Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Nga Đen

Chương 11: Cách Tìm Kiếm Phân Chim

Tác giả: Nassim Nicholas Taleb
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

DỰ ĐOÁN CỦA POPPER VỀ CÁC NHÀ DỰ ĐOÁN ■ POINCARÉ VỚI QUẢ BÓNG BI-A ■ VON HAYEK ĐƯỢC PHÉP BẤT KÍNH ■ CÁC CỖ MÁY DỰ ĐOÁN ■ PAUL SAMUELSON MUỐN BẠN PHẢI CÓ LÝ TRÍ ■ HÃY THẬN TRỌNG VỚI NHÀ TÂM LÝ HỌC ■ ĐÒI HỎI VÀI ĐIỀU ỔN ĐỊNH

Chúng ta đã thấy được rằng a) chúng ta có xu hướng vừa “đi bằng đường hầm” vừa suy nghĩ “kỹ lưỡng” (sự kiêu ngạo trí thức), và b) thành tích dự đoán của chúng ta được đánh giá quá cao – nhiều người cho rằng mình có thể dự đoán nhưng thực ra đều không thể.

Giờ đây, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn các giới hạn về cấu trúc không được báo trước trong khả năng dự đoán của mình. Những giới hạn này có thể phát sinh không phải từ chúng ta mà từ chính bản chất của hoạt động đó – quá phức tạp, không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với các công cụ mà chúng ta có hoặc có thể nhận được. Một số Thiên Nga Đen vẫn khó nắm bắt, đủ để giết chết các dự đoán của chúng ta.

Mùa hè năm 1998, tôi làm việc tại một học viện tài chính châu Âu. Viện này muốn tạo cho mình sự khác biệt bằng cách thể hiện khả năng biết nhìn xa trông rộng. Bộ phận giao dịch có năm nhà quản lý, tất cả đều nghiêm nghị (luôn mặc complê màu xanh đậm, thậm chí vào những ngày thứ Sáu khi có thể ăn mặc giản dị) – những người phải nỗ lực trong suốt mùa hè đó để “đưa ra các kế hoạch năm năm”. Đây được xem là một tài liệu quan trọng – một cẩm nang sử dụng cho toàn doanh nghiệp. Một kế hoạch năm năm? Đối với một người rất hoài nghi về nhà hoạch định trung tâm, khái niệm đó nghe thật nực cười; mức tăng trưởng của hãng này mang tính tự nhiên và không thể dự đoán được, từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống. Ai cũng biết rằng bộ phân sinh lợi nhiều nhất của hãng chính là sản phẩm mà một khách hàng nào đó tình cờ gọi điện yêu cầu một dịch vụ tài chính cụ thể nhưng kỳ lạ. Hãng này bỗng nhận ra rằng họ có thể thành lập một bộ phận chuyên xử lý những giao dịch này vì chúng là những giao dịch có lãi, và điều đó nhanh chóng chi phối các hoạt động của họ.

Các nhà quản lý đi lại khắp nơi trên thế giới để gặp mặt nhau: Barcelona, Hồng Kông, v.v và trải qua nhiều dặm đường để nói toàn những chuyện tầm phào. Không cần phải nói, họ luôn trong trạng thái thiếu ngủ. Việc trở thành một nhà điều hành không đòi hỏi bạn phải có thùy trán phát triển, thay vào đó là sự kết hợp của khả năng tạo dựng lòng tin, khả năng chịu đựng sự buồn tẻ, và khả năng thực hiện các lịch biểu đầy phiền toái một cách hời hợt. Ngoài những nhiệm vụ này ra còn có “nhiệm vụ” tham dự các buổi biểu diễn nhạc kịch.

Các nhà quản lý ngồi lại với nhau trong suốt các cuộc họp để cùng tìm hiểu và giải quyết vấn đề, dĩ nhiên là về tương lai trung hạn – họ muốn có “tầm nhìn”. Nhưng rồi một sự kiện xảy ra không nằm trong kế hoạch năm năm trước đó: Thiên Nga Đen của cuộc khủng hoàng tài chính năm 1998 tại Nga kéo theo sự sụp đổ giá trị của các thị trường nợ châu Mỹ La tinh. Nó có ảnh hưởng đến mức, mặc dù hãng này đã kiên quyết giữ lại các nhà quản lý này, nhưng không ai trong số họ còn làm việc ở đó một tháng sau khi đưa ra bản phác thảo về kế hoạch năm năm vào năm 1998. Tuy nhiên, tôi tin rằng hiện nay, những người đang thay thế vị trí của năm vị quán lý kia vẫn đang gặp nhau để đưa ra “kế hoạch năm năm” tiếp theo. Chúng ta chẳng thể nào biết được.

Như chúng ta đã thấy ở chương trước, khám phá về sự kiêu ngạo trí thức của con người được cho là cẩu thả. Nhưng nhiều khám phá khác cũng rơi vào trường hợp như thế. Nhiều hơn mức chúng ta hình dung.

Mô hình khám phá cổ điển như sau: bạn tìm kiếm những điều mình biết (ví dụ con đường mới để đến Ấn Độ) và tìm thấy thứ mà mình không biết đã có ở đó (châu Mỹ).

Nếu cho rằng những phát minh mà chúng ta nhìn thấy quanh mình đến từ một người ngồi trong phòng ngủ và dựng lên chúng theo một thời gian biểu, thế thì bạn nên nghĩ lại: hầu hết mọi thứ hiện nay đều là sản phẩm của khả năng cầu may. Cụm từ khả năng cầu may được tạo ra trong một lá thư của nhà văn Hugh Walpole – người đã trích ra từ câu chuyện thần thoại có tên “Ba vị hoàng tử của Serendip”. Do tình cờ hoặc nhờ vào tài trí của mình, các vị hoàng tử này “luôn khám phá ra những điều mới mẻ, những thứ mà họ không tìm kiếm”.

Nói cách khác, bạn tìm thấy những thứ mà mình không tìm kiếm và nó làm thay đổi thế giới, trong khi tự hỏi vì sao “phải mất quá lâu” để đạt đến những thứ rõ ràng đến vậy. Chẳng có nhà báo nào có mặt khi người ta phát minh ra bánh xe, nhưng tôi sẵn sàng cá rằng người ta không bắt tay vào dự án phát minh ra bánh xe (động cơ tăng trưởng chính) và rồi hoàn thành nó theo một thời gian biểu. Tình huống này có thể áp dụng với hầu hết các phát minh.

Ngài Frands Bacon nhận xét rằng các tiến bộ quan trọng nhất là những thứ ít có thể dự đoán nhất là – “những thứ nằm ngoài tưởng tượng”. Bacon không phải là nhà trí thức cuối cùng chỉ ra điều này. Ý tưởng đó luôn xuất hiện, nhưng rồi nhanh chóng mất đi. Cách đây gần nửa thế kỷ, tiểu thuyết gia hàng đầu Arthur Koestler đã viết hẳn một cuốn sách về điều này, đúng với tên gọi của nó Những kẻ mộng du (The Sleepwalkers). Cuốn sách mô tả những người khám phá như những kẻ mộng du tình cờ “va vào” các kết quả nhưng không nhận thức được thứ mình đang có trong tay. Chúng ta cho rằng những khám phá của Copernicus về các chuyển động của hành tinh có ý nghĩa rõ ràng đối với ông và những người sống cùng thời ông; nhưng phải đến 75 năm sau khi ông mất, các cơ quan chính quyền mới bắt đầu cảm thấy bị xúc phạm. Tương tự, chúng ta cho rằng Galileo là nạn nhân nhân danh khoa học; thực ra, nhà thờ không đánh giá quá nghiêm trọng về ông ta. Thay vào đó, có vẻ như Galileo đã tự mình gây ầm ĩ do chọc giận một vài vị đứng đầu nhà thờ. Vào cuối năm khi mà Darwin và Wallace đưa ra bằng chứng về thuyết tiến hóa tự nhiên làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới, chủ tịch hội Linnean – nơi các bằng chứng đó được trình bày – đã tuyên bố rằng hội “không có phát minh ấn tượng nào”, không có gì đặc biệt có thể cách mạng hóa khoa học.

Chúng ta không nhớ về khả năng không thể dự đoán khi đến lượt mình dự đoán. Đây chính là lý do vì sao mọi người có thể đọc được chương này và các bản mô tả tương tự, hoàn toàn đồng ý với chúng, nhưng lại không chú ý đối các lý lẽ của mình khi nghĩ về tương lai.

Hãy xem ví dụ đầy kịch tích này về một khám phá cẩu thả. Khi đang dọn dẹp phòng thí nghiệm, Alexander Fleming phát hiện thấy nấm mốc penicillium đã làm nhiễm khuẩn một trong các dụng cụ thí nghiệm của mình. Do đó, ông đã tình cờ phát hiện ra các thuộc tính chống nhiễm khuẩn của penicillin – lý do mà nhiều người trong chúng ta còn sống đến ngày nay (bao gồm cả tôi, như tôi đã nói ở Chương 8, sốt thương hàn thường rất nguy hiểm nếu không được chữa trị). Đúng vậy, Fleming chỉ muốn tìm kiếm “thứ gì đó”, còn phát minh thật sự lại hoàn toàn nhờ may mắn. Hơn nữa, dù nhận thức muộn màng rằng khám phá đó rất có ý nghĩa, nhưng phải mất một thời gian rất dài, các cán bộ y tế mới nhận ra được tầm quan trọng của những thứ họ có trong tay. Ngay cả Fleming cũng mất niềm tin vào ý tưởng đó trước khi nó được tái sinh.

