Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 5: Chứng Thực Hay “Trứng” Thực

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

TÔI CÓ RẤT NHIỀU BẰNG CHỨNG ■ (CÓ KHI NÀO) ZOOGLES LẠI TRỞ THÀNH BOOGLES? ■ CHỨNG THỰC HAY “TRỨNG” THỰC ■ TƯ TƯỞNG POPPER 

Khi đã ăn sâu vào thói quen và hiểu biết truyền thống của chúng ta, chứng thực là một lỗi nguy hiểm.

Giả sử tôi nói rằng mình có bằng chứng chứng minh cầu thủ bóng đá O. J. Simson (người bị kết tội mưu sát vợ trong thập niên 90) không phạm tội.

Nghe này, một ngày kia, tôi ăn sáng với anh ta và anh ấy không giết bất kỳ ai. Tôi đang nghiêm túc đây, tôi không hề thấy anh ấy giết người. Liệu điều đó có thể chứng thực rằng anh ta vô tội? Nếu tôi thốt ra những lời đại loại như thế, chắc chắn bạn sẽ gọi ngay một bác sĩ tâm thần, xe cứu thương hay thậm chí cả cảnh sát nữa, bởi có thể bạn nghĩ rằng tôi đã dành quá nhiều thời gian trong phòng giao dịch hay trong các quán cà phê để tư duy về đề tài mang tên Thiên Nga Đen này, và rằng chuỗi lý luận của tôi có thể trực tiếp gây nguy hiểm cho xã hội nên bản thân tôi cần phải bị tống giam ngay tức khắc.

Bạn cũng sẽ phản ứng tương tự nếu như tôi nói rằng, một ngày kia, tôi ngủ trên đường ray xe lửa ở New Rochelle, New York mà không bị cán chết. Này, nhìn tôi này, tôi sẽ nói, và đây cũng là bằng chứng cho thấy việc nằm trên đường ray xe lửa sẽ không nguy hiểm gì hết. Tuy nhiên, cần xem xét trường hợp sau. Trong Minh họa 1 ở Chương 4, một người quan sát con gà trong một nghìn ngày đầu tiên (nhưng bỏ qua cú sốc của ngày thứ một nghìn lẻ một) chắc chắn sẽ nói với bạn rằng không có bất kỳ bằng chứng nào về khả năng xảy ra của các biến cố lớn, chẳng hạn như những hiện tượng mang tính Thiên Nga Đen. Tuy nhiên, bạn thường mắc sai lầm với phát ngôn đó, nhất là khi không để tâm nhiều đến nó, câu phát ngôn ấy có thể được hiểu là có bằng chứng cho thấy không có hiện tượng Thiên Nga Đen nào xảy ra. Dù trên thực tế, hai lời khẳng định này có sự khác biệt rất lớn về mặt lôgic, nhưng trong tâm trí bạn, khoảng cách ấy có vẻ như rất hẹp, chính vì thế, phát ngôn này có thể dễ dàng thay thế cho phát ngôn kia. Trong mười ngày tới, nếu tìm cách ghi nhớ phát ngôn đầu tiên, bạn có khuynh hướng ghi nhớ phiên bản thứ hai thiếu chính xác này – tức là có bằng chứng cho thấy không có hiện tượng Thiên Nga Đen. Tôi gọi sự nhầm lẫn này là ngụy biện xoay vòng (round-trip fallacy), bởi những lời khẳng định ấy không thể hoán đổi cho nhau.

Trong một chừng mực nào đó, sự ngộ nhận giữa hai phát ngôn trên là một lỗi lôgic rất nhỏ (nhưng lại có vai trò quyết định) – tuy nhiên, chúng ta không miễn nhiễm trước những lỗi lôgic nhỏ, và đặc biệt, các giáo sư, các nhà tư tưởng lại càng không thể tránh được chúng (bởi các phương trình phức tạp không thể nào “chung sống hòa bình” với lối tư duy rành mạch được). Nếu không tập trung cao độ, chúng ta có xu hướng đơn giản hóa vấn đề một cách vô thức do bộ não của mình đã quen hoạt động như thế mà không hề hay biết.

Điều này đáng để chúng ta nghiên cứu sâu hơn.

Nhiều người lẫn lộn giữa “hầu hết những tên khủng bố đều là người Hồi giáo” và “hầu hết những người Hồi giáo đều là khủng bố”. Cứ cho là phát ngôn đầu tiên đúng, tức 99% những tên khủng bố theo đạo Hồi. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 0,001% người Hồi giáo là khủng bố, bởi có hơn 1 tỷ người theo đạo Hồi trong khi quân số khủng bố chỉ vào khoảng mười nghìn người, tức là theo tỷ lệ 1/100.000. Chính vì thế, lỗi lôgic trên đã khiến bạn đánh giá (một cách vô thức) xác suất trở thành khủng bố của một người Hồi giáo được chọn ngẫu nhiên (trong độ tuổi từ mười lăm đến năm mươi chẳng hạn) cao hơn bình thường gần năm mươi nghìn lần!

