Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Điểm Mù

Chương 1: Khoảng Cách Giữa Hành Vi Đạo Đức Mong Muốn Và Hành Vi Thực Tế

Tác giả: Max H. Bazerman - Ann E.Tenbrunsel
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý

“Vì lí do nào đó không thể giải thích, tôi biết thánh Peter sẽ không gọi tên tôi”

_“Viva La Vida”, Coldplay_

Nếu đặt trong thế so sánh với những độc giả khác của cuốn sách này, bạn nghĩ mức độ cư xử đạo đức của mình như thế nào? Thang điểm được xét là từ 0 – 100. Nếu bạn tin rằng mình là người có đạo đức nhất trong nhóm này, hãy tự cho mình 100 điểm. Còn nếu nghĩ rằng mình là người có đạo đức kém nhất trong nhóm, hãy tự cho mình điểm 0. Và 50 là mức điểm trung bình. Bây giờ, nếu bạn là một thành viên trong một tổ chức, hãy đánh giá tổ chức của bạn như sau: Dựa vào thang điểm từ 0 đến 100, tổ chức của bạn ở mức độ nào khi đặt trong tương quan so sánh với các tổ chức khác?

Bạn và tổ chức của bạn đã làm việc thế nào? Nếu bạn cũng giống hầu hết những người chúng tôi đã hỏi, số điểm của bạn sẽ cao hơn 50. Nếu tính trung bình số điểm của những người đang đọc cuốn sách này, chúng tôi đoán số điểm có thể khoảng 75. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề chính; như đã nói ở trên, số điểm trung bình có thể là 50. Vài người trong số bạn đang đánh giá chỉ số đạo đức của mình cao hơn so với những người khác.[1] Rất có thể hầu hết chúng ta đã đánh giá quá cao đạo đức của mình trên một phương diện nhất định nào đó. Trong thực tế, chúng ta chưa nhận thức được khoảng cách giữa mức độ cư xử đạo đức chúng ta nghĩ mình sẽ có được với cách hành xử của chúng ta trong thực tế.

Cuốn sách bạn đang cầm trên tay có mục đích cảnh báo về những điểm mù trong đạo đức để giúp bạn có thể nhận thức được sự khác biệt giữa con người bạn muốn trở thành và con người thật sự của bạn. Ngoài ra, bằng việc xóa đi những điểm mù về tổ chức và xã hội, bạn có thể thu hẹp khoảng cách giữa tổ chức bạn thực sự thuộc về và tổ chức trong lý tưởng của bạn. Những việc này sẽ lần lượt giúp tất cả chúng ta thu hẹp sự cách biệt giữa một xã hội chúng ta muốn được sống với một xã hội mà ở đó chúng ta tìm được bản thân mình. Nhờ vào sự phát triển của khái niệm đạo đức hành vi – một khái niệm mới dùng để xác định cách thức và nguyên nhân con người hành xử khi đối mặt với những tình huống tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi sẽ giúp bạn nhận ra được những điểm mù trong đạo đức và gợi ý những phương pháp để loại bỏ chúng.

Đạo đức hành vi: Một cách thức mới để hiểu biết hành vi phi đạo đức

Chúng ta hãy cùng xem xét hai ý kiến liên quan đến trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008:

Tình trạng suy thoái này không phải là hệ quả của thời kỳ suy thoái bình thường trong chu kì kinh doanh. Nó xảy ra bởi sự thiếu trách nhiệm và các quyết định yếu kém kéo dài từ Wall Street đến Washington cho đến tận Main Street[2].

_Tổng thống Barack Obama_

Đây là những sai lầm mang tính hệ thống, là sản phẩm tự nhiên của ngành ngân hàng trong một môi trường được hình thành từ lãi suất thấp và bãi bỏ quy định hơn là từ những trò hề của những kẻ lừa đảo và ngốc nghếch.

_Richard Posner_

Cùng đối tượng là cuộc khủng hoảng tài chính nhưng hai công dân nổi tiếng của thành phố lại có hai cách lý giải khác nhau. Người đầu tiên đổ lỗi cho “những kẻ xấu” – những người đang hoạt động trong hệ thống tài chính của chúng ta, người thứ hai cho rằng lỗi là ở hệ thống mà “những kẻ xấu” này đang hoạt động. Ai đúng? Cả hai đều đúng nhưng thậm chí nếu kết hợp hai ý kiến lại thì vẫn không phải câu trả lời hoàn chỉnh.

Phải chăng một vài cá nhân tham lam hoặc có ý đồ xấu đã góp phần vào cuộc khủng hoảng? Chắc chắn là như vậy! Như Tổng thống Obama đã nói, những người tư lợi cá nhân có dính líu đến hành vi bất hợp pháp đã gây ra cuộc khủng hoảng và những kẻ phạm tội này phải bị bắt. Phải chăng bất kỳ một hệ thống tài chính nào cũng được dự liệu sẵn là sẽ sản sinh ra hành động như vậy? Một lần nữa, điều đó là chắc chắn! Nhiều thể chế, luật lệ và những quy tắc cần được sửa đổi hơn bao giờ hết.

Điều còn thiếu trong những lời phân tích này là thực tế có hàng nghìn người đang thờ ơ một cách đáng trách. Họ nghĩ rằng những việc họ làm có vẻ như vô hại, họ không ý thức được sai trái của mình: người cho vay thế chấp chỉ mơ hồ hiểu rằng khách hàng không có đủ điều kiện tài chính để chi trả cho những ngôi nhà họ mong muốn, các nhà phân tích thì tạo ra những chứng chỉ bảo lãnh mà không hiểu hết phản ứng dây chuyền của sản phẩm, các thương nhân bán chứng khoán trong khi không nắm bắt được sự phức tạp của chứng khoán, các chủ ngân hàng cho vay quá nhiều và các nhà quản lý vì chịu ảnh hưởng từ những nỗ lực vận động hành lang và đóng góp cho chiến dịch của các ngân hàng đầu tư mà đưa ra các quyết định mang tính thiên vị. Cuộc khủng hoảng cũng liên quan đến vô số người đã nhận thức được hành vi phi đạo đức của người khác tuy nhiên có rất ít hoặc không có bất kì sự phản ứng nào vì cho rằng “Ai đó thông minh hơn mình hẳn đã hiểu mọi việc diễn ra như thế nào”, như Business Week suy đoán.[3]

Nhiều vụ bê bối diễn ra trong thiên niên kỉ mới đã làm sụp đổ lòng tin của chúng ta về những nhà lãnh đạo và cả việc kinh doanh. Dưới áp lực sống có đạo đức hơn, các tổ chức và các cơ quan tài chính đã cam kết những nỗ lực nhằm cải thiện và thực thi các hành vi đạo đức trong khuôn khổ của họ. Họ tiêu tốn hàng triệu đô-la vào các quy tắc ứng xử tập thể, các báo cáo nhiệm vụ dựa trên giá trị, thanh tra viên có đạo đức để đặt tên cho một vài kiểu đạo đức và chiến lược tuân thủ quản lý. Những nỗ lực khác có tính áp đặt hơn trong thực tế bao gồm cả Luật Sarbanes – Oxley được thông qua bởi Quốc hội Mỹ; những thay đổi về điều lệ để xác định Thị trường chứng khoán New York chi phối các công ty thành viên và những thay đổi trong cách thức các công ty kinh doanh tư nhân kết hợp và truyền tải tiêu chuẩn đạo đức đến cách ứng xử của nhân viên, cán bộ cũng như trừng phạt những hành vi thiếu đạo đức.

Mặc dù chúng ta ra sức ủng hộ mọi nỗ lực nhằm gia tăng các quyết định mang tính đạo đức cao hơn trong một tổ chức nhưng kết quả của chuỗi nỗ lực này hiển nhiên vẫn chưa đồng nhất. Một nghiên cứu có sức thuyết phục về việc đa dạng hóa chương trình đã chỉ ra rằng việc tạo ra các chương trình đa dạng – một sự cố gắng mang tính tổ chức để hướng tới những hành động đúng đắn – có tác động tiêu cực đến sự đa dạng của các tổ chức sau này.[4] Hơn nữa, những biện pháp can thiệp như vậy không có gì mới. Trong quá khứ, nhiều thay đổi tương tự đã được thực hiện để giải quyết sự vô ý thức về đạo đức. Bất chấp việc các hình thức can thiệp này đã tiêu tốn tới hàng nghìn đô-la, các vụ bê bối đạo đức mới vẫn tiếp tục diễn ra.

