Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 19

Tác giả: Nikos Kazantzaki

Đêm ấy, khi từ trên lưng la nhảy xuống bãi biển, người đầu tiên chúng tôi gặp là Bouboulina đang ngồi thu lu trước lều. Khi thắp đèn lên và nhìn thấy mặt mụ, tôi đâm hoảng.

– Có chuyện gì không ổn vậy, mađam Hortense? Bà ốm à?

Từ lúc niềm hy vọng lớn – thành hôn với Zorba le lói trong tâm trí, ngư nữ già của chúng tôi đã mất hết mọi nét duyên mơ hồ và đáng ngờ của mình. Mụ cố xóa sạch quá khứ và vứt bỏ bộ mặt lòe loẹt mà mụ tự trang điểm cho mình nhờ những bổng lộc do các tổng trấn, tổng đốc Thổ Nhĩ Kỳ và các thủy sư đô đốc cung phụng. Mụ không có khao khát nào lớn hơn là trở thành một người dân thường nghiêm túc và khả kính, một phụ nữ đôn hậu, đức hạnh. Mụ thôi không phấn sáp cũng chẳng mang đồ trang sức nữa, trời sinh thế nào tự phô bày thế ấy: một kẻ tội nghiệp muốn có tấm chồng.

Zorba không mở miệng. Lão cứ bồn chồn xoắn bộ ria mới nhuộm. Lão cúi xuống, nhóm bếp lò và đun ít nước để pha cà phê.

– Anh thật độc ác? Mụ ca sĩ già đột ngột nói, giọng khàn đi .

Zorba ngẩng đầu lên nhìn mụ. Mắt lão dịu đi. Lão không bao giờ có thể nghe một người đàn bà nói với mình bằng một giọng đau đớn mà không bị chinh phục hoàn toàn. Một giọt nước mắt đàn bà đủ làm lão chết đuối. Lão không nói gì, cho cà phê và đường vào bình, khuấy lên.

– Tại sao anh cứ để tôi mòn mỏi đợi chờ mãi mà không cưới đi? Ngư nữ già nói. Tôi không dám thò mặt ra với làng xóm nữa! Tôi thật nhục nhã! Nhục nhã! Tôi đến phải tự tử thôi!

Tôi đang nằm nghỉ trên giường. Chống khuỷu tay lên gối, tôi thưởng thức màn kịch bi hài này.

– Tại sao anh không mang vòng hoa cưới về!

Zorba cảm thấy bàn tay nhỏ mũm mĩm của Bouboulina run lên trên đầu gối lão. Cái đầu gối ấy là tấc đất liền cuối cùng khả dĩ làm chỗ bấu víu cho kẻ tội nghiệp đắm tàu ngàn lẻ một lần này.

Zorba có vẻ thông cảm và lão động lòng trắc ẩn.

Nhưng một lần nữa, lão vẫn lặng thinh. Lão rót cà phê vào ba tách.

– Anh yêu quý, tại sao anh không mang vòng hoa cưới về? Mụ nhắc lại bằng một giọng run run.

– Ở Candia, không có lấy một vòng hoa đẹp, Zorba đáp cộc lốc.

Lão đưa cho mỗi người một tách và ngồi thu lu vào một góc.

– Anh đã viết thư nhờ bạn bè ở Athen gìn về mấy vòng, lão nói tiếp. Anh cũng đã đặt mua ít nến trắng, kẹo hạnh đào và sôcôla.

Trí tưởng tượng của lão bốc lên trong khi nói. Mắt lão lấp lánh và, như nhà thơ trong giây phút sáng tạo cuồng nhiệt, Zorba bay lên những tầng cao nơi hư cấu và thực tế hòa quyện và giống hệt nhau như chị em sinh đôi.

Lão ngồi xệp, và trong tư thế nghỉ ngơi như vậy, xì xụp uống cà phê. Lão châm một điếu thuốc thứ hai; hôm nay là ngày đại cát – lão đã có bản thỏa thuận về khu rừng trong túi, lão đã trả xong nợ, lão sung sướng. Cho nên lão tự buông thả.

