Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 6: Liên Tưởng Ngụy Biện

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

NGUYÊN NHÂN CỦA LỐI GIẢI THÍCH “BỞI VÌ” ■ LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIA NHỎ BỘ NÃO ■ CÁC PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ CHỈ LÊN TRẦN NHÀ ■ CHẤT DOPAMINE SẼ GIÚP BẠN CHIẾN THẮNG ■ TÔI SẼ KHÔNG LÁI MÔ-TÔ NỮA (NHƯNG KHÔNG PHẢI HÔM NAY) ■ VỪA LÀ NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM, VỪA LÀ NHÀ TÂM LÝ HỌC? TỪ KHI NÀO?

Mùa thu năm 2004, tôi tham dự hội thảo về mỹ học và khoa học được tổ chức tại Rome. Có lẽ đây là nơi tốt nhất để tổ chức những cuộc hội thảo như thế này bởi mỹ học đã ngấm vào mọi thứ nơi đây, cả trong cách cư xử lẫn giọng nói của từng người dân địa phương. Trong bữa ăn trưa, một vị giáo sư lỗi lạc đến từ một trường đại học thuộc miền Nam nước Ý đã chào đón tôi hết sức nồng nhiệt. Sáng hôm đó, tôi đã nghe ông thuyết trình một cách say sưa; ông ta lôi cuốn, tự tin và có sức thuyết phục đến mức dù không hiểu hết những gì nghe thấy nhưng tôi cảm thấy bản thân mình hoàn toàn nhất trí với ông ở mọi điều. Vốn tiếng Ý của tôi chỉ thích hợp cho các buổi tiệc cocktail hơn là những buổi hội thảo uyên thâm và mang tính học thuật như thế này. Ở một số điểm trong bài thuyết trình của mình, ông giận đến đỏ cả mặt – do đó càng thuyết phục tôi (và khán giả) rằng ông hoàn toàn đúng.

Ông không ngừng hỏi chuyện trong suốt bữa ăn trưa và chúc mừng tôi vì đã chứng minh được ảnh hưởng của các liên kết ngẫu nhiên vốn thường tồn tại trong bộ não con người hơn trong thực tế. Cuộc trò chuyện sôi nổi đến mức chúng tôi mải đứng tại bàn tiệc buffet khiến cho các đại biểu khác không lấy được thức ăn. Ông ta trò chuyện bằng thứ tiếng Pháp nặng (kèm theo cử chỉ múa tay), trong khi tôi trả lời bằng thứ tiếng Ý nguyên thủy (cũng kèm theo động tác múa tay), chúng tôi sôi nổi đến mức những vị khách khác không dám chen vào một cuộc đàm thoại đầy ắp thông tin quan trọng và vô cùng hào hứng như thế. Với kiểu phản ứng của một nhà giao dịch giận dữ về sự mù mờ của mình trước vận may trong cuộc sống và trên thị trường, ông nói một cách rất quả quyết về cuốn sách mới nhất của tôi liên quan đến tính ngẫu nhiên vừa được xuất bản tại đây với một cái tên đầy chất nhạc: Giocati dal caso. Tôi may mắn có được một người biên dịch thậm chí còn hiểu rõ về chủ đề này hơn cả mình và cuốn sách nhận được sự ủng hộ của một số ít trí thức Ý. Vị giáo sư nói, “Tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt các ý tưởng của anh, nhưng cảm thấy hơi bị xúc phạm. Những ý tưởng đó hoàn toàn giống với ý tưởng của tôi, và anh đã viết một cuốn sách mà (gần như) tôi đã dự tính viết. Anh thật may mắn; anh đã trình bày một cách thật dễ hiểu ảnh hưởng của sự may rủi đối với xã hội và sự đánh giá quá cao về nguyên nhân và kết quả. Anh đã chỉ ra được sự ngu ngốc của chúng ta khi cố gắng giải thích các kỹ năng một cách có hệ thống”.

Ông ngưng một lúc và sau đó bổ sung bằng một chất giọng trầm hơn: “Nhưng, bạn thân mến, cho phép tôi nói với anh vài điều [ông phát biểu rất chậm rãi, ngón tay cái chạm với ngón trỏ và ngón giữa]: nếu lớn lên trong một xã hội theo đạo Tin Lành – nơi người ta được dạy dỗ rằng nỗ lực đi kèm với phần thưởng và trách nhiệm của cá nhân được nhấn mạnh – anh sẽ không thể nhìn thế giới theo cách này được. Anh có thể nhìn thấy sự may mắn và đồng thời có thể tách biệt được nguyên nhân và kết quả nhờ vào di sản với Chính Thống giáo Vùng Địa Trung Hải của mình”. Ông sử dụng từ nhờ vào bằng tiếng Pháp. Ông nói thuyết phục đến mức, trong một khoảnh khắc, tôi đã đồng ý với cách lý giải đó.

Chúng ta thích những câu chuyện, thích tóm tắt và thích đơn giản hóa, nghĩa là giảm quy mô của vấn đề. Điều đầu tiên trong số những vấn đề về bản chất con người mà chúng ta sẽ xem xét trong phần này – những điều vừa được minh họa trên đây chính là liên tưởng nguy biện, theo cách gọi của tôi. (Thật ra, đây là một sự gian lận, nhưng để lịch sự hơn, tôi sẽ gọi nó là ngụy biện.) Sự ngụy biện này có liên quan đến khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta trước cách diễn giải quá mức, cũng như việc chúng ta thích các mẩu chuyện súc tích hơn sự thật trần trụi. Nó bóp méo nghiêm trọng cách hình dung của chúng ta về thế giới; và trở nên vô cùng nguy cấp khi có liên quan đến các biến cố hiếm hoi.

Hãy chú ý cách mà ông bạn đồng hành sâu sắc người Ý đã chia sẻ với tôi tư tưởng chiến đấu chống lại lối diễn giải quá mức và sự đánh giá quá cao một nguyên nhân nào đó, trong khi ông ta lại không thể nhìn nhận tôi và công việc của tôi như một thứ gì đó nằm ngoài câu chuyện mà không cần đến một lý do hay nguyên nhân nào. Ông ta phải nghĩ ra một nguyên nhân. Nhưng hơn thế, ông ta không nhận thấy mình đang sa vào cái bẫy nhân quả, cũng như tôi không thể tự mình nhận ra điều đó ngay lập tức được.

Lối liên tưởng ngụy biện này đã chỉ ra khả năng hạn chế của chúng ta khi nhìn vào các chuỗi sự kiện mà không lồng ghép vào đó một lời giải thích, hay một sợi dây liên kết lôgic, một mũi tên quan hệ. Những lời giải thích có tác dụng kết nối các sự kiện với nhau, khiến chúng trở nên dễ nhớ và có nhiều ý nghĩa hơn. Thời điểm xu hướng này trở nên lệch lạc là khi nó làm tăng ấn tượng của chúng ta về sự hiểu biết.

Cũng như chương trước, chương này chỉ xoay quanh một vấn đề nhưng ở nhiều ngành kiến thức khác nhau. Dù một trong các phiên bản của nó đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu rất sâu, nhưng vấn đề về trần thuật lại không mang nhiều yếu tố “tâm lý học”: một điều gì đó trong phương pháp thiết kế những chuyên ngành kiến thứ: này đã che mất đi chi tiết quan trọng, đó là nhìn chung nó giống với vấn đề về thông tin hơn. Trong khi đặc tính trần thuật bắt nguồn từ một nhu cầu sinh học vốn đã ăn sâu trong mỗi chúng ta về việc giảm bớt kích cỡ thì các robot sẽ có xu hướng đi theo một quy trình giảm thiểu tương tự Thông tin muốn được rút gọn.

Để giúp bạn xác định vị trí của mình: trong quá trình nghiên cứu bài toán quy nạp ở chương trước, chúng ta đã kiểm tra những gì có thể suy ra được từ những điều chưa thấy, những gì nằm ngoài tập hợp thông tin của mình. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét những gì đã được chứng kiến, những gì nằm trong tập hợp thông tin, và nghiên cứu những bóp méo xảy ra trong quá trình xử lý chúng. Có nhiều điều cần bàn về chủ đề này, nhưng góc tiếp cận mà tôi chọn sẽ liên quan đến sự đơn giản hóa tính trần thuật của thế giới xung quanh mình và ảnh hưởng của nó đến nhận thức của chúng ta về Thiên Nga Đen và sự bất định không thể kiểm soát.

Việc khám phá ra các yếu tố phản lôgic là công việc thú vị. Khi bước chân vào một thế giới mới, trong vài tháng đầu, bạn sẽ có cảm giác rất rộn ràng. Nhưng sau đó, sự mới lạ mất dần đi và đầu óc của bạn trở về trạng thái bình thường. Thế giới lại bao phủ một màu ảm đạm cho đến khi bạn tìm thấy một chủ đề khác kích thích mình (hoặc tìm cách chọc giận một người khéo ứng xử).

Nhờ vào các tài liệu về nhận thức, trong một yếu tố phản lôgic như trên, tôi đã khám phá ra rằng: trái với suy nghĩ của mọi người, việc không lý thuyết hóa là một hành động, và rằng việc lý thuyết hóa có thể tương ứng với sự thiếu vắng của hoạt động định sẵn, tức lựa chọn “mặc định”. Người ta phải mất nhiều công sức để xem xét các sự kiện (và ghi nhớ chúng), đồng thời kiềm chế việc đưa ra các đánh giá và chống lại những lời giải thích. Và hiếm khi nào chúng ta kiểm soát được căn bệnh lý thuyết hóa này: nó chủ yếu thuộc cấu trúc cơ thể của con người, là một phần của sinh vật học, do đó, việc đấu tranh với nó là đấu tranh với chính bản thân mình. Vì thế, việc những ai theo chủ nghĩa hoài nghi cổ đại khuyên con người nên kiềm chế việc đưa ra phán đoán sẽ đi ngược lại bản chất của chúng ta. Trò chuyện thì không mất mát gì – một vấn đề về triết lý của việc đưa ra lời khuyên (advice-giving philosophy) sẽ được đề cập trong Chương 13.

