Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 4: Nghìn Lẻ Một Ngày, Hay Cách Để Không Trở Thành Một Gã Khờ

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

NGẠC NHIÊN, NGẠC NHIÊN ■ CÁC PHƯƠNG PHÁP TINH VI ĐÃ HỌC HỎI TỪ TƯƠNG LAI ■ SEXTUS LUÔN ĐI TRƯỚC ■ MỤC ĐÍCH CHÍNH LÀ KHÔNG PHẢI TRỞ THÀNH MỘT GÃ KHỜ ■ HÃY CÙNG ĐẾN MEDIOCRISTAN, NẾU CHÚNG TA CÓ THỂ TÌM THẤY NÓ 

Điều gì đưa chúng ta đến Bài toán Thiên Nga Đen ở dạng nguyên sơ của nó?

Giả sử một người có quyền hành và địa vị, hoạt động ở nơi mà địa vị được coi trọng – chẳng hạn như, cơ quan chính phủ hay một tập đoàn lớn. Người này có thể là tay bình luận chính trị lắm lời trên kênh Fox News mà bạn luôn đụng mặt ở trung tâm chăm sóc sức khỏe (vì không thể tránh nhìn vào màn hình được), hay chủ tịch một công ty đang nói về “tương lai tươi sáng phía trước”, một bác sĩ y khoa “kiểu Plato” nhất quyết bác bỏ lợi ích của sữa mẹ (bởi vì ông ta không thấy có gì đặc biệt trong đó), hay một giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, người không bao giờ cười khi bạn kể chuyện cười. Ông ta hơi quá xem trọng vốn hiểu biết của mình.

Giả định rằng một ngày nào đó, có một gã hay chơi khăm khiến ông ta bất ngờ bằng cách trượt cọng lông vũ lên mũi khi ông ta đang ngả người thư giãn. Thái độ ra vẻ tự đắc kia sẽ như thế nào sau bất ngờ ấy? Tương phản với lối hành xử hách dịch là cú sốc bởi những thứ ông ta không thể hiểu và hoàn toàn không ngờ đến. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trước khi ông ta kịp định thần lại, bạn sẽ thấy có cảm xúc xáo trộn gì đó trên gương mặt ông ta.

Xin thú nhận ràng tôi đã hình thành một sở thích không thể sửa được với những trò chơi khăm này trong lần đầu tiên đi cắm trại hè xa nhà. Khi được đưa vào mũi một trại sinh đang say ngủ, cọng lông vũ sẽ khiến người ấy hoảng hốt thật sự. Tôi sử dụng một phần tuổi thơ của mình để luyện tập các biến thể của trò chơi này: thay vì dùng lông vũ, bạn có thể cuộn một góc mảnh khăn giấy cho nó dài và hẹp lại. Tôi thử trò này vài lần với đứa em trai. Một trò khác hấp dẫn không kém chính là việc thả viên nước đá vào cổ áo một người khi anh ta không hề phòng thủ, như trong một buổi ăn tối bàn công chuyện chẳng hạn. Dĩ nhiên, khi trưởng thành, tôi buộc phải ngưng những trò này lại, nhưng thỉnh thoáng vẫn vô tình nhớ lại những hình ảnh ấy khi quá ngán ngẩm với những bữa gặp mặt với các vị doanh nhân mặt mày lúc nào cũng nghiêm trọng (với những bộ complê sẫm màu và những khối óc đã được chuẩn hóa) thao thao thuyết giảng, giải thích mọi việc hay nói về các biến cố ngẫu nhiên với rất nhiều từ “bởi vì” trong đó. Tôi nhìn vào một người trong số họ và tưởng tượng cảnh viên nước đá trượt dài xuống sống lưng ông ta – mặc dù kém văn minh hơn, nhưng chắc chắn sẽ ngoạn mục hơn, nếu bạn bỏ một con chuột còn sống vào đó, đặc biệt nếu người này có máu buồn và thắt cà vạt, khi đó, trò này sẽ chặn đứng lối thoát thông thường của loài gặm nhấm ấy. 15

Việc chơi khăm cũng thể hiện lòng trắc ẩn. Tôi còn nhớ những ngày đầu đi giao dịch, lúc đó tôi 25 tuổi, và là khoảng thời gian kiếm tiền rất dễ. Tôi thường đi tắc-xi, và nếu bác tài nói thứ tiếng Anh “da bọc xương” (ND: chẳng buồn nói chuyện) và trông rất chán nản, tôi sẽ boa 100 đô-la, chỉ để khiến ông ta “choáng” và để mình được thưởng thức vẻ ngạc nhiên đó. Tôi thấy ông ta mở tờ giấy bạc ra và nhìn nó với đôi chút bàng hoàng (nếu là 1 triệu đô-la thì hẳn hiệu quả còn cao hơn nữa, nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của tôi). Đó cũng là một thí nghiệm đơn giản mang tính hưởng lạc: cảm giác “thăng hoa” khi được bổ sung vào ngày công của ai đó số tiền nho nhỏ 100 đô-la. Sau cùng, tôi chấm dứt việc làm này; tất thảy chúng ta đều trở nên bủn xỉn và tính toán khi của cải của mình gia tăng và bắt đầu coi trọng tiền bạc.