– Đám cưới của chúng ta, Bouboulina yêu dấu ạ, lão nói, phải gây một chấn động. Em hãy chờ xem chiếc áo cưới anh đặt cho em. Chính vì vậy mà anh lưu lại Candia lâu thế, em yêu. Anh đã cho mời hai họa sĩ trứ danh chuyên vẽ mẫu thời trang từ Athens đến và bảo họ: “Này, người đàn bà tôi sắp cưới đây, thuộc loại có một không hai ở cả phương Đông lẫn phương Tây! Nàng đã từng là hoàng hậu được công nhận của bốn Đại Cường Quốc; bây giờ, Tứ Cường đã chết, nàng là quả phụ và nàng ưng thuận lấy tôi làm chồng. Cho nên tôi muốn áo cưới của nàng cũng độc nhất vô nhị: phải toàn bằng lụa, hạt trai và đính sao bằng vàng!” Hai tay họa sĩ phản đối: “Nhưng như thế thì quá đẹp! Tất cả các khách mời sẽ bị lóa mắt trước một vẻ lộng lẫy như vậy! ‘ – “Mặc kệ, không sao hết!” anh nói. “Cái đó thì quan trọng gì? Miễn là người tôi yêu hài lòng!” Mađam Hortense dựa vào tường lắng nghe lão. Một nụ cười nung núc, rộng toác nở trên bộ mặt nhẽo nhèo và đầy nếp nhăn của mụ, khiến dải băng đỏ quanh cổ căng đến gần đứt.

– Em muốn nói thầm vào tai anh, mụ vừa nói vừa liếc mắt đưa tình với Zorba.

Zorba nháy mất với tôi và cúi về phía trước.

– Tối nay, em mang đến cho anh cái này, mụ vợ tương lai của lão thì thào, cái lưỡi nhỏ gần như thọc vào lỗ tai lông lá.

Mụ rút từ trong áo lót ra một chiếc khăn tay có thắt nút ở một góc và đưa cho Zorba.

Lão đỡ lấy chiếc khăn nhỏ bằng hai ngón tay, đặt lên đầu gối phải, rồi quay mặt về phía cửa, nhìn ra biển.

– Anh không cởi nút ra ư, Zorba? Mụ hỏi. Anh chẳng có vẻ gì là háo hức cả!

– Hãy để cho anh uống cà phê và hút nốt điếu thuốc đã lão đáp. Anh không cần phải cởi nút, anh biết trong đó có gì rồi.

– Cởi nút đi, cởi nút đi! Ngư nữ già van vỉ.

– Anh đã bảo để anh hút xong điếu thuốc đã!

Và lão phóng về phía tôi một tia nhìn kết tội như muốn bảo: “Lỗi tại sếp đấy?”

Lão nhẩn nha hút, vừa thở khói ra đằng mũi vừa ngắm biển.

– Mai sẽ có gió xirốccô, lão nói. Thời tiết đang chuyển. Cây cối sẽ căng nhựa, vú các cô gái cũng vậy – đến độ sẽ bật ra khỏi coóc xê! Ôi! Mùa xuân thật xỏ lá! Một phát minh của quỷ sứ!

Lão ngừng bặt. Một lát sau, lão nói thêm:

– Sếp có để ý thấy mọi cái tốt đẹp trên đời đều là phát minh của ma quỷ không? Đàn bà đẹp, mùa xuân, lợn sữa quay, rượu – đều do ma quỷ tạo ra hết! Thượng đế thì tạo ra tu sĩ, chay tịnh, trà cúc và đàn bà xấu… xí!

Vừa nói lão vừa ném một cái nhìn dữ tợn về phía mađam Hortense tội nghiệp đang thu mình trong góc lắng nghe lão.

– Zorba! Zorba! Mụ luôn miệng van lơn.

Nhưng lão lại châm một điếu thuốc khác và tiếp tục ngắm biển.

– Mùa xuân, Xa tăng ngự trị hoàn toàn, lão nói. Thắt lưng nới lỏng, khuy coóc xê mở bung, bà già thở dài… Buông tay ra, Bouboulina.