Hãy thử trở thành một người hoài nghi thực thụ đối với những lời giải thích của chính mình và bạn sẽ nhanh chóng mệt lử cho mà xem. Bạn còn có thể bị bẽ mặt vì dám chống lại lý thuyết hóa. (Có nhiều thủ thuật để đạt được chủ nghĩa hoài nghi thực thụ; nhưng bạn sẽ phải đi bằng cửa hậu thay vì chiến đấu trực diện với chính mình). Thậm chí từ góc nhìn của giải phẫu học, bộ não chúng ta không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì ở dạng thô mà không cần diễn giải. Và thậm chí chúng ta không phải lúc nào cũng ý thức được điều này.

Sự hợp lý hóa nguy biện nhân quả (Post hoc rationalization). Trong một thí nghiệm, các nhà tâm lý học yêu cầu những người phụ nữ tham gia thí nghiệm chọn ra đôi vớ ni lông nào mà họ thích trong số mười hai đôi có sẵn. Sau đó, họ được yêu cầu giải thích về sự lựa chọn của mình. Chất liệu vải, “cảm giác” và màu sắc là những lý do mà họ đưa ra. Nhưng trên thực tế, tất cả các đôi vớ đều giống hệt nhau. Những người phụ nữ này đưa ra lời giải thích lắp ghép và mắc lỗi ngụy biện. Liệu thí nghiệm này có chứng minh được rằng chúng ta giỏi giải thích hơn thấu hiểu không? Hãy cùng xem xét.

Một loạt các thí nghiệm nổi tiếng thực hiện trên những bệnh nhân mắc chứng não tách (split-brain) đã cung cấp bằng chứng sinh học thuyết phục về tính tự động của hành động giải thích. Có vẻ như trong cơ thể chúng ta tồn tại một cơ quan tạo cảm giác – mặc dù rất khó phát hiện một cách chính xác. Hãy cùng tìm hiểu cách mà người ta đã phát hiện ra nó.

Bán cầu não trái và bán cầu não phải của những bệnh nhân mắc chứng não tách không thể kết nối với nhau và điều này cản trở việc chia sẻ thông tin giữa hai bán cầu não. Những bệnh nhân này là của qúy, hiếm gặp và rất có giá trị đối với các nhà nghiên cứu. Nói một cách chính xác, bạn có hai người hoàn toàn khác nhau và có thể giao tiếp với từng người; những khác biệt giữa hai người này sẽ giúp bạn ít nhiều hiểu được sự chuyên hóa của hai bán cầu não. Chứng não tách thường là hậu quả của phẫu thuật nhằm chữa trị các căn bệnh nghiêm trọng hơn như chứng động kinh; giờ đây, các nhà khoa học ở các nước phương Tây (và hầu hết các nước phương Đông) không còn được phép cắt đôi bộ não con người, cho dù hành động đó là vì mục đích nghiên cứu và mở rộng kiến thức.

Bây giờ, ví dụ bạn thuyết phục một người mắc chứng bệnh này thực hiện một hành động nào đó – như nâng ngón tay lên, cười hay nắm một cái xẻng – để xác định cách anh ta tìm được lý do cho hành động của mình (dù biết rõ không có lý do nào, tất cả là do bạn thuyết phục mà thôi). Nếu bạn yêu cầu bán cầu não phải, lúc này đã tách biệt với bán cầu não trái, thực hiện một hành động và ra lệnh cho bán cầu trái giải thích nguyên nhân của hành động đó, trong mọi trường hợp, bệnh nhân sẽ cho bạn lời giải thích như: “Tôi chỉ lên trần nhà để…”, “Tôi thấy có thứ gì đó thú vị ở trên tường”, hoặc nếu bạn hỏi tác giả cuốn sách này, tôi sẽ trả lời bằng câu nói quen thuộc “bởi tôi xuất thân từ ngôi làng Chính Thống giáo Hy Lạp có tên Amioun ở miền Bắc Li băng”.

Bây giờ, nếu làm ngược lại, tức là yêu cầu bán cầu não trái của một người thuận tay phải thực hiện một hành động và ra lệnh cho bán cầu não phải cho biết nguyên nhân của hành động đó, bạn sẽ nhận ngay được câu trả lời, “Tôi không biết”. Hãy nhớ rằng bán cầu não trái đảm nhận các chức năng ngôn ngữ và suy luận. Xin cảnh báo người đọc đang đói “khoa học” về những nỗ lực xây dựng một bản đồ trung lập: tất cả những gì tôi đang cố gắng trình bày chính là nền tảng sinh học của xu hướng này đối với tính nhân quả, chứ không phải vị trí chính xác của nó. Có nhiều lý do để chúng ta hoài nghi về những khác biệt “não trái/não phải” này cũng như những tổng kết của khoa học đại chúng tiếp sau đó về tính cách con người. Quả thật, ý nghĩ rằng não trái điều khiển chức năng ngôn ngữ có thể không chính xác lắm: nhìn nhận một cách đúng đắn hơn, có vẻ như não trái là nơi điều khiển chức năng nhận dạng mẫu và chỉ có thể kiểm soát chức năng ngôn ngữ khi ngôn ngữ đó cũng có thuộc tính nhận dạng mẫu. Một khác biệt nữa giữa hai bán cầu não là nửa bên phải thường quan tâm đến những điều mới lạ và có xu hướng nhìn thấy các chuỗi sự kiện (những cái cụ thể, chẳng hạn như cây cối), trong khi nửa bên trái thì nhận biết những khuôn mẫu, cấu trúc hình thức (những cái chung, chẳng hạn như khu rừng).

Để minh họa cho sự phụ thuộc về mặt sinh học của chúng ta vào cốt truyện, hãy phân tích thí nghiệm sau. Trước tiên, hãy đọc đoạn này:

A.BIRD IN THE

THE HAND IS WORTH

TWO IN THE BUSH

Bạn có thấy điều gì bất thường không? Thử làm lại nhé. 25

Alan Snyder nhà khoa học chuyên nghiên cứu về não sống tại Sydney, (người có chất giọng Philadelphia), đã tiến hành khám phá sau. Nếu gây ức chế lên bán cầu não trái của một người thuận tay phải (hay nói theo thuật ngữ chuyên môn là truyền các xung điện từ tần số thấp vào thùy trán não trái), bạn sẽ làm giảm tỷ lệ mắc lỗi của anh ta khi đọc đoạn văn trên. Chính thiên hướng áp đặt ý nghĩa và ý niệm của bản thân đã khiến chúng ta không thể nhận thức được những chi tiết hình thành nên ý niệm. Nhưng, nếu bạn phá hủy bán cầu não trái của một người, anh ta sẽ có óc thực tế hơn – anh ta có thể vẽ đẹp hơn và giống thật hơn. Bộ não của anh ta phát hiện các vật thể tốt hơn và hoàn toàn “sạch bóng” lý thuyết, trần thuật và định kiến.

Vì sao lại khó né tránh sự diễn giải đến vậy? Như chúng ta đã chứng kiến ở bài đoản văn của vị học giả người Ý nọ, điểm mấu chốt là các hoạt động chức năng của bộ não thường nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Bạn thực hiện công việc diễn giải cũng thường xuyên như các hoạt động khác vốn được xem là tự động và nằm ngoài khả năng kiểm soát, như hít thở chẳng hạn.

Những điều gây ra hành động phi lý thuyết hóa khiến bạn mất nhiều công sức hơn hành động lý thuyết hóa? Thứ nhất, mọi hoạt động đều có tính chắn (khiến người ta không thể hiểu được). Tôi đã nói rằng phần lớn hoạt động đều xảy ra ngoài phạm vi nhận thức của chúng ta: nếu không biết rằng mình đang suy đoán, làm sao bạn có thể dừng lại trừ phi lúc nào cũng trong trạng thái cảnh giác? Và nếu phải liên tục ở trong trạng thái cảnh giác như thế, chẳng phải bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi sao? Hãy thử như thế suốt một buổi chiều mà xem.

Ngoài câu chuyện về người phiên dịch sử dụng bán cầu não trái, nhờ vào vốn kiến thức không ngừng gia tăng của chúng ta về vai trò của các chất dẫn truyền thần kinh – những dạng hóa chất truyền tín hiệu giữa các bộ phận khác nhau của bộ não, chúng ta có thêm nhiều bằng chứng sinh lý học về xu hướng tìm kiếm những dạng khuôn mẫu vốn đã ăn sâu vào tâm trí của mình. Có vẻ như nhận thức về khuôn mẫu sẽ gia tăng cùng với quá trình tổng hợp chất dopamine trong bộ não con người. Dopamine còn có tác dụng điều hòa trạng thái tinh thần và cung cấp một hệ thống ban thưởng nội tại trong bộ não (không lấy gì làm ngạc nhiên khi người ta phát hiện chất này được tổng hợp ở bán cầu náo trái của người thuận tay phải nhiều hơn ở bán cầu não phải). Có vẻ như một lượng dopamine cao hơn lại làm giảm tính hoài nghi và làm tăng mức độ tổn thương đối với việc tìm thấy các khuôn mẫu; một mũi tiêm L-dopa – chất dùng để chữa trị cho bệnh nhân bị bệnh Parkinson – dường như giúp gia tăng các hoạt động như thế và đồng thời giảm thiểu việc từ bỏ niềm tin của một người. Người đó sẽ dễ bị tổn thương trước tất cả các loại “mốt tân thời” như chiêm tinh học, mê tín, kinh tế học và trò chơi bài ta-rô.

Trên thực tế, khi đang viết những dòng này, tôi có nghe tin về một vụ kiện sắp xảy ra: một bệnh nhân kiện bác sĩ của mình và đòi bồi thường hơn 200.000 đô-la – số tiền mà anh ta cho là mình đã thua khi đánh bạc. Bệnh nhân đó khẳng định rằng quá trình trị liệu căn bệnh Parkinson đã khiến anh ta đánh cược như điên dại tại các sòng bạc. Hóa ra một trong các phản ứng phụ của L-dopa là khiến cho một số ít bệnh nhân, nhưng đáng kể – trở thành những con bạc không có khả năng kiểm soát hành vi của bản thân. Bởi vì hành động cá cược như thế có liên quan đến việc nhìn thấy cái mà họ tin là khuôn mẫu rõ ràng trong các con số ngẫu nhiên, điều minh họa cho mối quan hệ giữa kiến thức và tính ngẫu nhiên. Nó cũng cho thấy rằng một số khía cạnh của cái mà chúng ta gọi là “kiến thức” (và cái mà tôi gọi là trần thuật) chính là một căn bệnh.

