Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 25

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Chừng nào còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên hôm trước ngày mồng một tháng Năm.

Đường dây cáp vận chuyển đã xong, các cột trụ, dây cáp và ròng rọc lấp lánh trong nắng sớm mai.

Những thân cây thông kếch sù chất đống trên đỉnh núi và công nhân đang túc trực đợi hiệu lệnh cột chúng vào dây cáp để thả xuôi xuống bờ biển.

Một lá cờ Hy Lạp lớn phần phật trên đỉnh cột ở điểm xuất phát trên sườn núi và một lá tương tự ở phía dưới bên bờ biển. Trước lều chúng tôi, Zorba đã đặt một thùng rượu vang. Cạnh đó, một công nhân đang dùng xiên quay một con cừu béo. Sau lễ ban phước và khánh thành, các quan khách sẽ dùng rượu và chúc chúng tôi thành công.

Zorba cũng đã lấy cái lồng vẹt ra, đặt trên một tảng đá cao gần cột trụ đầu tiên.

– Như thể là tôi có thể nhìn thấy chủ nó vậy, lão thì thầm, âu yếm nhìn con chim. Lão móc trong túi một nắm lạc cho nó ăn.

Zorba mặc bộ đồ oách nhất của mình: sơ mi trắng không cài khuy, áo vét xanh lá cây, quần xám và giày đế cao su loại tốt. Ngoài ra, lão còn lấy sáp đánh bóng bộ ria đã bắt đầu phai màu.

Như một nhà đại quý tộc nghênh tiếp quan khách ngang hàng với mình, lào săm sắn chào đón các vị hương mục khi họ tới, giải thích cho họ hiểu một hệ thống dây cáp vận chuyển là thế nào, nó sẽ đem lại những lợi ích gì cho nông thôn và Đức Mẹ Đồng Trinh đã ra ân sủng vô biên, đem sự thông tuệ sáng láng giúp lão thực hiện hoàn hảo dự án này như thế nào.

– Đây là một công trình kỹ thuật lớn, lão nói. Phải tìm cho ra độ dốc chuẩn xác, muốn thế phải mất công nghiên cứu. Tôi đã vắt óc bao tháng ròng mà không ăn thua. Hiển nhiên là với những công trình vĩ đại như thế này, trí óc con người không đủ, cần có sự phù trợ của Thượng đế . . . Thế , Đức Mẹ Đồng Trinh thấy tôi xoay xở vất vả quá bèn động lòng thương. “Tội nghiệp Zorba.” Mẹ nói. “Nó không phải là kẻ xấu, nó làm việc này vì lợi ích của làng, có lẽ ta nên giúp nó một tay.” Thế rồi, ôi phép màu của Chúa!

Zorba dừng lại và làm dấu ba lần liền.

Ôi, phép màu. Một đêm, tôi mơ thấy một người đàn bà vận đồ đen đến bên tôi – đó chính là Đức Mẹ Đồng Trinh. Tay mẹ cầm một mô hình đường dây cáp nhỏ bằng từng này này. “Zorba,” Mẹ nói, “ta mang cho con, cách thức từ trên trời. Đây là độ dốc con đang cần và đây phước lành ta ban.” Và Mẹ biến mất. Tôi giật mình tỉnh dậy và chạy ra chỗ thí nghiệm và tôi trông thấy gì. Đường dây tự nó đã dựng theo đúng góc độ. Và nó ngào ngạt mùi an tức hương nữa chứ, chứng tỏ bàn tay Đức Mẹ Đồng Trinh đã chạm đến.

Kondomanolio đang mở miệng định hỏi thì năm tu sĩ cưỡi la hiện ra trên con đường núi lởm chởm đá. Người thứ sáu, vai vác một cây thánh giá lớn bằng gỗ vừa chạy đằng trước họ vừa la. Chúng tôi ráng nghe xem y la những gì, nhưng không rõ.

Tiếng hát thánh ca vang lên. Các tu sĩ vung tay lên trên không, làm dấu và móng la nện vào đá tóe lửa.

Người tu sĩ chạy bộ đến bên chúng tôi, mặt nhễ nhại mồ hôi. Y giơ cao cây thánh giá.

– Hỡi các tín đồ Cơ Đốc giáo. Một phép lạ, y kêu. Hỡi các tín đồ Cơ Đốc giáo! Phép lạ! Các cha đang mang Đức Mẹ Đồng Trinh tới. Hãy quỳ xuống thờ phụng Người.

Dân làng, các hương mục và thợ thuyền náo nức chạy tới vây quanh tu sĩ và làm dấu. Tôi đứng tách riêng ra. Zorba liếc nhìn tôi, mắt long lanh.

– Sếp cũng lại gần đi. lão nói. Lại mà nghe kể về phép lạ của Đức Mẹ Đồng Trinh Tối Linh.

Hổn hển và vội vàng, tu sĩ bắt đầu kể:

“- Hãy quỳ xuống, các tín đồ Cơ Đốc và hãy nghe phép Thần Linh. Nghe đây, các tín đồ Cơ Đốc. Ma quỷ đã bắt hồn tên Zaharia đáng nguyền rủa, và cách đây hai hôm, đã xúi hắn tưới dầu khắp tu viện chí thánh. Nửa đêm các cha thấy lửa cháy. Các cha vội vàng trở dậy ra khỏi giường, tu viện, các hành lang và các trai phòng đều ngùn ngụt lửa. Các cha kéo chuông và kêu lớn: Cứu nạn. Cứu nạn. Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Báo Oán! Và các cha xách bình và xô đầy nước nhào tới đám cháy. Đội ơn Đức Mẹ, đến sáng sớm, lửa tắt. Các cha tới miếu đường, quỳ xuống trước thánh tượng nhiệm màu của Đức Mẹ, kêu lớn: Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Báo Oán. Xin Mẹ cầm giáo giáng xuống thủ phạm. Rồi các cha tập hợp trong sân và nhận thấy vắng mặt Zaharia, tên Judas phản chúa. Hắn là kẻ châm lửa đốt chúng ta. Chắc chắn là hắn, không sai.

