– Người đầu tiên phát hiện ra tảng thiên thạch đó là nhà địa chất học người Canada sao? – Gabrielle Ashe chăm chú nhìn chuyên gia lập trình trẻ tuổi Chris Harper. – Và người Canada đó giờ chết rồi sao?
Harper gật đầu xác nhận.
– Ông đã biết điều này được bao lâu rồi? – Cô chất vấn.
– Cách đây khoảng một hoặc hai tuần. Sau khi tôi đã nói dối trong cuộc họp báo đó, ông Giám đốc và bà Marjorie Tench cho rằng tôi sẽ không bao giờ quật lại chính mình, nên đã cho tôi biết tất cả.
PODS không hề dính dáng gì đến quá trình phát hiện ra tảng thiên thạch! Gabrielle chưa biết thông tin này sẽ dẫn tiếp đến đâu, nhưng rõ ràng là sẽ rất tai tiếng. Tin xấu đối với Tench. Tin tốt lành đối với Thượng nghị sĩ.
– Như tôi đã kể với cô, – tiến sĩ Harper nói tiếp, – tảng thiên thạch được phát hiện là do NASA đã thu được một làn sóng radio. Cô đã bao giờ nghe nói đến chương trình có tên là INSPIRE chưa? Thí nghiệm tương tác vật lý và sóng điện từ giữa tầng điện ly và vũ trụ của NASA.
Gabrielle đã từng nghe nói đến chương trình đó, nhưng không hiểu lắm.
– Về bản chất, – Harper nói tiếp – đó là một loại máy thu tín hiệu radio ở Cực Bắc dùng để nghe các âm thanh do trái đất phát ra – những đợt phun sóng plasma từ Cực Bắc, những đợt xung lớn từ sấm chớp trong các cơn bão đêm, những thứ đại loại như vậy.
– Tôi hiểu rồi.
Cách đây vài tuần, một máy thu INSPIRE đã nhận được một chuỗi tín hiệu phát đi từ đảo Ellesmere. Một nhà địa chất học đang phát đi tín hiệu cấp cứu ở tần số rất thấp. – Ông ta ngừng một lát. – Chuỗi tín hiệu đó có tần số thấp đến nỗi chỉ các thiết bị INSPIRE của NASA mới có thể nghe được mà thôi. Và mọi người đoán rằng ông ta phát đi tín hiệu từ rất xa.
– Cái gì cơ?
– Phát tín hiệu ở tần số thấp nhất để sóng đi được xa nhất có thể.
– Hãy nhớ rằng ông ta ở giữa nơi hoang vắng, và sóng radio với tần số thông thường chắc chắn sẽ không thể đi được đủ xa để có người nghe thấy.
– Thông điệp của ông ta là gì vậy?
– Thông điệp rất ngắn gọn. Nhà khoa học đó nói rằng ông ta đang thăm dò địa chất trên phiến băng Milne; ông ta đã phát hiện được một vật thể có độ đậm đặc bất thường nằm sâu trong băng hà, và đoán rằng đó có thể là một tảng thiên thạch. Ông ta đang đo đạc tảng thiên thạch này thì gặp bão. Ông ta thông báo toạ độ, yêu cầu trợ giúp để thoát ra khỏi cơn bão, rồi tắt máy. NASA đã lệnh cho một máy bay cất cánh từ sân bay quân sự Thule đến cứu. Họ tìm kiếm suốt mấy giờ đồng hồ, rồi cuối cùng cũng phát hiện ra ông ấy đã bị chết trong một khe nứt cùng với xe trượt và con chó, cách toạ độ thông báo đến mấy dặm. Chắc là ông ấy đã tìm cách thoát khỏi cơn bão, nhưng không nhìn thấy đường, và đã lao xuống khe nứt.
Gabrielle tư lự về những thông tin cô vừa được nghe, rồi cảm thấy ngạc nhiên.
– Thế là đột nhiên NASA biết về một tảng thiên thạch, và không ai khác biết chuyện này?
Chính xác. Mỉa mai thay, nếu phần mềm của PODS không bị trục trặc thì chúng tôi đã phát hiện được tảng thiên thạch đó trước ông ta một tuần.
Sự trùng lặp ngẫu nhiên này khiến Gabrielle thắc mắc:
– Một tảng thiên thạch bị chôn vùi suốt ba trăm năm, và rồi đột nhiên được phát hiện hai lần liền trong vòng một tuần?
– Tôi biết: Thoạt nghe có vẻ khá kỳ quặc. Nhưng trong khoa học chuyện đó khá phổ biến. Lúc thì no dồn, lúc thì đói góp. Vấn đề là Giám đốc tin rằng không cách này thì cách khác, tảng thiên thạch đó sẽ được phát hiện – nếu tôi không mắc phải sai lầm đó. Ông ấy bảo tôi rằng, vì người Canada kia đã chết rồi, sẽ chẳng ai nghi ngờ gì nếu tôi lặng lẽ điều khiển cho PODS cố định ở toạ độ mà anh ta đã thông báo qua sớng radio. Sau đó, tôi chỉ việc giả vờ là đã phát hiện ra tảng thiên thạch, và cứu vãn thất bại đầy tai tiếng của mình.
– Và ông đã làm đúng như thế?
– Như tôi đã nói, không còn cách nào khác. Chính tôi đã phá hoại dự án mình phụ trách. – Ông ta ngừng một lát. – Nhưng hồi tối, lúc xem truyền hình buổi họp báo của Tổng thống tôi mới biết rằng bên trong tảng đá đó có hoá thạch…
– Ông ngạc nhiên?
