Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 3: Kẻ Đầu Cơ Và Gái Điếm

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

VỀ SỰ KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG GIỮA MỘT KẺ ĐẦU CƠ VÀ GÁI ĐIẾM ■ SỰ CÔNG BẰNG, BẤT CÔNG VÀ NHỮNG HIỆN TƯỢNG THIÊN NGA ĐEN ■ NGUYÊN LÝ VỀ KIẾN THỨC VÀ THU NHẬP CỦA TỪNG NGHỀ ■ VÌ SAO KHÔNG NÊN ĐẾN THĂM EXTREMISTAN, CÓ LẼ TRỪ KHI BẠN LÀ NGƯỜI THẮNG CUỘC

Sự thăng tiến của Yevgenia từ cấp bậc hạng hai lên hàng siêu sao chỉ xảy ra trong một môi trường duy nhất, nơi tôi gọi là Extremistan. 12 Ngay sau đây, tôi sẽ giới thiệu sự khác biệt chủ yếu giữa tỉnh Extremistan, nơi sản sinh ra Thiên Nga Đen và một tỉnh nhạt nhẽo, tĩnh lặng và quanh năm suốt tháng không có sự kiện nào quan trọng của vùng Mediocristan.

Khi lục tìm trong trí nhớ tất cả “lời khuyên” mà mình từng nhận được, tôi thấy rằng chỉ có một vài ý tưởng theo mình suốt cuộc đời. Những lời khuyên còn lại chỉ đơn thuần là các câu chữ mà tôi cảm thấy mừng vì đã bỏ qua gần hết. Hầu hết đều là những gợi ý đại loại như “hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, điều hoàn toàn trái ngược với Thiên Nga Đen, bởi thực tế được trải nghiệm thì không “đo lường” được và phiên bản về “tính hợp lý” của nó lại không tuân theo định nghĩa của những học giả xa xưa mà vốn hiểu biết chỉ dừng ở mức độ vừa phải. Trải nghiệm thực sự nghĩa là phản ánh thực tế một cách trung thực nhất; còn xứng đáng nghĩa là không sợ sự xuất hiện và hậu quả của việc trở nên kỳ quặc. Lần tới, nếu ai đó quấy rầy bạn với những lời khuyên không cần thiết, hãy lịch sự gợi cho anh ta nhớ đến số phận của nhà sư, người đã bị Ivan Bạo chúa giết chết vì đưa ra những lời khuyên không được chào đón (và có tính dạy đời). Lời khuyên chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Nhìn lại quá khứ, lời khuyên quan trọng nhất mà tôi nhận được không có gì tốt đẹp, nhưng ngược đời thay, nó lại là lời khuyên có ý nghĩa nhất vì đã khiến tôi tìm hiểu sâu hơn về động lực của Thiên Nga Đen. Nó diễn ra vào một buổi chiều tháng Hai, năm tôi hai mươi hai tuổi, tại hành lang của tòa nhà số 3400 Phố Walnut ở Philadelphia. Một sinh viên năm thứ hai trường Wharton đã khuyên tôi hãy kiếm một nghề gì đó “có tính thang bậc”, một nghề mà người ta không trả lương cho bạn theo giờ và vì thế, buộc phải tuân theo những giới hạn về lượng công việc của bạn. Đó là một cách rất đơn giản để phân biệt các dạng nghề nghiệp, và cũng từ đó có thể khái quát hóa sự khác nhau giữa các loại biến cố bất định – và nó cũng đưa tôi đến một bài toán lớn của triết học, bài toán về phương pháp quy nạp, tên chuyên môn của Thiên Nga Đen. Nó giúp tôi thay đổi Thiên Nga Đen từ một ngõ cụt lôgic thành một giải pháp dễ thực thi, và, như chúng ta sẽ thấy trong những chương sau, nhằm nuôi dưỡng nó trên nền trải nghiệm thực tế.

Làm sao một lời khuyên nghề nghiệp lại dẫn đến những ý tưởng như thế về bản chất của tính bất định? Với các nghề như nha sĩ, tư vấn viên hay nhân viên mát-xa thì không có chuyện thăng tiến theo thang bậc: thu nhập trên số lượng bệnh nhân hay khách hàng mà họ tiếp xúc trong một khoảng thời gian nhất định dường như không đổi. Còn đối với gái điếm, họ hoạt động theo giờ và (thường) được trả công theo giờ. Hơn nữa, (theo tôi) hình thức cũng là điều kiện cần thiết cho dịch vụ mà bạn cung cấp. Nếu định mở một nhà hàng đẹp mắt, tốt hơn hết bạn nên trang trí hài hòa khắp các căn phòng (trừ phi bạn thực hiện việc nhượng quyền cửa hàng đó). Với những nghề này, dù mức lương được trả có cao cỡ nào thì thu nhập vẫn theo quy luật trọng trường. Mức thu nhập sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực không ngừng của bạn nhiều hơn so với chất lượng của các quyết định mà bạn đưa ra. Hơn nữa, các loại công việc này rất dễ dự đoán: nó sẽ thay đổi nhưng không đến mức làm cho thu nhập trong một ngày của bạn có thể nhiều hơn thu nhập mà bạn kiếm được trong suốt quãng đời còn lại. Nói cách khác, nó không bị chi phối bởi yếu tố Thiên Nga Đen. Yevgenia Nikolayevna hẳn đã không thể vượt qua hố sâu ngăn cách giữa một kẻ “chiếu dưới” và một người quyền uy tối thượng chỉ sau một đêm nếu cô ta là một kế toán thuế hay chuyên gia về chứng sa ruột (mà lẽ ra cô ta cũng không nên là một kẻ “chiếu dưới”).

