Ở vùng đất bị quên lãng này, cái chết có thể xảy đến dưới vô vàn hình dạng khác nhau. Sau bao năm dày dạn với vùng đất hùng vĩ và hoang dã này, nhà địa chất học Charles Brophy không hề ngờ rằng số phận của ông sắp chấm dứt một cách tàn bạo và nghiệt ngã đến thế. Đang kéo chiếc xe trượt chất đầy dụng cụ đo đạc qua vùng lãnh nguyên, bốn con chó Husky của ông bỗng chạy chậm lại và ngầng lên nhìn trời.
– Cái gì thế hả cưng? – Brophy xuống khỏi xe. Trên nền trời giông bão mây vần vũ bỗng hiện ra một chiếc trực thăng vận tải. Nó hạ độ cao rồi hạ cánh xuống mỏm băng trước mặt một cách chính xác và khéo léo. Thật kỳ lạ, ông thầm nghĩ. Chưa bao giờ có máy bay trực thăng ở vùng đất xa xôi này. Chiếc máy bay hạ cánh xuống cách ông khoảng 50 mét, làm bụi tuyết bắn lên tung toé. Lũ chó khụt khịt ngửi hít, tỏ ra lo lắng. Cánh cửa máy bay mở ra, hai tên lính bước xuống. Chúng mặc quan áo bảo hộ màu trắng kín mít từ đầu đến chân, vai khoác súng trường, và vội vã tiến về phía ông.
– Có phải tiến sĩ Brophy đấy không ạ? – Một tên gọi to.
Nhà địa chất học bối rối: – Làm sao các anh biết tên tôi? Các anh là ai?
– Ông hãy lấy máy phát sóng vô tuyến ra.
– Cái gì?
– Mau lên. Bối rối, Brophy rút máy liên lạc từ trong túi áo khoác ra.
– Chúng tôi nhờ ông phát bản tin cấp cứu này ngay. Hãy hạ tần số xuống một trăm kilô herzt.
Một trăm kilô herzt? Brophy càng không hiểu thế nào. Tần số thấp như thế thì ai bắt được cơ chứ?
– Có tai nạn hay sao?
Tên lính thứ hai giương súng lên chĩa thẳng vào đâu Brophy…
– Không có thời gian để giải thích. Làm mau! Run run, Brophy điều chỉnh tần số phát sóng. Tên lính thứ nhất đưa cho ông một mảnh giấy nhỏ có mấy dòng chữ được đánh máy từ trước.
– Hãy phát đi thông điệp này. Ngay lập tức!
Brophy nhìn mảnh giấy.
– Tôi không hiểu. Thông tin này có chính xác đâu? Tỏi đâu có bị… Tên lính kia thúc mũi súng vào thái dương ông. Brophy phát đi thông điệp cấp cứu kỳ lạ ấy, giọng run run.
– Được rồi. – Tên lính thứ nhất nói. – Bây giờ thì cả ông và lũ chó lên hết trên máy bay.
Bị chĩa súng vào lưng, Brophy phải ép lũ chó đang tỏ ra hết sức miễn cưỡng lên trên máy bay. Họ vừa lên xong thì chiếc trực thăng lập tức cất cánh rồi bay về hướng tây.
– Các anh là ai? – Brophy chất vấn, người ông giờ đã đầm đìa mồ hôi. – Và thông điệp kỳ lạ kia nghĩa là sao?
Không gã nào hé môi. Máy bay tăng độ cao, và gió thốc vào từ cánh cửa khoang không đóng. Vẫn bị buộc vào chiếc xe kéo, bốn con chó của ông lúc này bắt đầu rên lên ư ử.
– Ít ra thì hãy đóng cửa lại. – Brophy yêu cầu. – Các anh không thấy là lũ chó của tôi đang sợ hay sao?
