Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Cát Tư Hãn

Chương 9

Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh

Lãnh thổ Nãi Man là một vùng núi non giăng dài theo rặng Altai, ở khoảng giữa thượng lưu sông Irtych và sông Sélenga (vùng Kobdo ngày nay). Dân Nãi Man chịu ảnh hưởng của văn hóa Thổ Phồn và Tây Liêu, trình độ văn minh cao hơn người Mông Cổ. Khoảng đầu thế kỉ XIII, đa số dân chúng đều theo Cảnh giáo, nhưng ảnh hưởng của hạng Pháp Sư vẫn còn mạnh mẽ, nhiều người tin rằng khi có chiến tranh các pháp sư có thể hô phong hoán vũ.

Lúc đó do hai quốc vương anh em trị vì: phần phía Tây gồm dãy Đại Altai và những chi nhánh, thuộc Khả Hãn Bui-Rúc, phần phía đông thuộc Bai-Bu-Ka. Trước kia, I-Năng-Sơ thân phụ của họ làm đại hãn cai trị toàn cõi, là người có công chinh phục dựng thành một đế quốc hùng mạnh nhất trong miền du mục. Sau khi đại hãn chết, đế quốc mới phân đôi và bắt đầu suy yếu, thường bị dân Khắc Liệt quấy nhiễu.

Giết Tô-Ha-Rin rồi hai thân vương cắt đầu mang đến dâng cho Bai-Bu-Ca để được khen thưởng, nào ngờ họ lại bị khiển trách nặng nề vì hành động ấy thật thất chính trị, lẽ ra phải giải Tô-Ha-Rin đến khả hãn. Ông ta còn sống mới có lợi, Bai-Bu-Ka sẽ dung dưỡng để dân Khắc Liệt nuôi hy vọng quật khởi chống Thiết Mộc Chân, vì theo lời Trác Mộc Hợp khả hãn Mông Cổ là mối hiểm họa lớn lao cho toàn thể dân du mục.

Bây giờ đã lỡ giết Tô-Ha-Rin thì phải mưu tính cách khác. Bai-Bu-Ka cho giát bạc cái sọ của Tô-Ha-Rin rồi đặt lên một chỗ cao trước ngai đại hãn, mặt sọ quay về hướng Đông để nhắc nhở ông ta đừng quên cái hiểm họa đã gần kề xứ Nãi Man. Đồng thời cho sứ giả mang một bức thơ qua xứ Ong-gut dâng cho khả hãn Tê-Kinh. Dân Ong-gút ở về phía Đông Nam sa mạc Go-bi, phía Bắc tỉnh Sơn Tây, lúc đó thuộc đế quốc Kim.

Một đoạn trong bức thơ của Bai-Bu-Kai cho thấy Thiết Mộc Chân chẳng ra quái gì dưới con mắt của họ:

“Tôi vừa được báo tin trong đế quốc của chúng ta có một thằng nhãi mới xuất đầu lộ diện tự xưng cái gọi là “khả hãn Mông Cổ”. Hắn chỉ nhìn lên mây xanh, muốn chinh phục cả mặt trời, mặt trăng. Ngài thử nghĩ: một cái vỏ có bao giờ chứa hai cây kiếm, một thể xác cũng không thể đựng được hai linh hồn, cũng như một đế quốc không thể có hai đại hãn được. Ngài hãy giúp tôi tước lấy cây cung và mũi tên của thằng nhãi cho rồi đó.”

Nhưng quyền lợi của người Ong-gút đâu giống với quyền lợi của người Nãi Man. Tê-Kinh lại muốn cho dân Mông Cổ lập được một quốc gia có tổ chức, có kỷ luật hơn là để tình trạng phân tán thành bộ lạc nghèo đói, lúc nào cũng thèm khát những ruộng nương, những đô thị thịnh vượng của họ. Mỗi lần các bộ lạc ấy tràn xuống cướp phá vùng biên cảnh nước Kim, họ phải đi qua xứ Ong-gut thì dân Ong-gut là nạn nhân trước tiên. Rồi khi nước Kim đi tiễu trừ các bộ lạc, họ cũng kéo ngang qua xứ này, dân Ong-gut lại bị một phen dày xéo. Tê-Kinh mong cho dân Mông Cổ có một vị chúa đầy đủ uy quyền kiềm chế các bộ lạc du mục lại và sẽ không bỏ lỡ dịp bắt tay với vị chúa ấy. Cho nên thay vì giúp Nãi Man như bức thư kêu gọi, Tê-Kinh liền sai sứ giả qua Mông Cổ cho Thiết Mộc Chân hay mưu toan của Bai-Bu-Ka.