Theo lối ngụy biện xoay vòng này, bạn có thể nhận thấy sự bất công của các khuôn mẫu – các tộc người thiểu số sinh sống tại các khu đô thị ở Mỹ phải gánh chịu sự ngộ nhận tương tự: cho dù phần lớn tội phạm đều xuất thân từ các tộc người thiểu số thì hầu hết cư dân của họ cũng không phải là tội phạm, tuy nhiên, họ vẫn bị đối xử phân biệt bởi những người mà lẽ ra phải thấu hiểu vấn đề hơn.

Có lần John Stuart Mill than phiền rằng “Tôi không bao giờ có ý nói những người theo Đảng Bảo thủ đều ngu ngốc. Ý tôi là những người ngu ngốc thường là những người theo Đảng Bảo thủ”. Vấn đề này đã trở thành căn bệnh kinh niên: nếu bạn nói với mọi người rằng chìa khóa dẫn đến thành công không phải lúc nào cũng là kỹ năng, họ sẽ hiểu là thành công không phải nhờ kỹ năng mà hoàn toàn dựa vào may mắn.

Phương pháp suy luận, thứ mà chúng ta luôn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, không được sử dụng cho môi trường phức tạp, nơi mà một phát ngôn thay đổi rõ rệt khi nội dung của nó chỉ biến chuyển đôi chút. Hãy lưu ý, trong môi trường nguyên sơ, không có khác biệt đáng kể nào giữa các phát ngôn kiểu như hầu hết những tên sát nhân đều là loài dã thú và hầu hết các loài dã thú đều là kẻ sát nhân. Ở đây cũng có sai sót nhưng gần như không đáng kể. Những hiểu biết trực giác về thống kê của chúng ta không tiến hóa cho môi trường, nơi những tiểu tiết này có thể tạo nên khác biệt to lớn.

Tất cả zoogle đều là boogle. Bạn thấy một boogle. Đó có phải là zoogle không? Không hẳn, bởi vì không phải boogle nào cũng là zoogle; những thanh thiếu niên nào mắc lỗi khi trả lời những câu hỏi dạng này trong bài thi SAT có thể sẽ không lặp lại nó ở bậc đại học. Tuy nhiên, một người khác có thể đạt điểm SAT rất cao nhưng vẫn cảm thấy ớn lạnh khi có người lạ bước vào thang máy. Việc không thể tự động chuyển kiến thức và sự tinh tế từ tình huống này sang tình huống khác hay từ lý thuyết sang thực tiễn là một thuộc tính khá phiền toái của bản chất con người.

Chúng ta hãy gọi nó là đặc trưng miền (domain specialcity) trong các phản ứng của mình. Khi sử dụng cụm từ đặc trưng miền, tôi muốn nói rằng phản ứng, cách thức suy nghĩ, trực giác của chúng ta, tất cả đều phụ thuộc vào bối cảnh mà vấn đề đó được thể hiện, đó là thứ mà các nhà tâm lý học tiến bộ gọi là “miền”. Lớp học là một miền, cuộc sống thực cũng thế. Chúng ta phản ứng trước một thông tin không phải do tính lôgic của nó mà do bối cảnh xung quanh và mức độ ăn nhập của nó trong hệ thống cảm xúc – xã hội của chúng ta. Những bài toán lôgic được tiếp cận theo cách này trong lớp học, nhưng có thể được giải quyết theo một cách hoàn toàn khác trong đời sống thực. Thật vậy, trên thực tế, chúng được giải quyết theo một cách rất khác.

Ngay cả khi được cho là chính xác thì kiến thức đó cũng không tạo nên những hành động thích hợp, bởi chúng ta thường quên đi những gì mình biết, hoặc quên cách xử lý nó thật thích đáng do thiếu quan tâm, ngay cả khi chúng ta là chuyên gia. Rõ ràng, các nhà thống kê có xu hướng bỏ quên bộ não của mình trong lớp học và sa vào những lỗi suy luận tầm thường nhất một khi bước chân ra thế giới bên ngoài. Năm 1971, hai nhà tâm lý học Danny Kahneman và Amos Tversky đã công kích các giáo sư môn thống kê học bằng những câu hỏi về thống kê nhưng không được diễn đạt theo kiểu thống kê. Có một câu tương tự như sau (tôi phải thay đổi ví dụ để ý tứ rõ ràng hơn): Giả sử bạn đang sống trong một thị trấn có hai bệnh viện – một cái to, một cái nhỏ. Một ngày nọ, 60% trẻ em sinh ra tại một trong hai bệnh viện là con trai. Hỏi đó là bệnh viện nào? Nhiều nhà thống kê học đã đưa ra nhận định sai (tại buổi tranh luận không chính thức) khi chọn bệnh viện lớn, trong khi trên thực tế, yếu tố rất cơ bản của thống kê học là: tính từ mức trung bình dài hạn – mà ở đây là 50% cho mỗi giới tính – thì mẫu thử lớn luôn ổn định và ít biến động hơn so với mẫu thử nhỏ. Chắc hẳn các nhà thống kê này thường xuyên thi trượt. Trong quãng thời gian làm quant, tôi đã đếm được hàng trăm lỗi suy luận nghiêm trọng như thế của các nhà thống kê – những người đã quên rằng mình chính là các nhà thống kê.