Tôi không cần nhiều đến bàn tay của số phận để có được những trò tiêu khiển quy mô lớn hơn: thực tế cho thấy các quá trình thay đổi niềm tin như thế diễn ra ở tần số rất cao. Nhiều trường hợp diễn ra khá ngoạn mục. Trên thực tế, toàn bộ quá trình tìm kiếm tri thức đều dựa trên việc tiếp nhận sự hiểu biết thông trường và những niềm tin khoa học đã được chấp nhận, đồng thời dùng bằng chứng phản trực giác mới để phân nhỏ chúng thành nhiều phần, dù ở quy mô nhỏ (mỗi khám phá khoa học chính là một nỗ lực sản sinh ra tiểu Thiên Nga Đen) hay với quy mô lớn hơn (như với thuyết tương đối của Poincaré và Einstein). Các nhà khoa học có lẽ chỉ biết cười nhạo các bậc tiền bối của mình, nhưng do chuỗi các khuynh hướng thần kinh của con người mà hầu như không ai trong số họ nhận ra rằng trong tương lai (thật đáng buồn là không xa), sẽ có người cười nhạo lại những niềm tin của họ. Như trong trường hợp này, tôi và quý độc giả đang cười nhạo trạng thái hiện tại của kiến thức xã hội. Những nhân vật quan trọng này không thấy được tính tất yếu của quá trình xem xét lại toàn bộ công việc sắp đến, điều này có nghĩa là bạn có thể tin rằng những người này sẽ mang bất ngờ đến cho mình.

Siêu triết gia Bertrand Russell trình bày một biến thể vô cùng độc hại khiến tôi choáng váng trong minh họa cho cái mà giới của ông gọi là Bài Toán Quy Nạp hay Bài Toán về Kiến Thức Quy Nạp (in hoa để thể hiện mức độ quan trọng của nó) – hiển nhiên, nó là nguồn gốc của mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Làm thế nào chúng ta có thể đi từ những trường hợp cụ thể đến các kết luận tổng quát một cách lôgic được? Làm thế nào chúng ta biết được mình biết những gì? Làm thế nào để biết những gì mình quan sát được từ một số đối tượng và biến cố nhất định có đủ để rút ra các thuộc tính khác của chúng? Luôn có những cái bẫy được giăng sẵn trong bất kỳ loại kiến thức nào mà chúng ta có được nhờ quan sát.

Lấy ví dụ về một con gà tây được cho ăn mỗi ngày. Việc mỗi ngày được cho ăn sẽ giúp con gà tin rằng quy luật chung của cuộc đời là nó sẽ được cho ăn mỗi ngày bởi những con người thân thiện “luôn vì lợi ích tốt nhất của nó”, đúng theo cách mà chính trị gia hay nói. Vào buổi chiều trước Lễ Tạ ơn, có chuyện bất ngờ xảy đến với con gà tây đó. Nó sẽ phải tự xem xét lại niềm tin của mình. 16

Phần còn lại của chương này sẽ phác thảo bài toán Thiên Nga Đen ở dạng nguyên thể. Làm thế nào chúng ta biết được tương lai nếu dựa trên kiến thức về quá khứ; hay nói một cách tổng quát hơn, làm sao có thể chỉ ra thuộc tính của những thứ chưa biết (vô hạn) nếu chỉ dựa vào những thứ đã biết (hữu hạn)? Quay trở lại với ví dụ về việc cho gà ăn; Con gà có thể học được gì từ các biến cố của ngày hôm qua để biết ngày mai người ta cho nó ăn gì? Nhiều, nhưng có lẽ sẽ hơi ít hơn những gì nó nghĩ, và chỉ cần cái “hơi ít hơn” ấy thôi cũng đủ để tạo nên sự khác biệt.

Bài toán về con gà tây có thể được áp dụng vào bất kỳ tình huống nào mà bàn tay cho bạn ăn cũng chính là bàn tay vặn cổ bạn. Hãy xem xét trường hợp về những người Đức gốc Do Thái đang trong quá trình hợp nhất vào thập niên 30 – hoặc miêu tả của tôi trong Chương 1 về cách mà người dân Li băng đã bị ru ngủ bằng cảm giác an toàn giả tạo bởi sự hiện diện của tính thần thiện và vị tha giữa mọi người với nhau.

Chúng ta hãy tiếp tục đi sâu hơn và xem khía cạnh đáng lo ngại nhất của phương pháp quy nạp: nghiên cứu ngược về quá khứ. Giả sử rằng kinh nghiệm của con gà tây mang giá trị âm, thay vì không có giá trị. Nó đã học được từ quan sát, giống như cách tất cả chúng ta được khuyên bảo (suy cho cùng thì đây là cái mà người ta tin là phương pháp khoa học). Niềm tin của con gà tăng lên theo số lần được cho ăn thân thiện, và nó cảm thấy ngày càng an toàn mặc dù ngày hành hình đã dần điểm. Và khi cảm giác an toàn lên cao nhất cũng chính là lúc nguy hiểm đã đạt đến đỉnh điểm! Tuy nhiên, vấn đề đó thậm chí còn có tính tổng quát hơn thế nữa; nó nhằm vào bản chất của chính kiến thức thực nghiệm. Nhiều thứ tỏ ra có ích trong quá khứ cho đến khi đột nhiên không còn hữu ích nữa, và những gì chúng ta học được trong quá khứ, nếu nhẹ thì trở nên sai lầm hoặc không liên quan, còn nặng thì gây ra lạc lối nghiêm trọng.