Một lần nữa, xin cảnh báo bạn đọc rằng tôi không tập trung vào dopamine như thể đây là lý do cho lối diễn giải quá mức của chúng ta; thay vào đó, quan điểm của tôi là có một sự tương quan về thể chất và thần kinh đối với hoạt động diễn giải đó, và rằng bộ não của chúng ta phần lớn là nạn nhân của sự hiện diện thể chất. Cũng giống như những người mắc bệnh tâm thần, bộ não của chúng ta bị giam cầm trong “nhà tù” sinh học của chính mình, trừ phi chúng ta thực hiện một cuộc tẩu thoát khéo léo. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không kiểm soát được những suy luận như thế. Ngày mai, ai đó sẽ khám phá ra nền tảng hóa học hay hữu cơ cho quá trình nhận thức của chúng ta về các khuôn mẫu, hay phản bác lại những gì tôi đã trình bày về người phiên dịch sử dụng bán cầu não trái bằng cách chỉ ra được vai trò của một cấu trúc phức tạp hơn; nhưng phát minh đó sẽ không phủ định ý tưởng về nền tảng sinh học của nhận thức về tính nhân quả.

Có một nguyên do khác, thậm chí còn sâu sắc hơn, giải thích cho khuynh hướng trần thuật của chúng ta, và không mang tính tâm lý học. Nó có liên quan đến ảnh hưởng của trình tự lưu trữ và phục hồi thông tin trong bất kỳ hệ thống nào, và xứng đáng được giải thích bởi tôi cho đây chính là những vấn đề trung tâm của xác suất và lý thuyết thông tin.

Vấn đề đầu tiên: việc có được thông tin rất tốn kém.

Vấn đề thứ hai: việc lưu trữ thông tin cũng rất tốn kém – giống như bất động sản tại New York. Một chuỗi các từ ngữ hay biểu tượng càng ngăn nắp, càng ít ngẫu nhiên, càng tuân theo khuôn mẫu và càng có thể tường thuật lại thì người ta càng dễ ghi nhớ trong đầu hoặc ghi chép vào một cuốn sổ để một ngày nào đó con cháu họ có thể đọc lại.

Cuối cùng, việc chế tác và phục hồi thông tin càng tốn kém hơn.

Với quá nhiều tế bào thần kinh – chừng một trăm tỷ (và còn tiếp tục thay đổi), kích thước vùng thượng nhĩ (attic) cũng khá lớn, do đó, khó khăn không bắt nguồn từ những hạn chế về sức chứa mà có thể là từ các vấn đề trong quá trình lập bảng chú dẫn. Trí nhớ thuộc ý thức (conscious memory) hay trí nhớ thao tác (working memory), thứ mà bạn đang sử dụng để đọc và hiểu những dòng này, được cho là có kích thước nhỏ hơn vùng thượng nhĩ. Hãy nghĩ về điều này: trí nhớ thao tác của bạn gặp khó khăn khi lưu giữ một số điện thoại dài hơn bảy ký tự. Thay đổi các hình ảnh ẩn dụ một chút, hãy tưởng tượng ý thức của bạn chính là một chiếc bàn trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ: bất kể thư viện đó chứa bao nhiêu sách, và hiện có sẵn bao nhiêu sách phục vụ bạn đọc, kích thước chiếc bàn của bạn cũng có một số giới hạn về khả năng xử lý. Do đó, việc chèn nén sẽ mang ý nghĩa sống còn đối với hiệu quả của hoạt động ý thức.

Hãy phân tích ví dụ về một tập hợp các từ được gắn kết với nhau để tạo thành một cuốn sách dài 500 trang. Nếu những từ ấy được nhặt ngẫu nhiên trong từ điển, bạn sẽ không thể nào tóm lược, loại bỏ hay giảm kích thước của cuốn sách mà không làm mất một vài điểm quan trọng trong đó. Bạn cần 100.000 từ để chuyển tải chính xác thông điệp của 100.000 từ ngẫu nhiên trong chuyến đi đến Siberia sắp tới của mình. Bây giờ, xem xét một ví dụ ngược lại: trong một cuốn sách có câu “Chủ tịch công ty [hãy điền tên công ty của bạn vào đây] là một người may mắn khi luôn xuất hiện đúng nơi đúng lúc và nhận lấy mọi sự tán dương cho thành công của công ty mà không chút đoái hoài đến yếu tố may rủi” được lặp lại mười lần trong một trang và diễn ra liên tục suốt 500 trang như thế. Cả cuốn sách có thể được nén lại còn khoảng 41 chữ (thay vì 100.000 chữ), như cách tôi vừa mới thực hiện, mà không làm thay đổi nội dung; với nội dung cốt lõi như thế, bạn hoàn toàn có thể tái bản nó một cách chính xác đến từng chi tiết. Nhờ vào việc đi tìm khuôn mẫu, tức tính lôgic của một chuỗi (sự kiện), bạn không còn phải ghi nhớ tất cả mà chỉ cần lưu trữ khuôn mẫu đó thôi. Và, như chúng ta thấy ở đây, một khuôn mẫu bao giờ cũng cô đọng hơn thông tin ở dạng thô. Bạn nghiên cứu một cuốn sách và tìm ra một quy luật. Tương tự, cũng theo các giới hạn này mà nhà xác suất học vĩ đại Andrey Nikolayevich Kolmogorov đã đưa ra khái niệm về cấp độ của tính ngẫu nhiên mà người ta gọi là “độ phức tạp Kolmogorov”.

Là thành viên của loài linh trưởng, chúng ta luôn khát khao tìm được các quy luật bởi cần phải cắt giảm kích thước của các vấn đề để chúng dễ dàng đi vào đầu, hay nói đúng hơn là nhồi nhét chúng vào đầu. Thông tin càng ngẫu nhiên thì kích thước của nó càng lớn, và do đó, càng khó tóm tắt. Bạn càng tóm tắt thường xuyên thì tính ngẫu nhiên càng giảm. Vì thế, hoàn cảnh khiến chúng ta phải đơn giản hóa cũng chính là hoàn cảnh khiến chúng ta nghĩ rằng thế giới ít ngẫu nhiên hơn bản chất thực của nó.

Và Thiên Nga Đen chính là những gì chúng ta bỏ sót trong quá trình đơn giản hóa.

Cả công trình nghệ thuật lẫn công trình khoa học đều là sản phẩm phát sinh từ nhu cầu cắt giảm kích thước và áp đặt một trình tự lên mọi vật. Hãy nghĩ về thế giới xung quanh bạn, nơi chứa đựng hàng tỷ tỷ chi tiết. Hãy cố gắng mô tả nó và bạn sẽ thấy muốn xâu một sợi chỉ vào những gì mình nói. Một cuốn tiểu thuyết, một câu chuyện thần thoại hay hư cấu đều có cùng một chức năng: giúp ta tránh được sự phức tạp và ngẫu nhiên của thế giới. Các câu chuyện thần thoại giúp sắp xếp lại trật tự trong nhận thức và “sự hỗn loạn trong trải nghiệm của con người” 27 đã được cảm nhận.

Quả thật, mức độ rối loạn tâm lý nghiêm trọng thường khiến cho một người cảm thấy mất kiểm soát, hay mất khả năng “cảm nhận ý nghĩa” đối với môi trường của chính mình.

Quan điểm Plato lại một lần nữa ảnh hưởng đến chúng ta. Thật thú vị là vẫn chính niềm khao khát tìm thấy trình tự ấy lại được áp dụng đối với các mục tiêu khoa học – không giống như nghệ thuật, mục tiêu của khoa học (đã được xác lập) là phải đạt đến chân lý, chứ không phải để khiến bạn hạnh phúc hay cảm giác có tổ chức hơn. Chúng ta có xu hướng sử dụng kiến thức như phương pháp chữa bệnh.

Để biết được sức thuyết phục mạnh mẽ của lối viết tường thuật, hãy phân tích phát biểu sau: “Nhà vua băng hà và hoàng hậu băng hà”, rồi so sánh với câu: “Nhà vua băng hà và sau đó hoàng hậu cũng băng hà vì quá đau khổ”. Bài tập này, do tiểu thuyết gia E. M. Forster thực hiện, cho thấy sự khác biệt giữa chuỗi thông tin đơn thuần và cốt truyện. Nhưng hãy chú ý, có một nút thắt ở đây: mặc dù bổ sung thông tin vào câu thứ hai, nhưng thật ra chúng ta đã cắt giảm kích thước của tổng thể. Theo một cách nào đó, câu thứ hai “nhẹ” hơn và dễ ghi nhớ hơn nhiều; giờ đây, chúng ta có một mẩu thông tin thay vì hai. Do dễ dàng nhớ được thông tin này nên chúng ta cũng có thể bán nó cho người khác, nghĩa là bán như một ý tưởng trọn gói. Nói tóm lại, đây chính là định nghĩa và chức năng của một bài tường thuật.

Để biết được làm cách nào một bài trần thuật lại dẫn đến sai lầm trong đánh giá các khả năng, hãy thực hiện thí nghiệm sau. Hãy đưa cho ai đó một câu chuyện trinh thám được viết hết sức ly kỳ – chẳng hạn như tiểu thuyết của Agatha Christie mà nhiều nhân vật trong đó đều có thể là nghi can hợp lý. Bây giờ, hãy hỏi đối tượng tham gia thí nghiệm của bạn xem anh ta/cô ta đánh giá thế nào về xác suất trở thành kẻ sát nhân của từng nhân vật. Nếu người này không viết ra giấy số điểm phần trăm để cộng cho chính xác thì tổng các con số phần trăm ấy có thể vượt quá 100% (hay thậm chí là hơn 200% nếu là một cuốn tiểu thuyết hay). Đối với truyện trinh thám, tác giả càng tài tình thì con số ấy càng cao.

Xu hướng nhận thức – và áp đặt – của chúng ta đối với tính trần thuật và tính nhân quả chính là triệu chứng của cùng một căn bệnh – giảm kích thước. Hơn nữa, giống như tính nhân quả, tính trần thuật có một quy mô niên đại và tạo ra nhận thức về dòng chảy thời gian. Tính nhân quả duy trì dòng chảy thời gian theo một hướng và tính trần thuật cũng thế.