Năm 1965, hai nhà thiên văn vô tuyến thuộc phòng thí nghiệm Bell Labs ở New Jersey, nơi đang dựng một trụ anten lớn, đã rất bực mình vì những tiếng rít và tiếng ồn xung quanh như tình trạng bị nhiễu điện mà bạn nghe thấy khi nhận tín hiệu sóng xấu. Tiếng ồn đó không thể loại bỏ được – ngay cả sau khi dọn sạch phân chim ra khỏi chảo, vì họ tin rằng tiếng ồn do phân chim gây ra. Phải mất một thời gian họ mới nhận ra rằng những thứ họ đang nghe được là dấu hiệu cho thấy sự ra đời của vũ trụ, bức xạ sóng ngắn nền vũ trụ. Phát hiện này đã làm sống lại lý thuyết Big Bang (vụ nổ lớn) – một ý tưởng mờ nhạt được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu trước đó. Tôi đã tìm thấy những lời nhận xét dưới đây về trang web của phòng thí nghiệm Bell Labs nói về cách mà “khám phá” này trở thành một trong những tiến bộ vĩ đại nhất của thế kỷ:

Dan Stanzione, sau này là chủ tịch của Bell Labs kiêm giám đốc điều hành của công ty công nghệ Lucent khi Penzias [một trong những nhà thiên văn vô tuyến tham gia vào phát minh đó] về hưu, đã nói rằng Penzias là “hiện thân cho tính sáng tạo và trình độ kỹ thuật vượt trội mang dấu ẩn riêng của Bell Labs”. Ông gọi Penzias là biểu tượng của thời kỳ Phục hưng – người đã “mở rộng sự hiểu biết ít ỏi của chúng ta về sự sáng tạo, và mở rộng giới hạn của khoa học ở nhiều lĩnh vực quan trọng”.

Phục hưng hay “phụt” hưng! Hai người này đang tìm kiếm phân chim! Họ không chỉ không tìm kiếm những gì xa xôi giống như bằng chứng về vụ nổ lớn đó, mà như thường xảy ra ở những trường hợp này, họ không nhìn thấy ngay được tầm quan trọng trong phát hiện của mình. Thật đáng buồn, nhà vật lý học Ralph Alpher – người đã cùng với hai nhà vật lý hạt nhân George Gamow và Hans Bethe đầu tiên đưa ra ý tưởng này trên một tờ báo – đã bất ngờ khi đọc về khám phá này trên tờ New York Times. Thực ra, trên những tờ báo mờ nhạt định vị sự ra đời của vũ trụ đó, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn liệu có thể đo được sự bức xạ đó không. Điều thường xảy ra trong các khám phá đó là những người tìm kiếm bằng chứng thì lại không tìm thấy, còn những kẻ không tìm kiếm lại tìm thấy nó và được tung hô như những nhà khám phá.

Chúng ta có một nghịch lý. Không chỉ có các nhà dự đoán thường thất bại thảm hại trong việc dự đoán những thay đổi mạnh mẽ được tạo ra bởi những khám phá không thể dự đoán, mà hóa ra, ngay cả những thay đổi tăng thêm cũng diễn ra chậm hơn so với mong đợi của các nhà dự đoán. Khi một công nghệ mới xuất hiện, chúng ta hoặc là hết sức coi thường nó hoặc là vô cùng đề cao tầm quan trọng của nó. Thomas Watson, nhà sáng lập IBM, có lần đã dự đoán rằng con người rồi sẽ chẳng cần nhiều đến máy tính.

Đối với các học giả uyên bác của “cuộc cách mạng công nghệ số”, sẽ thật điên rồi khi cho rằng có thể bạn đang đọc những dòng này không phải trên màn hình máy tính, mà trên những trang giấy của thiết bị lỗi thời đó – cuốn sách. Rằng bạn đang đọc chúng bằng thứ ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Swahili cổ xưa, lộn xộn và không nhất quán thay vì tiếng Expêrantô, coi thường những dự đoán cách đây nửa thế kỷ cho rằng thế giới sẽ sớm giao tiếp với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung hợp lý, rõ ràng và được thiết kế theo chủ nghĩa Plato. Tương tự như thế, chúng ta sẽ không trải qua nhiều tuần trên các trạm không gian như đã được dự đoán ba thập kỷ trước. Trong một ví dụ về sự kiêu ngạo tập thể, sau lần đầu tiên đáp xuống mặt trăng, Pan Am – hãng hàng không hiện không còn tồn tại – đã nhận đặt chỗ trước cho các chuyến du hành giữa trái đất và mặt trăng. Thật là một dự đoán thú vị, ngoại trừ một điều là công ty đó không dự đoán được rằng, không lâu sau đó, nó không còn hoạt động nữa.

Các kỹ sư có xu hướng phát triển các công cụ vì niềm vui được làm việc, chứ không phải để khiến thiên nhiên tiết lộ những bí mật của nó. Nó tình cờ đến mức một vài trong số những công cụ này mang đến cho chúng ta thêm nhiều kiến thức; bởi hiệu ứng thầm lặng của nó, chúng ta đã quên xét đến những công cụ chẳng mang lại điều gì ngoài việc giữ chân các kỹ sư. Các công cụ dẫn đến những khám phá ngoài dự kiến, và chính những khám phá này dẫn đến nhiều khám phá ngoài dự kiến khác. Nhưng hiếm khi các công cụ của chúng ta có tác dụng đúng như ý định ban đầu; đó chỉ là thú vui và tình yêu của các kỹ sư đối với việc tạo ra đồ chơi và máy móc góp phần làm tăng hiểu biết của chúng ta. Kiến thức không phát triển từ những công cụ được thiết kế để thẩm định hoặc hỗ trợ các lý thuyết, mà hoàn toàn ngược lại. Máy tính được tạo ra không phải để giúp chúng ta phát triển các phương pháp toán hình học mới mà là vì một mục đích khác nào đó. Nó chỉ tình cờ cho phép chúng ta khám phá ra các đối tượng toán học mà ít người để tâm tìm kiếm. Tương tự, dù được phát minh không phải để chúng ta trò chuyện với bạn bè ở Siberia nhưng máy vi tính đã phát triển được các mối quan hệ dài hạn. Là một nhà viết tiểu luận, tôi có thể khẳng định rằng Internet đã giúp tôi phổ biến ý tưởng của mình mà không cần đến các nhà báo. Nhưng đây không phải là mục đích của nhà thiết kế quân đội.

Kỹ thuật la-de là minh chứng cụ thể nhất về một công cụ được thiết kế cho một mục đích nào đó (thật ra chẳng có mục đích nào cả) nhưng sau đó đã tìm ra các ứng dụng mà con người thậm chí chưa từng dám mơ đến vào thời điểm đó. Nó chính là một “giải pháp tìm kiếm vấn đề”. Trong số những ứng dụng đầu tiên của nó là kỹ thuật khâu võng mạc bị rách. Nửa thế kỷ sau, tờ The Economist đã hỏi Charles Townes – người được cho là nhà phát minh ra kỹ thuật la-de rằng liệu ông ta có lo lắng về vấn đề võng mạc không. Câu trả lời là không. Ông ta chỉ muốn thỏa mãn khao khát được tách các chùm ánh sáng, và chuyện chỉ có thế. Thực ra, các đồng nghiệp của Townes đã trêu chọc ông rất nhiều về tính không phù hợp của phát minh đó. Tuy nhiên, hãy xem xét những hiệu ứng của kỹ thuật la-de trong thế giới quanh bạn: đĩa compact, chỉnh thị lực, thuật vi phẫu, lưu trữ và phục hồi dữ liệu – tất cả các ứng dụng ngoài dự kiến của công nghệ này. 49

Chúng ta tạo ra đồ chơi. Một vài trong số những đồ chơi này làm thay đổi thế giới.

Mùa hè năm 2005, tôi là khách mời của một công ty công nghệ sinh học tại California – một đơn vị có được thành công bất thường. Tôi được chào đón bởi những người mặc áo thun gắn khuy cài với logo hình bom phá có đường cong hình chuông cùng với tuyên bố thành lập Câu lạc bộ những cái đuôi mập (“những cái đuôi mập” là thuật ngữ kỹ thuật dành cho các Thiên Nga Đen). Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải một công ty tồn tại bằng các Thiên Nga Đen theo kiểu tích cực. Tôi được biết rằng công ty được điều hành bởi một nhà khoa học và rằng ông ta có một bản năng của một nhà khoa học là cho phép các nhà khoa học nhìn vào bất cứ nơi nào mà bản năng họ mách bảo. Quá trình thương mại hóa đến sau. Những người tiếp đón tôi – những nhà khoa học tận tâm – hiểu rằng nghiên cứu là công việc có tính may rủi rất nhiều, do đó có thể được tưởng thưởng xứng đáng nếu người đó biết được mức độ may rủi của công việc và cơ cấu nó theo lập luận đó. Viagra – sản phẩm làm thay đổi quan điểm và tập tục xã hội của những người về hưu – được cho là một loại thuốc chữa bệnh tăng huyết áp. Một loại thuốc chứa chứng tăng huyết áp khác đã trở thành một dược phẩm giúp mọc tóc. Bạn tôi, Bruce Goldberg – người hiểu về tính ngẫu nhiên, gọi các ứng dụng phụ không định trước này là “những quả phạt góc”. Trong khi nhiều người lo lắng về các hậu quả không định trước thì những người mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ lại phấn khởi về chúng.

Có vẻ như công ty công nghệ sinh học này có vẻ như tuân theo châm ngôn của Louis Pasteur về việc tạo ra vận may bằng cách đạt đến trạng thái phơi bày trọn vẹn, dù không rõ ràng lắm. “Vận may chỉ dành cho những ai sẵn sàng đón nhận”, – Pasteur đã nói, và giống như tất cả các nhà khám phá vĩ đại khác, ông biết điều gì đó về các khám phá ngẫu nhiên. Cách tốt nhất để đạt được mức độ phơi bày tối đa là phải luôn tìm kiếm. Thu thập cơ hội – về điều đó, tôi xin bàn đến sau.

Để dự đoán được mức độ lan tỏa của công nghệ tức là phải dự đoán được một yếu tố lớn nhất thời và mức độ ảnh hưởng trong xã hội, điều nằm ngoài tính hữu dụng khách quan của chính công nghệ đó (giả sử có tồn tại một động vật có tính hữu dụng khách quan như thế).