Vẫn không một lời đáp. Khi lên đến độ cao hơn một ngàn mét, chiếc máy bay liệng qua mấy khe nứt sâu hoác dưới mặt đất. Một tên lính bất thần đứng dậy. Không nói không rằng, hắn ra sức lôi lũ chó vẫn bị buộc vào xe kéo ra phía cửa. Brophy sợ hãi nhìn những con chó vùng vẫy vô vọng. Sau thoáng chốc, cả chiếc xe kéo lẫn lũ chó đều biến mất. Brophy đứng phắt dậy, miệng la lối. Đó cũng là lúc hai gã kia xông vào túm lấy ông. Chúng lôi ông ra cửa khoang máy bay. Mụ đi vì sợ hãi, Brophy đấm túi bụi, cố gạt những cánh tay lực lưỡng đang đẩy ông ra ngoài. Vô ích. Vài tích tắc sau, ông cũng bị đẩy nốt xuống vực.
Nhà hàng Toulos, nằm ngay dưới chân đồi Capitol, với thực đơn đặc biệt gồm những món ăn đầy hàm ý chính trị như thịt bê non và ngựa non, là một địa điểm mà giới chính khách cấp cao thường tới dùng bữa sáng. Sáng nay, Toulos đầy chặt thực khách – tiếng cốc chén bằng bạc chạm vào nhau, tiếng máy pha cà phê, và tiếng mọi người nói chuyện điện thoại di động hoà vào nhau thành một hợp âm hỗn loạn.
Người phục vụ đang lén lút nhấp một ngụm rượu Mary khát máu, thì một thiếu phụ bước vào. Anh ta quay ra, mỉm một nụ cười rất chuyên nghiệp:
– Xin chào – Anh nói, – Tôi giúp gì được quý khách ạ?
Người phụ nữ này có vẻ ngoài khá hấp dẫn, trạc ba lăm, mặc chiếc quần flanen màu xám có là li, đi giày đế bằng, áo khoác màu ngà hiệu Laura Ashley. Lưng cô vươn thẳng, cằm hơi hất lên toát lên vẻ mạnh mẽ chứ không hợm hĩnh. Mái tóc màu nâu được uốn theo mốt mới nhất ở Washington – kiểu “thiếu phụ buông neo bồng bềnh ôm lấy bờ vai” vừa đủ dài để tôn vẻ nữ tính, nhưng cũng vừa đủ độ ngắn để khẳng định rằng bộ óc nằm bên trong mái đầu ấy không hề kém cỏi.
– Hơi muộn mất rồi. – Thiếu phụ nói. – Tôi có hẹn ăn sáng với Thượng nghị sĩ Sexton.
Anh bồi bàn hơi giật mình. “Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton”. Ông là khách quen của nhà hàng, và là một trong những chính khách tên tuổi nhất trên toàn nước Mỹ. Tuần trước, sau khi đánh bại tất cả 12 ứng cử viên trong kỳ đại hội Ngày thứ ba đặc biệt, ông đã chắc chắn trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng. Nhiều người tin rằng mùa thu tới ông hoàn toàn có khả năng đoạt được vị trí chủ nhân Nhà Trắng từ tay ngài Tổng thống đường nhiệm đã gây nhiều tai tiếng. Gần đây, ảnh ông đã xuất hiện trên rất nhiều mặt báo, và các khẩu hiệu tranh cử của ông cũng được dán khắp nơi: “Chặn đứng thâm hụt, khởi đầu tái thiết”.
– Thượng nghị sĩ đang ở trong phòng dành riêng. Người phục vụ nói. – Và cô là…
– Rachel Sexton, con gái ông ấy.
Mình đúng là đồ bờm. Anh ta nghĩ. Cô gái trông rất giống bố. Cô có đôi mắt sắc sảo và phong cách đầy học thức – một dáng vẻ vô cùng thanh cao. Rõ ràng cô gái đã thừa hưởng khuôn mặt ưa nhìn của cha mình, nhưng cô còn có thái độ khiêm tốn và vẻ duyên dáng, những cái đó thì Thượng nghị sĩ không có.
– Rất hânh hạnh được gặp cô, thưa cô Sexton.