Một minh họa khác chứng minh cho cái cách đặc trưng miền hết sức lố bịch của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: hãy đến câu lạc bộ thể thao cao cấp Reebok ở New York, và xem một số người sau khi trượt trên thang cuộn vài tầng lầu mới tiến thẳng đến máy tập đi bộ StairMasters.

Phần đặc trưng miền trong các suy luận và phản ứng của chúng ta hoạt động theo cả hai cách: đối với một số vấn đề, chúng ta hiểu trong ứng dụng thực tiễn nhanh hơn trong sách vở, nhưng đối với một số khác, chúng ta nắm bắt trong sách vở nhanh hơn so với ứng dụng thực tế. Mọi người có thể dễ dàng giải quyết một vấn đề trong bối cảnh xã hội nhưng lại loay hoay một cách khó nhọc khi vấn đề đó được thể hiện dưới dạng một bài toán lôgic trừu tượng. Chúng ta có xu hướng sử dụng cơ cấu thần kinh khác nhau – còn gọi là các mô-đun – trong các tình huống khác nhau: bộ não chúng ta thiếu một máy tính trung ương có khả năng hoạt động bằng các quy tắc lôgic và ứng dụng chúng một cách đồng đều trong tất cả các tình huống khả dĩ.

Và như tôi đã nói, chúng ta có thể phạm phải lỗi lôgic trong thực tế chứ không phải trong lớp học. Tính không đối xứng này thể hiện rõ nét nhất là trong tiến trình tìm kiếm căn bệnh ung thư. Lấy ví dụ các bác sĩ đang kiểm tra dấu hiệu ung thư ở một bệnh nhân; thông thường, quá trình xét nghiệm được thực hiện cho những bệnh nhân nào muốn biết bệnh của họ có được chữa khỏi hay sẽ “tái phát”. (Thực ra, tái phát là cách dùng từ sai; nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là quá trình chữa trị không tiêu diệt hết các tế bào ung thư và lượng tế bào ác tính bị bỏ sót này bắt đầu nhân lên gấp nhiều lần cho đến khi chúng ta không thể kiểm soát được). Trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay không cho phép chúng ta xét nghiệm từng tế bào của cơ thể bệnh nhân để biết liệu tất cả có lành tính hay không, chính vì thế, bác sĩ chỉ lấy một mẫu thử sau khi thực hiện chụp cắt lớp cơ thể bệnh nhân với độ chính xác cao nhất có thể. Sau đó, vị bác sĩ này sẽ đưa ra giả định về những điều mình không nhìn thấy. Có lần, sau khi kết thúc buổi kiểm tra ung thư định kỳ, tôi giật mình khi một vị bác sĩ nói với tôi thế này: “Đừng lo, chúng ta đã có căn cứ để chữa trị”. Tôi hỏi lại, “Như thế nào?” Ông ta đáp, “Bằng chứng thể hiện không có ung thư”. Tôi hỏi tiếp, “Làm thế nào ông biết được?” ông ta trả lời, “Chụp cắt lớp cho kết quả âm tính”. Mặc dù vậy, ông ta vẫn cứ đi rêu rao mình là bác sĩ!

Có một từ viết tắt được sử dụng trong nhiều tài liệu y học là NED (No Evidence of Disease), nghĩa là Không Có Dấu Hiệu Bệnh Tật, nhưng không có cái nào đại loại như END (Evidence of No Disease), nghĩa là Có Bằng Chứng Cho Thấy Không Có Bệnh Tật. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mà tôi có được qua quá trình thảo luận xoay quanh vấn đề này với nhiều bác sĩ, kể cả với những người đã đăng báo công trình nghiên cứu của mình, nhiều người đã rơi vào lối ngụy biện xoay vòng.

