Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 7

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Chúng tôi cứ ngồi im lặng bên bếp cho tới tận khuya. Một lần nữa, tôi cảm thấy hạnh phúc là một điều xiết bao đơn giản và thanh đạm: một ly rượu vang, một hạt dẻ nướng, một bếp lửa nhỏ tồi tàn, tiếng biển ì ầm. Ngoài ra chẳng có gì khác. Và để cảm thấy hiện tại là hạnh phúc, chỉ cần có một trái tim giản dị và thanh đạm.

– Bác đã lấy vợ mấy lần rồi, Zorba? Tôi hỏi.

Cả hai chúng tôi đều đang trong tâm trạng vui vẻ, không phải vì đã uống kha khá, mà chính vì niềm hạnh phúc khôn tả trong tâm hồn. Mỗi ngả theo cách riêng, chúng tôi ý thức sâu sắc rằng chúng tôi chỉ là hai con côn trùng nhỏ bé phù du bám chặt vào vỏ trái đất, rằng chúng tôi đã tìm được một góc tiện lợi bên bờ biển, đằng sau mấy khóm tre, dầm ván gỗ và mươi can xăng rỗng không để tụ lại với nhau ở đó, và cuối cùng, chúng tôi có sẵn đồ ăn thức uống cùng một số điều thú vị trước mắt và sự thanh thản, an toàn và tình thương yêu trong lòng.

Zorba không nghe thấy tôi hỏi. Ai biết được tâm trí lão đang phiêu diêu tận những vùng đại dương nào ngoài tầm giọng tôi? Tôi với tay khẽ chạm đầu ngón vào lão.

– Bác đã lấy vợ mấy lần rồi, Zorba? Tôi nhắc lại.

Lão giật mình. Lần này thì lão nghe thấy. Khoa khoa bàn tay hộ pháp, lão đáp:

– Sếp định khui vào chuyện gì bây giờ đấy? Sếp không cho tôi là một thằng đàn ông sao? Như tất cả mọi người khác, tôi đã phạm cái điều Điên Rồ Tột Đỉnh: tôi đã lấy vợ!

– Phải, nhưng bao nhiêu lần?

Zorba gãi đầu như điên.

– Bao nhiêu lần ư? Cuối cùng lão nói: chính thức thì có một lần, trước sau chỉ một lần. Bán chính thức: hai lần. Còn bất chính thì một ngàn, hai ngàn, ba ngàn lần cũng nên. Sếp tính, làm sao tôi đếm xuể?

– Hãy kể tôi nghe đôi chút về những cuộc hôn nhân của bác đi, Zorba. Mai là chủ nhật, chúng ta sẽ cạo râu, vận bộ đồ đẹp nhất đến nhà mụ Bouboulina để “giải sầu bên một ả ham vui”( [27] ). Nào kể tôi nghe đi!

– Kể cái gì mới được chứ! Những chuyện ấy thực ra chả bõ kể đâu, sếp ạ. Những cuộc hôn nhân nghiêm chỉnh đều nhạt nhẽo vô vị, một món ăn không có tiêu ớt. Kể cái gì mới được chứ! Khi mà từ các thánh tượng các vị thánh dòm xuống ban phước cho đôi vợ chồng hôn nhau trước bàn thờ, thì liệu có thể gọi đó là một cái hôn không? Làng chúng tôi có câu: “Thịt ăn trộm được mới ngon”. Vợ mình đâu phải thịt ăn trộm. Còn những cuộc kết hợp bất chính thì ai mà nhớ hết được. Có con trống nào ghi mọi cuộc gió giăng? Chắc chắn là không! Mà tại sao nó lại phải ghi. Hồi trẻ có một thời kỳ tôi luôn giữ một chiếc kéo trong người. Kể cả khi đi nhà thờ tôi cũng bỏ kéo trong túi. Nói cho cùng, chúng ta là đàn ông, làm sao biết được điều gì sẽ xảy ra, phải không nào? Thế, theo đà ấy tôi gom được cả một bộ sưu tập lọn tóc đàn bà – những nàng đã ăn nằm với tôi. Đủ loại: đen có, vàng rơm có, hoe hoe có, thậm chí cả bạc trắng nữa. Nhiều đến nỗi nhồi đầy một chiếc gối. Tôi vẫn gối đầu lên đó mà ngủ – tuy nhiên chỉ mùa đông thôi, mùa hè thì quá nóng. Rồi sau đó ít lâu, tôi cũng đâm chán ngấy – sếp biết đấy, nó bắt đầu có mùi hôi, thế là tôi đốt béng đi.