Lúc bấy giờ đã qua tiết đông, lợi dụng lúc nghỉ ngơi, Thiết Mộc Chân chăm lo củng cố lực lượng lại. Trước hết là các bộ lạc đã quy phục. Mỗi đoàn trại phân thành nhiều khóm (ayil), mỗi khóm gồm có 9 lều; dân chúng 9 lều đều đặt dưới sự chỉ huy của của một người trưởng thuộc lều thứ mười. Chín người trưởng này đặt dưới sự chỉ huy của người trưởng coi 100 lều.

Với cách tổ chức này, họ có thể điều động mau lẹ dân trong các bộ lạc chống lại các cuộc đột kích bất thình lình; hơn nữa mỗi người trưởng là một đại diện của khóm được tham dự Hội đồng quý tộc (Kouriltai).

Cuộc chiến chống Tô-Ha-Rin vừa qua đã cho ông một kinh nghiệm là những quyết định quan trọng phải nương theo những tục lệ, tập quán cũ, để cho các trưởng khóm dự vào Hội đồng trình bày ý kiến và biểu quyết.

Nhân nguồn tin của Khả Hãn Ong-gut, mùa xuân năm 1202 ông triệu tập Kouriltai, thông báo cho mọi người rõ mưu toan của Bai-Bu-Kai. Phe trưởng khóm đều cho là không thể tránh khỏi chiến tranh nhưng chưa thể phát động ngay bây giờ vì vừa mới qua mùa đông, ngựa bị thiếu ăn đều gầy mòn, cần để chúng dưỡng sức trọn mùa xuân này, cho đến mùa hạ, hay hơn nữa là mùa thu mới được. Nhưng Biên-Gô-Đài, Đa-Di-Đài, Muôn-Lịch và nhóm cận tướng; nhóm Trung Kiên (Terkhanes) lại cho rằng thắng giặc là nhờ ở xuất kỳ bất ý chớ không phải nhờ ngựa khỏe. Phe này lại thuộc đa số đồng ý với Thiết Mộc Chân. Hội đồng quyết nghị: phát động ngay cuộc chiến tranh chống quân Nãi-Man.

Thiết Mộc Chân vẫn áp dụng chiến thuật quen thuộc là bắt buộc địch quân phải chiến đấu ở địa điểm do ông lựa chọn. Ông trẩy quân đến một cánh đồng có nhiều mục trường ở cận ranh giới Nãi Man và dàn ra đó chờ Bai-Bu-Ka. Lần này không còn thứ quân ô hợp của các bộ lạc nữa mà là một quân đội có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh.

Bai-Bu-Ka án binh tại vùng núi Khangai (gần Karakorum ngày nay) lặng lẽ chờ đợi quân Mông Cổ. Ông ta tập hợp được 8 vạn quân, ngoài chiến sĩ Nãi Man còn có bọn Miệt-nhi, Thát- Đát, đám tàn quân Khắc Liệt và đám Trác Mộc Hợp.

Thấy giặc cứ án binh giữ thế thủ, Thiết Mộc Chân liền đổi chiến lược: giao cho Triết Biệt dẫn một cánh tiền quân tiến vào đất địch khiêu chiến, hễ giặt đánh thì phải chạy, còn đại quân thì sẽ âm thầm kéo theo sau.

Quân Nãi Man thấy địch không có tinh thần chiến đấu, ngựa lại gầy yếu, mỏi mệt liền ồ ạt tiến công. Thật ra Bai-Bu-Ka đã định nhử quân Mông Cổ vào sâu hơn nữa tới một hiểm đạo có quân mai phục; nhưng kỷ luật của họ lỏng lẻo, bọn tướng không tuân lệnh khả hãn, cho rằng quân số của địch ít hơn, trang bị lôi thôi không có gì đáng sợ. Tướng Rô-Ri-Su nói với Bai-Bu-Ka: “Hồi thân phụ của Ngài còn sống làm gì địch quân nhìn thấy lưng chúng ta được. Nếu Ngài có sợ thì trở về yên ấm với vợ con. Chúng tôi quyết trừng trị bọn Mông Cổ này, sẽ gom lại và lùa về đây như một đàn trừu cho Ngài xem.”