Những nghề nghiệp khác cho phép bạn bổ sung thêm nhiều số 0 vào thu nhập của mình, mà nếu làm tốt, sẽ không cần phải tốn thêm nhiều công sức. Tôi đang lười biếng, xem lười biếng là một tài sản, và sẵn sàng sử dụng tối đa khoảng thời gian trống trong ngày để suy ngẫm và đọc sách, ngay lập tức tôi rút ra một kết luận (một cách sai lầm). Tôi tách mẫu người của “ý tưởng” – người bán sản phẩm tri thức ở dạng một giao dịch hay một công việc ra khỏi mẫu người “lao động” – người chỉ bán sức lao động.

Nếu thuộc mẫu người ý tưởng, bạn không cần phải làm việc nặng nhọc mà chỉ phải tư duy thật nhiều. Và cho dù có làm ra hàng trăm hay hàng nghìn đơn vị sản phẩm thì công việc mà bạn cần làm đều như nhau. Trong lĩnh vực kinh doanh quant, khi mua một trăm, một trăm ngàn hay thậm chí một triệu cổ phiếu, bạn sẽ thấy rằng khối lượng công việc không có gì khác nhau – vẫn chỉ một cú điện thoại, một phép toán, một văn bản pháp lý, một số lượng tế bào não bị tiêu hao, một nỗ lực để thẩm tra độ chính xác của giao dịch. Hơn nữa, bạn có thể làm việc trong bồn tắm hay tại một quán bar ở Rome. Bạn có thể dùng tác dụng đòn bẩy để thay thế cho công việc! Ừ, thì tôi thừa nhận mình có chút sai sót khi nói về giao dịch: một người không thể thực hiện giao dịch trong bồn tắm, nhưng một khi được hoàn thành tốt, công việc này sẽ cho bạn một khoảng thời gian rảnh rỗi đáng kể.

Nghề ca sĩ và diễn viên điện ảnh cũng mang thuộc tính tương tự phần việc thường được giao cho các kỹ sư âm thanh và người điều khiển máy chiếu; người nghệ sĩ không cần thiết phải tham gia tất cả các buổi diễn. Tương tự, dù chinh phục một hay hàng trăm triệu độc giả thì công sức mà nhà văn dành cho tác phẩm của mình đều như nhau. J. K. Rowling, tác giả của Harry Porter đâu cần phải viết lại từng cuốn sách mỗi khi có ai đó muốn đọc tác phẩm. Nhưng với người làm bánh thì khác, anh ta phải nướng từng chiếc để làm hài lòng từng khách hàng tiếp theo.

Chính vì thế, sự khác nhau giữa người thợ làm bánh và nhà văn, kẻ đầu cơ và bác sĩ, kẻ lừa đảo và gái điếm là phương pháp hiệu quả để xem xét thế giới của sự vận động. Nó phân biệt những nghề cho phép người ta bổ sung thêm nhiều con số 0 vào nguồn thu nhập mà chẳng cần tốn nhiều công sức với những nghề phải luôn đầu tư nhiều thời gian và công sức (cả hai đều có nguồn cung hạn chế) – hay nói cách khác, đó là những nghề tuân theo quy luật trọng trường.

Nhưng tại sao lời khuyên từ người đồng môn của tôi lại là tệ hại?

Nếu có ích, mà thực tế điều này là đúng, trong việc phân thứ hạng các yếu tố bất định và kiến thức thì lời khuyên ấy là một sai lầm cho dù bạn chọn nghề nghiệp nào đi chăng nữa. Lẽ ra lời khuyên ấy đã khiến tôi trả giá nhưng do may mắn và tình cờ dừng lại “đúng chỗ đúng lúc”. Nếu phải đưa ra lời khuyên cho một ai đó, tôi sẽ gợi ý về một nghề không có tính thang bậc. Một nghề có tính thang bậc đủ là lựa chọn tốt khi bạn thành công bởi chúng tạo ra nhiều bất công lớn, có tính cạnh tranh và ngẫu nhiên cao hơn bất kỳ nghề nào khác với độ chênh lệch lớn giữa công sức và sự tưởng thưởng – một vài người chiếm được miếng to của chiếc bánh trong khi những người khác bị gạt ra ngoài dù bản thân không mắc lỗi gì.

Một danh mục nghề khác thì lại bị điều khiển bởi những thứ tầm thường, trung bình và ôn hòa, trong đó, những thứ tầm thường đều có ý nghĩa. Danh mục khác có cả người khổng lồ lẫn những chú lùn – hay chính xác hơn, rất ít người khổng lồ và rất nhiều chú lùn.

