Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 1

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Tôi gặp lão lần đầu tiên ở Piraeus. Tôi định đáp tàu đến Crete và tôi xuống bến cảng. Đã sắp rạng đông và trời đang mưa. Một ngọn gió xirôccô thổi mạnh, tạt bụi sóng vào đến tận cái tiệm cà phê nhỏ, cửa kính đóng chặt. Tiệm cà phê sực mùi rượu, ngải đắng, và hơi người làm các cửa sổ mờ mờ ướt vì khí lạnh bên ngoài. Năm sáu thủy thủ đã qua đêm ở đây, mình ủ kín trong những chiếc áo vét cài chéo bằng da dê thuộc màu nâu, đang uống cà phê hoặc rượu ngải đắng, phóng mắt qua cửa sổ mờ sương nhìn ra biển. Cá hoảng loạn vì những cơn sóng dồi lồng lộn đã trốn biệt xuống đáy sâu chờ đến khi nào mặt biển bên trên trở lại tĩnh lặng. Dân chài tụ tập đầy các tiệm cà phê cũng chờ cơn phong ba chấm dứt, bấy giờ lũ cá hoàn hồn sẽ ngoi lên mặt nước tìm mồi. Cá bơn, cá miêu và cá đuối đang từ cuộc tuần du đêm trở về. Trời đang rạng sáng.

Cánh cửa kính mở và một gã phu bến cảng người chắc nịch, lấm bết bùn, mặt dầu dãi phong sương, đầu trần, chân đất bước vào.

– Ê Kostandi! Một thủy thủ già vận áo choàng màu xanh da trời gọi to. Tình hình mày ra sao?

Kostandi nhổ bọt.

– Chứ bác cho là thế nào? Anh ta bực dọc đáp. Sáng ra – chầu tiệm bar! Tối đến – về chỗ trọ! Ấy, tôi đang sống cách ấy. Chẳng có việc gì làm cả.

Một số bật cười, một số khác lắc đầu và chửi thề.

– Thế giới này là một cái án chung thân. Một người để ria mép nói, lượm lặt triết lý từ kịch Karagiozis ( [1] ).

Phải, một cái án chung thân. Quỷ tha ma bắt. Một ánh sáng xanh nhạt xuyên qua những ô kính cửa sổ nhớp bẩn của tiệm cà phê, chụp lấy những bàn tay, những cái mũi, những vầng trán, nhảy lên quầy bán hàng và làm những chai lọ lấp lánh. Ánh điện nhạt dần và chủ tiệm, gà gật buồn ngủ sau đêm thức trắng, vươn tay ra tắt điện.

Im lặng một lát. Mọi con mắt đều quay ra bầu trời nhớp nháp bên ngoài. Vang lên tiếng sóng gầm và tiếng ống điếu lọc xọc trong tiệm cà phê.

Người thủy thủ già thở dài:

– Không biết chuyện gì đã xảy ra với thuyền trưởng Lamoni? Cầu Chúa phù hộ ông ta! Bác giận dữ nhìn ra biển và làu bàu: Trời phạt mi về tội làm tan nát các gia đình!

Bác giật giật bộ ria hoa râm của mình.

Tôi ngồi trong một góc. Tôi lạnh và tôi gọi thêm một ly rượu ngải đắng thứ hai. Tôi muốn ngả lưng nhưng tôi cố chống lại cơn buồn ngủ, chống lại cái mệt và sự quạnh hiu của những giờ tinh mơ đầu ngày. Qua những cửa sổ ám hơi nước tôi ngắm bến cảng đang thức giấc, rộn rã tiếng còi tàu, tiếng í ới của đám phu kéo xe và thuyền chài. Và, trong khi tôi nhìn, một mạng lưới vô hình, dệt nên bằng biển cả, không khí và sự ra đi của tôi, cứ quấn miết những mắt xích của nó quanh tim tôi.

Mắt tôi dán vào phần mũi đen ngòm của một con tàu lớn. Toàn bộ thân tàu còn lút trong bóng tối. Vẫn đang mưa và tôi thấy những tia mưa nối liền bầu trời với bùn đất.

Tôi nhìn con tàu đen, nhìn những cái bóng, nhìn mưa, và nỗi buồn thành hình trong tôi. Hồi ức trỗi dậy.

Trong không khí ẩm ướt, cơn mưa và nỗi u sầu của tôi bỗng mang hình nét người bạn chí thiết của tôi. Tôi đã tới cũng cái bến cảng này để từ biệt anh ta vào hồi nào nhỉ? Năm ngoái? Trong tiền kiếp? Hay mới hôm qua? Tôi nhớ sáng hôm đó trời cũng mưa, cũng rét và cũng mới như ánh sớm mai. Dạo ấy, lòng tôi cũng nặng trĩu.