Bị chạm tự ái, Bai-Bu-Kai gầm thét lên ra lệnh tiến quân, quyết giết sạch kẻ địch chấm dứt chiến cuộc.

Quân Mông-Cổ đã dàn sẵn thế trận; cánh Trung quân do Cát-Xa chỉ huy có nhiệm vụ đương đầu mũi nhọn tấn công của Nãi Man; Thiết Mộc Chân đích thân chỉ huy một cánh quân khác quấy rối địch và phản kích trở lại. Mông Cổ bí sử dành một đoạn tả lại chiến trận này như sau:

“Bai-Bu-Ka bị thương nặng, bọn tả hữu phải chở y lên nằm trên triền đồi. Y vẫn theo dõi mặt trận và lấy làm lo ngại hỏi Trác Mộc Hợp:

– Bọn tướng đang đuổi quân ta như chó sói đuổi bầy trừu kia là ai vậy?

Trác Mộc Hợp đáp:

– Đó là bốn con chó nuôi bằng thịt người của Thiết Mộc Chân. Hắn phải dùng xích sắt cột chúng nó vì chúng có răng bén, móng nhọn với trái tim sắt đá; chúng dùng mã tấu để khiển ngựa, phi nhanh như gió cuốn; ngoài mặt trận chúng chỉ uống sương và thịt người. Bây giờ được tháo xiềng chúng tha hồ cắn xé vậy mà mõm vẫn còn rỏ dãi. Bốn con chó đó là Triết Biệt, Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ, Tốc Bất Đài.

Bai-Bu-Ka lại hỏi:

– Còn người nào ở phía sau mặt trận đang phi ngựa tới dáng nom như con diều hâu đói kia?

Trác Mộc Hợp đáp:

– Thiết Mộc Chân đấy! Hắn thuộc thứ người mình đồng da sắt. Quả hắn là một con diều hâu đói đáp xuống xứ này. Hãy xem hắn tiến về phía chúng ta kìa! Ngài nói quân Mông Cổ đến đây chẳng khác nào con trừu bị đặt trên thớt thịt chắc chắn sẽ còn lại móng và sừng mà thôi. Giờ hãy xem họ…”

Bai-Bu-Ka nghe tới đây thì lịm dần rồi tắt thở. Ngoài mặt trận, đòn cân thắng lợi đã nghiêng về bên Mông Cổ. Trác Mộc Hợp liền thu quân của mình về, chỉ còn bọn Kô-Ri-Su rán cầm cự đến chiều tối, bọn Miệt Nhi lại bỏ chạy nốt, bây giờ quân Nãi Man mới hoàn toàn tan rã.

Lần này đối với kẻ chiến bại Thiết Mộc Chân có một đường lối rõ rệt. Ông nghiêm cấm chiến sĩ cướp giựt, phá hoại, không giết tù binh thuộc cấp tướng và thuộc hàng tôn thất; khí giới bắt được đều trả lại cho họ để họ phục vụ ông như đã phục vụ chúa cũ, bắt công chúa I-Ba-Ka về làm phi và cưới công chúa Sọt- Ha-Ta-Ni cho Đà Lôi. Ông cố gắng thúc đẩy dân Mông Cổ tập nhiễm văn minh Nãi Man đồng thời tìm cách pha trộn hai dân tộc lại.

Sử chép rằng sau trận Nãi Man ít lâu, quân Mông Cổ có bắt được một người ăn mặc sang trọng không mang khí giới nhưng lại mang một món đồ kì lạ. Giải đến Thiết Mộc Chân ông ta khai là Ta-Ta-Tung-Gô người Thổ Phồn, trước làm chưởng ấn cho Bai-Bu-Ka. Món đồ kì lạ đó là cái ấn của khả hãn.Ông ta giải thích cho Thiết Mộc Chân hiểu công dụng của nó và ý nghĩa những chữ Thổ Phồn khắc trên đó. Tuy xuất thân từ một dân tộc không hề có chữ viết, Thiết Mộc Chân cũng nhận được giá trị và tầm quan trọng của nó liền phong cho Ta-Ta-Tung-Gô làm chưởng ấn Mông Cổ kiêm luôn việc dạy chữ nghĩa cho các vương tử và con của các tướng lãnh. Từ đó văn tự Thổ Phồn trở thành văn tự chính thức của Mông Cổ. Sau này hiểu rõ văn hóa Trung Hoa và văn hóa Hồi cùng trọng dụng những người tài giỏi, Thiết Mộc Chân vẫn không chấp nhận hai nền văn hóa ấy vì đối với ông đó là thứ văn hóa đô thị: nhu nhược, quá xa lạ còn văn hóa Thổ Phồn có tính chất thích hợp với dân du mục hơn.

