Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Cát Tư Hãn

Chương 18

Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh

Năm chiếm thành Samarkande là năm Thành Cát Tư Hãn sắp bước vào tuổi 60. Tuy sức vẫn còn tráng kiện, vẫn còn hăng say săn bắn và xông pha trận mạc, ông cũng cảm thấy mình bắt đầu già, thường nghĩ tới mọi việc sẽ xảy ra sau khi mình từ giã cõi đời.

Trong đám vương tử không có người nào tài trí hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện công trình vĩ đại của ông. Thời giờ không còn nữa và chẳng biết đế quốc Mông Cổ sau này sẽ ra sao?

Những giống người ở đô thị tuy không hùng mạnh nhưng quả thật rất khôn ngoan, hình như họ có thuốc hoặc thuật trường sinh bất tử. Nghe nói ở nước Kim có ẩn sĩ Trường Xuân Tử, một tín đồ đạo Lão, rất am tường lẽ sinh hóa, hẳn ông ta nắm được thuật ấy.

Thành Cát Tư Hãn liền sai vị chưởng ấn thảo một chiếu thư gởi cho đạo sĩ:

“… Trời đã bỏ nước Kim vì nước này sống xa hoa trụy lạc. Riêng ta, ta rất ghét sự xa hoa mà chỉ chuộng tiết dục. Cách ăn mặc của ta bao giờ cũng đạm bạc. Bữa ăn của ta không khác bữa ăn của đứa mục đồng nghèo hèn; không bao giờ ta để cho dục vọng lôi cuốn. Lúc trẩy quân thì ta đi đầu, lúc giao chiến không bao giờ ta ở sau, cho nên ta mới thành công trong mưu đồ đại sự đem thiên hạ về một mối. Ở ngôi chí tôn cao cả, trách nhiệm của ta thật nặng nề. Ta coi dân như con đẻ, lúc nào cũng gắng sức xây dựng cảnh an lạc, nhưng chắc còn nhiều điều lầm lỗi: muốn qua sông phải có thuyền chèo; muốn cho đế quốc bình trị phải trọng dụng người hiền. Ta tự xét thấy đức còn mỏng nên càng quý trọng bậc hiền tài…

Nay ta nghe nói đạo trưởng đang theo chính đạo, đạt được chân lý, người trong bốn cõi không ai không biết. Ta thật lòng ngưỡng mộ nhưng chẳng biết làm thế nào để tới cửa đạo trưởng. Nếu đạo trưởng không nệ khó nhọc bước tới viên môn, ta sẽ vô cùng hoan hỉ bước xuống ngai vàng đứng bên cạnh để nghe lời dạy bảo. Xin đạo trưởng đừng ngại núi cao đồng rộng, sa mạc hoang vắng, hãy thương xót chúng sinh, hãy tới truyền cho ta thuật trường sinh bất tử. Ta đã ủy thác cho quan thị vệ sắm sửa trọng lễ, lo đầy đủ ngựa xe đến rước. Ta sẽ thân lo phụng sự và chỉ mong đạo trưởng ban cho cái lẽ thông đạt: một lời nói của đạo trưởng cũng đủ làm cho ta thấy hạnh phúc rồi… ”

Tiếng là mời với lời lẽ thật khiêm tốn, nhưng đó là một cái lệnh của đại hãn không thể không tuân theo.

Lúc bấy giờ Trường Xuân Tử đã 72 tuổi đang sống ẩn dật, coi công danh phú quý như phù vân. Trước đây đạo sĩ lấy cớ tuổi già, tật bệnh, từ khước lời mời của vua Kim, vua Tống, bây giờ thế không thể được. Quan thị vệ cũng hết lời khẩn cầu vì ông ta thừa biết không làm tròn cái sứ mạng này thì đầu không còn nằm trên cổ nữa!

Tháng 5 năm 1220, đạo sĩ Trường Xuân Tử phải lên đường qua phương Tây, trải 50 kinh tuyến. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới có một hoàng đế biết sùng kính một đạo sĩ như Thành Cát Tư Hãn. Cuộc hành trình của Trường Xuân Tử thật chẳng khác gì một cuộc khải hoàn. Đi tới đâu cũng gặp dân chúng và hàng tu sĩ, đạo sĩ kéo tới tấp nập để tỏ lòng ngưỡng mộ. Lúc đi ngang qua Mông Cổ, hàng vương gia, quý tộc đều ra đón tiếp một cách rất thành kính.

Một năm rưỡi sau ông mới tới thành Samarkande. Nghe tin, Thành Cát Tư Hãn liền phái Bác Nhĩ Truật, nhân vật cao cấp nhất trong quân đội, dẫn một đám tùy tùng đi đón ông trong đoạn đường cuối cùng và đưa qua rặng núi Indou-Koush tới Đại bản doanh thường trực của đại hãn.

