Khi được yêu cầu kể tên ba công nghệ ứng dụng có ảnh hưởng nhiều nhất đến thế giới chúng ta hiện nay, mọi người thường nhắc đến máy vi tính, Internet và công nghệ la-de. cả ba công nghệ này đều không được hoạch định trước, không được dự đoán trước cũng như không được đánh giá đúng trong quá trình khám phá, và vẫn không được đánh giá đúng sau lần sử dụng đầu tiên. Chúng là những sự kiện có ý nghĩa to lớn. Chúng là Thiên Nga Đen. Dĩ nhiên, chúng ta có ảo tưởng (dựa trên quá khứ) rằng những sự kiện này đang tham gia vào một kế hoạch tổng thể nào đó. Bạn có thể tự mình lập danh sách với các kết quả tương tự, dù đó là các sự kiện chính trị, các cuộc chiến hay các phong trào truyền bá tư tưởng.
Bạn kỳ vọng rằng thành tích dự đoán của chúng ta sẽ vô cùng “hoành tráng”: thế giới này luôn phức tạp, phức tạp hơn ta nghĩ rất nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề, trừ khi hầu hết mọi người trong chúng ta đều không biết về nó. Chúng ta có xu hướng “đi đường hầm” khi nhìn về tương lai, khiến nó trở nên bình thường, không phải Thiên Nga Đen, trong khi trên thực tế, chẳng có gì bình thường về tương lai cả. Đó không phải là một phạm trù Plato!
Chúng ta đã chứng kiến được mức độ tài giỏi của mình trong việc tường thuật theo hướng ngược về quá khứ, trong việc bịa ra những câu chuyện thuyết phục bản thân rằng mình am hiểu quá khứ. Đối với nhiều người, kiến thức có sức mạnh đáng kể giúp hình thành sự tự tin thay cho một khả năng cụ thể nào đó. Một vấn đề khác: việc chú trọng đến sự đúng mực (không quan trọng), vào quá trình Plato hóa khiến cho việc dự đoán đủ “nằm trong khuôn khổ”.
Thật đáng xấu hổ, bất kể thành tích thực nghiệm chẳng ra gì đó, chúng ta vẫn tiếp tục lên kế hoạch hướng tới tương lai như thể mình giỏi làm việc đó, sử dụng các công cụ và phương pháp loại bỏ những sự kiện hiếm hoi. Việc dự đoán đã được thể chế hóa một cách vững chắc trong thế giới của chúng ta. Chúng ta là những gã khờ ủng hộ cho những ai giúp đỡ mình vượt qua sự bất định, dù đó là một thầy bói hay các viện sĩ (ngu dốt) có nhiều công trình được xuất bản, hay các viên chức nhà nước sử dụng phương pháp toán học dởm.
Huấn luyện viên bóng chày lừng danh Yogi Berra đã từng nói, “Rất khó đưa ra dự đoán, nhất là về tương lai”. Dù không có các bài viết để được công nhận là nhà triết học, và bất kể sự thông thái cũng như khả năng trí tuệ của mình, Berra có thể tự cho rằng mình biết đôi điều về tính ngẫu nhiên. Là một vận động viên kiêm huấn luyện viên bóng chày, ông luôn thực hành về tính bất định, thường xuyên đối mặt với những kết quả ngẫu nhiên, và đồng thời khắc cốt ghi tâm những gì chúng mang đến.
Thực ra, Yogi Berra không phải là người duy nhất nghĩ rằng phần lớn những điều sắp xảy ra trong tương lai đều vượt ngoài khả năng của chúng ta. Nhiều người khác, dù ít nổi tiếng nhưng tài giỏi không kém, cũng đã kiểm tra các giới hạn trong vấn đề này, từ các nhà triết học như Jacques Hadamard và Henri Poincaré (thường được gọi là các nhà toán học), đến nhà triết học Friedrich von Hayek (thường được mô tả như một nhà kinh tế học, than ôi!) cho tới nhà triết học Karl Popper (thường được biết đến như một triết gia). Chúng ta có thể yên tâm gọi đây là sự kết hợp Berra-Hadamard-Poincaré-Hayek-Popper – thứ sẽ áp đặt những giới hạn về cấu trúc vào lĩnh vực dự đoán.
“Tương lai không giống như những gì đã từng xảy ra”, Berra nói. 43 Có vẻ như ông ta đã đúng: những thứ chúng ta có được trong khả năng của mình để định hình (và dự đoán) thế giới có thể trở nên quá nhỏ bé so với sự phức tạp của nó – ở đây muốn nói đến vai trò ngày càng lớn của những điều không thể dự đoán được. Vai trò của Thiên Nga Đen càng lớn thì chúng ta càng khó dự đoán. Xin lỗi.
Trước khi đi sâu vào các giới hạn của việc dự đoán, chúng ta sẽ thảo luận về những thành tích dự đoán trước đây cũng như mối quan hệ giữa sự gia tăng kiến thức và sự gia tăng tương ứng về mức độ tự tin.