Bước đi trong bán sinh quyển với Michael Tolland, Rachel Sexton cảm tưởng như có lớp sương mù hư ảo đang bao vây lấy mình.
Corky và Ming đi sát đằng sau cô.
– Cô không sao chứ? Tolland nhìn cô và hỏi.
Rachel ngước lên nhìn ông ta, nở nụ cười yếu ớt.
– Cảm ơn ông. Chắc chỉ vì có quá nhiều sự kiện.
Cô nhớ lại một phát kiến của NASA vào năm 1996 – ALH 84001 – một thiên thạch từ sao Thuỷ mà NASA tuyên bố rằng có chứa các vi khuẩn hoá thạch. Buồn thay, chỉ vài tuần sau buổi họp báo ầm ĩ của NASA, một số nhà khoa học dân sự lên tiếng chứng minh rằng dấu vết của sự sống thực ra chỉ là cặn bã của dầu lửa tạo ra bởi sự ô nhiễm trên trái đất. Sai lầm đó đã khiến uy tín của NASA bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tờ New York Time đã nhân cơ hội này châm biếm NASA và đặt cho nó cái tên mới: NASA – không phải lúc nào cũng chuẩn xác (NASA – NOT ALWAYS SCIENATFICALLY ACCURATE).
Cũng trong cùng số báo ấy, nhà cổ sinh học Steephn Jay Gould đã đúc kết lại toàn bộ vấn đề của phát kiến mang ký hiệu ALH84001 bằng cách chỉ ra rằng bằng chứng trên hòn đá chỉ là những hoá chất đã được dùng để suy diễn thái quá, chẳng phải là xương hay vỏ ngoài của sinh vật xa lạ nào hết.
Tuy nhiên, lần này NASA đã tìm ra những chứng cứ không thể chối cãi. Không một nhà khoa học đa nghi nào có thể lên tiếng để chất vấn những mẫu hoá thạch này. NASA lần này không trưng ra bức ảnh lờ mờ về hình dạng được cho là của một con vi khuẩn nữa họ đưa ra hẳn những mẫu đá mà trên đó người ta có thể dùng mắt thường quan sát những cấu trúc sinh học hiện lồ lộ trước mắt. Con chấy dài bằng bàn chân!
Rachel bật cười nhớ lại mình đã từng say mê bài hát Những con nhện sao Thuỷ của ca sĩ David Bowie đến mức nào. Chắc không từ ngữ nào có thể lột tả được niềm vui sướng vô bờ của chàng ca sĩ đồng tính người Anh đó khi anh ta được biết đến phát kiến này.
Trong khi lời và giai điệu của bài hát vẫn đang văng vẳng trong tâm trí Rachel thì Corky vượt lên đi bên cạnh cô.
– Mike đã khoe với cô về bộ phim tài liệu chưa?
– Chưa, – cô đáp, – nhưng tôi rất muốn được nghe.
Ông ta vỗ lưng Tolland:
– Kể đi. anh bạn. Hãy cho cô ấy biết vì sao Tổng thống Hoa Kỳ lại quyết định mời một chuyên gia bơi bằng ống thở làm bộ phim tài liệu về thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử khoa học tự nhiên đi.
Tolland hét lên:
– Thôi đi Corky, tôi xin anh đấy.
– Thôi được để tôi nói vậy. – Corky nói và len vào giữa hai người. – Có thể cô đã biết rằng tối nay Tổng thống sẽ tổ chức cuộc họp báo để công bố cho cả thế giới biết sự kiện trọng đại này. Và bởi vì phân nửa dân số thế giới chỉ là những kẻ thông minh nửa vời nên ông ấy đã yêu cầu Mike diễn giải câu chuyện này một cách đơn giản cho phù hợp với họ.
– Cảm ơn anh. Corky. Hay ho lắm. – Ông ta nói rồi quay sang nhìn Rachel – ý anh ấy là có quá nhiều dữ liệu khoa học khô khan thuần tuý cho nên Tổng thống tin, là một bộ phim tài liệu với những hình ảnh phong phú sẽ khiến cho đại đa số người Mỹ thấy dễ hiểu hơn, vì không phải ai cũng có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về vật lý học.
– Cô biết không – Corky nói với Rachel. – Tôi còn nghe kể rằng Tổng thống Hoa Kỳ là fan hâm mộ ruột của Đại dương kỳ thú nữa kia. – Ông ta vừa nói vừa giả vờ lúc lắc cái đầu ra vẻ kinh ngạc – Zach Herney – kẻ thống trị cả thế giới – vẫn thường yêu cầu thư ký ghi lại các chương trình của Mike để xem cho thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng cơ đấy.
Tolland nhún vai:
– Phải nói ông ta là người có gu đấy.
Lúc này Rachel càng thấy rõ kế hoạch của Tổng thống tỉ mỉ và tài tình đến mức nào. Chính trị là một trò chơi trên các phương tiện truyền thông. Rachel có thể tưởng tượng trước cử tri cả nước sẽ thấy hào hứng đến thế nào khi khuôn mặt đáng tin cậy như Michael Tolland xuất hiện trong buổi họp báo. Zach Herney đã chọn đúng người cần chọn để quảng cáo cho phát kiến phi thường của NASA Những kẻ hoài nghi sẽ chẳng có cơ hội lên tiếng chỉ trích những dữ liệu của Tổng thống một khi chúng đã được đích thân các nhà khoa học tiếng tăm xác thực.