Thành Cát Tư Hãn thân ra ngoài viên môn đón với lời lẽ thật nồng hậu: “…Nhiều bậc đế vương đã mời đạo trưởng, nhưng đạo trưởng đều từ chối. Riêng đối với ta, đạo trưởng phải vượt 10 ngàn dặm tới viếng thăm, thật là hân hạnh… ”

Trường Xuân Tử không phải là hạng người thích xảo ngôn. Thực sự ông bị cưỡng bách chớ đâu có tự nguyện đến đây, nên không thể lờ đi trước những mỹ từ của đại hãn:

– Kẻ thô lậu ở chốn sơn dã đến đây bái kiến là do lệnh của đại hãn. Đó cũng là do ý của Trời.

Ông không quỳ xuống lạy, chỉ chắp tay lên ngực khẽ cúi đầu. Đến lúc dự yến ông chỉ ăn một ít bột mang theo từ Samarkande, từ chối các thứ thịt và rượu koumiss. Đại hãn không lấy thế làm khó chịu mà còn ra lệnh cho ban ngự thiện phải cố gắng sửa đổi món ăn cho thích hợp với đạo sĩ. Lại cho tổ chức một đội công cán đặc biệt vào tận thung lũng Hindou-Koush cách đó hàng mấy trăm dặm tìm các thứ rau tươi và trái ngon.

Đại hãn hỏi điều quan trọng nhất:

– Này đạo trưởng! Từ xa xôi đến đây, đạo trưởng có mang theo thuốc trường sinh không?

Trường Xuân Tử nở một nụ cười hết sức bình thản, chậm rãi trả lời:

– Tâu đại hãn, có rất nhiều phương pháp để kéo dài cuộc sống, nhưng không có thứ thuốc nào làm cho con người thọ muôn năm được!

Tất cả những cận tướng có mặt đều hết sức kinh ngạc, ai cũng chú mục nhìn lại ông lão kỳ lạ, trải 10 ngàn dặm đến đây để trả lời bâng quơ như thế, quả ông ta không kể gì tới cách ưu đãi tột bực và lòng ngưỡng mộ của đại hãn.

Nhưng Thành Cát Tư Hãn chọn ngày nhập môn và cho dựng lên một cái lều riêng…

Nhưng có tin quân kháng chiến lại tập họp trong các vùng núi để phản công và vài bộ lạc sắp phản loạn. Đại hãn hết sức bận rộn về chiến sự đành phải gác lại vô hạn định việc học đạo.

Trường Xuân Tử xin về ở Samarkande, nhưng đường đi lúc bấy giờ rất nguy hiểm. Thành Cát Tư Hãn cố thuyết phục cho ông ở lại, nhưng ông vẫn nhất quyết: “Chốn ba quân quá ồn ào náo động, bần đạo cần nơi yên tĩnh để dưỡng tâm ”.

Đại hãn đành chiều theo và dù đang rộn rịp chuẩn bị chiến dịch cũng phái một ngàn quân đưa đạo sĩ tới đế kinh để cho ở trong một tòa vương cung nằm giữa một vườn cây rợp bóng với đủ loại kỳ hoa dị thảo.

Mãi cho đến mùa thu, Thành Cát Tư Hãn mới trở về đóng Đại bản doanh ở gần Samarkande. Bọn quyền quý, tu sĩ, hào mục lũ lượt kéo đến xin bái kiến.

Đây là lần đầu tiên du mục chiếm một xứ văn minh mà không nắm quyền thống trị trực tiếp. Quân sư Chu Thai lãnh trách nhiệm lập quan hệ thường xuyên giữa dân tộc bại trận với kẻ chiến thắng. Ông thiết lập an ninh trật tự vững chắc ở các đô thị, định lại các khoản thuế khóa, bổ quan chức cai trị khắp nơi nhưng dùng toàn là dân bản xứ, bên cạnh chỉ đặt những thanh tra Mông Cổ (Darouga) để phòng ngừa mưu toan phản động hoặc sự đụng chạm giữa người Mông Cổ và người Ba Tư.

Đại hãn nói với những tu sĩ Hồi giáo:

“Trời đã giúp ta chiến thắng quốc vương của các ngươi, thế có nghĩa là Trời đã đạp đổ và hủy diệt hắn. Bây giờ các ngươi nên về cầu Trời phù trợ cho ta!”

Khi biết được dưới triều Mohammed tu sĩ ai cũng phải đóng thuế, đại hãn ngạc nhiên hỏi:

– Vậy việc các ngươi cầu nguyện cho hắn, hắn không thiết đến sao?

Sau đó, ông ra lệnh trả lại tất cả các số thuế đã đóng góp cho triều trước.

Bây giờ mỗi đêm Trường Xuân Tử phải đến lều biệt lập để giảng đạo lý. Đây là chỗ cấm nhặt phụ nữ vãng lai, chỉ có đại hãn, Đà Lôi với những tay cầm quyền cao cấp nhất. Giữa đêm khuya yên tĩnh, họ ngồi lắng tai nghe những lời nói cao sâu huyền diệu. Chu Thai giữ vai trò thông dịch viên, ghi lại tất cả những điều đạo sĩ giảng, bằng chữ Trung Quốc và chữ Thổ Phồn.

