Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 12: Epistemocracy, Một Giấc Mơ

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

ĐÂY CHỈ LÀ MỘT BÀI TIỂU LUẬN ■ TRẺ EM VÀ TRIẾT GIA SO VỚI NGƯỜI LỚN VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG PHẢI TRIẾT GIA ■ KHOA HỌC LÀ MỘT CÔNG TRÌNH TỰ KỶ ■ QUÁ KHỨ CŨNG CÓ QUÁ KHỨ ■ DỰ ĐOÁN SAI VÀ SỐNG MỘT CUỘC SỐNG LÂU BỀN, HẠNH PHÚC (NẾU BẠN SỐNG SÓT ĐƯỢC)

Một người có mức độ kiêu ngạo trí thức thấp thường ít gây chú ý, giống như một người nhút nhát tại bữa tiệc cocktail. Chúng ta thường không tôn trọng những người tầm thường – những người tìm cách trì hoãn việc đưa ra phán đoán. Bây giờ, hãy nghiên cứu về sự tầm thường trí thức. Ví dụ một người rất nặng về nội tâm, luôn dằn vặt bởi nhận thức về sự ngu dốt của mình. Anh ta thiếu sự can đảm của kẻ ngốc, nhưng lại có đủ dũng khí hiếm hoi để nói rằng “Tôi không biết”. Anh ta không ngại người ta nhìn mình như một tên ngốc, hoặc tệ hơn, một kẻ ngu dốt. Anh ta do dự, không dám khẳng định ý kiến của mình, và khổ sở với hậu quả của việc không nói đúng. Anh ta cứ tự vấn nội tâm, tự vấn nội tâm, và tự vấn nội tâm cho đến khi kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.

Điều này không hẳn là anh ta thiếu tự tin mà đủ vì anh ta nghi ngờ kiến thức của chính mình. Tôi sẽ gọi người như thế là epismocrat (người khiêm nhường trí tuệ); và gọi xã hội nơi các luật lệ này được hình thành với khả năng sai lầm trong suy nghĩ của con người là epistemocracy(55).

Epistemocrat vĩ đại thời hiện đại chính là Montaigne.

Ở tuổi 38, Michel Eyquem de Montaigne lui về sống tại điền trang của mình ở vùng ngoại ô Tây Nam nước Pháp. Montaigne, có nghĩa là vùng núi ở khu Pháp cũ, chính là tên của khu điền trang đó. Vùng này ngày nay nổi tiếng với rượu vang Bordeaux, nhưng ở thời của Montaigne, không mấy ai đầu tư công sức vào rượu vang. Montaigne có nhiều xu hướng khắc kỷ và hẳn sẽ không hứng thú theo đuổi những thứ như thế. Mong muốn của ông là viết ra một tuyển tập khiêm tốn về “các cố gắng”, đó là những bài tiểu luận. Chính bản thân từ tiểu luận sẽ chuyển tải trạng thái ngập ngừng, sự suy đoán và sự không dứt khoát. Montaigne gắn bó với văn học kinh điển và chỉ muốn suy ngẫm về sự sống, cái chết, học vấn, kiến thức và một số khía cạnh sinh học thú vị khác của bản chất con người.

Tòa tháp trở thành phòng làm việc của ông có đề những dòng chữ bằng tiếng La-tinh và Hy Lạp, tất cả đều nói về tính chất dễ bị tổn thương của kiến thức con người. Tầm nhìn từ các cửa sổ của tòa tháp đều hướng ra những ngọn đồi xung quanh.

Chủ thể của Montaigne chính là bản thân ông, nhưng đây chủ yếu là phương tiện để hỗ trợ cho cuộc thảo luận; ông không giống như các vị giám đốc doanh nghiệp – những người viết tiểu sử để khoe khoang về thành tích của mình. Ông chỉ quan tâm đến việc khám phá những điều về chính mình, khiến cho chúng ta khám phá những điều về ông, và trình bày những vấn đề có thể khái quát hóa được – khái quát hóa cho cả loài người. Trong số những câu viết trong phòng làm việc của ông có một lời nhận xét của Terence – một thi sĩ La-tinh: Homo sum, humani a me nil alienum puto – Tôi là con người, và không có gì về con người mà tôi không biết.