Tương tự, các chương trình củng cố đạo đức đã phát triển nhanh chóng tại các trường kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới và xếp hạng của các trường kinh doanh hiện nay thường đánh giá một cách rõ ràng độ phổ biến của việc rèn luyện đạo đức trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên tác dụng của các khóa học về đạo đức thường không lâu dài và các quy tắc danh dự của MBA (thường là một phần của chương trình học) trong một số trường hợp đã được chứng minh là không đem lại bất kì cải thiện rõ rệt nào trong các hành vi đạo đức. Thực tế, theo một khảo sát vào năm 2008 được chỉ đạo bởi viện Aspen, các sinh viên ngành quản trị kinh doanh càng cảm thấy ít được chuẩn bị để giải quyết các giá trị xung đột nếu thời gian họ ở trong trường càng lâu.[5]

Liệu việc tập hợp các cá nhân tham gia vào chương trình đào tạo đạo đức nghề nghiệp có giúp giải quyết được việc phát sinh các cuộc khủng hoảng tài chính đã và đang diễn ra hay không? Nếu chương trình đào tạo đạo đức được nhắc tới giống như những gì được dạy từ trước đến nay thì câu trả lời là không. Những nỗ lực can thiệp về đạo đức từ trước đến nay đã thất bại và sẽ tiếp tục thất bại bởi vì chúng được xây dựng trên một giả thiết sai lầm rằng mỗi cá nhân có thể nhận ra tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức khi nó xảy đến với họ. Việc rèn luyện đạo đức cho rằng nhấn mạnh tính đạo đức của các quyết định sẽ khuyến khích các nhà hành pháp chọn lựa đường lối có đạo đức. Nhưng giả định chung rằng các nhà hành pháp thi hành một cách rõ ràng việc cân bằng hai yếu tố: cư xử đạo đức và thu lợi nhuận cho tổ chức của họ lại chưa hoàn thiện. Mô hình này không nhìn nhận được những phản ứng tâm lý bẩm sinh của chúng ta khi đối mặt với một tình thế đạo đức khó xử.

Những phát hiện từ lĩnh vực đạo đức hành vi – một lĩnh vực tìm hiểu thực tế cách thức con người cư xử khi đối mặt với những tình huống khó xử về đạo đức – cung cấp những hiểu biết bổ sung vào lý giải của chúng ta về lý do tại sao con người thường hành động trái ngược với những ý định đạo đức tốt nhất của mình. Hành vi đạo đức của chúng ta thường mâu thuẫn, thậm chí đôi khi được cho là đạo đức giả. Trên thực tế, con người có khả năng bẩm sinh duy trì một niềm tin trong khi hành động thì ngược lại.[6] Hành động đạo đức giả xảy ra khi con người đánh giá về sự vượt quá giới hạn đạo đức của bản thân khác biệt đáng kể với những đánh giá về những vi phạm tương tự được gây ra bởi người khác. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được chia thành hai nhóm với cùng một điều kiện, người tham gia được yêu cầu phân phối một nguồn tài nguyên (như là thời gian hay năng lượng) cho bản thân và cho người khác và có thể phân bố một cách công bằng hoặc không công bằng. Những “người phân phối” sau đó đã được hỏi về việc đánh giá tính phù hợp với đạo đức về hành động của họ. Trong một điều kiện khác, người tham gia được xem những người khác hành động một cách không công bằng và sau đó đánh giá tính phù hợp về đạo đức của hành động này. Những cá nhân đã thực hiện sự phân phối không công bằng phản đối hành vi này ít hơn so với những người đã nhìn thấy người khác phạm phải vi phạm tương tự.[7] Tiêu chuẩn đôi phổ biến này – một quy tắc cho chính mình, quy tắc còn lại cho những người khác – phù hợp với khoảng trống thường tồn tại giữa việc chúng ta là ai và việc chúng ta nghĩ mình nên trở thành ai.

Những phương pháp truyền thống tiếp cận vấn đề đạo đức và những cách thức rèn luyện truyền thống đi kèm với những phương pháp này thiếu sự hiểu biết về các khuôn mẫu đạo đức dù không chủ ý nhưng có thể đoán trước sẽ dẫn đến hành vi phi đạo đức. Ngược lại, nghiên cứu của chúng tôi về tính phù hợp với đạo đức giới hạn tập trung vào các quá trình tâm lý khiến cho những người tốt tham gia vào hành vi gây tranh cãi về đạo đức, thậm chí là những hành vi trái ngược với quan điểm đạo đức tiêu chuẩn của họ. Các giới hạn đạo đức sẽ xuất hiện khi một cá nhân đưa ra quyết định có thể gây tổn hại cho người khác hoặc khi sự tổn hại đó mâu thuẫn với niềm tin và ý thức của những người đưa ra quyết định. Nếu việc rèn luyện đạo đức là để thực sự thay đổi và cải thiện việc đưa ra quyết định có đạo đức thì cần phải kết hợp hành động này với đạo đức hành vi và đặc biệt là những phương pháp tinh vi đặt đạo đức của chúng ta nằm trong khuôn khổ. Cách tiếp cận đó đòi hỏi sự hiểu biết về những cách tâm trí chúng ta có thể tiếp cận các tình huống đạo đức khó xử và các phương thức khác nhau trong việc ra quyết định.

Bằng góc nhìn cá nhân, chúng tôi không thể chắc chắn rằng liệu bạn có phải là người có đạo đức hay không nhưng mục đích của chúng tôi là cảnh báo bạn về các điểm mù ngăn chặn bạn nhìn thấy khoảng cách giữa hành vi thực tế và hành vi bạn mong muốn. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ cung cấp những bằng chứng quan trọng cho thấy sự đánh giá đạo đức của chúng ta được dựa trên các yếu tố ngoài nhận thức. Chúng tôi nghiên cứu các quá trình tâm lý tiềm ẩn đã tạo ra khoảng trống giữa mục đích và hành động cũng như vai trò của các tổ chức và môi trường chính trị trong việc mở rộng ranh giới này. Chúng tôi cũng cung cấp công cụ giúp hỗ trợ những quyết định đạo đức quan trọng với sự phản ánh nhiều hơn và ít thiên vị hơn ở cấp độ cá nhân, cấp độ tổ chức và cấp độ xã hội. Sau đó chúng tôi đưa ra những biện pháp can thiệp hiệu quả hơn có thể cải thiện đạo đức trong việc đưa ra quyết định ở một trong ba cấp độ này.

Bạn thì sao? Những ảnh hưởng của đạo đức Khoảng trống cho các cá nhân

Trong một cuộc khảo sát gần đây, hầu hết các nhà báo địa phương và trung ương bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng đa phần các phóng viên có đạo đức tốt hơn các chính trị gia họ nhằm vào. Ngược lại, hầu hết thành viên chính phủ và các nhà lãnh đạo kinh doanh khi được khảo sát, kể cả các thành viên trong Quốc hội lại cho rằng phóng viên cũng không có đạo đức hơn những đối tượng trong câu chuyện của họ. Vậy thì ai đúng? Tuy gần như không thể đi đến một kết luận khách quan nhưng rất nhiều các tài liệu nghiên cứu cách chúng ta quan niệm về bản thân đưa ra giả thuyết rằng cả hai nhóm trên đã quá đề cao quan điểm về lý tưởng đạo đức của riêng họ.

Một câu hỏi khác được đặt ra: CỰU NHÂN VIÊN tổng thống George W.Bush đã hành động một cách có đạo đức hay phi đạo đức khi ông quyết định xâm lược Iraq? Bạn đã trả lời câu hỏi này thế nào trong suốt những ngày đầu của cuộc chiến, khi sự việc trông như thể Mỹ đã “thắng”? Sự ưu tiên chính trị có thể tạo ra tính thiên vị cho câu trả lời này đến mức độ nào? Hầu hết mọi người tin rằng họ tương đối công bằng khi đánh giá hành vi của các viên chức dân cử. Tuy nhiên, ngay cả khi họ cố gắng nhớ lại quan điểm của mình vào thời điểm đưa ra quyết định, hầu hết họ đều bị ảnh hưởng bởi những điều họ đã biết về việc quyết định đã được đưa ra như thế nào. Sở thích và quan điểm của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá các tình huống khó xử về mặt đạo đức nhưng chúng ta lại không nhận ra điều này.

