Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 3

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Lão không chờ tôi trả lời.

– Tôi tự hỏi không biết các hạ có thể nói gì về điều đó? Lão nói tiếp, vẻ như đánh giá tôi. Trong chừng mực tôi có thể nhìn nhận thấy là các hạ chưa bao giờ đói, chưa bao giờ chết chóc, chưa bao giờ trộm cắp, thưa bao giờ phạm tội ngoại tình. Vậy các hạ biết quái gì về thế sự? Đầu óc các hạ ngây thơ, da thịt thậm chí chưa bao giờ biết mùi nắng…, lão lẩm bẩm, coi khinh ra mặt.

Tôi đâm xấu hổ với đôi bàn tay thanh tú, bộ mặt xanh xao của mình, với cuộc đời chưa từng vấy bùn và máu của mình.

– Thôi được! Zorba nói, quét bàn tay nặng nề trên mặt bàn, như thể lau nó bằng một miếng bọt biển. Thôi được! Tuy nhiên, có một điều tôi muốn hỏi sếp, sếp hẳn đã đọc thiên kinh vạn quyển, có lẽ sếp biết.

– Nói đi, Zorba, điều gì?

– Có một thử phép lạ xảy ra ở đây, sếp ạ. Một thứ phép lạ kỳ cục khiến tôi không hiểu ra sao nữa. Toàn bộ vụ việc đó, những thủ đoạn bẩn thỉu, trộm cắp, tàn sát của chúng tôi, tức là bọn phiến loạn chúng tôi ấy – toàn bộ vụ việc đó đã dẫn tới việc hoàng tử George đến Crete.Tự do!

Lão nhìn tôi với cặp mắt giương to vì ngạc nhiên.

– Thật là bí ẩn, lão thầm thì, một điều bí ẩn hết sức! V ậy ra nếu muốn có tự do trên cái thế giới tồi tệ này, thì phải giở mọi trò tàn sát ấy, mọi thủ đoạn bẩn thỉu ấy ư? Xin nói để sếp biết, nếu tôi kể mọi chuyện hung ác gớm ghiếc và mọi cuộc giết chóc bọn tôi đã tiến hành thì sếp cứ gọi là dựng tóc gáy lên. Ấy thế mà kết quả của tất cả những cái đó là gì? Tự do! Thay vì giáng sét xuống diệt sạch bọn tôi, Thượng đế lại cho chúng tôi tự do! Thật tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa!

Lão nhìn tôi như cầu cứu. Tôi thấy rõ vấn đề này đã dằn vặt lão ghê gớm và lão không sao tìm ra ngọn nguồn.

– Sếp có hiểu không? Lão đau đớn hỏi tôi.

Hiểu gì mới được chứ? Nói gì với lão đây? Hoặc khẳng định rằng cái mà ta gọi là Thượng đế không hề tồn tại hoặc bảo rằng cái mà ta gọi là giết chóc và hung bạo là cần thiết cho cuộc đấu tranh và cho việc giải phóng thế giới…

Tôi cố hết sức tìm cho Zorba một cách giải thích khác đơn giản hơn.

– Làm thế nào mà một cái cây đâm chồi và nở hoa trên phân, rác? Zorba ạ, hãy tự nhủ rằng phân, rác là con người và hoa là tự do.

– Nhưng còn hạt giống? Zorba kêu lên, tay đấm bàn. Muốn nảy mầm cây thì phải có hạt chứ. Ai đã gieo một cái hạt giống như vậy vào lòng chúng ta? Và tại sao cái hạt đó không trổ hoa từ sự tử tế và lương thiện? Tại sao nó lại cần có máu cùng rác rưới?

Tôi lắc đầu.

– Tôi không biết. Tôi nói.

– Vậy ai biết?

– Chẳng ai biết cả.

– Nhưng nếu vậy thì sếp muốn tôi làm gì với tất cả những thứ tàu thuyền, máy móc, cà-vạt cổ cồn này?

Zorba tuyệt vọng kêu lên, cặp mắt man dại đảo nhìn xung quanh.

Đôi ba hành khách đã bị biển quần cho thất điên bát đảo giờ đang uống cà phê ở một bàn bên, chợt linh hoạt lên: họ cảm thấy một cuộc cãi lộn và vểnh tai lên nghe.

