– Những gì mà tôi sắp nói với cô, – ngài Tổng thống nói – được xếp loại tối mật đấy, Rachel ạ. Mức độ bảo mật cao nhất. – kể cả giấy phép sử dụng thông tin mật cũng không cho phép cô có quyền tiếp cận thông tin loại này đâu.
Rachel cảm thấy như những bức tường quanh cô đều đang khép dần lại. Tổng thống điều máy bay chở cô đến đảo Wallop, mời cô lên chuyên cơ, tự tay rót cà phê, nói trắng ra rằng ông ta sẽ sử dụng cô như một lá bài trong cuộc chạy đua với cha cô, và bây giờ lại còn định nói với cô những thông tin mật mà cô không được phép tiếp cận. Dù vẻ bề ngoài của Zach Herney có hoà nhã đến đâu thì Rachel cũng đã hiểu được một điều về con người này. Ông ta rất nôn nóng muốn làm chủ tình thế.
– Cách đây hai tuần, – Tổng thống nói, mắt nhìn xoáy vào Rachel – NASA đã có một phát kiến quan trọng.
Mất mấy giây, Rachel mới hiểu được những lời Tổng thống vừa thốt ra. Phát kiến của NASA? Các tổng hợp tin tình báo dạo này cho thấy mọi hoạt động của cơ quan này đều không suôn sẻ. Trong tình thế này, phát kiến mới của NASA chỉ có thể là một dự án nào đó lại thiếu tiền.
– Trước khi nói sâu hơn về phát kiến này, tôi muốn biết cô có cùng quan điểm với cha cô trong việc phê phán các chương trình thám hiểm vũ trụ không? – Tổng thống nói.
Rachel cảm thấy không bằng lòng.
– Tôi hi vọng Tổng thống cho mời tôi đến đây không phải là để yêu cầu tôi kiểm soát những luận điểm không có lợi cho NASA của cha tôi.
Ông ta cười.
– Không hề. Tôi đã biết Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton lâu rồi, và hiểu rằng không một ai có thể kiểm soát được ông ấy.
– Cha tôi là người cơ hội, thưa Tổng thống, và hầu hết các chính trị gia thành công đều thế cả. Rủi thay NASA đã tự tạo cơ hội cho ông ấy. – Những thất bại của NASA gần đây trầm trọng đến mức những người không muốn cười nhạo cơ quan này cũng sẽ phải phát khóc lên vì nó – những vệ tinh nhân tạo bị văng mất bộ phận khi bay trong quỹ đạo; những tàu thăm dò vũ trụ chẳng thấy gửi tín hiệu về, ngân sách cho sân bay Vũ trụ quốc tế tăng lên gấp mười lần và các nước tham gia dự án lẩn như trạch. NASA đã tiêu phí hàng tỉ đô la, và Thượng nghị sĩ Sexton đang tạo nên một làn sóng – làn sóng rất có thể sẽ đẩy con thuyền của ông đến số nhà 1600 đại lộ Pénsylvania.
– Tôi thừa nhận rằng – ngài Tổng thống nói tiếp – gần đây NASA quả thực bí bét. Hết lần này đến lần khác, cơ quan này tự nó đã khiến tôi thực sự muốn cắt giảm ngân sách của nó.
Rachel tìm được một lí lẽ chắc chắn.
– Thưa Tổng thống, ấy thế mà vừa tuần trước ngài duyệt chi khẩn cấp cho họ ba tỉ đô la đấy thôi.
Ngài Tổng thống cười thành tiếng.
– Được tin đó cha cô hẳn mừng lắm nhỉ?
– Ngài làm như thế có khác nào nối giáo cho giặc đâu.
– Cô có nghe ông ấy nói trong chương trình Nightline không?
“Zach Herney là kẻ nghiện vũ trụ, và tiền thuế của dân đang được dùng để thoả mãn cơn nghiện đó”.
– Thưa Tổng thống, ngài đang chứng minh rằng cha tôi đúng.
Herney gật đầu.
