Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Phần Mở Đầu: Xoay Quanh Bộ Lông Chim

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

Trước khi phát hiện ra nước Úc, cư dân của Cựu Lục Địa vẫn tin rằng tất cả các thiên nga đều có bộ lông màu trắng. Niềm tin vững chắc ấy dường như được chứng thực hoàn toàn dựa trên bằng chứng thực tế. Vì vậy, việc lần đầu tiên nhìn thấy thiên nga đen có thể là điều bất ngờ thú vị đối với một số nhà điểu cầm học (hay những người đạc biệt quan tâm đến màu lông của các loài chim), nhưng đó không phải là ý nghĩa cốt lõi của câu chuyện. Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây chính là những hạn chế trong việc học hỏi từ quan sát hoặc kinh nghiệm cũng như sự mong manh của kiến thức loài người. Chỉ cần một quan sát đơn lẻ cũng có thể bác bỏ lối khẳng định chung bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước xoay quanh những dấu hiệu tồn tại đầy xác thực của hàng triệu con thiên nga trắng. Tất cả những gì bạn cần là duy nhất một con thiên nga đen 1 (và tôi được biết, nó rất xấu xí).

Tôi cố gắng chuyển câu hỏi mang tính lôgic – triết học này – điều từng ám ảnh mình từ thuở nhỏ – thành trải nghiệm thực tế. Ở đây, yếu tố mà chúng ta gọi là Thiên Nga Đen (được viết hoa) chính là một biến cố với ba thuộc tính sau.

Thứ nhất, đây là một biến cố ngoại lai, không thuộc phạm vi những mong đợi thông thường bởi không có bằng chứng thuyết phục nào trong quá khứ có thể chỉ rõ khả năng xảy ra của biến cố này. Thứ hai, nó có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn. Thứ ba, bất kể trạng thái ngoại lai của nó, bản chất con người luôn khiến chúng ta đưa ra những lời giải thích sau khi sự việc xảy ra, khiến nó trở nên rõ ràng và có thể dự đoán được.

Tôi muốn dừng lại một chút để tổng kết bộ ba thuộc tính này: hiếm khi xảy ra, ảnh hưởng cực lớn, và có thể dự đoán được khi hồi tưởng lại quá khứ (chứ không phải hướng đối tương lai) 2. Vì vậy, chỉ cần một lượng nhỏ các yếu tố Thiên Nga Đen là có thể giải thích được gần như mọi điều trong thế giới của chúng ta, từ thành công của các ý tưởng và các tôn giáo cùng động lực của các sự kiện lịch sử cho đến cả những yếu tố cấu thành cuộc sống riêng tư của mỗi người. Kể từ sau kỷ Pleistocene, tức một vạn năm về trước, ảnh hưởng của những yếu tố Thiên Nga Đen này không ngừng tăng lên. Nó đã bắt đầu tăng vọt lên trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp khi thế giới bắt đầu trở nên phức tạp hơn, còn những sự kiện thông thường mà chúng ta nghiên cứu, thảo luận hay cố gắng dự đoán dựa trên thông tin thu thập được từ báo chí đang ngày càng trở nên nhỏ bé.

Hãy tưởng tượng xem, làm sao mà vốn hiểu biết ít ỏi về thế giới trước thềm của những sự kiện xảy ra trong năm 1914 lại có thể giúp bạn đoán được điều gì sắp xảy ra. (Đừng trả lời tôi bằng những cách giải thích mà các giáo viên trung học đã từng gieo vào đầu bạn). Đâu là căn nguyên của Hitler và cuộc chiến diễn ra sau đó? Do đâu mà khối Xô Viết bị tan rã?

Khởi nguồn của trào lưu chính thống Hồi giáo? Rồi sự bùng nổ của Internet? Và đâu là gốc rễ của sự sụp đổ thị trường năm 1987 (cũng như quá trình phục hồi đầy bất ngờ của nó)? Các trào lưu, dịch bệnh, thời trang, sự nổi lên của các trường phái nghệ thuật và trường đào tạo nghệ thuật. Tất cả đều xuất hiện sau những động lực mang yếu tố Thiên Nga Đen này. Quả thực, mọi thứ quan trọng xung quanh bạn đều có khả năng ẩn chứa yếu tố này.

Sự kết hợp giữa khả năng dự đoán thấp và sức ảnh hưởng lớn khiến yếu tố Thiên Nga Đen trở thành một câu hỏi lớn, tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề cốt lõi của cuốn sách này. Thực tế còn cho thấy chúng ta có xu hướng hành động như thể hiện tượng này không hề tồn tại. Ý tôi không phải chỉ có bạn, người nhà của bạn hay tôi, mà hầu như tất cả các “nhà khoa học xã hội” – những người, mà hơn cả trăm năm qua, đã bám theo một niềm tin sai lầm rằng các công cụ của họ có thể đo lường được sự bất định. Vì việc áp dụng các môn khoa học về sự bất định để giải quyết các vấn đề của thế giới thực đã tạo ra những hiệu ứng nực cười. Tôi có vinh dự được chứng kiến điều này trong ngành tài chính và kinh tế học. Hãy thử yêu cầu nhà quản lý danh mục vốn đầu tư của bạn định nghĩa “rủi ro” và tôi dám chắc anh ta sẽ cung cấp cho bạn biện pháp nhằm loại trừ yếu tố Thiên Nga Đen – mà như thế thì chẳng khác gì giá trị dự đoán những rủi ro toàn diện của ngành chiêm tinh học (rồi ta sẽ thấy làm cách nào các nhà khoa học này có thể ẩn mình dưới lớp vỏ trí thức nhờ toán học). Đây là căn bệnh trầm kha trong các vấn đề xã hội.