Ở điểm này, chúng tôi có thể đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho việc nhận định rằng những người khác đã quá đề cao quan điểm về lý tưởng đạo đức của riêng họ cũng như không hoàn toàn hiểu hết sự vận hành của chính tâm trí mình. Tuy vậy, bạn có thể vẫn còn hoài nghi liệu thông tin này có phù hợp với mình hay không. Thực tế, bạn có thể chắc chắn mình có đạo đức tốt như bạn vẫn luôn tin tưởng ở bản thân. Để kiểm chứng giả thiết này, hãy tưởng tượng bạn đã tình nguyện tham gia vào một thí nghiệm đòi hỏi bạn phải trả lời một số câu hỏi. Với mỗi câu trả lời đúng, bạn sẽ được thưởng một số tiền. Người thử nghiệm vô tình cho bạn biết rằng chương trình nghiên cứu có một nguồn tài trợ lớn và giải thích thêm một khi bạn hoàn thành công việc, bạn chỉ cần kiểm tra câu trả lời dựa theo một bảng đáp án, đếm số câu hỏi bạn trả lời đúng, hủy phiếu trả lời, báo cáo số câu hỏi bạn giải đáp chính xác cho người thử nghiệm và nhận lấy số tiền thưởng tương ứng với số câu trả lời bạn đã báo cáo.

Bạn sẽ trung thực báo cáo đúng số lượng câu đố giải quyết được cho người thử nghiệm hay bạn sẽ báo cáo một con số cao hơn?[8] Cần lưu ý rằng người thử nghiệm không có cách nào phát hiện ra nếu bạn đã gian lận. Mặc dù chúng tôi không biết liệu cá nhân bạn có gian lận trong việc này hay không nhưng chúng tôi chắc chắn rằng rất nhiều người có vẻ đàng hoàng đều gian lận – dù chỉ một chút. So với một nhóm các cá nhân không được phép hủy câu trả lời, những người được phép hủy báo lại số câu họ trả lời được nhiều hơn đáng kể so với những người đã không hủy. Những người gian lận có thể bỏ qua những câu bị lỗi do bất cẩn và vẫn tính đó là câu trả lời đúng nếu đáp án trùng khớp với suy nghĩ của họ hoặc họ cho rằng mình có thể giải quyết tốt hơn nhiều câu hỏi đó nếu có thêm 10 giây. Và khả năng họ gian lận sẽ tỉ lệ thuận với số tiền – giả sử là có – đặt trên mặt bàn vào thời điểm đó. Nghĩa là càng thấy nhiều tiền, họ sẽ càng có động cơ gian lận.[9] Trong trường hợp này, người tham gia có thể biện minh cho việc gian lận với lý do những người thử nghiệm có lắm tiền nhiều của. Nhiều bằng chứng cho thấy những người, trên lý thuyết, tin rằng họ trung thực và không bao giờ gian lận thì thực tế đã gian lận khi được trao một cơ hội để làm việc đó dễ dàng mà không sợ bị phát hiện. Những người này không bao giờ thừa nhận sự gian lận của mình, thay vào đó, họ rời cuộc thí nghiệm mà vẫn giữ được hình ảnh trong sạch.

Có ý kiến cho rằng việc chúng ta cảm nhận được khoảng cách giữa việc chúng ta là ai và chúng ta thực sự là ai có liên quan đến vấn đề giới hạn nhận thức. Giới hạn nhận thức đề cập đến xu hướng bỏ qua các thông tin quan trọng và cần thiết khi đưa ra quyết định của con người, thay vào đó là tùy tiện đặt ra các giới hạn làm rối khả năng nhận thức vấn đề của bản thân.[10] Giới hạn nhận thức dẫn đến thất bại có hệ thống trong việc xem xét thông tin liên quan đến đời sống cá nhân và trách nhiệm của chúng ta.

Hãy nhìn vào bức tranh 1. Bạn nhìn thấy gì? Bây giờ hãy chú ý vào con chó đốm đang đánh hơi trên mặt đất. Hầu hết mọi người không thấy con chó đốm khi nhìn lần đầu tiên. Tuy nhiên, một khi họ biết nó ở đó, họ dễ dàng nhìn thấy nó và sự thật là họ không thể nhìn vào bức tranh mà không chú ý đến sự hiện diện của nó.

Bối cảnh nền đen trắng của bức tranh làm chúng ta không chú ý đến con chó đốm cũng như môi trường làm việc tập trung vào lợi nhuận có thể ngăn cản chúng ta nhìn thấy những giá trị liên quan đến đạo đức trong hành động.

Hình 1: Ảnh thuộc bản quyền của Ronald C. James

Như những gì bức tranh về con chó đốm biểu hiện, chúng ta bị “giới hạn nhận thức”: nhận thức và việc đưa ra quyết định bị hạn chế theo những cách mà chúng ta không nhận ra. Ngoài việc là nạn nhân của sự giới hạn nhận thức, các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta cũng bị lệ thuộc vào sự giới hạn đạo đức hoặc những hạn chế có hệ thống về đạo đức giúp chúng ta đem lại lợi ích cho bản thân từ quyền lợi của người khác. Ví dụ, một đồng nghiệp của Ann có lần nói rằng cô quyết định không tiêm ngừa cho con của mình vì nhận thấy có mối liên kết tiềm tàng giữa vắc-xin và bệnh tự kỉ. Hiểu rằng người đồng nghiệp có quyền thực hiện quyết định này, Ann chỉ gợi ý rằng người đồng nghiệp có thể đang đặt quá nặng vấn đề rủi ro của vắc-xin nếu so sánh với các nguy cơ bệnh tật nghiêm trọng khác. Ann cũng đưa ra khả năng đồng nghiệp của cô đã chưa cân nhắc kỹ ảnh hưởng từ quyết định của mình lên người khác, đặc biệt là các trẻ em khác có thể bị tổn thương miễn dịch dẫn đến tử vong nếu mắc phải một căn bệnh phổ biến như bệnh đậu mùa từ những trẻ em chưa tiêm chủng. Vài ngày sau, đồng nghiệp của Ann nói rằng cô ấy đang cân nhắc lại quyết định không tiêm chủng cho con vì từ trước đến nay cô ấy chưa bao giờ nghĩ đến việc những đứa trẻ khác có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định của mình. Nghiên cứu tâm lý về những sai lầm của trí óc giúp giải thích tại sao cha mẹ có thể đặt nặng vấn đề rủi ro khi tiêm phòng vắc- xin khi so sánh với các nguy cơ bệnh tật khác nếu là vì lợi ích của con cái họ. Hiểu rộng hơn, giới hạn đạo đức có thể giải thích vì sao các bậc phụ huynh lại xem nhẹ yếu tố đạo đức trong hành động của mình – như việc đặt những đứa trẻ khác vào nguy hiểm – mà không hề nhận ra. Chúng ta sẽ tìm hiểu bằng cách nào những xu hướng tâm lý này lại tạo ra kiểu hành vi thiếu đạo đức một cách ngẫu nhiên.

Cuốn sách của triết gia Peter Singer Cứu lấy cuộc sống: Hành động bây giờ để chấm dứt đói nghèo cung cấp tài liệu phong phú về việc giới hạn nhận thức ngăn cản lòng từ thiện và thậm chí cả sự tự nguyện nghĩ về những vấn đề liên quan đến đạo đức.[11] Ông mở đầu cuốn sách bằng vấn đề sau:

Trên đường đến nơi làm việc, bạn đi ngang qua một cái ao nhỏ. Thỉnh thoảng, vào những ngày nóng nực, trẻ em vẫn đến chơi ở ao vì mực nước của ao chỉ đến bắp chân chúng. Hôm nay thời tiết mát mẻ, tuy nhiên, trời vẫn còn khá sớm, vì vậy bạn ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ đang nghịch nước trong hồ. Khi đến gần hơn, bạn thấy đó chỉ là một đứa bé mới biết đi, đang vùng vẫy và không thể đứng thẳng hoặc bước ra khỏi hồ. Bạn tìm kiếm cha mẹ hoặc người giữ trẻ nhưng không có ai xung quanh. Cùng lúc đó đứa bé cũng không thể cố giữ đầu cao hơn mực nước được nữa. Nếu bạn không lội xuống và kéo đứa bé ra, nó rất có thể sẽ chết đuối. Lội xuống rất dễ dàng và an toàn nhưng bạn sẽ làm hỏng đôi giày mới mua vài ngày trước đó và làm cho quần áo ướt và lấm bẩn. Nếu bạn cứu đứa bé, đem nó về với người thân của nó rồi về thay quần áo, bạn sẽ bị trễ giờ làm. Bạn nên làm gì?