Cay đắng biết bao phải chia ly dần với bạn bè thân thiết! Thà tuyệt giao hẳn và ở lại trong cô đơn – cái môi trường tự nhiên cho con người – còn hơn nhiều. Vậy mà trong buổi bình minh mưa ấy, tôi không lòng nào xa rời bạn tôi (sau này tôi hiểu ra lý do tại sao, nhưng than ôi, đã quá muộn) . Tôi đã lên tàu với anh và ngồi vào trong ca-bin của anh, giữa đống va-li ngổn ngang. Tôi da diết nhìn anh hồi lâu, trong khi anh chú mục tận đâu đâu, như muốn ghi tâm từng nét của anh – đôi mắt xanh lam biêng biếc rực sáng, khuôn mặt tròn trặn, trẻ trung, cái vẻ thông minh và khinh mạn và nhất là đôi bàn tay quý tộc với những ngón dài, thanh mảnh.

Đến một lúc, bất chợt thấy tôi đang đăm đăm nhìn anh bịn rịn, anh quay lại với cái vẻ giễu cợt anh thường phô ra khi muốn giấu tình cảm của mình. Anh nhìn tôi và anh hiểu. Và để tránh nỗi buồn ly biệt, anh hỏi với một nụ cười châm biếm:

– Bao lâu?

– Bao lâu cái gì?

– Cậu còn tiếp tục nhá giấy và bôi mực đầy người bao lâu nữa? Tại sao cậu không đi với mình? Xa kia, ở vùng Caucasus, có hàng ngàn đồng bào ta đang trong cơn nguy hiểm. Ta hãy đi cứu họ – anh ta bắt đầu cười như thể chế nhạo kế hoạch cao cả của chính mình. Có thể chúng ta sẽ không cứu được họ. Chẳng phải cậu đã rao giảng: “Cách duy nhất để tự cứu mình là cố gắng cứu người khác” đó sao?… Tốt, hãy tiến tới, ông thầy. Cậu rao giảng khá đấy. Tại sao cậu không đi với mình?

Tôi không trả lời. Tôi nghĩ đến mảnh đất thiêng liêng này của phương Đông, mẹ già của các thần linh, nghĩ đến tiếng la to của Prometheus bị cột chặt vào núi đá. Cũng bị cột chặt vào chính những tảng đá ấy, giống nòi chúng tôi đang thét gào. Giống nòi chúng tôi lại đang lâm nguy, đang kêu gọi đàn con cứu giúp. Và tôi đang thụ động nghe, như thể nỗi đau là một giấc chiêm bao và cuộc đời là một vở bi kịch hấp dẫn trong đó ngoại trừ kẻ quê mùa hay đần độn, không ai muốn lao lên sân khấu, tham gia vào hành động.

Không chờ nghe trả lời, bạn tôi đứng lên. Tàu kéo còi lần thứ ba. Anh chìa tay cho tôi và lại giấu nỗi xúc động đằng sau sự châm chọc.

– Au revoir ( [2] ) con mọt sách!

Giọng anh run run. Anh biết không kiềm chế được tình cảm là điều đáng xấu hổ. Nước mắt, những lời âu yếm, những điệu bộ bối rối, những thói suồng sã tầm thường, mọi cái đó đối với anh dường như là những yếu đuối không xứng đáng với bậc nam nhi. Tuy rất yêu quý nhau, chúng tôi không bao giờ trao đổi một lời trìu mến.

Chúng tôi giỡn nhau, chọc nhau như loài dã thú. Anh, con người văn minh, thông tuệ, hay châm biếm; tôi, kẻ man rợ mông muội. Anh ta luôn tự kiềm chế và ngọt ngào biểu lộ mọi tình cảm bằng một nụ cười. Tôi thường bất thần ré lên một tiếng cười lạc lõng và mông muội. Tôi cũng ráng thử ngụy trang những xúc động của mình bằng một lời rắn rỏi. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ.

Không, không hẳn là xấu hổ, mà là không đủ sức làm thế.

Tôi túm lấy tay anh, nắm riết, không muốn rời. Anh nhìn, ngạc nhiên:

– Cậu xúc động đến thế kia à? Anh nói, cố mỉm cười.

– Ừ, tôi bình tĩnh đáp.

– Tại sao? Này, ta đã nói với nhau như thế nào nhỉ? Chẳng phải ta đã nhất trí về điểm này từ bao năm nay rồi sao? Các chú Nhật Bổn thân yêu của cậu nói sao nhỉ? Fudoshin! Ataraxia! Điềm đạm như thiên thần, sắc diện như một cái mặt nạ tươi cười, bất động. Còn như điều gì diễn ra đằng sau cái mặt nạ thì đó là việc của chúng ta.

