Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 22

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Dưới những cây bạch dương, cuộc khiêu vũ mừng lễ Phục Sinh đang đến cao trào.

Điều khiển cuộc khiêu vũ là một thanh niên trạc hai mươi tuổi, ngăm đen, cao lớn, đẹp trai, đôi má phủ một lớp lông tơ dày chưa bao giờ biết tới lưỡi dao cạo. Cổ áo sơ mi của gã phanh ra để lộ một nạm lông đen loăn xoăn trên ngực. Đầu gã hất ra sau, hai chân giậm đất như đôi cánh; thỉnh thoảng, gã liếc nhìn một cô gái nào đó và trên khuôn mặt rám nắng, hai lòng trắng con ngươi lập lòe liên tục, bồi hồi.

Tôi vừa vui thích vừa sợ hãi. Tôi vừa từ nhà mađam Hortense trở lại; tôi đã gọi một phụ nữ đến trông nom mụ. Yên tâm, tôi đến xem trai gái đảo Crete nhảy múa.

Tôi đến chỗ già Anagnosti và ngồi xuống chiếc ghế dài cạnh ông.

– Chàng trai dẫn đầu cuộc khiêu vũ là ai vậy? Tôi hỏi.

Bác Anagnosti cười.

– Thằng ranh, nó giống như thượng đẳng thiên sứ chở linh hồn ta đi vậy, ông nói với vẻ thán phục. Đó là gã chăn cừu Sifakas. Nó trông nom đàn súc vật trên núi quanh năm, đến lễ Phục Sinh mới xuống gặp bà con và khiêu vũ.

Ông thở dài.

– Ôi giá lão còn trai tráng như nó! Ông lẩm bẩm. Giá lão còn trẻ như nó, thề có Chúa, lão sẽ tấn công chiếm Constantinople!

Gã thanh niên lúc lắc đầu và rống lên một tiếng không chút giống tiếng người, như một con cừu động nứng.

– Đàn đi, đàn đi, Fanurio! Gã la lên. Đàn cho đến khi Thần Chết cũng chết luôn!

Từng giây từng phút, Thần Chết chết rồi lại tái sinh, hệt như đời sống. Từ bao ngàn năm, gái trai đã nhảy múa đón xuân về dưới vòm lá non của cây cối – bạch dương, vả sồi, ngô đồng và cọ mảnh mai – và họ sẽ còn tiếp tục nhảy múa hàng ngàn năm nữa, khuôn mặt cháy ngời dục vọng. Những khuôn mặt thay đổi, nát vụn, trở về cát bụi, nhưng những khuôn mặt khác lại trỗi lên thay thế. Trước sau chỉ có độc một người nhảy mà thôi nhưng anh ta có cả ngàn mặt nạ. Bao giờ anh ta cũng ở tuổi 20. Anh ta bất tử.

Gã thanh niên đưa tay lên vuốt ria mặc dầu chẳng có

– Đàn đi! Gã lại la. Đàn đi, Fanurio, kẻo tôi nổ tung lên đây này! Người chơi đàn lia vung tay, cây đàn hưởng ứng, chùm lục lạc lanh tanh nhịp nhàng và gã thanh niên nhảy vọt lên cao bằng đầu người đập chân vào nhau ba lần trên không dùng ủng giựt chiếc khăn trắng chít quanh đầu người bên cạnh, trương tuần Manolakas.

– Hoan hô Sifakas! Mọi người kêu lên, các cô gái run rẩy cụp mắt xuống.

Nhưng gã thanh niên không nói gì, cũng chẳng nhìn ai. Man dại mà vẫn tự khép mình vào kỷ luật, gã tì mu bàn tay trái lên cặp đùi thon khỏe trong khi nhảy, mắt rụt rè nhìn xuống đất. Cuộc nhảy chấm dứt đột ngột khi Androulio, ông già cai quản nhà thờ, hớt hơ hớt hải chạy vào công viên, tay giơ lên trời.