Singer lưu ý rằng hầu hết mọi người coi đây là một vấn đề dễ giải quyết. Rõ ràng, bất cứ ai cũng nên nhảy vào và cứu đứa bé bởi nếu không làm như vậy sẽ là không có lương tâm. Sau đó Singer tiếp tục diễn tả một thử thách được một người đàn ông ở Ghana kể lại:

Lấy cái chết của cậu bé sáng nay làm ví dụ. Cậu bé đã chết vì bệnh sởi. Chúng ta đều biết cậu bé có thể được chữa trị tại bệnh viện. Nhưng cha mẹ cậu bé không có tiền và vì vậy cậu bé đã phải chịu rất nhiều đau đớn và chết dần chết mòn không phải vì bệnh sởi mà là vì nghèo khổ. Hãy nghĩ đến việc một ngày có tới 270.000 trường hợp tương tự. Một số trẻ em chết vì thiếu thức ăn. Một số khác như cậu bé ở Ghana chết vì bệnh sởi, sốt rét, tiêu chảy và viêm phổi, tình trạng đó không tồn tại ở những nước phát triển hoặc nếu có, chúng cũng hầu như không bao giờ gây tử vong. Trẻ em dễ bị tổn thương bởi những căn bệnh này là do chúng không có nước sạch để uống hoặc không có nơi ở hợp vệ sinh và khi chúng mắc bệnh, cha mẹ chúng không thể chi trả cho việc điều trị y tế. UNICEF, Oxfam và nhiều tổ chức khác đang hoạt động để giảm bớt nghèo đói, cung cấp nước sạch và các chương trình chăm sóc y tế cơ bản và những nỗ lực này đang cải thiện tình hình một cách rõ rệt. Nếu các tổ chức cứu trợ có nhiều tiền hơn, họ có thể làm nhiều hơn và cứu được nhiều sinh mạng hơn.

Nhiều người nói rằng không thể so sánh hai chuyện hoàn toàn khác nhau như vậy nhưng hầu hết mọi người cảm thấy không thoải mái khi đọc câu chuyện thứ hai. Thực tế, hai câu chuyện này khá giống nhau ngoại trừ một khác biệt. Trong câu chuyện thứ nhất, bạn có khả năng nhận ra khoảng cách giữa những gì bạn nên làm và những gì bạn thật sự làm: bạn nên cứu cậu bé, và nếu không làm, rõ ràng là bạn sẽ cắn rứt lương tâm. Trong ví dụ thứ hai, những điểm mù đạo đức chắc chắn xuất hiện. Hầu hết mọi người cảm thấy xấu hổ nếu họ biết họ đã thất bại trong việc cứu một mạng sống mà chỉ cần một số tiền tương đối nhỏ nhưng đa phần chúng ta đều làm đúng như vậy. Chúng tôi sẽ tìm hiểu khuynh hướng tâm lý tạo ra những điểm mù này và đề xuất những phương pháp loại bỏ chúng.

Một ví dụ khác, lấy trường hợp của Bernard Madoff[12]. Trong suốt ba thập kỷ qua, kế hoạch Ponzi[13] của Madoff đã tạo ra những tổn thất to lớn: hơn 15000 yêu cầu bồi thường thiệt hại trị giá gần 300 triệu đô-la và 64,8 tỷ đô-la lợi nhuận bị xóa sổ. Madoff bán hầu hết các khoản đầu tư của mình thông qua trung chuyển vốn, trong khi các quỹ trung chuyển không làm gì khác hơn là chuyển càng nhiều tiền thu được sang Madoff. Những người trung gian thường kiếm được một khoản hậu hĩnh nhờ phần trăm trích từ những quỹ đã đầu tư cộng với 20% từ bất kì lợi nhuận đầu tư nào thu được. Vì vậy, cũng như Madoff tuyên bố về mức độ thành công của mình, các quỹ trung chuyển ngày càng giàu có.

Rõ ràng Madoff là một kẻ lừa đảo và hành vi gian dối có mục đích của ông ta không liên quan đến chủ đề (hành vi thiếu đạo đức không chủ đích) của cuốn sách này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bị thu hút bởi những hành vi gây hại của người khác trong câu chuyện – những người không có ý định làm tổn hại những nạn nhân ngẫu nhiên của Madoff. Nhiều nhà phân tích giờ đây đã kết luận rằng việc cải thiện tất cả thị trường như Madoff đã từng là không thể thống kê. Các nhà quản lý của các quỹ trung chuyển có biết rằng Madoff đang thực hiện kế hoạch Ponzi hay họ chỉ đơn giản không nhận ra rằng để việc làm của Madoff đạt được mức ban đầu và ổn định là điều không thể? Nhiều bằng chứng cho thấy nhiều quỹ trung chuyển có những dấu hiệu sai phạm nhưng nhà quản lý lại thiếu động lực để điều tra bằng chứng có sẵn. Ví dụ, Rene-Thierry Magon de la Villehuchet, một hậu duệ của giới quý tộc Châu Âu và là giám đốc điều hành của Access International Advisors và Marketers đã đầu tư tiền của mình, tiền của gia đình và tiền của các khách hàng châu Âu giàu có cho Madoff. Ông đã được cảnh báo nhiều lần về Madoff và nhận được nhiều bằng chứng cho thấy việc thu được lợi nhuận từ Madoff là không thể nhưng ông vẫn làm ngơ. Hai tuần sau Madoff đầu hàng chính quyền, để lại Villehuchet đã tự sát trong văn phòng của mình tại New York.

Đây là ví dụ cuối cùng của dạng điểm mù tâm lý có ảnh hưởng đến chúng ta. Trong thí nghiệm có lẽ là nổi tiếng nhất về tâm lý học, Stanley Milgram đã chứng minh rằng con người có thể tham gia vào hành vi thiếu đạo đức để hoàn thành nghĩa vụ của mình với chính quyền. Mỗi người tham gia trong nghiên cứu của Milgram đóng vai trò là “giáo viên”, trong khi một người hợp tác nghiên cứu (đã được đào tạo bởi người thử nghiệm) đóng vai là “học trò”. Người học trò đóng vai một kế toán 47 tuổi. Giáo viên và học trò được cách ly, chẳng hạn giáo viên không thể nhìn thấy học trò. Giáo viên được nói rằng công việc của ông ta là điều chỉnh những cú sốc điện có cường độ tăng dần, dao động từ 15 vôn đến 450 vôn khi người học trò mắc sai lầm.

Người học trò đã mắc sai sót trong công việc và người hợp tác cần điều chỉnh những cú sốc điện. Lên đến gần 150 vôn, những tiếng lẩm bẩm thỉnh thoảng phát ra từ phía bên kia bức tường nơi người học trò đứng (trên thực tế, người học trò không bị sốc điện, anh ta chỉ diễn như vậy). Đến 150 vôn, người học trò hét lên đau đớn và yêu cầu muốn dừng thí nghiệm lại. Nếu giáo viên từ chối tiếp tục thí nghiệm, người điều hành sẽ khăng khăng rằng phải tiến hành thí nghiệm đến phút cuối cùng. Từ 150 đến 300 vôn, giáo viên nghe người học trò cầu xin được thả ra và than phiền về tình trạng tim của mình. Ở 300 vôn, người học trò đập mạnh vào tường và yêu cầu được thả ra. Trên 300 vôn, người học trò đã hoàn toàn im lặng.

Milgram đã khảo sát các nhà tâm thần học, nghiên cứu sinh, các giảng viên môn khoa học hành vi, sinh viên năm hai và những người thuộc tầng lớp trung lưu về kỳ vọng của họ trong việc những người tham gia nghiên cứu đóng vai trò là giáo viên sẽ phản ứng thế nào trong cuộc nghiên cứu. Những người trả lời khảo sát đã dự đoán rằng gần như tất cả giáo viên sẽ từ chối vượt quá mức 150 vôn và chỉ có một trong hàng nghìn người tham gia sẽ đi đến mức 450 vôn. Tuy nhiên, trong thí nghiệm thực tế, 65% số người đóng vai “giáo viên” đẩy cường độ dòng điện lên 450 vôn.[14] Những kết quả gây ấn tượng mạnh mẽ này cho thấy hành vi đạo đức thực tế của chúng ta khác biệt rõ ràng với mong đợi của chúng ta về hành vi của mình. Nhiều giáo thừa nhận rằng mặc dù họ thấy khó chịu và tức giận trong suốt quá trình nghiên cứu, họ vẫn báo cáo kết quả lên các chuyên gia của cuộc thử nghiệm.