Dẫn cô gái đi ngang qua phòng ăn lớn, người phục vụ được chứng kiến cả một hàng ánh mắt nhìn theo Rachel, một số người thì dè dặt, một số thì không. Rất ít phụ nữ đến ăn sáng ở Toulos, và những người đẹp đến nhường này thì lại càng ít.
– Trông xinh đấy! – Một người thì thào – Sexton mới lấy vợ đấy à?
– Đồ bờm, con gái ông ta đấy! – Một người khác đáp lời.
Người kia cười khùng khục.
– Tôi hiểu Sexton, thế nào ông ta chả lên giường với con bé.
Khi Rachel đến bàn cha cô đang ngồi, ông đang lớn tiếng nói chuyện trên điện thoại với ai đó về một thành công mới của mình.
Ông ta ngước lên nhìn con gái vừa đủ lâu để chỉ ngón tay vào chiếc đồng hồ đeo tay Cartier, ra ý cô đã đến muộn.
– Con cũng nhớ bố đấy, bố ạ. – Rachel nghĩ.
Tên riêng của cha cô là Thomas, dù ông đã từ lâu tự thêm cho mình một cái tên đệm dài dòng. Rachel ngờ rằng ông chọn cái tên đó vì muốn tạo ra hiệu ứng điệp âm. Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Ông có mái tóc màu bạch kim, còn miệng lưỡi chính trị gia linh hoạt của ông thì luôn song hành với vẻ ngoài của một ông bác sĩ tử tế trong các bộ phim mì ăn liền, một vẻ bề ngoài rất thích hợp với tài gây ấn tượng của ông.
– Rachel! – Cha cô tắt điện thoại và đứng lên hôn má con gái.
– Chào cha. – Cô không hôn ông.
– Trông con mệt mỏi quá đấy!
Con bắt đầu thấy mệt thật rồi đây. – Cô nghĩ. – Con nhận được tin nhắn của cha. Có chuyện gì thế ạ? Bố không thể ăn sáng với con gái mình hay sao?
Từ lâu Rachel đã biết rằng cha không bao giờ cần đến sự có mặt của cô, trừ khi có một lý do sâu kín nào đó.
Sexton nhấp một ngụm cà phê.
– Dạo này con sống thế nào?
– Con khá bận. Chiến dịch tranh cử của bố có vẻ suôn sẻ đấy.
– Thôi, đừng nói chuyện công việc làm gì. – Sexton nhoài người qua bàn, hạ thấp giọng. – Cái anh chàng ở văn phòng Chính phủ mà cha giới thiệu với con dạo nọ thế nào rồi?
Rachel thở dài, ngay lập tức muốn nhìn đồng hồ xem giờ.
– Bố ạ, con chưa có lúc nào rảnh rỗi nên vẫn chưa gọi cho anh chàng đó đâu. Giá mà bố thôi không…
– Con phải biết bớt chút thời gian cho những việc quan trọng chứ, Rachel, so với tình yêu thì tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa.
Rất nhiều lời đối đáp vang lên trong tâm trí Rachel, nhưng rồi cô lặng im không nói gì nữa. Trước mặt cha cô, thật là khó mà mau mồm mau miệng được.
– Bố bảo muốn gặp con vì có chuyện gì quan trọng phải không?
– Ừ có đấy! – Thượng nghị sĩ chăm chú nhìn con gái.
Rachel cảm thấy khả năng tự vệ của mình đã bị ánh mắt của cha làm cho tan chảy, và cô thầm nguyền rủa điều đó. Ánh mắt của ông là món quà của Chúa, và cô đoán rằng chính ánh mắt ấy sẽ đưa ông vào Nhà Trắng. Tùy từng tình huống, chúng có thể ngấn lệ, và rồi, chỉ một thoáng sau, đã có thể trở nên trong sáng, mở ra truớc mắt mọi người cánh cửa sổ của một tâm hồn nhiệt huyết và đầy tin cậy. Niềm tin làm nên tất cả, ông vẫn thường nói vậy. Từ nhiều năm nay ông đã đánh mất niềm tin của Rachel, nhưng lại nhanh chóng giành được niềm tin của cả nước Mỹ.