Ý tưởng trọng tâm của cuốn sách này nói về sự mù tịt của chúng ta về tính ngẫu nhiên, đặc biệt là những độ lệch lớn: Vì sao chúng ta, dù có là nhà khoa học hay không, là người nổi tiếng hay dân thường, đều đủ nhìn thấy được những đồng xu thay vì đồng đô-la? Vì sao chúng ta toàn chú trọng vào những chi tiết vụn vặt mà không quan tâm tới bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng to lớn của các sự kiện tầm cỡ mang tính trọng đại có thể xảy ra? Và, nếu chấp nhận lập luận của tôi thì tại sao việc đọc báo lại thực sự làm giảm kiến thức của bạn về thế giới?

Dễ nhận thấy rằng cuộc sống là kết quả tích lũy của nhiều cú sốc lớn. Và cũng không quá khó để nhận diện được vai trò của các yếu tố Thiên Nga Đen khi thả mình suy ngẫm trong một chiếc ghế bành (hay bên quầy rượu). Hãy thực hiện bài tập sau bằng cách xem xét sự tồn tại của chính bạn. Hãy tính đến những sự kiện trọng đại, những đổi mới công nghệ và những phát minh từng xuất hiện trong môi trường của chúng ta từ khi bạn sinh ra, rồi đem so sánh với điều được con người mong đợi trước đó. Có bao nhiêu trong số chúng xuất hiện theo dự tính? Hãy nhìn lại cuộc đời của chính bạn, chẳng hạn như việc lựa chọn nghề nghiệp, gặp bạn đời, tha phương cầu thực, sự phản bội, sự giàu có hoặc nghèo khổ. Những sự kiện ấy xảy ra theo kế hoạch đến mức nào?

Logic theo yếu tố Thiên Nga Đen khiến cho điều bạn chưa biết trở nên đáng giá hơn rất nhiều so với điều đã biết. Hãy cân nhắc rằng, nhiều yếu tố Thiên Nga Đen có thể xuất hiện và trở nên trầm trọng hơn bởi sự xuất hiện bất ngờ của chúng.

Hãy nghĩ tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001: rủi ro ấy đã không xảy ra nếu có thể được nhận thức một cách hợp lý vào ngày 10/9. Nếu một khả năng xảy ra như vậy được coi là đáng quan tâm thực sự thì các máy bay chiến đấu sẽ bay tuần tiễu quanh đỉnh hai tòa tháp, máy bay ắt đã có cửa chống đạn khóa chặt và cuộc tấn công sẽ không xảy ra, chấm hết. Một sự kiện khác cũng có thể đã xảy ra. Đó là gì vậy? Tôi không biết.

Chẳng phải lạ lùng sao khi được chứng kiến một biến cố mà người ta không hề nghĩ nó có thể xảy ra? Chúng ta có kiểu phòng thủ nào chống lại điều đó? Bất kể điều gì bạn biết (chẳng hạn như New York là một mục tiêu khủng bố dễ dàng) đều có thể trở nên không quan trọng nếu kẻ thù biết rằng bạn nắm rõ điều đó. Trong trò chơi chiến thuật như vậy, có lẽ hơi khác thường khi điều bạn biết thực sự chẳng quan trọng gì cả.

Điều này được áp dụng đối với tất cả các ngành nghề. Hãy nghĩ về “công thức bí mật” để tạo nên thành công bất ngờ trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Nếu là điều hiển nhiên, hẳn “gã hàng xóm” cũng đã phất lên từ đây và hẳn ý tưởng đó đã được mọi người biết đến. Vì vậy, thành công tiếp theo trong lĩnh vực nhà hàng là phải có một ý tưởng mà “dân trong nghề” không dễ gì nghĩ ra. Nó phải vượt xa hơn mong đợi của mọi người. Và thành công của một sự mạo hiểm như thế càng bất ngờ bao nhiêu, số lượng đối thủ cạnh tranh càng ít bao nhiêu thì doanh nghiệp thực thi ý tưởng đó càng thành công bấy nhiêu. Điều này cũng đúng trong ngành kinh doanh giày dép, sách báo – hoặc bất kỳ ngành nào. Nó còn đúng cả với các nguyên lý khoa học – không ai muốn nghe những chuyện tầm phào. Nhìn chung, phần thưởng cho sự mạo hiểm của con người tỷ lệ nghịch với những gì nó được kỳ vọng.

Hãy xem xét đợt sóng thần xảy ra hồi tháng 12/2004 ở Thái Bình Dương. Nếu người ta dự đoán được nó thì hậu quả đã không nghiêm trọng đến thế, bởi dân cư hẳn đã được sơ tán khỏi khu vực chịu ảnh hưởng và một hệ thống cảnh báo sớm hẳn đã được lắp đặt. Thế nên, những gì được biết không thực sự gây tổn hại cho bạn.