Nghiên cứu của Milgram được nhân rộng lên nhiều lần với hơn 1000 người tham gia. Mặc dù ngày nay thí nghiệm đầy đủ không được nhân rộng đã đưa đến những quy định nghiêm ngặt hơn rất nhiều về việc xử lý đối tượng thí nghiệm nhưng một bản sao gần đây cho thấy 70% những người tham gia nghiên cứu hiện thời vẫn sẵn sàng đẩy mức sốc điện lên tới 150 vôn.[15] Ngoài ra, vào năm 2010, các nhà sản xuất bộ phim tài liệu của Pháp đã mời mọi người tham gia một trò chơi thử nghiệm trên truyền hình có tên Trò chơi của cái chết – một chương trình giả tưởng. Không ai biết những người tham gia. Trước khi bắt đầu, 80 người tham gia ký kết hợp đồng đồng ý gây sốc điện lên các thí sinh khác. Với những camera ghi hình cùng sự khuyến khích của đám đông và người dẫn chương trình, 46 trong số 80 người tham gia đã gây ra những cú sốc điện nghiêm trọng đủ để một người đàn ông (thật ra là một diễn viên) trông như đã chết. Sau đó, một trong số những người tham gia thừa nhận rằng cô đã làm theo chỉ thị mặc dù ông bà của cô đã từng là nạn nhân của nạn tàn sát hàng loạt người Do Thái.[16]

Một phân tích mới đây của Pat Werhane, Laura Hartman, Bud- han Parmar và Dennis Moberg xem xét lại những thí nghiệm của Milgram đã sử dụng một thấu kính tương tự như cái chúng ta sử dụng trong cuốn sách này.[17] Thay vì tin rằng những người tham gia nghiên cứu đã đưa ra một quyết định có nguy cơ làm tổn hại đến người học viên chỉ vì tuân theo chỉ thị của người điều hành, nhóm nhiên cứu này lập luận rằng các giáo viên trong thí nghiệm có hệ thần kinh không bình thường. Quá tập trung làm theo các hưởng dẫn của người thử nghiệm, nhiều người tham gia nghiên cứu đã không nhận thức được đây là tình huống khó xử về mặt đạo đức.

Nhằm giúp bạn khám phá ra những khoảng trống về đạo đức, chúng tôi sẽ đặt bạn vào các quy trình tâm lý tạo ra điểm mù. Quan trọng hơn, chúng tôi xác định những chiến lược hiệu quả giải thích cho các quá trình tâm lý – bao gồm những ảnh hưởng của sự thúc đẩy và học cách đánh giá cũng như rút ra bài học chính xác từ hành vi trước đó. Bằng việc loại bỏ các điểm mù thông thường, bạn có thể học cách làm những gì bạn nghĩ là đúng với sự suy xét cẩn thận hơn.

Còn về tổ chức của bạn? Những ảnh hưởng của kẽ hở đạo đức đối với những tổ chức

Vì những thảm họa tiềm tàng trên diện rộng, những kẽ hở đạo đức ở cấp độ cá nhân trở nên phức tạp hơn khi xem xét ở cấp độ tổ chức. Một ví dụ thuyết phục là vụ nổ năm 1986 của tàu con thoi Challenger sau khi nó được phóng ở mức nhiệt thấp nhất trong lịch sử.[18] Những phân tích postcrash trên phạm vi rộng ghi nhận vụ nổ xảy ra bởi vì một vòng đệm của một trong những tên lửa đẩy đã không được đóng kín ở nhiệt độ thấp.

Ngày 27 tháng 1 năm 1986, đêm trước khi phóng tàu con thoi, các kỹ sư, quản lý của NASA và của nhà thầu sản xuất tàu con thoi Morton Thiokol đã gặp mặt để thảo luận về độ an toàn khi phóng tàu Challenger ở nhiệt độ thấp. Trong bảy trường hợp trên tổng số hai mươi bốn chương trình phóng tàu con thoi trước đây, vấn đề với vòng đệm đã được phát hiện. Giờ đây, dưới áp lực thời gian khắc nghiệt, các kỹ sư của Morton Thiokol đã khẩn trương cùng nhau lắp ráp con tàu. Họ đã khuyên cấp trên và nhân viên của NASA không được phóng tàu con thoi ở nhiệt độ thấp vì vòng đệm có vấn đề.

“Nhân viên NASA đã phản đối khuyến cáo không được khởi động của chúng tôi.” Roger Boisjoly, một kỹ sư của Morton Thiokol đã tham gia cuộc họp kể lại.[19] Đáp lại thái độ phản ứng tiêu cực của NASA với lời kiến nghị không được phóng tàu, giám đốc của Morton Thiokol yêu cầu tổ chức một buổi họp kín. “Như [giám đốc NASA] Larry Mulloy đưa ra kết luận”, Boisjoly, giám đốc Morton Thiokol viết, “Joe Kilminster yêu cầu một cuộc họp kín 5 phút để đánh giá lại các dữ liệu và tổng giám đốc của chúng ta, Jerry Ma- son, nói với giọng nhẹ nhàng: “Chúng ta phải đưa ra quyết định khôn ngoan.”

Trong phiên họp kín sau đó, “Không ai trong ban quản trị muốn bàn luận về sự thật”, Boisjoly nổi giận viết.[20] Theo ông, cấp trên chủ yếu tập trung vào việc làm hài lòng khách hàng, NASA vốn đã đặt Morton Thiokol vào tình thế phải chứng minh việc phóng tàu con thoi là không an toàn chứ không phải là đưa ra những lý do điển hình để không phóng tàu cho tới khi có bằng chứng rõ ràng về mức độ an toàn[21] “Các giám đốc đang nỗ lực để lập một danh sách dữ liệu để hỗ trợ quyết định vận hành”, Boisjoly viết, “nhưng không may cho họ, dữ liệu đã nghiêng về quyết định không vận hành.”[22] Chống lại sự phản đối từ các kỹ sư của mình, bốn quản lý thâm niên của Morton Thiokol hiện thời đã bỏ phiếu đề xuất vận hành. Họ đã đưa đề xuất cho NASA và nhanh chóng được chấp nhận.

Có lẽ điểm đáng chú ý nhất của câu chuyện là dữ liệu mà các kỹ sư phân tích khi cố gắng xác định xem liệu nhiệt độ có liên quan đến lỗi vòng đệm hay không. Các kỹ sư của NASA và Morton Thiokol tranh cãi về vai trò của nhiệt độ dựa trên thực tế là tình trạng nhiệt độ thấp đã xảy ra nhiều lần trong bảy lần phóng khi có vấn đề về vòng đệm. Nhiều người trong số các kỹ sư của cả hai bên đều không thấy được dấu hiệu có thể quan sát rõ ràng nào liên quan đến vòng đệm. Đây là những kỹ sư giàu kinh nghiêm được đào tạo về phân tích một cách nghiêm ngặt. Họ đủ năng lực để tìm hiểu liệu nhiệt độ bên ngoài có liên quan đến việc hỏng động cơ hay không, họ nên kiểm tra mức nhiệt độ ở cả trường hợp an toàn và không an toàn. Tuy nhiên không ai ở NASA hay Morton Thiokol hỏi về nhiệt độ trong mười bảy lần phóng trước đó, những lần mà lỗi về vòng đệm không xảy ra. Một cuộc kiểm tra tất cả dữ liệu cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa nhiệt độ và lỗi vòng đệm cao su và rằng tàu Challenger có đến 99% khả năng sẽ thất bại. Nhưng vì các kỹ sư bị gượng ép trong suy nghĩ, họ chỉ nhìn vào các dữ liệu có sẵn và không hề chú ý tới mối liên quan này.

Sự thất bại của các kỹ sư NASA và Morton Thiokol trong việc nhìn ra ngoài ranh giới dữ liệu trong phòng là một sai sót dẫn đến việc bảy phi hành gia phải mất mạng và gây cho chương trình không gian tổn thất nghiêm trọng. Việc những người đưa ra quyết định mắc sai lầm bởi hạn chế trong phân tích của họ – chỉ bó hẹp với các dữ liệu trong phòng hơn là yêu cầu dữ liệu nào sẽ giải đáp tốt nhất câu hỏi được đặt ra là khá phổ biến. Những người đưa ra quyết định đã mắc sai lầm phổ biến trong việc giới hạn đạo đức: tiến về phía trước quá nhanh với thông tin có sẵn hơn là ưu tiên đặt câu hỏi dữ liệu nào liên quan đến việc trả lời câu hỏi được đặt ra và cân nhắc xem liệu quyết định sẽ ảnh hưởng đến tình huống hoặc những người liên quan như thế nào.

