Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 7: Sống Trong Căn Phòng Chờ Hy Vọng

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

CÁCH TRÁNH BỘ TẢN NHIỆT ■ LỰA CHỌN EM VỢ ■ CUỐN SÁCH YÊU THÍCH CỦA YEVGENIA ■ NHỮNG GÌ SA MẠC CÓ THỂ VÀ KHÔNG THỂ TẠO RA ■ TRÊN HÀNH TRÌNH NÉ TRÁNH NIỀM HY VỌNG ■ SA MẠC CỦA NGƯỜI TARTAR ■ NHỮNG LỢI THẾ CỦA CHUYỂN ĐỘNG CHẬM

Giống như Yevgenia, giả sử hoạt động của bạn cũng phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ mang tên Thiên Nga Đen – tức bạn là một con gà tây “lội ngược dòng”. Các hoạt động trí thức, khoa học và nghệ thuật đều thuộc phạm vi Extremistan, nơi có sự tập trung cao độ về thành công với một số ít người chiến thắng chia nhau phần lớn tài sản. Có vẻ như điều này cũng đúng với những hoạt động chuyên môn mà tôi cảm thấy “thú vị” và không nhàm chán (Tôi vẫn đang tìm kiếm một phản ví dụ đơn giản, tức một hoạt động không nhàm chán thuộc về Mediocristan).

Việc thừa nhận vai trò của mức độ tập trung thành công này và hành động theo sự thừa nhận đó sẽ khiến chúng ta bị trừng phạt hai lần: chúng ta sống trong một xã hội nơi sự tưởng thưởng được dựa trên ảo tưởng về những thứ có tính quy củ; hệ thống khen thưởng chịu tác động của hormon trong chúng ta cũng đòi hỏi những kết quả hữu hình và ổn định. Hệ thống này còn cho rằng thế giới này ổn định và hành xử “phải phép” – nghĩa là rơi vào lỗi chứng thực. Thế giới thay đổi nhanh đến mức cấu trúc gien của chúng ta không thể theo kịp. Chúng ta không được hoan nghênh trong chính môi trường của mình.

Mỗi sáng, bạn rời khỏi căn hộ chật hẹp ở khu East Village, thành phố Manhattan để đến phòng thí nghiệm tại trường Đại học Rockerfeller, khu East Sixties. Tối mịt bạn mới về, những người quen sẽ hỏi thăm về ngày làm việc của bạn, và chỉ hỏi theo cách xã giao thuần túy. Ở phòng thí nghiệm, mọi người cư xử khéo léo hơn. Dĩ nhiên, ngày hôm đó của bạn không suôn sẻ gì; bạn không phát hiện ra gì mới cả. Bạn không được như anh thợ sửa đồng hồ. Tuy nhiên, việc không phát hiện được gì lại rất có giá trị bởi nó là một phần của quá trình khám phá – tức bạn đã biết được không cần phí công nghiên cứu ở những chỗ nào. Khi biết được kết quả (nghiên cứu) của bạn, các nhà nghiên cứu khác sẽ tránh lặp lại những thí nghiệm đó, với điều kiện phải có một tờ báo đủ sâu sắc để đánh giá việc không phát hiện được gì chính là thông tin và cho đăng tải nó.

Trong khi đó, em vợ của bạn đang là nhân viên bán hàng cho một công ty ở Phố Wall và liên tục nhận được các khoản hoa hồng lớn – không chỉ lớn mà còn ổn định. Bạn sẽ nghe người ta nói “Nó đang ăn nên làm ra đấy”, đặc biệt là từ cha vợ của bạn, và sau đó là sự im lặng trầm ngâm trong một phần triệu giây, nhưng đủ để nhận ra rằng ông vừa thực hiện một phép so sánh. Dù không cố ý nhưng chuyện đã rồi.

Những ngày nghỉ có thể trở nên rất tồi tệ. Bạn chạm mặt đứa em vợ trong các buổi họp mặt gia đình và, lúc nào cũng vậy, nhận ra những dấu hiệu thất vọng không thể lẫn vào đâu được từ phía vợ mình, mà nói một cách ngắn gọn, cô ấy đang lo sợ không biết có cưới nhầm một gã vô tích sự không, trước khi nhớ ra các nguyên tắc lôgic trong nghề nghiệp của bạn. Tuy nhiên, cô ấy vẫn phải đấu tranh với cơn bốc đồng của mình. Cô em dâu thì không thôi nói về những thứ cần mua sắm hay loại giấy dán tường mới. Suốt đoạn đường về nhà, vợ bạn hơi im lặng so với thường ngày. Sự hờn dỗi của cô ấy sẽ trầm trọng hơn đôi chút nếu bạn đang lái một chiếc xe thuê và không thể xây nổi một cái ga-ra ở Manhattan. Bạn nên làm gì bây giờ? Chuyển đến Úc sống và nhờ đó ít phải họp mặt gia đình, hoặc thay đổi đứa em vợ bằng cách cưới một cô nào khác có em trai ít “thành công” hơn.

Liệu bạn có nên ăn mặc như một tên hippie và tỏ ra thách thức? Điều này có vẻ hợp với giới nghệ sĩ nhưng lại chẳng dễ dàng gì với một nhà khoa học hay một doanh nhân. Bạn không còn lối thoát.

Bạn đang thực hiện một dự án mà không mang lại kết quả tức thì hay ổn định; trong khi đó, những người xung quanh mình lại đang thực hiện những dự án có thể cho ra kết quả ngay. Bạn đang gặp rắc rối. Đó chính là số phận của những nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu chấp nhận đi lạc trong xã hội hơn phải sống trong một cộng đồng bị cách ly hay một nhóm nghệ sĩ.

Những kết quả phập phù tích cực – mà theo đó, chúng ta hoặc sẽ chiến thắng vẻ vang, hoặc sẽ chẳng có gì, thường xuất hiện trong nhiều ngành nghề vốn được xem như một sứ mệnh đối với những ai đầu tư vào nó, chẳng hạn như việc theo đuổi phương pháp chữa trị ung thư (trong một phòng thí nghiệm hôi hám), viết một cuốn sách có khả năng thay đổi quan điểm của mọi người về thế giới (trong khi vẫn sống chật vật qua ngày), sáng tác nhạc, hay vẽ các biểu tượng thu nhỏ lên thân xe điện ngầm và xem nó là một loại hình nghệ thuật cao cấp bất chấp những lời chỉ trích không ngớt của Harold Bloom – một “học giả” theo trường phái cổ điển.

Nếu là một nhà nghiên cứu, bạn cần phải đăng tải những bài viết tầm phào lên các ấn phẩm “uy tín” để thỉnh thoảng được người khác chào hỏi trong các buổi hội thảo.