Minh họa 1: Nghìn lẻ một ngày lịch sử

Con gà tây trước và sau Lễ Tạ ơn. Lịch sử của một quá trình hơn một nghìn ngày không thể giúp bạn biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Việc dự đoán tương lai từ quá khứ một cách ngây thơ ấy có thể được vận dụng vào bất kỳ trường hợp nào.

Minh họa 1 cho thấy dạng nguyên mẫu của bài toán quy nạp được va chạm từ thực tế cuộc sống. Bạn quan sát một biến số giả thuyết trong một nghìn ngày. Nó có thể là bất cứ thứ gì (với một vài thay đổi không đáng kể) như: doanh số bán sách, huyết áp, tội ác, thu nhập cá nhân, một mã cổ phiếu, lãi suất vay hay số người đến một nhà thờ Chính Thống giáo ở Hy Lạp nào đó trong ngày Chủ Nhật. Sau đó, bạn chỉ dựa vào dữ liệu quá khứ để rút ra một vài kết luận về thuộc tính của mẫu quan sát đó kèm theo các dự báo cho một nghìn, hay thậm chí là năm nghìn ngày tiếp theo. Vào ngày thứ một nghìn lẻ một – bùm! Một thay đổi lớn xảy ra mà quá khứ hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào cho nó cả.

Lấy ví dụ về tính bất ngờ của Cuộc Chiến Vĩ Đại (Great War). Sau các trận đánh của Napoleon, thế giới trải qua những ngày tháng hòa bình – điều khiến nhiều nhà quan sát tin rằng những cuộc xung đột có tính tàn phá nghiêm trọng đã chấm dứt. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên! Nó đã trở thành một cuộc chiến gây thương vong lớn nhất trong lịch sử nhân loại tính đến thời điểm đó.

Lưu ý rằng, sau mỗi sự kiện, bạn bắt đầu dự đoán khả năng xảy ra của các yếu tố ngoại lai theo hướng cục bộ, nghĩa là trong phạm vi của quá trình vừa mới làm bạn ngạc nhiên, chứ không phải ở một nơi nào khác. Sau sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, cứ đến tháng Mười hằng năm, một nửa số giao dịch viên ở Mỹ lại chuẩn bị đón chờ một cuộc khủng hoảng tương tự – nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sụp đổ đầu tiên cũng không có tiền lệ. Chúng ta bắt đầu lo lắng khi đã quá muộn – tức sau khi sự việc đã xảy ra. Việc ngây thơ tin rằng những gì quan sát được từ quá khứ như một cái gì đó điển hình hay đại diện cho tương lai chính là nguyên nhân duy nhất khiến chúng ta không thể hiểu được Thiên Nga Đen.

Có vẻ như đối với một kẻ không chuyên ưa trích dẫn – tức là một trong những nhà văn và học giả chuyên lấp đầy câu chữ của mình bằng lời nói của các vị chuyên gia đã khuất – theo cách diễn giải của Hobbes 17, là “từ những thứ giống như tiền lệ dẫn đến những thứ giống như kết quả”. Những ai tin vào lợi ích vô điều kiện từ trải nghiệm quá khứ hãy nên suy nghĩ về kiến thức quý báu dưới đây – câu nói này được cho là của vị thuyền trưởng một con tàu nổi tiếng:

Tuy nhiên, trong những gì đã trải qua, tôi chưa bao giờ gặp phải tai nạn nào cả… ý tôi là bất kỳ tai nạn nào đáng nói. Trong suốt quãng đời đi biển, chỉ duy nhất một lần tôi chứng kiến một con tàu lâm vào cảnh khốn cùng. Tôi chưa từng chứng kiến một vụ đắm tàu nào và cũng chưa bao giờ bị đắm tàu đồng thời cũng chưa từng lâm vào tình huống khó khăn nào đó.

E.J SMTTH, 1907, Thuyền Trưởng, RMS Titanic

Con tàu của thuyền trưởng Smith đắm vào năm 1912, trở thành tai nạn đắm tàu được người ta nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử. 18