Montaigne rất thích thú được đọc sách sau những căng thẳng của nền giáo dục hiện đại vì ông hoàn toàn chấp nhận những yếu điểm của con người và hiểu rằng không có một triết lý nào có thể tồn tại nếu không nhắc đến những thứ không hoàn hảo ăn sâu trong con người chúng ta, những giới hạn của sự đúng mực, những thiếu sót khiến chúng ta là con người. Không phải ông đi trước thời gian, mà nói đúng hơn là những học giả sau này (những người ủng hộ sự đúng mực) có xu hướng thụt lùi.

Ông là người hay suy nghĩ, và các ý tưởng của ông không bật ra trong phòng làm việc yên tĩnh mà ở trên lưng ngựa. Ông thường có những chuyến cưỡi ngựa đường dài và mang về những ý tưởng. Montaigne không phải là một trong số các viện sĩ của Sorbonne, cũng không phải người chuyên về chữ nghĩa, ông không phải những thứ này bởi hai lý do. Thứ nhất, ông là người thực hiện, một quan tòa địa phương, một thương gia, và là thị trưởng của Bordeaux trước khi về hưu để suy ngẫm về cuộc sống, và chủ yếu là về kiến thức của chính mình. Thứ hai, ông là người chống lại thuyết giáo điều: là người theo chủ nghĩa hoài nghi nhưng có sức hấp dẫn, là nhà văn có nội tâm khó nắm bắt, và quan trọng hơn hết, là người muốn được là người theo đúng truyền thống cổ điển vĩ đại đó. Nếu được sinh ra vào một thời điểm khác, hẳn ông đã là người theo chủ nghĩa hoài nghi thực nghiệm – ông có những xu hướng hoài nghi của chủ nghĩa hoài nghi Piro – một dạng chống lại thuyết giáo điều như Sextus Empiricus, đặc biệt trong nhận thức về sự cần thiết phải trì hoãn phán đoán.

Mọi người đều nghĩ về một xã hội không tưởng. Đối với nhiều người, nó có nghĩa là bình đẳng, công bằng, thoát khỏi sự áp bức, thoát khỏi công việc (đối với một số người, đó có thể là xã hội khiêm tốn hơn, dù càng khó đạt được hơn, với những chuyến tàu lửa không còn bóng dáng của những luật sư lúc nào cũng thao thao bất tuyệt trên điện thoại di động). Đối với tôi, xã hội không tưởng là một epistemcracy, một xã hội mà ở đó người có địa vị là một epistemocrat, và là nơi các epistemocrat, tìm mọi cách để được bầu chọn. Nó sẽ là một xã hội được chi phối bởi việc nhận biết về sự ngu dốt, chứ không phải nhận biết về kiến thức.

Than ôi, một người không thể khẳng định quyền lực bằng cách chấp nhận khả năng sai lầm của mình. Đơn giản là vì mọi người cần phải để kiến thức làm cho mình trở nên mù quáng – chúng ta được sinh ra là để tuân theo những nhà lãnh đạo – những người có thể tập hợp mọi người lại với nhau bởi việc đứng cùng các nhóm sẽ có lợi hơn việc đúng một mình. Sẽ có lợi cho chúng ta khi sai tập thể còn hơn đứng một mình. Những người nghe theo một kẻ ngu dốt đầy quả quyết thay vì một người uyên bác đầy nội tâm đã để lại cho chúng ta một vài trong số các gien di truyền của họ.

Đôi khi, bạn gặp phải những giống người có trí tuệ vượt trội đến mức họ có thể dễ dàng thay đổi suy nghĩ của bản thân.

Hãy lưu ý về sự bất cân xứng mang yếu tố Thiên Nga Đen dưới đây. Tôi tin rằng bạn có thể hoàn toàn chắc chắn về một số thứ, và nhất định phải như thế. Bạn có thể tự tin về phản chứng thực hơn chứng thực. Karl Popper bị buộc tội khuấy động sự thiếu tự tin nhưng lại viết với giọng điệu tự tin quá khích (một sự buộc tội mà đôi khi nhà văn này phải chịu bởi những người không theo lôgic về chủ nghĩa thực nghiệm hoài nghi của tôi). Thật may, chúng ta đã học được rất nhiều kể từ thời Montaigne về cách tiếp tục với lối hoài nghi thực nghiệm. Sự bất cân xứng mang yếu tố Thiên Nga Đen cho phép bạn tự tin về những gì không đúng, chứ không phải về những gì bạn tin là đúng. Có một lần, người ta hỏi Karl Popper liệu một người “có thể giả mạo sự giả mạo” không (hay nói cách khác, liệu một người có thể hoài nghi về chủ nghĩa hoài nghi không). Câu trả lời là ông đã đuổi cổ các sinh viên ra khỏi lớp học vì đã hỏi những câu hỏi thông minh hơn câu hỏi đó. Đúng là Ngài Karl!