Nếu điều hành một tập đoàn đại chúng, mọi thứ đều tuyệt vời trước khi có sự góp mặt của các cổ đông bởi khi đó, bạn cùng các thành viên hùn vốn khác là những người đồng sở hữu duy nhất của công ty, bên cạnh đó còn có các nhà đầu tư mạo hiểm khôn ngoan, những người hiểu thấu được các kết quả thất thường cũng như bản chất hay thay đổi của đời sống kinh tế. Nhưng giờ đây, bạn để cho một chuyên viên phân tích chứng khoán chậm tiêu với tuổi đời khoảng chừng ba mươi làm việc tại trung tâm Manhattan “đánh giá” kết quả hoạt động và tìm hiểu quá nhiều về chúng. Anh ta thích được khen thưởng thường xuyên và việc cuối cùng bạn có thể làm là thường xuyên khen thưởng.

Nhiều người gắng sức làm việc với cảm giác rằng mình đang làm một điều gì đó đúng đắn nhưng lại không thể trưng ra được kết quả bền vững về lâu dài. Họ cần phải có khả năng trì hoãn sự hài lòng của bản thân để có thể tồn tại trước sự tàn nhẫn diễn ra như “cơm bữa” của những người đồng đẳng mà vẫn giữ cho đạo đức của mình không bị suy đồi. Họ trông như những tên ngốc trong mắt những người anh em của mình, trong mắt những người đồng đẳng, và cần được khích lệ để tiến lên. Không ai thừa nhận, không ai công nhận, không học trò nào theo nịnh hót họ, cũng không hề có giải Nobel hay “Lobel” nào dành cho họ. Câu hỏi “Năm vừa qua của anh như thế nào?” khiến họ đau nhói tận đáy lòng bởi dường như trong mắt người khác, phần lớn cuộc đời họ trôi qua trong vô nghĩa. Rồi bỗng đâu một sự kiện bất thường xuất hiện mang đến cho họ danh hiệu cao quý, hoặc sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra.

Hãy tin tôi, rất khó giải quyết những hậu quả mang tính xã hội khi thất bại cứ liên tục xuất hiện. Chúng ta là những động vật mang tính xã hội; còn những người khác mới chính là địa ngục (hell is other people – đây là một dòng trong vở kịch của Jean-Paul Sartre, Huis Clos (Không lối thoát). Trong vở kịch này, một số nhân vật ngồi trong phòng đợi ngay lối vào địa ngục. Các nhân vật nghĩ rằng họ đang chờ đến lượt mình bước vào cửa địa ngục và sẽ bị hành hạ. Nhưng thông qua cuộc đối thoại, các nhân vật bắt đầu dằn vặt lẫn nhau và điều này mang ý nghĩa là chúng ta có thể khiến cho người khác đau khổ (đơn giản bằng các thói quen của họ) và với những nỗi khổ đó thì người ta chẳng cần đến địa ngục nào nữa cả – ND).

Trực giác của chúng ta không sẵn sàng cho những hiện tượng phi tuyến tính. Hãy xem xét cuộc sống của mình trong môi trường sơ khai, nơi quy trình và kết quả gắn kết chặt chẽ với nhau. Bạn khát nước; chỉ cần uống nước là đủ để giải tỏa cơn khát. Hay thậm chí trong một môi trường không quá nguyên sơ, khi tham gia xây dựng một cây cầu hay một ngôi nhà bằng đá chẳng hạn, bạn làm càng nhiều thì thành quả càng mau hiện hữu, vì thế, tinh thần của bạn được khích lệ nhờ vào sự phản hồi rõ ràng và liên tục đó.

Trong môi trường sơ khai, những thứ có liên quan chính là những thứ “giật gân”. Điều này cũng đúng với kiến thức của chúng ta. Khi cố gắng thu thập thông tin về thế giới xung quanh, chúng ta thường bị hệ thống sinh học của chính mình dẫn dắt, và dễ dàng hướng sự chú ý đến những gì gây ra cảm xúc mạnh mẽ – chứ không phải những gì có liên quan. Bằng cách nào đó, hệ thống dẫn dắt đó lại bị hỏng trong quá trình tiến hóa cùng với môi trường sống – nó được mang đi gieo trồng vào một thế giới mà ở đó, những thứ liên quan thường nhàm chán và không tạo ra cảm xúc đặc biệt nào.

Hơn nữa, chúng ta cho rằng nếu hai biến số có thể liên kết với nhau theo mối quan hệ nhân quả thì đầu vào ổn định của một biến số luôn tạo ra kết quả trong biến số còn lại. Bộ máy cảm xúc của chúng ta được thiết kế dành cho thuyết nhân quả đơn tính (linear causality). Ví dụ, nếu học tập mỗi ngày, bạn hy vọng mình sẽ đạt được nhiều thành quả tương xứng với công sức. Nếu cảm thấy rằng mình sẽ chẳng đi đến đâu, bạn sẽ trở nên thoái chí. Tuy nhiên, thực tiễn trong xã hội hiện đại này hiếm khi nào tạo cơ hội để chúng ta phát triển tích cực, dưới dạng tuyến tính và đáng hài lòng: có thể bạn mất hàng năm trời nghĩ về một vấn đề nào đó và rốt cuộc chẳng học được gì cả; nhưng sau đó, nếu không nản lòng và bỏ cuộc thì trong chớp mắt, một điều gì đó sẽ đến với bạn.

Các nhà nghiên cứu đã dành thời gian để tìm hiểu về khái niệm hài lòng này; môn thần kinh học đã giúp chúng ta hiểu về sự căng thẳng xảy ra giữa những ý niệm về phần thưởng tức thì và phần thưởng bị trì hoãn. Bạn sẽ chọn đi mát-xa hôm nay hay hai tuần nữa? Có nguồn tin cho rằng phần não bộ đảm trách chức năng lôgic – tức phần “cao cấp hơn” phân biệt chúng ta với các động vật khác – có thể lấn át “phần con” vốn lúc nào cũng đòi hỏi phần thưởng tức thì. Rốt cuộc, chúng ta vẫn khá hơn loài thú nhưng có lẽ không nhiều. Và không phải lúc nào cũng thế.

Tình hình có thể bi thảm hơn – thế giới mang nhiều đặc điểm phi tuyến tính hơn chúng ta nghĩ, và hơn những gì các nhà khoa học muốn nghĩ.