Chúng ta hãy tìm hiểu điều gì đằng sau sự hình thành của những gã khổng lồ không mong đợi – sự hình thành của Thiên Nga Đen.

Phát minh ra tính thang bậc

Chúng ta thử xem xét vận mệnh của Giaccomo, một ca sĩ opera vào cuối thế kỷ 19, khi máy thu âm chưa được phát minh. Nghe nói anh ta hát ở một thị trấn nhỏ xa xôi ở miền Trung nước Ý, thoát khỏi những kẻ tự kỷ trung tâm ở La Scala, Milan và những nhà hát opera lớn khác. Anh ta cảm thấy an toàn bởi đâu đó trong cái thị trấn nhỏ này, người ta vẫn luôn cần đến giọng hát của mình. Anh ta không đời nào “xuất khẩu” giọng hát của mình, còn những ngôi sao hạng nặng thì cũng đừng hòng chịu đến cái thị trấn này nên không có gì làm ảnh hưởng đến công việc của anh ta. Tuy nhiên, Giaccomo vẫn chưa có cách nào ghi âm lại tác phẩm của mình, chính vì thế, người ta cần sự hiện diện của anh ở khắp mọi nơi giống như ngày nay người ta luôn (và vẫn) cần thợ cắt tóc cho công việc cắt tóc. Vì thế, dù xét về mặt tổng thể, cái bánh vẫn được chia không đều, nhưng không đáng kể, điều này khá giống quá trình tiêu thụ calorie của bạn. Miếng bánh được cắt ra làm nhiều mảnh và ai cũng có phần; ngôi sao danh tiếng có lượng khán giả lớn hơn và nhận được nhiều lời mời hơn những người chưa có tên tuổi, nhưng cũng đừng quá lo lắng về điều này. Sự bất công luôn tồn tại, nhưng chúng ta hãy gọi nó là ôn hòa. Không hề có tính thang bậc ở đây, lượng khán giả không tự nhiên mà tăng theo tính bậc thang, không có cách nào làm tăng lượng khán giả thực sự lên gấp đôi trừ khi phải nỗ lực hát bằng hai lần bình thường.

Và bây giờ, chúng ta hãy phân tích ảnh hưởng của sự kiện con người lần đầu tiên tìm ra phương pháp thu âm, một phát minh đã mang đến rất nhiều bất công. Việc chúng ta có khả năng sao chép và phát đi phát lại những tác phẩm âm nhạc cho phép tôi thưởng thức hàng giờ nhạc nền. Những khúc dạo đầu của Rachmaninoff của nghệ sĩ piano Vladimir Horowitz (quá cố) trên máy tính xách tay của mình thay vì xem biểu diễn của một nhạc sĩ người Nga tha hương (vẫn còn sống) – người giờ đây phải kiếm sống bằng việc dạy đàn cho đám trẻ không có năng khiếu. Dù đá chết nhưng Horowitz vẫn khiến ông nhạc sĩ nghèo kia phải từ bỏ âm nhạc. Tôi thà mua một đĩa nhạc của Vladimir Horowitz hay Arthur Rubinstein với giá 10,99 đô-la chứ nhất định không chịu bỏ ra 9,99 đô-la để mua tác phẩm của một nhạc sĩ vô danh (dù cũng rất tài năng) tốt nghiệp từ Juilliard School hay Nhạc viện Prague. Nếu được hỏi vì sao lại chọn Horowitz, tôi sẽ trả lời rằng đó là do trình tự, nhạc điệu hay cảm xúc mạnh mẽ, trong khi thật ra cũng có khối người chơi hay không kém mà tôi chưa từng nghe và sẽ không bao giờ nghe nói đến – những người không đưa tác phẩm của mình lên sân khấu.

Theo mạch lôgic mà tôi vừa trình bày, một số người ngây thơ tin rằng bất công khởi nguồn từ máy hát. Tôi không đồng ý. Tôi tin rằng quá trình sinh ra sự bất công ấy xuất hiện sớm hơn rất nhiều, từ ADN, nơi lưu trữ thông tin về bản thân mỗi người và cho phép chúng ta lặp lại phong cách biểu diễn của mình mà không cần phải hiện diện, gen của bạn truyền cho những thế hệ sau để thực thi điều đó. Quá trình tiến hóa có tính thang bậc: ADN nào chiến thắng (dù do may mắn hay nhờ lợi thế sinh tồn) thì ADN đó sẽ tự nhân bản – giống như một cuốn sách bán chạy hoặc một đĩa ghi âm thành công – và trở nên tràn ngập. Những ADN khác sẽ biến mất. Chỉ cần xem xét sự khác biệt giữa loài người chúng ta (ngoại trừ các nhà kinh tế học tài chính và doanh nhân) và các sinh vật sống trên hành tinh này thì rõ.