Những bác sĩ thuộc nhóm các nhà khoa học kiêu ngạo của thập niên 60 xem thường sữa mẹ, coi nó như một thứ gì đó cổ xưa và có thể được tái chế trong phòng thí nghiệm, nhưng không nhận ra rằng sữa mẹ có thể chứa đựng những thành phần hữu ích vượt ngoài tầm hiểu biết về khoa học của bản thân mình – đó là một sự ngộ nhận đơn giản giữa không có bằng chứng về lợi ích của sữa mẹ và có bằng chứng cho thấy sữa mẹ không có lợi ích (một minh họa khác của quan điểm Plato là “không có lý do gì” lại cho con bú sữa mẹ trong khi có thể dễ dàng cho bú bằng sữa bình). Nhiều người đã phải trả giá cho lối suy luận ngây thơ này: những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ trong giai đoạn sơ sinh có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, trong đó bao gồm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư – chắc chắn trong sữa mẹ có một số dưỡng chất thiết yếu nào đó mà chúng ta vẫn chưa phát hiện ra. Hơn nữa, người ta cũng quên mất lợi ích dành cho những bà mẹ cho con bú, như giảm nguy cơ bị ung thư vú chẳng hạn.

Tương tự với amiđan: việc cắt amiđan có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư cổ họng, nhưng trong suốt nhiều thập niên, các bác sĩ không bao giờ đặt câu hỏi rằng liệu cái mô “vô tích sự” này có một tác dụng nào đó mà họ chưa phát hiện ra không. Sự việc cũng diễn ra tương tự với chất xơ thực phẩm tìm thấy trong hoa quả và rau củ: các bác sĩ trong thập niên 60 coi nó là vô dụng bởi không thấy có bằng chứng trực tiếp nào về sự cần thiết của nó, và do đó, đã khiến cho cả một thế hệ bị suy dinh dưỡng. Hóa ra chất xơ ấy có vai trò làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu và quá trình bào mòn ống tiêu hóa của các tế bào tiền ung thư. Quả thật, trong suốt tiến trình lịch sử, do sự ngộ nhận trong suy luận này mà y học đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Ở đây, tôi không nói là các bác sĩ không nên có niềm tin, nhưng cần phải tránh một số dạng niềm tin tuyệt đối và bảo thủ – chắc hẳn điều này sẽ được Menodotus cùng trường phái của ông tán thành bởi ông và trường phái của mình cũng ủng hộ một nền y học đi theo chủ nghĩa hoài nghi và dựa trên kinh nghiệm, tránh xa chủ trương lý thuyết hóa. Ngày nay, y học đã tiến bộ hơn nhiều – nhưng nhiều thể loại tri thức lại không được như thế

Với cơ chế tư duy mà tôi gọi là chủ nghĩa thực nghiệm ngây thơ, chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm những ví dụ nào có thể chứng thực cho câu chuyện hay tầm nhìn của mình về thế giới – những ví dụ này rất dễ tìm. Nhưng hỡi ôi, với công cụ và những kẻ ngốc trong tay thì mọi thứ đều rất dễ tìm. Bạn có thể lấy những ví dụ trong quá khứ để chứng thực cho lý thuyết của mình và xem chúng như bằng chứng. Chẳng hạn, một nhà ngoại giao sẽ giới thiệu với bạn “những thành tựu” mà ông ta đã đạt được chứ không phải những thất bại. Các nhà toán học sẽ cố thuyết phục bạn rằng môn khoa học của họ giúp ích nhiều cho xã hội bằng cách chỉ ra những trường hợp mà toán học chứng minh được tính hữu dụng của nó chứ không phải những trường hợp gây lãng phí thời gian, hoặc, tệ hơn, nhiều ứng dụng toán học lại khiến xã hội phải trả giá (tốt bởi những lý thuyết toán tao nhã thường mang bản chất phi kinh nghiệm chủ nghĩa rất cao.

Thậm chí, khi kiểm tra một giả thuyết, chúng ta vẫn có xu hướng tìm kiếm những trường hợp mà giả thuyết ấy được chứng minh là đúng. Dĩ nhiên, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy sự chứng thực; tất cả những gì cần làm là tìm kiếm, hay thuê một nhà nghiên cứu làm hộ phần việc này. Tôi có thể tìm thấy sự chứng thực ở mọi thứ, hệt như cách một tài xế tắc-xi thạo nghề tại Luân Đôn dựa vào lưu lượng giao thông để tăng cước phí, thậm chí vào ngày lễ.

Một số người nghiên cứu sâu hơn và cung cấp cho tôi ví dụ về những biến cố mà chúng ta đã có thể đoán trước với một mức độ thành công nhất định – thú thật là có rất ít biến có như thế, giống như việc đưa người lên mặt trăng hay tăng trưởng kinh tế của thế kỷ 21. Một người có thể làm thấy nhiều “phản bằng chứng” chống lại các quan điểm trong cuốn sách này, “phản bằng chứng” tốt nhất chắc hẳn phải là nhận định: báo chí rất xuất sắc trong việc dự đoán lịch chiếu phim và lịch biểu diễn tại các nhà hát. Nghe này, hôm qua tôi dự đoán rằng hôm nay mặt trời sẽ mọc và nó mọc thật đấy!