Tương tự, ví dụ một chủ nhà băng với công ty làm ăn có lãi liên tục trong thời gian dài, để rồi mất hết tất cả chỉ sau một cú đảo chiều. Theo thông lệ, chủ các ngân hàng cho vay thường có khuôn mặt hình quả lê, “mày râu nhẵn nhụi” và ăn mặc theo cách thoải mái nhất nhưng cũng nhàm chán nhất, đó là complê sẫm màu, sơ mi trắng, cà vạt đỏ. Quả thật, trong lĩnh vực cho vay, các ngân hàng thuê những kẻ ngốc nghếch và huấn luyện họ trở nên đần độn hơn. Nhưng đây chỉ mới là hình thức thôi. Nếu trông họ có vẻ cẩn trọng thì đó là do các khoản cho vay của họ rất hiếm khi lâm vào cảnh vỡ nợ. Bạn sẽ không thể nào đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động cho vay mà những người này đang tiến hành nếu chỉ quan sát nó một ngày, một tuần, một tháng, hay… thậm chí một thế kỷ! Mùa hè năm 1982, các ngân hàng lớn của Mỹ gần như mất hết tất cả tài sản (tích lũy) từ trước, tức gần như mọi thứ họ đã gây dựng được trong lịch sử ngành ngân hàng của Mỹ – mọi thứ. Họ cho các nước Nam và Trung Mỹ vay và tất cả những nước này vỡ nợ cùng một lúc – “một sự kiện có bản chất khác thường”. Vì thế, chỉ mất một mùa hè, người ta đã phát hiện ra rằng đó là việc làm của một gã khờ, và rằng tất cả thu nhập của họ đều đến từ một canh bạc rất rủi ro. Trong khi đó, các chủ ngân hàng cố gắng thuyết phục mọi người, và đặc biệt chính mình, rằng mình “cẩn trọng”, nhưng thật ra chẳng cẩn trọng chút nào, mà chỉ giỏi lừa dối bản thân khi che giấu một khoản thua lỗ có sức tàn phá ghê gớm dưới tấm thảm trải sàn. Trên thực tế, trò bôi bác này đã lặp lại một thập niên sau đó với việc các ngân hàng lớn dù đã “nhận biết được rủi ro” nhưng vẫn lâm vào tình trạng căng thẳng tài chính. Nhiều ngân hàng nằm trong tình trạng hấp hối sau khi thị trường bất động sản sụp đổ vào đầu thập niên 90, khiến cho chính phủ phải thực hiện chính sách cứu trợ tài chính trị giá hơn 500 tỷ đô-la lấy từ tiền đóng thuế của người dân trong lĩnh vực cho vay và tiết kiệm đang bị xóa sổ. Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã dùng tiền của chúng ta để bảo vệ các ngân hàng này: khi họ tạo ra lợi nhuận, nhận được nhiều lợi ích; còn khi họ bị tổn thương, chính chúng ta là người phải hứng chịu.

Sau khi tốt nghiệp Wharton, nơi đầu tiên tôi làm việc là Bankers Trust (hiện đã bị xóa sổ). Ở đó, nhanh chóng quên đi câu chuyện của năm 1982, văn phòng chủ tịch thường công bố kết quả đạt được sau mỗi quý kèm theo thông báo tuyên dương việc họ đã sáng suốt, cẩn trọng ra sao, đem về nhiều lợi nhuận đến mức nào (và cả đẹp trai như thế nào nữa). Rõ ràng, lợi nhuận mà họ mang về chỉ đơn thuần là tiền mặt vay mượn từ một nguồn nào đó với thời gian hoàn trả bất định trong tương lai. Tôi không hề hấn gì khi dám chấp nhận rủi ro, nhưng làm ơn đừng tự cho rằng mình cẩn trọng và cư xử như kẻ bề trên với các công ty khác, người ta không dễ bị tác động bởi Thiên Nga Đen như công ty bạn đâu.

Thêm một sự kiện xảy ra gần đây, năm 1998, là sự phá sản gần như ngay lập tức của công ty đầu tư tài chính (quỹ đầu tư mạo hiểm) Long-Term Capital Management (LTCM) dù đã sử dụng phương pháp và kiến thức của hai nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel trong quản trị rủi ro. Thực ra, hai “thiên tài” một thời ấy đã sử dụng loại toán học dỏm, theo kiểu đường cong hình chuông trong quản lý và tự thuyết phục bản thân rằng đó là một môn khoa học vĩ đại và vì thế, biến cả một thể chế tài chính lâu đời thành những kẻ khờ khạo. Một trong những giao dịch thua lỗ lớn nhất lịch sử diễn ra chỉ sau một cái nháy mắt, và không có dấu hiệu cảnh báo nào về điều đó cả (để biết thêm về vấn đề này, hãy tiếp tục đọc Chương 17). 19

Xét theo quan điểm của con gà tây thì việc nó không được cho ăn vào ngày thứ một nghìn lẻ một chính là một Thiên Nga Đen. Còn đối với ông hàng thịt thì không, bởi sự việc này không có gì bất ngờ cả. Vì thế, qua đây, bạn có thể thấy rằng Thiên Nga Đen chính là vấn đề của một gã khờ. Nói cách khác, sự xuất hiện của nó có liên quan đến sự mong đợi của bạn. Bạn nhận thấy rằng mình có thể loại trừ được Thiên Nga Đen nhờ vào khoa học (nếu có khả năng) hay bằng cách giữ cho đầu óc phóng khoáng. Dĩ nhiên, cũng giống như nhân viên của công ty đầu tư tài chính LTCM, bạn có thể tạo ra Thiên Nga Đen bằng kiến thức khoa học của mình qua việc thuyết phục người khác tin rằng Thiên Nga Đen không thể xảy ra – đây chính là thời điểm khoa học biến những công dân bình thường thành kẻ ngốc.