Khả năng không thể dự đoán được các biến cố ngoại lai hàm ý về khả năng không thể đoán trước được tiến trình lịch sử, nếu dựa theo tỷ trọng của những biến cố loại này trong chuỗi các biến cố.

Thế nhưng, chúng ta lại hành động như thể mình có khả năng dự đoán được các sự kiện lịch sử hoặc thậm chí tệ hơn, thay đổi được cả tiến trình lịch sử. Chúng ta đưa ra những dự đoán về thâm hụt an sinh xã hội hay giá dầu của ba mươi năm sau mà không nhận thức rằng, thậm chí, không thể đoán trước được chúng sẽ như thế nào trong mùa hè tới – những sai lầm dự đoán của chúng ta đối với các sự kiện kinh tế hay chính trị tàn ác tới mức mỗi lần nhìn vào bản thống kê thực tế, tôi lại phải tự véo mình để chắc chắn không phải đang mơ. Điều đáng ngạc nhiên không phải ở tính chất nghiêm trọng của những sai lầm trong dự báo, mà chính là sự thiếu nhận thức của chúng ta về chúng. Điều này càng đáng lo hơn khi chúng ta tham gia vào những xung đột chết người: về cơ bản, chiến tranh là không thể dự đoán được (và chúng ta đều không biết điều này). Chính việc hiểu biết sai về các chuỗi mắt xích nhân quả giữa chính sách và hành động khiến chúng ta có thể dễ dàng gây ra các yếu tố Thiên Nga Đen nhờ sự xông xáo ngu dốt – giống như một đứa trẻ đang đùa nghịch với bộ đồ nghề hóa chất.

Cùng với sự thiếu nhận thức tổng quát về tình trạng của các sự việc, việc chúng ta không thể dự đoán được trong các môi trường bị lệ thuộc vào yếu tố Thiên Nga Đen, đồng nghĩa với khả năng một số chuyên gia nào đó thực sự không phải là chuyên gia dù vẫn tin rằng mình là chuyên gia. Dựa trên thành tích thực nghiệm của những người này, họ chỉ giỏi thuật lại chứ cũng chẳng biết về chuyên môn đó nhiều hơn đại đa số dân chúng là bao – hoặc tệ hơn là tung hỏa mù bằng những mô hình toán học phức tạp. Có khả năng họ cũng đeo một chiếc cà vạt.

Các yếu tố Thiên Nga Đen là không thể dự đoán được, vì vậy, chúng ta cần phải thích nghi với sự tồn tại của chúng (hơn là cố gắng dự đoán một cách ngây thơ). Có quá nhiều thứ chúng ta có thể làm nếu tập trung vào phần “phản tri thức” hoặc những điều chưa biết. Trong số nhiều lợi ích khác, bạn có thể bắt đầu thu thập những yếu tố Thiên Nga Đen có khả năng cầu may (theo nghĩa tích cực) thông qua việc tối đa hóa khả năng tiếp cận với chúng. Quả thật, trong một số lĩnh vực – chẳng hạn như khám phá khoa học hay đầu tư vốn mạo hiểm – có những phần thưởng to lớn từ điều chưa biết, bởi bạn thường chẳng mất gì mà lại nhận được rất nhiều từ một biến cố hiếm hoi. Chúng ta sẽ thấy rằng, trái với nền tri thức khoa học xã hội, hầu như không phát minh hay công nghệ tiên tiến nào được bắt nguồn từ thiết kế hoặc được lên kế hoạch trước – đơn giản chúng là Thiên Nga Đen. Chiến lược dành cho các nhà khám phá và doanh nhân chính là ít dựa vào quy hoạch từ trên đưa xuống mà tập trung tối đa vào việc chắp nối và nhận diện các cơ hội ngay khi chúng xuất hiện. Vì vậy, tôi không đồng ý với những người theo tư tưởng của Marx hay của Adam Smith rằng thị trường tự do thành công là bởi chúng cho phép con người gặp may mắn nhờ phương pháp “thử-sai” xông xáo chứ không phải bởi việc đưa ra những phần thưởng hay “biện pháp khích lệ” dành cho kỹ năng. Vậy thì, chiến lược cần có là chắp nối ngay khi có thể và cố gắng thu thập càng nhiều cơ hội mang yếu tố Thiên Nga Đen càng tốt.

Một trở ngại khác liên quan đến loài người bắt nguồn từ việc quá tập trung vào những điều chúng ta biết: chúng ta có xu hướng học những gì cụ thể chứ không phải chung chung.