– Zorba! Zorba! Mụ đàn bà tội nghiệp lại năn nỉ. Mụ cúi xuống nhặt chiếc khăn lên và ấn vào tay lão.

Lão vứt mẩu thuốc lá, túm cái nút và cởi ra. Lão mở xòe bàn tay và nhìn.

– Cái gì thế này, mađam Bouboulina? Lão ngán ngẩm hỏi.

– Nhẫn, những chiếc nhẫn nhỏ, anh yêu quý. Nhẫn cưới mà, ngư nữ già run run thì thào. Đây có người làm chứng, đêm thật đẹp, trời chuyển gió xirốccô, Thượng đế nhìn xuống chúng ta, Zorba, chúng ta hãy đính hôn đi!

Zorba đưa mắt hết nhìn tôi, mađam Hortense, lại nhìn những chiếc nhẫn. Một bầy quỷ đang vật lộn trong lão và lúc này chưa có tên nào chiếm phần thắng. Người đàn bà khốn khổ khiếp hãi nhìn lão.

– Zorba!… Zorba của em! Mụ thủ thỉ.

Tôi đã ngồi dậy trên giường mình và đang theo dõi, Zorba sẽ chọn con đường nào trong tất cả những hướng giải quyết mở ra trước mặt lão?

Đột nhiên lão lắc đầu. Lão đã quyết định. Mặt lão sáng lên, lão vỗ hai tay vào nhau đánh đét và đứng bật dậy.

– Chúng ta ra ngoài đi! Lão kêu lên. Dưới ánh sao, cho Chúa chứng giám! Sếp cầm lấy chiếc nhẫn, sếp có biết tụng thánh ca không?

– Không, tôi thích thú đáp. Nhưng cái đó không quan trọng !

Tôi nhảy xuống thường và đỡ mađam Hortense đứng dậy.

– Thôi được, tôi biết. Tôi quên chưa nói với sếp là trước kia tôi đã từng ở trong ban hát nhà thờ; tôi thường theo linh mục trong các buổi hôn lễ, rửa tội, tang lễ, vân vân; tôi thuộc lòng tất cả các bài hát nhà thờ. Nào.

– Bouboulina của anh, nào, giương buồm lên, chiến thuyền Pháp của anh, lại đứng bên phải anh đây!

Trong tất cả bầy quỷ của Zorba, tên quỷ hề tốt bụng đã thắng. Zorba đã thương tình ngư nữ già, tim lão đã đau như xé khi thấy đôi mắt lợt phai của mụ trân trân nhìn lão lo âu khắc khoải đến thế.

– Ma quỷ bắt ta, lão lẩm bẩm khi hạ quyết định, ta vẫn còn có thể mang lại chút vui cho giống cái! Nào!

Lão lao ra bãi, khoác tay mađam Hortense, đưa nhẫn cho tôi, quay ra biển và bắt đầu tụng.

“Tạ ơn Chúa Lời trong thế giới chẳng cùng, Amen!” Lão quay sang tôi, nói.

– Làm nhiệm vụ của mình đi, sếp!

– Đêm nay, không có “sếp sủng” gì hết, tôi nói. Tôi là phù rể của bác.

– Được vậy thì hãy ứng xử kịp thời nhé. Khi nào tôi kêu “Bravo!” thì đeo nhẫn cho chúng tôi nhé.

Lão lại bắt đầu ê a bằng cái giọng như lừa kêu.

– Vì kẻ tôi tớ nam của Chúa là Alexis và kẻ tôi tớ nữ của Chúa là Hortense nay đính ước cùng nhau, chúng con cầu xin Người cứu rỗi, lạy Chúa!

– Kyric eleison! Kyric eleison! Tôi run run phụ họa, vất vả lắm mới nén được mình khỏi cười và khóc.

– Còn một lô mục nữa, Zorba nói, tôi chả làm sao nhớ hết nổi! Dù sao ta cũng cứ dứt điểm với cái phần lôi thôi nhất đi.