Tuy nhiên, trí nhớ và mũi tên thời gian có thể bị lẫn lộn. Tính trần thuật có thể tác động xấu đến hoạt động ghi nhớ những sự kiện thuộc về quá khứ như sau: chúng ta dễ có xu hướng ghi nhớ những sự kiện quá khứ nào khớp với một bài trần thuật trong khi lại thường lãng quên các sự kiện khác vốn không có vẻ gì đảm đương vai trò nhân quả trong bài trần thuật đó. Hãy chú ý rằng chúng ta có thể hồi tưởng lại tất cả sự kiện được lưu trữ trong trí nhớ và đồng thời biết được câu trả lời cho những gì xảy ra sau đó. Nói một cách chính xác, khi giải quyết một vấn đề, chúng ta không thể bỏ qua những thông tin đến sau. Chính khả năng không thể ghi nhớ chuỗi sự kiện được dựng lại, chứ không phải chuỗi sự kiện có thật, sẽ khiến cho lịch sử xuất hiện trong nhận thức muộn màng của con người với vẻ bề ngoài dễ giải thích hơn nhiều so với bản chất thực của nó. Theo lẽ phải thông thường, trí nhớ được xem như một công cụ lưu trữ hàng loạt, như đĩa mềm của máy vi tính. Trên thực tế, trí nhớ có tính động – chứ không phải tĩnh – giống như một tờ giấy mà trên đó những đoạn văn mới (hay phiên bản mới của đoạn văn đó) liên tục được lưu lại nhờ sức mạnh của thông tin đến sau. (Với một sự hiểu biết vô cùng sâu sắc, Charles Baudelaire – nhà thơ sống tại Paris vào thế kỷ mười chín – đã so sánh trí nhớ của chúng ta với palimxet, một dạng giấy da mà người ta có thể xóa đi những nội dung cũ và chồng lên đó những nội dung mới). Trí nhớ giống như một cỗ máy động có chức năng tự chỉnh sửa: bạn ghi nhớ lần cuối cùng mình nhớ lại một sự kiện và thay đổi nội dung của sự kiện đó tại từng thời điểm tiếp theo của trí nhớ mà không hề nhận biết.

Vì thế, ký ức của chúng ta trải dài theo các lằn ranh nguyên nhân (causative lines) một cách không chủ tâm và vô thức. Chúng ta không ngừng thuật lại những sự kiện đã qua dưới góc độ của những gì có vẻ sẽ biến những điều chúng ta nghĩ thành thứ có ý nghĩa lôgic sau khi các sự kiện này xảy ra.

Thông qua một quá trình được gọi là ảnh hưởng dội lại (reverberation), một ký ức sẽ tương ứng với việc cũng cố các mối liên kết từ sự gia tăng hoạt động của não bộ trong một khu vực não bộ nhất định – càng có nhiều hoạt động thì ký ức càng mạnh. Trong khi chúng ta đều tin rằng trí nhớ là cố định, bất biến và liên thông, thì tất cả những điều này lại rất khác xa thực tế. Những gì có ý nghĩa phù hợp với thông tin nhận được sau đó sẽ được ghi nhớ sâu hơn. Chúng ta cũng tự mình tạo ra một số ký ức – một hành động gây chạnh lòng trong các phiên tòa, bởi sự thật cho thấy nhiều người tự sáng tác ra những câu chuyện về lạm dụng trẻ em vì phải nghe mãi các giả định.

Chúng ta có quá nhiều cách để diễn giải những sự kiện trong quá khứ theo hướng có lợi cho mình.

Hãy xem xét hành vi của những người hoang tưởng. Tôi có cơ hội được làm việc với nhiều đồng nghiệp, những người thường che giấu các rối loạn hoang tưởng nhưng thỉnh thoảng cũng để lộ ra ngoài. Một người cực kỳ thông minh có thể khiến bạn ngạc nhiên bởi khả năng diễn giải một lời bình luận vô thưởng vô phạt theo lối cường điệu nhất, nhưng lại vô cùng hợp lý. Nếu tôi nói “Tôi e rằng…” khi đề cập đến một trạng thái không mong đợi nào đó, họ có thể diễn giải nó theo nghĩa đen rằng tôi đang nếm trải một nỗi lo sợ thực sự và điều này châm ngòi cho phần tình tiết sợ hãi theo cách hiểu của kẻ hoang tưởng đó. Khi đối mặt với sự lộn xộn như thế, có thể một vài người sẽ đi góp nhặt những chi tiết vụn vặt nhất rồi đưa ra một lý thuyết công phu và mạch lạc về việc vì sao có âm mưu chống lại anh ta. Và nếu tập hợp được, ví dụ khoảng mười người hoang tưởng – tất cả đều trong cùng một trạng thái ảo giác từng hồi, bạn sẽ nhận được mười cách diễn giải khác nhau nhưng rất mạch lạc về các sự kiện.

Khi tôi lên bảy, cô giáo cho chúng tôi xem bức tranh mô tả một nhóm người Pháp nghèo khổ thời Trung cổ tại bữa tiệc được tổ chức bởi một trong những mạnh thường quân của họ, mà theo tôi nhớ, là một vị vua nhân từ nào đó. Họ đang cầm bát súp đưa lên miệng. Cô giáo bèn hỏi vì sao mũi họ lại ở trong bát súp và tôi trả lời “Bởi họ không được dạy cách cư xử”, Cô giáo đáp, “Sai rồi. Vì họ đang đói”. Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc khi không nghĩ đến điều này, nhưng lúc đó lại không thể hiểu được điều gì khiến cho lời giải đáp này được chấp nhận hơn so với lời giải đáp khác, hay vì sao cả tôi và cô giáo đều không sai cùng một lúc (Có vẻ như “Không có, hoặc có rất ít đồ dùng làm bằng bạc vào thời đó” là câu trả lời khả dĩ nhất).

Ngoài những bóp méo về nhận thức của chúng ta, bản thân lôgic cũng có vấn đề. Làm thế nào một người vốn không có bất kỳ gợi ý gì nhưng vẫn hình thành được những quan điểm hoàn toàn hợp lý và mạch lạc trùng khớp với các quan sát và tuân theo mọi quy luật về lôgic? Hãy nghĩ mà xem, hai người có thể theo đuổi hai niềm tin trái ngược nhau vốn cùng bắt nguồn từ một dữ liệu. Phải chăng điều này có nghĩa là có sự tồn tại của các nhóm giải nghĩa khả dĩ và mỗi nhóm đều hoàn hảo và hợp lý như nhau? Dĩ nhiên là không. Một người có thể có hàng triệu cách giải thích, nhưng lời giải thích đúng thì chỉ có một mà thôi, dù có nằm trong phạm vi hiểu biết của chúng ta hay không.

Trong một tranh luận nổi tiếng, nhà lôgic học W. V. Quaine đã chứng minh rằng có sự tồn tại của các nhóm lời diễn giải và nguyên lý nhất quán có thể thích hợp với một chuỗi sự kiện nào đó. Cái nhìn thấu đáo đó cảnh tỉnh chúng ta rằng nếu chỉ thiếu vắng những thứ vô nghĩa cũng chưa đủ để kết luận điều gì đó là đúng.

Luận đề của Quaine có liên hệ với khám phá của ông về khó khăn trong việc chuyển ngữ các câu phát ngôn, đơn giản vì một người có thể có hàng tỷ cách để dịch một câu văn. (Xin lưu ý rằng, những ai thích “bới lông tìm vết” có thể phát hiện ra một khía cạnh có tính tự bác bỏ trong chính bài viết của Quine. Tôi tự hỏi không biết làm thế nào ông lại hy vọng chúng ta sẽ không hiểu luận điểm này theo hàng tỷ cách).

Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể bàn về các nguyên nhân; vẫn có nhiều cách để thoát khỏi lối liên tưởng ngụy biện. Như thế nào? Bằng cách đưa ra phỏng đoán và tiến hành thí nghiệm, hoặc, như chúng ta sẽ thấy trong Phần 2, đưa ra những dự đoán có thể kiểm tra được. 28 Các thí nghiệm tâm lý mà tôi đang nói ở đây sẽ hoạt động như sau: chọn ra một nhóm dân cư và tiến hành kiểm nghiệm. Kết quả có thể được ghi nhận tại Tennessee, Trung Quốc hay thậm chí ở Pháp.

Nếu tính trần thuật khiến chúng ta nhìn thấy các sự kiện đã xảy ra dễ dự đoán hơn, ít bất ngờ và ít ngẫu nhiên hơn bản chất thực của chúng, thì chúng ta nên xem nó như một liệu pháp chữa trị một số vấn đề nhức nhối của tính ngẫu nhiên.

Lấy ví dụ về một sự kiện không dễ chịu nào đó, chẳng hạn như tai nạn ô tô mà bạn cảm thấy mình có trách nhiệm gián tiếp sẽ để lại trong bạn một dư vị xấu trong thời gian dài. Bạn bị hành hạ bởi ý nghĩ rằng mình đã gây chấn thương cho hành khách, lúc nào cũng nghĩ lẽ ra mình đã có thể tránh được tai nạn đó. Tâm trí bạn không ngừng xuất hiện hình ảnh của những kịch bản thay thế hệt như cành lá liên tục mọc ra từ thân cây: nếu thức dậy như thường lệ hẳn bạn đã tránh được tai nạn ấy rồi. Việc gây chấn thương cho hành khách là điều xảy ra ngoài ý muốn, nhưng tâm trí bạn cứ cảm thấy ăn năn tội lỗi. Những người làm các công việc có tính ngẫu nhiên cao (ví dụ như hoạt động trên thị trường) có thể phải chịu đựng nhiều hơn mức ảnh hưởng vốn có của nỗi đau khi nhìn lại quá khứ lẽ ra tôi nên bán danh mục đầu tư của mình khi nó đang ở thời kỳ đỉnh; nếu mua cổ phiếu này cách đây vài năm thì giờ đây tôi đang lái một chiếc Convertible màu hồng, vân vân và vân vân. Nếu là một chuyên gia, bạn có thể cảm thấy mình “đã mắc một sai lầm” hay tệ hơn, “nhiều sai lầm” khi không thể làm được việc đại loại như mua một tờ vé số chắc chắn trúng giải cho các nhà đầu tư của mình, và cảm thấy cần phải xin lỗi vì chiến lược đầu tư khinh suất (ý nói khinh suất sau khi nhìn lại quá khứ) của mình.