Zorba phá lên cười.

– Đó là sổ ghi của tôi, sếp ạ, lão nói, và tôi đã đốt nó đi rồi. Nhưng tôi ngấy cái trò đó đến tận cổ rồi. Trước tôi tưởng không đến nỗi nhiều thế, nhưng rồi thấy cứ liên miên bất tận. Cho nên tôi bèn vứt kéo đi.

– Còn những vụ hôn nhân bán chính thức thì sao, Zorba?

– À, những vụ này cũng có phần mê ly, lão thở dài. Ôi các tiên nữ Xlavơ tuyệt vời, ước sao các nàng sống ngàn năm! Thật là tự do! Không hề có những câu hỏi: “Anh đi đâu về?” “Sao về muộn thế?” “Đêm qua anh ngủ đâu? Nàng không hỏi han vặn vẹo gì mình và mình cũng chẳng lục vấn nàng. Tự do!

Lão với lấy ly, nốc cạn và bóc một hạt dẻ, vừa nhai vừa nói:

– Một nàng tên là Sophinka, còn nàng kia là Noussa. Tôi gặp Sophinka ở một làng khá lớn gần Novo Rossisk. Dạo ấy vào mùa đông. Tuyết rơi. Tôi đi kiếm việc làm ở một khu mỏ và dừng chân ở làng ấy. Hôm đó là ngày phiên chợ và từ khắp các làng xung quanh, đàn ông đàn bà kéo đến mua bán. Một nạn đói khủng khiếp, trời rét như cắt, muốn mua bánh mì, người ta phải bán tất, có gì bán nấy, kể cả tượng thánh! Thế, tôi đang đi quanh chợ thì trông thấy một cô gái nông dân nhảy từ trên xe tải xuống, một mẻng cao độ mét tám, mắt xanh như nước biển và đùi với mông núng nính… bảo đảm với sếp, một con ngựa cái chính nòi !… Tôi đứng sững, ngây ra. “Tội nghiệp Zorba, ôi Zorba khốn khổ, chết tiệt!” Tôi tự nhủ. Tôi bắt đầu theo nàng và nhìn ngắm. . . Tôi không sao rời mắt khỏi nàng được! Sếp phải thấy hai cái mông của nàng đung đưa như chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh! “Việc quái gì phải đi tìm hầm với mỏ, đồ ngu si đần độn khốn khổ?” Tôi tự nhủ. “Việc gì mà phung phí thì giờ quý báu ở đó cái đồ trời đánh thánh vật, xoay như chong chóng? Mỏ của mi đây này, hãy xông vào, mở đường hầm ở đó!” Cô gái dừng lại, bắt đầu mặc cả, mua mớ củi, nhấc lên – Jesus, đôi cánh tay mới nõn nà làm sao! – và ném vào xe.

Nàng mua ít bánh mì và năm sáu con cá khô nữa. “Bao nhiêu tất cả?” nàng hỏi. “Nhiều thế…” Nàng tháo đôi hoa tai vàng để trả. Vì không có tiền, nàng sắp phải gán đôi hoa tai. Tôi bàng hoàng. Có tôi đây mà lại để một phụ nữ phải gán hoa tai, đồ nữ trang, xà phòng thơm, nước hoa… đi ư?… Nếu người đàn bà từ bỏ tất cả những cái đó thì thế giới đi tong rồi! Như thể đem vặt hết lông công vậy. Liệu sếp có nỡ vặt lông một con công không? Không bao giờ! Không, chừng nào Zorba còn sống, tôi tự nhủ, điều đó sẽ không thể xảy ra, tôi mở ví và trả tiền. Đó là thời kỳ đồng rúp đã trở thành giấy lộn. Với một trăm drachma, anh có thể mua một con la, với mười drachma, một người đàn bà.