Đáng mừng là vẫn có cách để vượt qua chủ nghĩa kinh nghiệm ngây thơ này. Tôi muốn nói rằng chuỗi các sự kiện chứng thực không nhất thiết phải là bằng chứng. Việc trông thấy những con thiên nga trắng không thể làm bằng chứng cho sự không tồn tại của thiên nga đen. Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp ngoại lệ: tôi biết phát ngôn nào là sai nhưng không cần thiết phải biết phát ngôn nào là đúng. Nếu trông thấy một con thiên nga đen, tôi có thể khẳng định rằng không phải tất cả thiên nga đều là màu trắng! Nếu chứng kiến ai đó giết người thì gần như chắc chắn tôi sẽ nghĩ anh ta là tội phạm. Nếu không thấy anh ta giết người, tôi không thể chắc chắn rằng anh ta có vô tội hay không. Tương tự với quá trình phát hiện ung thư: việc phát hiện ra một khối u ác tính có thể chứng minh rằng bạn đã bị ung thư, nhưng ngay cả khi không có phát hiện nào như thế thì bạn cũng không thể khẳng định chắc rằng mình hoàn toàn không bị ung thư.

Bạn có thể tiến gần hơn đến sự thật nhờ vào các ví dụ tiêu cực, chứ không phải nhờ vào chứng cứ! Việc xây dựng một quy luật chung từ những sự việc đã qua quan sát là một sai lầm. Trái với hiểu biết thông thường, khối lượng kiến thức của chúng ta không tăng lên nhờ vào các quan sát chứng thực, cũng giống như kiến thức của con gà vậy. Nhưng có vài điều mà tôi còn hoài nghi, còn những điều khác tôi hoàn toàn cho là chắc chắn. Điều này khiến cho kết quả của các quan sát trở nên phiến diện. Sự việc không phức tạp nhiều hơn thế đâu.

Tính bất cân xứng này lại vô cùng thiết thực. Nó cho biết rằng chúng ta không nhất thiết phải tuyệt đối đi theo chủ nghĩa hoài nghi mà chỉ cần đi theo bán phần. Sự tinh tế của cuộc sống thực ngoài sách vở chính là, trong quá trình ra quyết định, bạn cần quan tâm đến một mặt của câu chuyện mà thôi: nếu muốn biết chắc chắn bệnh nhân có bị ung thư hay không, chứ không phải chắc chắn rằng anh ta khỏe mạnh hay không, bạn có thể hài lòng với kết luận âm tính, bởi nó khẳng định thứ mà bạn đang tìm kiếm. Chính vì thế, chúng ta có thể học được nhiều điều từ dữ liệu – nhưng không nhiều như mong đợi. Đôi khi, nhiều thông tin chẳng tạo ra ý nghĩa gì; nhưng có lúc, chỉ một mẩu tin thôi lại có ý nghĩa rất lớn. Đúng là một nghìn ngày không thể chứng tỏ rằng bạn đúng, nhưng chỉ một ngày cũng đủ để chứng minh bạn đã sai.

Người ủng hộ ý tưởng về chủ nghĩa hoài nghi bán phần phiến diện này là Giáo sư, Tiến sĩ Karl Raimund Popper, người có thể được xem là triết học gia khoa học duy nhất, được những người hành động trong thế giới thực thật sự đọc và tranh luận (mặc dù không được hào hứng như các triết gia chuyên nghiệp). Khi tôi viết những dòng này, bức ảnh đen trắng của ông đang được treo trên tường trong phòng làm việc của tôi. Đây là món quà tôi nhận được từ nhà văn tiểu luận Jochen Wegner tại Munich; giống như tôi, ông cũng xem Popper gần như là tất cả những gì “chúng tôi có được” từ các nhà tư tưởng hiện đại – phải, gần như tất cả ông đã viết thư cho chúng tôi thay vì cho các triết gia khác. “Chúng tôi” là những người đưa ra quyết định dựa theo kinh nghiệm, là người hiểu được rằng tính bất định chính là ngành nghiên cứu dành cho mình, và rằng việc hiểu được cách hành động trong những điều kiện thông tin không đầy đủ chính là mục tiêu cao nhất và cấp thiết nhất của loài người.