Một hôm, đại hãn hỏi làm thế nào để thống trị đế quốc được lâu bền, mãi mãi…

Trường Xuân Tử trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi đáp qua nụ cười:

– Tiếng sấm không kéo dài được suốt buổi sáng, cơn mưa lớn cũng không lâu hơn một ngày. Ai tạo ra những thứ ấy? Chính là Trời và Đất. Trời Đất còn không thể làm cho lâu bền được thì con người làm sao tạo được những thứ trường cửu?

Đại hãn tỏ ý lo ngại về những khó khăn trong việc cai trị, đạo sĩ nói:

– Cai trị một đế quốc rộng lớn chẳng khác gì nấu loại cá nhỏ. Không nên đánh vảy, xáo trở, hoặc để cháy khét mà phải chăm nom chu đáo, làm sao cho nó chín đều… Biết đối xử công bằng sáng suốt với mọi người mới đáng là bậc minh quân.

Từ đó Thành Cát Tư Hãn thường băn khoăn nghĩ ngợi:

– Nếu gác việc đời qua một bên có lẽ mất tất cả…

Trường Xuân Tử cố tìm lời khích lệ:

– Cái gì đã chôn chặt rồi thì khó nhổ lên; tư tưởng đã thâm nhiễm rồi thì khó mất đi. Phải hành động theo Đạo là con đường chính, con đường Vĩnh viễn tức Vô vi…

Đạo sĩ lần lượt giảng giải triết lý nhiệm mầu của Lão Tử.

Rõ là những tư tưởng hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn trái ngược với quan niệm thông thường của người Mông Cổ; nhưng đại hãn cũng cảm thấy nó là cái gì cao cả, huyền diệu, đáng tôn sùng. Ông nói với các tướng: “Những điều đạo sĩ nói đều là do Trời ban cho ông ấy. Ta ghi mãi trong thâm tâm, các người cũng nên cố gắng làm theo, nhưng không nên truyền ra ngoài ”.

Đại hãn lại triệu tập Hội đồng Kouriltai, nhưng lần này không bàn tới việc quân; cuộc nhóm họp này là cuộc đại hội liên hoan mừng chiến thắng vĩ đại, kéo dài hàng tháng.

Đời sống ở đây quả là đời sống lý tưởng, hằng ngày họ cỡi ngựa thung dung đi dạo, thỉnh thoảng tổ chức một cuộc săn, rồi thiết tiệc, tặng lễ vật, chia của cải, nào quần áo rực rỡ, vũ khí tối tân, nào gái đẹp, ngựa quý, thức ăn ngon, rượu hảo hạng… rõ là cảnh sống thiên đàng trời dành cho dân Mông Cổ.

Trong tay họ bây giờ có tất cả những thứ quý báu nhất trong thiên hạ: kim cương, bảo ngọc, đồ trang sức bằng vàng chạm trổ tinh vi: trong lều thì trang hoàng toàn bằng lụa là gấm vóc. Đại hãn đã có mũ miện giát ngọc, chiếc ngai vàng của Mohammed.

Ông tỏ ra không thích mấy nhưng quân sư Chu Thai khuyên:

– Ở nước nhà ngài có thể sống theo sở thích, nhưng ở đây ngài cần phải phô trương sức giàu mạnh cho mọi dân tộc đều thấy.

Đại hãn cũng nghe theo nhưng có một việc ông nhất định không thay đổi là cứ mặc bộ đồ bằng vải sô cũ kỹ, trên mình không đeo một món đồ trang sức nào cả. Ông vẫn giữ chiếc áo lông hắc điêu, mũ và đai cũng viền thứ lông ấy để giữ mãi cái vẻ quý tộc của dân đồng cỏ. Ông cũng không hề nghĩ tới việc dựng một kinh thành vững chắc để đặt đầu não bộ máy cai trị. Nghe theo Chu Thai, ông mới cho dựng thành Karakorum ngay giao điểm các ngõ đường thương mãi. Ông nói:

– Các con của ta có lẽ thích ở nhà xây bằng đá trong những đô thị, còn ta thì “không bao giờ ”.

Trong thâm tâm ông muốn cho đám con cháu sau này và dân tộc Mông Cổ hãy cứ sống tự do khoáng đạt theo lối du mục.

Nhưng các vương tử thì muốn khác… Nhất là Truật Xích làm cho ông lo ngại hơn hết. Lần này trong Hội đồng Kouriltai chỉ có mặt Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, còn Truật Xích thì không thấy về.

Một hôm đám quý tộc tổ chức cuộc săn heo rừng có đại hãn tham dự. Bỗng một việc bất ngờ xảy ra: đại hãn đã bắn trúng một con heo to lớn, tưởng nó sắp chết liền phóng ngựa tới định bồi thêm một phát nữa, chẳng ngờ nó đâm bổ vào ngựa hung tợn lạ thường; ngựa hoảng sợ lồng lên hất đại hãn rớt xuống đất. Nhưng lạ thay con heo chỉ đứng nhìn ngơ ngác thì ngay lúc ấy nhiều người chạy tới, nó liền chui vào bụi rậm. Đại hãn bị xúc động mãnh liệt, không hiểu tại sao mình có thể té ngựa được. Trước kia gặp trường hợp ngựa hoảng sợ chồm lên có bao giờ ông rơi dễ dàng như thế. Và có điều không hiểu nổi là đang lúc nổi cơn hung bạo mà con heo bỗng nhiên dừng lại… Chu Thai giải đáp:

– Đó là Trời có ý muốn cảnh giác đại hãn “đừng nên dấn thân vào chỗ nguy hiểm nữa ”, nhưng Trời chưa muốn mất ngài nên khiến cho con heo phải dừng lại và chạy đi.