Nhưng chỉ riêng với dân Nãi Man Thiết Mộc Chân mới áp dụng chính sách hòa dịu nói trên, còn đối với những địch thủ khác ông thẳng tay sát phạt chẳng chút thương hại, như đối với dân Thát Đát chẳng hạn. Ông sai Truật Xích thống lĩnh một một quân đoàn đi tiễu trừ bọn Thát Đát, khiến cho vị vương tử hết sức bối rối vì không thể thẳng tay đối với dân tộc bên vợ. Truật Xích bị cha nghiêm khắc cảnh cáo đành phải tàn phá xứ Thát Đát, sáp nhập quân đội của họ vào quân đội Mông Cổ.

Tút-Sa thì dẫn quân Miệt Nhi chạy trốn vào rừng sâu, Gui-Sơ-Lúc, con của Bai-Bu-Ka chạy về vùng núi Altai thuộc lãnh thổ của khả hãn Bui-Rúc. Bọn An-Tăng, Kút-Sa sau đó đều bị bắt và bị hành hình.

Trác Mộc Hợp bị quân Mông Cổ đuổi theo đến tận kỳ cùng không sao thoát khỏi trùng vi. Vào phút cuối cùng bọn vệ sĩ của ông ta liền trở giáo cột dính ông ta trên lưng ngựa dẫn đến nạp cho một viên tướng của Thiết Mộc Chân.

Nghe báo cáo, khả hãn ra lệnh đem chém tức khắc bọn chiến sĩ đã bắt Trác Mộc Hợp, luôn cả vợ con của họ không chừa một người nào. Ông thét to lên giữa một cơn phẫn nộ: “Làm sao dung tha được cái thứ người phản bội đem bán chúa của mình để cầu mạng sống?”

Xong rồi mới nói với Trác Mộc Hợp:

“Xưa kia tao với mày không lúc nào rời nhau như hai cái gọng của một chiếc xe vậy mà mày nỡ phản bội tao. Dù như thế tao vẫn muốn nối lại tình nghĩa xưa, tao với mày thử làm sống lại những kỷ niệm thuở ấu thời chẳng hay hơn sao? Những lúc phải đối chọi nhau ở chiến trường lòng tao đau như thắt, chẳng biết mày có cảm thấy như thế không?”

Nói xong truyền lệnh thả hắn đi. Nhưng Trác Mộc Hợp khoát tay:

– Ngày xưa tao với mày chia sớt từng bữa ăn bên bờ suối, ngủ cạnh nhau và bàn bạc những gì tao vẫn không quên. Giờ đây nhớ tới lời thề cũ và được mày tha thứ tao càng thấy xấu hổ, còn mặt mũi nào để nhìn mày nữa! Người bội bạc như tao nghĩ có sống cũng chẳng giúp ích gì cho mày, chẳng qua như con rệp trong cái áo, cái gai trong thắt lưng làm mày khó ngủ yên được. Mày cứ giết tao đi cho đỡ một mối lo, hồn tao sẽ phù hộ cho con cháu mày. Tao thất bại chỉ vì tao không thuộc dòng quý tộc mà thôi. Xin cho tao được chết toàn thây là đủ mãn nguyện lắm rồi!

Thiết Mộc Chân trở vô trong viên môn nói với các cận tướng:

– Ta muốn nối lại nghĩa cũ mà nó cứ chối từ: ta tiếc mạng sống của nó (mà nó?) chẳng màng, biết làm thế nào bây giờ? Các ngươi cứ giết nó đi và chôn cất nó cho tử tế.

Trác Mộc Hợp bị đặt nằm dưới một đống thảm, rồi một số quân sĩ đứng dằn lên cho đến khi chết ngạt. Đó là một đặc ân vì người Mông Cổ tin rằng hồn của con người ở trong máu, máu đổ ra trong lúc chết thì sẽ bị tiêu tan còn đâu qua bên kia thế giới!