Điều đó làm Zorba phát ớn. Lão hạ giọng:

– Nói chuyện khác đi, lão nói. Cứ nghĩ đến chuyện đó là tôi muốn đập phá bất cứ cái gì trong tầm tay – một cái ghế, một cây đèn, hoặc giả đâm đầu vào tường. Nhưng thế thì ích gì? Chỉ tổ phải bồi thường những đồ bị đập vỡ và đến bác sĩ băng đầu lại. Và nếu có Chúa thì lại còn tệ hại hơn nhiều: thôi thế là đi đứt! Từ trên trời cao kia, hẳn Người đang ngó tôi, ôm bụng mà cười.

Đột nhiên lão khua tay như để xua một con ruồi phiền nhiễu.

– Thôi đừng bận tâm! Lão nói, vẻ luyến tiếc. Tôi chỉ muốn nói với sếp thế này. Khi vương thuyền trang hoàng đầy cờ đến đây, người ta bắt đầu nổ những loạt đại bác chào mừng và hoàng tử đặt chân lên đất Crete,… Sếp đã bao giờ mục kích cả một dân tộc cuồng lên vì thấy mình được tự do chưa? Chưa à? Chà, sếp, vậy thì, sinh ra đã mù, sếp sẽ mù đến khi xuống lỗ. Cho dù tôi có sống đến nghìn năm, ngay cả nếu lúc đó tôi chỉ còn là một mẩu thịt sống, tôi cũng sẽ không bao giờ quên những gì tôi đã thấy trong ngày hôm ấy! Và nếu mỗi một chúng ta có quyền chọn Thiên đàng của mình trên trời theo sở thích riêng – mà đáng ra phải như thế , đó mới chính là cái tôi gọi bằng Thiên đàng – thì tôi sẽ thưa với Đấng Toàn năng:

“Lạy Chúa, xin hãy cho Thiên đàng của tôi là một cái đảo Crete giăng đầy cờ, hoa và để cho cái giây phút hoàng tử George đặt chân lên đất Crete kéo dài hàng thế kỷ!” Thế là hợp ý tôi.

Zorba lại im lặng. Lão vuốt bộ ria cho vểnh lên, rót nước đá đầy đến miệng cốc và nuốt ực một hơi.

– Điều gì đã xảy ra ở Crete, Zorba, kể cho tôi nghe nào.

– Ta có cần phải khoa trương đại ngôn không? Lão khó chịu nói. Này, tôi nói cho sếp nghe, tôi… cái thế giới này là một bí ẩn và con người chỉ là thú dữ.

“Vừa là thú dữ vừa là thánh thần. Một tên phiến loạn đê tiện từ Macedonia cùng đến với tôi – người ta gọi hắn là Yorga, phải, một tên đầu trộm đuôi cướp đáng treo cổ, một con lợn thực sự, sếp ạ – ờ, hắn khóc sướt mướt. “Tại sao mày khóc, Yorga, đồ chó ngao?” Tôi hỏi, nước mắt cũng trào ra. “Tại sao mày khóc, con lợn già?” Nhưng hắn chỉ ôm choàng lấy cổ tôi mà thổn thức như một đứa trẻ. Thế rồi cái thằng con hoang keo kiệt rút túi tiền ra, dốc vào lòng những đồng tiền vàng hắn đã cướp của dân Thổ và vốc từng vốc tung lên trán. Sếp thấy không, tự do là như thế đấy?”

Tôi đứng dậy và lên boong, phơi mình hàng ngọn gió biển rét buốt.

Tự do là như thế đấy, tôi nghĩ. Ôm ấp một đam mê, cóp nhặt hàng đống tiền vàng, rồi đùng một cái, dẹp nỗi đam mê ấy và tung hê kho vàng cho gió cuốn đi bốn phương.

Tự giải phóng mình khỏi một nỗi đam mê để rồi bị thống ngự bởi một đam mê khác cao cả hơn. Nhưng phải chăng cả cái đó cũng là một hình thức nô lệ? Hy sinh cho một ý tưởng, cho một giống nòi, cho Thượng đế? Hay phải chăng điều đó có nghĩa là mẫu mực càng cao, dây buộc của vòng nô lệ càng được thả dài ra? Như vậy chúng ta có thể thích thú vui thơi, đú đởn trong một phạm vi rộng hơn và đền khi chết vẫn chưa vận dụng hết tầm của dây buộc. Vậy phải chăng cái đó ta gọi là tự do?