Làm thế nào có thể dứt bỏ sự hồi hộp dai dẳng này? Đừng bao giờ tìm cách tránh nghĩ về nó: điều này gần như chắc chắn phản tác dụng. Giải pháp thích hợp hơn hết là tăng tính tất yếu của sự kiện. Này, nó buộc phải xảy ra và lo lắng cũng chẳng có ích gì. Làm cách nào để thực hiện được điều này? À, với một bài trần thuật. Những bệnh nhân nào dành ra mười lăm phút mỗi ngày để ghi lại các vấn đề phát sinh trong ngày sẽ thật sự cảm nhận rõ hơn về những gì đang xảy ra với mình. Bạn sẽ cảm thấy ít tội lỗi hơn khi không thể né tránh một vài sự cố nào đó, và cảm thấy ít phải chịu trách nhiệm về nó. Mọi thứ dường như tất yếu phải xảy ra.

Nếu làm một công việc đầy tính ngẫu nhiên, bạn thường phải chịu đựng những tác động khiến bản thân mệt nhoài vì thường xuyên xem xét lại các hành động quá khứ của mình trong phạm vi những gì xảy ra sau đó. Luôn có sẵn một cuốn sổ ghi chép là điều tối thiểu mà bạn có thể làm trong những tình huống này.

Chúng ta nuôi dưỡng thái độ tẩy chay lệch lạc đối với những gì trừu tượng.

Một ngày của tháng 12 năm 2003, khi Saddam Hussein bị bắt, bản tin lúc 13:01 của Bloomberg giật dòng tít: NGÂN KHỐ MỸ GIA TĂNG, VỤ BẮT BỚ HUSSEIN KHÔNG THỂ TIÊU DỆT CHỦ NGHĨA KHỦNG Bố.

Bất cứ khi nào thị trường có biến động, các phương tiện truyền thông đều tự cảm thấy phải đưa ra “nguyên nhân”. Nửa giờ đồng hồ sau, họ giật một dòng tít mới. Khi trái phiếu chính phủ Mỹ rớt giá (thật ra chúng lên xuống suốt ngày, vì thế, không có gì đặc biệt cả). Bản tin Bloomberg lại đưa tin về nguyên nhân của sự sụt giá đó: vụ bắt giữ Saddam (vẫn cùng một ông Saddam). Vào lúc 13:31, họ đăng một bản tin mới: NGÂN KHỐ MỸ SỤT GIẢM, VỤ BẮT BỚ HUSSEIN LÀM TĂNG SỨC HẤP DẪN CỦA CÁC LOẠI TÀI SẢN RỦI RO.

Như vậy, vẫn chỉ một vụ bắt bớ (tức cùng một nguyên nhân) nhưng lại lý giải cho hai sự kiện đối lập nhau. Rõ ràng, điều này không thể xảy ra; hai sự kiện này không thể kết hợp với nhau.

Liệu các nhà báo có đến phòng mạch bác sĩ mỗi sáng để tiêm dopamine nhằm tăng khả năng tường thuật của mình không? (Thật mỉa mai là từ “dope” dùng để chỉ loại chất kích thích mà các vận động viên thường dùng để tăng thành tích thi đấu có cùng nguồn gốc với dopamine).

Điều này xảy ra thường xuyên: người ta đưa ra một nguyên nhân để bạn chấp nhận một mẩu tin và để cho vấn đề trở nên cụ thể. Sau thất bại của một ứng cử viên trong cuộc tranh cử, bạn sẽ nhận được “nguyên nhân” của việc cử tri không ủng hộ cho ứng cử viên đó. Bất kỳ nguyên nhân nào mà người ta có thể tưởng tượng ra đều được sử dụng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã làm mọi cách để quy trình tưởng tượng đó trở nên “toàn diện” nhờ vào cả một đạo quân kiểm tra thông tin. Cứ như thể họ muốn mắc sai lầm với độ chính xác tuyệt đối (thay vì chấp nhận rằng mình chỉ đúng một cách tương đối, hệt như một nhà văn viết truyện ngụ ngôn vậy).

Lưu ý rằng khi không có bất kỳ thông tin nào về một người mà bạn bất ngờ gặp phải, bạn có xu hướng sử dụng quốc tịch và lai lịch của cô ta làm thuộc tính quan trọng nhất là (giống như trường hợp của vị học giả người Ý mà tôi đã gặp vậy). Làm thế nào để biết được sự quy kết lai lịch ấy lại không có thật? Tôi tự mình tiến hành kiểm tra thực nghiệm bằng cách đếm số nhân viên giao dịch có lai lịch giống mình, trải nghiệm cùng cuộc chiến, và đã trở thành những người theo chủ nghĩa hoài nghi thực nghiệm, nhưng không tìm thấy bất kỳ ai trong số hai mươi sáu người được chọn. Vấn đề về quốc tịch này có thể giúp bạn thêu dệt nên một câu chuyện vĩ đại và làm thỏa mãn cơn khát tìm kiếm nguyên nhân của mình. Có vẻ như tất cả những lời giải thích trước đó đều tầm thường cho đến khi ai đó tìm ra được câu trả lời rõ ràng hơn (chẳng hạn như một luận cứ về tiến hóa “có lý” nào đó). Quả thật, con người thường có xu hướng tự lừa dối mình bằng lối trần thuật về “bản sắc dân tộc”, mà theo công trình nghiên cứu mang tính đột phá do sáu mươi lăm tác giả thực hiện đăng trên tạp chí Science đã được chứng minh là hoàn toàn bịa đặt. (“Nét đặc trưng của dân tộc” có thể là đề tài thú vị cho các bộ phim, có thể giúp ích nhiều về đề tài chiến tranh, nhưng lại là những khái niệm thuộc trường phái Plato không mang giá trị kinh nghiệm thực tiễn nào cả – tuy nhiên cả người Anh lẫn những người không mang quốc tịch Anh đều sai lầm khi tin vào “khí chất dân tộc” Anh.) Theo kinh nghiệm của tôi, so với quốc tịch thì giới tính, tầng lớp xã hội và nghề nghiệp có vẻ là những công cụ dự báo hữu hiệu hơn về hành vi của một người (một người đàn ông Thụy Điển sẽ có nhiều điểm tương đồng với một người đàn ông Togo hơn với một phụ nữ Thụy Điển; một triết gia người Peru sẽ có nhiều điểm tương đồng với một triết gia người Scotland hơn với một người quản gia Peru, và còn nhiều ví dụ khác nữa).

Vấn đề về lạm dụng nguyên nhân này không phải ở các nhà báo, mà là ở công chúng. Không ai thèm bỏ ra một đô-la để mua các thông tin thống kê trừu tượng gợi nhớ về bài giảng nhàm chán thời còn đi học. Chúng ta muốn được nghe những câu chuyện, và điều này không có gì sai cả – ngoại trừ việc nên kiểm tra một cách toàn diện hơn xem liệu câu chuyện đó có bóp méo sự thật quá mức hay không. Có thể nào câu chuyện giả tưởng cho chúng ta biết sự thật trong khi chuyện người thật việc thật lại là nơi nuôi dưỡng sự dối trá? liệu có khi nào truyền thuyết và chuyện kể lại gần với sự thật hơn bản tin được kiểm tra toàn diện của ABC News? Hãy nhớ rằng các tờ báo đều cố gắng có được sự thật hoàn hảo nhưng lại thêu dệt nó thành một bài tường thuật theo cách để có thể chuyển tải ấn tượng về thuyết nhân quả (và tri thức). Nhưng than ôi, có những người chuyên kiểm tra sự thật, nhưng lại không kiểm tra trí năng.

Nhưng không có lý do gì chúng ta chỉ soi các nhà báo. Giới viện sĩ hàn lâm cũng làm điều này nhưng khoác lên mình lớp vỏ ngôn ngữ trịnh trọng – chúng ta sẽ nghiên cứu họ trong Chương 10 – chương về dự đoán. Ngoài tính trần thuật và tính nhân quả, cánh nhà báo và giới trí thức xã hội (public intellectuals) chuyên về thể loại sound-bite (hình ảnh, âm thanh được giới truyền thông chuyển đi như những hình ảnh tiêu biểu) không thể làm cho thế giới này trở nên đơn giản hơn. Thay vào đó, họ gần như lúc nào cũng khiến nó có vẻ phức tạp hơn nhiều so với thực tế. Lần tới, khi bạn được yêu cầu thảo luận về các sự kiện diễn ra trên thế giới, hãy tìm cớ thoái thác và sử dụng những luận cứ mà tôi đã trình bày trong chương này để hoài nghi tính minh bạch của các nguyên nhân trực tiếp. Người ta sẽ nói rằng “Anh/Chị phân tích quá xa rồi” hoặc “Anh/Chị quá phức tạp”. Tất cả những gì bạn cần nói là “tôi không biết!”

Giờ đây, nếu bạn nghĩ rằng khoa học là một đề tài trừu tượng không chịu ảnh hưởng của thuyết duy cảm và những bóp méo thì tôi có một vài thông tin có thể làm bạn thức tỉnh. Các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa thực nghiệm đã tìm ra bằng chứng cho thấy các nhà khoa học cũng dễ bị tác động bởi các bài trần thuật, các đề tựa nổi bật và các nút thất “gợi cảm” về những sự kiện lớn lao hơn. Để chữa trị căn bệnh này cần phải tiến hành các siêu phân tích về những công trình nghiên cứu khoa học, trong đó, một nhà siêu nghiên cứu sẽ xem xét thật kỹ toàn bộ tài liệu, kể cả các bài báo có tính quảng cáo thấp, và đưa ra một bài tổng hợp.

Bây giờ, hãy cùng nhau xem xét ảnh hưởng của lối viết trần thuật đối với hiểu biết của chúng ta về Thiên Nga Đen. Cùng với đặc tính nổi bật của thông tin giật gân, bài trần thuật có thể làm nhiễu dự đoán của chúng ta về các khả năng xảy ra. Hãy phân tích thí nghiệm dưới đây của Kahneman và Tversky, bộ đôi đã được nhắc đến trong chương trước: các đối tượng tham gia thí nghiệm là những chuyên gia dự đoán, được yêu cầu tưởng tượng ra các viễn cảnh sau, và đồng thời dự đoán xác suất xảy ra của chúng.

a. Một trận lụt dữ dội xảy ra tại Mỹ làm hơn một nghìn người chết.

b. Một trận động đất tại California, gây ra lũ lụt dữ dội, và làm hơn một nghìn người chết.

Những người tham gia thí nghiệm ước đoán rằng sự kiện đầu tiên ít có khả năng xảy ra hơn so với sự kiện thứ hai. Tuy nhiên, trận động đất tại California chính là nguyên nhân mà người ta có thể tưởng tượng ra, điều làm tăng đáng kể tính hữu dụng trí lực (mental availability) – mà ở đây được hiểu là xác suất ước lượng – về viễn cảnh lũ lụt.