Với các đặc điểm tuyến tính, mối quan hệ giữa các biến số là rõ ràng, chính xác và liên tục, do đó, theo trường phái Plato, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được vấn đề chỉ với một câu đơn giản, chẳng hạn như “Khi tiền gửi ngân hàng của bạn tăng thêm 10%, lãi suất sẽ tăng 10% và sự khúm núm của chủ nhà băng cũng tăng thêm 5%”. Càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng, bạn càng hưởng nhiều lãi. Nhưng điều này có thể không đúng đối với các mối quan hệ phi tuyến tính; có lẽ “không lời nào có thể diễn đạt thỏa đáng” chính là cách tốt nhất để mô tả chúng. Hãy xem xét mối quan hệ giữa sự khoan khoái và hành động uống nước. Nếu bạn đang rất khát nước thì một chai nước sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn rất nhiều. Càng nhiều nước đồng nghĩa với càng khoan khoái. Nhưng nếu như tôi cho bạn cả một bể nước thì sao? Dễ thấy rằng trạng thái hạnh phúc đó nhanh chóng giảm đi khi lượng nước tăng dần. Và trên thực tế, nếu được chọn giữa một chai nước và một bể nước, bạn sẽ lấy chai nước – do đó, sự khoan khoái giảm khi lượng tăng thêm.

Các mối quan hệ phi tuyến này xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Thật ra, các mối quan hệ tuyến tính mới là ngoại lệ chúng ta chỉ đề cập đến chúng trong lớp học và sách giáo khoa bởi chúng dễ hiểu. Trưa hôm qua, tôi cố gắng nhìn thế giới xung quanh bằng một cái nhìn thật tươi mới để tìm xem có sự kiện tuyến tính nào diễn ra trong ngày. Tôi không tìm thấy được gì, không khá hơn là bao so với những người vào rừng mưa nhiệt đới để tìm các dạng khối hình vuông hay hình tam giác, hoặc, như chúng ta sẽ thấy trong Phần 3, không hơn gì ai đó đang tìm kiếm sự ngẫu nhiên hình chuông trong các hiện tượng kinh tế xã hội.

Bạn chơi tennis mỗi ngày nhưng chẳng có tiến bộ gì, rồi đột nhiên, bạn bắt đầu hạ gục những tay chuyên nghiệp.

Con trai bạn dường như không có khó khăn gì trong việc học, nhưng có vẻ cậu bé không muốn nói chuyện. Hiệu trưởng thúc ép bạn phải cân nhắc “những khả năng khác”, tức các phương pháp trị liệu. Bạn tranh luận với bà ta nhưng không mang lại kết quả gì (có vẻ bà ta là một “chuyên gia”). Rồi đột nhiên, đứa trẻ bắt đầu nói những câu phức tạp, có lẽ hơi quá phức tạp so với tuổi của nó. Tôi xin nhắc lại rằng sự phát triển theo tuyến tính – một ý tưởng thuộc trường phái Plato – không phải là một chuẩn tắc.

Chúng ta thường thiên vị những gì “giật gân” và cực kỳ rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá các vị anh hùng. Hầu như ý thức của chúng ta không còn nhiều khoảng trống dành cho những vị anh hùng nào không tạo ra kết quả hữu hình – hay những người chỉ tập trung vào quy trình chứ không vào kết quả

Tuy nhiên, những người – dĩ nhiên vẫn thuộc xã hội loài người – luôn quả quyết rằng mình đánh giá cao quy trình hơn kết quả đều đang che giấu một phần sự thật. Người ta thường nói theo kiểu nửa đùa nửa thật rằng nhà văn không sáng tác vì danh tiếng, nghệ sĩ sáng tạo vì nghệ thuật, bởi vì “bản thân hoạt động đó chính là phần thưởng dành cho họ rồi”. Đúng vậy, những hoạt động này có thể thường xuyên mang đến cảm giác tự hài lòng. Nhưng điều này không có nghĩa là những người làm nghệ thuật không bao giờ mong muốn được chú ý, hay sẽ không kiếm được tiền nếu được công chúng yêu mến; và cũng không có nghĩa là những người cầm bút sẽ không thức dậy sớm vào sáng thứ Bảy để kiểm tra xem có tên tác phẩm của mình trong mục Giới thiệu sách của tờ New York Times hay không, hoặc sẽ không thường xuyên kiểm tra hòm thư để mong nhận được lá thư phúc đáp của New York Times mà mình trông chờ bấy lâu nay. Thậm chí một nhà triết học có tầm cỡ của trường phái Hume phải ốm liệt giường mấy tuần liền khi tuyệt tác của mình (mà sau này được biết đến như một công trình nghiên cứu về bài toán Thiên Nga Đen) bị một nhà phê bình nông cạn nào đó xem như rác rưởi – dù ông biết rằng người ấy đã sai và chắc hẳn không hiểu hết được những ý tưởng cốt lõi của mình.

Nhưng đau khổ nhất là khi bạn phải chứng kiến một trong số những người đồng đẳng với mình, người mà mình coi thường, đang trên đường đến Stockhom để nhận giải Nobel.

Hầu hết những ai theo đuổi những mục tiêu mà tôi gọi là “trước sau như một” đều dành phần lớn thời gian của mình để chờ đợi một ngày trọng đại mà (thường) sẽ không bao giờ đến.

Đúng vậy, điều này khiến bạn không còn quan tâm đến những chi tiết vụn vặt của cuộc sống nữa – cappuccino quá nóng hay quá nguội, người phục vụ quá chậm chạp hay quá nhiệt tình, thức ăn quá nhiều hay quá ít gia vị, căn phòng khách sạn bị tính giá quá cao và khác xa với hình ảnh quảng cáo về nó – những mối bận tâm như thế sẽ biến mất bởi tâm trí bạn giờ đây đang dành cho những việc trọng đại và tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là một người cách ly khỏi những mưu cầu vật chất sẽ được “miễn nhiễm” trước các nỗi đau khác, như không được tôn trọng chẳng hạn. Những kẻ săn Thiên Nga Đen này thường cảm thấy hổ thẹn hay bị làm cho cảm thấy hổ thẹn vì không đóng góp được gì. Việc người ta nói rằng “Anh đã phụ lòng những người đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào anh” còn làm tăng thêm cảm giác tội lỗi trong họ. Cái giá mà họ phải trả không phải nằm ở khía cạnh tiền bạc mà ở tôn ty xã hội, sự mất phẩm giá, sự bẽ mặt.

Tôi tha thiết hy vọng một ngày nào đó được chứng kiến khoa học và những người có vai trò ra quyết định sẽ khám phá lại những hiểu biết của người xưa, cụ thể là đồng tiền có giá trị cao nhất của chúng ta chính là sự tôn trọng.