– Mụ góa! Mụ góa! Lão hổn hển kêu.

Trương tuần Manolakas là người đầu tiên chạy đến, lão phá vỡ cuộc khiêu vũ. Từ công viên có thể trông thấy nhà thờ vẫn còn trang hoàng bằng những cành mua và nguyệt quế. Những người đang nhảy dừng lại, máu bốc lên đầu và các ông già đứng dậy khỏi ghế. Fanurio đặt cây đàn vào lòng, rút bông hoa hồng tháng Tư khỏi mang tai ghé vào mũi ngửi.

– Đâu thầy già Androulio? Họ kêu lên, sôi sục phẫn nộ. Mụ đâu?

– Trong nhà thờ, mụ khốn kiếp vừa mới vào đó, mụ mang một ôm hoa chanh!

– Đi nào! Bắt lấy nó! Gã trương tuần vừa thét vừa xông lên. Giữa lúc đó, quả phụ xuất hiện trên bậc cửa nhà thờ, đầu chít một chiếc khăn màu đen. Nàng làm dấu thánh.

– Đồ khốn! Con đĩ! Sát nhân! Những giọng la hét. Thế mà nó còn dám chường mặt ra đây! Nó đã làm nhục cả làng.

Một số theo gã trương tuần chạy tới nhà thờ, một số khác từ trên cao ném đá vào nàng. Một hòn đá trúng vào vai nàng, nàng thét lên, lấy tay che mặt và chạy bổ về phía trước. Nhưng tốp thanh niên đã tới cửa nhà thờ và Manolakas đã rút dao ra.

Quả phụ lùi lại, miệng thốt lên những tiếng kêu khiếp sợ, gập người lại để che mặt và lật đật chạy trốn vào trong nhà thờ. Nhưng lão già Mavrandoni đã trấn trên bậc cửa, hai tay dang ra chắn đường.

Quả phụ chồm sang trái và bám lấy cây trắc bá lớn ở trong sân. Một hòn đá veo véo trúng đầu nàng, làm văng chiếc khăn choàng. Tóc nàng xổ ra, xõa xượi trên vai.

– Nhân danh Chúa! Nhân danh Chúa! Quả phụ thét lên, níu chặt lấy cây trắc bá.

Đứng thành một hàng ngay ở công viên, các cô gái làng nhấm nhấm đầu khăn choàng trắng, háo hức theo dõi màn kịch. Các bà già dựa vào tường, tru tréo: “Giết nó đi! Giết nó đi!”.

Hai gã thanh niên xông tới, túm lấy nàng. Chiếc áo ngoài màu đen của nàng bị xé toạc và cặp vú lấp lánh trắng như cẩm thạch. Máu từ trên đỉnh đầu nàng chảy xuống trán, hai má và cổ.

– Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Nàng thở hồng hộc.

Máu chảy ròng ròng và cặp vú lóa sáng càng kích thích bọn trai trẻ. Những con dao được rút ra khỏi thắt lưng.

– Dừng lại! Mavrandoni quát. Để nó cho tao!

Vẫn đứng trên bậc cửa nhà thờ, lão giơ tay lên. Tất cả dừng lại.

– Manokalas, lão nói giọng trầm trầm. Máu của em họ ngươi đang kêu gào ngươi đó! Hãy giải oan cho hồn nó.

Tôi nhảy xuống khỏi bờ tường tôi đã trèo lên và chạy về phía nhà thờ; tôi vấp phải một hòn đá và ngã sóng soài.

Đúng lúc ấy, Sifakas đi qua. Gã cúi xuống túm lấy gáy tôi như xách một con mèo và xốc tôi đứng lên.

– Đây không phải chỗ cho những người như ông! Gã nói.

– Chú không thương chị ta sao? Tôi hỏi. Hãy rủ lòng thương chị ta!

Gã miền núi man rợ cười vào mặt tôi.