“Thế là tôi trả tiền. Cô gái quay lại liếc nhìn tôi một cái. Cô cầm lấy tay tôi định hôn. Nhưng tôi giật lại. Cô ả coi tôi là gì? Một lão già chăng? “Xpaxiba! Xpaxiba!” Cô nàng thốt lên thế – có nghĩa là: cảm ơn, cảm ơn! Và nhảy lên xe, cầm cương và giơ roi. “Zorba”, tôi tự bảo, “nhìn kìa, anh bạn, nàng sắp sửa chuội khỏi tay cậu rồi đó”. Phốc một cái, tôi đã ở trên xe, bên cạnh nàng. Nàng chẳng nói gì. Thậm chí cũng không quay lại nhìn tôi. Một nhát roi quất, thế là xe chuyển bánh.

“Trên đường đi, rút cục nàng hiểu ra rằng tôi muốn nàng thuộc về tôi. Tôi bập bẹ được vài ba câu tiếng Nga, nhưng trong những chuyện này, đâu có cần nói nhiều. Chúng tôi nói với nhau bằng mắt, bằng tay, bằng đầu gối. Chẳng cần phải vòng vo lôi thôi. Chúng tôi về tới làng và dừng lại trước căn nhà isba của nàng. Chúng tôi xuống xe. Nàng dùng vai đẩy cửa sân và chúng tôi bước vào. Chúng tôi dỡ củi xuống sân, lấy bánh mì và cá, rồi vào nhà. Một bà già nhỏ bé đang ngồi bên lò sưởi trống không. Bà run bần bật. Mình bà quấn tùm lum cả giẻ cả bao tải lẫn da cừu mà vẫn run cầm cập. Rét đến rụng móng tay, thật đấy. Tôi cúi xuống lấy một ôm củi bỏ vào lò sưởi và nhóm lửa. Bà lão nhìn tôi mỉm cười. Cô con gái đã nói gì đó với bà, nhưng tôi không hiểu. Tôi gẩy cho lửa cháy to, bà già được lửa sưởi ấm, đã hồi lại một chút.

“Trong khi đó, cô gái bày bàn ăn. Nàng mang ra một ít vốt-ca và chúng tôi uống. Nàng châm cái ấm xamôvar và pha ít trà. Chúng tôi ăn và chia phần cho bà cụ.

Rồi nàng nhanh chóng dọn giường, trải “địa” sạch, thắp đèn trước tượng Đức Bà Đồng Trinh và làm dấu thánh giá ba lần. Đoạn nàng ra hiệu cho tôi; chúng tôi cùng quỳ trước mặt bà cụ và hôn tay bà. Bà mẹ đặt đôi bàn tay xương xẩu lên đầu chúng tôi và lầm rầm điều gì. Có lẽ bà ban phước cho chúng tôi. “Xpaxiba! Xpaxiba!” tôi thốt lên và tót một cái, tôi đã ở trên giường với cô em.”

Zorba ngừng lời. Lão ngẩng đầu lên và đăm đăm nhìn ra phía biển xa.

– Tên nàng là Sophinka… sau một lát lão nói rồi lại nín lặng.

– Rồi sao nữa? Tôi sốt ruột hỏi. Rồi sao?

– Chẳng có “rồi sao” gì hết! Sếp có cái tật đến là lạ, sếp ạ, lúc nào cũng “rồi sao” với “tại sao”! Hừ, ai lại đi nói những chuyện đó! Đàn bà là một con suối mát. Ta cúi xuống soi vào họ, thấy bóng mình và ta uống; uống đến khi xương cốt rủn ra. Rồi lại có thằng khác đến và hắn cũng khát, hắn cúi xuống soi vào đó, thấy bóng mình và hắn uống. Rồi một gã thứ ba… Một dòng suối mát, đàn bà là thế và nàng cũng là đàn bà. . .