Lão nhảy lên như con cá chép và kêu.

– Bravô! Bravô? Đồng thời lão chìa bàn tay hộ pháp về phía tôi.

– Nào đưa bàn tay xinh của em ra, lão nói với vợ chưa cưới. Bàn tay béo mập nứt nẻ vì giặt giũ và công việc nội trợ run run chìa về phía tôi.

Tôi đeo nhẫn cho họ trong khi Zorba, quýnh lên, gào như một thầy tu đạo Hồi.

– Kẻ tôi tớ nam của Chúa là Alexis nay đính hôn cùng kẻ tôi tớ nữ của Chúa là Hortense, nhân danh Cha, Con và Thánh thần, Amen! Kẻ tôi tớ nữ của Chúa là Hortense nay đính hôn với kẻ tôi tớ nam của Chúa là Alexis!… xong. Giờ thế là ổn cho đến sang năm! Lại đây, em yêu, để anh hôn cái hôn đoan trang và hợp pháp đầu tiên trong đời em!

Nhưng mađam Hortense đã gục xuống đất, vừa ôm chân Zorba vừa khóc. Zorba lắc đầu thương cảm.

– Đàn bà thật tội nghiệp! Sao mà họ điên dại! Lão lẩm bẩm.

Mađam Hortense đứng dậy, rũ váy và dang tay ra.

– Ê, khoan nào! Lão kêu. Hôm nay là ngày Thứ Ba xưng tội( [56] ), buông tay ra! Đến tuần chay rồi?

– Zorba của em… mụ khẽ lắp bắp.

– Chịu khó một chút, em thân yêu. Hãy đợi đến lễ Phục Sinh, bấy giờ chúng ta sẽ ăn thịt và cùng nhau đập những quả trứng đỏ tươi. Bây giờ đến lúc em phải về nhà thôi. Dân làng sẽ nói sao khi họ thấy em còn quanh quẩn ở đây vào lúc đêm hôm khuya khoắt thề này?

Cái nhìn của Bouboulina đầy vẻ cầu khẩn.

– Không! Không? Bây giờ là tuần chay! Zorba nói. Đợi đến lễ Phục Sinh đã! Đi với chúng tôi nào!

Lão cúi xuống rỉ tai tôi.

– Vì lòng kính Chúa, đừng để chúng tôi một mình! Tôi chưa thấy hào hứng!

Chúng tôi theo con đường dẫn về làng. Trời trong sáng, mùi biển nồng bao bọc chúng tôi, những loài chim đêm rúc bốn bề. Ngư nữ già níu cánh tay Zorba lệt sệt bước đi, sung sướng nhưng vẫn chưa thỏa mãn.

Cuối cùng, mụ đã cập bến cảng khao khát bấy lâu nay. Cả đời, mụ đã múa hát, đã chơi bời tung tẩy, đã nhạo báng những phụ nữ đoan trang… nhưng tim mụ đã tan nát. Khi mụ mặc quần áo lòe loẹt, sặc sỡ, mặt trát bự son phấn, người xức đầy nước hoa, đi qua các phố của Alexandria, Beirut, Constantinople và trông thấy những người mẹ chìa vú cho con bú, ngực mụ cũng rấm rứt và căng lên, núm vú dựng đứng, cũng thèm được một cái miệng trẻ thơ nhỏ xinh ngậm vào. “Lấy một người chồng, lấy một tấm chồng, có một mụn con…!”, điều đó là mơ ước suốt cả một cuộc đời dài đằng đẵng của mụ.

Nhưng mụ không bao giờ bộc lộ những khao khát day dứt ấy với ai. Giờ đây, đội ơn Chúa, muộn một chút còn hơn không bao giờ, mụ đã cập bến ước mơ, mặc dù bao phen bị sóng gió dập vùi tơi tả.

Thỉnh thoảng mụ lại ngước mắt ngó sang cái lão to lớn lóng ngóng đang sải bước đi bên mụ. Anh ta không phải là một pasa giàu có đội mũ fez có ngù tua vàng”, mụ nghĩ thầm. “Anh cũng chẳng phải con trai tuấn tú của một thống đốc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đội ơn Chúa, thế còn hơn không có gì! Anh ta sẽ là chồng mình! Chồng mình mãi mãi, tạ ơn Chúa!”