– Ừ, tôi lại đáp, cố tránh nói câu dài để khỏi lộ nỗi xúc động. Tôi không dám chắc có thể làm chủ được giọng mình.

Tiếng cồng trên tàu vang lên, xua các khách đi tiến ra khỏi các ca-bin. Mưa nhẹ. Không khí rộn những câu giã biệt lâm ly, những lời hứa hẹn, nhưng cái hôn kéo dài và nhưng lời căn dặn hổn hển, vội vã. Mẹ chạy bổ tới con, vợ lao vào vòng tay chồng, bạn ôm chầm lấy bạn.

Như thể rời xa nhau mãi mãi. Như thể cuộc chia ly nhỏ này nhắc đến cuộc chia khác – cuộc chia ly lớn vĩnh viễn.

Và đột nhiên trong không khí ẩm ướt, tiếng cồng dội một vang âm nhè nhẹ suốt từ cuối lái đền đầu mũi như hồi chuông nguyện hồn người chết. Tôi rùng mình.

Bạn tôi cúi xuống.

– Này, anh khẽ nói: cậu có linh cảm thấy điều gì không?

Tôi lại “ừ” một lần nữa.

– Cậu có tin những điều nhảm nhí ấy không?

– Không, tôi quả quyết trả lời.

– Vậy thì sao?

– Chả “sao giăng” gì hết. Tôi không tin nhưng tôi sợ.

Bạn tôi đưa tay trái khẽ chạm vào đầu gối tôi như anh thường làm thế những lúc tự buông thả. Chẳng hạn khi tôi thúc anh đi đến một quyết định, anh chống lại, bịt tai và khước từ, nhưng rồi cuối cùng chấp nhận; bấy giờ, anh bèn rờ đầu gối tôi như muốn nói: “Thôi được, vì tình bạn, tôi sẽ làm cái điều cậu nói…”. Anh chớp mắt liền hai ba cái, rồi lại đăm đăm nhìn tôi. Anh hiểu tôi đang não ruột và ngần ngại không muốn dùng đến những vũ khí thông thường của chúng tôi: cười lớn cười nụ và bỡn cợt.

– Được lắm, anh nói. Cậu đưa tay cho mình nào. Nếu có bao giờ một trong hai ta lâm tử nạn…

Anh dừng lại, như mắc cỡ. Chúng tôi, những kẻ bao năm nay vẫn giễu những trò “phiêu diêu siêu hình và bỏ tất cả nhưng kẻ ăn chay, các nhà duy linh học, thần trí học và chuyện ngoại chất vào cùng một giỏ.

– Sao? Tôi hỏi, cố đoán xem anh định nói gì.

– Chúng ta hãy coi đây như một trò chơi, anh nói đột ngột để rút ra khỏi câu nói nguy hiểm anh vừa dấn vào. Nếu có bao giờ một trong hai ta lâm tử nạn thì người ấy hãy dồn hết trí lực nghĩ đến người kia để báo tin, bất kỳ chúng ta ở đâu… Được không?

Anh ráng cười thành tiếng, nhưng môi anh vẫn bất động, như thể đông cứng lại.

– Được, tôi nói.

Sợ là đã phô bày tình cảm quá lộ liễu, bạn tôi vội nói thêm:

– Xin nhớ là mình chẳng tin chuyện thần giao cách cảm và những thứ tương tự một chút nào.

– Không sao, tôi nói khẽ. Kệ…

– Tốt lắm, vậy thì cứ thế nhé. Đồng ý nhé?

– Đồng ý, tôi đáp.

Đó là những lời cuối cùng trao đổi giữa chúng tôi.

Chúng tôi lặng lẽ siết tay nhau, các ngón đan vào nhau nồng nhiệt, rồi đột ngột buông ra. Tôi bước đi thật nhanh không ngoái lại, như đang bị theo dõi. Tôi chợt cảm thấy một nỗi thôi thúc muốn quay nhìn bạn tôi một lần cuối, nhưng tôi cố nén lại. “Đừng ngoái nhìn!” Tôi tự ra lệnh cho mình “Thẳng tiến.”.

Tâm hồn con người thật nặng nề, vụng dại, nó bị mắc trong vũng lầy xác thịt. Mọi cảm thụ của nó còn thô sượng, cục mịch. Nó không thể dự cảm cái gì rõ ràng và chắc chắn. Nếu nó tiên đoán được thì cuộc chia tay này hẳn đã khác đi bao nhiêu!

Trời mỗi lúc một sáng. Hai buổi sớm hòa quyện vào nhau. Gương mặt thân yêu của bạn tôi, mà lúc này tôi có thể thấy rõ hơn, vẫn bất động và thê lương trong mưa và trong không khí bến cảng. Cửa tiệm cà phê mở, biển gào, một thủy thủ người chắc nịch, ria dài thõng, chân chạng ra, bước vào. Những tiếng reo lên vui thích:

– Hoan nghênh thuyền trưởng Lemoni !