Có bao nhiêu ý tưởng vô cùng hữu ích đã bị chôn vùi, như Segway – một loại xe hẩy điện được tiên đoán là sẽ thay đổi hình thái học của các thành phố, và còn nhiều ý tưởng khác nữa. Khi đang hình dung trong đầu để viết ra những dòng này, tôi nhìn thấy trang bìa của tờ tạp chí Time tại quầy báo ở sân bay thông báo về “những phát minh có ý nghĩa” của năm. Có vẻ như các phát minh này cũng có ý nghĩa như ngày phát hành của số báo đó, hoặc có lẽ chỉ một vài tuần sau đó. Các nhà báo có thể dạy chúng ta cách không học hỏi.

Đề tài này đưa chúng ta đến với sự công kích của Sir Karl Raimund Popper về chủ nghĩa lịch sử. Như tôi đã nói ở Chương 5, đây là sự thấu hiểu có ý nghĩa quan trọng nhất của ông, nhưng nó vẫn là thứ ít được biết đến nhất. Những ai không thực sự biết về Popper đều có xu hướng chú ý đến khái niệm về tính phản nghiệm của ông – thứ giúp chỉ ra khả năng kiểm chúng hoặc không kiểm chứng của các tuyên bố. Sự tập trung này làm mờ đi ý tưởng trung tâm của ông: ông biến đổi thái độ hoài nghi thành một phương pháp, biến một người hoài nghi thành một người có tinh thần xây dựng.

Trong trạng thái kích thích cao độ, Karl Marx, đã viết một nội dung chỉ trích kịch liệt với tên gọi Sự khốn cùng của triết học để phản bác lại Triết học của sự khốn cùng của Proudhon. Tương tự, vì quá giận dữ một số các nhà triết học cùng thời – những người tin vào sự hiểu biết mang tính khoa học của lịch sử, Popper đã viết theo lối chơi chữ Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử (đã được dịch thành Sự bần cùng của chù nghĩa lịch sử). 50

Sự thấu hiểu của Popper có liên quan đến các giới hạn trong việc dự đoán các sự kiện lịch sử và sự cần thiết phải giáng cấp các lĩnh vực “mềm” như lịch sử và khoa học xã hội xuống mức chỉ cao hơn mỹ học và giải trí, giống như sưu tập bướm hoặc tiền xu. (Popper, người đã hấp thụ được nền giáo dục cổ điển của Vienne, đã không đi xa đến thế; nhưng tôi thì có, tôi đến từ Amioun). Những gì chúng ta gọi là khoa học lịch sử mềm ở đây chính là các nghiên cứu theo lối liên tưởng.

Luận cứ trung tâm của Popper chỉ ra rằng, để dự đoán được các sự kiện lịch sử, bạn cần phải dự đoán được sự cải tiến công nghệ, mà bản thân nó, về cơ bản, là không thể dự đoán được.

“Về cơ bản” không thể dự đoán được? Tôi sẽ giải thích ý nghĩa của việc ông sử dụng một khuôn khổ hiện đại. Hãy xem xét thuộc tính sau đây của kiến thức: Nếu cho rằng ngày mai bạn sẽ biết chắc rằng bạn trai của mình đã luôn lừa dối mình suốt bấy lâu nay, thế thì hôm nay bạn cũng biết chắc rằng bạn trai của mình đang lừa dối mình và bạn sẽ hành động hôm nay, ví dụ bằng cách lấy kéo cắt đôi tất cả những chiếc cà vạt Ferragamo của anh ta. Bạn sẽ không tự nhủ rằng, đây là điều mà tôi sẽ nghĩ ra vào ngày mai, còn hôm nay khác nên tôi sẽ lờ đi thông tin đó để có một bữa tối vui vẻ. Điểm này có thể được áp dụng chung cho tất cả các dạng kiến thức. Thực sự trong thống kê có một quy luật được gọi là Luật của các giá trị kì vọng lặp (Law of iterated expectations), mà tôi xin phác thảo ở đây dưới dạng nhấn mạnh: nếu nghĩ rằng mình sẽ nghĩ về một điều gì đó tại một thời điểm trong tương lai, tức là tôi đã nghĩ đến điều đó ở hiện tại.

Hãy trở lại vấn đề của bánh xe. Nếu là một nhà tư duy lịch sử thời kỳ Đồ đá được yêu cầu dự đoán tương lai trong một báo cáo tổng thể cho trưởng bộ lạc, bạn phải dự đoán được việc phát minh ra bánh xe đó hoặc là bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều phần trong diễn biến đó. Giờ đây, nếu có thể dự đoán được việc phát minh ra bánh xe, bạn đã biết được hình dáng của một bánh xe, và do đó, có thể đã biết cách tạo ra một bánh xe, vì thế đã bắt tay vào việc. Thiên Nga Đen đó cần phải được dự đoán!

Nhưng có một dạng thức yếu hơn của quy luật kiến thức lặp này và có thể được diễn giải như sau: để hiểu được tương lai đến mức có thể dự đoán được nó, bạn cần phải hợp nhất nhiều yếu tố từ chính tương lai này. Nếu biết về khám phá mà mình sẽ đạt được trong tương lai, gần như bạn đã tạo ra được nó. Giả sử bạn là một học giả đặc biệt của Khoa dự đoán trường Đại học Medieval chuyên dự đoán lịch sử tương lai (ví dụ thế kỷ 20). Bạn sẽ cần phải tìm ra các phát minh về máy hơi nước, điện, bom nguyên tử, và Internet, cũng như dịch vụ mát-xa trên máy bay và hoạt động kỳ lạ được gọi là họp công ty, nơi mà những người đàn ông béo tốt hay ngồi một chỗ tự nguyện làm tắc nghẽn sự lưu thông máu của mình bằng một thứ đắt tiền gọi là cà vạt.

Sự bất lực này không phải là không đáng kể. Việc cho rằng có một điều gì đó đã được phát minh thường dẫn đến một loạt các phát minh có bản chất tương tự, thậm chí dù không có một chi tiết nào về phát minh này được công bố – chẳng cần phải tìm kiếm các điệp viên và công khai treo cổ họ. Trong toán học, một khi bằng chứng của một định lý bí ẩn được công bố, chúng ta sẽ thường xuyên chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các bằng chứng tương tự không biết từ đâu xuất hiện, đôi khi được cho là sự rò rỉ và ăn cắp ý tưởng. Có lẽ chẳng có sự ăn cắp ý tưởng nào cả: thông tin mà giải pháp đó tồn tại tự nó đã là một phần lớn trong giải pháp đó.

Với cùng một lôgic, chúng ta không dễ dàng gì có thể tưởng tượng ra các phát minh tương lai (nếu chúng ta làm được, hẳn chúng đã được phát minh rồi). Vào cái ngày khi chúng ta có thể dự đoán được các phát minh, chúng ta sẽ sống trong một đất nước, nơi mà tất cả những điều có thể tưởng tượng được đều được phát minh. Tình trạng của chúng ta khiến tôi nhớ đến câu chuyện không thể tin được từ năm 1899, khi giám đốc cơ quan sáng chế Hoa Kỳ từ chức và cho rằng không còn gì nữa để khám phá – ngoại trừ một điều là vào thời điểm đó, việc từ chức không được ủng hộ. 51

Popper không phải là người đầu tiên theo đuổi các giới hạn đối với kiến thức của chúng ta. Tại Đức, vào cuối thế kỷ 19, Emil du Bois-Reymond tuyên bố rằng ignoramus et ignorabimus – chúng ta ngu dốt và sẽ vẫn như thế. Không biết vì lý do gì mà các ý tưởng của ông đã bị rơi vào quên lãng. Nhưng chỉ sau khi gây ra một phản ứng: nhà toán học David Hilbert đã cố ý coi thường ông này bằng cách đưa ra một danh sách các vấn đề mà các nhà toán học cần phải giải quyết trong thế kỷ tới.

Ngay cả du Bois-Reymond cũng sai. Chúng ta thậm chí còn không có khả năng hiểu được những điều không thể biết. Hãy xem xét những tuyên bố của chúng ta về những điều mình không bao giờ biết được – chúng ta tự tin đánh giá thấp những kiến thức mà mình có thể đạt được trong tương lai. Auguste Comte, người sáng lập ra trường phái chủ nghĩa thực chứng – thứ bị buộc tội (một cách bất công) là khoa học hóa bất cứ những gì nhìn thấy, đã tuyên bố rằng nhân loại sẽ mãi mãi không biết về cấu tạo hóa học của các định tinh (fixed stars). Tuy nhiên, như Charles Sanders Peirce đã phát biểu, “Mực in chỉ vừa mới khô trên trang giấy trước khi người ta phát minh ra kính quang phổ và điều mà ông ta dường như hoàn toàn không thể nhận thức được đã đang trên đường được khẳng định”. Trớ trêu thay, các dự đoán khác của Comte về những điều mà chúng ta sẽ học về các hoạt động của xã hội đã được cường điệu một cách thô thiển – và đầy nguy hiểm. Ông cho rằng xã hội giống như một chiếc đồng hồ mà sẽ tiết lộ với chúng ta những bí mật của nó.

Tôi sẽ tóm tắt lập luận của mình ở đây: Việc dự đoán đòi hỏi phải biết về các công nghệ sẽ được khám phá trong tương lai. Nhưng chính kiến thức đó sẽ gần như cho phép chúng ta bắt đầu phát triển các công nghệ đó ngay tức thì. Do đó, chúng ta không biết được những gì mình sẽ biết.

Có lẽ một số người sẽ cho rằng lập luận đó dường như thật rõ ràng theo như được diễn giải, rằng chúng ta luôn nghĩ mình đã đạt đến kiến thức cuối cùng nhưng không để ý rằng những xã hội thời trước đây mà chúng ta chế giễu cũng đã nghĩ giống như chúng ta. Lập luận của tôi tầm thường, vậy sao chúng ta không tính đến nó? Câu trả lời nằm ở bộ môn nghiên cứu bệnh học về bản chất con người. Bạn có còn nhớ các thảo luận tâm lý học về tính phản đối xứng trong quá trình nhận thức về các kỹ năng ở chương trước không? Chúng ta nhìn thấy khuyết điểm ở người khác nhưng không nhìn thấy ở chính chúng ta. Một lần nữa, có vẻ như chúng ta rất tài giỏi với những cỗ máy tự lừa dối.