Đại hãn hỏi Trường Xuân Tử. Vị đạo sĩ thì ngược lại không tin có Trời, có ông Trời biết thương con của mình ở dưới trần, có lúc phải cảnh cáo nó hoặc thưởng phạt nó. Theo ông thì các loài sinh vật đều chẳng khác những con ngựa bện bằng rơm dùng để cúng tế. Lúc đem tế thì người ta đặt nó lên chỗ trang trọng nhất, phủ lụa là lên. Thầy cúng phải trai giới trước khi tế các thần linh. Nhưng xong rồi thì liệng nó xuống đống rác, kẻ qua lại không ai muốn nhìn nữa; rồi sau cùng có kẻ nào đó lượm đem về nhúm bếp.

Khi thời vận đã tới với nhân vật nào thì người đó sẽ thấy bàn tiệc của cuộc đời dọn ra có sẵn sàng mọi thứ để cung phụng mình. Nhưng thời qua rồi thì người đó cũng sẽ bị ném xuống đất cho kẻ khác giẫm lên.

Đã đến lúc đại hãn phải bỏ thú đi săn.

Nhưng Thành Cát Tư Hãn cho rằng tuổi 61 chưa phải là tuổi quá già đối với những thú vui như thế. Ông thấy mình vẫn còn tráng kiện, quắc thước, cố cãi lại đạo sĩ:

– Thật khó mà bỏ những cái thú mà mình đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời!

Trường Xuân Tử liền nêu lên một hình ảnh khác cụ thể hơn:

– Đông qua thì tới xuân, rồi hạ, thu, lại tới đông. Nhưng đời người thì khác hẳn: mỗi ngày của cuộc sống đều chứa chất bao nhiêu chuyện của những ngày qua, cho đến hết cuộc chuyển vần thì con người lại trở về gốc ban đầu là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là lúc tận cùng của vận số, là sống theo đạo Trời. Người trí phải sáng suốt lẽ ấy.

Nghe xong, Thành Cát Tư Hãn đăm chiêu nghĩ ngợi một lúc lâu rồi mới nói:

– Ta sẽ ghi nhớ mãi lời nói của đạo trưởng.

Từ đó Thành Cát Tư Hãn không đi riêng một mình trong những cuộc săn nguy hiểm nữa.

Bây giờ Trường Xuân Tử lại nằn nằn đòi trở về Trung Quốc. Đại hãn cố giữ lại:

– Ta cũng sẽ về Mông Cổ. Đạo trưởng hãy nán lại một ít lâu rồi cùng về một lượt.

Đạo sĩ vẫn nhất quyết:

– Bần đạo đã giảng giải tất cả những điều mà đại hãn muốn biết. Bây giờ không còn chi để nói nữa!

Thành Cát Tư Hãn vẫn cố kéo dài ngày chia tay, cốt để tìm một tặng phẩm quý giá xứng đáng ban cho đạo sĩ, nhưng Trường Xuân Tử chẳng muốn nhận một thứ nào cả, chẳng cần đặc ân, chẳng cần địa vị…

– Tất cả những thứ ấy chẳng có giá trị gì hết. Được ân huệ hay bị thất sủng đều gây cho con người nhiều nỗi lo âu. Được ân huệ thì sợ mất, mất rồi thì đâm lo buồn!

Đại hãn vẫn cố thuyết phục:

– Hẳn đạo trưởng cũng muốn thực hiện điều gì! Nếu đạo trưởng bị bỏ rơi thì làm sao truyền bá giáo lý ra được?

Trường Xuân Tử nở một nụ cười thanh thản, giọng thật trầm tĩnh:

– Bậc cao nhân gặp thời thế thuận lợi mới hành động; nếu không thì giũ áo ra đi rồi thì cùng với cỏ cây mục nát có chi mà lo!

Thành Cát Tư Hãn lặng thinh không nói gì nữa. Rồi cắt một đạo quân tiễn đưa đạo sĩ lên đường, với nhiệm vụ phải lo chu tất mọi tiện nghi và bảo đảm an ninh cho tới đất Trung Quốc. Ông lại ban cho đạo sĩ một cái điện lộng lẫy nhất trong hoàng thành Yên Kinh, chung quanh có vườn hoa trăm thức, có hồ nước lóng lánh như gương. Trường Xuân Tử không từ chối, xin dùng nơi đó làm đạo viện luôn cho cả đời sau. Ông mất cùng năm, cùng tháng với Thành Cát Tư Hãn.