Tương tự, nếu tôi hỏi có bao nhiêu ca ung thư phổi có khả năng xảy ra trên khắp đất nước này, bạn sẽ đưa ra một con số nào đó, chẳng hạn nửa triệu ca. Bây giờ, đổi lại, nếu tôi hỏi có bao nhiêu ca ung thư phổi do hút thuốc, nhiều khả năng là bạn sẽ đưa ra một con số cao hơn rất nhiều (có thể đoán là cao gấp hai lần con số trước đó). Việc bổ sung từ bởi vì khiến vấn đề trở nên đáng tin cậy hơn và hợp lý hơn nhiều. Ung thư do hút thuốc có vẻ hợp lý hơn ung thư mà không có nguyên nhân rõ ràng – một nguyên nhân không xác định đồng nghĩa với không có nguyên nhân nào hết.

Tôi sẽ quay lại với câu chuyện của E. M. Forster được trình bày trong phần đầu chương, nhưng dưới góc độ của môn khoa học xác suất. Câu nào trong hai câu sau đây hợp lý hơn?

Cuộc sống hôn nhân của Joey có vẻ rất hạnh phúc. Anh ta giết vợ mình

Cuộc sống hôn nhân của Joey có vẻ rất hạnh phúc. Anh ta giết vợ mình để chiếm đoạt tài sản.

Thoạt nhìn, câu thứ hai có khả năng xảy ra cao hơn, tuy nhiên, đấy chính là một sai lầm thuần túy của lôgic, bởi câu đầu tiên, với phạm vi rộng hơn, có thể ẩn chứa nhiều nguyên nhân hơn như anh ta giết vợ bởi khi đó anh ta lên cơn điên, hay do cô ấy qua lại với gã đưa thư và huấn luyện viên trượt tuyết, hay bởi vì anh ta bị ảo giác và tưởng nhầm cô vợ mình là gã dự báo tài chính.

Tất cả điều này có thể dẫn đến các bệnh lý trong quá trình ra quyết định của chúng ta? Bằng cách nào?

Hãy tưởng tượng rằng, như Paul Slovic và cộng sự của ông đã trình bày, con người thường thích chi tiền cho bảo hiểm khủng bố hơn là bảo hiểm thông thường (mà thực ra loại bảo hiểm này cũng bao gồm cả nguy cơ khủng bố cùng với nhiều thứ khác).

Những hiện tượng Thiên Nga Đen mà chúng ta tưởng tượng, thảo luận và lo ngại không giống với những thứ sẽ trở thành Thiên Nga Đen thực sự. Chúng ta đã phí công lo lắng về những chuyện “không đâu”, và để biết được nguyên nhân vì sao, hãy cùng xem xét tiếp.
 

Câu hỏi đầu tiên về nghịch biện của nhận thức về Thiên Nga Đen như sau: Làm thế nào một số hiện tượng Thiên Nga Đen lại bị thổi phồng quá mức trong tâm trí của chúng ta trong khi nội dung chính của cuốn sách này lại nói về việc chúng ta thờ ơ với Thiên Nga Đen?

Câu trả lời chính là có hai biến thể của các biến cố hiếm: a) những hiện tượng Thiên Nga Đen được tường thuật lại, được trình bày trong các buổi diễn thuyết và được lặp đi lặp lại thường xuyên trên tivi, và b) những hiện tượng không ai nhắc đến, bởi chúng không thuộc về một hình mẫu nào cả – những thứ khiến bạn cảm thấy xấu hổ khi thảo luận công khai bởi chúng dường như không hợp lý chút nào cả. Tôi hoàn toàn có thể khẳng định rằng chính bản chất con người đã khiến chúng ta đánh giá quá cao phạm vi tác động của các hiện tượng Thiên Nga Đen “nhóm a”, nhưng lại đánh giá thấp một cách trầm trọng mức độ tác động của “nhóm b”.

Quả thật, những người mua vé số đã đánh giá quá cao khả năng trúng giải bởi chỉ mơ mộng về khoản thưởng hấp dẫn – thật ra, họ mù quáng đến mức cho rằng khả năng giữa một phần nghìn và một phần triệu là ngang nhau.

Phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm đều khớp với khuôn mẫu của việc đánh giá quá cao hay quá thấp các hiện tượng Thiên Nga Đen. Ban đầu, Kahneman và Tversky đã chứng minh rằng con người thường phản ứng thái quá trước những kết quả có xác suất thấp khi bạn thảo luận biến cố đó với họ, và khiến họ nhận thức về nó. Nếu bạn hỏi ai đó “Xác suất tử vong của một tai nạn máy bay là bao nhiêu?” ngay lập tức, con số tử vong sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, khi nói về các mô hình bảo hiểm, Slovic và cộng sự của ông đã phát hiện ra sự thờ ơ trước các biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra trong các hợp đồng bảo hiểm. Họ gọi nó là “ưu tiên bảo hiểm các tổn thất nhỏ có thể xảy ra”- và phải trả giá bằng những tổn thất ít xảy ra nhưng có tác động nghiêm trọng hơn nhiều.

Cuối cùng, sau nhiều năm tìm kiếm các kiểm tra thực nghiệm về việc chúng ta khinh rẻ những gì trừu tượng, tôi đã tìm thấy thứ mà mình mong đợi từ các nhà nghiên cứu tại Israel. Greg Barron và Ido Erev đã cung cấp bằng chứng thục nghiệm cho thấy các đối tượng tham gia thí nghiệm thường xem nhẹ những xác suất nhỏ khi tham gia vào chuỗi các thí nghiệm mà trong đó họ tự mình tìm kiếm các xác suất, tức là khi không được cung cấp bất kỳ tỷ lệ nào. Nếu số bi đỏ bạn lấy ra từ một cái bình là rất nhỏ trong khi số bi đen lại rất nhiều, và nếu không có kiến thức về tỷ lệ tương đối, nhiều khả năng bạn sẽ đánh giá thấp số bi đỏ ấy. Chỉ khi nào biết được tần số xuất hiện của nó – chẳng hạn như bi đỏ chiếm 3% – bạn mới đánh giá cao nó trong quyết định mạo hiểm của mình.

Tôi đã mất nhiều thời gian tự vấn bản thân mình rằng không biết làm cách nào những người thiển cận và có tư duy ngắn hạn như chúng ta lại có thể sống sót trong một môi trường hoàn toàn không phải Mediocristan này. Một ngày nọ, nhìn vào bộ râu vốn khiến tôi trông già hơn mười tuổi và nghĩ về niềm vui khi được “triển lãm” nó, tôi chợt nhận ra một điều. Sự tôn kính dành cho người cao tuổi hiện diện trong nhiều xã hội có thể là một hình thức bù đắp cho trí nhớ ngắn hạn của chúng ta. Chữ senate (Viện nguyên lão) có nguồn gốc từ chữ senatus, có nghĩa là “có tuổi” trong tiếng La-tinh; còn chữ sheikh trong tiếng Ả Rập vừa có nghĩa là “thành viên của giới trí thức cầm quyền”, vừa là “người cao tuổi”. Người cao tuổi chính là kho lưu trữ quý báu những kiến thức quy nạp phức tạp, trong đó bao gồm cả thông tin về các biến cố hiếm hoi. Họ có thể khiến chúng ta hoảng sợ bằng những câu chuyện của mình – đó chính là nguyên nhân vì sao chúng ta bị kích động quá mức khi nghĩ về một hiện tượng Thiên Nga Đen cụ thể nào đó. Tôi cảm thấy rất hào hứng khi phát hiện điều này cũng đúng trong thế giới động vật: một bài báo đăng trên tạp chí Science đã chỉ ra rằng trong xã hội loài voi, những con voi cái đầu đàn sẽ đóng vai trò người dẫn dắt khi các biến cố hiếm hoi xảy ra.

Chúng ta học hỏi từ sự lặp lại – và phải trả giá bằng những biến cố chưa từng xảy ra trước đây. Các biến cố nào không lặp lại thường bị lãng quên cho đến khi thực sự xảy ra, đồng thời bị đánh giá quá mức (trong một khoảng thời gian nhất định) sau đó. Sau một hiện tượng Thiên Nga Đen như sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, người ta đoán rằng nó sẽ lặp lại trong khi trên thực tế, khả năng này được nhiều người đánh giá là rất thấp. Chúng ta thích nghĩ về các hiện tượng Thiên Nga Đen cụ thể mà mình đã biết, trong khi trên thực tế, bản chất của tính ngẫu nhiên lại nằm ở chính sự trừu tượng của nó. Như tôi đã trình bày trong Phần mở đầu, đó chính là định nghĩa không đúng về một vị thần.

Nhà kinh tế học Hyman Minsky đã nhìn thấy các chu kỳ mạo hiểm trong nền kinh tế tuân theo một khuôn mẫu sau: tính ổn định và việc thiếu vắng các cuộc khủng hoảng sẽ làm tăng sự mạo hiểm, tính tự mãn và nhận thức khinh suất về khả năng xảy ra khó khăn. Và rồi khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, người ta trở nên bàng hoàng và sợ hãi không dám đầu tư nữa. Thật lạ lùng là cả Minsky cùng trường phái hậu Keynes của ông lẫn trường phái đối lập – những nhà kinh tế học tự do chủ nghĩa “Áo” lại có cùng một phân tích, ngoại trừ việc nhóm đầu tiên ủng hộ can thiệp của chính phủ nhằm “bôi trơn” các chu kỳ đó trong khi nhóm hai lại tin rằng những người công bộc của nhân dân không đáng tin cậy để được giao phó trọng trách giải quyết các vấn đề như thế. Mặc dù có vẻ như đang tranh đấu với nhau nhưng thực ra, hai trường phái tư tưởng này lại nhất trí với nhau khi coi trọng tầm ảnh hưởng của tính bất định cơ sở và hoạt động bên ngoài những bộ phận kinh tế chính thống (mặc dù có nhiều doanh nhân và những người không thuộc giới học thuật cũng đi theo hai trường phái ấy). Rõ ràng, việc tập trung vào tính bất định cơ sở đã gây lo ngại cho những người theo chủ nghĩa Plato.