– Ông coi tôi là đàn bà sao? Yêu cầu tôi rủ lòng thương. Tôi là một kẻ nam nhi!

Và thoắt cái, gã đã ở trong sân nhà thờ.

Tôi theo sát gã nhưng thở không ra hơi. Lúc này tất cả đã vây quanh nàng góa. Im lặng nặng nề. Chỉ nghe thấy hơi thở tắc nghẹn của nạn nhân.

Manolakas làm dấu, tiến một bước, giơ dao lên; các mụ già đứng trên bờ tường, mừng rỡ kêu ăng ẳng. Các thiếu nữ kéo khăn trùm đầu xuống che mặt.

Quả phụ ngước mắt, nhìn thấy lưỡi dao trên đầu mình và rống lên như con bê cái. Nàng gục xuống gốc cây trắc bá, đầu rụt lại giữa hai vai, tóc xõa trên mặt đất, cái cổ trắng phập phồng ánh lên trong ánh sáng nhập nhoạng.

– Con cầu xin lẽ công bằng của Chúa! Lão già Mavrandoni kêu lên và làm dấu thánh giá.

Nhưng đúng lúc ấy, một giọng sang sảng cất lên đằng sau chúng tôi.

– Hạ dao xuống, quân sát nhân!

Tất cả sửng sốt quay lại. Manolakas ngẩng đầu lên.

Zorba đã đứng trước mặt hắn, giận dữ khoa tay. Lão quát lớn :

– Các người không biết xấu hổ ư? Đẹp mặt đàn ông nhỉ? Cả làng xúm lại để giết một người đàn bà đơn độc! Coi chừng kẻo các người bôi nhọ thanh danh cả đảo Crete đấy.

– Không việc gì đến ngươi, Zorba! Đừng thò mũi vào việc của chúng ta! Mavrandoni gầm lên.

Rồi quay sang gã cháu trai:

– Manolakas! Lão nói. Nhân danh Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng Trinh, xuống dao đi!

Manolakas chồm tới. Hắn túm lấy quả phụ, quật nàng xuống đất, tì đầu gối lên bụng nàng và giơ dao lên.

Nhưng nhanh như chớp, Zorba nắm lấy cánh tay hắn và bằng chiếc mùi soa lớn quấn quanh bàn tay, ráng sức giằng con dao ra.

Quả phụ nhổm dậy quỳ gối, nhìn quanh tìm đường tháo chân, nhưng dân làng đã chặn mọi lối. Họ vây quanh sân nhà thờ và đứng trên các ghế băng, trông thấy nàng định tìm lối thoát, họ bước lên khép chặt vòng vây.

Trong khi đó, Zorba, nhanh thoăn thoắt, kiên quyết và bình tĩnh, đang lặng lẽ chiến đấu. Từ chỗ đứng gần cửa nhà thờ, tôi lo lắng theo dõi. Manolakas đỏ mặt tía tai, tức điên lên. Sifakas và một gã hộ pháp nữa xông lại, định giúp sức hắn. Nhưng Manolakas phẫn nộ trắng mắt.

– Xê ra! Xê tất. Không được ai lại gần! Hắn quát.

Hắn lại hung hãn tấn công Zorba, lấy đầu húc như một con bò tót.

Zorba cắn môi, không nói một tiếng. Lão chụp cánh tay phải gã trương tuần, chắc như một cái kìm, né trái né phải tránh những cú húc đầu của hắn. Điên cuồng, Manolakas lao tới, ngoạm lấy tai Zorba, ra sức cắn xé.

Máu tóe ra.

– Zorba! Tôi khiếp hãi kêu lên và xông lên định cứu lão.

– Tránh ra, sếp! Lão hét. Đừng dây vào!

Lão nắm chặt tay, thoi một quả khủng khiếp vào bụng dưới Manolakas. Con dã thú lập tức buông ra. Răng hắn nhả cái tai gần rách toạc. Bộ mặt đỏ tía của hắn trắng bệch ra dễ sợ. Zorba giúi hắn xuống đất, giằng lấy con dao ném qua tường nhà thờ.