Thậm chí xét về mặt kinh tế, những cá nhân đi săn Thiên Nga Đen không phải là người kiếm được nhiều tiền. Nhà nghiên cứu Thomas Astebro đã chứng minh rằng lợi nhuận thu được từ các phát hiện thành công thấp hơn rất nhiều so với những gì bạn nhận được qua hoạt động đầu tư tài chính. Sự mù tịt về khả năng xảy ra của Thiên Nga Đen hay nỗi ám ảnh về Thiên Nga Đen tích cực của riêng mình là yếu tố cần thiết để các chủ doanh nghiệp hoạt động. Nhà đầu tư mạo hiểm là những người có tiền. Kinh tế gia William Baumol cho rằng đây là hành động “hơi điên rồ”. Quả thật, điều này có thể áp dụng trong tất cả các ngành nghề kinh doanh tập trung: khi nhìn vào hồ sơ lưu trữ, bạn sẽ không chỉ thấy các nhà đầu tư mạo hiểm thành công hơn chủ doanh nghiệp, mà còn chứng kiến việc các nhà xuất bản kiếm lợi nhiều hơn nhà văn, nhà buôn làm ăn tốt hơn nghệ sĩ, và khoa học làm tốt hơn các nhà khoa học (gần 50% công trình nghiên cứu khoa học và học thuật tiêu tốn công sức hàng tháng, có khi hàng năm chưa bao giờ được người ta đọc hết). Những người tham gia vào trò chơi may rủi này được trả công bằng một thứ khác xa với thành công về vật chất: đó là hy vọng.

Cho phép tôi được chắt lọc ý chính đằng sau những gì mà các nhà nghiên cứu gọi là niềm hạnh phúc khoái lạc (hedonic happiness).

Việc kiếm được 1 triệu đô-la trong một năm trong khi chẳng có lấy một xu trong suốt chín năm trước đó sẽ không làm bạn vui sướng bằng việc đem tổng số tiền ấy chia đều cho mười năm, tức 100.000 đô-la/năm. Điều này cũng được áp dụng theo chiều ngược lại – năm đầu rất khấm khá nhưng lại chẳng kiếm được xu nào trong chín năm còn lại. Bằng cách nào đó, hệ thống thỏa mãn của bạn nhanh chóng bị bão hòa và không tạo được trạng thái cân bằng cảm xúc. Trên thực tế, niềm hạnh phúc của bạn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng cảm xúc tích cực – những thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “ảnh hưởng tích cực”- hơn so với cường độ của chúng. Hay nói cách khác, tin tốt thì trước hết phải là tin tốt đã, còn tốt như thế nào không quan trọng lắm. Vì thế, để có một cuộc sống vui vẻ, bạn nên duy trì “những ảnh hưởng” nho nhỏ này càng đều đặn càng tốt. Nhiều tin tốt lành đến một cách nhẹ nhàng vẫn tốt hơn một tin cực kỳ tuyệt vời đến bất chợt.

Thật buồn là sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn nếu bạn kiếm được 10 triệu đô-la, nhưng sau đó mất đi đến chín triệu, như thế thì không có xu nào vẫn hơn! Đứng vậy, có thể sau cùng bạn vẫn còn 1 triệu đô-la (so với không còn gì) nhưng tốt hơn hết là không còn xu nào cả. (Dĩ nhiên, giả sử rằng bạn quan tâm đến các phần thưởng tài chính).

Do đó, từ một quan điểm hẹp về kế toán, cái mà tôi gọi là “phép đánh giá về các lựa chọn thay thế khả thi liên quan đến sự hưởng thụ sẽ đạt được và sự đau khổ sẽ bị loại bỏ” (hedonic calculus), nỗ lực cho một chiến thắng huy hoàng sẽ không mang đến cho bạn phần thưởng nào cả. Mẹ Thiên Nhiên đã ban cho chúng ta cơ hội được tìm thấy niềm vui từ một chuỗi phần thưởng nhỏ nhưng thường xuyên và dễ chịu. Như tôi đã nói, phần thưởng không nhất thiết phải lớn, chỉ cần thường xuyên thôi – đây một chút, kia một chút và thế là đủ. Hãy nghĩ xem, hàng nghìn năm nay, thức ăn và nước uống là hai yếu tố quan trọng nhất khiến chúng ta thỏa mãn (dĩ nhiên còn một vài thứ khác riêng tư hơn), và dù luôn cần những thứ ấy nhưng chúng ta cũng nhanh chóng đạt đến trạng thái bão hòa.

Rõ ràng, vấn đề chính là chúng ta đang sống trong một môi trường, nơi mà kết quả không bao giờ xuất hiện một cách ổn định – những hiện tượng Thiên Nga Đen đã chiếm lĩnh gần hết lịch sử loài người. Thật đáng tiếc, chiến lược đúng đắn cho môi trường hiện tại của chúng ta có thể không tạo ra phần thưởng nội tại và phản hồi tích cực.

Khi áp dụng theo hướng ngược lại, đặc điểm ấy cũng đúng với tâm trạng đau khổ của con người. Thà nếm trải mọi đau khổ trong một khoảng thời gian ngắn còn hơn kéo dài dai dẳng tình trạng khó chịu này.

Tuy nhiên, một số người có thể vượt qua sự mất cân xứng giữa hạnh phúc và khổ đau, thoát khỏi sự suy giảm hưởng thụ (hedonic deficit), đặt mình đứng ngoài cuộc chơi – và sống trong hy vọng, vẫn còn tin tốt lành, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Đối với Yevgenia Krasnova, một người có thể yêu mến một cuốn sách, nhiều nhất là một vài cuốn – còn sau đó là một dạng cẩu thả. Những ai nói về sách như nói về một món hàng đều “đeo mặt nạ” cả, cũng giống như những ai thích sưu tập các mối quan hệ có thể rất hời hợt trong quan hệ bạn bè. Cuốn tiểu thuyết mà bạn thích cũng giống như một người bạn. Bạn đọc đi đọc lại và ngày càng thấu hiểu nó hơn. Giống như một người bạn, bạn chấp nhận cuốn sách theo cách nó vốn có và không đưa ra bất kỳ phán xét nào. Nhiều người hỏi Montaigne rằng “vì sao” ông và nhà văn Etienne de la Boétie là bạn của nhau – một dạng câu hỏi người ta thường hỏi trong các buổi tiệc cocktail như thể bạn biết được câu trả lời, hoặc như thể có lời giải cho câu hỏi ấy. Và câu trả lời điển hình của Montaigne là “Bởi chính anh ta và bởi chính tôi”. Tương tự, Yevgenia khẳng định rằng cô thích cuốn sách độc nhất ấy “bởi vì nó là nó còn tôi là tôi”. Có lần, Yevgenia không thèm nhìn mặt giáo viên của mình bởi ông ta đã “mổ xẻ” cuốn sách ấy và do đó, vi phạm nguyên tắc của cô. Chúng ta không thể ngồi yên nghe người khác bình phẩm về bạn bè của mình được. Yevgenia đúng là một học sinh bướng bỉnh.