Khoảng trống đạo đức của một tổ chức không chỉ là tổng thể những khoảng trống đạo đức cá nhân của nhân viên. Làm việc theo nhóm hoặc theo liên minh các tổ chức tạo ra thêm những kẽ hở đạo đức. Tư duy tập thể – xu hướng để các nhóm liên kết tránh được một sự đánh giá thực tế về đạo đức thay vì hành động có lợi cho tập thể – có thể ngăn ngừa việc các nhóm đối mặt với những quyết định không chắc chắn như trường hợp quyết định phóng tàu Challenger của NASA.[23]

Ngoài ra, ranh giới chức năng ngăn cản các cá nhân nhìn nhận vấn đề như một người có đạo đức. Các tổ chức thường phân đoạn các quyết định trong các nhóm cụ thể hoặc phân tán các khía cạnh khác nhau của một quyết định đến các bộ phận khác nhau trong tổ chức. Kết quả là tình trạng khó xử điển hình về đạo đức có xu hướng được nhìn nhận như một vấn đề về kỹ thuật, tiếp thị hoặc tài chính, ngay cả khi mối liên hệ đạo đức là hiển nhiên đối với các nhóm khác. Tổng giám đốc Morton Thiokol, Jerry Mason đã quyết định xem xét câu hỏi liệu khởi động tàu Challenger có là một “quyết định khôn khéo”. Quan điểm này cho phép ông ta và những người khác tại cuộc họp cuối cùng chuẩn bị cho việc phóng tàu và xem nhẹ các khía cạnh đạo đức của vấn đề như có thể bỏ qua việc mạng sống của con người bị đe dọa. Việc xem nhẹ này khiến nhân viên đưa ra các quyết định có vẻ vô hại không nhận ra quyết định của mình có ảnh hưởng tới người khác nhiều như thế nào. Chỉ khi ranh giới được loại bỏ, tầm quan trọng của đạo đức trong các quyết định mới trở nên rõ ràng. Trang bị hiểu biết về lý do tại sao có sự suy đồi đạo đức, nhân viên có thể khám phá những giá trị quyền lực có thể ảnh hưởng đến hành vi của bản thân và chẩn đoán hiệu quả những “hố” lương tâm trong tổ chức của họ.

Còn về xã hội? Những hệ lụy của kẽ hở đạo đức đối với xã hội

Quyết định chính sách có thể là tập hợp các quyết định quan trọng nhất của chúng ta trong xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, những điểm mù có thể đóng vai trò chủ động, bất thường mà chính ta cũng không có nhận thức rõ ràng về chúng.[24] Ví dụ, xem xét trường hợp hiến nội tạng mà Max đã viết phỏng lại với các đồng nghiệp:[25]

Bạn thích lựa chọn nào hơn?

A. Nếu bạn chết trong một tai nạn, tim và những bộ phận khác của bạn sẽ được sử dụng để cứu những mạng sống khác. Ngoài ra, nếu bạn cần cấy ghép nội tạng thì sẽ có 90% cơ hội bạn nhận được nội tạng.

B. Nếu bạn chết trong một tai nạn, bạn sẽ được chôn với tim và những bộ phận khác trên người bạn. Ngoài ra, nếu bạn cần cấy ghép nội tạng, bạn sẽ có 45% cơ hội nhận được nội tạng.

Hầu hết chúng ta có phản xạ ưu tiên cho lựa chọn A. Đó là một lựa chọn tốt, bởi vì nếu hệ thống hiến tạng Mỹ có một lựa chọn tương tự như A thì có thể cứu đến 6000 mạng người mỗi năm chỉ riêng ở Mỹ – gần gấp đôi số người thiệt mạng trong vụ tấn công 11/9. Tuy nhiên, Mỹ lại đi theo một chính sách hiến nội tạng giống lựa chọn B nhiều hơn. Tại sao lại như vậy? Ở Mỹ, nếu bạn chết trong một tai nạn và không đưa ra quyết định rõ ràng nào về thân thể của mình, bạn sẽ được chôn (hoặc hỏa táng) cùng với nội tạng còn nguyên vẹn. Con nếu bạn muốn hiến tạng, bạn cần chủ động chọn lựa tham gia một hệ thống tài trợ (điển hình khi bạn gia hạn giấy phép lái xe). Ngược lại, ở nhiều nước châu Âu, nếu bạn không có quyết định rõ ràng về việc hiến tạng, các bác sĩ có thể cắt bỏ các bộ phận còn dùng được để cấy ghép. Ở những quốc gia này, bạn cần chủ động không tham gia vào hệ thống nếu bạn muốn giữ lại nội tạng sau khi chết. Trong cả hai trường hợp, bạn đều có một lựa chọn, giả sử bạn suy nghĩ và chọn giải pháp cho phù hợp thì lựa chọn mặc định lại không giống nhau. Hệ thống lựa chọn tham gia cơ bản tạo ra lựa chọn B, trong khi hệ thống lựa chọn không tham gia cơ bản tạo ra lựa chọn A.

Như hình vẽ số 2 cho thấy, lựa chọn mặc định dẫn tới những sự khác biệt to lớn và khủng khiếp trong tỉ lệ hiến tạng giữa các bang. Còn ở Mỹ? Tỉ lệ hiến tạng đạt 44%, một kết quả khá tốt cho một nước lựa chọn tham gia nhưng lại là một kết quả khủng khiếp so với những gì có thể đạt chỉ bằng một sự thay đổi đơn giản trong tâm trí. (Trong trường hợp bạn đang tự hỏi tại sao tỉ lệ cho phép hiến tạng của Thụy Điển thấp hơn so với các quốc gia không tham gia khác, đó là vì Thụy Điển đem lại cho những người thân còn sống của những người đã chết một cơ hội lớn hơn để từ chối hiến tạng).

Hình 2: Tỉ lệ hiến tạng của các nước ở châu Âu. Thuộc bản quyền của E. J. Johnson và D. Goldstein (2003), “Do Defaults Save Lives?” (Tạm dịch: Sự vắng mặt của pháp luật có cứu được mạng sống hay không?). Tài liệu được công bố với sự cho phép của AAAS.

Con số về mạng người có khả năng được cứu ở Mỹ – 6000 người mỗi năm – từ một thay đổi đơn giản trong luật pháp là một ví dụ sâu sắc về vai trò của xã hội trong việc tạo nên và duy trì các điểm mù. Trong khi có thể có những người sáng suốt, chân thực phản đối việc hiến tạng vì những lí do tôn giáo hoặc đạo đức, trọng tâm của chúng tôi là về số lượng lớn công dân và những nhà lãnh đạo sẽ ưu tiên lựa chọn A và họ cũng sẽ ủng hộ khi đất nước tiếp tục phải sử dụng đến lựa chọn B.

Là một phần của xã hội, tất cả chúng ta muốn các cá nhân và tổ chức đại diện cho chúng ta cư xử một cách có đạo đức. Tuy nhiên những người đưa ra quyết định ảnh hưởng tới xã hội có xu hướng không nhận thức được những điểm mù ngăn cản họ làm điều đó. Hay xem xét một câu chuyện liên quan đến thẩm phán Antonin Scalia ở Tòa án tối cao. Vào tháng 3 năm 2004, Tổ chức Sierra đã đệ đơn yêu cầu Scalia không tham gia vào việc xét xử vụ Cheney v. U.S District Court với lí do Scalia đã đi săn vịt ở Louisiana với Phó Tổng thống vào tháng giêng năm 2004. Tòa án tối cao đang xét xử vụ án và buộc ông Cheney phải cung cấp thông tin về lực lượng năng lượng đặc nhiệm ông ta chỉ huy trong khi chính quyền Bush đang xây dựng chính sách về môi trường. Tổ chức Sierra đã đưa ra những bằng chứng rõ ràng rằng tình bạn giữa Scalia và Cheney có thể ảnh hưởng đến việc xét xử của Scalia. Nhưng Scalia từ chối đứng ngoài vụ việc; ông khẳng định rằng tình bạn của ông với Phó Tổng thống sẽ không bóp méo sự phán xét của mình và không vi phạm các quy định về xung đột lợi ích của Tòa án tối cao. “Nếu để người ta nghĩ rằng một thẩm phán của Tòa án tối cao có thể bị mua chuộc dễ dàng”, Scalia bình luận, “thì đất nước đang gặp rắc rối lớn hơn tôi tưởng tượng.”[26]

Những bình luận của Scalia cho thấy ông từ chối hoặc không nhận thức được bằng chứng rõ ràng về các khía cạnh tâm lý của xung đột lợi ích. Thậm chí các khía cạnh này gây nhiều phiền toái hơn sự thiếu hiểu biết những quy định của Tòa án tối cao, thứ mà giống như hầu hết các nguyên tắc và luật lệ nhằm bảo vệ chống lại các xung đột lợi ích, phòng chống tham nhũng có chủ ý.[27] Tuy nhiên hầu hết các trường hợp tham nhũng và hành vi phi đạo đức nói chung là không có chủ ý – đó là một sản phẩm của giới hạn đạo đức và sự xem nhẹ khía cạnh đạo đức của vấn đề. Vì lý do này, những quy định của pháp luật về hành vi cố ý tham nhũng được sử dụng tương đối ít để bảo vệ xã hội.