Các cha kêu lên và bổ nhào đuổi theo hắn. Các cha lùng sục suốt ngày mà không thấy gì, rồi suốt đêm, vẫn thẳng thấy. Nhưng rạng sáng hôm nay, một lần nữa, các cha đến miếu đường và các đạo hữu có biết các cha thấy gì không? Một phép lạ ghê gớm! Zaharia nằm chết ngay dưới chân thánh tượng thiêng liêng và mũi giáo của Đức Mẹ Đồng Trinh có một vết máu lớn.”

– Kyrie eleison ! Kyrie eleison! Dân làng khiếp hãi rì rầm.

– Chưa hết, tu sĩ vừa nói thêm vừa nuốt nước bọt. Khi các cha cúi xuống để nhấc tên Zaharia đáng nguyền rủa lên, các cha sững ra, thất kinh: Đức mẹ Đồng Trinh đã cạo sạch tóc tai, râu ria hắn – như một linh mục Thiên Chúa giáo.

Vất vả lắm mới nhịn được cười , tôi quay sang Zorba.

– Đồ xỏ lá! Tôi nói khẽ.

Nhưng lão đang nhìn tu sĩ, trợn tròn mắt kinh ngạc và không ngừng làm dấu với vẻ xúc động sâu sắc để chứng tỏ sự sửng sốt tột độ của mình.

– Lạy Chúa, Người vĩ đại biết bao! Lạy Chúa, Người vĩ đại biết bao. Tuyệt diệu thay công việc của Người! Lão lầm rầm.

Giữa lúc đó, các tu sĩ khác tới và xuống ngựa. Cha tiếp tân ôm tượng thánh mẫu, trèo lên một tảng đá và tất cả lao tới chen lấn nhau phủ phục trước Đức Mẹ Đồng Trinh thần diệu. Đi sau cùng là cha Demetrios béo ị, bưng một cái đĩa quyên tiền và vảy nước hồng lên những cái đầu nông dân rắn cấc. Ba tu sĩ đứng quanh ông tụng thánh ca, tay khoanh trước bụng, mặt lấm tấm những giọt mồ hôi lớn.

– Chúng ta sẽ rước Mẹ quanh các làng của đảo Crete, cha Demetrios béo ị nói, để các tín đồ có thể quỳ trước Người và dâng lễ vật. Chúng ta cần tiền, rất nhiều tiền để trùng tu tu viện…

– Một lũ lợn béo. Zorba làu bàu. Cả đến chuyện này chúng cũng lợi dụng để kiếm chác.

Lão tiến lại chỗ tu viện trưởng.

– Trình Đức cha chí thánh mọi sự đã sẵn sàng cho buổi lễ. Cầu Đức Mẹ Đồng Trinh ban phước lành cho công trình của chúng tôi.

Mặt trời đã lên cao, nóng nung người, không một hơi gió. Các tu sĩ đứng quanh cột cờ. Họ lấy ống tay áo thụng lau mồ hôi trán và bắt đầu tụng bài kinh cầu cho nền móng các công trình.

– Lạy Chúa, ôi lạy Chúa, xin Người đặt cái khí cụ này trên nền đá tảng vững vàng để cả gió bão lẫn sóng nước đều không lay chuyển nổi. . .

Họ nhúng cây ngù rẩy nước thánh vào chiếc bát đồng và rẩy lên tất cả mọi thứ, vật và người – cột trụ, dây cáp, ròng rọc, Zorba và tôi, rồi cuối cùng, dân làng, thợ thuyền và biển nữa.

Đoạn rất thận trọng, như thể nâng giấc một nữ bệnh nhân, họ nhấc tượng thánh mẫu đặt sát cạnh con vẹt và đứng vây quanh. Phía bên kia là các lão làng với Zorba ở giữa. Còn tôi lúc này đã hơi lùi một chút về mé biển chờ đợi. Đường dây cần được vận hành thử với ba cái cây tượng trưng Đức Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, để tỏ lòng biết ơn Đức Bà Đồng Trinh Báo Oán, người ta thêm vào một cây thứ tư.

Tu sĩ, dân làng và thợ thuyền, tất cả đều làm dấu.

– Nhân danh Đức Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ Đồng Trinh! Họ lầm rầm.

Phốc một cái, Zorba nhảy tới bên cột trụ thứ nhất kéo dây hạ cờ. Đó là dấu hiệu mà đám thợ trên đỉnh núi vẫn chờ từ nãy đến giờ. Toàn thể khán giả lùi lại và nhìn lên đỉnh núi.

– Nhân danh Cha! Tu viện trưởng kêu.

Không thể nào tả được điều xảy ra lúc bấy giờ. Tai họa giáng xuống chúng tôi như tiếng sét. Chúng tôi chỉ vừa đủ thì giờ để chạy té ra. Toàn bộ cấu trúc chao đảo.

Cây thông do đám thợ móc vào dây cáp lao xuống với tốc độ quỷ khốc thần sầu. Những tia lửa tung tóe, những mảnh gỗ lớn vèo vèo trong không trung và mấy phút sau, khi thân cây thông xuống tới bờ biển, nó chỉ còn là một khúc gỗ cháy thành than.

Zorba nhìn tôi, hổ thẹn. Đám tu sĩ và dân làng thận trọng rút lui. Những con la bị cột bắt đầu chồm lên. Cha Demetrios to béo gục xuống, hổn hển.

– Lạy Chúa thương xót con. Y khiếp đảm lầm rầm khấn.

Zorba giơ tay lên.

– Không sao cả, lão nói với vẻ tự tin. Thân cây đầu tiên bao giờ cũng vậy. Bây giờ máy trơn rồi… Nhìn đây.