Lưu ý rằng, những biến cố này không nhất thiết phải gây bất ngờ ngay lập tức. Một vài đứt gãy về lịch sử mà tôi đề cập trong Chương 1 tồn tại qua nhiều thập kỷ như máy vi tính chẳng hạn, đã tạo ra những ảnh hưởng có ý nghĩa to lớn đối với xã hội mà chúng ta không hề nhận thấy rằng nó đang xâm chiếm cuộc sống của mình từ ngày này qua ngày khác. Một số hiện tượng Thiên Nga Đen còn bắt nguồn từ quá trình tích tụ chậm chạp của những thay đổi tăng thêm trong cùng một hướng, ví dụ như những cuốn sách được bán ra với số lượng lớn trong nhiều năm liền nhưng chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất, hay những công nghệ đang tác động lên chúng ta một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Tương tự, sự tăng trưởng của cổ phiếu Nasdaq vào cuối thập niên 90 chỉ diễn ra trong vòng vài năm, nhưng sẽ rõ nét hơn nếu được hiển thị trên sơ đồ dài hạn. Các sự cố cần được xem xét dưới thước đo thời gian tương đối, chứ không phải tuyệt đối: những trận động đất kéo dài trong vài phút, sự kiện 11/9 kéo dài trong vài giờ, nhưng những biến đổi lịch sử và ứng dụng công nghệ là những Thiên Nga Đen kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Nhìn chung, những hiện tượng Thiên Nga Đen tích cực cần nhiều thời gian để phát huy tác dụng trong khi những hiện tượng tiêu cực thì diễn ra rất nhanh – phá hoại bao giờ cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn xây dựng rất nhiều. (Trong chiến tranh Li băng, nhà bố mẹ tôi ở Amioun và nhà ông bà tôi ở một ngôi làng gần đó đã bị phá hủy chỉ trong vài giờ bằng thuốc nổ sau khi kẻ thù của ông tôi giành quyền kiểm soát khu vực đó. Phải mất gần bảy lần khoảng thời gian ấy, tức 2 năm, người ta mới tái thiết được nơi này. Chính sự không cân xứng về thước đo thời gian đã giải thích vì sao việc lật ngược lại thời gian lại khó khăn đến thế.)

Bài toán con gà tây (hay còn gọi là bài toán quy nạp) này đã quá cũ nhưng vì một số lý do, giáo viên triết học của bạn thường gọi nó là “Bài toán Hume”.

Người khác hình dung chúng ta – những người theo chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa thực nghiệm – là những kẻ khinh khỉnh, hoang tưởng và khổ sở trong cuộc sống riêng tư, điều hoàn toàn trái ngược với những gì lịch sử (cũng như kinh nghiệm của cá nhân tôi) ghi nhận. Giống như hầu hết những người theo chủ nghĩa hoài nghi mà tôi từng tiếp xúc, Hume là người vui tính và lịch lãm, luôn hào hứng tham dự các cuộc họp văn nghệ sĩ và các buổi trò chuyện thân mật. Có nhiều giai thoại xoay quanh cuộc đời ông. Có lần, ông rơi xuống một đầm lầy gần ngôi nhà đang xây ở Edinburgh. Do nhiều người dân địa phương biết ông là người theo chủ nghĩa vô thần nên lần đó, một phụ nữ đã từ chối kéo ông lên cho đến khi nào ông chịu đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính (The Lord's Prayer and The Belief); với đầu óc nhanh nhạy của mình, ông đã làm được. Tuy nhiên, sau khi tranh luận với người phụ nữ ấy về việc liệu người theo đạo Tin Lành có bị ép buộc giúp đỡ kẻ thù của mình hay không, Hume không còn giữ được vẻ ngoài thiện cảm nữa. Một chuyên gia viết tiểu sử đã nhận xét như sau, “Ông ta thể hiện cái nhìn lo lắng của một vị học giả uyên thâm, cái nhìn luôn khiến những người không hiểu biết nghĩ về ông như một gã khờ”.

Lạ thay, trong suốt quãng đời của mình, Hume không được biết đến nhờ những tác phẩm đã làm nên tên tuổi ông hiện nay – ông trở nên giàu có và nổi tiếng nhờ vào một tác phẩm về lịch sử nước Anh được xếp vào hàng bán chạy nhất. Trớ trêu thay, khi Hume còn sống, những công trình nghiên cứu về triết học của ông – những tác phẩm mà ngày nay chúng tôi vẫn thường hay trích dẫn – “đã chết yểu trước khi được báo giới biết đến”, trong khi những tác phẩm làm nên tên tuổi ông vào thời ấy đang ngày càng trở nên khó tìm. Hume viết bằng sự trong sáng đến mức hầu hết các tư tưởng gia thời nay, và dĩ nhiên, toàn bộ chương trình giảng dạy sau đại học của Đức, phải cảm thấy hổ thẹn. Không giống như Kant, Fichte, Schopenhauer và Hegel, Hume là nhà tư tưởng mà người đang đề cập đến công trình của ông thỉnh thoảng có đọc qua.

Tôi thường nghe cụm từ “Bài toán Hume” được nhắc đến khi bàn về bài toán quy nạp, nhưng nó đã trở nên cũ xưa rồi, thậm chí còn lớn tuổi hơn cả người Scotland, có lẽ lâu đời như chính bản thân triết học và xưa như những câu chuyện về rừng ô-liu vậy. Chúng ta hãy cùng nhau ngược về quá khứ, thời điểm mà bài toán này được hình thành với độ chính xác cao bởi người La Mã và Hy Lạp cổ.