Popper đã hình thành nên một lý thuyết có phạm vi rộng xoay quanh tính bất cân xứng này, dựa vào phương pháp kỹ thuật gọi là “chứng minh sai”, nhằm mục đích phân biệt khoa học với phi khoa học, và ngay lập tức mọi người bắt đầu tranh cãi về những chi tiết kỹ thuật của nó, mặc dù đây không phải là ý tưởng thú vị nhất hay nguyên bản nhất của Popper. Ý tưởng về tính bất cân xứng của kiến thức được những người trực tiếp hành nghề ưa thích bởi nó rõ ràng và cũng chính là cách mà họ đang điều hành công việc của mình. Cũng giống như một nghệ sĩ vốn chỉ nhận được sự tôn trọng sau khi đã qua đời, triết gia bị nguyền rủa Charles Sanders Pierce đã phát hiện ra một giải pháp cho bài toán Thiên Nga Đen này khi Popper hãy còn quấn tã – thậm chí nhiều người còn gọi đây là phương pháp Pierce-Popper. Popper có một ý tưởng mạnh mẽ và nguyên bản hơn nhiều, đó là một xã hội “mở” chỉ dựa vào chủ nghĩa hoài nghi như một cách thức để hoạt động, bác bỏ và chống lại những sự thật tuyệt đối. Theo những luận điểm mà tôi đã giới thiệu trong Phần mở đầu, ông kết tội Plato vì đã đóng kín bộ ráo của chúng ta. Tuy nhiên, ý tưởng lớn nhất của Popper chính là sự thấu hiểu về khả năng không thể dự đoán được của thế giới – những thứ vốn rất cơ bản, khắc nghiệt và không thể cứu chữa được, và tôi sẽ dành phần này lại cho chương nói về dự đoán. 22

Dĩ nhiên, không dễ dàng gì để “chứng minh sai”, tức là tuyên bố chắc chắn rằng điều gì đó hoàn toàn sai. Những thiếu sót trong phương pháp kiểm tra của bạn có thể dẫn đến sai lầm khi đưa ra câu trả lời “không”. Vị bác sĩ phát hiện ra các tế bào ung thư có thể đã mắc một số biểu hiện ảo giác do lỗi máy móc; hoặc có thể ông ta là nhà kinh tế học sử dụng đường cong hình chuông được ngụy trang dưới lớp áo bác sĩ. Người tận mắt chứng kiến một vụ phạm tội cũng có thể đang trong tình trạng say xin vào lúc đó. Tuy nhiên, bao giờ bạn cũng tự tin hơn khi kết luận điều gì là sai so với khi kết luận điều gì là đúng. Không phải thông tin nào cũng quan trọng như nhau.

Popper đã giới thiệu một cơ chế phỏng đoán và bác bỏ theo nguyên tắc sau: bạn đưa ra một phỏng đoán (táo bạo) và bắt đầu tìm kiếm một quan sát nào đó có thể chứng minh mình sai. Đây là giải pháp thay thế cho quá trình tìm kiếm những ví dụ được sử dụng cho việc chứng thực của chúng ta. Nếu nghĩ rằng đây là một công việc dễ dàng thì bạn sẽ thất vọng bởi rất ít người có được khả năng bẩm sinh để thực hiện điều đó. Tôi thừa nhận mình không phải là một trong số họ; khả năng đó không tự nhiên đến với tôi.

Các nhà khoa học về nhận thức đã nghiên cứu vì sao chúng ta chí có xu hướng tìm kiếm sự chứng thực; họ gọi tính dễ bị tác động bởi lỗi chứng thực này là thiên kiến chứng thực (confirmation bias). Có nhiều thí nghiệm chứng minh rằng người ta chỉ tập trung vào những cuốn sách đã đọc trong thư viện của Umberto Eco. Bạn có thể kiểm tra một quy tắc nào đó theo cách trực tiếp là tìm kiếm những trường hợp nào chứng minh quy tắc đó đúng, hoặc theo cách gián tiếp là tập trung vào những trường hợp chứng minh quy tắc đó sai. Như chúng ta đã thấy, những ví dụ mang tính bác bỏ luôn có sức thuyết phục hơn rất nhiều trong quá trình chứng minh sự thật Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng thờ ơ với đặc tính này.

Thí nghiệm đầu tiên mà tôi biết có liên quan đến hiện tượng này đã được thực hiện bởi nhà tâm lý học P.C Wason. Ông cho các đối tượng tham gia thí nghiệm xem một dãy số gồm 2, 4, 6 và yêu cầu họ cố gắng đoán xem quy luật nào tạo nên dãy số đó. Phương pháp suy đoán của họ là tạo ra các dãy số gồm ba chữ số, mà theo đó người thực hiện thí nghiệm sẽ trả lời “đúng” hoặc “sai” tùy vào mức độ phù hợp của những dãy số mới đó với quy luật chung. Một khi đã tự tin với lài giải của mình, các đối tượng tham gia thí nghiệm sẽ bắt đầu hình thành quy luật. (Xin lưu ý, thí nghiệm này cũng có nhiều nét tương đồng với nội dung thảo luận trong Chương 1 về cách tự thể hiện của lịch sử giả định rằng lịch sử được hình thành từ một lôgic nào đó, chúng ta chỉ nhìn thấy các sự kiện chứ không thấy được quy tắc, nhưng cần phải đoán ra cơ chế hoạt động của nó). Và quy tắc chính là “các số xếp theo thứ tự tăng dần”, chỉ có thế thôi. Rất ít đối tượng tham gia thí nghiệm phát hiện ra quy tắc này bởi để làm được như thế, họ phải đưa ra một dãy số theo thứ tự giảm dần (mà người thực hiện thí nghiệm sẽ cho là “sai”). Wason nhận thấy các đối tượng tham gia thí nghiệm đều nghĩ ra một quy tắc riêng nhưng lại cung cấp cho ông những ví dụ nhằm chứng minh cho quy tắc ấy thay vì tìm cách tạo ra các dãy số trái với nó. Các đối tượng này chỉ cố tìm cách chứng minh những quy tắc mà mình đã nghĩ ra.