– Tôi không hề giấu diếm rằng tôi là một người hâm mộ NASA. Từ xưa đến nay. Tôi đã chứng kiến cuộc chạy đua vũ trụ trong thời thơ ấu của mình – Putnick, John Glenn, Apollo 11 – và tôi luôn hào hứng thể hiện sự ngưỡng mộ và tự hào về các chương trình của họ. Trong tâm trí của tôi, những nhân viên của NASA chính là những người đi tiên phong trong thời kỳ hiện đại. Họ biết nỗ lực vượt qua trở ngại, chấp nhận thất bại và nghiên cứu lại bản vẽ thiết kế trong khi những kẻ khác chỉ biết đứng nhìn và lên giọng chê bai.
Rachel im lặng. Đằng sau vẻ ngoài nhã nhặn rủa Tổng thống là thái độ phẫn nộ trước những lời công kích hùng hồn liên tiếp của cha cô. Cô băn khoăn không hiểu NASA đã phát hiện được điều gì. Chắc chắn Tổng thống mời cô đến đây không phải để nói chuyện phiếm.
– Hôm nay – Herney nói – tôi sẽ khiến cô phải thay đổi thái độ đối với NASA.
Rachel nhìn ông vẻ ngờ vực.
– Lá phiếu của tôi chắc chắn là dành cho ngài rồi, thưa Tổng thống. Ngài hãy tập trung vào những người khác.
– Tôi cũng định thế! – Ông ta nhấp một ngụm cà phê và mỉm cười. – Và tôi muốn nhờ cô giúp một tay. – ông ngừng một lát, nhoài người về phía cô, rồi nói tiếp. – Một cách rất đặc biệt.
Rachel cảm thấy ngài Tổng thống đang quan sát từng cử chỉ của cô, y như người thợ săn đang quan sát kỹ con mồi để phán đoán xem nó định bỏ chạy hay quay lại phản công. Rủi thay, cô chẳng biết chạy đường nào.
Ông ta rót thêm cà phê vào ca của Rachel.
– Tôi đoán cô đã biết một dự án của NASA có tên là EOS.
Rachel gật đầu.
– Hệ thống quan trắc trái đất. Hình như cha tôi đã vài lần nhắc đến nó thì phải.
Tổng thống nhăn mặt, dù vẫn cố tỏ ra hài hước. Thực ra cha của Rachel liên tục nhắc đến dự án này mỗi khi tìm được cơ hội. Đó là một trong những dự án tham vọng nhất của NASA – Một chùm năm vệ tinh nhân tạo sẽ quan sát trái đất từ vũ trụ và phân tích tình hình môi trường toàn cầu: sự thoái hóa của tầng ozon, hiện tượng băng tan ở hai địa cực, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn chặt phá rừng. Ý tưởng của họ là sẽ mang lại cho các nhà môi trường học một nguồn thông tin dồi dào chưa từng thấy để hoạch định tương lai cho trái đất.
Khổ nỗi, EOS chỉ gặp toàn thất bại. Cùng cảnh ngộ với nhiều dự án khác của NASA, ngay từ đầu nó đã ngập trong những khoản chi ngoài dự kiến, và Zach Herney là người giơ đầu chịu báng. Ông đã vận động hành lang để Nghị viện phê chuẩn một khoản chi bổ sung trị giá 1,4 tỉ đô la. Thế nhưng, thay vì mang lại nguồn thông tin vô tận như đã hứa, dự án EOS nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng với những lần phóng vệ tinh thất bại, những máy tính không hoạt động, và những buổi họp báo buồn thê thảm. Gần đây. người duy nhất tươi tỉnh mỗi khi nhắc đến EOS là Thượng nghị sĩ Sexton. Với vẻ mặt tự mãn, ông thường nhắc mọi người nhớ đến số tiền khổng lồ mà ngài Tổng thống đã chi cho EOS và kết quả thảm hại của chương trình này.
Tổng thống thả một viên đường vào ca của mình.
– Có thể mọi người sẽ cảm thấy ngạc nhiên, phát kiến lần này của NASA là kết quả của EOS.
Rachel không hiểu. Nếu EOS có bất kỳ thành công nào thì chắc chắn họ đã thông báo rồi. Cha cô đang sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để công kích họ, nên nếu EOS có tin tức gì tốt lành thì chắc chắn họ sẽ lập tức công bố ngay.
– Tôi chưa nghe ai nói đến phát kiến nào của EOS cả. – Cô đáp.