– Tôi đã thật sự bối rối!
– Theo ông thì Giám đốc có biết trước rằng trong tảng thiên thạch ấy có hoá thạch không?
– Cái đó thì tôi chịu. Tảng đá ấy đã bị vùi lấp trong băng hà, nguyên vẹn, cho đến khi đội nhân viên của NASA đặt chân tới. Tôi đoán rằng NASA cũng chẳng biết gì đến tận lúc họ khoan thăm dò và lấy lên vài mẫu đá. Họ yêu cầu tôi nói dối về PODS, chắc tưởng rằng kích cỡ to lớn của tảng thiên thạch đó sẽ được coi là một thành công đáng kể. Rồi khi đến tận nơi, họ mới nhận ra phát kiến đó vĩ đại biết chừng nào.
Gabrielle gần như ngạt thở vì phấn khích:
– Thưa tiến sĩ Harper, ông có sẵn lòng đứng ra làm chứng rằng chính NASA và Nhà Trắng đã ép ông phải nói dối về phần mềm của PODS hay không?
– Tôi cũng chưa biết. – Ông ta có vẻ lo sợ. – Tôi chưa thể thấy hết được những tác hại của hành động đó đối với NASA… và đối với phát kiến này.
– Thưa tiến sỹ, cả hai chúng ta đều biết rằng tảng thiên thạch đó vẫn sẽ là một phát kiến tuyệt vời, bất kể nó được tìm ra bằng cách nào. Vấn đề ở đây là ông đã nói dối trước dân Mỹ. Họ có quyền được biết rằng không phải mọi chi tiết NASA Công bố về PODS đều là sự thật.
– Tôi cũng chưa biết nữa. Tôi khinh bỉ ông Giám đốc, nhưng còn các đồng nghiệp của tôi…, họ đều là người tốt.
– Chính vì thế họ có quyền được biết mình đang bị lừa dối.
– Và đây sẽ là bằng chứng cho thấy tôi không biển thủ công quỹ chứ?
– Ông có thể quên hẳn chuyện ấy đi. – Gabrielle nói, suýt nữa quên hẳn chi tiết ấy. – Tôi sẽ nói với Thượng nghị sỹ rằng ông không biết gì về vụ đó. Đó chỉ là những chứng cứ giả mạo do ông Giám đốc dựng lên để ép ông phải im lặng về PODS.
– Thượng nghị sỹ có thể bảo vệ được tôi không?
– Chắc chắn là được. Ông đâu có làm gì sai trái. Ông chỉ đơn thuần làm theo lệnh cấp trên. Bên cạnh đó, vì đã có thông tin về nhà địa lý người Canada, tôi tin rằng Thượng nghị sỹ sẽ chẳng cần đến những chứng cứ về biển thủ công quỹ. Chúng ta sẽ chỉ tập chung vào việc NASA đưa tin sai lệnh về PODS và tảng thiên thạch. Một khi Thượng nghị sỹ đã lên tiếng về nhà khoa học Canada kia, ông Giám đốc sẽ không dám mạo hiểm dùng biện pháp dối trá để huỷ hoại thanh danh của ông nữa đâu.
Harper có vẻ vẫn lo ngại. Phân vân, ông ta ngồi lặng lẽ, vẻ mặt rầu rĩ. Gabrielle để mặc ông ta suy nghĩ. Từ nãy cô đã nhận ra sự trùng lặp tình cờ rất khó hiểu trong câu chuyện này. Cô không định nhắc đến điều đó, nhưng rõ ràng tiến sỹ Harper cần thêm một cú hích nữa.
– Ông có chó không, thưa tiến sỹ?
Ông ta ngước mắt lên:
– Cô nói gì cơ?
– Tôi thấy thật kỳ lạ. Ban nãy ông kể rằnơ sau khi nhà địa lý học người Canada kia phát tín hiệu thông báo toạ độ của tảng thiên thạch thì lũ chó kéo xe của ông ấy lao xuống khe nứt phải không?
– Có bão. Cả người và chó bị lạc đường.
Gabrielle nhún vai, tỏ ra hoài nghi. – Cũng có thể thế.
Harper nhận thấy sự băn khoăn của cô, lý cô là sao?
Tôi cũng không biết nữa, có quá nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên trong phát kiến này. Một nhà địa lý học người Canada thông báo toạ độ của tảng thiên thạch trên một tần sồ radio mà chỉ mỗi NASA nghe được. Và rồi lũ chó kéo xe của ông ấy lao xuống khe nứt. – Rachel ngừng một lát. – Hiển nhiên là cái chết của ông ấy đã dọn đường cho NASA giành được thành công rực rỡ.
Mặt Harper biến sắc.
– Cô cho rằng Giám đốc dám giết người vì tảng thiên thạch này ư?
Trò chơi chính trị vĩ mô. Mẻ lướí kinh tế vĩ mô, Gabrielle thầm nghĩ,
– Để tôi về báo cáo lại với Tổng thống, sau đó chúng ta sẽ liên lạc. Toà nhà này có cổng sau không nhỉ?
Gabrielle Ashe chia tay tiến sỹ Chris Harper mặt xám ngoét, rồi xuống dọc cầu thang thoát hiểm để ra khỏi trụ sở NASA.
Cô lên ngay chiếc taxi vừa đưa thêm mấy nhân vật nữa tới chúc mừng NASA.
– Khu căn hộ cao cấp Westbrooke. – Cô nói với người tài xế.
Thượng nghị sỹ Sexton chẳng bao lâu nữa sẽ thấy vô cùng vui sướng.