Cuốn sách mà cô xem như tri kỷ là Il deserto dei tartari của Dino Buzzari, một cuốn sách rất nổi tiếng ở Ý và Pháp thời cô còn bé nhưng thật lạ lùng, không ai trong số những người cô quen ở Mỹ từng nghe nói đến cuốn sách này. Tựa tiếng Anh của cuối sách bị dịch sai thành The Tartar Steppe (Thảo nguyên Tartar) thay vì là The Desert of The Tartars (Sa mạc của người Tartar).

Yevgenia “gặp” Il deserto lần đầu tiên vào năm mười ba tuổi tại ngôi nhà nghỉ mát của bố mẹ mình ở một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Paris hai trăm cây số, nơi mà số lượng sách tiếng Nga và tiếng Pháp cứ tăng lên không ngớt mặc cho gánh nặng cơm áo đang đè nặng lên gia đình đông miệng ăn này. Cô chán ngấy cảnh nông thôn đến mức chẳng buồn đọc. Rồi một trưa nọ, cô bé mở cuốn sách ra và bị hút ngay vào đó.

Giovanni Drogo là một người đầy triển vọng. Anh vừa tốt nghiệp học viện quân sự với hàm thiếu úy, và một cuộc sống năng động mới chỉ bắt đầu. Nhưng “người tính không bằng trời tính”: bốn năm đầu tiên, anh bị phân về một tiền đồn hẻo lánh, pháo đài Bastiani, để bảo vệ tổ quốc trước sự tấn công của người Tartar ở vùng sa mạc biên giới – một công việc không hề mong muốn. Pháo đài nằm cách thị trấn gần nhất vài ngày đi ngựa; xung quanh chẳng có gì ngoài sự hoang sơ – chẳng có không khí ồn ào náo nhiệt mà một người trẻ tuổi như anh đang mong chờ. Drogo nghĩ rằng nhiệm vụ của mình tại tiền đồn này chỉ là tạm thời, và là cách để anh hoàn thành nghĩa vụ trước khi những công việc hấp dẫn hơn xuất hiện. Sau này, khi trở lại thị trấn, với bộ quân phục được ủi thẳng nếp kèm theo vóc dáng chuẩn của một vận động viên, ít có người phụ nữ nào cưỡng lại được sức hút của anh.

Drogo làm gì ở cái “hốc” đó? Anh phát hiện ra một kẽ hở, một cách để được thuyên chuyển trong vòng bốn tháng. Và anh quyết tâm tận dụng nó.

Tuy nhiên, vào thời khắc cuối cùng, Drogo nhìn về sa mạc qua cửa sổ phòng quân y và quyết định tiếp tục ở lại. Có điều gì đó bên trong bức tường của pháo đài và khung cảnh tĩnh mịch nơi đây đã níu chân anh. Sự quyến rũ của pháo dài và sự đón chờ những kẻ tấn công, một trận đánh lớn chống người Tartar hung tợn dần dần trở thành lẽ sống của anh. Cả pháo đài đều mang không khí phòng thủ. Những người lính nhìn về phía chân trời và đón chờ một cuộc tấn công của kẻ thù. Cũng có lúc vì quá tập trung mà họ nhầm lẫn một con thú đi lạc xuất hiện ở rìa xa mạc là kẻ thù.

Rõ ràng, Drogo tiếp tục dành phần đời còn lại của mình cho cuộc sống nơi đây mà bỏ lỡ kế hoạch khởi đầu một cuộc sống mới nơi thành thị – ba mươi lăm năm nuôi hy vọng, ngần ấy thời gian bị giam cầm trong ý nghĩ rằng một ngày nào đó, từ những ngọn đồi xa xôi chưa ai từng vượt qua ngoài kia, những kẻ tấn công cũng sẽ xuất hiện và giúp anh ta thăng tiến.

Ở phần cuối truyện, chúng ta thấy Drogo hấp hối trong một căn nhà trọ ven đường, còn sự kiện mà anh trông đợi cả đời lại đang diễn ra. Anh đã bỏ lỡ mất cơ hội đó.

Yevgenia đã đọc Il deserto rất nhiều lần, thậm chí còn học cả tiếng Ý (và lấy chồng Ý nữa), vì thế, còn đọc được cả nguyên tác của nó. Tuy nhiên, cô không bao giờ đủ can đảm để đọc lại đoạn kết thương tâm ấy.

Tôi đã trình bày về Thiên Nga Đen như một yếu tố ngoại lai, một biến cố quan trọng mà người ta không nghĩ rằng nó có thể xảy ra. Tuy nhiên, hãy cân nhắc trường hợp ngược lại: một sự kiện bất ngờ mà bạn vô cùng muốn nó xảy ra. Drogo bị ám ảnh và mù quáng trước một biến cố không chắc sẽ xảy ra; và sự xuất hiện hiếm hoi đó lại là lẽ sống của anh. Ở tuổi mười ba, khi tiếp xúc với cuốn sách này, cô bé Yevgenia biết rằng mình sẽ dành cả cuộc đời để tái hiện hình ảnh của Giovanni Drogo trong căn phòng chờ hy vọng, trông đợi một sự kiện trọng đại nào đó, hy sinh cho nó và từ chối những bước đi trước mắt, những phần thưởng an ủi.

Cô không quan tâm đến cái bẫy ngọt ngào của hy vọng: với cô, nó đáng để theo đuổi suốt đời; đáng để sống một cuộc sống đơn giản với một mục đích giản đơn. Quả thực, “hãy thận trọng với ước muốn của mình”: có lẽ khoảng thời gian trước khi có được thành công từ biến cố Thiên Nga Đen là thời điểm cô hạnh phúc hơn cả.

Một trong những thuộc tính của Thiên Nga Đen chính là sự bất cân xứng của hậu quả – dù tích cực hay tiêu cực. Đối với Drogo, hậu quả chính là ba mươi lăm năm chờ đợi trong căn phòng chờ hy vọng chỉ để có được vài giờ ngẫu nhiên sống trong vinh quang – nhưng rốt cuộc lại bỏ lỡ mất điều đó.