Lão lấy mùi soa hãm máu chảy xối xả từ tai, rồi lau bộ mặt ròng ròng mồ hôi, và mặt lão trở nên bê bết những máu là máu. Lão rướn thẳng người lên, đưa mắt nhìn quanh. Mắt lão sưng húp và đỏ ngầu. Lão quát nàng góa.

– Đứng dậy! Đi theo tôi!

Và lão bước về phía cửa sân nhà thờ.

Quả phụ đứng dậy, thu hết sức lực để nhào tới trước. Nhưng không kịp. Như một con diều hâu, lão già Mavrandoni bổ tới, quật nàng ngã ngửa, quấn mớ tóc đen dài của nàng ba vòng quanh cánh tay lão và bằng một nhát dao, cắt phăng đầu nàng.

– Tôi chịu trách nhiệm về tội lỗi này! Lão hét lớn và quẳng đầu nạn nhân lên bậc cửa nhà thờ. Đoạn lão làm dấu thánh giá.

Zorba quay lại trông thấy cảnh tượng khủng khiếp ấy. Lão kinh hoàng túm lấy ria mình, rứt ra một nắm. Tôi tới bên, nắm lấy cánh tay lão. Lão cúi người về phía trước, nhìn tôi. Hai giọt nước mắt to tướng rưng rưng trên mi lão .

– Ta đi thôi, sếp, lão nói, giọng tắc nghẹn.

Tối hôm ấy, Zorba không chịu ăn uống gì cả. “Họng tôi tắc không cái gì lọt xuống được đâu”, lão nói. Lão rửa tai bằng nước lạnh, lấy một miếng bông nhúng vào lượn raki và băng lại. Lão ngồi trầm ngâm trên nệm, hai tay ôm đầu. Tôi cũng chống khuỷu tay nằm bệt dưới đất dọc bên vách và tôi cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi từ từ lăn trên gò má. Đầu óc tôi không làm việc, tôi không nghĩ ngợi gì hết. Tôi khóc như một đứa bé dưới sức nặng quá lớn của sầu tủi.

Đột nhiên, Zorba ngẩng đầu lên và trút hết nỗi niềm. Theo đuổi những ý nghĩ man dại, lão bắt đầu la lớn:

– Tôi xin nói với sếp, mọi sự xảy ra trên thế gian này đều bất công, bất công, bất công! Tôi sẽ không tham gia vào cái gì hết! Tôi, Zorba này, một con bọ, một con sâu! Tại sao lớp trẻ lại phải chết và bọn già tàn phế thì vẫn cứ tiếp tục sống? Tại sao trẻ thơ phải chết? Trước kia, tôi có một đứa con trai – nó tên là Dimitri – và tôi đã mất nó khi nó mới lên ba . Hừ. . . Tôi không bao giờ, không bao giờ tha thứ cho Thượng đế điều đó , sếp nghe rõ chứ? Tôi xin nói với sếp khi nào tôi chết, nếu Ngài cả gan xuất đầu lộ diện trước mặt tôi, và nếu quả thực Ngài là một Thượng đế chân chính, Ngài sẽ phải xấu hổ! Phải, phải, Ngài sẽ phải xấu hổ khi triềng mặt ra trước Zorba – con- ốc-sên này!

Lão nhăn mặt như bị đau. Máu lại bắt đầu chảy ra từ vết thương. Lão cắn môi để khỏi bật kêu lên.

– Đợi chút, Zorba! Tôi nói. Tôi sẽ thay băng cho bác!

Tôi dùng rượu raki rửa tai cho lão lần nữa, rồi tôi lấy chai nước hoa cam nàng góa gửi tặng tôi mà tôi thấy ở trên giường mình, và nhúng bông vào đó.