Lão kéo cờ lên, ra hiệu lệnh lần nữa rồi chạy giạt sang.

– Nhân danh Đức Chúa con! Tu viện trưởng hô, giọng run run.

Người ta thả thân cây thứ hai. Các cột trụ rung lên, thân cây tăng tốc, nhảy loạn như con choi choi và lao sầm sầm xuống phía chúng tôi. Nhưng nó không đi được xa, mà tan tành giữa lưng chừng dốc.

– Quỷ bắt nó đi! Zorba lầm bầm, cắn vào ria. Cái độ dốc chết tiệt này chưa chuẩn xác! Giận dữ, lão nhảy chồm đến cột trụ và lại kéo cờ lên, hạ cờ xuống làm hiệu lệnh cho thứ lần thứ ba. Lúc này đám tu sĩ đứng nấp sau những con la của họ , làm dấu. Các hương mục nhấp nhỏm chờ đợi, chân trước chân sau sẵn sàng chạy.

– Và Đức Chúa Thánh Thần! Tu viện trưởng lắp bắp, tay vén vạt áo chuẩn bị.

Thân cây thứ ba to đùng vừa được thả xuống khỏi đỉnh núi thì một tiếng ầm ầm kinh khủng nổi lên.

– Lạy Chúa, nằm rạp xuống! Zorba vừa thét vừa chạy thật nhanh.

Đám tu sĩ gieo mình xuống đất, còn dân làng thì ba chân bốn cẳng ù té.

Thân cây chồm lên rồi lại rơi xuống trên dây cáp làm tóe ra một chùm tia lửa và trước khi chúng tôi kịp nhận thấy điều gì xảy ra, vun vút lướt trên triền núi, bãi biển và đâm thẳng xuống mặt biển, làm bắn tung bọt sóng lên như cột nước. Các cột trụ rung chuyển một cách dễ sợ, nhiều cái đã nghiêng hẳn. La giựt đứt dây buộc chạy trốn.

– Không sao ! Không việc gì phải lo ! Zorba quýnh lên kêu lớn. Bây giờ, máy đã trơn thật sự, ta có thể khởi đầu lại đúng quy cách.

Lão lại kéo cờ lên một lần nữa. Chúng tôi cảm thấy lão xiết bao tuyệt vọng và khắc khoải muốn cho mọi sự kết thúc đi cho rồi.

– Và nhân danh Đức Mẹ Đồng Trinh Báo Oán! Tu viện trưởng vừa lắp bắp nói vừa cắm cổ chạy tới chỗ mấy tảng đá.

Thân cây thứ tư được thả. Một tiếng vỡ toác kinh khủng vang lên, lặp lại lần thứ hai trong không trung và tất cả các cột trụ theo nhau đổ sập xuống như những lá bài tây.

– Kyrie eleison! Kyrie eleison! Dân làng, thợ thuyền và tu sĩ vừa tru tréo vừa chạy tán loạn.

Một mảnh gỗ làm Demetrios bị thương ở đùi và một mảnh khác chỉ thiếu một li nữa thì khoét bay mắt tu viện trưởng. Dân làng biến sạch. Một mình Đức Mẹ Đồng Trinh đứng thẳng trên tảng đá, tay cầm giáo, nhìn đám người bên dưới bằng con mắt lạnh lùng và nghiêm nghị.

Bên cạnh Người, con vẹt run bần bật, bảy phần chết ba phần sống, những chiếc lông xanh dựng đứng.

Các thầy tu ôm lấy tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, đỡ Demetrios đang rên la dậy, tập hợp la lại, lên yên và rút lui. Sợ chết khiếp, mấy công nhân được phân công quay cừu vứt tất cả bỏ chạy và thịt đã bắt đầu cháy khét.

– Con cừu cháy thành than mất. Zorba lo lắng kêu và chạy đến cái xiên quay thịt.

Tôi ngồi xuống cạnh lão. Không còn ai trên bãi biển, chúng tôi hoàn toàn một mình. Lão quay sang nhìn tôi một cái nhìn nghi hoặc, ngại ngùng. Lão không biết tôi sẽ nhận định ra sao về tai họa này, hoặc cuộc phiêu lưu này sẽ kết thúc như thế nào.

Lão lấy một con dao, cúi xuống con cừu một lần nữa, nếm thử và lập tức nhấc nó ra khỏi bếp lửa và dựng cả con vật cùng thanh xiên lên dựa vào một thân cây.

– Chín tới, lão nói, vừa chín tới, sếp ạ. Sếp có muốn ăn một miếng không?

– Mang luôn cả bánh và rượu lại đây, tôi nói. Tôi đang đói đây.

Zorba vội chạy tới thùng rượu vang, lăn nó lại cạnh con cừu, mang một ổ bánh mì trắng và hai cái ly tới.

Chúng tôi mỗi người một con dao, xẻo hai miếng thịt cừu, cắt chút bánh và bắt đầu ăn.

– Ngon tuyệt, phải không sếp? Cứ là tan ra trong miệng. Ở đây không có những bãi cỏ tươi, súc vật ăn cỏ khô quanh năm, vì vậy thịt nó ngon thế. Tôi nhớ là chỉ có một lần trong đời, tôi được ăn thứ thịt ngon như thế này. Đó là hồi tôi lấy tóc mình thêu hình nhà thờ nữ thánh Sophia để đeo làm bùa hộ mệnh. . . chuyện xưa rồi. . .

– Kể tôi nghe nào.

– Chuyện cổ lỗ sĩ, thật đấy sếp ạ! Một ý điên rồ kiểu Hy Lạp ấy mà.

– Cứ kể đi, Zorba, tôi thích nghe bác kể truyện.