– Sau đó, bác bỏ nàng ra đi ?

– Thế sếp chờ đợi cái gì? Tôi đã bảo sếp nàng là một dòng suối và tôi là kẻ qua đường. Tôi trở lại dặm trường lưu lạc. Tôi đã lưu lại với nàng ba tháng. Cầu Chúa phù hộ nàng, tôi chả có gì phải phàn nàn về nàng. Nhưng sau ba tháng, tôi chợt nhớ ra là mình đang đi tìm mỏ.

“Sophinka”, một buổi sáng, tôi bảo nàng, “anh có công việc anh phải đi thôi”. “Được”, Sophinka nói, “anh đi đi. Em sẽ đợi một tháng. Nếu trong một tháng anh không trở lại, là em được tự do. Anh cũng vậy. Cầu Thượng đế ban phước lành cho anh!” Thế là tôi đi.

– Và sau một tháng, bác trở lại…

– Sếp bỏ quá cho, sếp thật ngốc, sếp ạ, Zorba kêu lên. Trở lại! Cái bọn đàn bà có bao giờ để ta yên đâu! Mười ngày sau, ở Kuban, tôi gặp Noussa.

– Kể tôi nghe về cô ta nào! Kể đi!

– Để lần khác, sếp ạ. Ta không nên pha trộn các nàng với nhau, tội nghiệp! Chúc sức khỏe em, Sophinka.

Lão nốc cạn ly rượu vang, rồi dựa vào vách và nói:

– Thôi được! Bây giờ tôi sẽ kể cho sếp nghe về Noussa. Đêm nay, nước Nga chiếm lĩnh đầu óc tôi. Hạ cờ! Ta sẽ vét cạn các hầm tàu!

Lão chùi ria và chọc than.

– Thế, như tôi vừa nói, tôi gặp em này ở một làng vùng Kuban. Dạo ấy vào mùa hè. Dưa bở và dưa hấu chất như núi. Chốc chốc tôi lại nhặt một quả mà chẳng ai nói gì Tôi bổ đôi và úp mặt vào. Mọi thứ ở nước Nga đều ê hề, thứ gì cũng hàng đống. Cứ xắn tay lên mà lựa chọn!

Không chỉ riêng dưa bở và dưa hấu, xin nói với sếp là cá, bơ và đàn bà cũng vậy. Sếp đi ngang, thấy quả dưa hấu, sếp cứ lấy. Với đàn bà cũng rứa. Không như ở Hy Lạp ta đây sếp chỉ cần cấu một tí tẹo vỏ dưa bở là đủ bị lôi sềnh sệch ra tòa và vừa đụng đến một phụ nữ là anh trai hay em trai ả lao đến và rút dao ra sẵn sàng băm sếp ra làm xúc xích ngay! Chao! Ma quỷ bắt các ngươi đi, lũ ăn mày cùi hủi! Thử sang Nga mà xem người ta có thể sống như lãnh chúa thế nào!

“Thế, tôi đi qua Kuban và tôi trông thấy một nàng trong một vườn rau. Tôi thấy nàng thật ưa nhìn. Sếp à, để tôi nói sếp hay, phụ nữ Xlavơ không giống những ả Hy Lạp gày đét, nhỏ con, tham lam, bán nhỏ giọt ái tình và tìm mọi cách đánh tráo lộn sòng để ăn bớt, cân điêu lừa lọc ta. Không, sếp ạ, phụ nữ Xlavơ cân đong già lượng cho ta. Trong ngủ nghê, ân ái, cũng như ăn uống. Họ có dây mơ rễ má gần gũi với thú vật ngoài đồng và với chính đất đai thổ nhưỡng. Họ cho phóng tay, ban phát rộng rãi, chứ không bủn xỉn như mấy ả Hy Lạp cò kè bớt một thêm hai. Tôi hỏi nàng: “Tên cô là gì?”. Sếp thấy đấy, thông qua phụ nữ, tôi đã học mót được chút ít tiếng Nga – “Noussa! Còn anh?” – “Alexis. Tôi thích cô lắm, Noussa.” Nàng nhìn kỹ tôi một lượt từ đầu đến chân như xem xét một con ngựa trước khi mua. “Anh cũng không phải loại ngựa còm”, nàng bảo. “Răng tốt, ria mép rậm, lưng rộng, hai cánh tay lực lưỡng. Tôi ưa anh đấy.” Hai đứa tôi không nói thêm gì nhiều nữa, chả cần thiết. Loáng cái, chúng tôi đi đến một thỏa thuận ngầm: Tối nay, tôi sẽ phải mặc bộ đồ diện nhất đến chỗ nàng. “Anh có áo choàng lót lông thú không?” Noussa hỏi tôi. – “Có, nhưng nóng thế này…” “Không sao. Anh cứ mang đến, nom cho oách.”