Giới hạn đạo đức: Những ảnh hưởng ở ba trình độ phân tích

Những tác động từ sự thất bại trong việc xem xét các giới hạn đạo đức trở nên phức tạp khi chúng ta xem xét cả ba cấp độ – cá nhân, tổ chức và xã hội cùng một lúc. Hãy xem xét câu chuyện sau đây:

Tưởng tượng rằng bạn 55 tuổi và vừa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu. Bạn tìm hiểu tất cả lựa chọn điều trị có sẵn, tham khảo ba bác sĩ xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau và nhanh chóng nhận ra rằng bạn đang phải đối mặt với quyết định quan trọng nhất của cuộc đời. Các bác sĩ phẫu thuật đề xuất bạn thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u. Các chuyên gia X-quang cho rằng bạn nên tiêu trừ khối u bằng bức xạ. Bác sĩ vi lượng tin rằng bạn nên sử dụng thuốc và chờ đợi để xem căn bệnh ung thư tiến triển ra sao. Làm thế nào mà ba bác sĩ nổi tiếng lại giới thiệu những cách điều trị khác nhau như vậy?

Trong hồi ký của mình, Swimming Across, Andy Grove, CỰU NHÂN VIÊN chủ tịch của Intel, đã miêu tả cách mình đối mặt với vấn đề này khi ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt vào năm 1995. Grove có các nguồn lực tài chính và các lợi thế khác để tìm cách chữa trị tốt nhất có thể. Ông bắt đầu cuộc họp với các bác sĩ hàng đầu đại diện cho một trong ba quy trình điều trị đã được khuyến cáo với mình. Mỗi bác sĩ đều khuyến cáo một cách mạnh mẽ rằng Grove nên sử dụng phương pháp điều trị mà họ đưa ra và họ sẽ cố gắng hết sức để thực hiện quy trình điều trị hoàn hảo.[28]

Cốt lõi của vấn đề này là một tình trạng khó xử về đạo đức. Giả sử mỗi bác sĩ có khả năng nhìn nhận vấn đề về việc cho bệnh nhân lời khuyên về phương pháp điều trị tốt nhất có thể mà không xem xét vấn đề dưới góc nhìn đạo đức. Đồng thời, mỗi bác sĩ cũng thiên về ủng hộ kế hoạch điều trị dựa trên lĩnh vực chuyên môn của mình. Vấn đề nan giải không phải là các bác sĩ đang nói dối bệnh nhân để trục lợi cho mình. Rõ ràng, các bác sĩ có niềm tin mạnh mẽ về khuyến nghị của họ. Họ điều trị cùng một căn bệnh nhưng mỗi người lại tin rằng cách điều trị của mình tốt hơn và họ không nhận ra rằng niềm tin của họ mang tính tư lợi. Nói cách khác, họ không nhận ra rằng họ đang đối mặt với một tình huống khó xử về đạo đức: khuyến cáo cách điều trị của họ hoặc cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Họ không nhận ra rằng việc rèn luyện, sự ưu tiên và sở thích ngăn cản họ cung cấp những lời khuyên khách quan.

Xung đột lợi ích đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng y tế và ở Washington, Thượng nghị sĩ Charles Grassley đã lên án các trường y khoa và các tổ chức khác về việc không làm gì khác hơn để giải quyết trường hợp này. Theo hệ thống hiện nay, các bác sĩ có những động cơ về tài chính cá nhân ảnh hưởng đến việc kê đơn thuốc và đưa ra phương pháp điều trị chứ không phải vì quyền lợi tốt nhất của bệnh nhân. Tuy nhiên, những bác sĩ thông minh nhất, được đào tạo chuyên nghiệp nhất lại bối rối vì những lời chỉ trích họ vì họ tự tin về lương tâm nghề nghiệp của mình và “sự thật” là họ luôn luôn đặt quyền lợi của bệnh nhân lên đầu tiên. Bác sĩ, như những chuyên gia trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như thẩm phán Scalia, có xu hướng quan niệm xung đột lợi ích là một vấn đề tham nhũng cố ý. Nhưng những nghiên cứu đã làm rõ những khía cạnh nguy hại hơn của xung đột lợi ích: khi người ta nhìn thấy quyền lợi của mình trong một vấn đề nhất định nào đó, họ không còn khả năng khách quan. Hầu hết các bác sĩ, như hầu hết mọi người, bị ảnh hưởng bởi xung đột lợi ích nên đưa ra quyết định điều trị thành kiến không hề nhận thức về tính đạo đức trong quyết định của họ. Họ thật sự tin rằng họ đang đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết.

Tại sao chúng ta, một xã hội lại tiếp tục chịu đựng xung đột lợi ích trong rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh tử? Hầu hết mọi người muốn tìm một lời giải thích duy nhất cho một vấn đề xã hội nhất định, dù đó là tình trạng nghèo nàn, vô gia cư hay vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên. Giáo sư Ann McGill thuộc đại học Chicago đã minh họa sự thiên vị nhận thức này bằng ví dụ cực đoan về việc mọi người không bao giờ ngừng tranh cãi rằng tính cẩu thả của thiếu niên hay sự thiếu kiểm soát việc sinh đẻ mới dẫn đến việc có thai ở tuổi vị thành niên, trong khi câu trả lời rõ ràng là cả hai đều gây ra vấn đề.[29] Tương tự, không có lời giải thích duy nhất cho những tình huống khó xử về đạo đức, đúng hơn là những điểm mù tạo thành ở nhiều mức độ phân tích: cá nhân, tổ chức, và xã hội.

Ở cấp độ cá nhân, như chúng tôi đã đề xuất, chúng ta là nạn nhân của các quá trình tâm lý thiên về quyết định của chúng ta và quan trọng hơn, chúng ta không biết chúng ta đang thiên vị. Ở cấp độ tổ chức, những nhà lãnh đạo kinh doanh thường không đánh giá cao vai trò của việc giới hạn đạo đức trong các quyết định của nhân viên. Hơn nữa, họ thường tin rằng sự liêm chính của nhân viên sẽ bảo vệ họ và tổ chức khỏi những vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, nhiều sự vi phạm đạo đức bắt nguồn từ những phức tạp trong tâm lý con người hơn là từ sự liêm chính. Để đưa ra những hành động can thiệp sáng suốt, các nhà lãnh đạo cần xem xét cách thức mà môi trường hiện tại của họ có thể thúc đẩy hành động phi đạo đức trong tình thế người đưa ra quyết định không có nhận thức tỉnh táo. Ở cấp độ xã hội, khi các cá nhân và tổ chức không thể hoặc sẽ không giải quyết những vấn đề này, vấn đề sẽ được đệ trình lên chính phủ liên bang. Khi chính phủ không thể vật lộn với sự giới hạn đạo đức của cá nhân, tổ chức và các ngành kinh doanh, các giải pháp hiệu quả sẽ nằm ngoài tầm với. Giữa các ngành kinh doanh, những quá trình tâm lý dẫn đến việc xem nhẹ yếu tố đạo đức và giới hạn đạo đức phải được xem xét. Việc này đòi hỏi chúng ta đưa ra những thay đổi về giá trị mặc định của xã hội để làm nổi bật sự cân bằng giá trị mà chúng ta đang tạo ra và thu hút sự chú ý cho những vấn đề cần được quan tâm trong tương lai.

Điều gì sắp tới

Trong chương này, chúng tôi đã cố tình tránh đưa ra định nghĩa của thuật ngữ “đạo đức” hay phân biệt giữa đạo đức và đạo lý. Bạn có thể tìm thấy những định nghĩa và sự khác biệt như vậy ở những cuốn sách khác. Chúng tôi không khẳng định mình nắm giữ chìa khóa đến cội nguồn của đạo lý và chúng tôi cũng không có hứng thú trong việc thay đổi đạo đức của bạn để phù hợp với đạo đức của chúng tôi.[30] Thay vì trình bày những ý tưởng của chúng tôi về những gì tạo thành hành vi đạo lý hoặc đạo đức, chúng tôi quan tâm làm nổi bật các nguyên nhân khác nhau lý giải vì sao mọi người lại cư xử theo những cách có thể mâu thuẫn với giá trị cá nhân của họ.