Lãnh thổ Nãi Man là một vùng núi non giăng dài theo rặng Altai, ở khoảng giữa thượng lưu sông Irtych và sông Sélenga (vùng Kobdo ngày nay). Dân Nãi Man chịu ảnh hưởng của văn hóa Thổ Phồn và Tây Liêu, trình độ văn minh cao hơn người Mông Cổ. Khoảng đầu thế kỉ XIII, đa số dân chúng đều theo Cảnh giáo, nhưng ảnh hưởng của hạng Pháp Sư vẫn còn mạnh mẽ, nhiều người tin rằng khi có chiến tranh các pháp sư có thể hô phong hoán vũ.

Lúc đó do hai quốc vương anh em trị vì: phần phía Tây gồm dãy Đại Altai và những chi nhánh, thuộc Khả Hãn Bui-Rúc, phần phía đông thuộc Bai-Bu-Ka. Trước kia, I-Năng-Sơ thân phụ của họ làm đại hãn cai trị toàn cõi, là người có công chinh phục dựng thành một đế quốc hùng mạnh nhất trong miền du mục. Sau khi đại hãn chết, đế quốc mới phân đôi và bắt đầu suy yếu, thường bị dân Khắc Liệt quấy nhiễu.

Giết Tô-Ha-Rin rồi hai thân vương cắt đầu mang đến dâng cho Bai-Bu-Ca để được khen thưởng, nào ngờ họ lại bị khiển trách nặng nề vì hành động ấy thật thất chính trị, lẽ ra phải giải Tô-Ha-Rin đến khả hãn. Ông ta còn sống mới có lợi, Bai-Bu-Ka sẽ dung dưỡng để dân Khắc Liệt nuôi hy vọng quật khởi chống Thiết Mộc Chân, vì theo lời Trác Mộc Hợp khả hãn Mông Cổ là mối hiểm họa lớn lao cho toàn thể dân du mục.

Bây giờ đã lỡ giết Tô-Ha-Rin thì phải mưu tính cách khác. Bai-Bu-Ka cho giát bạc cái sọ của Tô-Ha-Rin rồi đặt lên một chỗ cao trước ngai đại hãn, mặt sọ quay về hướng Đông để nhắc nhở ông ta đừng quên cái hiểm họa đã gần kề xứ Nãi Man. Đồng thời cho sứ giả mang một bức thơ qua xứ Ong-gut dâng cho khả hãn Tê-Kinh. Dân Ong-gút ở về phía Đông Nam sa mạc Go-bi, phía Bắc tỉnh Sơn Tây, lúc đó thuộc đế quốc Kim.

Một đoạn trong bức thơ của Bai-Bu-Kai cho thấy Thiết Mộc Chân chẳng ra quái gì dưới con mắt của họ:

“Tôi vừa được báo tin trong đế quốc của chúng ta có một thằng nhãi mới xuất đầu lộ diện tự xưng cái gọi là “khả hãn Mông Cổ”. Hắn chỉ nhìn lên mây xanh, muốn chinh phục cả mặt trời, mặt trăng. Ngài thử nghĩ: một cái vỏ có bao giờ chứa hai cây kiếm, một thể xác cũng không thể đựng được hai linh hồn, cũng như một đế quốc không thể có hai đại hãn được. Ngài hãy giúp tôi tước lấy cây cung và mũi tên của thằng nhãi cho rồi đó.”

Nhưng quyền lợi của người Ong-gút đâu giống với quyền lợi của người Nãi Man. Tê-Kinh lại muốn cho dân Mông Cổ lập được một quốc gia có tổ chức, có kỷ luật hơn là để tình trạng phân tán thành bộ lạc nghèo đói, lúc nào cũng thèm khát những ruộng nương, những đô thị thịnh vượng của họ. Mỗi lần các bộ lạc ấy tràn xuống cướp phá vùng biên cảnh nước Kim, họ phải đi qua xứ Ong-gut thì dân Ong-gut là nạn nhân trước tiên. Rồi khi nước Kim đi tiễu trừ các bộ lạc, họ cũng kéo ngang qua xứ này, dân Ong-gut lại bị một phen dày xéo. Tê-Kinh mong cho dân Mông Cổ có một vị chúa đầy đủ uy quyền kiềm chế các bộ lạc du mục lại và sẽ không bỏ lỡ dịp bắt tay với vị chúa ấy. Cho nên thay vì giúp Nãi Man như bức thư kêu gọi, Tê-Kinh liền sai sứ giả qua Mông Cổ cho Thiết Mộc Chân hay mưu toan của Bai-Bu-Ka.