Tôi rút vào trong góc, cố tập trung tư tưởng lần nữa.

Nhưng gương mặt bạn tôi đã hòa tan trong mưa.

Trời sáng rõ thêm. Thuyền trưởng Lemoni, khắc khổ và lầm lì, rút chuỗi tràng hạt hổ phách ra và bắt đầu vừa lần vừa đọc bài kinh Rozer. Tôi ráng sức cưỡng lại không nhìn, không nghe, cố bám lấy thêm chút nữa cái hình ảnh đang tan đi. Giá tôi có thể sống lại cái lúc cơn giận dâng lên trong tôi khi bạn tôi gọi tôi là mọt sách! Lúc ấy tôi nhớ ra rằng tất cả nỗi ghê tởm của tôi với quãng đời mình đã sống được thể hiện trọn vẹn trong cái từ đó.

Làm sao tôi, một kẻ yêu đời mãnh liệt đến thế, lại có thể để mình mắc kẹt lâu như vậy trong đống sách nhảm nhí và mớ giấy đen ngòm mực! Trong cái ngày chia ly ấy, bạn tôi đã giúp tôi nhìn thấy rõ. Tôi nhẹ hẳn người. Giờ đây, biết đích danh cái tai ách của mình, có thể tôi sẽ chiến thắng nó dễ dàng hơn. Nó không còn khó tóm bắt và vô hình vô thể nữa, nó đã mang một cái tên và hình khối, tôi sẽ dễ chọi với nó hơn.

Lời lẽ của bạn tôi hẳn đã lặng lẽ thấm trong tôi. Tôi kiếm cớ để từ bỏ mớ sách vở, tài liệu và lao mình vào một cuộc đời hành động. Tôi phẫn uất vì nỗi phải mang cái tạo vật khốn khổ ấy trên bảng tên mình. Một tháng trước đây cơ hội mong muốn đã đến. Tôi đã thuê một mỏ than linhit bỏ hoang trên bờ đảo Crete, trông sang Libya và giờ đây, tôi sắp sống với những con người mộc mạc, những thợ thuyền và nông dân, xa hẳn cái giống mọt sách!

Tôi náo nức chuẩn bị lên đường, tựa hồ như cuộc hành trình này có một ý nghĩa bí ẩn. Tôi đã quyết định thay đổi lối sống. “Cho tới nay”, tôi tự nhủ, “mi chỉ thấy cái bóng và bằng lòng với nó, giờ đây, ta sẽ dẫn mi đến với bản thể”.

Cuối cùng, tôi đã sẵn sàng. Buổi tối trước hôm lên đường trong khi lục lọi giấy tờ, tôi bắt gặp một bản thảo bỏ dở. Tôi cầm nó lên nhìn, phân vân. Từ hai năm nay, trong thẳm sâu con người tôi, một khát vọng lớn, một hạt giống đã nhen lên. Tôi có thể luôn luôn cảm thấy nó trong ruột, nó lấy tôi làm chất dinh dưỡng mà chín dần.

Nó đang lớn lên, chuyển động và bắt đầu đạp vào thành bụng để chui ra. Tôi không còn can đảm để hủy nó. Tôi không thể. Đã quá muộn để tiến hành một cuộc nạo thai tâm linh như vậy.

Đột nhiên, trong khi phân vân cầm tập bản thảo, tôi bỗng thấy nụ cười của bạn tôi hiển hiện trong không trung, một nụ cười pha trộn cả mỉa mai lẫn trìu mến. ” Nhất định tôi sẽ mang nó đi?” Bị khích đến tận gan ruột, tôi nói. “Tôi sẽ mang theo, cậu không cần phải cười tủm!” Tôi bọc bản thảo lại cẩn thận như quấn tã cho một đứa bé và mang theo.

Cái giọng trầm, khàn khàn của thuyền trưởng Lemoni vang lên. Tôi dỏng tai nghe. Ông ta đang kể chuyện lũ thủy yêu trèo lên liếm cột buồm tàu ông trong cơn phong ba:

– Chúng vừa mềm vừa dính, ông nói. Túm bắt một loạt là tay mình đâm bắt lửa. Tôi đưa tay vuốt ria, thế là trong bóng tối, tôi lập lòe lên như quỷ sứ. Thế, nước biển tràn vào tàu, làm ướt sũng cả chuyến hàng than của tôi. Tàu bắt đầu chao nghiêng; nhưng giữa lúc đó, Thượng đế bèn nhúng tay vào, phóng một tia sét, làm bật tung các cửa hầm chứa hàng và biển bỗng đầy than. Tàu nhẹ đi, trỗi thẳng lại và bọn tôi thoát nạn. Thôi xin đủ.