Mọi người đã rút ra được gì từ sự kiện 11/9? Liệu họ có kết luận rằng, do những động lực của bản thân mà một số sự kiện chủ yếu nằm ngoài phạm vi có thể được dự đoán? Không. Liệu họ có rút ra được nhược điểm gắn liền với sự suy xét theo quy ước? Không. Vậy họ đã rút ra được điều gì? Họ đã học được những nguyên tắc chính xác về việc ngăn ngừa mầm mống các cuộc khủng bố Hồi giáo cùng các tòa nhà cao tầng. Nhiều người vẫn luôn nhắc tôi rằng điều quan trọng đối với chúng ta là phải thực tế và áp dụng những biện pháp cụ thể thay vì “lý thuyết hóa” kiến thức. Câu chuyện về Phòng tuyến Maginô cho thấy cách thức chúng ta được huấn luyện để trở nên khác biệt. Sau Thế Chiến thứ nhất, người Pháp đã xây một bức tường rào dọc theo tuyến đường quân Đức xâm chiếm trước kia nhằm ngăn chặn sự xâm lược trở lại – đơn giản, Hitler hầu như vượt qua nó khá dễ dàng. Người Pháp chính là những sinh viên xuất sắc về lịch sử, đơn giản là họ nghiên cứu nó với độ chính xác quá cao. Họ quá thực dụng và tập trung vào sự an toàn của chính bản thân mình.

Chúng ta không tự nhiên rút ra được rằng chúng ta không biết rằng mình không biết. Vấn đề nằm ở cấu trúc trí não: chúng ta không nghiên cứu các quy tắc mà chỉ nghiên cứu các sự kiện và chỉ sự kiện mà thôi. Các siêu nguyên tắc (chẳng hạn như nguyên tắc rằng chúng ta có xu hướng không nghiên cứu các nguyên tắc) có vẻ như rất khó nắm bắt. Chúng ta coi khinh những gì trừu tượng với một sự thích thú.

Vì sao vậy? Như lập luận của tôi trong phần còn lại của cuốn sách cho thấy rằng, ở đây, nó cần thiết cho cả việc giữ đúng sự suy xét theo quy ước lẫn việc chỉ ra cách không thể áp dụng được đối với môi trường hiện đại, phức tạp và đệ quy 3 ngày càng cao của chúng ta.

Nhưng có một câu hỏi chuyên sâu hơn: Trí não của chúng ta được sinh ra để làm gì? Cứ như thể chúng ta đang sở hữu cuốn “cẩm nang dành cho người sử dụng” sai lầm. Bộ não của chúng ta dường như không sinh ra để suy nghĩ và tự xem xét nội tâm bởi nếu có thì ngày nay, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta. Mà như vậy, lúc này, bạn hay tôi cũng chẳng ở đây để nói về điều đó – ông bà tổ tiên của tôi sống hướng nội, phản thực tế và suy nghĩ cứng rắn có thể đã bị sư tử ăn tươi nuốt sống trong khi đứa cháu tối dạ nhưng nhanh nhạy lại sống sót nhờ biết tìm nơi ẩn nấp. Hãy cân nhắc rằng tư duy là một việc làm tốn thời gian và thường lãng phí rất nhiều công sức, rằng tổ tiên của chúng ta đã mất hàng trăm triệu năm như những động vật hữu nhũ vô tư khác và rằng trong suốt thời điểm phát sáng của lịch sử sử dụng não bộ, chúng ta từng động não về những vấn đề quá xa rời mục đích. Bằng chứng cho thấy rằng chúng ta thường tin tưởng nhiều hơn là suy nghĩ – dĩ nhiên, ngoại trừ những lúc nghĩ về điều đó.

Thật buồn khi nghĩ tới những người từng bị lịch sử ngược đãi. Có những nhà thơ sống bên ngoài xã hội hay có tư tưởng chống lại xã hội, thường là những người dùng rượu, ma túy, mắc chứng điên loạn, nhúng tay vào những tội ác, bạo động, và thường chết trẻ (những nhà thơ bị nguyền rủa – poetes maudit) như Edgar Allan Poe hoặc Authur Rimbaud – những người từng bị xã hội khinh miệt nhưng về sau lại được tôn thờ và có ảnh hưởng lớn đến các em học sinh. (Thậm chí, có những trường học được đặt tên theo tên những học sinh bỏ học). Than ôi! Sự thừa nhận này đến quá muộn màng để vị thi sĩ kia có thể tìm thấy được chút niềm vui hoặc giúp nâng đỡ tinh thần của ông nơi trần thế. Nhưng thậm chí còn có những vị anh hùng bị ngược đãi hơn nữa – những người mà chúng ta không biết rằng đó là anh hùng, những người đã cứu chúng ta, giúp chúng ta tránh được thảm họa. Họ không để lại bất kỳ dấu tích nào và thậm chí không biết rằng mình đang có đóng góp. Chúng ta tưởng nhớ những liệt sĩ đã ngã xuống vì một sự nghiệp mà ta đều biết, nhưng lại chẳng bao giờ quan tâm đến những người cũng có đóng góp quan trọng không kém bởi vì – nói một cách chính xác – họ là những người thành công. Sự vong ân bội nghĩa của chúng ta đối với những nhà thơ bị nguyền rủa (poetes maudit) kia sẽ chẳng thấm tháp gì so với sự vô ơn này. Đây là một kiểu vong ân bội nghĩa xấu xa hơn cả: cảm giác xem thường vai trò của người anh hùng thầm lặng. Tôi sẽ minh họa bằng một thử nghiệm tư duy sau đây.