Lúc bấy giờ đã qua tiết đông, lợi dụng lúc nghỉ ngơi, Thiết Mộc Chân chăm lo củng cố lực lượng lại. Trước hết là các bộ lạc đã quy phục. Mỗi đoàn trại phân thành nhiều khóm (ayil), mỗi khóm gồm có 9 lều; dân chúng 9 lều đều đặt dưới sự chỉ huy của của một người trưởng thuộc lều thứ mười. Chín người trưởng này đặt dưới sự chỉ huy của người trưởng coi 100 lều.

Với cách tổ chức này, họ có thể điều động mau lẹ dân trong các bộ lạc chống lại các cuộc đột kích bất thình lình; hơn nữa mỗi người trưởng là một đại diện của khóm được tham dự Hội đồng quý tộc (Kouriltai).

Cuộc chiến chống Tô-Ha-Rin vừa qua đã cho ông một kinh nghiệm là những quyết định quan trọng phải nương theo những tục lệ, tập quán cũ, để cho các trưởng khóm dự vào Hội đồng trình bày ý kiến và biểu quyết.

Nhân nguồn tin của Khả Hãn Ong-gut, mùa xuân năm 1202 ông triệu tập Kouriltai, thông báo cho mọi người rõ mưu toan của Bai-Bu-Kai. Phe trưởng khóm đều cho là không thể tránh khỏi chiến tranh nhưng chưa thể phát động ngay bây giờ vì vừa mới qua mùa đông, ngựa bị thiếu ăn đều gầy mòn, cần để chúng dưỡng sức trọn mùa xuân này, cho đến mùa hạ, hay hơn nữa là mùa thu mới được. Nhưng Biên-Gô-Đài, Đa-Di-Đài, Muôn-Lịch và nhóm cận tướng; nhóm Trung Kiên (Terkhanes) lại cho rằng thắng giặc là nhờ ở xuất kỳ bất ý chớ không phải nhờ ngựa khỏe. Phe này lại thuộc đa số đồng ý với Thiết Mộc Chân. Hội đồng quyết nghị: phát động ngay cuộc chiến tranh chống quân Nãi-Man.

Thiết Mộc Chân vẫn áp dụng chiến thuật quen thuộc là bắt buộc địch quân phải chiến đấu ở địa điểm do ông lựa chọn. Ông trẩy quân đến một cánh đồng có nhiều mục trường ở cận ranh giới Nãi Man và dàn ra đó chờ Bai-Bu-Ka. Lần này không còn thứ quân ô hợp của các bộ lạc nữa mà là một quân đội có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh.

Bai-Bu-Ka án binh tại vùng núi Khangai (gần Karakorum ngày nay) lặng lẽ chờ đợi quân Mông Cổ. Ông ta tập hợp được 8 vạn quân, ngoài chiến sĩ Nãi Man còn có bọn Miệt-nhi, Thát- Đát, đám tàn quân Khắc Liệt và đám Trác Mộc Hợp.

Thấy giặc cứ án binh giữ thế thủ, Thiết Mộc Chân liền đổi chiến lược: giao cho Triết Biệt dẫn một cánh tiền quân tiến vào đất địch khiêu chiến, hễ giặt đánh thì phải chạy, còn đại quân thì sẽ âm thầm kéo theo sau.

Quân Nãi Man thấy địch không có tinh thần chiến đấu, ngựa lại gầy yếu, mỏi mệt liền ồ ạt tiến công. Thật ra Bai-Bu-Ka đã định nhử quân Mông Cổ vào sâu hơn nữa tới một hiểm đạo có quân mai phục; nhưng kỷ luật của họ lỏng lẻo, bọn tướng không tuân lệnh khả hãn, cho rằng quân số của địch ít hơn, trang bị lôi thôi không có gì đáng sợ. Tướng Rô-Ri-Su nói với Bai-Bu-Ka: “Hồi thân phụ của Ngài còn sống làm gì địch quân nhìn thấy lưng chúng ta được. Nếu Ngài có sợ thì trở về yên ấm với vợ con. Chúng tôi quyết trừng trị bọn Mông Cổ này, sẽ gom lại và lùa về đây như một đàn trừu cho Ngài xem.”