– Tôi biết là NASA thích giữ kín tin tốt lành này một thời gian.
Rachel không tin.
– Theo kinh nghiệm của tôi, nếu NASA không thông báo gì thì nghĩa là không có tin tốt nào hết.
Sự kiềm chế chưa bao giờ là sở trường của ban quan hệ công chúng của NASA. Nhân viên NRO vẫn thường đùa nhau rằng chỉ cần một nhà khoa học của NASA lên cơn đau bụng là lập tức sẽ có họp báo.
Tổng thống nhíu mày.
– À, tôi quên mất là đang nói chuyện với nhân viên của Pickering. Ông ta vẫn còn than vãn về những cái mồm hay chuyện của NASA đấy à?
– Bảo vệ an ninh là việc của ông ấy, thưa Tổng thống. Và ông ấy coi đó là chuyện nghiêm túc.
– Đúng thật là… Không thể tin nổi hai cơ quan có nhiều điểm tương đồng như vậy lại suốt ngày hục hặc với nhau.
Trong thời gian làm việc dưới quyền William Pickering, Rachel hiểu rằng dù cả NRO lẫn NASA đều liên quan đến vũ trụ, phương châm của hai cơ quan này hoàn toàn đối lập nhau. NRO là một cơ quan an ninh, luôn giữ kín tất cả những hoạt động liên quan đến vũ trụ của mình. Trong khi NASA lại là một cơ quan nghiên cứu, và luôn sốt sắng công bố tất cả những phát kiến của họ cho cả thế giới – và thường xuyên, theo cách nói của Pickering, gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Một số công nghệ tối tân của NASA – kính có độ phân giải lớn dùng trong quan sát vũ trụ, những hệ thống liên lạc tầm xa, những thiết bị chụp ảnh bằng sóng radio – thường thấy xuất hiện trong kho vũ khí của các nước thù địch và được dùng để do thám chính nước Mỹ. Bill Pickering vẫn càu nhàu rằng bộ óc các nhà khoa học của NASA rất vĩ đại, nhưng vẫn không thể sánh bằng những cái mồm của họ. Vấn đề lấn cấn nhất giữa hai cơ quan này là NASA phụ trách việc phóng các vệ tinh của NRO vào quỹ đạo, và những lần phóng vệ tinh bị thất bại của họ gần đây ảnh hưởng trực tiếp đến NRO.
Thất bại ê chề nhất là vào ngày 12 tháng 8 năm 1988. Tên lửa Titan 4 của NASA nổ tung sau khi rời bệ phóng được 40 phút, phá huỷ hoàn toàn các thiết bị mang theo – một vệ tinh của NRO trị giá 1,2 tỉ đô la mang tên Vortex 2. Và Pickering không thể quên được vố đó.
– Tại sao NASA không công bố ngay phát kiến mới này? – Rachel chất vấn. – Họ nên công bố ngay lập tức.
– Việc họ giữ im lặng – Tổng thống trả lời – là theo lệnh của tôi.
Rachel băn khoăn không hiểu mình có nghe nhầm không. Nếu thế thật thì Tổng thống đang tự tay chặt đứt sự nghiệp chính trị của mình một cách kỳ quặc.
– Phát kiến mới này – Tổng thống nói tiếp – tôi nên dùng từ thế nào nhỉ – Sẽ khiến mọi người đều phải sửng sốt.
Rachel cảm thấy khó chịu. Trong giới tình báo “khiến mọi người đều phải sửng sốt” thường có nghĩa là tin xấu. Rất có thể bí mật của EOS chính là một thảm hoạ môi trường mà hệ thống vệ tinh phát hiện được. – Có vấn đề gì không ạ?
– Không có vấn đề nào hết. EOS phát hiện ra một thứ vô cùng tuyệt vời!
Rachel lặng phắc.
– Rachel này, giả sử tôi sẽ nói với cô rằng NASA vừa có một phát kiến khoa học quan trọng đến mức… đến mức sống còn đối với toàn bộ trái đất…, một phát kiến đáng đồng tiền bát gạo, đáng từng xu lẻ mà nước Mỹ đã chi cho chương trình tìm hiểu vũ trụ… thì sao nào?
Rachel không tin nổi.
Tổng thống đứng dậy.
– Chúng ta đi dạo một chút nào.