Giả định rằng một nhà lập pháp với sự can đảm, uy lực, trí tuệ, tầm nhìn và tính kiên trì tìm cách ban hành một đạo luật có ảnh hưởng và được áp dụng rộng khắp vào ngày 10/9/2001, buộc các cửa chống đạn ở buồng lái phi công đều phải luôn khóa chặt (với chi phí tốn kém đối với những hãng hàng không còn đang chật vật) – vừa đúng lúc những kẻ khủng bố quyết định dùng máy bay tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York. Tôi biết đây là ý nghĩ điên rồ nhưng chỉ là thử nghiệm tư duy (Tôi nhận thấy rằng không thể có một điều như vậy – một nhà lập pháp với trí tuệ, sự can đảm, tầm nhìn và tính kiên trì; đây chỉ là quan điểm về thử nghiệm tư duy). Vả lại, đối với nhân viên hàng không, pháp chế không phải là phương sách phổ biến vì nó làm cho cuộc sống của họ thêm rối rắm. Nhưng, dứt khoát nó sẽ ngăn chặn được sự cố 11/9.

Cá nhân người áp đặt việc khóa chặt các của buồng lái phi công không hề được dựng tượng tri ân tại các quảng trường công cộng, thậm chí còn không được đề cập ngắn gọn trong cáo phó của mình. “Joe Smith, người đã giúp tránh được thảm họa 11/9, chết do các biến chứng về gan”. Nhận thấy sự vô dụng cũng như sự lãng phí trong phương pháp của nhà lập pháp này, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các phi công, công chúng có thể tống cổ ông ta ra khỏi phòng làm việc của mình. Tiếng kêu cứu nơi hoang dã. Nhà lập pháp đó sẽ về hưu trong tâm trạng chán nán, với cảm giác thất bại quá lớn và khi tạ thế vẫn cảm thấy mình chưa làm được điều gì có ích. Tôi ước mình có thể tới dự lễ tang của ông, nhưng thưa độc giả, tôi không thể tìm thấy người này. Tuy nhiên, việc công nhận có thể là một sự thổi phồng. Song hãy tin tôi, thậm chí những người thành thật tuyên bố rằng không tin vào sự công nhận, rằng họ tách biệt lao động khỏi thành quả của nó, thực sự đều cảm thấy hưng phấn từ chính sự công nhận đó. Hãy xem người anh hùng thầm lặng được đối xử ra sao: thậm chí không có được sự đền đáp nào, dù là về mặt tình cảm.

Bây giờ, hãy xem lại những sự kiện xảy ra trong ngày 11/9. Sau khi thảm họa xảy ra, ai đã được công nhận? Những người mà bạn nhìn thấy qua các phương tiện truyền thông, trên ti-vi đang thực hiện những hành động dũng cảm, hay những người cố gây cho bạn ấn tượng rằng họ đang thực hiện những hành động dũng cảm? Nhóm thứ hai này gồm những nhân vật như Chủ tịch sở giao dịch Chứng khoán New York, Richard Grasso, người “đã cứu nguy cho Sở giao dịch” và nhận được một khoản tiền thưởng khổng lồ cho đóng góp đó (tương đương vài nghìn tháng lương của ông ta). Tất cả những gì ông ta phải làm là xuất hiện trong lễ rung chuông khai mạc sở giao dịch được tường thuật trên truyền hình – chương trình truyền hình mà chúng ta sẽ thấy, là phương tiện truyền tải sự bất công và là nguyên nhân chính của sự mù tịt về yếu tố Thiên Nga Đen.

Ai được đền ơn, giám đốc Ngân hàng trung ương, người tránh được tình trạng suy thoái hay một nhân vật tới “sửa chữa” những sai lầm của người tiền nhiệm và tình cờ có mặt trong suốt thời kỳ phục hồi kinh tế? Người nào có giá trị hơn, chính trị gia tránh được một cuộc chiến tranh hay người châm ngòi một cuộc chiến mới (và có đủ may mắn để giành chiến thắng)?

Điều này tương tự như sự đảo lộn hợp lý mà chúng ta đã tìm hiểu trước đó về giá trị của những gì mình chưa biết; mọi người đều biết rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng chỉ một số ít tán thưởng hành động phòng bệnh. Chúng ta ca ngợi những người đã được lưu tên vào sử sách bằng công sức của những người đóng góp thầm lặng không được sử sách ghi danh. Con người chúng ta không chỉ là một loài thiển cận (điều này có thể chữa được trong một chừng mực nào đó) mà còn là một loài rất bất công.

Đây là cuốn sách viết về tình trạng bất định, theo quan điểm của tác giả, sự kiện hiếm hoi cũng được xem là bất định. Có lẽ điều này giống như một tuyên bố hùng hồn – rằng chúng ta cần nghiên cứu chủ yếu những sự kiện cực đoan và hiếm hoi cốt để luận ra những sự kiện phổ biến hơn – nhưng tôi xin giải thích rõ như sau. Ở đây có hai cách khả thi để tiếp cận hiện tượng. Cách thứ nhất là loại trừ yếu tố bất thường và tập trung vào yếu tố “thông thường”. Người thẩm tra sẽ gạt “những yếu tố ngoại lai” sang một bên và nghiên cứu những tình huống thông thường. Cách thứ hai, để hiểu được một hiện tượng, trước tiên phải cân nhắc được các thái cực – đặc biệt nếu chúng gây ra hậu quả lũy tích bất thường giống như yếu tố Thiên Nga Đen.