Tôi rút trong túi ra một cuốn Dante khổ nhỏ – bạn đồng hành của tôi. Tôi châm một tẩu thuốc, dựa vào tường cho thoải mái. Tôi lưỡng lự một lát. Nên đắm mình vào đoạn thơ nào đây? Vào đoạn vạc dầu Địa Ngục hay đoạn lửa tẩy rửa của Lò Luyện Tội? Hay nên dẫn thẳng vào bình diện cao cả nhất của hy vọng con người?

Tôi có quyền lựa chọn cơ mà. Cầm trong tay cuốn Dante loại bỏ túi, tôi sung sướng với quyền tự do của mình.

Những câu thơ mà tôi sắp chọn vào lúc sớm tinh mơ này sẽ bắt nhịp cho cả ngày.

Tôi cúi mình trên sự hiện hình mãnh liệt đó để quyết định, song không đủ thời gian. Đột nhiên, tôi bối rối ngẩng đầu lên. Không hiểu sao tôi cảm thấy như có hai con mắt khoan vào đỉnh đầu mình. Tôi vội ngoái nhìn về phía cánh cửa kính. Một hy vọng cuồng điên lóe lên trong óc tôi: “Mình sắp gặp lại bạn”. Tôi chuẩn bị tinh thần đón phép lạ, nhưng phép lạ không xảy ra. Một người lạ mặt khoảng sáu mươi tuổi, rất cao và gày nhom, mắt thao láo, dán mũi vào ô kính từ lúc nào và đang nhìn tôi Lão cắp ở nách một bọc nhỏ lép kẹp.

Điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là cái nhìn hau háu của lão, đôi mắt giễu cợt và rực lửa của lão. Dù sao mặc lòng, đó cũng là cảm giác của tôi.

Bốn mắt vừa giao nhau – dường như lão muốn biết chắc tôi đúng là người lão đang tìm kiếm – người lạ mặt liền đưa tay quả quyết đẩy cửa. Lão đi qua giữa các bàn bằng bước chân thoăn thoắt, nhún nhẩy và dừng lại trước mặt tôi.

– Đi du lịch hả? Lão hỏi. Đi đâu vậy? Phó mặc vào ý Trời ư?

– Tôi đi Crete. Bác hỏi làm gì?

– Cho tôi đi cùng nhé?

Tôi nhìn kỹ lão: má hóp, quai hàm rắn rỏi, lưỡng quyền cao, tóc xoăn nhuốm bạc, mắt long lanh soi mói.

– Tại sao? Tôi có thể dùng bác vào việc gì?

Lão nhún vai.

– Tại sao? Tại sao? Lão kêu lên, vẻ khinh miệt. Chẳng lẽ một con người không thể làm gì bất cần biết tại sao ư? Vì hắn ta muốn thế, có vậy thôi, không được ư? Thì được, ông cứ lấy tôi làm đầu bếp, chẳng hạn. Tôi biết nấu những món xúp ông chưa từng thấy hoặc chưa hình dung tới bao giờ. . .

Tôi bật cười. Cung cách thẳng thừng và lời lẽ sắc bén của lão làm tôi thích. Cả món xúp, tôi cũng khoái. Mang theo cái tay phóng túng này đến miền bờ biển xa xôi, quạnh hiu nọ, kể cũng không phải là điều dở, tôi nghĩ thầm. Để lão nấu xúp và kể các thứ chuyện tiêu sầu… Xem vẻ như lão đã chu du năm châu, bốn biển khá nhiều, một loại Sinbad nhà Hàng Hải( [3] ) . . . Tôi thấy thích lão .

– Chú mình nghĩ gì vậy? Lão suồng sã hỏi tôi, lắc lắc cái đầu to tướng. Chú cũng cân nhắc hả? Chuyện gì cũng cân nhắc từng ly từng tí à? Thôi nào, quyết định đi, anh bạn. Liều một quắn nào!

Cái lão cục mịch gầy và cao lêu đêu ấy đứng vòi vọi trước mặt tôi và tôi đâm mệt vì cứ phải ngước lên mà nói với lão. Tôi gập cuốn Dante lại.

– Ngồi xuống, tôi bảo lão. Làm một ly rượu ngải đắng nhé?

– Rượu ngải đắng? Lão thốt lên, khinh mạn. Này, bồi, một ly rum!

Lão uống ly rum từng hớp nhỏ , ngậm lâu trong miệng để tận hưởng vị thơm ngon, rồi chiêu từ từ cho ấm bụng. “Một cha hưởng lạc”, tôi nghĩ thầm. “Tay sành đây”.

– Chứ bác làm nghề gì? Tôi hỏi.

– Đủ loại nghề chân tay, đầu óc – tuốt mo. Nếu chọn việc mà làm thì ngán lắm!