“Thế là tối hôm ấy, tôi diện súng sính như một chú rể, chiếc áo choàng vắt trên cánh tay. Tôi lấy cả chiếc can đầu bịt bạc và tôi xuất phát. Nơi nàng ở là một ngôi nhà nông thôn lớn, với nhiều nhà phụ, bò cái, máy ép nho, hai bếp lửa trong sân trên có bắc nồi, chảo. “Cái gì đang sôi đấy?, tôi hỏi. – “Nước dưa hấu.” “Còn đây?” – “Nước dưa gang.” “Thật là một xứ sở kỳ diệu, tôi tự bảo. “Nghe rõ không: nước dưa hấu và nước dưa gang! Đây là Miền Đất Hứa! Vĩnh biệt nghèo khổ”. Chúc mừng ngươi, Zorba, ngươi đã rơi trúng chỗ rồi. Chuột sa chĩnh gạo!”

“Tôi lên cầu thang. Một cái cầu thang gỗ lớn kêu cọt kẹt. Trên đầu cầu thang là bố mẹ Noussa. Hai ông bà mặc một kiểu quần ống túm màu lam, thắt dây lưng đỏ có núm tua lớn – quả thực, họ rất khá giả. Cặp vợ chồng mặt khỉ ấy dang rộng tay, ôm ghì lấy tôi, hôn hít, làm tôi thấm đẫm nước dãi. Họ nói với tôi liến thoắng. Tôi chẳng hiểu gì mấy, song cái đó có gì là quan trọng? Qua vẻ mặt họ, hiển nhiên là họ không hề có ác ý với tôi.

“Tôi bước vào phòng và tôi thấy gì nào? Những dãy bàn nạng trĩu đồ ăn thức uống như những con tàu lớn rẽ sóng ra khơi. Ai nấy đều đứng – họ hàng, đàn ông, đàn bà và trước mặt tôi là Noussa son phấn trong bộ đồ dạ hội, ngực phô ra như hình chạm ở mũi tàu. Nàng chói lọi, trẻ và đẹp. Nàng chít một chiếc khăn quàng đỏ trên đầu và ngực áo nàng có thêu búa liềm. “Zorba, tên tội lỗi thâm căn cố đế”, tôi thì thầm tự bảo, “miếng thịt dành cho mi đấy ư? Phải chăng đó là tấm thân mi sắp ôm ấp trong tay đêm nay? Cầu Chúa tha thứ cho cha mẹ mi đã sinh ra mi trên cõi đời này!”

“Tất cả chúng tôi lao vào đánh chén thả cửa, nữ cũng như nam, chúng tôi nhậu nhẹt lu bù, ăn như lợn và uống như hũ chìm. Còn cha đạo thì sao? ” Tôi hỏi bố Noussa ngồi cạnh tôi, người bốc hơi ngùn ngụt vì chén đẫy tễ. “Cha đạo ban phước cho chúng tôi đâu?”- “Chẳng có cha đạo”, ông lắp bắp, “chẳng có cha đạo nào hết. Tôn giáo là thuốc phiện đối với quần chúng.”

“Nói đoạn, ông đứng dậy, ưỡn ngực, nới chiếc dây lưng đỏ và giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Ông cầm ly rượu đầy đến miệng và nhìn thẳng vào mắt tôi.