Có một số chân lý chỉ gây ảnh hưởng đối với trẻ con – còn người lớn và những người không phải triết gia chỉ để tâm đến những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày và nhu cầu phải lo lắng về “các vấn đề nghiêm trọng”, vì thế họ bỏ qua những hiểu biết sâu sắc này để tập trung vào những vấn đề có liên quan hơn. Một trong những chân lý này có liên quan đến sự khác biệt lớn hơn về kết cấu và chất lượng giữa quá khứ và tương lai. Nhờ cả đời nghiên cứu về sự khác biệt này, tôi mới hiểu rõ hơn so với hồi bé, nhưng không còn hình dung về nó một cách đầy sống động nữa.

Cách duy nhất để bạn có thể hình dùng về một tương lai “giống” với quá khứ là hãy giả định rằng tương lai sẽ là một phác thảo chính xác của quá khứ, do đó mới có thể dự đoán được. Giống như việc biết chính xác khi nào bạn được sinh ra, thì bạn cũng sẽ biết chính xác khi nào mình chết.

Khái niệm về tương lai gắn liền với cơ may, chứ không phải sự mở rộng của định mệnh để bạn nhận thức về quá khứ, một hoạt động trí óc mà đầu óc của chúng ta không thể thực hiện được. Đối với chúng ta, cơ may quá mờ nhạt nên tự nó không thể là một phạm trù. Có một sự bất cân xứng giữa quá khứ và tương lai, và nó tinh vi đối mức chúng ta không thể nhận biết một cách tự nhiên được.

Hậu quả đầu tiên của sự bất cân xứng này là, trong suy nghĩ của con người, mối quan hệ giữa quá khứ và tương lai không phải được rút ra từ mối quan hệ giữa quá khứ và quá khứ trước đó nữa. Ở đây có một điểm mù khi nghĩ về ngày mai, chúng ta không giới hạn nó trong phạm vi những điều mình nghĩ về hôm qua hoặc ngày trước đó nữa. Do sai sót nội quan này mà chúng ta không thể học hỏi được từ sự khác biệt giữa các dự đoán quá khứ của mình và những kết quả xảy ra sau đó. Khi nghĩ về ngày mai, chúng ta chỉ đoán nó như một bản sao của hôm qua.

Điểm mù nhỏ này có nhiều ý nghĩa khác. Hãy đến khu động vật linh trưởng của sở thú Bronx Zoo, nơi bạn có thể nhìn thấy những họ hàng thân thuộc của mình đang sống trong một gia đình linh trưởng hạnh phúc với cuộc sống xã hội bận rộn. Bạn cũng có thể nhìn thấy đám đông du khách cứ cố nhạo những bức tranh biếm họa về con người mà loài linh trưởng thấp kém này thể hiện. Giờ đây, hãy tưởng tượng mình là thành viên của một loài vật cao cấp hơn (một triết gia “chân chính”, một người thông thái thật sự chẳng hạn), phức tạp hơn rất nhiều so với loài linh trưởng kia. Chắc chắn bạn sẽ cười nhạo những kẻ đang chế giễu loài linh trưởng này. Rõ ràng, đối với những người lấy loài khỉ hình người ra làm trò mua vui, thì ý tưởng về việc có một người sẽ coi thường họ đúng như cách họ coi thường khỉ hình người sẽ không xuất hiện ngay trong suy nghĩ của họ – nếu có, nó sẽ trở thành sự tự thương mình. Khi đó, họ sẽ không còn cười nhạo nữa.