Năm chiếm thành Samarkande là năm Thành Cát Tư Hãn sắp bước vào tuổi 60. Tuy sức vẫn còn tráng kiện, vẫn còn hăng say săn bắn và xông pha trận mạc, ông cũng cảm thấy mình bắt đầu già, thường nghĩ tới mọi việc sẽ xảy ra sau khi mình từ giã cõi đời.

Trong đám vương tử không có người nào tài trí hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện công trình vĩ đại của ông. Thời giờ không còn nữa và chẳng biết đế quốc Mông Cổ sau này sẽ ra sao?

Những giống người ở đô thị tuy không hùng mạnh nhưng quả thật rất khôn ngoan, hình như họ có thuốc hoặc thuật trường sinh bất tử. Nghe nói ở nước Kim có ẩn sĩ Trường Xuân Tử, một tín đồ đạo Lão, rất am tường lẽ sinh hóa, hẳn ông ta nắm được thuật ấy.

Thành Cát Tư Hãn liền sai vị chưởng ấn thảo một chiếu thư gởi cho đạo sĩ:

“… Trời đã bỏ nước Kim vì nước này sống xa hoa trụy lạc. Riêng ta, ta rất ghét sự xa hoa mà chỉ chuộng tiết dục. Cách ăn mặc của ta bao giờ cũng đạm bạc. Bữa ăn của ta không khác bữa ăn của đứa mục đồng nghèo hèn; không bao giờ ta để cho dục vọng lôi cuốn. Lúc trẩy quân thì ta đi đầu, lúc giao chiến không bao giờ ta ở sau, cho nên ta mới thành công trong mưu đồ đại sự đem thiên hạ về một mối. Ở ngôi chí tôn cao cả, trách nhiệm của ta thật nặng nề. Ta coi dân như con đẻ, lúc nào cũng gắng sức xây dựng cảnh an lạc, nhưng chắc còn nhiều điều lầm lỗi: muốn qua sông phải có thuyền chèo; muốn cho đế quốc bình trị phải trọng dụng người hiền. Ta tự xét thấy đức còn mỏng nên càng quý trọng bậc hiền tài…

Nay ta nghe nói đạo trưởng đang theo chính đạo, đạt được chân lý, người trong bốn cõi không ai không biết. Ta thật lòng ngưỡng mộ nhưng chẳng biết làm thế nào để tới cửa đạo trưởng. Nếu đạo trưởng không nệ khó nhọc bước tới viên môn, ta sẽ vô cùng hoan hỉ bước xuống ngai vàng đứng bên cạnh để nghe lời dạy bảo. Xin đạo trưởng đừng ngại núi cao đồng rộng, sa mạc hoang vắng, hãy thương xót chúng sinh, hãy tới truyền cho ta thuật trường sinh bất tử. Ta đã ủy thác cho quan thị vệ sắm sửa trọng lễ, lo đầy đủ ngựa xe đến rước. Ta sẽ thân lo phụng sự và chỉ mong đạo trưởng ban cho cái lẽ thông đạt: một lời nói của đạo trưởng cũng đủ làm cho ta thấy hạnh phúc rồi… ”

Tiếng là mời với lời lẽ thật khiêm tốn, nhưng đó là một cái lệnh của đại hãn không thể không tuân theo.

Lúc bấy giờ Trường Xuân Tử đã 72 tuổi đang sống ẩn dật, coi công danh phú quý như phù vân. Trước đây đạo sĩ lấy cớ tuổi già, tật bệnh, từ khước lời mời của vua Kim, vua Tống, bây giờ thế không thể được. Quan thị vệ cũng hết lời khẩn cầu vì ông ta thừa biết không làm tròn cái sứ mạng này thì đầu không còn nằm trên cổ nữa!

Tháng 5 năm 1220, đạo sĩ Trường Xuân Tử phải lên đường qua phương Tây, trải 50 kinh tuyến. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới có một hoàng đế biết sùng kính một đạo sĩ như Thành Cát Tư Hãn. Cuộc hành trình của Trường Xuân Tử thật chẳng khác gì một cuộc khải hoàn. Đi tới đâu cũng gặp dân chúng và hàng tu sĩ, đạo sĩ kéo tới tấp nập để tỏ lòng ngưỡng mộ. Lúc đi ngang qua Mông Cổ, hàng vương gia, quý tộc đều ra đón tiếp một cách rất thành kính.

Một năm rưỡi sau ông mới tới thành Samarkande. Nghe tin, Thành Cát Tư Hãn liền phái Bác Nhĩ Truật, nhân vật cao cấp nhất trong quân đội, dẫn một đám tùy tùng đi đón ông trong đoạn đường cuối cùng và đưa qua rặng núi Indou-Koush tới Đại bản doanh thường trực của đại hãn.