Rồi ông bắt đầu nói liên chi hồ điệp; ông diễn thuyết với tôi ông nói gì, có trời biết! Tôi đứng mệt cả người. Vả lại lúc ấy tôi cũng đã hơi say. Tôi ngồi xuống và áp đầu gối mình vào đầu gối Noussa. Nàng ngồi bên phải tôi.”

“Ông già vẫn không chịu ngưng lời, mồ hôi chảy ròng ròng. Thế là tất cả xô tới bao quanh, ôm ghì lấy ông để khiến ông thôi đi. Ông ngừng nói. Noussa ra hiệu cho tôi: “Bây giờ, anh phải nói đi”.

“Thế là đến lượt tôi đứng dậy và làm một bài đít- cua nửa Nga nửa Hy Lạp. Tôi đã nói gì? Xin thề độc là chính tôi cũng không biết. Tôi chỉ nhớ là cuối cùng, tôi lao vào mấy bài hát đạo tặc Klepht ( [28] ) . Chẳng ăn nhập vào đâu tôi bắt đầu rống lên:

Bọn đạo tặc Klepht trên núi mò xuống

Định ăn trộm ngựa!

Ngựa chẳng thác đâu

Lại thấy Noussa!

“Sếp thấy đấy, tôi đổi lời đi cho hợp với hoàn cảnh.

Chúng rút đi, chúng rút đi

(Mẹ ơi, chúng rút đi rồi.l)

Ôi Noussa của tôi!

Ôi Noussa của tôi!

Ôi!

“Và vừa rống lên: ” Ôi” tôi vừa lao tới Noussa và hôn nàng.

“Đó chính là điều mọi người đều muốn. Như thể tôi đã nổi cái hiệu lệnh mà họ chờ đợi và thực tế, họ chỉ chờ có thế – mấy gã to con râu đỏ xô tới tắt hết đèn đóm.

“Bọn đàn bà, con gái bắt đầu tru tréo, la lên rằng họ sợ. Nhưng gần như ngay lập tức, trong bóng tối, họ lại rúc rích: “Hí-hí-hí”. Họ thích được cù và họ cười vang.

“Điều gì đã xảy ra chỉ có Trời mới biết. Nhưng tôi nghĩ ngay cả Trời cũng chưa chắc đã biết, bởi vì nếu Người biết, hẳn Người đã giáng cho một tiếng sét đốt cháy tất cả rồi. Ấy đấy, họ lộn nhào tất cả, đàn ông đàn bà, lăn lóc trên sàn. Tôi bắt đầu đi tìm Noussa, nhưng biết tìm đâu ra nàng? Tôi tìm thấy một mẻng khác và hành sự với ả.

“Rạng sáng, tôi dậy để ra đi với cô nàng của tôi.Trời hãy còn tối, tôi nhìn không rõ. Tôi nắm một bàn chân, tôi kéo đại. Không, đó không phải chân Noussa. Tôi nắm một bàn chân khác. Không phải! Tôi lại kéo một bàn chân thứ ba cũng không phải! Tôi túm bàn chân thứ tư, thứ năm, và cuối cùng, sau không biết bao nhiêu lộn xộn, tôi tìm ra chân Noussa, kéo mạnh và gỡ nàng ra khỏi hai ba tên quỷ sứ to lớn đang lổm ngổm trên người cô gái tội nghiệp, và tôi đánh thức nàng dậy. “Noussa”, tôi nói, “ta đi thôi!” – “Đừng có quên cái áo choàng lông thú của anh đấy!, nàng nhắc. “Nào ta đi!” Và chúng tôi ra đi.”

– Rồi sao nữa? Tôi lại hỏi khi thấy Zorba im lặng.

– Đấy sếp lại “rồi sao”, “rồi sao”, Zorba nói, sốt ruột với những câu hói như vậy.

Lão thở dài.

– Tôi sống với nàng sáu tháng. Từ hôm ấy trở đi – có Chúa chứng giám – tôi chẳng sợ gì nữa. Chẳng sợ gì hết, xin nói vậy. Chẳng sợ gì, trừ một điều là ma quỷ, hoặc Thượng đế, xóa sạch sáu tháng đó khỏi ký ức tôi.