Về cuối chiều, chúng tôi bỏ neo bên bờ biển và nhìn thấy cát trắng mịn cùng mấy loại cây: nào trúc đào còn đang nở hoa, nào sung, nào vả, nào minh quyết, và xa hơn nữa về phía bên phải là một ngọn đồi trọc thấp, xam xám, nom giống như mặt một người đàn bà ngủ, mà dưới cắm, dọc theo cổ, vằn lên những mạch vỉa nâu sẫm của mỏ than bùn linhít.

Một ngọn gió thu đang thổi, những đám mây xơ xác từ từ trôi qua bên trên mặt đất, đổ bóng xuống làm dịu các đường nét. Những đám mây khác đang dâng lên, đầy đe dọa, trên bầu trời. Mặt trời lúc ẩn lúc hiện và mặt đất lúc sáng bừng, lúc tối sầm lại như một gương mặt sống động và xao xuyến.

Tôi dừng một lát trên bãi cát và ngắm nhìn. Một vẻ cô quạnh thiêng liêng trải ra trước mắt tôi, khủng khiếp mà mê hoặc như bãi sa mạc. Bài ca Phật giáo dâng lên từ chính lòng đất và thấm sâu vào đầy lòng tôi. “Bao giờ, chung cục, ta sẽ rút vào cô đơn, trơ trọi một mình, không bạn đồng hành, không vui mà cũng chẳng buồn, chỉ còn độc một niềm xác tín thiêng liêng rằng tất cả chỉ là một giấc mộng? Bao giờ, quần áo tả tơi, hết mọi dục vọng, ta sẽ mãn nguyện rút về ở ẩn trong núi? Bao giờ, thấy thân xác mình chỉ là bệnh tật và tội ác, tuổi già và cái chết đến gần, ta sẽ rút vào rừng, không sợ gì nữa hết, tự do và ngất ngây hạnh phúc? Bao giờ, ôi bao giờ?” Cây đàn santuri cặp ở nách, Zorba tiến về phía tôi, chân bước còn chệnh choạng.

– Mỏ than bùn kia! Tôi nói để giấu nỗi xúc động và vươn cánh tay về phía ngọn đồi giống mặt người đàn bà.

Zorba cau mày không ngoái lại nhìn.

– Để sau hẵng. Bây giờ chưa phải lúc đâu, sếp ạ, lão nói. Phải đợi cho trái đất đứng yên đã. Quỷ tha ma bắt nó, nó vẫn còn chòng chà chòng chành như cái boong tàu. Ta hãy đi vào làng đã.

Nói rồi, lão dấn những bước dài, quả quyết, cố gỡ thể diện.

Hai đứa trẻ chân đất, đen như củ súng, chạy tới, đỡ lấy hành lý. Một nhân viên thuế quan to như hộ pháp hút một ống điếu trong trụ sở thuế quan. Đôi mắt xanh của y kín đáo soi dõi chúng tôi, uể oải liếc nhìn các bọc hành lý và trong một thoáng, y ngọ nguậy trên ghế như sắp sửa đứng dậy. Song, đó là một cố gắng quá lớn đối với thân hình y. Chậm rãi giơ cái ống điếu lên và nói bằng một giọng ngái ngủ: “Xin chào!” Một trong hai đứa trẻ đi đến bên tôi. Nó nháy đôi mắt màu đen ô-liu và nói, giọng nhạo báng.

– Lão ấy không phải dân Crete. Lười như quỷ ấy.

– Chẳng phải dân Crete cũng lười nhác đó sao?

– Phải… phải, họ cũng lười nhác, thằng bé người đảo Crete đáp, nhưng lười cách khác.

– Làng có xa không?

– Từ đây đến đó, khoảng một tầm đạn. Kia kìa, đằng sau những khu vườn, trong khe ấy! Một ngôi làng đẹp, ông ạ. Có đủ thứ, thứ gì cũng ê hề – minh quyết, đậu, thóc lúa, dầu, rượu. Còn ở bãi cát đằng kia, nào dưa chuột và dưa hấu, nào cá và cà chua đều đơm hoa kết trái sớm nhất ở Crete. Chính nhờ gió từ Phi Châu nên cây trái mới tốt tươi như vậy. Ban đêm trong vườn, có thể nghe thấy chúng chuyển mình răng rắc, lớn lên.