Lưu ý rằng trong các mối quan hệ xã hội của mình, Drogo không có người em vợ nào cả. Anh ta may mắn có nhiều tri kỷ cùng chung sứ mệnh như mình. Anh là thành viên của một cộng đồng ở cửa ngõ sa mạc cùng nhau hướng về phía chân trời. Drogo có lợi thế là sự kết giao với đồng đội và tránh xa các mối quan hệ với những người bên ngoài. Chúng ta là những động vật có tính cục bộ, chỉ quan tâm đến các vùng lân cận và mặc cho những người ở nơi xa xôi nào đấy xem chúng ta là một lũ ngốc. Những người thông thái kia thật quá trừu tượng và xa xôi và chúng ta không thèm để ý đến họ bởi sẽ không phải giao tiếp bằng ánh mắt hay tình cờ gặp nhau trong thang máy. Đôi khi, sự hời hợt cũng trở nên hữu ích.

Có vẻ tầm thường khi nói rằng chúng ta cần nhiều thứ ở người khác, nhưng thực ra chúng ta cần ở họ nhiều hơn ta tưởng, đặc biệt là phẩm cách và sự tôn trọng. Quả thật, lịch sử đã chứng minh ít có ai đạt được những thành tựu phi thường mà không có sự công nhận của bạn bè, đồng nghiệp – nhưng chúng ta lại có thể tự do chọn lựa bạn bè đồng lứa. Nếu nhìn lại các tư tưởng trước đây, chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường phái tư tưởng thỉnh thoảng cũng hình thành, sản sinh ra các tác phẩm khác thường và ít được các trường phái khác biết đến. Bạn sẽ nghe nói về những người theo trường phái Stoics, trường phái hoài nghi học thuật, trường phái Cynics, trường phái hoài nghi Pyrrhon, trường phái Essene, trường phái siêu thực, trường phái Dadaist, chủ nghĩa vô chính phủ, trào lưu Hippie, trào lưu chính thống. Trường phái nào cũng cho phép những người có ý tưởng khác thường nhưng ít có khả năng thành công tìm kiếm bạn đồng hành và tạo ra một thế giới thu nhỏ tách khỏi những người khác. Tất cả thành viên trong nhóm đó có thể đồng loạt bị khai trừ – như thế vẫn tốt hơn bị khai trừ một mình.

Nếu tham gia vào một hoạt động phụ thuộc vào Thiên Nga Đen, tốt hơn hết bạn nên là thành viên của một nhóm.

Yevgenia gặp Nero Tulip tại sảnh khách sạn Danieli ở Venice. Anh ta là một tay buôn chứng khoán thường xuyên bay đi bay về giữa Luân Đôn và New York. Thời đó, khi thị trường vào mùa thấp điểm, các nhà đầu tư chứng khoán Luân Đôn thường đến Venice mỗi trưa thứ Sáu chỉ để trò chuyện cùng các nhà đầu tư khác (cũng đến từ Luân Đôn).

Khi nhanh chóng bị hút vào câu chuyện của Nero, Yevgenia nhận thấy chồng mình đang nhìn hai người một cách khó chịu từ quầy bar nơi anh ta đang ngồi, cố gắng tập trung lắng nghe những lời nhận định mang tính giáo điều từ một trong những người bạn thời niên thiếu của mình. Yevgenia nhận ra rằng cô sắp sửa hiểu thêm một chút về Nero.

Họ gặp lại nhau tại New York, đầu tiên còn bí mật. Chồng cô, một giáo sư triết học, vốn có nhiều thời gian nên bắt đầu theo dõi thời gian biểu của cô và theo sát cô như hình với bóng. Anh ta càng theo sát chừng nào thì Yevgenia càng cảm thấy ngột ngạt chừng đó và điều này lại càng khiến anh ta bám chặt hơn nữa. Cô “đá” anh chồng, gọi cho luật sư của mình, người mà lúc đó đang mong tin từ cô, và qua lại với Nero công khai hơn.

Nero đi đứng khó nhọc vì mới hồi phục sau vụ tại nạn trực thăng – anh ta trở nên có phần quá ngạo mạn sau nhiều thành công và bắt đầu thách thức những nguy hiểm liên quan đến cơ thể mà không suy tính, mặc dù vậy, về khía cạnh tài chính, anh ta vẫn siêu thận trọng và thậm chí có phần hoang tưởng. Anh ta phải mất nhiều tháng nằm bất động trong một bệnh viện ở Luân Đôn, gần như không thể đọc hay viết, cố gắng làm gì đó để không phải xem tivi, chọc ghẹo y tá và chờ cho xương của mình lành lại. Anh ta có thể dùng trí nhớ để vẽ lại cái trần nhà với đủ 14 vết nứt trên đó cũng như tòa nhà màu trắng cũ kỹ bên kia đường với 63 khung cửa sổ đều đang trong trạng thái cần được lau chùi kỹ lưỡng.

Khi hai người ngồi uống nước, Nero khẳng định rằng anh ta có thể sử dụng tiếng Ý thông thạo nên Yevgenia đưa anh ta xem cuốn Il deserto. Nero không đọc tiểu thuyết – anh ta từng tuyên bố “Viết tiểu thuyết thú vị hơn đọc”. Vì vậy, cuốn tiểu thuyết vẫn nằm ở góc giường của anh.

Trong một chừng mực nào đó, Nero và Yevgenia hệt như ngày và đêm. Yevgenia thức cả đêm làm việc với bản thảo và đi ngủ lúc bình minh. Còn Nero, giống như nhiều nhà đầu tư khác, thức dậy vào sớm tinh mơ, thậm chí cả cuối tuần, sau đó, dành một giờ đồng hồ cho tác phẩm của mình, Treatise on Probability (Chuyên luận về Xác suất), và không bao giờ đụng đến nó nữa. Anh đã viết cuốn chuyên luận đó được một thập niên và đủ cảm thấy áp lực phải hoàn thành khi sự sống của mình bị đe dọa. Yevgenia hút thuốc còn Nero rất chăm lo cho sức khỏe của mình, anh ta dành ít nhất một giờ mỗi ngày để tập thể dục hoặc bơi lội. Yevgenia thường kết bạn với giới trí thức và những người theo phong cách Bohem – người có phong cách phóng túng, không chịu theo khuôn phép xã hội; Nero lại thích trò chuyện với những nhà đầu tư lọc lõi và những doanh nhân chưa bao giờ trải qua trường lớp và nói chuyện với chất giọng Brooklyn đầy vẻ nghiêm trọng hão. Yevgenia không thể nào hiểu được vì sao một người cổ điển và biết nhiều thứ tiếng như Nero lại có thể giao du với những loại người như thế. Tệ hơn, cô công khai bày tỏ sự khinh bỉ đối với tiền bạc, nếu không thì cũng ẩn giấu nó trong lớp vỏ bề ngoài trí thức và văn hóa, và đồng thời cũng không thể chịu nổi những gã Brooklyn với ngón tay đầy lông và tài khoản kếch xù trong ngân hàng. Những người bạn hậu-Brooklyn sau này của Nero đều lần lượt nhận xét rằng cô ta rất kiêu kỳ. (Một trong những hiệu ứng của sự thịnh vượng là tình trạng di cư liên tục của những người lọc lõi đường phố từ Brooklyn đến Staten Island và New Jersey).