Đồng thời, một yếu tố trong các cơ chế về cách thức mà trí óc con người học hỏi được từ quá khứ sẽ giúp chúng ta tin vào các giải pháp dứt khoát – tuy nhiên không xét đến việc những người đi trước chúng ta cũng nghĩ rằng họ cũng có các giải pháp dứt khoát. Chúng ta cười nhạo người khác và không nhận ra rằng một người nào đó cũng sẽ cười nhạo chúng ta vào một ngày không xa. Một sự nhận biết như thế sẽ dẫn đến lối suy nghĩ đệ quy, hay thứ cấp mà tôi đã đề cập ở Phần mở đầu; chúng ta không giỏi về điều đó.

Rào cản trí tuệ (để hiểu về tương lai) này chưa được các nhà tâm lý học điều tra và đánh dấu, nhưng có vẻ như nó giống với sự tự kỷ. Một số đối tượng tự kỷ không thể có trình độ cao về toán học và kỹ thuật. Kỹ năng xã hội của họ chứa đầy khuyết điểm, nhưng đó không phải là căn nguyên của vấn đề. Những người tự kỷ không thể tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, không thể nhìn nhận thế giới theo lập trường của mình. Họ nhìn nhận người khác như những đối tượng vô tri vô giác, như những cỗ máy được vận hành bởi các nguyên tắc riêng. Họ không thể thực hiện được chức năng tâm lý đơn giản kiểu như “anh ta biết rằng tôi không biết là mình biết”, và chính sự bất lực này đã ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội của họ. (Thật thú vị, bất chấp khả năng “trí tuệ” của mình, các đối tượng tự kỷ cũng thể hiện được sự bất lực trong việc hiểu về tính bất định).

Giống như sự tự kỷ được gọi là “sự mù tịt về trí óc”, chúng ta nên gọi sự mất khả năng tư duy sôi nổi, định vị bản thân trong tương lai là “sự mù tịt về tương lai”.

Tôi đã lục lại các tài liệu về khoa học nhận thức để tìm xem có công trình nghiên cứu nào nhắc đến “sự mù tịt về tương lai” không nhưng chẳng tìm thấy gì. Tuy nhiên, trong tài liệu về hạnh phúc, tôi đã tìm được một cuộc điều tra về các sai sót mà chúng ta hay lặp đi lặp lại trong việc dự đoán – điều khiến chúng ta hạnh phúc.

Sai sót dự đoán đó như sau. Bạn sắp mua một chiếc xe mới. Nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn, nâng cao địa vị của bạn, và giúp bạn có phương tiện đi nghỉ mát. Nó chạy êm đến mức không nghe thấy tiếng động cơ, vì thế bạn có thể thưởng thức những khúc dạo đầu của Rachmaninoff trên xa lộ. Chiếc xe mới này sẽ mang đến cho bạn trạng thái hưng phấn cao độ. Mọi người sẽ nghĩ “anh ta có chiếc xe thật tuyệt” mỗi khi nhìn thấy bạn. Tuy nhiên, bạn lại quên rằng, lần cuối cùng khi mua một chiếc xe, bạn cũng có những tâm trạng như thế. Bạn không dự đoán được rằng tác động tích cực của chiếc xe mới rốt cuộc cũng sẽ qua đi và rằng bạn sẽ quay trở lại trạng thái cũ như lần trước đó. Vài tuần sau, khi bạn lái xe ra khỏi phòng trưng bày xe, nó sẽ trở thành thứ tẻ nhạt. Nếu biết trước được điều này, hẳn bạn đã không mua nó.

Bạn sắp phạm một sai sót trong dự đoán mà mình đã từng mắc phải. Tuy nhiên, nó sẽ chẳng đáng giá bao nhiêu để bạn phải tự xem xét lại nội tâm. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu kiểu dự đoán sai này đối với cả các sự kiện vui lẫn các sự kiện không vui. Chúng ta đánh giá quá cao tác động của hai kiểu dự đoán về các sự kiện tương lai này đối với cuộc sống của mình. Có vẻ như chúng ta đang gặp khó khăn về tâm lý nên mới phải làm thế. Tình huống khó khăn này được Danny Kahneman gọi là “thỏa dụng tiên đoán” (anticipated utility) và Dan Gilbert gọi là “quá trình dự đoán theo cảm xúc”. Điểm này không hoàn toàn khẳng định rằng chúng ta có xu hướng dự đoán sai về niềm hạnh phúc tương lai của mình, mà đúng hơn là chúng ta không học được từ các trải nghiệm quá khứ theo cách đệ quy. Có bằng chứng cho thấy rằng rào cản trí tuệ và những bóp méo khiến chúng ta không thể học hỏi được gì từ sai sót của mình trong quá khứ để dự đoán các trạng thái cảm xúc trong tương lai.