– Vậy thì thế này. Chiều hôm ấy, chúng tôi bị bọn Bulgari bao vây, chúng tôi thấy chúng đốt lửa khắp bốn bề trên các triền núi. Để nhát chúng tôi, bọn chúng lấy thanh la não bạt đánh ầm lên và hú như một bầy sói. Chắc phải tới ba trăm tên có lẻ. Chúng tôi có hai mươi tám người, đứng đầu là Rouvas – Cầu Chúa cứu rỗi linh hồn gã, nếu gã chết rồi, đó là một anh chàng rất hay: “Này, Zorba”, gã bảo, “lấy xiên quay con cừu đi” – “Thưa đại úy đào lỗ nướng ngon hơn nhiều”, tôi nói – “Tùy cậu, muốn làm thế nào thì làm, nhưng giải quyết đi, anh em đói lắm rồi”, gã nói. Thế là chúng tôi đào một cái hố ấn con cừu xuống đó, chất lên một lớp than và nhóm lửa.

Đoạn chúng tôi lấy bánh mì trong bọc ra và ngồi quanh đống lửa. “Đây có thể là con cừu cuối cùng chúng ta được ăn, sếp của bọn tôi nói, “Anh em ta có sợ không?” Tất cả chúng tôi cười ồ. không ai thèm trả lời gã. Chúng tôi ai cầm bầu rượu của người nấy và nói: “Chúc sức khỏe sếp. Đứa nào muốn bắn trúng cánh ta thì phải là thiện xạ!” Chúng tôi uống hết đợt này đến đợt khác, đoạn tôi lôi con cừu ra khỏi hố. “Ôi, sếp, thịt cừu chi mà tuyệt”. Bây giờ nghĩ đến, tôi còn chảy nước miếng. Nó tan trong miệng như kẹo loukoum ấy. Tất cả bọn tôi ngấu nghiến tắp lự. “Cả đời mình chưa bao giờ được ăn thứ thịt nào ngon hơn thế này.” Sếp của bọn tôi nói, “Lạy Chúa cứu vớt chúng con”. Và mặc dầu trước đó chưa bao giờ uống rượu, gã tợp một hơi hết ly vang. “Anh em hát một ca khúc Klepht đi!” gã ra lệnh. “Cái bọn đằng kia hú như chó sói, chúng ta hãy hát như những con người. Ta hãy bắt đầu bằng bài Lão Dimos .” Bọn tôi uống thật nhanh, rót thêm và lại uống nữa. Rồi bọn tôi bắt đầu hát, mỗi lúc một to hơn, tiếng ca vang vang, dư âm vọng lại qua các khe suối… Ta là đạo tặc Klepht đã bốn muơi năm. . . Chúng tôi hát vang lên, say sưa. “Đấy, Thượng đế phù trợ chúng ta!” đại úy nói. “Phấn chấn tinh thần! Này, Alexis, nhìn thử lưng con cừu xem… Có thấy báo hiệu gì không?” Tôi cúi trên bếp lửa và lấy dao bắt đầu cạo lưng con vật. “Tôi chẳng thấy có nấm mộ nào, thưa đại úy, tôi kêu lên. “Cũng chẳng thấy ai chết. Chúng ta sẽ lại thoát hiểm một lần nữa, anh em ạ.” – “Cầu sao Thượng đế nghe thấy lời cậu!”. Sếp của chúng tôi nói, gã mới lấy vợ chưa được bao lâu. “Mong Người để cho tôi có được một đứa con trai! Sau đó muốn ra sao thì ra!”

Zorba cắt một miếng thịt lớn quanh trái cật.

– Cái con cừu ấy thật tuyệt vời, lão nói, nhưng con này cũng chẳng kém tí nào. Một thứ cao lương mỹ vị!

– Rót rượu ra, Zorba, tôi nói. Rót đầy đến miệng ly và chúng ta sẽ uống cạn.

Chúng tôi cụng ly và thưởng thức thứ rượu vang Crete tuyệt hảo màu đỏ thắm như máu thỏ rừng. Uống thứ rượu này, ta cảm thấy như đang hòa đồng với máu của trái đất và ta trở thành một con yêu tinh. Huyết quản ta tràn trề sức mạnh, tim ta sảng khoái! Từ một con cừu, ta bỗng trở thành sư tử. Ta quên sự nhỏ nhen ti tiện của đời sống, mọi cưỡng chế tiêu tan. Hợp nhất với người, thú vật và Thượng đế, ta cảm thấy hòa làm một với vũ trụ.

– Hãy nhìn lưng con cừu và đọc xem nó báo điều gì, tôi kêu. Nào, Zorba.

Lão róc rất cẩn thận từng miếng thịt lưng, lấy dao nạo sạch, giơ lên ánh lửa và chăm chú nhìn.

– Mọi sự đều tốt đẹp, lão nói. Chúng ta sẽ sống ngàn năm, sếp ạ. Tim chúng ta bằng thép.

Lão cúi xuống xem xét lưng cừu lần nữa trong ánh lửa bếp.

– Tôi thấy một hành trình, lão nói, một hành trình dài. Ở cuối đường đi là một ngôi nhà lớn rất nhiều cửa…Chắc đó phải là kinh đô của một vương quốc nào đó, sếp ạ hoặc cái tu viện ở đó tôi sẽ giữ chân gác cổng và buôn lậu như chúng ta nói.

– Rót rượu, Zorba, và dẹp những lời tiên tri của bác đi. Tôi sẽ nói cho bác biết ngôi nhà lớn với tất cả các cửa nọ, thực ra là cái gì, đó là trái đất với tất cả những nấm mồ của nó, Zorba ạ. Đó là kết thúc của hành trình. Chúc sức khỏe bác, đồ ông mãnh.

– Chúc sức khỏe sếp! Người ta nói vận may thường mù lòa. Nó không thấy đường và cứ đâm phải người hoài… và chúng ta gọi những ai bị nó va phải là may mắn!