Sextus Empiricus, tác giả phản kinh viện và nhà hoạt động phản giáo điều, đã phát huy ảnh hưởng của mình trước thời của Hume gần một nghìn năm trăm năm, và đã giải quyết được bài toán con gà tây với độ chính xác tuyệt vời. Chúng ta không biết nhiều về ông, cũng không biết liệu ông có phải là một triết gia, hoặc hơn thế, là người chuyên chép lại các công trình triết học của những tác giả mà chúng ta hoàn toàn mù tịt. Chúng ta ước tính rằng ông sống ở thời Alexandria vào thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên, ông thuộc trường phái y học có tên là “chủ nghĩa thực nghiệm”, vì những người theo trường phái này luôn hoài nghi về các lý thuyết và thuyết nhân quả, và chỉ tin vào trải nghiệm trong quá khứ, xem nó như kim chỉ nam trong quá trình chữa trị, dù bản thân mình cũng không hoàn toàn tin tưởng chúng. Hơn nữa, họ cũng không tin rằng giải phẫu sẽ giúp khám phá ra các chức năng một cách rõ ràng. Người ta cho rằng Menodotus of Nicomedia, người khởi xương nổi tiếng nhất của trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm này, đã hợp nhất chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa hoài nghi triết học, luôn xem y học là một môn nghệ thuật chứ không phải “khoa học”, và đã tách thực tiễn của chủ nghĩa kinh nghiệm ra khỏi các vấn đề của khoa học mang tính giáo điều. Thực tiễn y học cũng giải thích cho phần bổ sung empiricus (“thuộc trường phái thực nghiệm”) vào tên của Sextus.

Sextus đã thể hiện và ghi chú những ý tưởng của trường phái hoài nghi Pyrrho – trường phái của những người theo đuổi một dạng liệu pháp tinh thần bắt nguồn từ việc từ bỏ niềm tin. Liệu có khi nào bạn phải đối mặt với một sự cố bất lợi? Đừng lo lắng. Ai biết được, biết đâu nó lại có ích cho bạn thì sao. Việc hoài nghi hậu quả của một tác động sẽ khiến bạn giữ được sự điềm tĩnh. Người theo chủ nghĩa hoài nghi Pyrrho là những công dân dễ sai khiến, luôn tuân theo các phong tục và truyền thống bất cứ khi nào có thể, tuy nhiên, luôn tự rèn luyện mình phải nghi ngờ mọi thứ một cách có hệ thống, và do đó, đạt được một mức độ trầm tính nhất định. Nhưng dù duy trì thói quen cẩn trọng, họ vẫn điên cuồng chống lại chủ nghĩa giáo điều.

Trong số những tác phẩm còn sót lại của Sextus, người ta tìm thấy một bài văn chỉ trích với cái tên thật đẹp Adversos Mathematicos mà đôi khi được dịch ra là Chống lại các chuyên gia ngữ pháp. Tưởng chừng như rất nhiều điều trong bài văn ấy vừa được sáng tác tối qua!

Điểm mà tôi thấy thú vị nhất ở Sextus là sự hòa trộn hiếm hoi giữa triết học và khả năng ra quyết định trong hành động của ông. Ông là mẫu người của hành động, vì lý do đó mà các học giả cổ điển không dành cho ông những lời lẽ tốt đẹp. Các phương pháp y học thực nghiệm – những thứ chỉ dựa vào phương pháp thử-sai không mục đích – sẽ đóng vai trò trung tâm cho những ý tưởng của tôi về hoạch định và dự đoán, về cách kiếm lợi từ Thiên Nga Đen.

Năm 1998, trong khi ra ngoài một mình, tôi đã gọi cho phòng nghiên cứu và cũng là công ty giao dịch Empirica nơi tôi làm việc, không phải vì những nguyên nhân phản giáo điều mà vì cảm thấy rất phiền muộn khi nghĩ rằng phải mất thêm ít nhất mười bốn thế kỷ nữa, tính từ thời những công trình của trường phái y học thực nghiệm, y học mới thay đổi và trở nên phản giáo điều, không tin vào lý thuyết, mang tính hoài nghi sâu sắc và dựa theo bằng chứng! chúng ta rút ra bài học gì từ đây? Sự nhận thức đó cũng không mang nhiều ý nghĩa – đặc biệt khi bạn có các mối quan tâm đặc biệt và các thể chế vị kỷ đang hoạt động.

Nhà tư tưởng quan trọng thứ ba giải quyết bài toán này là một người nói tiếng Ả Rập theo chủ nghĩa hoài nghi sống vào thế kỷ 11, Al-Ghazali, hay còn được biết đến với tên La-tinh là Algazel. Đối với một nhóm học giả giáo điều thì tên của ông là ghabi, nghĩa là “gã đần” mà theo tiếng Ả Rập, nghĩa của từ này nghe buồn cười hơn – “đứa con nít to xác”- và ấn tượng hơn – “người theo chính sách ngu dân”. Algazel cũng có một phiên bản “Chống lại các chuyên gia ngữ pháp” của riêng mình – một bài công kích mang tên Tahafut al falasifa mà tôi xin tạm dịch là “Sự kém cỏi của triết học”. Tác phẩm này hướng tới một trường phái mang tên falasifah – tổ chức tinh thần Ả Rập kế thừa trực tiếp nền triết học cổ điển của kinh viện và cố gắng hòa hợp nó với đạo Hồi thông qua tranh luận hợp lý.