Chúng ta đánh giá quá cao mức độ ảnh hưởng của sự bất hạnh lên cuộc sống của chính mình. Bạn cho rằng việc mất mát tài sản hoặc địa vị hiện có sẽ là điều vô cùng đau đớn, nhưng có lẽ bạn đã sai. Nói đúng hơn là bạn có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, vì bạn đã từng có thể làm được như thế sau những bất hạnh xảy ra trước đây. Bạn có thể cảm thấy lòng quặn đau, nhưng nó sẽ không tồi tệ như bạn tưởng. Kiểu dự đoán sai này có một mục đích: để tạo động lực cho chúng ta có những hành động quan trọng (như mua một chiếc xe mới hoặc cố gắng trở nên giàu có) đồng thời để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro không cần thiết. Và đó chính là một phần của một vấn đề mang tính tổng quát hơn: con người chúng ta cần phải ít nhiều tự lừa dối chính mình. Theo lý thuyết về sự tự lừa dối của Trivers, đây được coi là cách thuận lợi hướng chúng ta đến tương lai. Nhưng sự tự lừa dối không phải là một đặc điểm mong muốn bên ngoài giới hạn tự nhiên của nó. Nó giúp chúng ta tránh được những rủi ro không cần thiết – nhưng chúng ta đã thấy trong Chương 6 cách thức nó không sẵn sàng bao hàm một khối lượng lớn các rủi ro thời hiện đại – điều mà chúng ta không lo ngại bởi chúng không có sức ảnh hưởng lớn, như các rủi ro đầu tư, hiểm họa môi trường, hoặc chứng khoán dài hạn.

Nếu đang hoạt động như một nhà tiên tri, với việc mô tả tương lai của những người ít danh giá hơn, bạn sẽ được đánh giá dựa trên thành tích tiên đoán của mình.

Trong Thiên anh hùng ca Hy Lạp, Helenus là nhà tiên tri theo kiểu khác. Là con của vua Priam và hoàng hậu Hecuba, ông được xem là người thông minh, tài giỏi nhất trong đội quân Trojan. Khi bị tra tấn, chính ông là người nói cho người Hy Lạp về cách cướp thành Troy (hình như ông không đoán được là mình sẽ bị bắt). Nhưng đây không phải là điểm khiến ông trở nên khác biệt. Không giống như các nhà tiên tri khác, Helenus có thể dự đoán được quá khứ với độ chính xác rất lớn – mà không có bất kỳ một chi tiết gợi ý nào về nó.

Ông dự đoán theo hướng ngược về quá khứ.

Vấn đề ở chỗ là chúng ta không chỉ không biết về tương lai, mà còn không biết nhiều về quá khứ. Chúng ta rất cần những người như Helenus nếu muốn biết về lịch sử. Hãy xem bằng cách nào.

Hãy xem thí nghiệm tư duy sau được mượn từ hai người bạn của tôi, Aaron Brown và Paul Wilmott:

Tình huống 1 (viên đá đang tan chảy): Hãy tưởng tượng về một viên đá và xem cách nó có thể tan chảy trong hai giờ tới trong khi bạn chơi vài ván bài với bạn bè. Hãy cố tưởng tượng hình dáng của vũng nước mà viên đá đó tạo ra.

Tình huống 2 (nước từ đâu ra?): Hãy xem xét một vũng nước trên sàn. Bây giờ, hãy cố thiết lập lại trong mắt bạn hình dáng của viên đá đã từng có. Lưu ý rằng vũng nước đó không nhất thiết phải là kết quả của một viên đá.

Tình huống thứ hai khó hơn. Helenus thực sự phải có nhiều kỹ năng.