– Nước hoa cam à? Zorba nói, hít lấy hít để. Nước hoa cam à? Xức lên tóc tôi một tí, thế thế. Tốt lắm! Xoa vào tay cho tôi luôn thể, đổ cả ra, nữa đi!

Lão đã sảng khoái trở lại. Tôi nhìn lão, kinh ngạc.

– Tôi có cảm tưởng như đang vào vườn nhà nàng góa, lão nói. Và lão bắt đầu than vãn.

– Phải mất bao nhiêu năm, lão lẩm bẩm, bao năm trường trái đất mới tạo nặn thành công một thân hình như thế! Người ta nhìn nàng mà lòng tự nhủ lòng: Ôi! Giá ta còn tuổi đôi mươi và toàn bộ giống đàn ông biến khỏi mặt đất còn lại một mình người đàn bà ấy để ta giúp nàng sinh ra những đứa trẻ! Không, không phải những đứa trẻ, mà sẽ là những thần thánh thực sự… Thế mà giờ đây. . .

Lão đứng bật dậy, mắt đầy lệ.

– Tôi không chịu nổi, sếp ạ, lão nói. Tôi phải đi dạo đây. Đêm nay, tôi phải đi lên đi xuống sườn núi vài ba lần cho mệt lử đi, cho khuây khỏa một chút… ôi! Nàng góa ấy! Tôi cảm thấy tôi phải hát một khúc bi ca thay cho sếp!

Lão lao ra ngoài, đi về phía núi và biến vào đêm tối.

Tôi nằm xuống giường, tắt đèn và một lần nữa, theo cái cách khốn nạn, phi nhân của mình, cố gắng chuyển vị thực tại vứt bỏ máu, thịt, xương – và quy giản thành khái niệm trừu tượng, gắn nó với những quy luật phổ biến, kỳ tới khi tôi đi đến cái kết luận khủng khiếp rằng điều xảy ra là tất yếu. Hơn thế nữa, theo kết luận ấy, nó còn góp phần cho thế giới đại đồng. Tôi đi đến cái an ủi tối hậu và gớm ghiếc này: tất cả những gì đã xảy ra ắt phải xảy ra, thế là phải thôi.

Việc sát hại nàng góa đi vào óc tôi – cái bọng ong trong đó từ nhiều năm nay, mọi chất độc đều trở thành mật – và khiến nó xáo loạn. Nhưng cái triết lý của tôi lập tức chộp lấy lời cảnh cáo dễ sợ ấy, bủa vây nó bằng những hình ảnh, xảo thuật và mau chóng biến nó thành vô hại. Cũng bằng cách ấy, các cô ong thợ dùng sáp bọc kín thằng ong đực đói rạc mò đến định ăn trộm mật.

Mấy giờ sau, nàng góa đã yên nghỉ trong ký ức tôi, bình tĩnh và thanh thản, chuyển thành một biểu tượng.

Nàng đã được bọc sáp trong tim tôi, nàng không còn khả năng làm lan rộng nỗi kinh hoàng trong tôi và làm tê liệt đầu óc tôi nữa. Những sự kiện khủng khiếp của riêng một ngày hôm ấy mở rộng triển khai trong thời gian và không gian, hòa làm một với những nền văn minh lớn đã qua; những nền văn minh hòa làm một với vận mệnh trái đất; trái đất hòa với vận mệnh vũ trụ – và cứ như thế, quay trở lại sương phụ, tôi thấy nàng phụ thuộc những quy luật lớn của tồn tại, hòa hợp với những kẻ giết nàng, im lìm và trầm lặng.

Với tôi thời gian đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó: sương phụ đã chết từ mấy nghìn năm trước, vào thời kỳ của văn minh Eges( [63] ) và những thiếu nữ Cnossos ( [64] ) tóc quăn mới chết ngay sáng nay thôi, trên bờ biển êm đềm này.