Tôi không quan tâm đặc biệt đến những điều thông thường. Nếu muốn nắm bắt được tính khí, đạo đức và sự lịch lãm của một người, bạn chỉ cần chú ý tới anh ta qua những thử nghiệm trong một số tình huống khắt khe chứ không phải qua lăng kính màu hồng của cuộc sống thường nhật. Bạn có thể đánh giá được sự hiểm nguy mà một tên tội phạm gây ra bằng việc xem xét những gì hắn làm trong một ngày bình thường không? Chúng ta có thể hiểu được tình trạng sức khỏe của mình mà không tính đến những căn bệnh lạ hay dịch bệnh? Quả thật, những điều thông thường lại thường không liên quan.

Hầu như mọi thứ trong đời sống xã hội đều được tạo ra bởi những cú sốc và những đột biến hiểm hoi nhưng lôgic; trong khi đó, hầu hết mọi nghiên cứu về đời sống xã hội đều tập trung vào yếu tố “thông thường”, đặc biệt với các phương pháp suy luận theo “đường cong hình chuông” – thứ gần như không giúp ích gì cho bạn. Tại sao ư? Bởi đường cong hình chuông đã bỏ qua những độ lệch lớn, không thể quản lý, song lại khiến chúng ta tin rằng mình vừa chế ngự được tình trạng bất định. Trong cuốn sách này, tôi gọi nó là GIF – Trò gian lận trí tuệ vĩ đại (Great Intellectual Fraud).

Phần lớn sự tức giận khiến người Do Thái nổi dậy vào thế kỷ thứ nhất bắt nguồn từ sự khăng khăng của người La Mã đòi đặt tượng của Caligula trong ngôi đền của người Do Thái tại Jerusalem và đổi lại, tượng thánh Yahweh của người Do Thái được đặt trong các ngôi đền của người La Mã. Người La Mã đã không nhận ra rằng, khái niệm vị thánh đối với người Do Thái (và những người theo thuyết một thần vùng Cận Đông) là trừu tượng, rộng lớn và không liên quan gì đến thuyết hình người – học thuyết thể hiện quá nhiều yếu tố con người trong tư duy của người La Mã khi nói về Chúa. Trầm trọng hơn, vị thánh của người Do Thái không thích hợp với sự hiện thân mang tính biểu tượng. Tương tự, những gì mà nhiều người thương mại hóa lên và gán cho cái mác “không biết”, “không có khả năng xảy ra” hoặc “không chắc chắn” đều không giống điều tôi đang bàn đến ở đây; đó không phải là phạm trù kiến thức rõ ràng và cụ thể, một lĩnh vực bị lập dị hóa, ngoại trừ sự đối lập với nó: sự thiếu hụt (hay những hạn chế) về kiến thức. Đây chính xác là sự đối lập về kiến thức; một người nên học cách tránh dùng những từ ngữ đặc trưng của kiến thức để diễn tả trạng thái đối nghịch của nó.

Cái mà tôi gọi là quan điểm Plato, phỏng theo những tư tưởng (và tính cách) của triết gia Plato, chính là xu hướng của chúng ta đối với sự nhầm lẫn giữa bản đồ và lãnh thổ, giữa việc tập trung vào “những hình thái” thuần túy và được định nghĩa rõ ràng, chẳng hạn những vật thể như hình tam giác hay các ý niệm xã hội như xã hội không tưởng (những xã hội được xây dựng theo một bản kế hoạch nào đó về những thứ “có ý nghĩa”), thậm chí cả quốc tịch của chúng ta. Khi những tư tưởng này cũng như các cấu trúc chính xác hiện hữu trong tâm trí ta, chúng ta sẽ ưu tiên cho chúng hơn so với những mục đích kém thanh lịch, có cấu trúc lộn xộn và khó kiểm soát (một tư tưởng mà tôi sẽ trình bày tỉ mỉ hơn xuyên suốt cuốn sách này).

Quan điểm Plato khiến chúng ta nghĩ rằng mình hiểu biết nhiều hơn vốn kiến thức mà bản thân thực có. Nhưng điều này không xảy ra ở mọi lĩnh vực. Tôi không nói rằng các hình thái Plato không tồn tại. Các mô hình và khuôn mẫu – những bản đồ trí tuệ về thực tại này – không phải lúc nào cũng sai, chúng chỉ sai trong một số ứng dụng cụ thể. Cái khó là a) bạn không thể nào biết trước (cho đến khi thực tế xảy ra) bản đồ đó sẽ sai chỗ nào và b) những sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Những mô hình này giống như những liều thuốc công hiệu tiềm năng mang tính ngẫu nhiên nhưng lại có tác dụng phụ rất khốc liệt.

Hàng rào Plato (Platonic fold) chính là ranh giới bùng nổ, nơi hệ tư tưởng của Plato tiếp xúc với thực tế hỗn độn, nơi khoảng cách giữa điều bạn biết và điều bạn nghĩ rằng mình biết sẽ trở nên rộng lớn một cách đáng báo động. Đây là nơi yếu tố Thiên Nga Đen được tạo ra.