Sự khác nhau giữa hai quá trình này như sau. Nếu có hai mô hình đúng (và một ít thời gian, và không biết làm gì hơn), bạn có thể dự đoán với độ chính xác rất lớn về cách tan chảy của viên đá đó – đây là một bài toán ứng dụng cụ thể không có gì phức tạp, đơn giản hơn cả bài toán về những quả bóng bi-a. Tuy nhiên, từ hình dáng vũng nước đó, bạn hoàn toàn không thể nào xây dựng lại hình ảnh của những viên đá, cho dù trên thực tế đã từng có viên đá đó.

Tình huống thứ nhất, từ viên đá đến vũng nước, được gọi là quá trình tiến về phía trước. Còn tình huống thứ hai, quá trình lùi về phía sau, thì phức tạp hơn rất, rất nhiều. Quá trình tiến về phía trước thường được sử dụng trong vật lý và ứng dụng kỹ thuật; còn quá trình lùi về phía sau là cách tiếp cận lịch sử phi thực nghiệm và không thể lặp lại được.

Trong một phương diện nào đó, nếu không thể phục hồi trạng thái ban đầu của một quả trứng rán thì chúng ta cũng không thể cơ cấu ngược lịch sử được.

Bây giờ, tôi sẽ tăng thêm độ phức tạp của bài toán tiến về trước-ngược về sau này bằng cách giả sử về tính chất phi tuyến tính. Lấy ví dụ về hệ biến hóa được gọi chung là “hiệu ứng cánh bướm ở Ấn Độ” từ phần thảo luận về khám phá của Lorenz ở chương trước. Như chúng ta thấy, chỉ cần bổ sung một yếu tố nhỏ vào một hệ thống phức tạp sẽ dẫn đến những kết quả lớn không hề ngẫu nhiên chút nào, tùy vào những điều kiện rất đặc biệt. Một con bướm vỗ cánh ở New Delhi có thể gây ra bão lớn ở Bắc Carolina, mặc dù có thể đến vài năm sau cơn bão mới xảy ra. Tuy nhiên, nếu dựa trên quan sát về một cơn bão ở Bắc Caroline, bạn không thể nào đoán chính xác được nguyên nhân của nó: có hàng tỷ tỷ những thứ nhỏ nhặt có thể gây ra điều đó như việc bướm đập cánh ở Timbuktu hay chó rừng hắt hơi ở Úc. Quá trình dự đoán từ việc bướm đập cánh đến cơn bão đơn giản hơn rất nhiều so với quá trình ngược lại từ cơn bão đến hiện tượng bướm đập cánh.

Sự hỗn loạn giữa hai quá trình này đang lan rộng một cách khủng khiếp trong văn hóa đại chúng. Hình ảnh ẩn dụ của “cánh bướm ở Ấn Độ” đã đánh lừa ít nhất một nhà làm phim. Ví dụ, Happenstance (hay còn gọi là Cú vỗ cánh của một con bướm), một bộ phim Pháp do Laurent Firode thực hiện nhằm mục đích khuyến khích con người chú ý đến những điều nhỏ nhặt có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Vì một chi tiết nhỏ nhặt (ví dụ như một cánh hoa rơi trên sàn làm bạn chú ý) có thể khiến bạn chọn người này thay vì người khác để kết hôn, bạn cần phải chú ý đến những chi tiết rất nhỏ nhặt này. Có hàng tỷ tỷ những điều nhỏ nhặt như thế diễn ra trong ngày, còn chúng ta thì không tài nào kiểm tra được hết tất cả những điều đó.

Hãy sử dụng máy tính cá nhân. Bạn có thể dùng chương trình bảng tính spreadsheet để tạo ra một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên, một chuỗi các điểm mà chúng ta gọi là lịch sử. Bằng cách nào? Chương trình máy tính này sẽ phản ứng với một phương trình rất phức tạp về một trạng thái phi tuyến tính tạo ra những con số có vẻ như ngẫu nhiên. Phương trình đó rất đơn giản: nếu biết về nó thì bạn có thể dự đoán được chuỗi sự kiện đó. Tuy nhiên, con người hầu như không thể nào có thể cơ cấu ngược phương trình đó và dự đoán được các chuỗi sự kiện xa hơn nữa. Tôi đang nói về một chương trình máy tính đơn giản (hay còn gọi là “bản đồ cắm trại”) tạo ra một số các điểm dữ liệu (data points), chứ không nói về hàng tỷ các sự kiện xảy ra đồng thời hình thành nên lịch sử có thật của thế giới. Nói cách khác, ngay cả khi lịch sử là một chuỗi các sự kiện không ngẫu nhiên được tạo ra bởi “phương trình nào đó của thế giới”, với điều kiện là việc cơ cấu ngược một phương trình như thế không thuộc phạm vi khả năng của con người, thì nó dường như cũng trở nên ngẫu nhiên và không mang tên gọi “sự hỗn loạn của định mệnh”. Các sử gia nên tránh xa thuyết hỗn mang và những khó khăn của việc cơ cấu ngược, ngoại trừ để thảo luận các thuộc tính chung của thế giới và biết được giới hạn của những gì mà chúng ta không biết.