Nero còn là một thiên tài, đến mức không thể tin được, nhưng theo một cách khác. Anh ta chia mọi người làm hai loại: loại có thể kết nối các điểm, bất kể có được sinh ra ở Brooklyn hay không, và loại không thể kết nối các điểm, bất kể trình độ học vấn hay vốn hiểu biết.

Vài tháng, sau khi chia tay Yevgenia (với một sự nhẹ nhõm khác thường), anh ta mở cuốn Il deserto ra và bị hút ngay vào đó. Yevegenia đã đoán trước rằng, cũng giống như cô, Nero sẽ đồng cảm với Giovanni Drogo, nhân vật chính trong Il deserto. Và quả thật đúng như vậy.

Đến lượt Nero, anh ta mua hàng tá vali bản dịch tiếng Anh (khá dở) của cuốn sách này và tặng nó cho bất kỳ ai chào hỏi anh một cách lịch sự, kể cả người gác cổng đến từ New York, người mà hiếm khi nói được một câu tiếng Anh chứ đừng nói đến chuyện đọc sách. Nero giải thích về cuốn sách nhiệt tình đến mức anh chàng gác cổng cũng cảm thấy thích thú với nó và Nero phải mua tặng anh ta một bản dịch tiếng Tây Ban Nha, Il desierto de los tártaros.

Chúng ta hãy chia thế giới làm hai nhóm. Nhóm những người giống như con gà tây, rơi vào một biến cố lớn mà không hề nhận ra, và nhóm những người ngược lại, luôn chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại nằm ngoài dự tính của người khác. Đôi khi trong cuộc sống, bạn đánh cược những đồng đô-la chỉ để thu về một mớ tiền xu nhưng lại lầm tưởng là mình đang chiến thắng. Cũng có lúc bạn mạo hiểm một số đồng xu để đổi lấy những đồng đô-la. Hay nói cách khác, bạn đang cược rằng Thiên Nga Đen hoặc sẽ xảy ra hoặc sẽ không bao giờ xảy ra, đó là hai chiến lược đòi hỏi phải có hai hệ tư tưởng hoàn toàn khác nhau.

Rõ ràng, (con người) chúng ta đặc biệt ưu tiên cho việc tạo ra một phần thu nhập vào một thời điểm nhất định. Hãy lật lại Chương 4, đoạn nói về sự phá sản của các ngân hàng lớn ở Mỹ vào mùa hè năm 1982.

Do đó, một số vấn đề thuộc về Extremistan là đặc biệt nguy hiểm nhưng không có vẻ gì là nguy hiểm trước đó bởi chúng ẩn nấp và trì hoãn các mức độ rủi ro của mình – do đó, những kẻ ngốc sẽ nghĩ rằng mình “an toàn”. Thật vậy, về ngắn hạn, Extremistan có thuộc tính là trông có vẻ ít rủi ro hơn bản chất thực sự của nó.

Nero gọi những công ty lâm vào các biến cố lớn như thế là không đáng tin cậy, nhất là kể từ khi anh ta không còn tin vào bất kỳ phương pháp nào được sử dụng để tính toán khả năng của một biến cố lớn. Hãy lật lại Chương 4 rằng, kỳ hạn kế toán dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty là quá ngắn nên không thể biết liệu công ty có hoàn thành tốt công việc hay không. Bên cạnh đó, do tính chất nông cạn của trực giác, chúng ta tiến hành đánh giá rủi ro một cách quá chóng vánh.

Tôi sẽ trình bày ý tưởng của Nero ngay sau đây. Tiền đề của anh ta chính là quan điểm rất đỗi bình thường: có một số hoạt động kinh doanh mạo hiểm, mà theo đó người ta ít khi thắng lớn nhưng lại hay thua nhỏ, là thứ đáng tham gia nếu người khác đều là những kẻ ngốc nghếch và nếu bạn có thể lực và trí lực ổn định. Tuy nhiên, không chỉ nếu mà bạn cần phải có khả năng chịu đựng này. Bạn cũng cần đối mặt với những người xung quanh vốn sẵn sàng làm đủ mọi cách để lăng mạ bạn, và đa số họ chọn cách công khai. Người ta thường nhất trí rằng một chiến lược tài chính ít có khả năng thành công không hẳn là một chiến lược tồi miễn là thành công đó đủ lớn để bù đắp. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do về mặt tâm lý, con người luôn gặp khó khăn khi thực hiện những chiến lược như thế bởi đơn giản nó đòi hỏi sự kết hợp của niềm tin, khả năng chịu đựng khi phần lợi ích do khen thưởng bị trì hoãn và sẵn sàng đối mặt tranh luận với khách hàng. Và những ai làm hao hụt tiền của vì bất kỳ lý do gì đều bị đối xử như một chú chó phạm tội, hứng chịu sự khinh rẻ từ những người xung quanh.

Không giống như bản chất của một biến cố lớn tiềm năng ngụy trang dưới lớp vỏ kỹ năng, Nero tham gia vào một chiến lược mà anh ta gọi là “mất máu”. Bạn thua lỗ đều đặn ngày qua ngày trong một thời gian dài, trừ khi có biến cố nào đó xảy ra khiến bạn được tưởng thưởng cao một cách bất ngờ. Không một sự kiện riêng lẻ nào có thể khiến bạn nổ tan tành mà trái lại, thế giới này có nhiều thay đổi có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ đủ để bù đắp những phần “xương máu” đã bỏ ra trong nhiều năm liền, có khi nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.