Corky nói tiếp:
– Để hoàn thành bộ phim tài liệu này, Mike đã phỏng vấn tất cả các nhà khoa học dân sự cũng như các chuyên viên của NASA. Tôi xin thề có huân chương danh dự của tôi rằng cô sẽ là nhân vật tiếp theo được phỏng vấn đấy.
Rachel quay sang ông ta:
– Tôi á? Ông đang nói cái gì vậy? Tôi làm gì có chút kiến thức chuyên môn nào! Tôi chỉ là chuyên viên tổng hợp tin thôi mà.
– Thế tại sao Tổng thống lại yêu cầu cô đến đây?
– Ông ta vẫn chưa nói cho tôi biết lý do.
Corky thoáng cười:
– Cô là chuyên viên sẽ tổng hợp và xác minh tin này cho Nhà Trắng đúng không nào?
– Đúng, nhưng không phải trên phương diện khoa học.
– Và cô còn là con gái của chính người đang xây dựng cương lĩnh tranh cử dựa trên vấn đề chi tiêu của NASA, đúng không?
Rachel bắt đầu hiểu ra vấn đề.
– Thưa cô Sexton, phải thừa nhận rằng những lời do chính cô nói ra sẽ làm cho bộ phim tài liệu có thêm sức thuyết phục. Nếu Tổng thống đã mời cô đến đây thì chắc chắn ông ấy sẽ yêu cầu cô tham gia đấy.
Rachel một lần nữa nhớ đến lời phỏng đoán của William Pickering rằng cô sẽ bị lợi dụng.
Tolland nhìn đồng hồ đeo tay:
– Chúng ta đi thôi, chắc sắp kéo được lên rồi đấy.
– Kéo được lên cái gì cơ? – Rachel hỏi.
– NASA đang cho kéo tảng thiên thạch đó lên. Chắc sắp lên đến mặt đất rồi.
– Các ông cho kéo lên tảng đá nặng tám tấn đang bị chôn sâu dưới 200 foot băng đá ư?
Corky trông đầy hào hứng:
– Chẳng lẽ cô tưởng NASA định bỏ tàng đá hi hữu này nằm im ở chỗ mà họ đã phát hiện ra nó ư?
– Không, nhưng… – Không có dấu hiệu nào cho thấy người ta đang tổ chức trục vớt tảng đá đó lên hết. – Thế NASA định kéo nó lên bằng cách nào?
Ông ta liền đáp:
– Chuyện nhỏ! Cô nên nhớ rằng quanh đây có vô số nhà khoa học chuyên về tên lửa đấy.
– Bậy nào! – Ming mắng ông ta và quay sang nói với Rachel – Bác sĩ Marlinson rất thích trêu chọc mọi người. Sự thật là mọi người đã phải bàn cãi về chuyện làm thế nào để đưa được tảng đá đó lên. Và tiến sĩ Mangor đã đưa ra một biện pháp rất khả thi.
– Tôi chưa được gặp tiến sĩ Mangor.
– Nhà băng hà học tại Trường Đại học New Hampshire đấy.
Tolland nói tiếp.
– Đó là nhà khoa học dân sự thứ tư và là người bên ngoài cuối cùng được Tổng thống mời đến. Và ông Ming nói đúng đấy chính Mangor đã có phương pháp khả thi.
– Thế à? – Rachel nói. Thế anh chàng đó đã đưa ra phương pháp gì vậy.
– Anh chàng à? – Ông Ming cười thoảng – tiến sĩ Mangor là một phụ nữ đấy.
– Cái đó còn phải bàn thêm đã. – Corky làu bàu và quay sang Rachel – Tiện thể xin báo trước là tiến sĩ Mangor sẽ ghét cô cho mà xem.
Tolland nhìn Corky đầy bực bội.
– Này, tôi đảm bảo thế đấy!. Ông ta vẫn khăng khăng. – Cô ta đâu có thích phải cạnh tranh.
Rachel chẳng hiểu tí gì:
– Tôi không hiểu, cạnh tranh gì cơ?
Tolland bảo cô:
– Cô đừng để ý làm gì cho mệt. Đáng tiếc là Hội đồng Khoa học Quốc gia quên không thẩm định một sự thật rằng Corky vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên. Cô và tiến sĩ Mangor sẽ hợp nhau ngay thôi. Cô ấy là người rất giỏi việc và được tôn vinh là một trong những chuyên gia băng hà học hàng đầu thế giới. Cách đây mấy năm, cô ấy còn đến tận Nam Cực để nghiên cứu sự trôi dạt của băng hà nữa cơ.
– Lạ thật. – Corky nói, – tôi nghe nói bên Đại học New Hampshire đã đóng tiền để cử cô ta xuống đó để họ được yên ổn một thời gian đấy chứ.
– Lại còn thế này nữa chứ, – tiến sĩ Ming nghiêm trang nói – tiến sĩ Mangor còn suýt nữa mất mạng ở đó nữa đấy! Cô ấy gặp bão, bị lạc và phải sống bằng mỡ cá voi những năm tuần liền rồi mới được tìm thấy.
Corky thì thầm vào tai Rachel:
– Nghe nói chẳng ai chịu đi tìm cô ta cả.