Thí nghiệm này đã truyền cảm hứng cho hàng loạt thí nghiệm tương tự, trong đó có ví dụ sau: Các đối tượng tham gia được yêu cầu tìm ra những câu hỏi để xác định người đó có hướng ngoại hay không, cứ cho đây là một dạng thí nghiệm khác cũng được. Và kết quả cho thấy các đối tượng tham gia chủ yếu đưa ra những câu hỏi với câu trả lời “có/vâng” để củng cố cho giả thuyết ban đầu.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là sự xuất hiện của các đại kiện tướng cờ vua – những người đã được chứng minh là thật sự tập trung vào điểm yếu của một nước cờ suy đoán; ngược lại, cũng có các “tân binh” chỉ biết tìm kiếm những ví dụ nhằm mục đích chứng thực thay vì các trường hợp “chứng minh sai”. Nhưng xin đừng chơi cờ để luyện tập tính hoài nghi. Các nhà khoa học tin rằng chính quá trình tìm kiếm điểm yếu của bản thân đã giúp những người đó trở thành bậc thầy về cờ vua, chứ việc tập luyện cờ vua không biến họ thành người theo chủ nghĩa hoài nghi được. Tương tự, khi đưa ra một dự đoán tài chính, nhà đầu cơ George Soros, luôn tìm kiếm những trường hợp có khả năng bác bỏ lý thuyết ban đầu. Có lẽ đây mới đích thực là sự tự tin: khả năng nhìn nhận thế giới mà không cần phải tìm kiếm các dấu hiệu để thỏa mãn cái tôi của mình. 23

Quan điểm sau sẽ minh họa thêm cho sự ngu xuẩn của việc chứng thực. Nếu tin rằng việc nhìn thấy thêm một con thiên nga trắng nữa sẽ giúp khẳng định rằng không có thiên nga đen thì bạn nên chấp nhận phát biểu sau: với những lý lẽ hoàn toàn lôgic, việc trông thấy một chiếc xe Mini Cooper màu đỏ có thể chứng thực rằng không có thiên nga đen.

Vì sao? Chỉ cần cho rằng phát biểu “tất cả thiên nga đều màu trắng” đồng nghĩa với tất cả những vật thể không có màu trắng đều không phải là thiên nga. Điều gì có thể chứng thực cho phát biểu sau thì cũng có thể chứng thực cho phát biểu ban đầu. Do đó, việc nhìn thấy một vật thể không có màu trắng, nhưng không phải là thiên nga, đã dẫn đến khẳng định trên. Lập luận này, còn được biết đến với tên gọi nghịch biện con quạ của Hempel, đã được bạn tôi, nhà toán học (duy lý) Bruno Dupire, phát hiện lại trong một lần chúng tôi dạo phố ở Luân Đôn với những suy tư luôn biểu hiện trong trí óc – một trong những cuộc tranh luận sâu sắc kết hợp với cuộc bát phố hào hứng đến mức chúng tôi không hề nhận thấy trời đang mưa. Bạn tôi chỉ vào một chiếc Mini Cooper đỏ và hét lên, “Nhìn kìa Nassim, nhìn kìa! Không có Thiên Nga Đen!”

Chúng ta không ngây thơ đến mức tin rằng có ai đó bất tử chỉ là không nhìn thấy ông ta chết, hoặc tin rằng ai đó vô tội chỉ vì chưa bao giờ thấy anh ta giết người. Không phải lúc nào sự khái quát hóa ngây thơ cũng gây rắc rối cho chúng ta. Nhưng, các nhóm biệt lập khéo léo đó của chủ nghĩa hoài nghi quy nạp lại có xu hướng bao hàm cả các sự kiện mà chúng ta đã gặp phải trong môi trường tự nhiên – những vấn đề mà mình đã học để tránh sa vào quá trình khái quát hóa một cách ngu xuẩn.