Hơn nữa, tôi tin rằng sự chuyển biến to lớn trong đời sống xã hội không thể bắt đầu với chiếc máy hát được, mà là khi ai đó có một ý tưởng vĩ đại nhưng bất công, phát minh ra hệ thống chữ cái, từ đó cho phép chúng ta lưu trữ thông tin và nhân bản chúng. Bất công càng gia tăng khi một nhà phát minh khác bắt đầu triển khai ý tưởng nguy hiểm và tội lỗi của mình – thành lập một tờ báo in để đưa các mẩu tin vượt khỏi biên giới các nước và khởi sự cho cái sau này trở thành một môi trường sinh thái, nơi kẻ chiến thắng sẽ lấy đi tất cả. Vậy giờ đây, có gì không đúng khi phổ biến các cuốn sách? Hệ thống chữ cái cho phép người ta sao chép lại các câu chuyện và ý tưởng với độ chính xác cao cùng không giới hạn, và cũng không phải tốn thêm công sức làm việc với tác giả cuốn sách trong những lần xuất bản tiếp theo. Tác giả không nhất thiết phải còn sống thì sách mới xuất bản được, thậm chí chết đi lại càng tốt cho sự nghiệp của anh ta. Điều này có nghĩa là, vì một số lý do nào đó, những người bắt đầu được công chúng chú ý đến sẽ có thể tiếp cận giới trí thức nhanh hơn người khác và cuốn sách của họ sẽ đánh bật các đối thủ ra khỏi kệ sách. Vào thời của những nhà thơ, những người hát rong (khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13), ai cũng có khán giả của mình. Giống như thợ nướng bánh hay thợ đúc đồng, người kể chuyện cũng có thị trường riêng và luôn an tâm rằng không một kẻ cha vơ chú váo ngụ cư nào đó có thể đuổi anh ta ra khỏi lãnh địa của mình. Còn ngày nay, một số ít gần như có tất cả; trong khi số còn lại hầu như chẳng có gì.

Cùng cơ chế ấy, việc phát minh ra rạp chiếu phim đã thay thế các diễn viên địa phương, đẩy những anh chàng nhỏ bé đến chỗ thất nghiệp. Nhưng có một sự khác biệt. Với những nghề có tính chuyên biệt như nghệ sĩ piano hay bác sĩ phẫu thuật não, chúng ta có thể dễ dàng đánh giá tài năng của họ, trong đó ý kiến chủ quan đóng vai trò khá nhỏ. Bất công xảy đến khi một người, vốn chỉ nổi trội hơn người khác đôi chút, lại được hưởng trọn cái bánh.

Trong lĩnh vực nghệ thuật – chẳng hạn như điện ảnh – mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều. Mỹ từ “tài năng” thường được chúng ta trao cho những kẻ thành công chứ không phải ngược lại. Chủ nghĩa kinh nghiệm có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề này, đáng chú ý nhất là Art De Vany, một nhà tư tưởng độc đảo và sâu sắc chuyên nghiên cứu tính bất định bừa bãi trong các bộ phim. Đáng buồn thay, theo ông, đa số những gì chúng ta cho là kỹ năng lại là sự quy kết sau khi sự việc đã xảy ra. Ông khẳng định chính bộ phim đã làm nên diễn viên và một khối lượng lớn may mắn phi tuyến tính đã làm nên bộ phim.

Thành công của các bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào các mức độ lây nhiễm. Sự lây nhiễm này không chỉ tác động đến các bộ phim mà dường như còn ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm văn hóa khác. Chúng ta thấy khó chấp nhận chuyện công chúng không yêu các tác phẩm nghệ thuật không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn nhằm có được cảm giác rằng họ thuộc về một cộng đồng nào đó. Bằng cách bắt chước, chúng ta trở nên thân thiết với người khác hơn – mà những người này cũng chuyên đi bắt chước. Đây là hình thức chống lại trạng thái cô độc.

Bài tranh luận này cho thấy khó khăn trong việc dự đoán kết quả trong môi trường thành công tập trung. Vì thế, lúc này, hãy ghi nhớ một điều rằng sự khác biệt giữa các nghề nghiệp có thể được sử dụng để giúp chúng ta tìm hiểu về sự khác biệt giữa các biến cố ngẫu nhiên. Chúng ta hãy đi sâu vào vấn đề của tri thức, của sự suy luận về những điều chưa biết và thuộc tính của những cái đã biết.