Bị chạm tự ái, Bai-Bu-Kai gầm thét lên ra lệnh tiến quân, quyết giết sạch kẻ địch chấm dứt chiến cuộc.

Quân Mông-Cổ đã dàn sẵn thế trận; cánh Trung quân do Cát-Xa chỉ huy có nhiệm vụ đương đầu mũi nhọn tấn công của Nãi Man; Thiết Mộc Chân đích thân chỉ huy một cánh quân khác quấy rối địch và phản kích trở lại. Mông Cổ bí sử dành một đoạn tả lại chiến trận này như sau:

“Bai-Bu-Ka bị thương nặng, bọn tả hữu phải chở y lên nằm trên triền đồi. Y vẫn theo dõi mặt trận và lấy làm lo ngại hỏi Trác Mộc Hợp:

– Bọn tướng đang đuổi quân ta như chó sói đuổi bầy trừu kia là ai vậy?

Trác Mộc Hợp đáp:

– Đó là bốn con chó nuôi bằng thịt người của Thiết Mộc Chân. Hắn phải dùng xích sắt cột chúng nó vì chúng có răng bén, móng nhọn với trái tim sắt đá; chúng dùng mã tấu để khiển ngựa, phi nhanh như gió cuốn; ngoài mặt trận chúng chỉ uống sương và thịt người. Bây giờ được tháo xiềng chúng tha hồ cắn xé vậy mà mõm vẫn còn rỏ dãi. Bốn con chó đó là Triết Biệt, Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ, Tốc Bất Đài.

Bai-Bu-Ka lại hỏi:

– Còn người nào ở phía sau mặt trận đang phi ngựa tới dáng nom như con diều hâu đói kia?

Trác Mộc Hợp đáp:

– Thiết Mộc Chân đấy! Hắn thuộc thứ người mình đồng da sắt. Quả hắn là một con diều hâu đói đáp xuống xứ này. Hãy xem hắn tiến về phía chúng ta kìa! Ngài nói quân Mông Cổ đến đây chẳng khác nào con trừu bị đặt trên thớt thịt chắc chắn sẽ còn lại móng và sừng mà thôi. Giờ hãy xem họ…”

Bai-Bu-Ka nghe tới đây thì lịm dần rồi tắt thở. Ngoài mặt trận, đòn cân thắng lợi đã nghiêng về bên Mông Cổ. Trác Mộc Hợp liền thu quân của mình về, chỉ còn bọn Kô-Ri-Su rán cầm cự đến chiều tối, bọn Miệt Nhi lại bỏ chạy nốt, bây giờ quân Nãi Man mới hoàn toàn tan rã.

Lần này đối với kẻ chiến bại Thiết Mộc Chân có một đường lối rõ rệt. Ông nghiêm cấm chiến sĩ cướp giựt, phá hoại, không giết tù binh thuộc cấp tướng và thuộc hàng tôn thất; khí giới bắt được đều trả lại cho họ để họ phục vụ ông như đã phục vụ chúa cũ, bắt công chúa I-Ba-Ka về làm phi và cưới công chúa Sọt- Ha-Ta-Ni cho Đà Lôi. Ông cố gắng thúc đẩy dân Mông Cổ tập nhiễm văn minh Nãi Man đồng thời tìm cách pha trộn hai dân tộc lại.

Sử chép rằng sau trận Nãi Man ít lâu, quân Mông Cổ có bắt được một người ăn mặc sang trọng không mang khí giới nhưng lại mang một món đồ kì lạ. Giải đến Thiết Mộc Chân ông ta khai là Ta-Ta-Tung-Gô người Thổ Phồn, trước làm chưởng ấn cho Bai-Bu-Ka. Món đồ kì lạ đó là cái ấn của khả hãn.Ông ta giải thích cho Thiết Mộc Chân hiểu công dụng của nó và ý nghĩa những chữ Thổ Phồn khắc trên đó. Tuy xuất thân từ một dân tộc không hề có chữ viết, Thiết Mộc Chân cũng nhận được giá trị và tầm quan trọng của nó liền phong cho Ta-Ta-Tung-Gô làm chưởng ấn Mông Cổ kiêm luôn việc dạy chữ nghĩa cho các vương tử và con của các tướng lãnh. Từ đó văn tự Thổ Phồn trở thành văn tự chính thức của Mông Cổ. Sau này hiểu rõ văn hóa Trung Hoa và văn hóa Hồi cùng trọng dụng những người tài giỏi, Thiết Mộc Chân vẫn không chấp nhận hai nền văn hóa ấy vì đối với ông đó là thứ văn hóa đô thị: nhu nhược, quá xa lạ còn văn hóa Thổ Phồn có tính chất thích hợp với dân du mục hơn.