Zorba tiếp tục đi trước, đầu vẫn còn choáng váng.

Lão nhổ bọt.

– Cất cao đầu lên, Zorba! Tôi gọi với. Chúng ta đã tai qua nạn khỏi. Không còn gì mà sợ nữa!

Chúng tôi rảo bước. Đất lẫn với cát và vỏ trai, sò, ốc. Đây đó mọc lên một cây thánh liêu, một cây vả dại, một bụi lau, vài cây thảo bản hoa vàng. Thời tiết ngột ngạt, mây mỗi lúc một sà xuống thấp, gió tắt dần.

Chúng tôi đi qua một cây vả lớn thân kép cong queo đã bắt đầu rỗng ruột vì già cỗi. Một trong hai đứa bé dừng lại, hất hàm chỉ cây cổ thụ.

– Cây Vả Tình Nương, nó nói.

Tôi giật mình. Trên đất Crete này, mỗi hòn đá, mỗi cái cây đều có lịch sử bi thảm của nó.

– Tình Nương? Tại sao lại có cái tên ấy?

– Thời ông nội cháu, có con gái một điền chủ phải lòng một anh mục đồng. Người cha không chịu. Cô gái la khóc, van nài, song ông già vẫn một mực không thay đổi ý kiến! Một đêm, đôi trai gái biến mất. Người ta cho lùng sục khắp vùng quê, nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi một tuần, vẫn chẳng thấy tăm hơi. Sau đó, bắt đầu có mùi, nên người ta lần theo mùi hôi thối, tìm thấy xác họ thối rữa dưới gốc cây vả này, vẫn ôm ghì lấy nhau. Ông thấy đấy, nhờ mùi hôi thối mà người ta tìm thấy họ.

Thằng bé phá lên cười. Đã nghe thấy tiếng xôn xao trong làng. Chó bắt đầu sủa, đàn bà léo nhéo, gà gáy báo hiệu chuyển thời tiết. Trong không khí, phảng phất mùi nho từ những thùng cất rượu rum.

– Làng đấy! Hai thằng nhỏ kêu to và lao vút đi.

Chúng tôi vừa quành ngọn đồi cát, ngôi làng nhỏ đã hiện ra, nom như leo ngược sườn khe núi. Những cụm nhà quét vôi trắng, đắp nền cao, túm tụm vào nhau. Với những cửa sổ mờ làm thành những mảng đen, nom chúng giống những sọ người trắng phếch kẹt giữa những tảng đá.

Tôi đi lên ngang Zorba.

– Bác chú ý cư xử cho đúng mực nhé, chúng ta sắp vào làng rồi, tôi bảo lão. Chớ để họ bắt thóp được ta. Chúng ta hãy hành động như những nhà kinh doanh nghiêm chỉnh. Tôi là giám đốc, còn bác là đốc công. Dân Crete không coi nhẹ điều gì đâu. Vừa để mắt tới mình là họ nhắm ngay vào bất kỳ nét dị dạng nào và đặt luôn cho mình một cái biệt hiệu. Sau đó thì đừng hòng rứt bỏ, đi đâu cũng dính chặt với nó như con chó với cái xoong cột vào đuôi vậy.

Zorba đưa tay lên nắm chặt bộ ria, trầm ngâm suy nghĩ. Cuối cùng, lão nói:

– Sếp này, nếu ở đây có một bà góa thì sếp khỏi phải lo Bằng không . . .

Đúng lúc ấy, vào tới cổng làng, một mụ ăn mày quần áo rách rưới chạy tới chúng tôi, chìa tay ra. Mụ đen đúa, bẩn thỉu và có một hàng ria mép nhỏ đen và cứng.

– Này, người anh em, mụ suồng sã gọi Zorba. Này người anh em có linh hồn không đấy?

Zorba đừng lại.

– Có chứ, lão nghiêm trang đáp.

– Vậy thì người anh em hãy cho đây năm drachma ( [10] ) đi!

Zorba rút trong túi ra một cái ví da rách bươm.