Bất cứ khi nào nghe một người châu Âu trình độ vừa phải, khinh khỉnh (và chán nản) thuyết trình một cách rập khuôn về người Mỹ, bạn sẽ thấy ông ta thường mô tả họ bằng các cụm từ “văn hóa thấp”, “không có kiến thức” và “dốt toán”, bởi vì, khác với những đồng nghiệp châu Âu, người Mỹ không bắt buộc phải chuyên sâu về các bài tập phương trình và những cấu trúc mà các “học giả vừa phải” ấy gọi là “văn hóa cao” – giống như kiến thức từ chuyến đi đầy cảm hứng (và trọng tâm) đến nước Ý của Goethe, hay hiểu biết sâu sắc về trường hội họa Delft. Tuy nhiên, người đưa ra các phát ngôn này rất có khả năng đang nghiện dùng iPod, mặc quần jean xanh, xài chương trình Microsoft Word để ghi lại những tuyên bố “đầy tính văn hóa” trên máy tính của mình, thi thoảng lang thang trên Google để tìm kiếm thông tin cho bài luận văn. Quả nhiên, sự sáng tạo của nước Mỹ hiện đang lớn hơn rất, rất nhiều so với quốc gia của những người thích thăm thú bảo tàng và giải phương trình. Đất nước này cũng bao dung hơn rất nhiều đối với hành động vá lỗi từ dưới lên và phương pháp thử sai. Và quá trình toàn cầu hóa đã cho phép nước Mỹ tập trung chuyên môn vào khía cạnh sáng tạo của mọi việc, vào quá trình sản sinh ra các quan niệm và ý tưởng, nghĩa là phần có tính thang bậc của sản phẩm và, theo xu hướng ngày càng tăng, xuất khẩu việc làm ra nước ngoài, tách những thành phần có tính thang bậc thấp hơn và chuyển giao chúng cho những ai muốn được trả lương theo giờ. Tiền trả cho người thiết kế đôi giày luôn cao hơn rất nhiều so với thù lao của người sản xuất: Nike, Dell và Boeing kiếm được tiền chỉ nhờ vào công việc tư duy, tổ chức và cung cấp những bí quyết cùng ý tưởng trong khi công việc nặng nhọc nhàm chán sẽ được giao cho nhà máy ở các quốc gia đang phát triển; còn kỹ sư ở những nước có truyền thống học tập và giỏi toán thì đảm nhận các công việc kỹ thuật chẳng có gì sáng tạo. Nền kinh tế Mỹ đã phát triển chủ yếu nhờ vào việc tạo ra ý tưởng – điều giải thích lý do vì sao việc mất đi công việc sản xuất gia công lại gắn liền với sự gia tăng chất lượng cuộc sống. Rõ ràng, trở ngại của nền kinh tế thế giới, nơi phần thưởng luôn dành cho các ý tưởng, chính là sự bất công ngày càng cao giữa những người tạo ra ý tưởng trong bối cảnh vai trò của cơ hội và may mắn ngày càng lớn – tuy nhiên, tôi để dành phần tranh luận về kinh tế xã hội cho Phần 3 và ở đây chỉ tập trung nói về kiến thức.

Khác biệt giữa tính thang bậc/phi thang bậc cho phép chúng ta phân biệt rõ hai biến thể của những điều không chắn chắn, hai loại ngẫu nhiên.

Hãy tham gia thí nghiệm tư duy sau. Giả sử bạn tập hợp được một ngàn người ngẫu nhiên và sắp họ đứng cạnh nhau trong một sân vận động. Bạn có thể mời cả người Pháp (nhưng làm ơn, đừng quá nhiều, hãy dành chỗ cho các nhóm khác), thành viên thuộc băng nhóm mafia, không thuộc mafia và những người ăn chay.

Hãy tưởng tượng ra một người nặng nhất mà bạn có thể nghĩ đến và bổ sung anh ta vào danh sách trên. Giả sử anh ta nặng gấp ba lần người thường, vào khoảng 400, 500 pound gì đó, như vậy, trọng lượng của anh ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ (trong ví dụ này chỉ khoảng 0,5%).

Bạn có thể quyết liệt hơn. Hãy chọn một người nặng nhất có thể về mặt sinh học trên hành tinh này (người mà vẫn được xem là người), trọng lượng của anh ta cũng không thể chiếm quá 0,6% tổng trọng lượng, một sự gia tăng không đáng kể. Và nếu bạn có mười ngàn người thì phần trọng lượng mà anh ta đóng góp là rất nhỏ.

Trong xã hội không tưởng của vùng Mediocristan, bản thân từng sự kiện đặc biệt không có tác động lớn – trừ khi chúng được kết hợp với nhau. Tôi có thể nêu một đạo luật tối cao của vùng Mediocristan như sau: Khi số lượng mẫu thử của bạn lớn, không một trường hợp đơn lẻ nào có thể thay thế được kết quả tổng thể. Việc quan sát với số lượng mẫu thử lớn nhất vẫn ấn tượng, nhưng rốt cuộc, nó không còn quan trọng với tổng thể nữa.

Tôi xin nêu một ví dụ khác từ người bạn của mình, Bruce Goldberg: đó là quá trình tiêu thụ calorie của bạn. Hãy xem bạn đã tiêu tốn hết bao nhiêu calorie một năm – nếu được xếp vào hàng ngũ con người thì con số đó là gần 800.000 calorie. Không một ngày nào, thậm chí dịp Lễ Tạ ơn tại nhà bà cô của bạn, có thể làm tiêu tốn một lượng lớn calorie trong con số trên. Thậm chí khi bạn có ăn cho đến chết, lượng calorie trong ngày đó cũng không ảnh hưởng lớn đến tổng lượng tiêu thụ của cả năm.