Giấc ngủ chụp lấy tôi, như một ngày kia, thần chết cũng sẽ làm thế – thật không có gì chắc chắn hơn – và tôi nhẹ nhàng trôi tuột vào bóng tối. Tôi không nghe thấy Zorba trở về, thậm chí cũng chẳng biết lão có về hay không nữa. Sáng hôm sau, tôi thấy lão trên sườn núi rủa xả và quát tháo công nhân.

Họ làm thế nào cũng không vừa ý lão. Lão đuổi ba người thợ bướng bỉnh, tự tay cầm cuốc dọn đá và bụi rậm mở con đường lão đã vạch để trồng cột. Lão trèo lên núi, bắt gập mấy gã tiều phu đốn thông và lão đùng đùng chửi bới ầm ĩ. Thấy một gã cười rộ và lẩm bẩm điều gì, Zorba lao vào đánh.

Tối hôm ấy, lão trở về lều, mệt lử và quần áo rách bươm. Lão ngồi xuống cạnh tôi trên bãi biển. Lão hầu như không mở miệng nổi; cuối cùng, khi lão cất lời là để nói về gỗ, dây cáp và than bùn; lão giống như một chủ thầu tham lam chỉ hối hả phá phách nơi thầu cho nhanh, kiếm thật nhiều lợi rồi chuồn.

Ở giai đoạn tự an ủi tôi đã đạt tới, có lúc tôi đã toan nói về nàng góa; Zorba vươn cánh tay dài nghêu và xòe bàn tay hộ pháp bịt miệng tôi.

– Im đi! Lão nói, giọng nghẹn lại.

Tôi ngừng lại, xấu hổ. Một con người chân chính là như thế đấy, tôi nghĩ thầm, thèm được đau buồn như cách Zorba. Một con người có bầu máu nóng, xương cốt vững vàng, khi đau khổ thì để những giọt nước mắt đích thực giàn giụa trên má, và khi sung sướng không làm bợn niềm vui trong sáng của mình bằng cách lọc nó qua cái rây mắt nhỏ của siêu hình học.

Cứ như thế, ba bốn ngày trôi qua. Zorba làm việc liên miên, không ngừng lại để ăn uống hoặc nghỉ ngơi. Lão đang đặt nền móng. Một buổi tối, tôi nhắc rằng mađam Bouboulina vẫn còn đang liệt giường, thầy thuốc không tới và mụ luôn luôn gọi tên lão trong cơn mê sảng.

Lão nắm chặt tay lại.

– Được lão đáp Tờ mờ sáng hôm sau, lão vào làng và gần như ngay sau đó, trở về lều.

– Bác có gặp bà ta không? Tôi hỏi. Bà ta ra sao rồi?

– Mụ chẳng sao cả, lão đáp, chỉ sắp chết thôi. .

Và lão rảo bước đi làm việc.

Tối hôm ấy, lão không ăn, vớ lấy chiếc can gộc và đi ra.

– Bác đi đâu thế? Tôi hỏi. Vào làng à?

– Không, Tôi đi dạo một lúc. Tôi về ngay thôi mà.

Lão sải bước nhanh và quả quyết, hướng về phía làng.

Tôi mệt, vào giường nằm. Tâm trí tôi lại bắt đầu duyệt lại toàn bộ thế giới; hồi ức trỗi dậy cùng với sầu đau, tư tưởng tôi vùn vụt xoay quanh những ý niệm xa vời nhất, nhưng rồi trở lại cố định trên Zorba.

Nếu trong khi đi dạo, lão đụng phải Manolakas – tôi nghĩ – gã khổng lồ đảo Crete ấy hẳn sẽ điên cuồng lao vào lão. Nghe nói mấy ngày gần đây, hắn ru rú ở trong nhà.

Hắn xấu hổ không dám phô mặt ra với làng xóm và không ngừng đe rằng nếu hắn vớ được Zorba, hắn sẽ “dùng răng xé lão ra từng mảnh như một con cá trích”.