Tất cả những thí nghiệm về xác suất mà tôi thảo luận trong phần này đều quan trọng cả; chúng chỉ ra cách mà chúng ta bị “qua mặt” bởi sự hiếm hoi của Thiên Nga Đen chứ không phải tác động của chúng. Trong một nghiên cứu sơ bộ, nhà tâm lý học Dan Goldstein và tôi đã giới thiệu cho sinh viên Trường Kinh doanh Luân Đôn hai ví dụ thuộc hai miền Mediocristan và Extremistan. Chúng tôi lựa chọn chiều cao, cân nặng và lượng truy cập cao nhất của mỗi website. Những sinh viên tham gia thí nghiệm rất giỏi phán đoán vai trò của các biến cố hiếm trong các môi trường theo kiểu Mediocristan. Nhưng trực giác của họ chào thua trước những biến thể nằm ngoài môi trường Mediocristan – điều chứng tỏ rằng chúng ta thực sự không có khả năng phán đoán tác động của những điều tưởng chừng như không thể, chẳng hạn như đóng góp của tác phẩm “bom tấn” vào tổng doanh số sách bán ra. Trong một thí nghiệm, các sinh viên đã đánh giá thấp ảnh hưởng của một biến cố hiếm đến ba mươi ba lần.

Tiếp theo, hãy xem việc thiếu kiến thức trước các vấn đề trừu tượng đã ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta.

Quả thật, thông tin thống kê trừu tượng không thể tác động đến chúng ta nhiều như một giai thoại – dù cho ta có tinh tế đến mấy. Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ sau.

Cậu bé người Ý. Vào cuối thập niên 70, ở Ý có một cậu bé bị rơi xuống giếng. Nhóm cứu hộ không thể kéo nó ra khỏi miệng giếng và đứa bé khóc trong vô vọng khi mắc kẹt dưới đáy giếng. Có thể hiểu được là cả nước Ý đều lo ngại cho số phận của cậu bé này; cả nước dõi theo các bản tin cập nhật. Tiếng khóc của cậu bé khiến cho các nhân viên cứu hộ và cánh nhà báo bất lực đau xé lòng vì cảm giác tội lỗi. Chân dung cậu bé được các tờ báo, tạp chí địa phương đăng ở những vị trí nổi bật và dường như khắp nơi thuộc trung tâm Milan đều đầy ắp hình ảnh về cảnh ngộ khốn khổ của cậu bé này.

Cùng thời điểm đó, cuộc nội chiến Li băng đang diễn ra khốc liệt, nhưng thỉnh thoảng cũng có lúc đình chiến. Trong cơn hỗn loạn như thế, người dân Li băng vẫn dõi theo số phận của cậu bé đó. Cậu bé người Ý. Cách đó năm dặm, người ta đang chết vì chiến tranh, người dân đang hoảng sợ trước các vụ tấn công bằng ô tô cài bom nhưng số phận cậu bé người Ý vẫn chiếm vị trí quan tâm hàng đầu trong cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Beirut. Người ta nói với tôi rằng: “Thằng bé tội nghiệp ấy mới dễ thương làm sao”. Cả thành phố thở phào nhẹ nhõm khi cuối cậu bé đã được cứu.

Như Stalin, người biết vài điều về vấn đề tử vong, đã nói, “Một cái chết là một bi kịch; nhưng một triệu thương vong lại là một con số thống kê”. Chúng ta không chú ý đến các con số thống kê.

Chủ nghĩa khủng bố gây ra gần 13 triệu thương vong mỗi năm, nhưng kẻ sát nhân lớn nhất vẫn chính là môi trường. Nhưng chỉ có chủ nghĩa khủng bố gây ra làn sóng phẫn nộ, điều này khiến chúng ta đánh giá quá cao khả năng xảy ra của các cuộc tấn công khủng bố mới chỉ ở dạng tiềm năng – và phản ứng còn quyết liệt hơn thế khi xảy ra một cuộc tấn công thật sự. Chúng ta cảm thấy sự tàn phá do con người gây ra luôn để lại nỗi đau sâu sắc hơn thiệt hại do thiên nhiên.

Công viên Trung tâm. Bạn đang trên chuyến bay hướng về New York cho kỳ nghỉ cuối tuần (chè chén) dài ngày. Bạn ngồi cạnh một nhân viên bán bảo hiểm, mà với đặc tính của một người bán hàng, anh ta không thể nào ngưng nói được. Đối với anh ta, việc không nói chuyện là một hoạt động đòi hỏi nhiều nỗ lực. Anh ta sẽ kể cho bạn nghe về người em họ (người sẽ cùng tham gia kỳ nghỉ này với anh ta) đang làm việc trong một văn phòng luật, nơi người em song sinh của đối tác của người em vợ của anh ta đã bị bóp cổ chết tại Công viên Trung tâm. Quả thật, đó chính là Công viên Trung tâm của một New York tráng lệ. Chuyện xảy ra vào năm 1989. Nạn nhân xấu số khi ấy mới ba mươi tám tuổi, có vợ và ba con, trong đó, một đứa bị thiểu năng bẩm sinh và cần được chăm sóc đặc biệt tại Comell Medical Center. Ba đứa trẻ, một trong số đó phải được chăm sóc đặc biệt, trở nên mồ côi bố do chính chuyến viếng thăm ngu xuẩn Công viên Trung tâm của người đàn ông ba mươi tám tuổi này.

Như vậy, chắc bạn sẽ không dám đến Công viên Trung tâm trong kỳ nghỉ. Bạn biết rằng mình có thể kiếm được số liệu thống kê về tội phạm từ trang web hay bất kỳ nguồn tài liệu nào khác hơn là tin vào thông tin có tính giai thoại từ một người bán hàng không kiểm soát được cái miệng của mình. Nhưng bạn không thể bỏ qua câu chuyện trên. Trong một khoảnh khắc, cái tên Công viên Trung tầm gợi nên hình ảnh một người đàn ông nghèo khổ, thấp kém nằm trên bãi cỏ dơ bẩn. Phải có thật nhiều thông tin thống kê nữa thì mới có thể khiến bạn không còn do dự.

Chạy xe mô tô. Tương tự, cái chết của một người họ hàng do tai nạn mô tô sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm của bạn hơn so với các bài phân tích thống kê về tai nạn mô tô. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy số liệu thống kê này trên trang web nhưng những thứ (khô cứng) đó không dễ gì đi vào đầu bạn. Tôi có thể cưỡi trên chiếc Vespa đỏ của mình chạy vòng quanh thành phố bởi vì chưa có ai sống gần đó gặp tai nạn cả – mặc dù xét trên khía cạnh lôgic, tôi nhận thức được vấn đề này, nhưng cũng không thể làm gì để thay đổi nó.

Giờ đây, tôi không còn phản đối những người khuyến khích việc sử dụng lối văn trần thuật để gây chú ý. Quả thật, ý thức của chúng ta có thể liên quan đến khả năng dựng lên một câu chuyện nào đó về chính mình, vấn đề ở đây là: lối văn trần thuật có thể “gây chết người” nếu sử dụng không đúng chỗ.

Không dừng lại ở lối viết trần thuật, tiếp sau đây, tôi sẽ thảo luận thêm nhiều thuộc tính của tư duy và suy luận ẩn đằng sau sự nông cạn què quặt của chúng ta. Những khuyết điểm trong suy luận này đã được phân loại và nghiên cứu theo phương pháp truyền thống được thực hiện bởi một trường phái mang tên Hiệp hội Đánh giá và Ra quyết định. (Đây là tổ chức học thuật và chuyên nghiệp duy nhất mà tôi tham dự và thật sự cảm thấy tự hào; những lần nhóm họp của hội không khiến tôi cảm thấy căng thẳng hay tức giận). Hiệp hội này có liên kết với trường phái nghiên cứu do Daniel Kahneman, Amos Tversky cùng các cộng sự như Robyn Dawes và Paul Slovic khởi xướng. Hầu hết những người tham gia hiệp hội đều là các nhà tâm lý học theo chủ nghĩa hoài nghi và các nhà khoa học về nhận thức – những người luôn tuân thủ chặt chẽ phương pháp luận của mình khi thực hiện các thí nghiệm (dưới dạng thí nghiệm vật lý) chính xác và có kiểm chứng trên con người, đồng thời ghi chép có phân loại các phản ứng của con người, với mức độ lý thuyết hóa thấp nhất. Họ tìm kiếm những thứ có tính quy củ. Lưu ý rằng các nhà tâm lý học thực nghiệm thường sử dụng đường cong hình chuông để phát hiện ra sai sót trong các phương pháp thử nghiệm của mình, nhưng, như chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn trong Chương 15, đây chính là một trong những ứng dụng phù hợp hiếm hoi của đường cong hình chuông trong ngành khoa học xã hội nhờ vào bản chất các thí nghiệm đặc thù của ngành này. Chúng ta đã gặp vài kiểu thí nghiệm như thế trong chương này, đoạn nói về lũ lụt ở California, và trong phần nghiên cứu thiên kiến chứng thực ở Chương 5. Các nhà nghiên cứu này đã sử dụng hình thức tư duy kép để mô tả các hoạt động của chúng ta và phân chúng thành hai hệ thống gồm “Hệ thống 1” và “Hệ thống 2”, hay dựa trên kinh nghiệm và dựa trên suy ngẫm. Sự khác biệt đã đó trở nên rõ ràng.

Hệ thống 1, hệ thống dựa trên kinh nghiệm, không đòi hỏi nhiều nỗ lực, tự động, nhanh chóng, không rõ ràng (nghĩa là chúng ta sử dụng nó một cách vô thức), được xử lý song song và có thể tự mắc lỗi. Nó là thứ mà chúng ta gọi là “trực giác”, và thực hiện những hoạt động này một cách nhanh chóng, thành thạo, được biết đến với tên gọi trong nháy mắt, “ăn theo” tựa cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất của Malcolm Gladwell. Hệ thống 1 rất cảm tính, chính xác bởi nó diễn ra nhanh chóng, hình thành những lối đi tắt gọi là “suy nghiệm” (phương pháp giải quyết vấn đề bằng cách đánh giá kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp qua thực nghiệm), cho phép chúng ta thực hiện các chức năng một cách nhanh chóng và hiệu quả Dan Goldstein gọi những phương pháp suy nghiệm này là “nhanh và ít tốn kém”. Còn người khác thích gọi nó là “nhanh và bẩn”. Giờ đây, những lối đi tắt này hiển nhiên là tốt, bởi diễn ra nhanh chóng, nhưng cũng có lúc, có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Ý tưởng cốt lõi này đã hình thành nên một trường phái nghiên cứu mang tên phương pháp suy nghiệm và thiên kiến (suy nghiệm tương ứng với việc nghiên cứu các lối đi tắt, còn thiên kiến tượng trưng cho sai lầm).