Chúng tôi cũng không có hứng thú với việc hạn chế lời khuyên của các bác sĩ hoặc các nhóm chuyên gia khác. Việc nhắc nhở những chuyên gia có tay nghề rằng những quyết định của họ nên dựa trên lợi ích tốt nhất của bệnh nhân, khách hàng và cử tri hơn là dựa trên những lợi ích về mặt tài chính là quá đơn giản. Mục đích chính của chúng tôi là là thuyết phục các cá nhân, bao gồm bác sĩ, giám đốc điều hành, kế toán, cố vấn viên, chính trị gia và tất cả công dân – rằng họ bị ảnh hưởng bởi những điểm mù ngăn cản họ đáp ứng những tiêu chuẩn đạo đức của mình. Đa phần các hành động của ta vẫn dựa trên nền tảng đạo đức nhất định. Vào những thời điểm khác, khi phải làm trái với lương tâm, chúng ta vẫn nhận ra. Cuốn sách này tập trung vào những trường hợp nguy hiểm hơn: những lần chúng ta vô tình cư xử thiếu đạo đức. Chương 2 sẽ kết nối quan điểm của chúng tôi với những lý thuyết hiện tại của tư tưởng đạo đức. Trong chương 3, chúng tôi sẽ cảnh báo bạn về sự giới hạn đạo đức và các giới hạn bên trong tâm trí con người đặt vào hành vi đạo đức. Trong chương 4, chúng tôi sẽ phơi bày các lắt léo về mặt tinh thần dẫn đến việc các giá trị đạo đức bị xem nhẹ. Ở chương 5, chúng tôi sẽ trình bày bằng chứng cho thấy những điểm mù về đạo đức không những ngăn cản chúng ta nhận ra những kẽ hở đạo đức của chính mình mà còn là những kẽ hở đạo đức của những người xung quanh. Trong chương 6 và 7, chúng tôi sẽ thảo luận về cách các tổ chức và chính phủ làm trầm trọng thêm hành vi phi đạo đức. Chúng tôi sẽ kết luận, trong chương 8, bằng cách đưa ra lời khuyên ở cấp độ cá nhân, tổ chức và xã hội về cách loại bỏ các điểm mù và những tình huống khó xử về đạo đức trong cuộc sống của bạn một cách rõ ràng hơn.

__________________________________

Chú thích:

[1] Sự sai lệch trong đánh giá có thể được gây ra bởi việc đánh giá quá cao đạo đức của bản thân và đánh giá thấp đạo đức của những người còn lại. Những bài viết dưới đây là những bằng chứng thuyết phục cho những ảnh hưởng có thể có khi tự đánh giá quá cao đạo đức: N. Epley and D. Dunning (2000) – “Feeling ‘Holier than thou’: Are Self-Serving Assess- ments Produced by Errors in Self- or Social Prediction? ” (Tạm dịch: Cảm thấy “Một người trên vạn người”: Sự tự đánh giá bản thân được tạo ra từ sai lầm của chính bản thân hay các dự báo xã hội?).

[2] Trong giới truyền thông Mỹ, Wall Street tượng trưng cho những lợi ích của tầng lớp bình dân và chủ các doanh nghiệp nhỏ; Main Street tượng trưng cho những lợi ích của tầng lớp thượng lưu, chủ các tập đoàn lớn; Washington trong câu này tượng trưng cho chính trị, quyết định của chính phủ. (Biên tập chú thích)

[3] B. Steverman and D. Bogoslaw (18/10/2008) “The Financial Crisis Blame Game” (Tạm dịch: “Khủng hoảng tài chính – lỗi của ai?”).

[4] F. Dobbin and A. Kalev (2007), “The Architecture of Inclusion: Evi- dence from Corporate Diversity Programs” (Tạm dịch: Mô hình tổng hợp: Bằng chứng từ các dự án hợp tác trên mọi lĩnh vực).

[5] http://www.aspencbe.org/documents/ExecutiveSummaryMBAS- tudentA itudesReport2008.pdf.

[6] C. D. Batson, J. L. Kobrynowicz, H. Dinnerstein, C. Kampf, và A. D. Wilson (1997), “In a Very Different Voice: Unmasking Moral Hypocrisy” (Tạm dịch: Một tiếng nói khác: Tháo bỏ Mặt nạ Đạo đức giả) .

[7] P. Valdesolo and D. DeSteno (2007), “Moral Hypocrisy: Social Groups and the Flex- ibility of Virtue” (Tạm dịch: “Đạo đức giả: Nhóm xã hội và sự linh hoạt của đạo đức”).

[8] F. Gino và L. Pierce (2009), “The Abundance Effect: Unethical Behav- ior in the Presence of Wealth” (Tạm dịch: Đa tác động: Hành vi thiếu đạo đức và sự giàu có); M. Schwei er, L. OrdÓnez, and B. Douma (2004), “Goal Se ing as a Motivator of Unethical Behavior” (Tạm dịch: Đặt ra mục tiêu là động lực thúc đẩy hành vi thiếu đạo đức).

[9] Gino và Pierce 2009.

[10] M. H. Bazerman và D. Chugh (2006), Bounded Awareness: Focus- ing Failures in Negotiation, in Negotiation Theory and Research, (Tạm dịch: Giới hạn nhận thức: Tập trung vào thất bại trong đàm phán, trích từ cuốn Lý thuyết và nghiên cứu đàm phán, L. L. Thompson biên tập).

[11] P. Singer (2009), The Life You Can Save: Acting Now to End World Poverty (Tạm dịch: Cứu lấy sự sống: Hành động ngay bây giờ để chấm dứt đói nghèo).

[12] Bernard Lawrence Madoff (sinh ngày 29 tháng 4, năm 1938) là một doanh nhân người Mỹ và là nguyên chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Ông sáng lập hãng Bernard L. Madoff Investment Secu- rities LLC ở phố Wall vào năm 1960 và là chủ tịch hãng này đến ngày 11 tháng 12 năm 2008, khi ông bị bắt và bị buộc tội gian lận tài chính. (Chú thích của biên tập).

[13] Trong tài chính doanh nghiệp, việc đi vay mới để trả nợ vay cũ gọi là tài chính Ponzi. Trong kinh tế học công cộng, mô hình Ponzi hay trò Ponzi, chỉ việc chính phủ vay tiền thông qua phát hành trái phiếu để có nguồn tài chính trả nợ gốc và lãi những khoản vay cũ cũng bằng phát hành trái phiếu.

[14] S. Milgram (1963), “Behavioral Study of Obedience” (Tạm dịch: “Hành vi học: Nghiên cứu sự tuân thủ”).

[15] J. M. Burger (2009), “Replicating Milgram: Would People Still Obey Today?” (Tạm dịch: Hồi sinh Milgram: Liệu ngày nay con người còn tuân thủ?”).

[16] BBC World Service (13/7/2010), “Game of Death” (Tạm dịch: Trò chơi Tử thần) chương trình TV Sparks Controversy của Pháp.

[17] P. Werhane, L. Hartman, B. Parmar và Dennis Moberg (sách chưa xuất bản), Social Construction, Mental Models and the Problem of Obedience. (Tạm dịch: Nền móng xã hội, các dạng tâm thần và vấn đề của việc tuân thủ)

[18] Cuộc gặp D. Vaughn (1996), Vụ phóng tàu con thoi Challenger: Công nghệ, văn hóa và sự lệch lạc nguy hiểm tại NASA (Chicago: Chicago Press University), người đã phân tích tổng thể thảm họa này một cách xuất sắc.

[19] Roger M. Boisjoly (15/5/2006), Telecon Meeting (Quyết định có đạo đức—Morton Thiokol và tàu con thoi Challenger).

[20] Boisjoly 2006.

[21] Boisjoly 2006.

[22] Boisjoly 2006.

[23] Irving Janis (1972), Victims of Groupthink: A Psychological Study of Foreign-Policy Decisions and Fiascoes (Tạm dịch: “Nạn nhân của suy nghĩ tập thể: Tâm lý học trong nghiên cứu quyết định và thất bại của Chính sách nước ngoài”).

[24] Có những trường hợp chắc chắn những luật lệ về đạo đức sẽ dẫn tới những quyết định tốt. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ tập trung vào những bất lợi tiềm tàng trong các luật lệ này.

[25] M. H. Bazerman, J. Baron, và K. Shonk (2001), You Can’t Enlarge the Pie: Six Barriers to Effective Government (Tạm dịch: “Bạn không thể làm chiếc bánh quyền lợi nở ra: Sáu rào chắn cho một Chính phủ có hiệu quả”).

[26] M. Janofsky (19/3/2004), “Scalia Refusing to Take Himself Off Cheney Case” (Tạm dịch: Scalia từ chối rút khỏi vụ Cheney).

[27] M. R. Banaji (2004), “The Opposite of a Great Truth Is Also True: Hom- age of Koan #7” in Perspectivism in Social Psychology(Tạm dịch: Mặt đối lập của Sự thật tuyệt đối cũng đúng: “Lòng tôn kính của Koan #7” trong đánh giá Tâm lý xã hội: Hai mặt âm dương của khoa học).

[28] A. S. Grove (2002), Hồi ký – “Swimming Across”.

[29] A. L. McGill (1989), “Context Effects in Judgments of Causation” (Tạm dịch: “Nội dung sự ảnh hưởng trong phán xét nguyên nhân”).

[30] J. Greene (2011), The Moral Brain and How to Use It (Tạm dịch: “Trí óc đạo đức và cách sử dụng”).

Bình luận