Bây giờ, nếu tôi nói rằng có thể bạn sẽ gặp một người nặng vài ngàn tấn hay cao vài chục dặm, bạn sẽ hoàn toàn đúng khi bảo tôi đi khám não hoặc chuyển sang viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, bạn không thể dễ dàng bác bỏ những biến thể cực độ với một tiêu chuẩn số lượng khác, đây là lý do chúng ta cần đi tiếp.

Hãy xem xét trị giá tài sản của một ngàn người mà bạn tập hợp trong sân vận động. Hãy bổ sung vào nhóm ấy người giàu nhất hành tinh – cứ cho là Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft. Giả định rằng giá trị tài sản của ông ta vào khoảng 80 tỷ đô-la trong khi tổng tài sản của một ngàn người chỉ chừng vài triệu đô-la. Vậy tài sản của Bill Gates chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số? 99,9%? Thật ra, tất cả tài sản của một ngàn người đó cũng không bằng phần số lẻ mất đi do lỗi làm tròn số tài sản, hay chỉ là khoản biến thiên trong danh mục đầu tư cá nhân của ông ta trong vài giây vừa qua. Nếu áp dụng tỷ lệ trên cho trọng lượng, Bill Gates phải nặng đến 50 triệu pound!

Hãy lập lại thí nghiệm đó với doanh số bán sách. Hãy chọn ra một ngàn tác giả (hay những người nài nỉ xin xuất bản sách nhưng tự gọi mình là “tác giả” thay vì “người chầu chực”) và kiểm tra doanh số bán sách của họ. Sau đó bổ sung vào nhóm này một tác giả đương thời (hiện đang) có nhiều độc giả nhất, chẳng hạn như J. K. Rowling, tác giả của Harry Porter với vài triệu cuốn sách đã được tiêu thụ, ta sẽ khiến một ngàn tác giả còn lại trở nên nhỏ bé bởi tổng lượng độc giả của họ tối đã cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn.

Hãy thử tiến hành thí nghiệm tương tự với những câu trích dẫn có tính học thuật (việc một học giả này mượn lời học giả khác trong các ấn phẩm trang trọng), các tham khảo của phương tiện truyền thông, thu nhập, quy mô công ty… Chúng tôi xin gọi đó là những vấn đề xã hội bởi chúng do con người tạo ra, khác với các vấn đề về thể chất như số đo vòng eo chẳng hạn.

Ở Extremistan, sự bất bình đẳng (inequalities) là những thứ mà ở đó một quan sát đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến tổng thể chung không theo một tỷ lệ nào cả.

Như vậy, trong khi trọng lượng, chiều cao và lượng tiêu thụ calorie xuất phát từ Mediocristan, thì sự giàu có lại không bắt nguồn từ đó. Hầu như tất cả các vấn đề xã hội đều xuất phát từ Extremistan. Hay nói cách khác, các định lượng xã hội có tính thông tin chứ không có tính vật chất: bạn không thể chạm vào chúng. Tiền trong tài khoản ngân hàng là một thứ quan trọng nhưng dĩ nhiên nó không có tính vật chất. Như thế, nó vẫn có giá trị dù không gây tiêu tốn năng lượng. Nó chỉ là một con số!

Xin lưu ý rằng, trước khi con người phát minh ra công nghệ kỹ thuật hiện đại, chiến tranh từng thuộc về Mediocristan. Rất khó để giết nhiều người nếu bạn muốn hành hình họ từng người một. Ngày nay, với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ cần một cái bấm nút, một gã điên nào đó, cũng có thể quét sạch hành tinh này.

Hãy xem xét hàm ý của nó về Thiên Nga Đen. Extremistan có thể sinh ra Thiên Nga Đen, và điều này đã xảy ra, bởi một vài sự kiện lại có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến lịch sử. Đây chính là ý tưởng cốt lõi của cuốn sách này.

Mặc dù sự khác biệt (giữa Mediocristan và Extremnistan) để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả tính công bằng xã hội lẫn động lực của các sự kiện, nhưng chúng ta hãy thử tìm hiểu ứng dụng của nó đối với tri thức, nơi chứa đựng gần như toàn bộ giá trị của nó. Nếu đến Trái Đất và tiến hành đo chiều cao của những cư dân trên hành tinh may mắn này, một người Sao Hỏa có thể chặn cả trăm người để đo và có được cái nhìn đầy đủ về chiều cao trung bình mà không gặp rắc rối gì. Nếu sống trong Mediocristan, bạn có thể cảm thấy thoải mái với những gì mình đã đo được – miễn là biết chắc nó đến từ Mediocristan. Bạn còn có thể cám thấy thoải mái với những gì học được từ dữ liệu đó. Hệ quả nhận thức luận chính là: với tính ngẫu nhiên kiểu Mediocristan, không thể 13 có sự bất ngờ mang tên Thiên Nga Đen theo kiểu một sự kiện đơn lẻ có thể chi phối cả một hiện tượng. Một là, một trăm ngày đầu tiên sẽ tiết lộ tất cả những gì bạn cần biết về dữ liệu đó. Hai là, dù cho bạn thật sự bất ngờ, như chúng ta đã thấy trong ví dụ về người đàn ông nặng nhất, điều đó cũng không tạo ra khác biệt đáng kể.