– Đây, lão nói, và một nụ cười làm dịu cặp môi còn hằn vẻ chua chát.

Lão nhìn quanh và nói với tôi:

– Xem ra ở vùng này, linh hồn thật là rẻ, sếp ạ. Có năm drachma một linh hồn!

Lũ chó trong làng xô về phía chúng tôi, cánh phụ nữ cúi mình trên gờ mái bằng nhòm chúng tôi, trẻ con chạy theo la hét, đứa kêu ăng ẳng, đứa bím bom làm còi ôtô, lại có đứa chạy lên trước, ngoái cổ lại nhìn chúng tôi mắt thao láo kinh ngạc.

Chúng tôi tới bãi rộng giữa làng. Ở đây, có hai cây bạch dương lớn, xung quanh đặt những thân cây đẽo thô sơ làm ghế ngồi. Đối diện là tiệm cà phê có treo tấm biển lớn lợt màu: Tiệm cà phê và Hàng thịt Khiêm Tốn.

– Tại sao sếp cười? Zorba hỏi.

Nhưng tôi không kịp trả lời. Từ cửa tiệm cà phê và hàng thịt, năm sáu gã hộ pháp vận quần xanh sẫm, thắt lưng đỏ, chạy ra kêu lớn : “Chào các bạn! Vào đây làm một ly rum vừa trong thùng ra, còn nóng sốt”.

Zorba chép lưỡi nói:

– Thế nào, sếp? Lão quay lại nháy tôi. Ta làm một ly chăng?

Chúng tôi uống mỗi người một ly, nóng ran cả ruột. Chủ tiệm cà phê kiêm hàng thịt, một ông già lanh lợi mạnh mẽ, còn giữ được thân hình tráng kiện, mang ghế ra cho chúng tôi.

Tôi hỏi chúng tôi có thể trọ ở đâu.

– Đến quán Mađam Hortense ấy, có người lớn tiếng mách.

– Một phụ nữ Pháp ở đây ư? Tôi ngạc nhiên thốt lên.

– Có quỷ mới biết mụ ta từ đâu tới, mụ đã ở khắp vùng này. Mụ đã xoay sở tránh được mọi gian truân trên đời và giờ mụ bám lấy cái bến cuối cùng này, mở một quán trọ làm ăn.

– Bà ấy bán cả kẹo nữa, một đứa bé xen vào.

– Tô son trát phấn lòe loẹt, một đứa khác nói. Quấn ruy băng quanh cổ… Lại có cả một con vẹt nữa.

– Góa chồng à? Zorba hỏi. Bà ta có góa chồng không?

Lão chủ tiệm cà phê nắm bộ râu nhuốm bạc.

– Ông bạn thử đếm xem chỗ này có bao nhiêu sợi râu? Bao nhiêu? Ấy, bà ta đã góa ngần nấy đời chồng đó. Hiểu chứ?

– Hiểu, Zorba đáp, liếm môi thèm thuồng.

– Bà ta cũng có thể biến ông thành lão góa nữa đấy!

– Liệu chừng đấy, ông bạn! Một lão già nói lớn và tất cả cười phá.

Người ta đãi chúng tôi một một chầu rượu nữa và chủ tiệm bưng ra trên một cái khay cùng với ổ bánh lúa mạch, phó-mát dê và mấy trái lê.

– Thôi, để các vị ấy yên. Khỏi phải đến quán Mađam! Hai vị ấy sẽ nghỉ lại ngay tại đây đêm nay!

– Họ sẽ là khách của tôi, Kondomanolio! Lão già kia nói. Nhà tôi rộng, không có trẻ con, tha hồ nhiều chỗ.

– Xin lỗi, bác Anagnosti, chủ tiệm cà phê hét vào tai lão già. Tôi nhận trước rồi.

– Bác nhận một, lão Anagnosti nói. Người kia phần tôi, cái tay già ấy.

– Tay già nào? Zorba chạm nọc, vặn lại.

– Chúng tôi gắn bó keo sơn với nhau, tôi nói và ra hiệu cho Zorba đừng bực bội. Chúng tôi gắn bó với nhau và chúng tôi sẽ đến quán Mađam Hortense . . .

– Hoan nghênh? Hoan nghênh quý khách!

