tay Zorba và gieo mình nằm sấp trên sân trước hình thượng đẳng thiên sứ. Y nằm yên không động đậy một lúc, mặt ngước lên, miệng há hốc, mắt trố ra đăm đăm quan sát thánh tượng.

Đột nhiên, y vui sướng nhảy cẫng lên.

– Tôi sẽ thiêu cháy chúng! Y tuyên bố, giọng kiên quyết ,Thượng đẳng thiên sứ đã cử động, tôi thấy mà, ngài ra hiệu cho tôi!

Y lại sát bên thánh tượng và gắn cặp môi dày vào thanh gươm của thượng đẳng thiên sứ.

– Đội ơn Thượng đế! Y nói. Tôi nhẹ hẳn người!

Zorba lại túm lấy tu sĩ.

– Lại đây, Zaharia, lão nói. Bây giờ, thầy phải làm theo lời tôi. Rồi quay sang tôi.

– Đưa tiền cho tôi, sếp, tự tay tôi sẽ ký giấy tờ. Ở đây bọn chúng là chó sói tuốt và sếp là con cừu non, chúng sẽ ăn thịt sếp. Hãy phó mặc cho tôi. Đừng lo gì, tôi đã lái lũ lợn béo này theo ý tôi: Đến trưa, chúng ta sẽ rời khỏi đây với khu rừng bỏ gọn trong túi. Đi nào, Zaharia!

Họ len lén lẻn về phía tu viện. Tôi đi dạo dưới rặng thông.

Mặt trời đã lên cao, sương long lanh trên lá. Một con sáo trước mặt tôi bay đến một cành lê dại, nguẩy đuôi, nhìn tôi và hé mỏ huýt đôi ba tiếng giễu cợt.

Qua rặng thông, tôi trông thấy mảnh sân và các tu sĩ đi ra thành một hàng dài, đầu cúi gằm và mũ chụp đen rủ trên vai. Buổi cầu nguyện đã kết thúc, họ đi đến phòng ăn.

“Thật đáng tiếc là vẻ cao nhã và khắc khổ như vậy lại chẳng có linh hồn”, tôi nghĩ thầm.

Tôi thấy mệt mỏi vì đêm qua không ngủ được mấy và tôi nằm dài trên cỏ. Những đám hoa dại viôlét, đậu chổi, hương thảo và ngải đắng tỏa hương thơm lừng. Côn trùng đói cuồng không ngừng vo ve, lao vào những đóa hoa như lũ cướp biển và hút mật. Xa xa, núi lấp lánh, trong veo, thanh tĩnh như một màn sương di động trong ánh mặt trời thiêu đốt. Tôi nhắm mắt lại, nguôi dịu. Một khoái cảm trầm tĩnh, bí ẩn xâm chiếm tôi – như thể toàn bộ cái phép lạ xanh tươi quanh tôi đây đích thị là Thiên đàng, như thể tất cả cái mát rượi, lâng lâng và niềm cực lạc tỉnh táo tôi đang cảm thấy chính là Thượng đế vậy. Thượng đế thay đổi vẻ bề ngoài từng giây. Hạnh phúc thay kẻ nào có thể nhận ra Người dưới mọi dạng cải trang. Lúc thì Ngài là một ly nước mát, khi lại là đứa con trai nhún nhảy trên đùi ta, hoặc một phụ nữ đẹp mê hồn, hoặc có thể chỉ là một cuộc dạo chơi buổi sáng.

Dần dần mọi vật xung quanh tôi, không hề đổi dạng, trở thành một giấc mơ. Tôi sung sướng. Trần gian và Thiên đàng là một. Một bông hoa đồng nội chứa trong lòng một giọt mật lớn: cuộc đời hiện ra với tôi như thế đó. Và hồn tôi là một con ong rừng xăm xăm hút nhụy.

Tôi bị đánh thức một cách thô bạo khỏi trạng thái cực lạc này. Tôi nghe thấy tiếng bước chân đằng sau tôi cùng những tiếng thì thào. Đồng thời một giọng hân hoan cất lên.

– Sếp, ta đi thôi!

Zorba đứng ngay trước mặt tôi và cặp mắt nhỏ của lão lấp lánh một ánh ma quái.

– Đi à? Tôi nói, nhẹ hẳn người. Giải quyết xong xuôi cả rồi chứ?

– Xong tất! Zorba nói, tay vỗ vỗ vào phần trên áo ngoài. Cánh rừng đây rồi. Tôi hy vọng nó sẽ mang lại may mắn cho chúng ta! Và đây là khoản bảy nghìn tổn phí với Lola.

Lão móc túi trong lấy ra một cuộn giấy bạc.

– Sếp cầm lấy! Lão nói. Tôi xin trả nợ, tôi có thể nhìn thẳng vào mặt sếp mà không xấu hổ nữa. Cả những bít tất, túi xách tay, nước hoa và dù cho mađam Bouboulina cũng bao gồm trong đó luôn! Thậm chí cả hạt dẻ cho con vẹt nữa! Và cả halva tôi mang về tho sếp!

– Bác cứ giữ lấy, Zorba; đó là quà tôi tặng bác, tôi nói. Hãy thắp một cây nến tạ tội với Đức Mẹ Đồng Trinh mà bác đã xúc phạm.

Zorba quay lại. Linh mục Zaharia đang tiến về phía chúng tôi trong chiếc áo thụng nhớp nhúa đã ngả sang màu lục, chân đi đôi giày vẹt gót, tay dắt hai con la của chúng tôi.

Zorba giơ cho y tệp giấy bạc.

– Chúng mình chia đôi, cha Joseph, lão nói. Cha có thể mua hai tạ cá thu muối và nhồi nhét đến đau quặn bụng. Đến khi nào cha ói hết ra và mãi mãi, mãi mãi tự giải thoát khỏi cơn thèm cá thu. Nào, chìa tay ra!

Tu sĩ cầm lấy mớ giấy bạc bẩn và giấu biến đi.

– Tôi sẽ mua một ít dầu parafin! Lão nói.

Zorba hạ thấp giọng và nói thầm vào tai tay thầy tu già.

– Hãy hành động trong đêm tối, khi tất cả lũ dê già đã ngủ, và phải chờ lúc có gió, lão dặn dò. Hãy tưới dầu parafin khắp bốn mặt tường. Chỉ cần lấy mấy tấm giẻ hoặc bông vụn, bất cứ cái gì, tẩm đẫm dầu rồi châm lửa vào Hiểu chứ?

Tay thầy tu run lên.

– Đừng có run thế! Thượng đẳng thiên sứ đã ra lệnh cho cha làm thế phải không nào? Hãy tin tưởng vào dầu parafin và ân sủng của Thượng đế! Chúc cha may mắn!

Chúng tôi lên yên và tôi nhìn tu viện lần cuối.

– Bác có biết thêm điều gì không, Zorba? Tôi hỏi.

– Về phát súng ấy ư? Đừng có đau đầu về chuyện ấy, sếp ạ, già Zaharia có lý: Sodom và Gomorrah! Demetrios đã giết gã thầy tu trẻ đẹp đó. Cơ sự là như vậy.

– Demetrios? Tại sao?

– Sếp đừng mất công cố gắng truy nguyên làm gì, toàn chuyện nhơ bẩn, thối tha cả thôi.

Lão quay về phía tu viện. Đám tu sĩ đang ra khỏi phòng ăn, đầu cúi, tay chắp, trở về giam mình trong trai phòng.

– Cứ nguyền rủa tôi đi, các thánh Cha! Lão kêu lên.

Bình luận