Nếu đang đối phó với các định lượng đến từ Extremistan, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra giá trị trung bình từ bất cứ vật mẫu nào bởi nó phụ thuộc nhiều vào từng quan sát riêng lẻ. Ý tưởng này cũng không quá khó hiểu. Ở Extremistan, một đơn vị có thể dễ dàng ảnh hưởng đến tổng thể chung mà không theo một tỷ lệ nào. Trong thế giới này, lúc nào bạn cũng nên hoài nghi về kiến thức đúc kết từ dữ liệu. Đây là một thí nghiệm rất đơn giản về sự bất định giúp bạn có thể phân biệt được hai loại ngẫu nhiên. Bạn hiểu điều tôi nói chứ?

Trong Mediocristan, những gì bạn biết được qua dữ liệu sẽ tăng lên nhanh chóng khi lượng thông tin bạn tiếp xúc càng tăng. Nhưng kiến thức trong Extremistan lại phát triển một cách chậm rãi và thất thường khi dữ liệu tăng thêm, một số gia tăng với tốc độ không ai biết được.

Nếu dựa theo cách phân biệt của tôi về tính thang bậc và phi thang bậc, chúng ta sẽ thấy rõ những khác biệt đang hình thành giữa Mediocristan và Extremistan. Sau đây là một vài ví dụ.

Các vấn đề có vẻ thuộc về Mediocristan (tức thuộc về cái chúng ta gọi là ngẫu nhiên loại 1): chiều cao, cân nặng, sự tiêu thụ calorie, thu nhập của một người làm bánh, chủ một nhà hàng nhỏ, gái điếm hay nha sĩ; tiền lời từ đánh bạc (trong trường hợp rất đặc biệt này, giả định rằng một người bước vào sòng bạc và vẫn duy trì được mức đặt cược), tai nạn xe ô tô, tỷ lệ tử vong, “IQ!” (đã được tính toán).

Các vấn đề có vẻ thuộc về Extremistan (tức thuộc về cái chúng ta gọi là ngẫu nhiên loại 2): sự giàu có, thu nhập, doanh số bán sách của từng tác giả, số trích dẫn được sử dụng trong sách, những tên tuổi được công nhận là “người nổi tiếng”, số lần được tham khảo trên Google, dân số của các thành phố, số lần sử dụng một từ trong vốn từ vựng, số người nói một ngôn ngữ, thiệt hại do động đất, thương vong do chiến tranh, thương vong do các vụ tấn công khủng bố, kích thước các hành tinh, quy mô các công ty, quyền sở hữu cổ phiếu, chiều cao giữa các loài (nếu giữa voi và chuột thì như thế nào nhỉ), các thị trường tài chính (nhưng nhà quản lý khoản đầu tư của bạn lại không biết điều này), giá cả hàng tiêu dùng, tỷ lệ lạm phát, dữ liệu kinh tế. Danh sách Extremistan dài hơn nhiều so với danh sách Mediocristan.

Có một cách khác để diễn đạt lại sự khác biệt chung đó như sau: Mediocristan là nơi chúng ta phải cam chịu sự áp đặt của cái chung, cái thường lệ, cái rõ ràng và cái đã được dự đoán; Extremistan là nơi chúng ta chịu sự áp đặt của cái cá nhân, cái ngẫu nhiên, cái không thấy được và cái không dự đoán được. Dù cố gắng thế nào thì cân nặng của bạn cũng không giảm nhiều sau một ngày; bạn cần tác dụng tổng hợp của nhiều ngày, nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng. Tương tự, nếu là nha sĩ, bạn không thể trở nên giàu có chỉ sau một ngày – nhưng sẽ giàu có nếu hăng say, chăm chỉ, nghiêm túc và thường xuyên tham gia các lớp học huấn luyện kỹ năng chữa răng trong suốt hơn ba mươi năm liền. Tuy nhiên, nếu đi theo hoạt động đầu cơ dựa vào Extremistan, một phút có thể quyết định số phận của bạn được gì hay mất gì.

Bảng 1

Mediocristan (Bình thường)

Không có tính thang bậc

Ngẫu nhiên ôn hòa hay ngẫu nhiên loại 1

Đối tượng đặc trưng nhất: tầm thường

Người chiến thắng sẽ được một phần nhỏ của cái bánh

Ví dụ khán giả của ca sĩ opera vào thời máy thu âm chưa được phát minh

Thường được tìm thấy trong môi trường của tổ tiên chúng ta

Không chịu ảnh hưởng của Thiên Nga Đen

Theo luật trọng trường

(Thường) tương ứng với khối lượng tự nhiên, tức là chiều cao

Gần như một sự công bằng không tưởng vì thực tế diễn ra một cách tự nhiên

Một hiện tượng hay quan sát đơn lẻ không thể quyết định tổng thể

Nếu quan sát được một lúc, bạn có thể biết điều gì đang xảy ra

Sự áp đặt của cái chung

Dễ dự đoán thông qua những gì được thấy và mở rộng đến những gì chưa thấy

Lịch sử lê từng bước nhỏ

Các biến cố được phân phối 14 theo “đường cong hình chuông” (GIF) hoặc các biến thể của nó.