– Gần đây nhất, bác làm ở đâu?

– Ở một khu mỏ. Tôi là một thợ mỏ cừ. Tôi có biết đôi chút về kim loại. Tôi biết cách tìm ra vỉa và mở đường hầm. Tôi vẫn xuống giếng mỏ, chẳng sợ gì. Tôi làm việc tốt. Tôi đã từng làm đốc công và chẳng có gì phải phàn nàn cả. Nhưng rồi ma quỷ nhảy vào phá thối. Đêm thứ bảy tuần trước, đơn thuần vì hứng chí, tôi đột ngột nổi máu ngộ túm lấy lão chủ hôm ấy xuống thanh tra, nện cho một trận . . .

– Nhưng tại sao? Lão ta đã làm gì bác?

– Làm gì tôi ư? Chẳng làm gì sất, thật đấy! Đấy là lần đầu tiên tôi thấy lão. Thậm chí lão quỷ tội nghiệp ấy còn phân phát thuốc lá cho bọn tôi là đằng khác.

– Thế à?

– Ồ chú mình cứ ngồi đấy mà hỏi hết câu nọ đến câu kia! Cái cơn ấy chợt đến với tôi, có thế thôi. Chú biết câu chuyện vợ lão chủ cối xay chứ? Ồ, chắc chú không ngờ là người ta có thể học chính tả từ mông đít mụ ta phải không? Mông đít vợ lão chủ cối xay, đó là lý trí con người.

Tôi đã đọc nhiều định nghĩa về lý trí con người. Cái định nghĩa này làm tôi ngạc nhiên hơn cả và tôi thích. Tôi nhìn người bạn mới của tôi với mối quan tâm sâu sắc.

Mặt lão hằn những nét nhăn sâu, dầu dãi phong sương, như tấm gỗ mọt. Mấy năm sau, một bộ mặt khác cũng cho tôi cái cảm giác về gỗ bị ăn mòn đục ruỗng như vậy: bộ mặt của Panait Istrati ( [4] ) .

– Thế bác có gì trong bọc vậy? Lương thực? Quần áo? Hay dụng cụ?

Bạn đồng hành của tôi nhún vai, cười:

– Chú thứ lỗi, lão nói, chú có vẻ là hạng người rất khôn ngoan đấy.

Những ngón tay dài, rắn rỏi của lão vuốt ve cái bọc.

– Không, lão nói thêm, đây là một cây santuri ( [5] ).

– Một cây santuri ? Bác chơi đàn santuri à?

– Khi nào nhẵn túi, tôi đi tua các quán, chơi đàn santuri , hát các làn điệu Kleptic cổ vùng Maccdonia. Rồi cầm mũ đi một vòng – chiếc mũ bạc này này – thoắt cái là đầy tiền.

– Tên bác là gì?

– Alexis Zorba. Đôi khi, người ta gọi là Xẻng Lò Bánh vì tôi gày đét, cao ngẳng và đầu bẹt như cái bánh đa. Hoặc nữa, tôi còn được mệnh danh là Passa Tempo ( [6] ) vì có hồi tôi đi bán rong hạt bầu rang. Họ còn gọi tôi là Nấm Mindiu vì, theo lời họ, đi đến đâu tôi cũng giở thủ đoạn. Mọi sự đều xuống dốc. Tôi còn nhiều biệt hiệu nữa, nhưng thôi để khi khác. . .

– Thế bác học chơi santuri như thế nào?

– Dạo ấy, tôi hai mươi tuổi. Tôi được nghe santuri lần đầu tiên vào một dịp hội làng – làng tôi ở dưới chân núi Olympus. Tôi nghe mà lặng người đi. Ba ngày liền tôi không ăn được gì cả. “Con làm sao thế?” Cha tôi hỏi – cầu cho hồn cụ siêu thoát. – “Con muốn học đàn santuri !” – “Mày không biết xấu hổ à? Mày có phải là dân di-gan không đấy? Mày muốn trở thành một thằng đánh đàn bập bung à?” “Con muốn học đàn santuri ?” Tôi có để dành được ít tiền chuẩn bị cưới vợ. Đó là một ý định con nít, nhưng hồi ấy, tôi còn non nớt với bầu máu nóng. Tội nghiệp cái thằng tôi ngu xuẩn, tôi muốn lấy vợ ! Dù sao đi nữa, tôi dốc hết số tiền mình có, ngoài ra còn bòn mót thêm nữa, để mua một cây đàn santuri . Cây đàn trước mắt chú đấy. Tôi trốn nhà, mang theo cây đàn tới Salonica và vớ được một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Retsep Effendi chuyên dạy đàn santuri . Tôi phủ phục xuống chân ông.