– Sếp hiểu không? Này, sếp phải nói: “Tôi hiểu”.

Zorba nhắm mắt lại. Lão có vẻ rất xúc động. Đây là lần đầu tiên tôi thấy lão bị một kỉ niệm xa xăm ập về tác động mạnh đến thế.

– Vậy ra bác yêu cô nàng Noussa ấy đến thế kia ư?

Lát sau tôi hỏi lão.

Lão mở mắt ra.

– Sếp còn trẻ, sếp ạ, lão nói, sếp đang còn trẻ, sếp không hiểu nổi đâu. Khi nào sếp bạc đầu như tôi, ta sẽ quay lại bàn chuyện này – cái chuyện muôn thuở này.

– Chuyện nào là chuyện muôn thuở?

– Dào, tất nhiên là đàn bà chứ còn gì! Tôi phải nói với sếp bao nhiêu lần rằng đàn bà là một chuyện muôn thuở. Hiện tại, sếp giống như một chú gà trống choai phủ vội phủ vàng mấy con mái đánh nhoáng một cái, rồi ưỡn ngực, leo lên chốc đống phân mà gáy và vây vo. Nó không nhìn những con mái mà nhìn mào của chúng! Hừ, nó làm sao biết được gì về tình yêu? Ma quỷ bắt nó đi!

Lão nhổ toẹt xuống đất, vẻ khinh bỉ, rồi quay đầu đi; lão không muốn nhìn tôi.

– Thôi được, Zorba, còn Noussa ra sao? Tôi lại hỏi.

Zorba đáp, mắt dõi ra xa, về phía biển.

– Một buổi tối, khi trở về nhà, tôi không thấy nàng đâu Nàng đã đi rồi. Một gã lính đẹp trai vừa mới đến làng và nàng đã bỏ trốn với hắn. Thế là hết! Nói thật tình với sếp tim tôi vỡ đôi. Nhưng đồ chó đẻ ấy chẳng bao lâu lại dính liền làm một. Sếp phải thấy những cánh buồm với những mảnh đỏ, đen, vàng vá víu vào nhau bằng sợi se to đùng, mà cả trong những cơn bão tố dữ dội nhất vẫn không rách. Ấy, tim tôi nó cũng như vậy đó. Không biết bao nhiêu lỗ thủng, không biết bao nhiêu mảnh vá: nó không còn biết sợ gì nữa!

– Thế bác không oán hận gì Noussa sao? Zorba?

– Tại sao? Muốn nói gì thì nói, đàn bà là một cái gì khác, sếp ạ. Một cái gì khác lắm; phi nhân. Vậy tại sao lại oán hận họ làm gì? Đàn bà là một cái gì không thể hiểu nổi và mọi luật lệ của Nhà nước, của tôn giáo đều lầm về họ. Lẽ ra những luật lệ ấy không nên quy định như vậy đối với đàn bà. Những luật lệ ấy quá khắc nghiệt, sếp ạ, quá bất công. Nếu có bao giờ tôi được dịp làm luật, tôi sẽ không ra những luật chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Mười, một trăm, một nghìn giới luật cho đàn ông. Dù sao đi nữa, đàn ông vẫn là đàn ông; họ có thể chịu đựng được. Nhưng không một luật nào với đàn bà. Bởi vì – tôi phải nói điều này với sếp bao nhiêu lần cho vừa, hở sếp?

– Đàn bà là một sinh vật không có chút sức mạnh nào. Ta hãy nâng cốc chúc Noussa, sếp! Và chúc đàn bà!… Và xin Thượng đế hãy cho đàn ông chúng ta khôn ngoan hơn!

Lão uống, giơ cánh tay lên rồi hạ xuống thật mạnh như thể đang bổ rìu.

– Hoặc Người phải cho đàn ông chúng ta khôn ngoan hơn, lão nói, hoặc Người phải giải phẫu cái ấy của chúng ta đi. Nếu không, chúng ta đi đứt hết, hãy tin lời tôi.

Bình luận