Extremistan (Cực độ)

Có tính thang bậc

Ngẫu nhiên dữ dội (thậm chí siêu dữ dội) hay ngẫu nhiên loại 2

Đối tượng “đặc trưng” nhất: nếu không là một gã khổng lồ thì là một người tí hon, tức là không có đối tượng đặc trưng

Người chiến thắng sẽ lấy hết

Khán giả của một nghệ sĩ thời nay

Thường được tìm thấy trong môi trường hiện đại

Dễ bị tác động bởi Thiên Nga Đen

Không có giới hạn vật lý nào về số lượng

Tương ứng với các con số, ví dụ như tài sản

Bị chi phối bởi sự bất công “người chiến thắng sẽ lấy đi tất cả”

Một số lượng nhỏ các sự kiện cực độ có thể quyết định cả tổng thể

Phải mất nhiều thời gian mới biết điều gì đang xảy ra

Sự áp đặt của cái ngẫu nhiên

Khó dự đoán từ những thông tin về quá khứ

Lịch sử nhảy những bước dài

Được phân phối bởi hoặc là những con Thiên Nga “xám” của Mandelbrot (dễ kiểm soát về mặt khoa học) hoặc là những con Thiên Nga Đen hoàn toàn không thể kiểm soát.

Bảng 1 tóm tắt những khác biệt giữa hai nguồn động lực mà tôi sẽ trình bày trong phần còn lại của cuốn sách; việc nhầm lẫn cột bên trái với cột bên phải có thể gây ra những hậu quả thảm khốc (hoặc may mắn tột cùng).

Mặc dù chứng tỏ Extremistan là nơi chứa đựng hầu hết hành động Thiên Nga Đen nhưng minh họa trên cũng chỉ là một phép tính xấp xỉ thô sơ – xin đừng Plato hóa, đừng đơn giản hóa nó hơn mức cần thiết.

Không phải lúc nào Extremistan cũng đồng nghĩa với Thiên Nga Đen. Một số biến cố hiếm xảy ra và có ý nghĩa lớn, nhưng trong một chừng mực nào đó, vẫn có thể dự đoán được, đặc biệt với những ai luôn sẵn sàng chờ đón chúng và có những công cụ để hiểu được chúng (thay vì lắng nghe các nhà thống kê, nhà kinh tế học, và những tên “lang băm” với biến thể đường cong hình chuông). Chúng là những biến cố gần giống Thiên Nga Đen. Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể kiểm soát những biến cố đó về mặt khoa học – nghĩa là nếu biết được phạm vi ảnh hưởng của chúng, bạn sẽ ít bất ngờ hơn khi chúng xuất hiện; những biến cố này tuy hiếm, nhưng mọi người đã có sự chuẩn bị. Tôi gọi trường hợp đặc biệt về những chú Thiên Nga “xám” này là sự ngẫu nhiên của tập hợp Mandelbrot. Danh mục này bao gồm tính ngẫu nhiên sản sinh ra các hiện tượng thường được biết đến qua các thuật ngữ như có tính thang bậc, tính chất bất biến đối với các phép thay đổi kích thước (scale-invariant), định luật lũy thừa, định luật Pareto-Zipf, định luật Yule, các quy trình Paretian-stable, Levy-stable và định luật fractal, nhưng bây giờ, chúng ta tạm thời không quan tâm đến chúng nữa bởi chúng sẽ được trình bày cụ thể hơn trong Phần 3. Theo mạch của chương này, những sự kiện đó có tính thang bậc, nhưng bạn có thể biết thêm đôi chút về cách thức leo thang của chúng bởi chúng cũng tuân theo các quy luật của tự nhiên.

Bạn vẫn có thể nếm trải những biến cố Thiên Nga Đen nghiêm trọng trong Mediocristan, dù điều này không dễ dàng gì. Bằng cách nào? Có thể bạn sẽ quên rằng mọi việc luôn có tính ngẫu nhiên, và nghĩ rằng nó có tính tiền định để rồi chuốc lấy bất ngờ. Hoặc bạn có thể đi bằng đường hầm và bỏ lỡ mất một nguồn tập hợp sự bất định, dù dữ dội hay ôn hòa, do thiếu khả năng tưởng tượng – hầu hết Thiên Nga Đen đều bắt nguồn từ căn bệnh “đi đường hầm” mà tôi sẽ trình bày trong Chương 9.

Đây là nội dung mô tả khái quát mang phong cách văn chương về sự khác biệt trọng tâm của cuốn sách này, giúp bạn phân biệt giữa những gì có thể thuộc về Mediocristan và những gì thuộc về Extremistan. Như đã trình bày, tôi sẽ tiến hành xem xét một cách thấu đáo hơn trong Phần 3, vì thế, bây giờ, hãy tập trung vào nhận thức luận và xem xét mức độ ảnh hưởng của sự khác biệt này đối với kiến thức của chúng ta.

Chọn tập
Bình luận