 

Giáo sư Henri Poincaré. Không hiểu vì lý do gì mà người ta không còn tạo ra những nhà tư tưởng kiểu này. Ảnh. Université Nancy-2

Bất chấp danh tiếng của mình, Henri Poincaré luôn được cho là nhà tư duy khoa học bị đánh giá thấp, và trên thực tế phải mất gần một thế kỷ, một vài ý tưởng của ông mới được đánh giá đúng. Có lẽ, ông là nhà toán học duy lý vĩ đại cuối cùng (hoặc có thể nói ngược lại, nhà tư duy toán học). Mỗi lần nhìn thấy một chiếc áo thun có in hình Albert Einstein, tôi không thể không nghĩ đến Poincaré – Einstein xứng đáng với sự tôn kính của chúng ta, nhưng ông ấy đã chiếm chỗ của nhiều người khác. Có quá ít chỗ trống trong ý thức của chúng ta; trong đó chỉ có tâm lý kẻ-thắng-lấy-hết.

Một lần nữa, tự bản thân Poincaré đã là một đẳng cấp. Tôi còn nhớ thân phụ mình thường hay khuyên tôi đọc các bài tiểu luận của Poincaré, không chỉ vì nội dung khoa học của chúng mà còn vì chất lượng của lối hành văn tiếng Pháp của ông ta. Nhà khoa học vĩ đại này đã viết ra những điều kỳ diệu như những bài báo được xuất bản định kỳ và biên soạn chúng như những bài phát biểu tùy ứng. Trong mỗi kiệt tác, bạn sẽ thấy được sự pha trộn giữa những điều được nhắc đi nhắc lại, những nội dung ngoài đề, tất cả những gì mà một biên tập viên “ăn theo” với một bộ não đã được đóng gói sẵn sẽ lên án – nhưng chính những điều này khiến cho nội dung của ông thậm chí trở nên dễ đọc hơn nhờ vào lối tư duy kiên định, cứng rắn.

Poincaré trở thành nhà văn tiểu luận với nhiều sáng tác ở tuổi 30. Ông dường như luôn vội vã và đã qua đời sớm, ở tuổi 58; ông vội vã đến mức chẳng buồn sửa những lỗi in ấn và lỗi ngữ pháp trong bài viết của mình, ngay cả khi nhìn thấy chúng, bởi ông cho rằng làm thế là một sự lạm dụng trắng trợn thời gian của mình. Người ta không còn tạo ra được các thiên tài như thế – hoặc người ta không còn để họ được viết theo cách riêng của mình.

Danh tiếng của Poincaré với tư cách là một nhà tư tưởng đã nhanh chóng phai tàn sau khi ông qua đời. Ý tưởng của ông – thứ khiến chúng ta bận tâm – phải mất gần một thế kỷ mới xuất hiện trở lại, nhưng dưới một dạng khác. Quả thật, khi còn bé, tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng là đã không đọc cẩn thận các bài tiểu luận của ông, vì trong cuốn Khoa học và các giả thuyết (La Science et L’hypothèse) đầy uy tín của ông – thứ mà sau này tôi mới phát hiện – ông đã giận dữ miệt thị việc sử dụng đường cong hình chuông.

Tôi xin nhắc lại rằng Poincaré là một nhà triết học khoa học chân chính: triết lý của ông xuất phát từ việc ông chứng kiến được những giới hạn của chính chủ thể đó, đây chính là tất cả những gì cần có ở bộ môn triết học chân chính. Tôi thích “trêu” các nhà trí thức văn học Pháp bằng cách gọi Poincaré là nhà triết học yêu thích của mình. “Ông ấy, một nhà triết học ư? Ý ông muốn nói gì vậy, thưa ông?” Thật đáng thất vọng khi phải giải thích với những người chuyên tôn thờ các nhà tư tưởng như Henri Bergson hay Jean-Paul Sartre – những người mà phần lớn đều là sản phẩm của sự dập khuôn và không thể nào sánh được với Poincaré về sức ảnh hưởng, thứ sẽ còn tiếp tục được lưu truyền trong nhiều thế kỷ tới. Thật ra, hiện đang có một vụ tai tiếng về việc dự đoán, vì Bộ Giáo dục Pháp chính là nơi quyết định ai sẽ là nhà triết học và những nhà triết học nào cần được nghiên cứu.

Tôi đang nhìn vào bức ảnh của Poincaré. Ông có tướng mạo đường bệ, để râu quai nón và là người gia giáo thuộc dòng dõi qúy tộc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp – người đã sống bằng khoa học tổng hợp, đắm chìm trong chủ đề nghiên cứu của mình, và có một vốn kiến thức đáng kinh ngạc. Ông là thành viên của tầng lớp quan lại với phẩm chất đáng kính vào cuối thế kỷ 19: tầng lớp trung lưu, đầy quyền lực nhưng lại không được giàu có cho lắm. Cha ông là bác sỹ, giáo sư y khoa; chú ông là một nhà khoa học lỗi lạc, còn anh họ ông – Raymond – đã trở thành Tổng thống Cộng hòa Pháp. Đây là thời điểm khi con cháu của các thương gia và các điền chủ giàu có hướng đến những công việc trí óc.

Tuy nhiên, tôi không thể hình dung ông trong chiếc áo thun, hay thè lưỡi giống như bức ảnh nổi tiếng của Einstein. Có điều gì đó nghiêm túc về con người ông, một nhân cách cao quý thời Đệ tam Cộng hòa.

Vào thời mình, Poincaré được xem là vua toán học và khoa học, dĩ nhiên là ngoại trừ một vài nhà toán học có đầu óc thiển cận như Charles Hermite – người cho rằng ông hành động quá trực giác, quá khôn khéo, hoặc quá “vung tay”. Khi các nhà toán học đề cập đến chữ “vung tay” trong lúc nói về công việc của người khác, điều đó có nghĩa là người đó có: a) sự hiểu biết sâu sắc, b) thuyết duy thực, c) điều gì đó muốn nói, và nó có nghĩa là d) anh ta đúng bởi đó là những gì các nhà phê bình nói khi không thể tìm ra được điều gì tiêu cực hơn nữa. Một cái gật đầu từ Poincaré có thể tạo dựng hoặc hủy hoại một sự nghiệp. Nhiều người cho rằng Poincaré đưa ra thuyết tương đối trước Einstein – và rằng Einstein lấy ý tưởng đó từ ông – nhưng ông lại chẳng được gì từ điều đó. Những tuyên bố này vốn do người Pháp đưa ra, nhưng có vẻ như được công nhận bởi Abraham Pais – nhà viết tiểu sử và là người bạn của Einstein. Poincaré là người hết sức cao quý ở cả địa vị xã hội lẫn cách hành xử nên sẽ chẳng đời nào tranh giành quyền sở hữu đối với một kết quả.

Poincaré là đối tượng trung tâm của chương này vì ông đã sống trong thời đại khi chúng ta đạt đến sự phát triển trí tuệ vô cùng nhanh chóng trong các lĩnh vực dự đoán – hãy nghĩ về cơ học thiên thể. Cuộc cách mạng khoa học đó khiến chúng ta cảm thấy như đang sở hữu các công cụ cho phép mình nắm bắt được tương lai. Sự bất định đã qua đi. Vũ trụ giống như một chiếc đồng hồ, và bằng cách nghiên cứu sự chuyển động của các mảnh nhỏ, chúng ta có thể dự đoán được tương lai. Đó chỉ còn là vấn đề viết ra những mô hình đúng và để các kỹ sư thực hiện công việc tính toán. Tương lai chỉ là sự mở rộng của những điều mà chúng ta đã biết chắc về công nghệ.

Poincaré là nhà toán học có ảnh hưởng lớn đầu tiên đã hiểu và giải thích được rằng có các giới hạn cơ bản trong các phương trình của chúng ta. Ông đã giới thiệu các phương pháp phi tuyến tính, các hiệu ứng nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, một ý tưởng mà về sau trở nên phổ biến, có lẽ hơi quá phổ biến, như thuyết hỗn mang (chaos theory). Có gì quá độc hại về sự phổ biến này? Vì toàn bộ quan điểm của Poincaré là về những giới hạn mà các phương pháp phi tuyến tính đặt ra đối với việc dự đoán; chúng không phải là lời mời gọi sử dụng các kỹ thuật toán học để đưa ra các dự đoán mở rộng. Bộ môn toán học có thể cho chúng ta nhìn thấy khá rõ các giới hạn của chính nó.

(Như thường lệ) có một yếu tố bất ngờ trong câu chuyên này. Poincaré lúc đầu hưởng ứng một cuộc thi do nhà toán học Gosta Mittag-Leffer tổ chức để chúc mừng nhà vua Oscar của Thụy Điển nhân dịp sinh nhật lần thứ 60. Hồi ký của Poincaré – nói về tính ổn định của hệ mặt trời – đã đoạt giải mà khi đó là huân chương khoa học cao nhất (vì đây là những ngày hạnh phúc trước giải Nobel). Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh vào trước ngày xuất bản, khi một biên tập viên kiểm tra cuốn hồi ký đó đã phát hiện ra có một sai số trong tính toán, và sau khi cân nhắc, đã đưa đến kết luận ngược lại – không thể dự đoán được, hoặc nói một cách chuyên môn hơn, không có tính khả tích. Cuốn hồi ký được bí mật in thử và xuất bản khoảng một năm sau đó.

Minh họa 2: Tính chính xác và dự đoán

David Cowan, một trong những người đọc bản thảo của cuốn sách này, đã khéo léo vẽ bức hình tung lắc trên. Ở lần tung thứ hai, bức hình này cho thấy kết quả của các dao động trong những điều kiện ban đầu có độ lệch rất lớn. Khi độ không chính xác ban đầu ở góc đó nhân lên, mỗi lần tung tiếp theo sẽ được khuếch đại nhiều hơn nữa. Điều này gây ra một hiệu ứng cấp số nhân, nơi sai số sẽ tăng lên một cách không cân đối.