Zorba cảm thấy mụ đè nặng trên cánh tay, lão dấn kéo mụ cho mau tới làng để thoát khỏi mụ. Và mụ đàn bà tội nghiệp cứ vấp hoài vào những hòn đá trên đường, móng chân gần như bật ra, những vết chai đau nhói, nhưng mụ không hé răng. Nói làm gì? Kêu ca làm gì? Mọi sự đều tuyệt vời rồi, tạ ơn Chúa!

Chúng tôi qua chỗ cây Vả Tình Nương và vườn nhà nàng góa. Khi những ngôi nhà đầu làng hiện ra, chúng tôi dừng lại.

– Chúc ngủ ngon, kho báu của em, ngư nữ già âu yếm nói, cố kiễng chân cho tới môi chồng chưa cưới.

Nhưng Zorba không cúi xuống.

– Cho em hôn chân anh vậy, anh yêu! Bouboulina nói, toan thụp xuống đất.

– Không! Không! Zorba phản đối, lão cảm động quàng tay ôm mụ. Em yêu, chính anh phải hôn chân em!

– Anh phải làm thế mới. . . nhưng anh cảm thấy không đủ sức Chúc em ngủ ngon!

Chúng tôi chia tay với mụ và lặng lẽ đi theo con đường, thở hít không khí ngào ngạt hương đêm. Bỗng nhiên, Zorba quay sang tôi.

– Chúng ta phải làm gì bây giờ, sếp? Cười hay khóc? Hãy khuyên tôi một điều gì đi.

Tôi không trả lời. Không hiểu tại sao cổ họng tôi cũng nghẹn lại – vì cười hay vì khóc?

– Sếp này, Zorba đột ngột nói, cái lão thần đểu giả không bao giờ để cho một người đàn bà nào có duyên cớ để phàn nàn, lão ta tên là gì nhỉ? Tôi có nghe đôi điều về hắn, tôi biết. Hình như hắn cũng hay nhuộm râu, xăm những hình trái tim, mũi tên, tiên cá trên cánh tay; họ bảo hắn ta thường hay cải dạng, biến thành bò mộng, thiên nga, cừu và, nói lỗi phép sẽ thành cả lừa nữa; thực tế hắn cải dạng thành bất cứ cái gì các mợ, các ả thích. Tên hắn là gì nhỉ?

– Chắc bác muốn nói đến thần Zeus. Cái gì làm bác nghĩ đến Zeus?

– Cầu Chúa bảo toàn linh hồn hắn! Zorba giơ hai tay lên trời, nói. Quả là hắn đã có những lúc gay go! Chắc hắn đã phải nếm đủ mùi! Một kẻ tuẫn đạo vĩ đại, xin sếp tin lời tôi! Sếp nuốt trôi mọi thứ mà những cuốn sách của sếp nói, nhưng sếp thử để một phút suy nghĩ xem những kẻ viết sách là hạng người nào! Xì! Một lũ thầy giáo. Họ biết cái quái gì về đàn bà hoặc về những gã đàn ông chạy theo đàn bà? Chẳng biết tí gì hết?

– Tại sao chính bác không viết một cuốn sách, Zorba? Để giảng giải cho chúng tôi rõ mọi bí ẩn của thế gian này? Tôi nói giễu.

– Tại sao ấy à? Vì lý do đơn giản là tôi bận sống tất cả những bí ẩn đó, theo các ông gọi, nên chẳng còn đâu thì giờ mà viết. Lúc nó là chiến tranh, lúc là đàn bà, khi là rượu, khi lại là cây đàn santuri ; tôi lấy đâu ra thì giờ múa may một cây bút khốn khổ? Vì thế nên việc đó rơi vào tay bọn cạo giấy! Tất cả những kẻ thực sự sống những bí ẩn của cuộc đời đều không có thì giờ viết và tất cả những kẻ có thì giờ viết lại không sống trong những bí ẩn ấy! Sếp hiểu chưa?