Người ta nói rằng nhà làm phim nghệ thuật Luchino Visconti thừa nhận là khi các diễn viên chỉ tay vào một chiếc hộp đóng kín được cho là chứa đá quý thì quả thật bên trong có đá quý. Đó có thể là một cách hiệu quả để giúp các diễn viên hoàn thành vai diễn của mình. Tôi cho rằng hành động của Visconti có thể cũng xuất phát từ ý nghĩa đơn giản về thẩm mỹ và khát khao về tính xác thực – dù thế nào chăng nữa, việc lừa dối người xem không phải là một điều đúng đắn.

Đây là bài luận văn trình bày một ý tưởng sơ khai chứ không phải được “xào nấu” lại từ suy nghĩ của người khác. Một bài luận văn là một suy ngẫm bốc đồng chứ không như báo cáo khoa học. Xin thứ lỗi nếu tôi bỏ qua một vài chủ đề hiển nhiên trong cuốn sách này vì tôi cho rằng những gì buồn tẻ đến mức mình không viết nổi thì cũng có thể khiến độc giả chán ngán. (Mà biết đâu việc né tránh sự buồn tẻ đó có khi lại giúp loại bỏ được những thứ không cần thiết).

Trò nói suông là việc làm rẻ tiền. Những ai học quá nhiều (hay không đủ) các tiết triết học ở trường đại học có thể cho rằng sự xuất hiện của Thiên Nga Đen không bác bỏ học thuyết rằng tất cả thiên nga đều trắng vì một con chim đen như vậy không phải là thiên nga về mặt ngữ nghĩa, vì đối với anh ta, màu trắng chính là thuộc tính cần thiết của một con thiên nga. Quả thực, những ai đọc quá nhiều về Wittgenstein 4 (cũng như các tác phẩm bình luận về ông) sẽ có cảm giác rằng các vấn đề ngôn ngữ thật quan trọng. Dĩ nhiên, chúng có thể quan trọng với những ai muốn đạt được sự lỗi lạc trong lĩnh vực triết học, nhưng đối với chúng ta – những người hoạt động và ra quyết định trong thế giới thực thi việc đó được dành cho dịp cuối tuần. Trong chương “The Uncertainty of the Phony” (Sự bất định của những thứ giả mạo), tôi có giải thích rằng bất kể sự hấp dẫn về mặt trí tuệ, những tiểu tiết này chẳng có hàm ý nghiêm túc nào vì chúng tương phản với các vấn đề lớn lao hơn (nhưng đã bị lãng quên). Những người vùi đầu trên giảng đường mà không đối mặt với các tình huống thực của việc đưa ra quyết định dưới điều kiện không chắc chắn sẽ không nhận biết được điều gì là quan trọng và điều gì không – ngay cả những học giả chuyên nghiên cứu tính bất định (hay đặc biệt những học giả chuyên nghiên cứu tính bất định). Những thứ mà tôi gọi là thực tiễn của sự bất định có thể là việc sao chép bất hợp pháp, hoạt động đầu cơ hàng hóa, hoạt động đánh bạc chuyên nghiệp, làm việc tại một trong những phân nhánh của mafia hay chỉ đơn giản là quá trình không ngừng đầu tư vào việc thành lập các doanh nghiệp mới (serial entrepreneurship). Do đó, tôi kịch liệt chỉ trích “thái độ hoài nghi vô ích”, một kiểu hoài nghi hoàn toàn không có ý nghĩa gì với chúng ta và tương phản với các vấn đề ngôn ngữ mang nặng tính lý thuyết – điều đã khiến cho đại bộ phận triết học hiện đại trở nên không phù hợp với những gì được gọi một cách mỉa mai là “đại chúng”. (Trong quá khứ, bất chấp hậu quả thế nào, những nhà triết học và nhà tư tưởng hiếm hoi vốn không thể tự đúng vững thường phụ thuộc vào sự ủng hộ của người bảo trợ. Ngày nay, các viện sĩ trong các ngành trừu tượng cũng dựa vào ý kiến của nhau mà không kiểm tra từ thực tế bên ngoài, và đôi khi gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng là biến các mục tiêu theo đuổi của họ thành các cuộc tranh tài thiển cận nhằm phô diễn kiến thức. Dù có khiếm khuyết gì thì hệ thống cũ đó ít nhất cũng thực thi được một tiêu chuẩn thích đáng nào đó).

Triết gia Edna Ullmann-Margalit phát hiện ra một mâu thuẫn trong cuốn sách này và yêu cầu tôi chỉnh sửa cách dùng hình ảnh ẩn dụ Thiên Nga Đen để mô tả những gì con người không biết, trừu tượng, bất định và mơ hồ – ví dụ như quạ trắng, voi hồng hay sự biến mất của cư dân một hành tinh xa xôi quay quanh hệ Tau Ceti. Quả thật, nhà triết gia này đã bắt đúng chỗ sai của tôi. Có một mâu thuẫn ở đây; cuốn sách này là một câu chuyện, tôi thích dùng những chuyện kể và đoản văn để minh họa cho tính cả tin cũng như sở thích của chúng ta trước các câu chuyện và sự cô đọng nguy hiểm của những bài trần thuật.