Lập luận của Poincaré rất đơn giản: khi dự đoán về tương lai, mức độ chính xác của bạn về các động lực của quá trình mà bạn đang định hình phải ngày càng cao hơn, vì tỷ lệ sai số của bạn sẽ tăng lên rất nhanh. Không thể nào là gần chính xác vì các dự đoán của bạn sẽ suy yếu một cách bất ngờ – cuối cùng bạn cần phải chỉ ra được những điều đã xảy ra với độ chính xác vô hạn. Poincaré đã cho thấy đây là một trường hợp rất đơn giản – được mọi người biết đến với tên gọi “bài toán ba vật thể” (three body problem). Nếu chỉ có hai hành tinh trong hệ mặt trời, và chẳng có gì ảnh hưởng đến chu kỳ của chúng, bạn có thể dự đoán một cách vô hạn định về hành vi của những hành tinh này, chẳng tốn một giọt mồ hôi nào. Nhưng nếu thêm một vật thể thứ ba, ví dụ sao chổi, thật nhỏ giữa hai hành tinh này, lúc đầu, vật thể thứ ba này sẽ không gây ra tác động hay độ lệch nào, nhưng theo thời gian, ảnh hưởng của nó đối với hai vật thể kia có thể sẽ bùng phát. Những khác biệt nhỏ ở nơi mà vật thể nhỏ bé này tọa lạc rốt cuộc sẽ điều khiển tương lai của hai vật thể khổng lồ kia.

Sự bùng nổ khó khăn trong việc dự đoán xuất phát từ sự phức tạp của ba vật thể kia. Thật đáng tiếc, thế giới của chúng ta lại phức tạp hơn rất nhiều so với bài toán ba vật thể; nó chứa đựng nhiều hơn ba vật thể. Chúng ta đang đối mặt với thứ được gọi là hệ động lực – còn thế giới mà chúng ta chứng kiến lại quá nhiều so với một hệ động lực.

Giả định về khó khăn của việc dự đoán số nhánh cây mọc ra từ một cái cây; ở mỗi chạc cây, chúng ta có cấp số nhân về các nhánh cây mới. Để nhận biết được trực giác của chúng ta về các hiệu nhân phi tuyến tính (nonlinear multiplicative effeets) này là khá yếu, hãy xem câu chuyện sau đây về bàn cờ. Người đầu tư bàn cờ đó yêu cầu được trả như sau: một hạt gạo cho mỗi hình vuông đầu tiên, hai hạt cho hình vuông thứ hai, bốn hạt cho hình vuông thứ ba, tám, rồi mười sáu, và cứ thế, mỗi lần đều nhân đôi lên, sáu mươi bốn lần. Nhà vua chấp nhận yêu cầu này, cho rằng người đó đang yêu cầu có được một số tiền rẻ mạt – nhưng chẳng bao lâu nhà vua nhận ra mình đã bị bỏ lại phía sau. Số gạo phải trả cho nhà đầu tư kia vượt xa mọi nguồn gạo dự trữ!

Khó khăn về tính nhân này dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về độ chính xác trong các giả định có thể được minh họa bằng ví dụ đơn giản dưới đây về việc dự đoán chuyển động của các quả bóng bi-a trên bàn. Tôi xin sử dụng ví dụ của nhà toán học Michael Berry. Nếu biết một chuỗi thông số cơ bản về quả bóng đứng yên, biết ước tính lực cản của chiếc bàn đó (rất cơ bản), và biết đo được mức độ tác động, thì bạn có thể dễ dàng đoán được được điều gì sẽ xảy ra ở cú chạm bóng đầu tiên. Tác động thứ hai trở nên phức tạp hơn, nhưng hợp lý; bạn cần phải thận trọng với kiến thức về các trạng thái ban đầu, và phải chính xác hơn. Vấn đề là để đoán được chính xác lần va chạm thứ chín, bạn cần phải tính đến lực kéo hấp dẫn của người đứng cạnh bàn (các tính toán của Berry sử dụng sức nặng chưa tới 150 pound). Và để ước tính cú va chạm thứ 56, mọi vật thể cơ bản của vũ trụ đều cần phải hiện hữu trong các giả định của bạn. Một electron ở rìa vũ trụ, cách chúng ta 10 tỷ năm ánh sáng, phải xuất hiện trong các tính toán đó, vì nó tạo ra một hiệu ứng có ý nghĩa lên kết quả. Bây giờ, hãy xét đến một gánh nặng nữa, đó là việc kết hợp các dự đoán về nơi xuất hiện của các biến số này trong tương lai. Việc dự đoán chuyển động của một quả bóng bi-a trên bàn đòi hỏi bạn phải có kiến thức về các động lực của toàn vũ trụ, cho đến từng nguyên tử! Chúng ta có thể dễ dàng dự đoán được chuyển động của các vật thể lớn như các hành tinh (mặc dù không quá xa trong tương lai), nhưng lại khó hình dung ra các vật thể nhỏ – và những vật thể này ngày càng nhiều.

Xin lưu ý rằng câu chuyện về bóng bi-a nói về một thế giới đơn giản, rõ ràng; thậm chí không tính đến những vấn đề xã hội điên rồ có thể được ban tặng một cách tùy ý. Các quả bóng bi-a không có trí óc. Ví dụ của chúng tôi cũng không tính đến tính tương đối và các hiệu ứng định lượng. Chúng ta cũng không sử dụng khái niệm này (thường được viện dẫn bởi những kẻ giả mạo) được gọi là “nguyên tắc về tính bất định”. Chúng tôi không quan tâm đến những giới hạn của tính chính xác trong các phép đo được tiến hành dưới mức nguyên tử. Chúng tôi chỉ nói đến các quả bóng bi-a!

Trong một hệ động lực, nơi bạn cân nhắc đến nhiều thứ khác hơn cả quả bóng bi-a kia, nơi các đường di chuyển theo một hướng đều phụ thuộc lẫn nhau, khả năng dự đoán tương lai không chỉ giảm xuống, mà còn phải phụ thuộc vào một giới hạn cơ bản. Poincaré cho rằng chúng ta chỉ có thể làm việc với các vấn đề định tính – một thuộc tính nào đó của các hệ thống có thể được được thảo luận, nhưng không được tính toán. Bạn có thể suy nghĩ một cách nghiêm khắc, nhưng không thể sử dụng các con số. Poincaré thậm chí còn phát minh ra một lĩnh vực cho vấn đề này, phân tích tại chỗ – hiện là một phần của hình học tôpô. Việc dự đoán là một công việc phức tạp hơn nhiều so với mức nhận biết thông thường, nhưng chỉ có người nào biết về toán học mới hiểu được nó. Để chấp nhận nó đòi hỏi phải có cả sự hiểu biết lẫn sự can đảm.

Vào thập niên 60, Edward Lorenz, nhà khí tượng học của MIT, đã tình cờ tái khám phá ra các kết quả của Poincaré. Ông tạo ra một mô hình máy tính về động lực học của thời tiết (weather dynamics), và đã đưa ra mô phỏng để dự đoán thời tiết trước vài ngày, về sau, ông đã cố lặp lại cùng sự mô phỏng này với chính mô hình đó và những gì ông suy nghĩ là cùng các thông số đầu vào, nhưng đã đạt được những kết quả hết sức khác biệt.

Lúc đầu, ông cho rằng những khác biệt này là do vi-rút máy tính hoặc so sai số trong tính toán. Máy vi tính thời đó là những chiếc máy nặng nề, chậm chạp và chẳng giống chút nào so với những gì chúng ta có ngày nay, vì thế người sử dụng rất bị giới hạn về thời gian. Sau đó, Lorenz nhận ra rằng chênh lệch trong kết quả của ông không phải do sai số mà là do một sự làm tròn nhỏ trong các thông số đầu vào. Điều này được biết đến với tên gọi hiệu ứng cánh bướm, vì khi một con bướm di chuyển, cánh của nó ở Ấn Độ có thể gây ra bão cấp 8 ở New York hai năm sau đó. Những phát hiện của Lorenz đã tạo ra được sự quan tâm đến thuyết hỗn mang.

Tất nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tổ tiên của phát minh do Lorenz đưa ra, không chỉ trong công trình của Poincaré, mà còn trong công trình của nhà toán học sâu sắc và đầy trực giác Jacques Hadamard – người cũng chia sẻ quan điểm này vào khoảng năm 1898, và sau đó tiếp tục sống gần bảy thập kỷ nữa – ông chết ở tuổi 98. 52

Những phát hiện của Popper và Poincaré đã giới hạn khả năng nhìn thấy tương lai của chúng ta, khiến tương lai trở thành một hình ảnh phản chiếu rất phức tạp về quá khứ – nếu như có chút hình ảnh phản chiếu nào của quá khứ. Một ứng dụng có sức thuyết phục trong xã hội là của nhà kinh tế đầy trực giác Friedrick Hayek – một người bạn của Sir Karl. Hayek là một trong những thành viên nổi tiếng trong “giới” của mình (cùng với J.M. Keynes và G.L.S. Shackle) nhấn mạnh đến tính bất định thật sự; đến những giới hạn của kiến thức và những cuốn sách chưa được đọc ở thư viện Eco.

Năm 1974, Hayek được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, nhưng nếu đọc bài phát biểu trong lễ nhận giải của ông, bạn sẽ hơi bất ngờ. Nó có tên gọi hùng hồn là “Sự giả vờ của kiến thức”, và ông chủ yếu xỉ vả các nhà kinh tế khác cũng như ý tưởng của người lập kế hoạch. Ông phản đối việc sử dụng các công cụ của khoa học cứng (hard science) trong khoa học xã hội, và thật đáng buồn là ngay trước khi có sự bùng nổ của các phương pháp này trong bộ môn kinh tế học. Về sau, việc sử dụng phổ biến các phương trình phức đã biến môi trường dành riêng cho các nhà tư duy thực nghiệm chân chính trở nên tồi tệ hơn so với trước khi Hayek viết bài phát biểu của ông. Mỗi năm lại xuất hiện một bài viết hoặc một cuốn sách than khóc cho số phận của môn kinh tế học và phàn nàn về những nỗ lực của nó trong việc bắt chước môn vật lý học. Nội dung mới nhất mà tôi được biết là nói về việc các nhà kinh tế học nên cố gắng đạt được vai trò của nhà triết học tầm thường hơn là vai trò của các vị cao tăng đức cao vọng trọng. Thế nhưng, nó sẽ vào lỗ tai này và đi ra lỗ tai khác thôi.