– Bố muốn đề nghị con một điều? – Thượng nghị sĩ Sexton nói.
– Để con đoán thử nhé. – Cô đáp, cố gắng lấy lại sự tự tin. – Có kẻ góa vợ quyền thế nào đang muốn có một cô vợ trẻ trung phải không ạ?
– Đừng tự huyễn mình thế, con yêu. Con có còn trẻ trung gì nữa đâu.
Cảm giác chông chênh bất an thường có mỗi khi gặp cha lại quay lại với Rachel.
– Bố muốn ném cho con một cái phao cứu sinh. – ông nói.
– Con tưởng con chưa bao giờ bị chìm mà.
– Con thì không, nhưng Tổng thống thì sắp rồi. Con phải nhảy ra khỏi con thuyền đó ngay đi.
– Chẳng phải bố đã nói với con chuyện này một lần rồi sao?
– Hãy nghĩ về tương lai của con, Rachel, con có thể sang làm cho bố.
– Hi vọng đó không phải là lí do khiến hôm nay bố muốn ăn sáng cùng với con.
Vẻ mặt điềm tĩnh của ngài nghị sĩ thoáng biến sắc, – Rachel, con không thể biết việc con làm việc cho ông ta ảnh hưởng xấu thế nào đến bố và chiến dịch của bố đâu.
Rachel thở dài. Hai cha con cô đã từng một lần nói chuyện này.
– Bố này, con có làm việc cho Tổng thống đâu, con còn chưa bao giờ gặp mặt ông ấy kia mà. Lạy Chúa, con làm việc cho Fairfax đấy chứ.
– Trong chính trị, cảm tưởng rất quan trọng, Rachel, người ta sẽ có cảm tưởng là con làm việc cho Tổng thống.
Rachel thở hắt ra, nhưng vẫn cố bình tĩnh:
– Con phải mất bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được vị trí đó, bố ạ. Con không thể từ bỏ được.
Thượng nghị sĩ nheo mày:
– Con biết không, thái độ ích kỷ của con đôi khi thật là…
– Ngài chính là Thượng nghị sĩ Sexton? – Một nhà báo bất thần xuất hiện bên bàn ăn.
Thái độ của Sexton lập tức thay đổi. Rachel với lấy một chiếc bánh sừng bò trong giỏ đồ ăn, thầm rên rỉ.
– Tôi là Ralph Sneeden, – anh phóng viên giới thiệu, báo Bưu điện Washington. – Tôi có thế phỏng vấn ngài vài câu không ạ?
Thượng nghị sĩ mỉm cười, dùng khăn ăn chấm nhẹ môi.
– Rất hân hạnh, Ralph ạ. Nhưng phải nhanh nhanh lên, tôi không muốn để ly cà phê nguội hết.
Đến lượt anh chàng phóng viên mỉm cười.
– Dĩ nhiên, thưa ngài. – Anh ta lôi ra một chiếc máy ghi âm cỡ nhỏ và bật lên. – Thưa Thượng nghị sĩ, trong các chương trình vận động tranh cử trên tivi, ngài kêu gọi đưa ra những bộ luật nhằm đảm bảo phụ nữ được trả lương bình đẳng như nam giới và giảm thuế cho các cặp vợ chồng mới cưới. Xin ngài hãy bình luận về động cơ của mình.
– Dĩ nhiên rồi. Tôi luôn hâm mộ những phụ nữ mạnh mẽ và những gia đình bền vững.
Rachel suýt nữa bị nghẹn.
– Liên quan đến đề tài gia đình, ngài nói rất nhiều về giáo dục. – Anh phóng viên hỏi tiếp – Ngài đã đưa ra một kế hoạch gây rất nhiều tranh cãi về cắt giảm mạnh ngân sách để chi cho các trường phổ thông.