Hệ thống 2, hệ thống dựa trên suy ngẫm, cái chúng ta thường gọi là tư duy. Nó chính là những gì bạn sử dụng trong lớp học, đòi hỏi nhiều nỗ lực (ngay cả với người Pháp), chặt chẽ, chậm rãi, lôgic, theo trình tự, lũy tiến và tự nhận thức (bạn có thể tuân theo các bước này theo cách suy luận của mình). Nó không phạm nhiều lỗi như hệ thống dựa trên kinh nghiệm bởi vì bạn biết kết quả mình nhận được xuất phát từ đâu và có thể rà soát lại các bước để sửa chữa và tăng tính thích ứng.

Hầu hết sai lầm trong suy luận của chúng ta bắt nguồn từ việc nghĩ rằng mình đang sử dụng Hệ thống 2, trong khi trên thực tế lại đang theo Hệ thống 1. Vì sao lại thế? Do chúng ta phản ứng mà không suy nghĩ hay rà soát lại ý tưởng, cảm xúc; đặc tính quan trọng của Hệ thống 1 chính là chúng ta sử dụng nó mà không hề hay biết!

Hãy nhớ lại lỗi xoay vòng, hay xu hướng nhầm lẫn giữa “không có bằng chứng về sự tồn tại của Thiên Nga Đen” và “có bằng chứng là không có Thiên Nga Đen tồn tại”; điều này chứng tỏ rằng Hệ thống 1 đang hoạt động. Bạn phải nỗ lực (tức sử dụng Hệ thống 2) để gạt qua một bên phản ứng ban đầu. Rõ ràng, Mẹ Thiên Nhiên đã khiến bạn sử dụng Hệ thống 1 để nhanh chóng thoát khỏi khó khăn và bạn không thể ngồi yên để ngẫm nghĩ xem liệu thực sự có con hổ nào sắp tấn công mình không hay đó chỉ là ảo giác. Ngay lập tức, bạn sẽ bỏ chạy trước khi kịp “nhận thức” về sự hiện hữu của con hổ.

Người ta cho rằng cảm xúc chính là thứ vũ khí mà Hệ thống 1 đã sử dụng để điều khiển và buộc chúng ta phải hành động nhanh chóng. Nó điều khiển hành động né tránh rủi ro hiệu quả hơn hệ thống nhận thức của chúng ta rất nhiều. Thật vậy, các nhà sinh học thần kinh – những người nghiên cứu về hệ thống cảm xúc – đã chỉ ra mức độ phản ứng thường xuyên của hệ thống này trước sự hiện diện của nguy hiểm rất lâu trước khi chúng ta thực sự nhận thức về nguy cơ đó – chúng ta cảm thấy sợ hãi và bắt đầu phản ứng khoảng vài phần nghìn giây trước khi nhận ra mình đang đối diện với một con rắn.

Phần lớn các vấn đề xoay quanh bản chất con người bắt nguồn từ việc chúng ta không thể tận dụng Hệ thống 2 hoặc sử dụng nó liên tục không ngừng. Ngoài ra còn có một nguyên nhân nữa: chúng ta thường quên sử dụng nó.

Lưu ý rằng, các nhà sinh học thần kinh còn chỉ ra một khác biệt tương tự với sự khác biệt giữa Hệ thống 1 và Hệ thống 2 xét trên khía cạnh giải phẫu học. Khác biệt này thể hiện ở từng bộ phận của não bộ, phần vỏ não phục vụ quá trình tư duy, nó khiến chúng ta khác biệt với loài thú, còn não giữa (hay hệ limbic) là trung tâm cảm xúc, cái mà chúng ta cũng như các loài hữu nhũ khác đều có.

Là một người hoài nghi thực nghiệm, tôi không muốn trở thành con gà tây, vì thế không muốn chỉ tập trung vào các cơ quan đặc trưng của não bộ bởi ưu tiên của chúng ta không phải là quan sát các chức năng của nó. Một số người cố gắng xác định cái gọi là thể tương liên thần kinh của quá trình ra quyết định, hay quyết tâm hơn, còn muốn tìm kiếm “thể nền” thần kinh của trí nhớ chẳng hạn. Não bộ có thể là một cấu trúc phức tạp hơn chúng ta nghĩ; trong quá khứ, chúng ta vẫn thường mắc sai lầm khi nghiên cứu về cấu trúc giải phẫu học của nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể ước đoán các quy luật thông qua các thí nghiệm chính xác và toàn diện về cách phản ứng của con người trong một số hoàn cảnh cụ thể, sau đó, lưu lại những gì mình nhìn thấy.

Để tìm ra một ví dụ có thể giải thích cho thái độ hoài nghi về niềm tin vô điều kiện đối với sinh học thần kinh, và xác minh sự tồn tại của những ý tưởng về trường phái y học kinh nghiệm chủ nghĩa Sextus, chúng ta hãy cùng phân tích trí thông minh của loài chim. Nhiều tài liệu khác nhau đều cho rằng vỏ não là nơi các loài động vật thực hiện chức năng “tư duy”, và rằng những sinh vật nào có vỏ não lớn nhất là thì thông minh nhất – loài người chúng ta có vỏ não lớn nhất, tiếp đến là các giám đốc ngân hàng, cá heo và những người họ hàng của chúng ta – loài vượn. À, hóa ra nhiều loài chim, như loài vẹt chẳng hạn, cũng có chỉ số thông minh cao tương đương với cá heo đây, tuy nhiên, trí thông minh của loài chim cũng tương ứng với kích cỡ của một bộ phận khác của não bộ có tên gọi là siêu thể vân (hyperstriatum). Do đó, sinh học thần kinh cùng với thuộc tính “khoa học tự nhiên, vật lý” của nó cũng có lúc đánh lừa bạn vào một phát ngôn rút gọn theo kiểu Plato. Tôi hết sức ngạc nhiên vì “những người kinh nghiệm chủ nghĩa”, vốn hoài nghi về mối liên hệ giữa giải phẫu và chức năng, lại có sự thấu hiểu như thế – thảo nào trường phái của họ chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong lịch sử tri thức. Là một người hoài nghi thực nghiệm, tôi thích những thí nghiệm về tâm lý học dựa theo kinh nghiệm hơn phương pháp rọi cắt lớp MRI dựa vào các nguyên lý của những nhà sinh học thần kinh, dù rằng đối với công chúng, các thí nghiệm thứ nhất có vẻ không được “khoa học” cho lắm.

Tôi sẽ kết luận vấn đề như thế này: hiểu biết sai lệch của chúng ta về Thiên Nga Đen phần lớn xuất phát từ việc sử dụng Hệ thống 1, nghĩa là những bài tường thuật, những tin tức giật gân, cũng như những hành vi cảm xúc, đã khiến chúng ta có cái nhìn sai lệch về khả năng xảy ra của các biến cố. Trong khi ngày qua ngày, chúng ta không xem xét nội tâm ở mức đủ để nhận ra rằng hiểu biết của mình về những gì đang diễn ra ít hơn cái mà bản thân mình chắc chắn nhận được từ một quan sát công tâm về các trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta cũng có xu hướng quên đi khái niệm về Thiên Nga Đen ngay sau khi nó xảy ra – bởi nó quá trừu tượng – và thay vào đó, tập trung vào những biến cố xác định, sinh động và dễ dàng đi vào đầu hơn. Chúng ta thật sự lo lắng về các hiện tượng Thiên Nga Đen, nhưng lại lo không đúng chỗ.

Tôi sẽ đưa Mediocristan vào đây. Trong Mediocristan, lối viết trần thuật dường như phát huy tác dụng – quá khứ có thể sẽ nhượng bộ trước sự thẩm tra của chúng ta. Nhưng điều này không xảy ra trong Extremistan bởi đây là nơi không có sự lặp lại, là nơi mà bạn cần phải hoài nghi về quá khứ bí ẩn và né tránh thể văn trần thuật rõ ràng và dễ dãi.

Giả định rằng tôi có rất ít thông tin, thường xuyên cảm giác rằng mình đang sống trên một hành tinh khác với hành tinh của những người đồng trang lứa, điều này đôi lúc khiến mình cảm thấy vô cùng đau khổ. Giống như có một con virus điều khiển trí não của những người này khiến họ không thể nhìn thấy được những gì sắp diễn ra ở phía trước – một Thiên Nga Đen sắp xuất hiện.

Cách để tránh những rủi ro của lối liên tưởng ngụy biện này là ủng hộ hoạt động thí nghiệm hơn hình thức kể chuyện, kinh nghiệm hơn lịch sử, và kiến thức lâm sàng hơn lý thuyết. Rõ ràng, một tờ báo không thể thực hiện thí nghiệm nhưng có thể lựa chọn báo cáo này thay cho báo cáo kia – có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cần trình bày và làm sáng tỏ – như những gì tôi đang làm trong cuốn sách này. Để hoạt động theo lối thực nghiệm không có nghĩa là bạn phải có hẳn một phòng thí nghiệm dưới tầng hầm nhà mình: chỉ cần một hệ tư tưởng ủng hộ một nhóm kiến thức nào đó hơn các nhóm khác. Tôi không cấm bản thân mình dùng từ nguyên nhân, nhưng những nguyên nhân mà tôi nhắc đến là những suy xét táo bạo (đã được sử dụng nhiều trong cuốn sách này) hoặc kết quả thực nghiệm chứ không phải những mẩu chuyện đơn thuần.

Một phương pháp khác là dự đoán và lưu lại một bản sao các dự đoán ấy. Sau cùng, có lẽ có một cách để áp dụng lối viết trần thuật – nhưng phải với mục đích tốt. Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn; chúng ta có thể sử dụng khả năng của mình để thuyết phục mọi người bằng một câu chuyện chuyển tải đúng thông điệp – giống như cách những người kể chuyện thường làm.

Đến đây, chúng ta đã cùng bàn về hai cơ chế nội tại đằng sau sự mù tịt về Thiên Nga Đen, đó là thiên kiến chứng thực và liên tưởng ngụy biện. Chương tiếp theo sẽ đi sâu vào một cơ chế bên ngoài: lỗi trong cách tiếp nhận và diễn giải các biến cố được ghi lại, cũng như lỗi trong cách chúng ta hành động theo các biến cố này.

Chọn tập
Bình luận