Chẳng hạn, khi được trao cho bức ảnh chụp một thành viên của một nhóm với yêu cầu đưa ra dự đoán về đặc tính của các thành viên còn lại, những đứa trẻ có khả năng lựa chọn đặc tính nào cần được khái quát hóa. Hãy cho một đứa trẻ xem hình một người thừa cân và nói rằng người này là thành viên của một bộ tộc, sau đó, yêu cầu đứa bé mô tả các thành viên khác của bộ tộc ấy, đứa bé (nhiều khả năng nhất) sẽ không vội kết luận rằng tất cả thành viên của bộ tộc ấy đang gặp các rắc rối về trọng lượng cơ thể, mà phản ứng theo cách có liên quan đến yếu tố màu da. Nếu bạn cho cô bé xem hình những người có nước da đen và yêu cầu miêu tả các thành viên khác trong cùng bộ tộc, cô bé sẽ cho rằng họ cũng có nước da đen.

Vì vậy, có vẻ như trời đã ban cho chúng ta những bản năng quy nạp đặc trưng và phức tạp để dẫn đường. Trong khi David Hume vĩ đại cũng như những người Anh theo chủ nghĩa thực nghiệm cho rằng niềm tin xuất phát từ thói quen, vì tin rằng mình chỉ học được quá trình khái quát hóa từ kinh nghiệm và các quan sát thực nghiệm, thì trái lại, các nghiên cứu về hành vi trẻ thơ đã cho thấy chúng ta được trang bị một cơ chế thần kinh khiến ta khái quát hóa một cách có chọn lọc từ những trải nghiệm (tức là chỉ đạt được kiến thức quy nạp ở một số miền và vẫn giữ thái độ hoài nghi ở các miền khác). Bằng cách đó, chúng ta không chỉ học từ một nghìn ngày, mà trái lại, nhờ vào quá trình tiến hóa, sẽ được hưởng lợi từ kiến thức của các thế hệ đi trước – điều đã được chứng minh trong y học.

Và có thể chúng ta đã học những điều sai trái từ các bậc tiền bối. Ở đây, tôi cho rằng có thể chúng ta đã thừa hưởng những bản năng chỉ thích hợp để sống sót ở khu vực Hồ Lớn vùng Đông Phi, nơi được cho là nguồn cội của tất cả chúng ta, và dĩ nhiên, những bản năng ấy không thể thích ứng với môi trường hiện tại thời hậu-ký-tự-chữ-cái vốn rất phức tạp về mặt thống kê và chứa đựng rất nhiều thông tin.

Quả thật, môi trường nơi chúng ta đang sống phức tạp hơn những gì mình (và các thể chế của mình) có thể nhận ra. Vì sao thế? Bởi thế giới hiện đại mang tên Extremistan đang bị thống trị bởi những biến cố hiếm, rất rất hiếm. Nó có thể mang đến một “con” Thiên Nga Đen sau hàng nghìn nghìn con thiên nga trắng, vì thế, chúng ta cần lưu giữ ý kiến đánh giá của mình lâu hơn bình thường. Như đã trình bày trong Chương 3, việc bắt gặp một người cao vài trăm dặm là không thể, cả về mặt sinh học, do đó, các thể chế của chúng ta đối loại bỏ những biến cố này. Nhưng doanh số bán của một cuốn sách hay tầm quan trọng của các biến cố xã hội không tuân theo những giới hạn chật hẹp ấy. Phải mất hơn một nghìn ngày mới có thể khẳng định rằng một tác giả không có tài năng gì đặc biệt, một thị trường không sụp đổ, một cuộc chiến không xảy ra, một dự án hết hy vọng, một đất nước là “đồng minh của chúng ta”, một công ty không phá sản, một nhà phân tích chứng khoán không phải là kẻ bất tài, hay một người hàng xóm sẽ không tấn công chúng ta. Trước đây rất lâu, con người có thể can thiệp nhanh và chính xác hơn rất nhiều.

Không dừng lại ở đó, nguồn gốc hình thành Thiên Nga Đen ngày nay đã tăng theo cấp số nhân vượt khỏi tầm kiểm soát. 24 Trong môi trường nguyên sơ, chúng đủ giới hạn trong phạm vi của những cuộc chạm trán bất ngờ với thú hoang, kẻ thù hay những thay đổi thời tiết khắc nghiệt. Những biến cố này lặp lại theo một tần suất đủ để hình thành trong chúng ta một nỗi lo sợ bẩm sinh. Bản năng đưa ra những suy luận khá nhanh chóng, và lối “băng hầm” này (tức chỉ tập trung vào một số lượng rất ít các nguồn gốc của sự bất định, hoặc vào nguyên nhân của những hiện tượng Thiên Nga Đen đã biết) vẫn còn ăn sâu trong chúng ta. Tóm lại, bản năng này chính là tình thế khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Chọn tập
Bình luận