– Ta quay lại đề tài của ta thôi! Zeus ra làm sao?

– À! Anh chàng tội nghiệp! Zorba thở dài. Chỉ có mình tôi biết hắn đau khổ như thế nào. Cố nhiên, hắn yêu đàn bà, song không phải theo cái cách đám cạo giấy các ông nghĩ đâu! Hoàn toàn không phải! Hắn ái ngại cho họ! Hắn hiểu những gì họ phải chịu đựng và hắn hy sinh vì họ! Khi ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, hắn thấy một mụ gái già héo hon vì dục vọng và nuối tiếc, hoặc một người vợ trẻ xinh đẹp – hoặc thậm chí chẳng xinh đẹp gì, thậm chí xấu như quỷ dạ xoa đi nữa – không ngủ được vì vắng chồng, hắn thường làm dấu thánh giá, cái anh chàng tốt bụng đó, hắn thay quần áo, mang bất cứ hình thù gì người đàn bà đang mơ tưởng và đến phòng nàng.

Hắn không bao giờ bận tâm đến những cô ả chỉ muốn hôn hít suông. Không! Thậm chí, khá nhiều khi hắn mệt lử cò bợ: sếp thừa hiểu. Ai mà có thể thỏa mãn được tất cả những con dê cái ấy? Ôi? Zeus! Con dê già tội nghiệp.

Hơn một lần, hắn không làm sao được, hắn cảm thấy hết hơi. Sếp đã bao giờ thấy một con dê đực sau khi phủ liền mấy con dê cái chưa? Nó sùi bọt mép, mắt mờ và đùn rủ, nó ho khùng khục và đứng không vững. Thế, già Zeus tội nghiệp chắc hẳn luôn luôn ở trong tình trạng đáng buồn đó. Rạng sáng, hắn trở về, bụng bảo dạ: “Ôi, lạy Chúa tôi! Bao giờ mình mới có thể nghỉ ngơi trọn một đêm? Mình mệt rũ ra rồi”. Và hắn cứ luôn tay chùi bọt mép.

Nhưng hắn chợt nghe thấy một tiếng thở dài: dưới trần một người đàn bà nào đó đã tung chăn nệm, ra ngoài bao lơn đứng, gần như trần truồng, và đang thở dài sườn sướt đến mức đủ làm quay cánh quạt một cối xay lúa! Và già Zeus của tôi lại động lòng trắc ẩn. “Ôi! ma quỷ! Mình lại phải xuống thôi!” hắn rên rẩm. “Kìa, một phụ nữ đang than thân trách phận. Mình phải xuống an ủi nàng!” Và cứ tiếp tục như thế đến độ đàn bà làm hắn hoàn toàn kiệt lực, lưng không cử động được, hắn bắt đầu nôn mửa, đâm liệt và chết. Đó là lúc người thừa kế hắn là Chúa Kitô tới. Thấy tình trạng khốn khổ của lão già, Chúa bèn kêu lên: “Hãy đề phòng đàn bà!”

Tôi thán phục trí tưởng tượng khỏe khoắn của Zorba và cười lăn cười bò.

– Sếp cứ tha hồ cười! Nhưng nếu ma quỷ thánh thần phù hộ cho công cuộc kinh doanh nhỏ bé của chúng ta ở đây thành công – tôi thấy điều đó dường như bất khả, nhưng biết đâu – sếp có biết tôi sẽ mở một loại cửa hàng gì không? Một văn phòng hôn nhân! Phải… đúng thế! “Hãng Hôn Nhân Zeus!” Khi đó tất cả những phụ nữ đáng thương không kiếm nổi tấm chồng sẽ có một dịp cầu may nữa: gái già, phụ nữ xấu xí, đui què mẻ sứt, tôi sẽ tiếp tất cả trong một phòng khách nhỏ trên tường treo đầy ảnh những chàng trai tuấn tú và tôi sẽ nói với họ:

– Quý bà, quý cô hãy chọn đi, lựa lấy ngữ nào mình ưa, rồi tôi sẽ tìm cách thu xếp cho họ thành phu quân của quý bà, quý cô”. Sau đó, tôi kiếm bất cứ thằng cha nào hao hao giống tấm ảnh, cho hắn mặc đúng như thế, đưa hắn ít tiền và dặn: “Đến phố ấy phố nọ, số nhà ấy, tìm bà ấy cô ấy và tán thật dữ vào. Đừng có ngán ngẩm; tôi sẽ chi hết. Hãy ngủ với mụ ta. Nói với mụ ta những điều đẹp đẽ đàn ông thường nói với đàn bà; tội nghiệp mụ chưa bao giờ được nghe những lời như vậy. Hãy thề là sẽ cưới mụ. Hãy ban cho mụ khốn khổ đó tí chút lạc thú, thứ lạc thú mà loài lục súc và ngay cả con sâu cái kiến cũng đều được hưởng”. Và nếu có một con dê cái già nào thuộc loại Bouboulina của chúng ta – cầu Chúa ban phước cho mụ! – mà không ai chịu đến an ủi, bất kể trả công bao nhiêu, thì… thôi được, tôi sẽ làm dấu thánh giá và tôi, giám đốc hãng hôn nhân, sẽ đích thân làm việc đó! Bấy giờ, sếp sẽ nghe thấy cả lũ ngu xuẩn ở trong vùng nói:

“Xem kìa! Rõ là một lão già phóng đãng! Lão không có mắt để nhìn, cũng chẳng có mũi để ngửi sao?” – “Có chứ, đám lừa, tớ có mắt chứ? Có chứ, bọn ngồi lê đôi mách tim rắn nhà đá, tớ có mũi chứ? Thế nhưng tớ còn có một trái tim biết ái ngại cho những người đàn bà xấu số! Và nếu đã có một trái tim thì tất cả những mắt mũi trên thế gian này đều vô dụng, đến lúc nào đó, chúng chẳng đáng kể gì hết!”… Rồi khi nào tôi trở nên hoàn toàn bất lực vì chơi bời trác táng và về chầu trời, Thánh Pie – gác cửa – Thiên đàng sẽ mở cổng cho tôi mà rằng: “Vào đi, Zorba tội nghiệp, vào đi, Zorba kẻ tuẫn đạo. Vào mà nằm cạnh chiến hữu Zeus của ngươi. Hãy nghỉ ngơi, anh bạn, ngươi đã đóng góp phần mình dưới trần gian! Ta ban phước lành cho ngươi!”

Zorba tiếp tục huyên thiên. Trí tưởng tượng của lão giăng bẫy bắt lão và lão sa thẳng vào. Lão bắt đầu tin những chuyện do chính lão bịa ra. Khi chúng tôi đi qua cây Vả Tình Nương, lão thở dài. Rồi giơ tay như phát thệ, lão nói:

– Đừng buồn phiền, Bouboulina, con tàu cũ rữa nát và bị bạc đãi! Đừng buồn phiền! Tôi sẽ không để em thiếu niềm an ủi! Em có thể bị bốn Đại Cường Quốc, tuổi trẻ và cả Thượng đế bỏ rơi, nhưng tôi đây, Zorba sẽ không bao giờ bỏ rơi em!

Khi chúng tôi về đến bãi thì đã quá nửa đêm và gió đã nổi. Từ bên kia biển, từ châu Phi, ngọn gió nam ấm áp gọi là Notus thổi tới làm cây cối, nho và những vồng ngực đảo Crete căng phồng. Toàn bộ hòn đảo nằm bên bờ nước sống động lên dưới làn gió ấm thúc nhựa cây dâng lên. Zeus, Zorba và gió nam quyện lẫn vào nhau và trong đêm, tôi nhìn thấy rõ ràng một gương mặt lớn rất đàn ông, râu đen, tóc trơn bóng đang cúi xuống, áp cặp môi đỏ nóng bỏng lên mađam Hortense – Trái Đất.

Bình luận