– Tôi tin rằng bọn trẻ chính là tương lai của nước Mỹ.
Rachel không thể ngờ cha mình lại có thể phát ngôn những lời sáo rỗng đến thế.
– Câu hỏi cuối cùng, thưa ngài. – Anh phóng viên hỏi – Ngài đã có một bước tiến ngoạn mục trong kỳ thăm dò tín nhiệm cách đây vài tuần. Và Tổng thống chắc không thể không lo lắng. Ngài nghĩ gì về thành công của mình ạ?
– Tôi nghĩ niềm tin làm nên tất cả. Người Mỹ đã bắt đầu nhận thấy rằng Tổng thống không đủ khả năng đưa ra những quyết định cứng rắn để giải quyết một số vấn đề của đất nước. Sự chi tiêu dễ dãi của Chính phủ làm cho quốc gia mỗi ngày một lún sâu hơn vào cảnh nợ nần, nên người Mỹ rũng đã bắt đầu nhận ra đã đến lúc phải thắt chặt chi tiêu và bắt đầu tái thiết.
Dường như muốn phản đối những lời hùng hồn vừa rồi, chiếc máy nhắn tin trong túi Rachel bắt đầu đổ chuông. Tiếng chuông điện tử dồn dập đáng ghét mọi khi hôm nay đối với cô bỗng trở nên du dương lạ kỳ.
Thượng nghị sĩ giận dữ liếc nhìn sang.
Rachel lục túi tìm chiếc máy và bấm năm nút theo một trình tự cài đặt sẵn để khẳng định rằng cô chính là người đang sử dụng chiếc máy. Màn hình LCD bắt đầu nháy. Mười lăm giây nữa cô sẽ nhận được toàn bộ tin nhắn.
Sneeden toe toét cười với ngài nghị sĩ:
– Con gái ngài chắc chắn là người luôn bận rộn công việc. Thật vui được thấy hai cha con ngài vẫn dành thời gian để dùng bữa cùng nhau.
– Như tôi đã nói, gia đình luôn là ưu tiên số một.
Sneeden gật đầu, rồi nhìn chăm chú.
– Xin được hỏi Thượng nghị sĩ, ngài và con gái mình làm thế nào đế dung hòa sự xung đột về lợi ích giữa hai cha con ạ?
– Xung đột? – Thượng nghị sĩ ngẩng lên với cái nhìn bối rối không hiểu. – Anh muốn nói đến sự xung đột nào?
Rachel ngẩng lên, làm bộ nhăn mặt với bố. Cô biết rất rõ câu hỏi này nhằm vào đâu. Cánh phóng viên chết dẫm. Cô thầm nghĩ. Phần nửa bọn họ là tay chân của các chính trị gia. Câu hỏi này thuộc loại cánh phóng viên gọi là quả nho – bề ngoài có vẻ rất hóc búa nhưng thực ra đã được chuẩn bị sẵn để có lợi cho ngài Thượng nghị sĩ, một cú tạt bóng tầm thấp mà cha cô có thể dễ dàng đỡ được và qua đó làm rõ một số điều.
– Dạ… thưa ngài… – Anh chàng phóng viên hắng giọng, tiếp tục làm ra vẻ đang hỏi một câu hóc búa. – Xung đột ở đây là con gái ngài đang làm việc cho đối thủ của chính ngài đấy ạ.
Thượng nghị sĩ Sexton phá lên cười, lập tức xoá tan bầu không khí căng thẳng.
– Ralph này, trước hết, Tổng thống và tôi không bao giờ là đối thủ của nhau. Chúng tôi là hai nhà yêu nước có quan điểm khác nhau về phương thức quản lý Tổ quốc của chúng ta mà thôi.
Anh chàng phóng viên cười sung sướng. Anh ta đã thấy trước thành công của mình.
– Thế thứ hai là gì ạ?