Một công nhân nói anh ta đã trông thấy hắn mang vũ khí rình mò quanh lều vào lúc nửa đêm. Nếu đêm nay họ gặp nhau, ắt sẽ xảy ra án mạng.

Tôi vùng dậy, mặc quần áo và hối hả men theo con đường vào làng. Không khí êm dịu và ẩm ướt của ban đêm ngào ngạt mùi hoa tím dại. Một lúc sau tôi thấy Zorba bước chậm chạp, vẻ như rất mệt. Chốc chốc lão lại dừng, nhìn sao, lắng nghe, rồi lại tiếp tục đi, hơi nhanh hơn. Tôi nghe thấy tiếng can của lão lộp cộp trên đá.

Lão đang tiến lại gần vườn nhà nàng góa. Không khí tràn đầy mùi hoa chanh và hoa kim ngân. Vừa lúc đó, từ lùm cây cam trong vườn con họa mi bắt đầu tuôn ra khúc hát não lòng, với những nốt trong ngần như nước suối.

Nó hót hoài hót mãi trong bóng tối. tiếng hót đẹp khiến người nghe phải nín thở. Zorba dừng lại, há hốc miệng, lắng nghe khúc nhạc ngọt ngào.

Chợt đám lau sậy hàng rào lay động, lá sắc cọ nhau như những lưỡi thép.

– Mi đây rồi! Một giọng hung dữ quát lớn. Lão già điên dại lẩm bẩm. Thế là cuối cùng ta đã tìm được mi!

Tôi lạnh cả máu. Tôi đã nhận ra giọng nói ấy.

Zorba bước tới, giơ can lên và dừng lại. Dưới ánh sao tôi nhìn rõ từng cử động của lão.

Một người to lớn từ hàng rào lau sậy nhảy ra.

– Ai đấy! Zorba vươn cổ hỏi.

– Ta đây , Manolakas .

– Có đường có nẻo thì cút đi!

– Tại sao mi lại làm nhục ta?

– Ta đâu có làm nhục anh, Manolakas? Ta đã bảo cút đi! Anh là một gã khỏe mạnh, to con, phải, nhưng anh không gặp may… mà sự may rủi thì vốn mù, anh không biết sao?

– May hay rủi, mù hay không, thì ta cũng vẫn cứ phải rửa nhục.

Manolakas nói và tôi nghe hắn nghiến răng. Ngay đêm nay. Mi có dao không?

– Không, Zorba đáp. Chỉ có cái gậy.

– Đi lấy dao đi. Ta sẽ đợi ở đây. Đi đi!

Zorba không nhúc nhích.

– Sợ à? Manolakas rít lên, với một nụ cười nhạo báng. Ta đã bảo, đi đi!

– Ta cần gì đến dao? Zorba hỏi, lão bắt đầu sôi tiết, ta cần gì đến dao kia chứ? Điều gì đã xảy ra ở nhà thờ? Ta nhớ hình như lúc ấy anh cầm dao , còn ta thì tay không . . .thế mà, kết cục ta đã thắng, phải không nào?

Manolakas gầm lên tức tối.

– Mi định khích ta hử? Mi đã chọn nhầm lúc để nhạo báng, đừng quên là ta đang có khí giới, còn mi thì không!

– Đi kiếm dao đi, tên Macedonia bẩn thỉu, rồi xem ai thắng.

Zorba giơ tay lên, ném chiếc can đi; tôi nghe thấy tiếng nó rơi trên đám sậy.

– Ném dao của mi đi! Lão kêu.

Tôi rón rén đi tới chỗ họ, vừa kịp thấy con dao lấp lánh dưới ánh sao khi nó cũng rơi vào đám sậy.

Zorba nhổ vào tay mình.

– Nào! Lão vừa hô vừa nhảy một miếng khai bộ.

Nhưng không để họ kịp túm lấy nhau, tôi đã lao vào can.