Điều này đưa tôi đến một bài toán lớn hơn về mánh khóe của sử gia. Tôi sẽ trình bày bài toán thực tiễn cơ bản như sau: mặc dù về lý thuyết, tính ngẫu nhiên là một thuộc tính bên trong, nhưng trên thực tế, là thông tin không đầy đủ, mà tôi gọi là sự mờ đục ở Chương 1.

Những người không thực hành tính ngẫu nhiên sẽ không hiểu được sự huyền ảo này. Trong các hội thảo, khi nghe tôi nói về sự bất định và ngẫu nhiên, các triết gia, và đôi khi có cả các nhà toán học, thường khiến tôi phát bực vì một điểm ít liên quan nhất, đó là liệu sự ngẫu nhiên mà tôi nói đến có phải là “ngẫu nhiên thực sự” hay chỉ là “sự hỗn loạn của định mệnh” đội lốt sự ngẫu nhiên. Trên thực tế, một hệ thống ngẫu nhiên thật sự sẽ mang tính ngẫu nhiên và không chứa đựng các thuộc tính có thể dự đoán được. Còn một hệ thống hỗn loạn có các thuộc tính hoàn toàn có thể dự đoán được, nhưng cũng khó biết. Vì thế, tôi trả lời họ theo hai cách.

a)      Trên thực tế, không có chức năng khác biệt nào giữa hai quá trình này vì chúng ta sẽ không bao giờ phân biệt được – sự khác biệt đó là về toán học, chứ không phải thực tiễn. Nếu nhìn thấy một phụ nữ mang thai, đối với tôi, giới tính của đứa bé là một vấn đề ngẫu nhiên thuần túy (cơ hội là 50-50 cho cả bé trai lẫn bé gái) – nhưng điều này không xảy ra đối với bác sĩ của cô ấy – người có lẽ đã tiến hành siêu âm cho cô ấy. Trên thực tế, sự ngẫu nhiên về cơ bản là thông tin không đầy đủ.

b)      Chỉ có một thực tế là nếu một người đang nói về sự khác biệt, có nghĩa là anh ta không bao giờ đưa ra được một quyết định có ý nghĩa trong tình huống bất định – điều này lý giải vì sao anh ta không nhận ra rằng trên thực tế chúng hoàn toàn không thể phân biệt được.

Tóm lại, sự ngẫu nhiên chỉ là một quy trình phản kiến thức. Thế giới là thứ mờ ảo và chúng ta bị đanh lừa bởi vẻ bề ngoài.

Một nhận xét cuối cùng về lịch sử.

Lịch sử giống như một viện bảo tàng, nơi người ta có thể đến xem những hiện vật của quá khứ, và thưởng thức vẻ quyến rũ của những ngày xa xưa. Nó là chiếc gương kỳ diệu mà chúng ta có thể nhìn thấy những câu chuyện của chính mình trong đó. Thậm chí bạn có thể truy hồi quá khứ bằng cách phân tích ADN. Tôi là người yêu thích lịch sử văn học. Lịch sử cổ đại giúp tôi thỏa mãn khát vọng được viết nên câu chuyện của chính mình, đặc điểm nhận diện bản thân và gắn kết nó với nguồn gốc Đông Địa Trung Hải (phức tạp) của mình. Thậm chí tôi còn thích nội dung ghi chép của những cuốn sách xưa, mà rõ ràng là thiếu chính xác hơn so với những cuốn sách thời nay. Trong số những tác giả từng đọc (cách hiệu quả nhất để kiểm chứng bạn có thích một tác giả nào đó hay không là tính xem số lần bạn đọc lại tác phẩm của ông ta), tôi còn nhớ những tên tuổi như Plutarch, Livy, Suetonius, Diodorus Siculus, Gibbon, Carlyle, Renan, và Michelet. Rõ ràng, những nội dung ghi chép này không đạt chuẩn so với các tác phẩm ngày nay; chúng chủ yếu mang tính giai thoại và đầy những chuyện hoang đường. Nhưng tôi biết điều đó.