Cuộc tấn công của Algazel nhắm vào kiến thức “khoa học” bắt đầu bằng một tranh luận với Averroes, triết gia thời Trung cổ, người về sau có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với các nhà tư tưởng Trung cổ (trong đó có người Do Thái, Thiên Chúa, nhưng không có người Hồi Giáo). Cuộc tranh luận giữa Algazel và Averroes sau cùng cũng kết thúc với chiến thắng, đáng buồn là, thuộc về cả hai. Từ đó, nhiều nhà tư tưởng tôn giáo Ả Rập đã hợp nhất và phóng đại chủ nghĩa hoài nghi của Algazel về phương pháp khoa học, phó mặc cho sự phán quyết của Chúa trời (thật ra đây là tư tưởng mở rộng của Algazel). Phương Tây thì lại đi theo chủ nghĩa duy lý của Averroes, vốn được xây dựng trên nền móng của Aristotle và sống sót trước những triết gia Do Thái và triết gia chịu ảnh hưởng của Thánh Aquinas, những người luôn tự nhận mình là Averroan 21 trong một thời gian dài. Nhiều nhà tư tưởng đã buộc tội Algazel vì ảnh hưởng to lớn của ông đã khiến nhiều người Ả Rập sau này quay lưng lại với phương pháp khoa học. Cuối cùng, ông ủng hộ chủ nghĩa huyền bí Sufi, theo đó, người sùng bái nỗ lực tìm cách đạt được sự đồng điệu với Chúa, đồng thời chỉ trích tất cả các mối liên hệ với những thứ trần tục. Tất cả những điều này đài bắt nguồn từ Thiên Nga Đen.

Trong khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi cổ đại tán thành sự ngu dốt có học thức (learned ignorance) như bước đầu tiên để điều tra về sự thật, thì những người theo chủ nghĩa hoài nghi thời Trung cổ, cả người Hồi giáo lẫn người Thiên Chúa giáo, lại sử dụng chủ nghĩa hoài nghi như một công cụ để tránh phải chấp nhận cái mà ngày nay chúng ta gọi là khoa học. Niềm tin vào tầm quan trọng của bài toán Thiên Nga Đen, những lo lắng về phương pháp quy nạp, và chủ nghĩa hoài nghi có thể làm cho một số tranh luận về tôn giáo trở nên có sức lôi cuốn hơn dù ở dạng nguyên sơ, phản giáo hội và thuộc thuyết hữu thần. Ý tưởng về việc chỉ tin vào niềm tin chứ không tin vào lý lẽ còn được biết đến với cái tên tín ngưỡng luận. Do đó, có một truyền thống về những người theo chủ nghĩa hoài nghi mang yếu tố Thiên Nga Đen – những người tìm thấy niềm an ủi trong tôn giáo, mà hiện thân tiêu biểu nhất là Pierre Bayle, một nhà thần học, một triết gia, một nhà thông thái theo đạo Tin Lành nói tiếng Pháp, người bị lưu đày ở Hà Lan, và là người đã xây dựng được một kiến trúc triết học rộng lớn liên quan đến những người theo chủ nghĩa hoài nghi Pyrrho. Các tác phẩm của Bayle có ảnh hưởng lớn đến mức Hume phải sử dụng hàng loạt tư tưởng của ông – điều góp phần đưa Hume đến với chủ nghĩa hoài nghi cổ đại. Tác phẩm Từ điển lịch sử và phê phán (Dictionaire historique et critique) của Bayle trở thành một tuyệt tác của tri thức được đọc nhiều nhất trong thế kỷ 18, tuy nhiên, tương tự nhiều vị anh hùng người Pháp mà tôi ngưỡng mộ (như Frédéric Bastiat chẳng hạn), có vẻ Bayle không có tên trong chương trình giảng dạy của Pháp và gần như không thể tìm thấy tài liệu nào về ông được viết bằng thứ tiếng Pháp chính gốc Nicolas of Autrecourt, người theo trường phái Algazel, sống vào thế kỷ 14, cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự.

Quả thật, có một sự thật mà không phải ai cũng biết là mãi gần đây, phần mô tả hoàn chỉnh nhất về những ý tưởng của chủ nghĩa hoài nghi vẫn còn là công việc của một vị giám mục Cơ Đốc giáo quyền uy, thành viên đức cao vọng trọng của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1690, Pierre-Daniel Huet đã viết tác phẩm Philosophical Treatise on the Weaknesses of the Human Mind (Chuyên luận triết học về những điểm yếu của bộ não con người) – một cuốn sách xuất chúng xé tan mọi giáo điều và chất vấn năng lực tri giác của con người. Huet trình bày những lý lẽ chống lại thuyết nhân quả vốn dĩ có sức thuyết phục khá mạnh mẽ, chẳng hạn như ông nói rằng bất kỳ sự kiện nào cũng có thể được sinh ra từ hằng hà sa số nguyên nhân.

Cả Huet lẫn Bayle đều là những người có học thức uyên bác và dành cả đời để đọc. Huet sống thọ đến hơn chín mươi tuổi, lúc nào cũng có một người hầu cầm sách theo sau để đọc cho ông nghe mỗi khi đang dùng bữa hay thư giãn nhằm tránh lãng phí thời gian. Người ta cho rằng ông là người đọc nhiều nhất thời đó. Cho phép tôi nhấn mạnh rằng, với tôi, học vấn uyên bác rất quan trọng. Nó là dấu hiệu của tính ham học hỏi chân thành, đi kèm với một trí óc phóng khoáng và khát khao tìm hiểu ý tưởng của người khác. Trên hết, một học giả uyên bác không bao giờ cảm thấy hài lòng về kiến thức của mình, và chính sự không hài lòng ấy là tấm chắn tuyệt vời để bảo vệ họ khỏi quan điểm Plato (Platonidty), tức những biện pháp đơn giản hóa của một vị giám đốc năm phút, hay tính tầm thường của một học giả quá chú tâm vào các tiểu tiết. Quả thật, học rộng mà không uyên thâm có thể dẫn đến nhiều thảm kịch.