Nhưng chỉ riêng với dân Nãi Man Thiết Mộc Chân mới áp dụng chính sách hòa dịu nói trên, còn đối với những địch thủ khác ông thẳng tay sát phạt chẳng chút thương hại, như đối với dân Thát Đát chẳng hạn. Ông sai Truật Xích thống lĩnh một một quân đoàn đi tiễu trừ bọn Thát Đát, khiến cho vị vương tử hết sức bối rối vì không thể thẳng tay đối với dân tộc bên vợ. Truật Xích bị cha nghiêm khắc cảnh cáo đành phải tàn phá xứ Thát Đát, sáp nhập quân đội của họ vào quân đội Mông Cổ.

Tút-Sa thì dẫn quân Miệt Nhi chạy trốn vào rừng sâu, Gui-Sơ-Lúc, con của Bai-Bu-Ka chạy về vùng núi Altai thuộc lãnh thổ của khả hãn Bui-Rúc. Bọn An-Tăng, Kút-Sa sau đó đều bị bắt và bị hành hình.

Trác Mộc Hợp bị quân Mông Cổ đuổi theo đến tận kỳ cùng không sao thoát khỏi trùng vi. Vào phút cuối cùng bọn vệ sĩ của ông ta liền trở giáo cột dính ông ta trên lưng ngựa dẫn đến nạp cho một viên tướng của Thiết Mộc Chân.

Nghe báo cáo, khả hãn ra lệnh đem chém tức khắc bọn chiến sĩ đã bắt Trác Mộc Hợp, luôn cả vợ con của họ không chừa một người nào. Ông thét to lên giữa một cơn phẫn nộ: “Làm sao dung tha được cái thứ người phản bội đem bán chúa của mình để cầu mạng sống?”

Xong rồi mới nói với Trác Mộc Hợp:

“Xưa kia tao với mày không lúc nào rời nhau như hai cái gọng của một chiếc xe vậy mà mày nỡ phản bội tao. Dù như thế tao vẫn muốn nối lại tình nghĩa xưa, tao với mày thử làm sống lại những kỷ niệm thuở ấu thời chẳng hay hơn sao? Những lúc phải đối chọi nhau ở chiến trường lòng tao đau như thắt, chẳng biết mày có cảm thấy như thế không?”

Nói xong truyền lệnh thả hắn đi. Nhưng Trác Mộc Hợp khoát tay:

– Ngày xưa tao với mày chia sớt từng bữa ăn bên bờ suối, ngủ cạnh nhau và bàn bạc những gì tao vẫn không quên. Giờ đây nhớ tới lời thề cũ và được mày tha thứ tao càng thấy xấu hổ, còn mặt mũi nào để nhìn mày nữa! Người bội bạc như tao nghĩ có sống cũng chẳng giúp ích gì cho mày, chẳng qua như con rệp trong cái áo, cái gai trong thắt lưng làm mày khó ngủ yên được. Mày cứ giết tao đi cho đỡ một mối lo, hồn tao sẽ phù hộ cho con cháu mày. Tao thất bại chỉ vì tao không thuộc dòng quý tộc mà thôi. Xin cho tao được chết toàn thây là đủ mãn nguyện lắm rồi!

Thiết Mộc Chân trở vô trong viên môn nói với các cận tướng:

– Ta muốn nối lại nghĩa cũ mà nó cứ chối từ: ta tiếc mạng sống của nó (mà nó?) chẳng màng, biết làm thế nào bây giờ? Các ngươi cứ giết nó đi và chôn cất nó cho tử tế.

Trác Mộc Hợp bị đặt nằm dưới một đống thảm, rồi một số quân sĩ đứng dằn lên cho đến khi chết ngạt. Đó là một đặc ân vì người Mông Cổ tin rằng hồn của con người ở trong máu, máu đổ ra trong lúc chết thì sẽ bị tiêu tan còn đâu qua bên kia thế giới!

Bình luận