Một phụ nữ béo, lùn bè bè, tóc màu gai đã lợt, hiện ra dưới hàng bạch dương, lạch bạch trên đôi chân vòng kiềng. Cằm bà ta điểm một nốt ruồi tua tủa mấy sợi lông cứng như lông lợn. Bà ta quấn một dải ruy-băng bằng nhung đỏ quanh cổ, đôi má héo úa trát bự phấn màu hoa cà. Một lọn tóc nhỏ nhún nhảy vui tươi trên trán khiến bà ta có phần nào từa tựa như Sarah Bernhardt( [11] ) về già đóng trong Đại bàng con ( [12] ).

– Hân hạnh được gặp bà, Mađam Hortense! Tôi đáp, chuẩn bị hôn tay bà ta, cuốn theo một tâm trạng hoan hỉ đột ngột.

Đùng một cái, cuộc đời chợt hiện ra như một câu chuyện thần tiên hay màn giáo đầu của vở Bão Táp ( [13] ). Chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, ướt thấu xương sau một tai nạn đắm tàu tưởng tượng. Chúng tôi đang thám hiểm miền bờ biển kỳ diệu và trịnh trọng chào mừng cư dân địa phương. Người đàn bà này, Hortense, đối với tôi, dường như là nữ chúa của đảo, một loại hải cẩu tóc vàng, mình bóng nhẫy bị xô dạt lên bờ cát này. Đằng sau bà ta, hiện ra bao bộ mặt lông lá, bẩn thỉu, tỏa ngời niềm hân hoan chung của dân chúng – hay của Caliban( [14] ) – đăm đăm nhìn nữ chúa, vừa tự hào vừa giễu cợt.

Zorba, vị hoàng tử cải trang, cũng chăm chú nhìn nữ chúa, như thể đó là một cố chiến hữu, một chiến thuyền xưa đã từng chinh chiến ở những vùng biển xa xôi từng nếm mùi chiến thắng và chiến bại, với những cửa hầm tàu giập nát, những cột buồm gãy, cánh buồm tơi tả và giờ đây, mặt hằn những luống nhăn sâu cố trát đi bằng kem, phấn, mụ rút lui về bờ biển này, chờ đợi. Rành là mụ chờ Zorba, người thuyền trưởng mang ngàn vết sẹo. Và tôi thích thú thấy hai diễn viên ấy, rút cục, gặp nhau trong một cảnh trí ở Crete được vẽ và thể hiện rất đơn giản bằng mấy nét bút khoáng đạt.

– Hai giường, thưa Mađam Hortense, tôi nói và nghiêng mình trước bậc chuyên gia lão luyện trong nghệ thuật diễn những màn tình ái. Hai giường không rệp.

– Không rệp! Làm gì có được! Mụ kêu lên, phóng vào tôi một cái nhìn khiêu khích.

– Ồ bậy! Những cái miệng nhạo báng của Caliban gào.

– Không có! Không có? Mụ quặc lại, bàn chân béo mập giậm trên phiến đá. Mụ đi tất dày màu xanh da trời, xỏ trong một đôi giày cao gót rúm ró với những cái nơ lụa cầu kỳ.

– Đi đi đào nhất! Ma bắt mụ đi! Caliban lại hú lên lần nữa.

Nhưng rất trịnh trọng, Mađam Hortense đã cất bước đi lên trước dẫn đường. Mụ sực mùi phấn và xà phòng rẻ tiền.

Zorba đi theo, mắt hau háu nhìn mụ .

– Nhìn kỹ kìa, sếp, lão thầm thì. Nom mụ ta đánh hông kìa, nhóp nhép! Nhóp nhép! Như con cừu lắc cái đuôi núc ních mỡ ấy!

Hai ba hạt mưa lớn rơi xuống, trời tối sầm. Những làn chớp xanh lóe lên trên ngọn núi. Những cô gái, choàng áo da dê trắng, hối hả lùa dê, cừu từ đồng cỏ về. Các bà chủ gia đình, ngồi xệp trước lò sưởi. đang nhóm lửa ban chiều.

Zorba nhấm nhấm đầu ria, vẻ nôn nóng, mắt không rời đôi mông núng nính của người đàn bà.

– Hừm! Đột nhiên lão thở dài lẩm bẩm. Mẹ kiếp con đĩ đời. Nó không thôi chơi khăm mình!

Bình luận