Đối với Hayek, một dự đoán thật sự được thực hiện bởi một hệ thống, chứ không phải bởi một sắc lệnh. Một tổ chức đơn lẻ, ví dụ cơ quan quy hoạch trung ương, không thể tổng hợp kiến thức; nhiều phần thông tin quan trọng sẽ bị bỏ lỡ. Nhưng nhìn chung, xã hội vẫn có thể hợp nhất những phần thông tin này vào chức năng hoạt động của nó. Nhìn chung, xã hội suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ. Hayek tấn công chủ nghĩa xã hội và quản lý các nền kinh tế như một sản phẩm của những gì mà tôi gọi là kiến thức lập dị (nerd knowledge) hay quan điểm Plato – nhờ vào sự phát triển của kiến thức khoa học, chúng ta đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc hiểu được những thay đổi tinh tế kiến tạo nên thế giới, và tầm quan trọng cần có của từng thay đổi đó. Ông đã khéo léo gọi hiện tượng này là “thuyết khoa học vạn năng”.

Đây là căn bệnh thâm căn cố đế trong các thể chế của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi sợ các cơ quan chính phủ và các tập đoàn lớn – thật khó phân biệt được hai nhóm này. Cơ quan chính phủ đưa ra các dự đoán; còn các công ty đưa ra các đề án; hàng năm, các nhà dự đoán đưa ra mức lãi suất thế chấp và thị trường chứng khoán vào cuối năm tiếp theo. Các tập đoàn tồn tại không phải vì đưa ra dự đoán đúng, mà giống như các tổng giám đốc đi thăm Wharton mà tôi đã đề cập trước đó, có lẽ vì may mắn. Và, cũng giống như một chủ nhà hàng, họ có thể sẽ làm tổn thương chính bản thân mình chứ không phải chúng ta – có lẽ việc giúp đỡ và hỗ trợ việc tiêu dùng của chúng ta bằng cách mang đến các mặt hàng tồn kho, như cước gọi quốc tế giá rẻ được tài trợ bởi nguồn đầu tư thái quá trong thời đại dotcom. Chúng ta, những người tiêu dùng, có thể để họ dự đoán tất cả những gì họ muốn nếu đó là thứ cần thiết để họ làm ăn. Hãy để họ tự treo cổ chính mình nếu như họ muốn thế.

Như tôi đã đề cập ở Chương 8, trên thực tế, những người New York chúng ta đều có lợi từ sự cả tin theo kiểu Đông-ki-sốt của các tập đoàn và các chủ nhà hàng. Đây là lợi ích của chủ nghĩa tư bản mà mọi người ít thảo luận.

Nhưng các tập đoàn có thể lâm vào cảnh phá sản lâu mau tùy thích, nhờ đó sẽ trợ cấp cho những người tiêu dùng chúng ta bằng cách chuyển tài sản của họ vào túi chúng ta – càng nhiều công ty phá sản, càng tốt cho chúng ta. Cơ quan chính phủ là doanh nghiệp nghiêm túc hơn và chúng ta cần phải đảm bảo rằng mình không phải trả giá cho hành động điên rồ của nó. Với tư cách là các cá nhân, chúng ta nên yêu quý các thị trường tự do bởi vì các nhà điều hành của chúng có thể trở nên kém cỏi theo cách họ muốn.

Lời chỉ trích duy nhất mà một người có thể nói về Hayek đó là ông đưa ra một sự phân biệt định tính gay gắt giữa khoa học xã hội và vật lý học. Ông chỉ ra rằng các phương pháp của vật lý học không thể chuyển thành các phương pháp của khoa học xã hội, và đã đổ lỗi cho tâm lý chuộng khoa học. Nhưng ông viết điều đó vào thời điểm khi vật lý học – “bà hoàng” của khoa học – dường như đang phóng đại thế giới của chúng ta. Hóa ra, ngay cả các môn khoa học tự nhiên cũng phức tạp hơn nhiều so với vật lý học. Ông đã nói đúng về các môn khoa xã hội, và dĩ nhiên lúc này ông cũng đúng khi tin tưởng vào các nhà khoa học cứng nhiều hơn các nhà lý luận xã hội, nhưng những gì ông đã nói về các yếu điểm của khoa học xã hội đều áp dụng đối với mọi kiến thức. Tất cả mọi kiến thức.

Vì sao ư? Bởi vì vấn đề chứng thực, một người có thể cho rằng chúng ta biết rất ít về thế giới tự nhiên của mình; chúng ta nói về những cuốn sách đã đọc và quên mất những cuốn chưa đọc. Vật lý học đã thành công, nhưng nó chỉ là một lĩnh vực hạn hẹp của khoa học cứng, nơi chúng ta đã thành công, và mọi người có xu hướng gọi chung sự thành công đó cho tất cả các môn khoa học. Sẽ rất hợp lý nếu chúng ta hiểu rõ về bệnh ung thư hay thời tiết nhiều hơn so với việc hiểu về nguồn gốc của vũ trụ.

Hãy đi sâu vào vấn đề kiến thức và tiếp tục so sánh Tony Béo và Tiến sĩ. John ở Chương 9. Những kẻ lập dị có đi bằng đường hầm không, nghĩa là họ chỉ chú trọng đến các phạm trù vững chắc (crisp categories) và bỏ qua các nguyên nhân của sự bất định? hãy nhớ ở Phần mở đầu, tôi đã trình bày về quá trình Plato hóa (Platonitication) như một điểm nhấn từ trên xuống về một thế giới gồm các phạm trù vững chắc này. 54

Hãy nghĩ về việc một con mọt sách học một ngôn ngữ mới. Ví dụ anh ta học tiếng Serbo-Croatian hoặc tiếng !Kung bằng cách đọc sách ngữ pháp từng cuốn một, và ghi nhớ các quy tắc. Anh ta có cảm giác rằng một chuyên gia ngữ pháp cao cấp nào đó đã đặt ra các quy định về ngôn ngữ để cho những người bình thường không được học cũng có thể nói được ngôn ngữ đó. Thực ra, các ngôn ngữ phát triển một cách hữu cơ; ngữ pháp là thứ mà con người đã mã hóa vào một cuốn sách khi không còn điều gì thú vị hơn để làm trong cuộc sống của mình. Trong khi những người được học ở trường tìm cách ghi nhớ các biến cách, thì một người không lập dị theo chủ nghĩa Plato sẽ học tiếng Serbo-Croatian chẳng hạn, bằng cách làm quen với các cô gái ở hộp đêm thuộc ngoại ô Sarajevo, hoặc nói chuyện với các tài xế tắc-xi, và sau đó (nếu cần) sẽ đưa các quy tắc ngữ pháp vào ngôn ngữ mà mình đã học được.

Hãy quay trở lại với cơ quan quy hoạch trung ương. Cũng như ngôn ngữ, không có một chuyên gia ngữ pháp nào mã hóa các sự kiện kinh tế xã hội; nhưng hãy cố thuyết phục một viên chức hoặc một nhà khoa học xã hội rằng có lẽ thế giới không muốn áp dụng các phương trình “khoa học” của ông ta. Thật ra, những người tư duy theo trường phái kinh tế Áo – trường phái mà Hayek theo đuổi – đã sử dụng những tên gọi ngầm hiểu chính xác cho phần kiến thức không thể viết ra được, nhưng đó là thứ chúng ta không nên kìm nén. Như chúng ta đã thấy trước đó, họ đã tiến hành phân biệt giữa “biết như thế nào” và “biết cái gì”- cụm từ sau mang tính thoái thác và có xu hướng thiên về quá trình lập dị hóa hơn.

Xin nói rõ, Platonic là người có xu hướng theo thứ tự từ trên xuống, theo công thức, hẹp hòi, tư lợi và thương mại hóa; còn a-Platonic là người theo thứ tự từ dưới lên, cởi mở, hoài nghi và thực nghiệm.

Ví dụ sau đây về cách tư duy của Plato sẽ giải thích rõ lý do vì sao tôi chọn bậc thầy vĩ đại này: Plato tin rằng chúng ta nên sử dụng cả hai tay với sự khéo léo như nhau, nếu không nó sẽ chẳng “có ý nghĩa”. Ông xem việc thuận tay này hơn tay kia là một sự dị dạng gây ra bởi “sự điên rồ của các bà mẹ và các báo mẫu”. Ông khó chịu với tính không cân xứng, và đã đưa các ý tưởng về sự tao nhã của mình vào hiện thực. Chúng ta phải đợi đến khi Louis Pasteur chỉ ra rằng các phân tử hóa học vừa di chuyển sang phải vừa di chuyền sang trái, và rằng điều này có ý nghĩa đáng kể.

Một người có thể tìm ra các ý tưởng tương tự giữa các nhánh tư duy rời rạc. Nhánh tư duy sớm nhất (như thường lệ) là những người theo chủ nghĩa thực nghiệm – những người mà phương pháp y học từ dưới lên, phi lý thuyết và “dựa trên bằng chứng” chủ yếu liên quan đến Philnus of Cos, Serapion of Alexandria, và Claucias of Tarentum, về sau bị biến thành chủ nghĩa hoài nghi bởi Menodotus of Nicomedia, và hiện được biết đến bởi Sextus Empiricus, bạn của chúng ta, nhà triết học vĩ đại thuộc chủ nghĩa hoài nghi. Sextus – người mà chúng ta đã đề cập trước đó – có lẽ là người đầu tiên nói đến Thiên Nga Đen. Những người theo chủ nghĩa thực nghiệm đã thực hành “nghệ thuật y khoa” mà không dựa trên lập luận; họ muốn có được kết quả từ những quan sát tình cờ bằng cách phỏng đoán, rồi thử nghiệm và sửa chữa cho đến khi tìm ra điều gì đó có nghĩa. Họ rất ít đưa ra lý thuyết.