Thành Cát Tư Hãn thân ra ngoài viên môn đón với lời lẽ thật nồng hậu: “…Nhiều bậc đế vương đã mời đạo trưởng, nhưng đạo trưởng đều từ chối. Riêng đối với ta, đạo trưởng phải vượt 10 ngàn dặm tới viếng thăm, thật là hân hạnh… ”

Trường Xuân Tử không phải là hạng người thích xảo ngôn. Thực sự ông bị cưỡng bách chớ đâu có tự nguyện đến đây, nên không thể lờ đi trước những mỹ từ của đại hãn:

– Kẻ thô lậu ở chốn sơn dã đến đây bái kiến là do lệnh của đại hãn. Đó cũng là do ý của Trời.

Ông không quỳ xuống lạy, chỉ chắp tay lên ngực khẽ cúi đầu. Đến lúc dự yến ông chỉ ăn một ít bột mang theo từ Samarkande, từ chối các thứ thịt và rượu koumiss. Đại hãn không lấy thế làm khó chịu mà còn ra lệnh cho ban ngự thiện phải cố gắng sửa đổi món ăn cho thích hợp với đạo sĩ. Lại cho tổ chức một đội công cán đặc biệt vào tận thung lũng Hindou-Koush cách đó hàng mấy trăm dặm tìm các thứ rau tươi và trái ngon.

Đại hãn hỏi điều quan trọng nhất:

– Này đạo trưởng! Từ xa xôi đến đây, đạo trưởng có mang theo thuốc trường sinh không?

Trường Xuân Tử nở một nụ cười hết sức bình thản, chậm rãi trả lời:

– Tâu đại hãn, có rất nhiều phương pháp để kéo dài cuộc sống, nhưng không có thứ thuốc nào làm cho con người thọ muôn năm được!

Tất cả những cận tướng có mặt đều hết sức kinh ngạc, ai cũng chú mục nhìn lại ông lão kỳ lạ, trải 10 ngàn dặm đến đây để trả lời bâng quơ như thế, quả ông ta không kể gì tới cách ưu đãi tột bực và lòng ngưỡng mộ của đại hãn.

Nhưng Thành Cát Tư Hãn chọn ngày nhập môn và cho dựng lên một cái lều riêng…

Nhưng có tin quân kháng chiến lại tập họp trong các vùng núi để phản công và vài bộ lạc sắp phản loạn. Đại hãn hết sức bận rộn về chiến sự đành phải gác lại vô hạn định việc học đạo.

Trường Xuân Tử xin về ở Samarkande, nhưng đường đi lúc bấy giờ rất nguy hiểm. Thành Cát Tư Hãn cố thuyết phục cho ông ở lại, nhưng ông vẫn nhất quyết: “Chốn ba quân quá ồn ào náo động, bần đạo cần nơi yên tĩnh để dưỡng tâm ”.

Đại hãn đành chiều theo và dù đang rộn rịp chuẩn bị chiến dịch cũng phái một ngàn quân đưa đạo sĩ tới đế kinh để cho ở trong một tòa vương cung nằm giữa một vườn cây rợp bóng với đủ loại kỳ hoa dị thảo.

Mãi cho đến mùa thu, Thành Cát Tư Hãn mới trở về đóng Đại bản doanh ở gần Samarkande. Bọn quyền quý, tu sĩ, hào mục lũ lượt kéo đến xin bái kiến.

Đây là lần đầu tiên du mục chiếm một xứ văn minh mà không nắm quyền thống trị trực tiếp. Quân sư Chu Thai lãnh trách nhiệm lập quan hệ thường xuyên giữa dân tộc bại trận với kẻ chiến thắng. Ông thiết lập an ninh trật tự vững chắc ở các đô thị, định lại các khoản thuế khóa, bổ quan chức cai trị khắp nơi nhưng dùng toàn là dân bản xứ, bên cạnh chỉ đặt những thanh tra Mông Cổ (Darouga) để phòng ngừa mưu toan phản động hoặc sự đụng chạm giữa người Mông Cổ và người Ba Tư.

Đại hãn nói với những tu sĩ Hồi giáo:

“Trời đã giúp ta chiến thắng quốc vương của các ngươi, thế có nghĩa là Trời đã đạp đổ và hủy diệt hắn. Bây giờ các ngươi nên về cầu Trời phù trợ cho ta!”

Khi biết được dưới triều Mohammed tu sĩ ai cũng phải đóng thuế, đại hãn ngạc nhiên hỏi:

– Vậy việc các ngươi cầu nguyện cho hắn, hắn không thiết đến sao?

Sau đó, ông ra lệnh trả lại tất cả các số thuế đã đóng góp cho triều trước.

Bây giờ mỗi đêm Trường Xuân Tử phải đến lều biệt lập để giảng đạo lý. Đây là chỗ cấm nhặt phụ nữ vãng lai, chỉ có đại hãn, Đà Lôi với những tay cầm quyền cao cấp nhất. Giữa đêm khuya yên tĩnh, họ ngồi lắng tai nghe những lời nói cao sâu huyền diệu. Chu Thai giữ vai trò thông dịch viên, ghi lại tất cả những điều đạo sĩ giảng, bằng chữ Trung Quốc và chữ Thổ Phồn.