– Chà, nếu may mắn là như thế thì để cho ma quỷ bắt nó đi! Chúng ta không cần thứ may mắn đó, phải không sếp?

– Đúng thế, Zorba! Chúc sức khỏe.

Chúng tôi uống, chúng tôi ăn nốt con cừu và thế giới có phần khinh khoái hơn, biển nom hoan hỉ, đất tròng trành như boong tàu, hai con hải âu đi ngang bãi sỏi, ríu rít trò chuyện như người.

Tôi đứng dậy.

– Này, Zorba, tôi kêu lên. Dạy tôi nhảy đi!

Zorba bật đứng lên, mặt ngời sáng.

– Nhảy hả sếp? Nhảy hả? Tuyệt! Nào!

– Vậy thì ta bắt đầu đi, Zorba! Đời tôi đã thay đổi!

– Để bắt đầu, tôi sẽ dạy sếp điệu Zêimbêkikô . Đó là một điệu nhảy quân sự cuồng khấu. Hồi ở trong hàng ngũ Comitadji trước khi xung trận, bọn tôi bao giờ cũng nhảy điệu này.

Lão tụt giày cùng đôi tất màu tía, chỉ giữ lại áo sơ mi. Nhưng rồi vẫn cảm thấy quá nóng, lão cởi hết luôn.

– Quan sát chân tôi, sếp nhé, lão ra lệnh cho tôi. Nhìn kỹ nhé!

Lão đưa một chân ra, đầu ngón khẽ chạm mặt đất, rồi giơ nốt chân kia, các bước quyện lẫn vào nhau, mạnh mẽ, vui vẻ, mặt đất rộn lên như trống thúc.

Lão lắc vai tôi.

– Nào, chú mình, lão nói. Cả hai ta cùng nhảy.

Chúng tôi lao vào điệu vũ. Zorba chỉ bảo uốn nắn cho tôi nghiêm trang , kiên nhẫn và hết sức dịu dàng . Tôi mạnh bạo lên và cảm thấy tim mình tung cánh như chim trời.

– Hoan hô! Chú mình thật tuyệt vời! Zorba kêu lên, vỗ tay giữ nhịp. Hoan hô bạn trẻ! Vứt giấy, mực đi! Tung hê hàng hóa và lời lãi đi! Cho quỷ bắt hầm mỏ, thợ thuyền và tu viện đi! Và bây giờ khi mà chú mình cũng biết nhảy và đã học được ngôn ngữ của tôi, còn có gì mà chúng ta không nói được với nhau!

Lão giậm đôi chân trần trên sỏi và vỗ tay.

– Sếp ạ, lão nói, tôi có hàng chục điều cần nói với sếp. Trước đây, tôi chưa hề yêu ai như yêu sếp. Tôi có hàng trăm điều cần nói, nhưng lưỡi tôi bất lực. Cho nên tôi sẽ nhảy múa để diễn đạt. Này đây!

Lão nhảy phốc lên không, tay chân như mọc cánh.

Khi vút thẳng lên không trên nền biển và trời, nom lão giống như một thượng đẳng thiên sứ già nổi loạn. Vì điệu nhảy của Zorba đầy thách thức và ngang ngạnh.

Dường như lão đang quát lên với bầu trời: “Thượng đế, Người có thể làm gì được ta? Người chẳng thể làm gì khác ngoài cách giết ta. Thế thì giết ta đi, ta đâu có cần. Ta đã trút nỗi buồn của ta, ta đã nói tất cả những điều ta muốn nói, ta đã có thì giờ để nhảy múa… và ta không cần Người nữa”.

Nhìn Zorba nhảy múa, lần đầu tiên tôi hiểu những cố gắng huyền hoặc của con người để chế ngự trọng lượng của mình. Tôi khâm phục sức chịu đựng, động tác khéo léo và tư thế kiêu hãnh của Zorba. Những bước thông minh và vũ bão của lão đang viết trên cát lịch sử quỷ quái của nhân loại.

Lão dừng lại, ngắm đường dây cáp tan tành cùng cả loạt đống đổ nát. Mặt trời đang xế bóng đổ dài thêm.

Zorba quay sang tôi và với một cử chỉ thông thường đối với lão, ấp tay lên miệng.

– Này sếp, lão nói, sếp có thấy những chùm tia lửa cái của nợ ấy làm bắn tóe ra không?

Chúng tôi phá lên cười.

Zorba nhảy bổ lại ôm chầm lấy tôi hôn.

– Cái đó cũng làm cho sếp bật cười ư? Lão âu yếm nói. Sếp cũng cười ư? Hả sếp? Thế thì tốt!

Cười ngả cười nghiêng, chúng tôi đùa giỡn vật nhau một lúc. Rồi, gieo mình xuống đất, chúng tôi nằm duỗi dài trên lớp sỏi và ôm nhau ngủ.

*

Tôi trở dậy vào lúc rạng đông và rảo bước dọc theo bãi biển về phía làng, tim tôi nhảy nhót trong lồng ngực. Đời tôi hiếm khi vui tràn trề như thế này. Đó không phải là cái vui bình thường, mà là một niềm hân hoan siêu tuyệt, phi lý và vô cớ. Chẳng những vô cớ mà còn ngược hẳn với mọi cớ có thể viện ra. Lần này, tôi mất hết – tiền bạc, thợ thuyền, đường dây cáp, xe ôm vận tải, chúng tôi đã xây dựng một cảng nhỏ và bây giờ chúng tôi chẳng có gì để xuất cảng. Mất sạch sành sanh.

Thế đó, vào đúng cái lúc ấy, tôi lại thấy tràn ngập một cảm giác được giải thoát bất ngờ. Như thể trong cái mê cung ngoắt ngoéo, tối tăm của tai ách, tôi đã phát hiện thấy chính nàng tự do đang sung sướng chơi đùa trong một góc. Và tôi bèn chơi đùa với nàng.