Ngày nay, các phương pháp của những người theo chủ nghĩa thực nghiệm này đang được tái hiện như y học dựa trên bằng chứng sau hai thiên niên kỷ thuyết phục. Khi xem xét về điều đó trước thời điểm chúng ta biết về các vi khuẩn và vai trò của chúng trong các căn bệnh, các bác sĩ đã phản đối việc rửa tay bởi vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, bất kể bằng chứng cho thấy sự sụt giảm đáng kể về số người chết ở bệnh viện. Ignaz Semmelweis, bác sĩ của giai đoạn giữa thế kỷ 19 – người xúc tiến ý tưởng rửa tay – đã không được minh oan cho đến nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời. Tương tự, có thể cũng chẳng “có ý nghĩa” khi thuật châm cứu mang lại hiệu quả, nhưng nếu việc châm một cây kim vào ngón chân của một người theo cách có hệ thống sẽ giúp người đó giảm đau (trong các cuộc kiểm tra thực nghiệm được tiến hành đúng cách), thì có nghĩa là vẫn còn nhiều chức năng quá phức tạp chúng ta không hiểu được, vậy thì hãy cùng tiếp tục với điều đó trong khi vẫn luôn giữ cho đầu óc phóng khoáng.

Xin mượn lời của Warren Buffett, đừng hỏi thợ cạo nếu bạn muốn cắt tóc và đừng hỏi một viện sĩ hàn lâm liệu những gì anh ta làm có liên quan hay không. Vì thế, tôi sẽ kết thúc cuộc thảo luận về chủ nghĩa tự do của Hayek với quan sát sau. Như tôi đã nói, đối với kiến thức có tổ chức, vấn đề nằm ở chỗ là đôi khi có sự khác biệt về lợi ích giữa các nhóm học thuật và chính bản thân kiến thức đó. Vì thế, tôi hoàn toàn không thể hiểu được vì sao những người theo chủ nghĩa tự do ngày nay không theo đuổi để có được địa vị trong cơ quan nhà nước (có lẽ ngoại trừ trường hợp nhiều người theo chủ nghĩa tự do là các viện sĩ hàn lâm). Chúng ta biết rằng các công ty có thể phá sản, còn cơ quan chính phủ thì không. Tuy nhiên, mặc dù cơ quan chính phủ vẫn tồn tại, nhưng các quan chức có thể bị giáng chức, còn các đại biểu quốc hội và các thượng nghị sĩ có thể sẽ phải rời vị trí của mình. Trong giới học viện, một người được bầu theo nhiệm kỳ là cố định – ngành kinh doanh kiến thức có những “ông chủ” cố định. Nói một cách đơn giản, kẻ bất tài thường là sản phẩm được tạo ra từ cỗ máy quyền lực hơn là kết quả của sự tự do và thiếu cơ cấu.

Nếu biết tất cả các điều kiện khả thi của một hệ thống tự nhiên, về lý thuyết (dù không phải trên thực tế), bạn có thể dự đoán được hành vi của nó trong tương lai. Nhưng điều này chỉ liên quan đến các vật thể thiếu sinh động. Chúng ta sẽ vấp phải trở ngại lớn khi có liên quan đến các vấn đề xã hội. Và mọi thứ sẽ càng khó dự đoán hơn nữa khi có liên quan đến con người nếu bạn xem họ là những vật thể sống và có ý chí tự do.

Nếu tôi có thể dự đoán tất cả các hành động của bạn, dưới những bối cảnh cụ thể nào đó, thì có lẽ bạn không được tự do như bạn nghĩ. Bạn chỉ là một người máy phản ứng với những kích thích của môi trường. Bạn là nô lệ của số phận. Và ảo giác về ý chí tự do có thể hạ xuống thành một phương trình mô tả kết quả của hành động tương tác giữa các phân tử. Nó sẽ giống như việc nghiên cứu hoạt động cơ học của một chiếc đồng hồ: một thiên tài với kiến thức sâu rộng về các điều kiện ban đầu và các chuỗi nhân duyên sẽ có khả năng mở rộng kiến thức của anh ta để hiểu về các hành động của bạn trong tương lai. Chẳng phải điều đó thật khó chịu sao?

Tuy nhiên, nếu tin vào ý chí tự do thì bạn thật sự không thể tin vào khoa học xã hội và dự đoán kinh tế. Bạn không thể dự đoán được hành động của mọi người. Dĩ nhiên trừ trường hợp nếu có một sự gian lận, và sự gian lận đó là mối ràng buộc, nơi mà môn kinh tế học tân cổ điển bị đình chỉ. Bạn chỉ đơn giản cho rằng hành động tương lai của các cá nhân sẽ dựa trên lý trí và do đó có thể dự đoán được. Có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa tính lý trí, khả năng dự đoán và khả năng kiểm chứng bằng toán học (mathematical tractability). Một cá nhân có lý trí sẽ thể hiện một chuỗi hành động riêng trong các bối cảnh cụ thể. Chỉ có duy nhất một câu trả lời cho câu hỏi về mức độ “lý trí” trong hành động của những người muốn thỏa mãn những mối quan tâm lớn nhất của mình. Người hành động theo lý trí phải là người nhất quán: họ không thể thích táo hơn cam, cam hơn lê, rồi lại thích lê hơn táo. Nếu họ làm thế, ta sẽ rất khó khái quát hóa hành vi của họ, và cũng khó dự đoán được hành vi của họ một cách kịp thời.

Minh họa 3

Một chuỗi mật độ phát triển của vi khuẩn (hoặc của sổ sách ghi chép bán hàng, hoặc của bất kỳ biến số nào được quan sát theo thời gian – như toàn bộ lượng thức ăn của con gà tây ở Chương 4).

Minh họa 4

Dễ dàng phù hợp với xu hướng đó – chỉ có duy nhất là một mô hình tuyến tính khớp với dữ liệu này. Bạn có thể dự đoán mô hình củng cố trong tương lai.

Minh họa 5

Chúng ta nhìn vào một tỷ lệ lớn hơn. Ồ! Các mô hình khác cũng rất khớp với nó.

Minh họa 6

Và “quá trình sinh sản” thật sự vô cùng đơn giản nhưng lại chẳng liên quan gì đến mô hình tuyến tính! Một số bộ phận của nó dường như là theo tuyến tính và chúng ta bị đánh lừa bởi cách ngoại suy trong một đường thẳng.

Trong kinh tế học chính thống, tính lý trí trở thành một sự trói buộc. Các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Plato bỏ qua thực tế là con người có thể thích làm điều gì đó hơn là tối đa hóa lợi ích kinh tế của mình. Điều này dẫn đến các kỹ thuật toán học như “tối đa hóa”, hay “tối ưu hóa”, mà theo đó Paul Samuelson đã xây dựng phần lớn các công trình của mình. Sự tối ưu hóa bao gồm việc tìm ra cách giải quyết tối ưu về mặt toán học mà một chủ thể kinh tế có thể theo đuổi. Ví dụ, đâu là số lượng “tối ưu” bạn nên dùng cho các cổ phiếu? Nó liên quan đến toán phức tạp (complicated mathematics) và do đó làm tăng rào cản đối với các học giả được đào tạo ngoài lĩnh vực toán học. Tôi không phải là người đầu tiên nói rằng sự tối ưu hóa này gây cản trở cho khoa học xã hội bằng cách hạ thấp nó từ lĩnh vực tư duy trí tuệ mà nó đang hình thành sang một nỗ lực ở mức “khoa học chính xác”. Với cụm từ “khoa học chính xác”, tôi muốn nói đến vấn đề công nghệ hạng hai đối với những người muốn giả vờ rằng họ thuộc khoa vật lý – cái gọi là sự đố kỵ với vật lý (physics envy). Nói cách khác, đó là trò gian lận trí thức.

Sự tối ưu hóa là một trường hợp về mô hình vô trùng (sterile modeling) mà chúng ta sẽ thảo luận thêm ở Chương 17. Mô hình này không có ứng dụng thực tiễn (hay lý thuyết) nào, do đó về nguyên tắc, nó trở thành một cuộc cạnh tranh cho các vị trí viện sĩ hàn lâm, một cách để mọi người cạnh tranh với mô hình sức mạnh toán học (mathematical muscle). Nó giúp giữ chân các nhà kinh tế học thuộc trường phái Plato tránh xa các hộp đêm và dành thời gian để giải các phương trình. Bi kịch đó là Paul Samuelson, một bộ óc nhanh nhạy, được cho là một trong những học giả thông minh nhất thuộc thế hệ của ông. Rõ ràng, đây là một trường hợp đầu tư chất xám hết sức tồi tệ. Cụ thể, Samuelson đã đe dọa những người chất vấn các kỹ thuật của mình bằng tuyên bố “Những người có khả năng, hãy làm khoa học, còn những người khác, hãy làm về phương pháp luận”. Nếu biết về toán học, bạn có thể “làm khoa học”. Đây là sự hồi tưởng của những nhà phân tâm học – những người đã khiến các nhà phê bình phải im lặng bằng cách buộc tội họ đang gặp rắc rối với thân sinh của mình. Than ôi, hóa ra chính Samuelson và hầu hết những người theo trường phái của ông đều không biết nhiều về toán học, không biết cách sử dụng phần toán học nào mà họ đã biết, cũng như cách ứng dụng nó vào thực tiễn. Họ chỉ có được một lượng kiến thức toán học đủ để trở nên mù quáng bởi chính nó.

Bi kịch thay, trước khi có sự phát triển của những nhà bác học ngốc nghếch mù kinh nghiệm, các nhà tư tưởng chân chính đã bắt đầu các công trình nghiên cứu thú vị, như công trình của J.M. Keynes, Friedrich Hayek, và Benoit Mandelbrot vĩ đại, tất cả các nhà tư tưởng này đều bị “hất cẳng” vì đã di chuyển kinh tế học ra khỏi sự chính xác của vật lý học hạng hai. Quá buồn. Một tư tưởng gia vĩ đại khác bị đánh giá thấp là G.L.S. Shackle, hiện tại hầu như hoàn toàn vô danh, người đã giới thiệu khái niệm “kiến thức chưa biết”, tức là những cuốn sách chưa được đọc trong thư viện của Umberto Eco. Hiếm khi thấy ai nhắc đến công trình của Shackle, và tôi đã phải mua những cuốn sách của ông từ những người bán sách cũ ở Luân Đôn.