– Thứ hai, con gái tôi không làm việc cho Tổng thống, nó làm việc cho ngành tình báo. Công việc của nó là soạn thảo báo cáo tình báo và gửi cho Nhà Trắng. Đó là một việc làm rất giản dị. – Ông ngừng lời và quay sang Rachel. – Con yêu, hình như con còn chưa bao giờ gặp mặt Tổng thống phải không?
Rachel cố nén sự giận giữ trong lòng.
Chiếc máy nhắn tin kêu một tiếng “chít” – cô liếc xuống màn hình LCD.
– RPRT DINRO STAT
Cô nhanh chóng luận ra nghĩa của dòng chữ viết tắt và nhắn này. Tin nhắn này thật bất ngờ, và chắc chắn không phải là tin tốt. Ít nhất thì cô cũng có cớ để rút lui.
– Lạy Chúa, – cô nói – con rất lấy làm tiếc, nhưng đã muộn giờ làm mất rồi, con phải đi đây.
– Thưa cô Sexton, – anh chàng phóng viên mau mắn nói, – Trước khi đi, xin cô cho đôi lời bình luận về tin đồn rằng cô đã hẹn ăn sáng với ngài Thượng nghị sĩ để bàn về khả năng cô bỏ công việc hiện thời của cô để chuyển sang tham gia vào chiến dịch của cha mình?
Rachel cảm thấy như thế vừa bị hắt một ly cà phê nóng vào giữa mặt. Cô không hề lường trước điều này. Nhìn vẻ mặt tự mãn của cha mình, cô đoán ngay ra rằng câu hỏi này đã được chuẩn bị từ trước. Rachel chỉ muốn nhoài sang bên kia bàn và đâm thẳng vào tim ông bằng chiếc dĩa cô đang cầm trên tay.
Anh chàng phóng viên giơ chiếc máy ghi âm vào sát mặt cô.
– Cô nghĩ thế nào, thưa cô?
Rachel trừng mắt nhìn anh ta.
– Này Ralph, anh nghe cho rõ đây: Tôi không hề có ý định từ bỏ công việc của mình để làm việc cho Thượng nghị sĩ Sexton, nếu anh không viết đúng sự thật, tôi sẽ cho cái máy ghi âm này bay thẳng vào mông anh đấy.
Anh chàng phóng viên nhìn trân trối. Anh ta tắt máy ghi âm, cố nhịn cười:
– Xin cảm ơn ngài và cô. – Anh ta biến mất.
Ngay lập tức, Rachel cảm thấy ân hận về sự thái quá của mình.
Cô đã thừa hưởng của cha mình tính nóng nảy ấy, và rất hận ông về điều đó.
Bình tĩnh. Rachel. Phải bình tĩnh.
Ngài Thượng nghị sĩ nhìn cô vẻ không bằng lòng. – Con phải biết tự chủ chứ.
Rachel với tay lấy chiếc xắc.
– Hết giờ mất rồi bố ạ.
Dù sao thì ngài Thượng nghị sĩ cũng đã đạt được mục đích của mình. Ông lại lôi điện thoại cầm tay ra và chuẩn bị gọi.
– Tạm biệt con yêu. Thỉnh thoảng nhớ qua văn phòng thăm bố nhé. Và vì Chúa, lấy chồng đi thôi. Con ba mươi ba tuổi rồi đấy.
– Ba mươi tư chứ? – Cô đáp. – Thư ký của bố gửi thiệp mừng sinh nhật con rồi.
Ông cười khùng khục.
– Những ba mươi tư. Sắp thành bà cô đến nơi rồi con ạ. Hồi bố ba mươi tư tuổi…
– Bố đã cưới mẹ và bắt nạt hàng xóm rồi chứ gì? – Cô vô tình lên giọng hơi cao. Một số người ở bàn bên cạnh quay lại nhìn.
Thượng nghị sĩ Sexton không hài lòng, ông nhìn con gái một cách lạnh lùng.
– Cô phải liệu mà cư xử cho phải phép, thưa quí cô.
Rachel tiến ra cửa. Không phải đâu, chính bố mới là người phải liệu cư xử, ngài Thượng nghị sĩ ạ.