Trong tất cả những người Nero biết thì chính bản thân anh ta là người ít phù hợp nhất với chiến lược này. Não bộ và cơ thể của Nero có sự bất đồng nghiêm trọng đến nỗi anh ta cảm thấy mình luôn trong trạng thái xung đột không dứt. Khó khăn của anh ta chính là cơ thể, nơi tích tụ sự mệt mỏi về thể xác do ảnh hưởng (về mặt sinh học thần kinh) của những khoản thua lỗ nhỏ triền miên, giống như hình thức tra tấn bằng cách nhỏ nước trên trán ở Trung Quốc thời xưa. Nero khám phá ra rằng những khoản thua lỗ đi vào vùng não cảm xúc của mình, xuyên qua các cấu trúc vỏ não cao hơn, dần dần tác động đến vùng mã ngư trong não và làm giảm trí nhớ. Vùng mã ngư được xem là nơi kiểm soát trí nhớ của con người. Nó là phần đàn hồi nhất của bộ não, và cũng là bộ phận chịu đựng tất cả những thương tổn do những chấn thương thường xuyên, chẳng hạn như chứng căng thẳng kinh niên hình thành từ những cảm giác tiêu cực mà chúng ta trải qua mỗi ngày – trái ngược với trạng thái “căng thẳng tích cực” của việc một con hổ bất ngờ xuất hiện trong phòng của bạn. Bạn có thể hợp lý hóa tất cả những gì mình muốn; bộ phận mã ngư rất nhạy cảm trước tổn thương như căng thẳng kinh niên, từ đó bị suy yếu và không gì có thể phục hổi được. Trái với những gì mọi người vẫn nghĩ, những tác nhân gây căng thẳng nhỏ bé và tưởng chừng như vô hại này không khiến bạn mạnh hơn, mà thực chất đang cắt bỏ một bộ phận của chính cơ thể bạn.

Chính mức độ tiếp cận quá nhiều thông tin đã hủy hoại cuộc sống của Nero. Anh ta có thể chịu đựng được nỗi đau nếu như chỉ thấy những con số báo cáo về tình hình đầu tư mỗi tuần một lần thay vì hàng tá thông tin được cập nhật mỗi phút. Khía cạnh cảm xúc của anh ta cũng tốt hơn khi làm việc với danh mục đầu tư của chính mình so với khi quản lý danh mục của khách hàng bởi anh ta không phải giám sát nó liên tục.

Nếu hệ thống sinh học thần kinh của anh ta là nạn nhân của thiên kiến chứng thực, phản ứng trước những cái ngắn hạn và rõ ràng, anh ta có thể đánh lừa bộ não của mình để thoát khỏi tác động tiêu cực của lỗi lôgic ấy bằng cách chỉ tập trung vào món lợi trong tương lai xa hơn. Anh ta từ chối xem bất kỳ bảng số liệu phân tích nào ngắn hơn 10 năm. Về mặt kiến thức, Nero đã thật sự trưởng thành qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1987, đó là dịp anh ta kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ số vốn đầu tư ít ỏi mà mình quản lý. Nhưng nhìn chung, một mình sự kiện này không thể nào đánh bóng bảng thành tích cá nhân của anh ta được. Sau gần hai mươi năm buôn chứng khoán, Nero chỉ có bốn năm ăn nên làm ra. Đối với anh ta, như thế đã là quá đủ. Tất cả những gì anh cần là một năm thành công trong một thế kỷ.

Các nhà đầu tư không phải là vấn đề khiến Nero bận tâm – họ cần đến khả năng giao dịch của anh ta như một sự đảm bảo và trả thù lao cho anh ta rất hậu. Anh ta chỉ cần nhẹ nhàng thể hiện thái độ khinh miệt khi muốn từ chối một khách hàng nào, về phần mình, việc này không lấy gì làm khó khăn cả. Hành động này là thiếu suy xét: Nero không quan tâm nhiều đến cảm giác của họ và cứ thoải mái biểu lộ ngôn ngữ cơ thể của mình, những cử chỉ lịch thiệp vốn bị xem là quá lỗi thời. Sau một chuỗi thua lỗ triền miên, Nero vẫn chắc chắn rằng họ không cho rằng anh ta có lỗi – đúng vậy, thật ngược đời, họ còn tỏ ra thông cảm với anh ta nữa. Người ta sẽ tin bất kỳ những gì bạn nói miễn là bạn đừng để cho họ thấy mình thiếu tự tin; cũng giống như động vật, họ có thể phát hiện ra vết “rạn nứt” nhỏ nhất trong sự tự tin của bạn trước khi bạn kịp bộc lộ nó. Bí quyết ở đây chính là hãy cư xử càng mềm mỏng càng tốt. Điều này dễ thực hiện hơn rất nhiều so với việc thể hiện sự tự tin bằng cách tỏ ra quá lịch sự hay thân thiện; bạn có thể kiểm soát người khác mà không xúc phạm đến sự nhạy cảm của họ. Nero nhận ra rằng, trong kinh doanh, nếu hành động như một kẻ thua cuộc thì bạn sẽ bị đối xử như một kẻ bại trận – bạn là người đặt ra tiêu chuẩn cho chính mình. Không có một biện pháp đánh giá tốt xấu nào là tuyệt đối cả. Điều quan trọng không phải là nội dung mà là cách bạn thể hiện nội dung đó với người khác.

Tuy nhiên, bạn cũng cần tự chủ và duy trì sự trầm tĩnh của “một nhà vô địch Olympic” trước mặt người khác.

Khi còn đảm nhiệm vai trò giao dịch chứng khoán cho một ngân hàng đầu tư, Nero phải tuân theo một mẫu đánh giá nhân viên điển hình. Mẫu đánh giá này được cho là công cụ theo dõi “thành tích hoạt động”, để kiểm soát những nhân viên lười nhác. Nero cảm thấy việc làm đó thật ngớ ngẩn bởi nó chẳng giúp ích gì nhiều mà thậm chí còn khuyến khích anh đánh lừa hệ thống bằng cách chỉ tập trung vào những khoản lợi nhuận ngắn hạn nhưng có nguy cơ sụp đổ tiềm ẩn – giống như những ngân hàng cung cấp các khoản vay ngu xuẩn tiềm ẩn khả năng vỡ nợ, bởi vì nhân viên quản lý bộ phận cho vay đang phấn đấu cho đợt bình xét hàng quý sắp tới. Vì vậy, khi khởi nghiệp chưa được bao lâu, một ngày nọ, Nero điềm tĩnh ngồi nghe “giám sát” của mình đánh giá. Khi nhận được mẫu đánh giá đó, Nero đã xé nó thành từng mảnh trước mặt người giám sát. Anh ta làm việc này một cách chậm rãi, càng làm nổi bật sự đối lập giữa bản chất của hành động và sự điềm tĩnh khi xé vụn tờ giấy. Cấp trên nhìn anh ta đầy hoảng sợ với con người như thể muốn bật ra ngoài. Nero vẫn tập trung vào hành động từ tốn ấy, lòng cảm thấy hoan hỉ bởi đã đứng lên vì niềm tin của mình và vì tính mỹ học của hành động mình đang thực hiện. Sự kết hợp giữa tính tao nhã và phẩm cách sẽ khiến bạn cảm thấy rất hồ hởi. Nero biết rằng sau chuyện này, hoặc là anh ta sẽ bị sa thải, hoặc người ta sẽ để yên. Và đúng là chẳng ai động đến anh ta nữa.

Chọn tập
Bình luận