“Muốn gì, cậu bé vô đạo kia?” Ông hỏi – “Con muốn học đàn santuri – “Được thôi, nhưng tại sao lại phủ phục dưới chân ta?” “Vì con không có tiền trả thầy”. – “Con thực sự thích đàn santuri đến mê cuồng chứ?” – “Vâng.” – “Thế thì con cứ ở lại. Ta không cần con trả tiền học”.

Tôi ở lại học ông một năm. Cầu Thượng đế thánh hóa di hài của ông vì bây giờ hẳn ông đã mất rồi? Nếu Thượng đế để cho chó vào Thiên đàng, xin người hãy mở cửa cho Retsep Effendi. Từ khi học chơi santuri , tôi đã trở thành một con người khác. Những khi túng quẫn hoặc cảm thấy ngã lòng, tôi lấy đàn ra chơi và phấn chấn lên. Khi tôi đang đàn, ai nói chuyện gì với tôi, tôi cũng không nghe thấy, hoặc nếu có nghe thấy cũng không đáp lời được. Tha hồ cố gắng, tôi cũng không thể thốt nên lỗi.

– Nhưng tại sao thế, Zorba?

– Ồ chú không hiểu ư? Một sự đam mê , thề đó ?

Cửa mở. Tiếng biển ầm ì lại vào tiệm cà phê. Tay chân chúng tôi lạnh cóng. Tôi rúc sâu thêm vào trong góc và ủ mình trong chiếc áo khoác ngoài, tận hưởng niềm khoái cảm của giây phút này.

“Việc gì mình phải đi đâu?” Tôi nghĩ thầm. “Ở đây cũng ổn chán. Cầu sao giây phút này kéo dài vô tận”. Tôi nhìn con người kỳ dị ngồi trước mặt tôi. Mắt lão cắm vào mắt tôi. Đó là hai con mắt nhỏ, tròn, đồng tử đen nhánh và lòng trắng vằn những tia đỏ. Tôi cảm thấy chúng xuyên thấu tôi, soi mói hoài không thỏa.

– Sao nữa? Tôi nói. Kể tiếp đi.

Zorba lại nhún đôi vai xương xẩu.

– Bỏ chuyện đó đi, lão nói. Cho tôi điếu thuốc lá, được không?

Tôi đưa thuốc cho lão. Lão lấy trong túi ra một hòn đá lửa và một cái bấc đèn, châm thuốc và lim dim mắt ra chiều hài lòng.

– Có vợ chứ?

– Tôi không phải là một thằng đàn ông sao? Lão bực bội nói. Tôi không phải là một thằng đàn ông sao? Có nghĩa là mù quáng. Như tất cả những người khác đi trước tôi tôi đâm đầu xuống hố. Tôi lấy vợ. Tôi lao xuống dốc. Tôi trở thành chủ gia đình, tôi xây nhà, tôi có con – thế là lo lắng phiền muộn. Nhưng đội ơn Thượng đế đã cho tôi cây đàn santuri !

– Bác chơi đàn để quên những lo phiền phải không?

– Này, tôi thấy rành là chú chả chơi một thứ đàn nào cả. Chú đang nói chuyện gì vậy? Trong gia đình, có đủ mọi thứ lo. Nào vợ, nào con, nào cái ăn, cái mặc, nào mai sau sẽ ra sao… Quỷ tha ma bắt. Không, muốn chơi đàn santuri , tinh thần phải phấn khởi, lòng dạ phải trong sáng. Nếu vợ tôi quá nhiều lời, làm sao tôi có thể có hứng để chơi santuri ? Nếu con cái đói và gào ăn, cứ thử chơi xem có được không? Muốn chơi santuri , thì phải dốc hết mình vào đó, quên mọi sự, chú hiểu không?

Phải. Tôi hiểu. Zorba là con người tôi đã hoài công tìm kiếm bao lâu. Một trái tim đầy sức sống, một cái miệng to phàm ăn, một tâm hồn lớn thô mộc chưa bị tách rời khỏi mẹ đất.

Với tôi các từ: nghệ thuật, tình yêu, sự trong sáng, đam mê, tất cả đều được người lao động này làm rõ nghĩa bằng những chữ mộc mạc nhất của tiếng người.

Tôi nhìn hai bàn tay lão, hai bàn tay có thể sử dụng cả cuốc lẫn đàn santuri – đầy chai sạn, nứt nẻ, biến dạng và chằng chịt gân. Rất thận trọng và âu yếm như giải y một người đàn bà, đôi bàn tay ấy mở chiếc bọc, lấy ra một cây đàn santuri cũ, năm tháng đã mài bóng. Đàn có nhiều dây, trang trí bằng những mảng đồng, ngà và một ngù tua bằng lụa đỏ. Những ngón tay chuối mắn vuốt toàn thân cây đàn, chậm rãi, say đắm như vuốt ve một người đàn bà, rồi lại cho vào bọc như mặc quần áo cho tấm thân ngọc ngà yêu dấu để khỏi bị nhiễm lạnh vậy.