Lịch sử tạo cho ta sự hứng thú để biết về quá khứ, và (quả thực) là tạo ra lối trần thuật, miễn sao đó là lối trần thuật vô hại. Con người cần phải học hỏi một cách hết sức thận trọng. Rõ ràng, lịch sử không phải là nơi để tạo ra lý thuyết hay rút ra kiến thức tổng quát, và cũng không phải là thứ giúp ích cho tương lai. Vì nếu không thận trọng, chúng ta có thể nhận lấy sự khẳng định tiêu cực từ lịch sử (những thứ vô giá trị) và đồng thời kèm theo đó là vô số những ảo tưởng về kiến thức.

Điều này một lần nữa đưa tôi trở lại với Menodotus và việc xử lý bài toán con gà tây cũng như cách để không trở thành một gã khờ trong việc hiểu về quá khứ. Cách tiếp cận của vị bác sĩ thực nghiệm đối với phương pháp quy nạp là biết về lịch sử mà không cần rút ra lý thuyết từ nó. Hãy học cách đọc lịch sử, có được tất cả những thông tin mà bạn có thể đạt được, đừng cau mày với những chuyện vặt, cũng đừng rút ra bất kỳ mối liên kết nào, đừng có cơ cấu ngược quá nhiều – nhưng nếu có làm được như thế thì cũng đừng đưa ra những tuyên bố khoa học nào to tát. Hãy nhớ rằng những người theo chủ nghĩa hoài nghi thực nghiệm là người tôn trọng truyền thống: họ dùng nó như một mặc định, một điểm xuất phát để hành động và không gì ngoài mục đích đó. Cách tiếp cận sạch sẽ với quá khứ này được gọi là epilogism. 56

Nhưng hầu hết các sử gia đều nghĩ khác. Hãy xem xét nội quan tiêu biểu: Lịch sử là gì? của Edward Hallett Carr. Bạn sẽ thấy rõ ông ta đang theo đuổi thuyết nhân quả như công việc trọng tâm của mình. Thậm chí bạn có thể tìm hiểu ở mức cao hơn: Herodotus, dường như là cha đẻ của chủ đề này, đã khẳng định mục đích của ông trong phần mở đầu tác phẩm của mình như sau:

“Để duy trì trí nhớ về những việc làm của người Hy Lạp và những người man rợ, và đặc biệt trên hết là để tạo ra nguyên nhân [tôi xin nhấn mạnh] của việc họ đánh giết nhau.”

Bạn sẽ nhìn thấy điều này ở tất cả các lý thuyết gia về lịch sử, dù đó là Ibn Khaldoun, Marx, hay Hegel. Nếu càng tìm cách biến lịch sử thành điều gì đó khác với một bảng liệt kê các ghi chép để có được chút lý thuyết cỏn con, chúng ta sẽ càng gặp rắc rối. Liệu chúng ta có quá bị ảnh hưởng bởi lối liên tưởng ngụy biện không? 57

Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi một thế hệ các nhà sử học hoài nghi thực nghiệm có khả năng hiểu được sự khác nhau giữa một quá trình hướng về phía trước và một quá trình ngược lại.

Giống như Popper tấn công những người theo chủ nghĩa lịch sử khi họ đưa ra tuyên bố về tương lai, tôi cũng chỉ trình bày về yếu điểm của phương pháp tiếp cận mang tính lịch sử để hiểu về chính quá khứ đó.

Sau phần thảo luận về sự mù tịt về tương lai (và quá khứ) này, chúng ta hãy cùng xem cần làm gì về điều đó. Rõ ràng là có nhiều biện pháp vô cùng thực tiễn mà chúng ta có thể thực hiện. Chúng ta cũng khám phá điều này ở phần tiếp theo.

Chọn tập
Bình luận