Một hôm, đại hãn hỏi làm thế nào để thống trị đế quốc được lâu bền, mãi mãi…

Trường Xuân Tử trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi đáp qua nụ cười:

– Tiếng sấm không kéo dài được suốt buổi sáng, cơn mưa lớn cũng không lâu hơn một ngày. Ai tạo ra những thứ ấy? Chính là Trời và Đất. Trời Đất còn không thể làm cho lâu bền được thì con người làm sao tạo được những thứ trường cửu?

Đại hãn tỏ ý lo ngại về những khó khăn trong việc cai trị, đạo sĩ nói:

– Cai trị một đế quốc rộng lớn chẳng khác gì nấu loại cá nhỏ. Không nên đánh vảy, xáo trở, hoặc để cháy khét mà phải chăm nom chu đáo, làm sao cho nó chín đều… Biết đối xử công bằng sáng suốt với mọi người mới đáng là bậc minh quân.

Từ đó Thành Cát Tư Hãn thường băn khoăn nghĩ ngợi:

– Nếu gác việc đời qua một bên có lẽ mất tất cả…

Trường Xuân Tử cố tìm lời khích lệ:

– Cái gì đã chôn chặt rồi thì khó nhổ lên; tư tưởng đã thâm nhiễm rồi thì khó mất đi. Phải hành động theo Đạo là con đường chính, con đường Vĩnh viễn tức Vô vi…

Đạo sĩ lần lượt giảng giải triết lý nhiệm mầu của Lão Tử.

Rõ là những tư tưởng hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn trái ngược với quan niệm thông thường của người Mông Cổ; nhưng đại hãn cũng cảm thấy nó là cái gì cao cả, huyền diệu, đáng tôn sùng. Ông nói với các tướng: “Những điều đạo sĩ nói đều là do Trời ban cho ông ấy. Ta ghi mãi trong thâm tâm, các người cũng nên cố gắng làm theo, nhưng không nên truyền ra ngoài ”.

Đại hãn lại triệu tập Hội đồng Kouriltai, nhưng lần này không bàn tới việc quân; cuộc nhóm họp này là cuộc đại hội liên hoan mừng chiến thắng vĩ đại, kéo dài hàng tháng.

Đời sống ở đây quả là đời sống lý tưởng, hằng ngày họ cỡi ngựa thung dung đi dạo, thỉnh thoảng tổ chức một cuộc săn, rồi thiết tiệc, tặng lễ vật, chia của cải, nào quần áo rực rỡ, vũ khí tối tân, nào gái đẹp, ngựa quý, thức ăn ngon, rượu hảo hạng… rõ là cảnh sống thiên đàng trời dành cho dân Mông Cổ.

Trong tay họ bây giờ có tất cả những thứ quý báu nhất trong thiên hạ: kim cương, bảo ngọc, đồ trang sức bằng vàng chạm trổ tinh vi: trong lều thì trang hoàng toàn bằng lụa là gấm vóc. Đại hãn đã có mũ miện giát ngọc, chiếc ngai vàng của Mohammed.

Ông tỏ ra không thích mấy nhưng quân sư Chu Thai khuyên:

– Ở nước nhà ngài có thể sống theo sở thích, nhưng ở đây ngài cần phải phô trương sức giàu mạnh cho mọi dân tộc đều thấy.

Đại hãn cũng nghe theo nhưng có một việc ông nhất định không thay đổi là cứ mặc bộ đồ bằng vải sô cũ kỹ, trên mình không đeo một món đồ trang sức nào cả. Ông vẫn giữ chiếc áo lông hắc điêu, mũ và đai cũng viền thứ lông ấy để giữ mãi cái vẻ quý tộc của dân đồng cỏ. Ông cũng không hề nghĩ tới việc dựng một kinh thành vững chắc để đặt đầu não bộ máy cai trị. Nghe theo Chu Thai, ông mới cho dựng thành Karakorum ngay giao điểm các ngõ đường thương mãi. Ông nói:

– Các con của ta có lẽ thích ở nhà xây bằng đá trong những đô thị, còn ta thì “không bao giờ ”.

Trong thâm tâm ông muốn cho đám con cháu sau này và dân tộc Mông Cổ hãy cứ sống tự do khoáng đạt theo lối du mục.

Nhưng các vương tử thì muốn khác… Nhất là Truật Xích làm cho ông lo ngại hơn hết. Lần này trong Hội đồng Kouriltai chỉ có mặt Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, còn Truật Xích thì không thấy về.

Một hôm đám quý tộc tổ chức cuộc săn heo rừng có đại hãn tham dự. Bỗng một việc bất ngờ xảy ra: đại hãn đã bắn trúng một con heo to lớn, tưởng nó sắp chết liền phóng ngựa tới định bồi thêm một phát nữa, chẳng ngờ nó đâm bổ vào ngựa hung tợn lạ thường; ngựa hoảng sợ lồng lên hất đại hãn rớt xuống đất. Nhưng lạ thay con heo chỉ đứng nhìn ngơ ngác thì ngay lúc ấy nhiều người chạy tới, nó liền chui vào bụi rậm. Đại hãn bị xúc động mãnh liệt, không hiểu tại sao mình có thể té ngựa được. Trước kia gặp trường hợp ngựa hoảng sợ chồm lên có bao giờ ông rơi dễ dàng như thế. Và có điều không hiểu nổi là đang lúc nổi cơn hung bạo mà con heo bỗng nhiên dừng lại… Chu Thai giải đáp:

– Đó là Trời có ý muốn cảnh giác đại hãn “đừng nên dấn thân vào chỗ nguy hiểm nữa ”, nhưng Trời chưa muốn mất ngài nên khiến cho con heo phải dừng lại và chạy đi.