– Cây đàn santuri của tôi đó! Lão thì thầm trong khi thận trọng đặt nó lên một chiếc ghế.

Lúc này, đám thủy thủ đang chạm cốc và cười rộ.

Tay thủy thủ già thân ái vỗ vỗ vào lưng thuyền trưởng Lemoni.

– Ông được một mẻ hú vía phải không, thuyền trưởng? Có chúa biết ông đã hứa thắp bao nhiêu ngọn nến tạ ơn thánh Nicholas.

Thuyền trưởng nhíu cặp lông mày rậm như chổi xể.

– Không, tớ xin thề với các đằng ấy là khi nhìn thấy thần chết trước mắt, tớ không hề nghĩ đến Đức bà Đồng Trinh cũng như Thánh Nicholas gì hết! Tớ chỉ quay về hướng Salamis. Tớ nghĩ đến vợ tớ và tớ kêu lên: “Ôi, Katherina em, giá lúc này anh đang nằm trên giường với em”.

Một lần nữa, đám thủy thủ lại phá lên cười và thuyền trướng Lemoni cũng cười theo.

– Con người quả là một giống vật kỳ lạ, ông nói.

Thần chết đang lăm lăm giơ lưỡi hái trên đầu, vậy mà tâm trí hắn lại cố định vào cái chỗ í, chỉ độc chỗ í thôi, chứ không nghĩ đến gì khác. Quỷ bắt đồ dê cụ đi!

Ông ta vỗ tay gọi:

– Một chầu rượu cho tất cả anh em.

Zorba dỏng đôi tai to tướng chăm chú nghe. Lão quay lại nhìn đám thủy thủ, rồi nhìn tôi.

– Chỗ í chỗ nào? Lão hỏi. Cha nội ấy kể chuyện gì vậy?

Nhưng lão chợt hiểu ra và giật mình.

– Hoan hô, anh bạn! Lão kêu lên thán phục. Cái dân thuỷ thủ này nắm được bí quyết. Có lẽ vì ngày đêm, họ đụng đầu với cái chết.

Lão vung nắm đấm to đùng lên không.

– Phải! Lão nói. Đó là vấn đề khác. Ta hãy quay lại chuyện của ta. Tôi ở lại hay đi theo chú? Quyết định đi.

– Zorba, tôi nói và tôi phải ráng tự kiềm chế để khỏi ôm chầm lấy lão, đồng ý! Bác sẽ cùng đi với tôi. Tôi có mỏ than linhít ở Crete. Bác có thể làm giám thị cai quản thợ thuyền. Tối tối, chúng ta sẽ nằm dài trên bãi cát – tôi chẳng có vợ con hoặc chó mèo gì trên đời này – chúng ta sẽ cùng nhau ăn nhậu. Rồi bác sẽ chơi santuri !

– Nếu tôi có hứng, chú nghe rõ không? Nếu tôi thấy hứng thú chú thích bao nhiêu tôi sẽ làm việc cho chú chừng ấy. Về mặt ấy, tôi là người làm của chú. Nhưng về chuyện chơi santuri , cái đó lại khác. Nó là một loại dã thú, nó cần được tự do. Nếu tôi có hứng, tôi sẽ đàn.

Thậm chí tôi sẽ hát nữa. Và tôi sẽ nhảy điệu Zéimbékikô ( [7] ), điệu Đồ tể, điệu Penozáli ( [8] ) – nhưng, tôi xin nói thẳng thừng với chú từ đầu, tôi phải có hứng đã mới được. Ta hãy rành mạch về điểm ấy. Nếu chú ép tôi là phăng-teo đấy. Về những cái đó, chú phải hiểu rằng tôi là một con người.

– Một con người? Ý bác định nói gì?

– À nghĩa là tự do chứ sao nữa!

Tôi gọi một ly rum nữa.

– Cho hai ly! Zorba kêu. Chú phải làm một ly để chúng ta chạm cốc mừng chứ. Rượu ngải đắng và rum không đi với nhau được. Chú cũng phải uống một ly rum cho giao ước của chúng ta bền vững chứ!

Chúng tôi cụng ly. Lúc này trời đã sáng hẳn. Tàu rúc còi Người phu tàu ban nãy mang hành lý của tôi lên tàu, ra hiệu cho tôi.

– Cầu Thượng đế phù hộ chúng ta, tôi vừa nói vừa đứng dậy. Ta đi thôi!

– Thượng đế và ma quỷ chứ, Zorba bình thản bổ sung.

Lão cúi xuống cắp chiếc santuri vào nách, mở cửa và đi ra trước.

Bình luận