– Dừng lại? Tôi kêu. Này, Manolakas! Và bác nữa, Zorba. Thôi đi! Đẹp mặt cho các người nhỉ!

Hai đối thủ chậm rãi tiến lại phía tôi. Tôi nắm tay phải mỗi người.

– Bắt tay nhau đi! Tôi nói. Cả hai bạn đều là người tốt can trường, các bạn phải giảng hòa đi.

– Lão ta đã làm nhục tôi? Manolakas nói, cố rụt tay lại .

– Không ai có thể làm nhục bạn dễ dàng thế, tôi nói. Cả làng biết bạn là người dũng cảm. Hãy quên chuyện xảy ra ở nhà thờ hôm nọ đi. Đó là một giờ chẳng lành! Điều gì đã xảy ra là chuyện cũ, cho qua! Và chớ quên rằng Zorba là khách lạ, là người Macedonia và nếu dân Crete chúng ta giơ cao tay đánh một người khách đến xứ sở chúng ta, tức là tự chuốc lấy một mối nhục lớn nhất đó. Nào, đưa tay cho bác ấy, thế mới thật dũng cảm – và hãy đến lều tôi, Manolakas. Ta hãy cùng nhau uống và nướng một thước xúc xích để gắn kết tình bạn giữa chúng ta.

Tôi ôm ngang lưng Manolakas và kéo riêng hắn ra.

– Nên nhớ là lão ta già rồi, tôi thì thầm. Một người trẻ cường tráng như bạn không nên đánh một người vào tuổi lão.

Manolakas dịu đi một chút.

– Thôi được, hắn nói. Xin chiều ý ông.

Hắn bước về phía Zorba và chìa bàn tay to lớn ra.

– Nào, ông bạn Zorba, hắn nói. Xí xóa và cho qua mọi chuyện nhé, đưa tay cho tôi.

– Anh bạn đã nhai tai tôi, mong nó mang lại cho bạn nhiều điều tốt lành! Tay tôi đây.

Họ hắt tay nhau mạnh mẽ, mỗi lúc một siết chặt, mắt nhìn mắt. Tôi sợ họ lại sắp đánh nhau nữa.

– Bạn siết mạnh lắm, Manolakas, Zorba nói. Đúng là một người kiên cường và cứng cựa.

– Tay bạn cũng rất khỏe, để xem bạn có thể bóp chặt hơn không.

– Thôi đủ rồi. Tôi kêu lên. Ta đi thôi và hãy gắn kết tình bạn của chúng ta bằng một chầu rượu.

Trên đường trở về bãi biển, tôi đi giữa hai người, Zorba bên phải tôi và Manolakas bên trái.

– Năm nay, mưa nhiều mùa màng sẽ rất tốt đây… tôi nói, để chuyển sang chuyện khác.

Cả hai đều không bắt chuyện. Họ vẫn còn ấm ức.

Tôi đặt hy vọng vào hơi men. Chúng tôi tới lều.

– Hoan nghênh bạn tới thăm tệ xá, tôi nói. Zorba, nướng xúc xích và kiếm chút gì uống đi!

Manolakas ngồi xuống một phiến đá trước lều, Zorba vớ một nắm cành khô, nướng xúc xích và rót đầy ba cốc rượu.

– Chúc sức khỏe! Tôi nâng cốc nói. Chúc sức khỏe Manolakas! Chúc sức khỏe Zorba! Chạm cốc nào!

Họ chạm cốc, và Manolakas đổ mấy giọt xuống đất.

– Nếu có bao giờ tôi giơ tay đánh ông Zorba, thì xin Chúa bắt máu tôi phải đổ như thế này, hắn trịnh trọng nói.

Zorba cũng làm theo, đổ mấy giọt xuống đất.

– Nếu tôi còn để bụng chuyện anh đã nhai tai tôi thì cũng xin Chúa bắt máu tôi phải đổ như thế này.

Bình luận