Phần lớn các nhà tâm lý thực nghiệm thuộc trường phái tự nghiệm và thiên kiến đã cho thấy rằng, với tư cách là một mô tả về thực tế, mô hình hành vi lý trí dưới tình huống bất định không chỉ thiếu chính xác mà còn hết sức sai lầm. Các kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý này cũng khiến các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Plato băn khoăn vì chúng tiết lộ rằng có nhiều cách để trở nên không lý trí. Tolstoy nói rằng các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, trong khi mỗi gia đình bất hạnh lại có một kiểu bất hạnh riêng. Con người được chứng tỏ sẽ tạo ra các sai sót tương tự như việc thích táo hơn cam, thích cam hơn lê, rồi thích lê hơn táo, phụ thuộc cách mà họ nhận được những câu hỏi liên quan. Chuỗi sự kiện mới là điều quan trọng! Đồng thời, như chúng ta đã biết với ví dụ về sự neo đậu, các dự đoán về số lượng nha sĩ ở Manhattan sẽ bị ảnh hưởng bởi con số ngẫu nhiên nào mà chúng vừa được thể hiện – sự neo đậu. Nếu căn cứ theo tính ngẫu nhiên của sự neo đậu đó, chúng ta sẽ có tính ngẫu nhiên ở các dự đoán này. Vì thế, nếu mọi người đưa ra những lựa chọn và những quyết định không đồng nhất thì trọng tâm cốt lõi của quá trình tối ưu hóa kinh tế sẽ thất bại. Bạn không còn có thể tạo ra một “lý thuyết tổng quát”, và nếu không có lý thuyết tổng quát, bạn không thể nào dự đoán được.

Bạn phải học cách sống mà không cần có một lý thuyết tổng quát, hãy vì Chúa!

Hãy nhớ lại vấn đề của con gà tây. Bạn nhìn vào quá khứ và rút ra một quy tắc nào đó về tương lai. Đúng vậy, những rắc rối của việc dự đoán truy hồi quá khứ có thể còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đã học, bởi chính dữ liệu quá khứ đó có thể khẳng định một lý thuyết và điều trái ngược với lý thuyết đó! Nếu sống sót đến sáng mai, có thể là a) bạn có nhiều khả năng bất tử hoặc b) bạn càng đến gần cái chết hơn. Cả hai kết luận này đều dựa trên cùng một dữ liệu. Nếu là con gà tây đang được chăm sóc trong một thời gian dài, bạn có thể hoặc ngây thơ tin rằng việc chăm sóc đó khẳng định được sự an toàn của bạn hoặc cho rằng điều đó khẳng định nguy hiểm của việc bị biến thành bữa tối. Hành vi tâng bốc giả dối trước đây của một người quen có thể khẳng định tình cảm thật sự mà anh ta dành cho tôi và sự quan tâm của anh ta đối với lợi ích của tôi; nó cũng có thể khẳng định đức tính vụ lợi và tính toán của anh ta nhằm mục đích đoạt lấy công việc làm ăn của tôi vào một ngày nào đó.

Vì thế, không đủ có quá khứ có thể sai đường, mà còn có nhiều mức độ tự do trong cách chúng ta diễn giải về các sự kiện quá khứ.

Đối với phiên bản kỹ thuật của ý tưởng này, hãy xem xét một chuỗi các chấm tròn trên trang đại diện cho một con số theo thời gian – biểu đồ đó giống với Minh họa 1 về 1000 ngày đầu tiên ở Chương 4. Ví dụ, giáo viên trung học yêu cầu bạn mở rộng chuỗi chấm tròn đó. Với một mô hình tuyến tính, tức là sử dụng một thước đo, bạn chỉ có thể chạy được một đường thẳng, chỉ một đường thẳng từ quá khứ đến tương lai. Mô hình tuyến tính này là duy nhất. Chỉ có duy nhất một đường thẳng có thể vẽ từ một chuỗi các điểm. Nhưng bạn cần phải khéo léo hơn. Nếu không giới hạn mình trong một đường thẳng, bạn sẽ thấy rằng sẽ có một tập hợp lớn các đường cong – những đường cong có thể thực hiện việc kết nối các chấm tròn đó. Nếu vẽ từ quá khứ theo một đường thẳng, bạn tiếp tục được một xu hướng. Nhưng có thể sẽ xảy xa vô số độ lệch trong tương lai so với tiến trình của quá khứ.

Đây là những gì mà nhà triết học Nelson Goodman gọi là lối quy nạp: Chúng ta vẽ ra một đường thẳng bởi trong đầu chúng ta chỉ có mô hình thẳng – việc một con số đã tăng lên trong suốt 1000 ngày liền sẽ khiến bạn tin rằng nó sẽ còn tiếp tục tăng lên. Nhưng nếu bạn nghĩ đến một mô hình phi tuyến tính, khi đó có thể khẳng định rằng con số này phải giảm xuống vào ngày 1.001.

Ví dụ, bạn quan sát một viên lục ngọc. Hôm qua và hôm kia nó đều có màu xanh lục. Hôm nay nó cũng màu xanh lục. Và điều này sẽ giúp khẳng định thuộc tính “xanh lục” của nó chúng ta có thể cho rằng viên lục ngọc đó sẽ vẫn có màu xanh lục vào ngày mai. Nhưng đối với Goodman, lịch sử về màu sắc của viên lục ngọc đó cũng có thể khẳng định thuộc tính “grue” của nó. Vậy thuộc tính grue là gì? Thuộc tính grue của viên lục ngọc phải là xanh lục cho đến một ngày cụ thể nào đó, ví dụ ngày 31/12/2006, nó trở thành xanh dương và từ đó về sau sẽ mãi là xanh dương.

Lối quy nạp khó hiểu này là một phiên bản khác của lối liên tưởng ngụy biện – bạn đối mặt với vô số “câu chuyện” giải thích cho những điều mình đã nhìn thấy. Sự sắc bén trong lối quy nạp của Goodman là nếu không còn cách nào để “khái quát hóa” những điều mình nhìn thấy, để suy ra từ những điều không biết, bạn sẽ vận hành bằng cách nào? Rõ ràng, câu trả lời là bạn nên vận dụng “lý lẽ thông thường”, nhưng lý lẽ thông thường của bạn có thể không được phát triển tốt đối với các biến số Extremistan.

Bạn đọc được phép tự hỏi, vậy thì NNT này, việc quái gì chúng ta phải lên kế hoạch? Một số người làm như vậy vì tiền, số khác – vì đó là “công việc của họ”. Nhưng chúng ta cũng có thể thực hiện điều đó một cách tự phát mà không vì những ý định như thế.

Vì sao ư? Câu trả lời này có liên quan đến bản chất con người. Có lẽ quá trình lên kế hoạch xuất hiện cùng với tất cả những gì khiến chúng ta trở nên có tính người, cụ thể là ý thức của chúng ta.

Giả sử có một phương diện tiến hóa mà chúng ta cần có thể dự đoán các vấn đề trong tương lai, điều mà tôi sẽ tổng kết ngay đây, vì nó có thể là một lời giải thích hoàn hảo, một sự phỏng đoán hoàn hảo, tuy nhiên, vì có liên quan đến tiến hóa nên tôi sẽ thận trọng.

Ý tưởng mà nhà triết học Daniel Dennett đã phát triển có nội dung như sau: Đâu là phần sử dụng hiệu quả nhất trong bộ não của chúng ta? Đó chính là khả năng đưa ra các phỏng đoán trong tương lai và chơi trò suy nghĩ phản thực – “Nếu tôi đấm vào mũi anh ta, anh ta sẽ đấm ngay vào mũi tôi, hoặc tệ hơn, sẽ gọi điện cho luật sư của anh ta ở New York”. Một trong những lợi thế khi làm như vậy là chúng ta có thể để các phỏng đoán chết thay cho mình. Nếu được sử dụng đúng cách và thay cho những phản ứng theo bản năng, khả năng dự đoán đó sẽ giúp chúng ta tránh được việc lựa chọn tự nhiên tức thì – đối lập với các cơ quan nguyên thủy dễ chịu ảnh hưởng của cái chết và chỉ phát triển nhờ sự cải tiến trong nhóm gien thông qua việc lựa chọn loại gien tốt nhất. Giả sử, việc dự đoán cho phép chúng ta gian lận về sự tiến hóa: giờ đây, nó đang diễn ra trong đầu chúng ta, như một chuỗi các dự đoán và kịch bản phản thực.

Bản thân khả năng chơi trò chơi trí óc với các phỏng đoán, ngay cả khi nó giúp ta tránh được các quy luật tiến hóa, được cho là sản phẩm của sự tiến hóa – như thể sự tiến hóa đã buộc chúng ta vào một sợi dây xích dài trong khi các động vật khác sống nhờ vào sợi dây xích rất ngắn và phụ thuộc vào môi trường của chúng. Đối với Dennett, bộ não của chúng ta là “các cỗ máy dự đoán”; ông cho rằng trí óc và ý thức con người là những thuộc tính phát sinh, chúng cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của chúng ta.
 

Vì sao chúng ta lại lắng nghe các chuyên gia và các dự đoán của họ? Một thí sinh giải thích rằng xã hội dựa vào sự chuyên môn hóa, đúng hơn là sự phân chia kiến thức. Bạn không đăng ký vào trường y ngay khi gặp phải một vấn đề lớn về sức khỏe; sẽ ít mệt mỏi (và dĩ nhiên là an toàn hơn) khi hỏi ý kiến người đã từng làm việc đó. Các bác sĩ chịu lắng nghe người thợ cơ khí (không phải vì các vấn đề sức khỏe, mà chỉ khi nào xe của họ có sự cố); còn các thợ cơ khí lắng nghe bác sĩ. Chúng ta có xu hướng tự nhiên là lắng nghe các chuyên gia, ngay cả trong các lĩnh vực có thể chẳng có chuyên gia nào cả.

Chọn tập
Bình luận