Muốn thay thế một câu chuyện, bạn cần một câu chuyện khác. Các hình thái ẩn dụ và chuyện kể tỏ ra có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn nhiều so với ý tưởng, chúng cũng dễ nhớ và thú vị đối với người đọc. Nếu phải theo đuổi cái mà mình gọi là các quy tắc trần thuật, công cụ tốt nhất của tôi chính là một bài trần thuật.

Ý tưởng đến rồi đi, chỉ có câu chuyện là ở lại.

Điều tồi tệ nhất mà cuốn sách này đề cập đến không chỉ là đường cong hình chuông và các nhà thống kê tự lừa dối chính mình, hay các học giả chịu ảnh hưởng của Plato – những người cần đến các học thuyết để tự lừa dối mình, mà đó chính là động lực để “tập trung” vào những gì có ý nghĩa đối với chúng ta. Ngày nay, việc sống trên hành tinh này đòi hỏi nhiều khả năng tưởng tượng hơn những gì hiện có. Chúng ta đang thiếu khả năng tưởng tượng nhưng lại kìm nén khả năng của người khác.

Xin lưu ý rằng tôi không thực hiện cuốn sách này theo phương pháp thu thập “bằng chứng xác thực” cẩn thận vốn rất phiền toái. Tôi sẽ giải thích nguyên nhân đó trong Chương 5, và gọi sự quá tải của các ví dụ này là chủ nghĩa kinh nghiệm ngây thơ (naive empiricism) – hàng chuỗi giai thoại được chọn lựa để khớp với một câu chuyện sẽ không cấu thành bằng chứng. Bất kỳ ai đang tìm kiếm sự xác thực sẽ tìm thấy nó với mức độ đủ để lừa dối chính mình – và chắc chắn là cả những đồng nghiệp của mình. 5 Ý tưởng về Thiên Nga Đen được dựa theo cấu trúc của tính ngẫu nhiên qua trải nghiệm thực tế.

Nói tóm lại, trong bài tiểu luận (cá nhân) này, tôi dám thách thức các thói quen tư duy của chúng ta, và khẳng định rằng thế giới này đang bị thống trị bởi những gì cực độ, bí ẩn, ít có khả năng xảy ra (dựa theo vốn hiểu biết hiện tại của chúng ta) trong khi, chúng ta dành thời gian nói chuyện phiếm, tập trung vào những gì đã biết và cứ lặp đi lặp lại. Điều này nói lên sự cần thiết phải sử dụng một sự kiện cực độ làm điểm khởi đầu và không xem nó như một ngoại lệ mà ta có thể dễ dàng bỏ qua. Tôi cũng xin đưa ra một nhận định táo bạo (và dễ mếch lòng) hơn rằng, bất chấp tiến trình với phát triển về kiến thức của chúng ta, hoặc có lẽ bởi tiến trình và sự phát triển về kiến thức đó, tương lai ngày càng trở nên khó dự đoán hơn trong khi cả bản chất con người lẫn “khoa học” xã hội dường như đang hợp sức không cho chúng ta biết về điều đó.

Trình tự cuốn sách này tuân theo một lôgic đơn giản, bắt đầu từ những gì được cho là văn chương thuần túy (xét về chủ đề lẫn nghiên cứu) đến những thứ được cho là hoàn toàn mang tính khoa học (xét về chủ đề, không xét đến nghiên cứu). Hầu như tâm lý học chỉ xuất hiện trong Phần 1 và đầu Phần 2, phần còn lại của Phần 2 và Phần 3 sẽ là các vấn đề về kinh doanh và khoa học tự nhiên. Nội dung của phần 1, “Umberto Eco's Antilibrary” (Phản thư viện của Umberto Eco) chủ yếu đề cập đến cách nhận thức của chúng ta về các sự kiện lịch sử và hiện tại cũng như những sự bóp méo hiện diện trong các nhận thức đó. Phần 2, “We just can't predict” (Đơn giản là chúng ta không thể dự đoán được), nói về những sai lầm mà chúng ta mắc phải khi đối diện với tương lai và các hạn chế không được báo trước của một số môn “khoa học” – cũng như cách giải quyết những hạn chế này. Phần 3, “Those Gray Swans of Extremistan” (Những con Thiên Nga Xám của Extremistan), sẽ đi sâu vào chủ đề về các sự kiện cực độ, giải thích sự hình thành của đường cong hình chuông (trò gian lận trí tuệ vĩ đại) và xem xét lại những ý tưởng về các môn khoa học tự nhiên và xã hội vốn được kết hợp một cách lỏng lẻo dưới cái nhãn “phức tạp”. Phần 4 – phần Kết thúc – sẽ rất ngắn gọn.

Việc viết nên cuốn sách này tạo cho tôi một sự thích thú ngoài mong đợi – và thực tình, chính cuốn sách đã tự viết nên nó – và tôi hy vọng rằng bạn đọc cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự. Tôi thừa nhận ràng mình đã bị sa vào quá trình suy luận những ý tưởng thuần túy này sau nhiều dồn nén từ cuộc sống đầy biến động. Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi chỉ muốn lánh xa sự ồn ào của đám đông để được hoàn toàn tính lặng suy nghĩ về ý tưởng khoa học-triết học của mình.

Chọn tập
Bình luận