Tuy nhiên, việc phát triển chủ nghĩa hoài nghi triết học không phải là sứ mệnh của cuốn sách này. Nếu nhận thức về bài toán Thiên Nga Đen có thể đưa chúng ta đến một cuộc tháo chạy và đến với chủ nghĩa hoài nghi Cực độ thì ngay lúc này, tôi sẽ chọn hướng hoàn toàn ngược lại. Tôi thích những chiến công và chủ nghĩa thực nghiệm chân chính. Vì thế, cuốn sách này không phải được viết nên bởi một người thần bí theo đạo Sufi, hay bởi người theo chủ nghĩa hoài nghi mang nhận thức của thời cổ đại hay Trung cổ, mà bởi một người luôn tìm cách để không trở thành một kẻ khờ trước những sự kiện có ý nghĩa. Chấm hết.

Về cơ bản, Hume tỏ ra hoài nghi về các công cụ khoa học, nhưng đã từ bỏ ngay ý nghĩ đó khi nói đến cuộc sống thường ngày bởi không thể tìm ra câu trả lời cho chúng. Những gì tôi đang làm ở đây hoàn toàn ngược lại: tôi hoài nghi những vấn đề có liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Hay nói cách khác, tất cả những gì tôi quan tâm chính là làm cách nào để ra quyết định mà không trở thành một con gà tây.

Trong suốt hơn hai mươi năm qua, nhiều tay hiểu biết lưng lửng liên tục hỏi tôi “Này Taleb, làm cách nào băng qua đường nếu như ông luôn nhận biết về một rủi ro cực độ?” hay thậm chí còn có nhiều câu ngốc nghếch hơn như “ông đang yêu cầu chúng tôi không chấp nhận bất cứ rủi ro nào”. Dĩ nhiên, tôi không cổ súy cho nỗi ám ảnh về rủi ro (bạn sẽ thấy tôi thích kiểu chấp nhận rủi ro mạo hiểm): tất cả những gì tôi sắp trình bày với bạn trong cuốn sách này là làm cách nào để băng qua đường khi bị bịt mắt.

Tôi vừa trình bày bài toán Thiên Nga Đen ở dạng lịch sử khó khăn chủ yếu của việc khái quát hóa từ những thông tin sẵn có, hay của việc học tập từ quá khứ, từ những gì đã biết và đã thấy. Tôi cũng đã cung cấp danh sách những nhân vật lịch sử mà mình cho là có liên quan nhiều nhất.

Bạn có thể thấy rằng sẽ vô cùng thuận lợi nếu được sống trong Mediocristan. Vì sao? Bởi nó cho phép bạn loại trừ những bất ngờ xuất phát từ Thiên Nga Đen này! Khi bạn sống trong Mediocristan, bài toán Thiên Nga Đen hoặc là không tồn tại hoặc là gây hậu quả rất nhỏ!

Kỳ diệu thay, giả định này xóa bỏ bài toán về quy nạp – thứ vốn dĩ không ngừng lây lan trong suốt lịch sử tư duy từ thời Sextus Empiricus. Một chuyên gia thống kê có thể làm việc mà không cần đến phương pháp nhận thức luận.

Mơ tưởng! Chúng ta không sống trong Mediocristan, chính vì thế mà Thiên Nga Đen cũng mang một tâm tính khác. Vì không thể che giấu được vấn đề nên chúng ta sẽ phải đào sâu nghiên cứu nó. Đây không phải là khó khăn cuối cùng – thậm chí chúng ta có thể kiếm lợi từ nó.

Giờ đây, có một số chủ đề khác phát sinh từ sự mù tịt của chúng ta về Thiên Nga Đen:

a. Chúng ta tập trung vào những phân khúc chọn sẵn của những gì đã được chứng kiến và khái quát chúng để áp đặt lên những gì chưa được chứng kiến: đây là lỗi chứng thực.

b. Chúng ta tự lừa dối mình bằng những câu chuyện nhằm thỏa mãn cơn khát triết học Plato về những hình mẫu đặc trưng: một lối liên tưởng ngụy biện.

c. Chúng ta cư xử như thể Thiên Nga Đen không hề tồn tại: bản chất của con người không được lập trình để đón nhận những hiện tượng Thiên Nga Đen.

d. Những gì chúng ta nhìn thấy không nhất thiết phải có ở đó. lịch sử che giấu Thiên Nga Đen và khiến chúng ta nghĩ sai về khả năng xảy ra của các hiện tượng này: đây là sự bóp méo các bằng chứng thầm lặng.

e. Chúng ta “đi bằng đường hầm”: tức là, chỉ tập trung vào một số ít nguồn gốc đã được xác định về tính bất định và một danh sách quá chi tiết về các Thiên Nga Đen (khiến chúng ta không dễ gì nhìn thấy các hiện tượng khác).

Tôi sẽ lần lượt trình bày từng điểm trên trong năm chương tiếp theo. Sau đó, ở cuối Phần 1, tôi sẽ chứng minh chúng thực chất chỉ là một.

Chọn tập
Bình luận