Khi mọi sự đều hỏng bét, thật vui mừng xiết bao nếu ta trắc nghiệm tâm hồn mình, thấy nó có dư sức chịu đựng và can đảm. Một kẻ thù toàn năng và vô hình – kẻ gọi đó là Thượng đế, người kêu đó là Ma Quỷ – dường như xông tới để tiêu diệt chúng ta, song chúng ta không bị tiêu diệt.

Mỗi lần chúng ta là kẻ thiến thắng bên trong bản thân mình, mặc dầu bên ngoài thì thất bại hoàn toàn, chúng ta, những con người, cảm thấy tự hào, vui sướng khôn xiết tả. Tai họa bên ngoài biến thành một điểm phúc tối thượng, không gì lay chuyển nổi.

Tôi nhớ lại một chuyện Zorba đã có lần kể tôi nghe:

“Một đêm, trên một ngọn núi phủ đầy tuyết ở Macedonia nổi lên một cơn gió khủng khiếp. Gió lay túp lều nhỏ nơi tôi nương náu, toan lật nhào nó. Nhưng tôi đã chèn chống, củng cố nó. Tôi ngồi một mình bên bếp lửa, cười nhạo trêu chọc gió. Cậu đừng hòng vào được trong lều tớ, người anh em. Tớ không mở cửa cho cậu đâu. “Cậu đừng hòng dập tắt được bếp lửa của tớ, đừng hòng lật nhào được lều tớ”. Qua mấy lời đó của Zorba, tôi đã hiểu con người phải ứng xử ra sao và phải dùng giọng điệu nào khi nói với tai ách đầy cường lực nhưng mù lòa.

Tôi bước nhanh dọc theo bãi biển, vừa đi vừa nói với kẻ thù vô hình. Tôi kêu lớn: “Mi đừng hòng vào được tâm hồn ta. Ta không mở cửa cho mi đâu. Mi đừng hòng dập tắt được ngọn lửa trong ta,”đừng hòng quật ngã ta.”

Mặt trời chưa ló lên khỏi đỉnh núi. Bên trên mặt nước bầu trời lung linh màu sắc – xanh lơ, xanh lục, hồng và lóng lánh hạt trai, trong đất liền, giữa những lùm cây ô-liu, chim chóc thức dậy đang ríu rít, say sưa với ánh ban mai.

Tôi bước dọc theo mé nước để chào từ biệt bãi biển cô liêu này, để khắc sâu nó vào tâm trí và mang theo.

Tôi đã trải bao niềm vui, bao khoái cảm trên bãi biển này. Sống với Zorba, lòng tôi mở rộng ra, một số lời lẽ của lão đã làm tâm hồn tôi nguôi dịu. Con người này, với bản năng không thể lầm lẫn và đôi mắt nguyên sơ như mắt đại bàng đã chọn những con đường tắt đáng tin cậy và không hề hụt hơi, đã đạt tới tột đỉnh cố gắng, thậm chí còn đi xa hơn nữa.

Một tốp vừa nam vừa nữ đi ngang qua, tay xách những làn đầy thức ăn và những chai rượu vang lớn. Họ đi đến các vườn để mừng ngày đầu tháng Năm. Một thiếu nữ hát vang, giọng trong như nước suối. Một cô bé, ngực non đã nhú, chạy qua tôi, thở hổn hển và leo lên một tảng đá cao. Một người đàn ông râu đen mặt tái đi vì giận dữ đuổi theo cô.

– Xuống, xuống đi… y kêu, giọng khàn khàn.

Nhưng cô bé, má đỏ rực, giơ tay lên chắp sau đầu và vừa nhẹ nhàng lắc lư thân hình đẫm mồ hôi vừa hát:

Hãy nói với tôi, dù cười dù khóc

Rằng anh chẳng yêu tôi. Nào tôi có cần chi?

– Xuống, xuống đi… người đàn ông để râu la lớn, cái giọng khàn khàn vừa van xin vừa dọa dẫm. Bất chợt, gã nhảy phốc lên nắm được chân cô bé, riết thật dữ. Cô bé òa khóc như thể chỉ đợi cử chỉ thô bạo ấy đế trút vơi nỗi niềm theo dòng nước mắt.

Tôi hối hả đi tiếp. Tất cả những biểu hiện bất chợt ấy của niềm vui làm tim tôi xao động. Ngư nữ già trở lại trong trí tôi. Tôi hình dung thấy bà ta béo tốt, thơm phức nước hoa và bội thực hơn. Giờ đây, bà ta nằm dưới đất, chắc đã trương lên và xanh lẹt. Da bà ta chắc đã nứt, nước dịch trong cơ thể chắc đã rỉ ra và dòi hẳn đã bò khắp người.

Tôi khiếp hãi lắc đầu. Đôi khi trái đất trở nên trong suốt và chúng ta trông thấy kẻ thống trị tối hậu của mình, con dòi, làm việc ngày đêm trong những xưởng ngầm dưới đất của nó. Nhưng ta vội vàng quay mắt đi, bởi lẽ con người có thể chịu đựng được mọi thứ trừ cái hình ảnh của con sâu nhỏ màu trắng ấy.

Vào đến làng, tôi gặp bác đưa thư đang sắp sửa thổi hiệu kèn trompette của mình.

– Ông chủ có thư, bác ta vừa nói vừa giơ một chiếc phong bì màu xanh.

Tôi mừng quýnh khi nhận ra nét chữ thanh thanh.

Tôi phăng phăng băng qua vòm lá ra khỏi rặng cây ô-liu và nôn nóng bóc thư. Thư ngắn và viết vội: Tôi đọc thẳng một mạch.