Đại hãn hỏi Trường Xuân Tử. Vị đạo sĩ thì ngược lại không tin có Trời, có ông Trời biết thương con của mình ở dưới trần, có lúc phải cảnh cáo nó hoặc thưởng phạt nó. Theo ông thì các loài sinh vật đều chẳng khác những con ngựa bện bằng rơm dùng để cúng tế. Lúc đem tế thì người ta đặt nó lên chỗ trang trọng nhất, phủ lụa là lên. Thầy cúng phải trai giới trước khi tế các thần linh. Nhưng xong rồi thì liệng nó xuống đống rác, kẻ qua lại không ai muốn nhìn nữa; rồi sau cùng có kẻ nào đó lượm đem về nhúm bếp.

Khi thời vận đã tới với nhân vật nào thì người đó sẽ thấy bàn tiệc của cuộc đời dọn ra có sẵn sàng mọi thứ để cung phụng mình. Nhưng thời qua rồi thì người đó cũng sẽ bị ném xuống đất cho kẻ khác giẫm lên.

Đã đến lúc đại hãn phải bỏ thú đi săn.

Nhưng Thành Cát Tư Hãn cho rằng tuổi 61 chưa phải là tuổi quá già đối với những thú vui như thế. Ông thấy mình vẫn còn tráng kiện, quắc thước, cố cãi lại đạo sĩ:

– Thật khó mà bỏ những cái thú mà mình đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời!

Trường Xuân Tử liền nêu lên một hình ảnh khác cụ thể hơn:

– Đông qua thì tới xuân, rồi hạ, thu, lại tới đông. Nhưng đời người thì khác hẳn: mỗi ngày của cuộc sống đều chứa chất bao nhiêu chuyện của những ngày qua, cho đến hết cuộc chuyển vần thì con người lại trở về gốc ban đầu là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là lúc tận cùng của vận số, là sống theo đạo Trời. Người trí phải sáng suốt lẽ ấy.

Nghe xong, Thành Cát Tư Hãn đăm chiêu nghĩ ngợi một lúc lâu rồi mới nói:

– Ta sẽ ghi nhớ mãi lời nói của đạo trưởng.

Từ đó Thành Cát Tư Hãn không đi riêng một mình trong những cuộc săn nguy hiểm nữa.

Bây giờ Trường Xuân Tử lại nằn nằn đòi trở về Trung Quốc. Đại hãn cố giữ lại:

– Ta cũng sẽ về Mông Cổ. Đạo trưởng hãy nán lại một ít lâu rồi cùng về một lượt.

Đạo sĩ vẫn nhất quyết:

– Bần đạo đã giảng giải tất cả những điều mà đại hãn muốn biết. Bây giờ không còn chi để nói nữa!

Thành Cát Tư Hãn vẫn cố kéo dài ngày chia tay, cốt để tìm một tặng phẩm quý giá xứng đáng ban cho đạo sĩ, nhưng Trường Xuân Tử chẳng muốn nhận một thứ nào cả, chẳng cần đặc ân, chẳng cần địa vị…

– Tất cả những thứ ấy chẳng có giá trị gì hết. Được ân huệ hay bị thất sủng đều gây cho con người nhiều nỗi lo âu. Được ân huệ thì sợ mất, mất rồi thì đâm lo buồn!

Đại hãn vẫn cố thuyết phục:

– Hẳn đạo trưởng cũng muốn thực hiện điều gì! Nếu đạo trưởng bị bỏ rơi thì làm sao truyền bá giáo lý ra được?

Trường Xuân Tử nở một nụ cười thanh thản, giọng thật trầm tĩnh:

– Bậc cao nhân gặp thời thế thuận lợi mới hành động; nếu không thì giũ áo ra đi rồi thì cùng với cỏ cây mục nát có chi mà lo!

Thành Cát Tư Hãn lặng thinh không nói gì nữa. Rồi cắt một đạo quân tiễn đưa đạo sĩ lên đường, với nhiệm vụ phải lo chu tất mọi tiện nghi và bảo đảm an ninh cho tới đất Trung Quốc. Ông lại ban cho đạo sĩ một cái điện lộng lẫy nhất trong hoàng thành Yên Kinh, chung quanh có vườn hoa trăm thức, có hồ nước lóng lánh như gương. Trường Xuân Tử không từ chối, xin dùng nơi đó làm đạo viện luôn cho cả đời sau. Ông mất cùng năm, cùng tháng với Thành Cát Tư Hãn.

Bình luận