“Chúng mình đã tới biên giới Georgia, đã thoát khỏi bọn Kurd và mọi sự đều ổn. Cuối cùng mình đã hiểu thế nào là hạnh phúc thật sự. Vì mãi đến bây giờ mình mới thật sự nghiệm sinh câu phương ngôn cổ: “Hạnh phúc là làm tròn bổn phận và bổn phận càng khó khăn, hạnh phúc càng lớn” .

“Trong vòng mấy ngày nữa, những con người bị săn đuổi dở sống dở chết này sẽ tới Batum và mình vừa nhận được một bức điên tín như sau: Những con tàu đầu tiên đã xuất hiện.

“Mấy nghìn người Hy Lạp cần cù, thông minh này cùng với những cô vợ mông to và những đứa con mắt cháy rực của họ chẳng bao lâu sẽ được chở tới Macedonia và Thrace. Chúng mình sắp truyền một dòng máu mới dũng cảm vào huyết quản cũ của Hy Lạp.

“Mình đã phần nào kiệt lực, mình thừa nhận thế, song điều đó có gì là quan trọng? Chúng mình đã chiến đấu, kính thưa ngài và đã thắng. Mình lấy thế làm hạnh phúc.”

*

Tôi giấu bức thư và vội vã đi tiếp. Tôi cũng sung sướng. Tôi rẽ vào con đường mòn lên sườn núi dốc đứng, tay vân vê một nhành bách lý hương thơm ngát. Đã gần trưa và bóng tôi thu gọn lại dưới chân. Một con chim cắt rập rờn, cánh đập nhanh đến nỗi trông như không động đậy. Một chú gà gô nghe thấy bước chân tôi, lao ra khỏi bụi rậm và vút lên không, bay biến như máy.

Tôi sung sướng. Nếu có thể thì tôi đã hát vang lên cho hả, nhưng tôi chỉ thốt ra được những tiếng la không cấu âm. “Chuyện gì xảy đến với mày thế?” Tôi tự hỏi giễu: “Phải chăng mày giàu lòng ái quốc đến thế mà trước nay mày không tự biết? Hay tại mày quá yêu bạn mày? Thật đáng xấu hổ! Hãy tự kiềm chế và bình tĩnh lại đi.”

Nhưng tôi cứ vui ngây ngất và tiếp tục vừa đi theo con đường núi vừa la hét. Tôi nghe lanh tanh tiếng lục lạc đeo ở cổ dê. Một đàn dê đen, nâu và xám xuất hiện trên những mỏm đá, dưới nắng chói lòa. Con dê đực dẫn đầu vươn cái cổ cứng ngắc. Không khí nồng nặc mùi hôi của nó .

– Chào người anh em! Người anh em đi đâu vậy? Săn gì?

Một gã chăn dê nhảy lên một tảng đá, thục ngón tay vào miệng huýt còi theo tôi.

– Tôi đang có công việc gấp! Tôi đáp và tiếp tục trèo.

– Dừng lại một phút đã. Lại đây uống chút sữa để giải khát nào, gã chăn dê hét lớn, thoăn thoắt nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác.

– Tôi đã bảo tôi đang có công chuyện khẩn cấp mà!

Tôi thét lại. Tôi không muốn ngắt đứt niềm vui bằng cách dừng lại để chuyện gẫu.

– Có nghĩa là người anh em khinh sữa của tôi! Giọng gã mục đồng có vẻ tự ái. Vậy thì cứ đi tiếp đi và chúc may mắn.

Gã lại thọc ngón tay vào miệng huýt còi và tất cả, dê, chó và mục đồng, khuất dạng sau những tảng đá.

Chẳng mấy chốc tôi đã lên tới đỉnh núi. Lập tức, như thể đó là mục tiêu đã định, tôi trở nên bình tĩnh. Tôi nằm duỗi dài trên một phiến đá trong bóng râm, đưa mắt nhìn đồng bằng và biển đằng xa. Tôi hít vào thật sâu không khí ngát mùi ngải đắng và bách lý hương.

Tôi đứng dậy, vơ một ít ngải đắng làm gối và lại nằm xuống. Tôi thấm mệt, nhắm mắt lại.

Trong một lúc, tâm trí tôi bay tới những cao nguyên xa xôi phủ đầy tuyết nọ. Tôi cố hình dung đoàn người, đàn ông, đàn bà và gia súc, hì hụi tiền về phương bắc, với bạn tôi đi tiên phong như con cừu đực đầu đàn. Nhưng rất mau chóng tâm trí tôi đâm lẫn lộn và tôi cảm thấy buồn ngủ díp mắt lại.

Tôi muốn cưỡng lại. Tôi không muốn nhượng bộ cái ngủ, tôi cố mở mắt ra. Một con quạ chân đỏ, loài quạ núi, đã đậu yên vị trên một tảng đá ngay trước mặt tôi, trên đỉnh núi, bộ lông màu xanh đen lấp lánh trong nắng.

Tôi nhìn rất rõ cái mỏ to cong cong màu vàng của nó. Tôi bực mình, giống chim này hình như là một điềm gở. Tôi nhặt một hòn đá ném về phía nó. Con quạ chân đỏ bình tĩnh từ từ xòe cánh.

Tôi nhắm mắt lại một lần nữa, không thể cầm cự lâu hơn nữa và giấc ngủ lập tức xâm chiếm tôi.

Tôi ngủ chắc chưa quá mấy giây thì đã kêu thét lên và giật mình ngồi dậy. Chính lúc đó con quạ núi bay qua trên đầu tôi. Tôi dựa người vào tảng đá, run toàn thân. Một giấc mơ dữ đã cắt ngang tâm tư tôi như một lưỡi gươm.

Tôi thấy mình đang ở Athens, đi dọc theo phố Hermes một mình. Mặt trời đỏ lửa, phố vắng tanh, các cửa hàng đều đóng, cô tịch hoàn toàn. Khi đi ngang qua nhà thờ Kapniakarea tôi trông thấy bạn tôi, xanh xao vàng vọt và hổn hển chạy từ mé Quảng trường Hiến Pháp về phía tôi.

Anh ráng theo một người đàn ông gầy nhẳng rất cao đang bước những bước khổng lồ. Bạn tôi vận đồng phục ngoại giao. Nhận ra tôi, anh gào từ đàng xa giọng hổn hển.

– Chào cậu, dạo này cậu làm gì? Hàng thế kỷ rồi mình không gặp cậu. Tối nay, cậu đến chỗ mình hàn huyên một chút nhé.

– Ở đâu? Đến lượt tôi gào rất lớn như thể bạn tôi ở rất xa và tôi phải mở hết cỡ giọng mới tới được tai anh.

– Quảng trường Hòa Hợp ( [66] ) , sáu giờ tối nay. Vòi phun nước cửa tiệm cà phê Thiên Thai.

– Được tôi đáp Mình sẽ tới đó.

– Cậu nói là cậu sẽ tới, anh nói, giọng trách móc, nhưng cậu sẽ không tới.

– Nhất định mình sẽ tới mà. Tôi kêu. Đây, tay mình đây, ta giao ước nào.

– Mình đang vội.

– Tại sao cậu vội thế? Đưa tay cho mình nào.

Anh chìa tay ra và đột nhiên cánh tay rời khỏi vai bay vèo đến bắt tay tôi.

Tôi thất kinh thấy tay anh giá băng và giật mình tỉnh dậy với một tiếng thét.

Đó là lúc tôi phát hiện thấy con quạ núi lượn trên đầu mình. Môi tôi như rỉ ra chất thuốc độc.

Tôi quay mặt về phía đông, đăm đăm nhìn chân trời muốn xuyên thấu chốn xa xăm và thấy. . . Tôi tin chắc bạn tôi đang lâm nguy. Tôi gào tên anh ba lần!

– Stavridaki! Stavridaki! Stavridaki!

Như thể tôi muốn tiếp thêm can đảm cho anh.

Nhưng tiếng tôi không vượt quá mấy mét trước mặt và tan đi trong thinh không. Tôi cắm cổ lao xuống con đường núi, cố làm mình mệt để quên sầu. Đầu óc tôi hoài công loay hoay chắp lại những mẩu thông điệp bí ẩn thi thoảng xuyên qua được cơ thể để tới tâm hồn. Tận đáy bản thể tôi, một xác tín kỳ lạ, sâu sắc hơn lý trí hoàn toàn thú vật về mặt tính chất, khiến tôi tràn đầy kinh hoàng – chính cái xác tín mà một số loài vật, như cừu và chuột, cảm thấy trước khi động đất. Trong tôi đang thức dậy cái linh hồn của những người đầu tiên trên trái đất y nguyên như trước khi nó trở nên hoàn toàn tách rời khỏi vũ trụ, khi mà nó còn trực cảm thấy sự thật, không cần đến ảnh hưởng bóp méo của lý trí.

“Hắn đang lâm nguy. Hắn đang lâm nguy. Tôi thì thầm. Hắn sắp chết. Có lẽ chính hắn chưa ý thức được điều ấy, nhưng mình biết, mình biết chắc…”

Tôi chạy xuống con đường núi, vấp phải một đống đá và ngã xuống đất, làm đá bắn tung tóe. Tôi lại vùng dậy, tay chân trầy da tướp máu.

“Hắn sắp chết. Hắn sắp chết.” Tôi nói và cảm thấy một cục gì dâng lên trong cổ họng.

Con người không may dựng lên cái mà hắn cho là một hàng rào quanh cuộc sống nhỏ nhoi tội nghiệp của mình. Hắn nương náu ở đó và cố đưa vào cuộc đời mình một chút trật tự và an toàn. Một chút xíu hạnh phúc. Mọi sự phải đi theo con đường mòn, cái lề thói chí thánh và tuân thủ những quy tắc đơn giản và an toàn. Bên trong hàng rào đó, ẩn sau công sự phòng chống những cuộc tấn công ác liệt của cái chưa biết, những xác tín tủn mủn của hắn lổm ngổm bò như loài rết, không có gì ngăn trở. Chỉ có một kẻ thù ghê gớm mà người ta ghét cay ghét đắng và sợ muốn chết: điều Tất Yếu Lớn. Giờ đây, điều Tất Yếu Lớn đó đã xuyên qua những bức tường ngoài bao quanh cuộc sinh tồn của tôi và sắp sửa chụp lấy hồn tôi.

Khi tới bãi biển nơi chúng tôi ở, tôi dừng lại lấy hơi một lúc. Y như thể tôi đã tới tuyến phòng thủ thứ hai của mình và tôi trấn tĩnh lại. Tất cả những thông điệp ấy, tôi nghĩ, đều phát sinh từ nỗi khắc khoải nội tâm của chính chúng ta, rồi, trong khi chúng ta ngủ, liền khoác bộ y phục rực rỡ của một biểu tượng. Nhưng chính chúng ta là những người tạo ra chúng… Tôi trở nên bình tĩnh hơn.

Lý trí đang trấn an con tim tôi, xén cánh con dơi kỳ lạ loạng quạng ấy, xén hoài xén mãi kỳ đến khi nó không bay được nữa.

Về đến lều, tôi tủm tỉm cười nhạo sự ngây ngô của chính mình. Tôi lấy làm xấu hổ về nỗi đã để tâm trí mau hốt hoảng thế. Tôi rơi trở về thực tế hằng ngày. Tôi đói và khát. Tôi cảm thấy mệt lử và những vết do đá cứa toạc ở tay chân buốt nhói. Tôi an tâm trở lại: tên kẻ thù ghê gớm đã xuyên qua lớp tường ngoài giờ đây bị tuyến phòng thủ thứ hai quanh hồn tôi chặn đứng lại.

Bình luận
× sticky