Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Điểm Mù

Chương 4: Tại Sao Chúng Ta Không Có Đạo Đức Như Mình Nghĩ?

Tác giả: Max H. Bazerman - Ann E.Tenbrunsel

Ở chương 1, chúng tôi đã yêu cầu bạn đánh giá sự đạo đức của mình so với những người khác. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhóm người làm công tác quản lý trả lời những câu hỏi tương tự, ví dụ như là bạn kém thành thật, thành thật ngang bằng hay thành thật hơn bạn bè mình. Chắc bạn có thể đoán được, đại đa số họ tin rằng mình thành thật hơn phần lớn những người khác. Bây giờ hãy xem xét một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành với học sinh trung học.[91] Gần hai phần ba số em được khảo sát đã gian lận trong các kỳ kiểm tra trong năm vừa rồi, hơn một phần ba thừa nhận rằng các em đã chép văn từ Internet, gần một phần ba thừa nhận ăn cắp trong các cửa hàng trong năm qua và hơn 80% nói rằng các em đã nói dối cha mẹ về những vấn đề quan trọng. Nhưng 93% số học sinh trung học này nói rằng các em hài lòng với mặt đạo đức trong con người mình.

Như một nghiên cứu đạo đức hành vi có thể đoán trước, một số những vụ tai tiếng liên quan đến đạo đức đình đám trong những năm vừa rồi đều liên quan đến những người khăng khăng cho rằng mình đạo đức hơn những gì mà họ thể hiện qua hành động. Kenneth Lay, CEO của Enron, liên tục lặp đi lặp lại rằng ông ta không làm gì sai trong thời kỳ đương chức tại doanh nghiệp làm ăn thua lỗ của mình. Bill Clinton đã nói với công chúng Mỹ và có lẽ thuyết phục chính mình rằng ông không có quan hệ tình ái với Monuca Lewinsky. Và sau khi Bob Blagojevich, CỰU NHÂN VIÊN thống đốc bang Illinois bị buộc tội rao bán chiếc ghế nghị sĩ bỏ trống trong chính phủ của Brack Obama cho người trả giá cao nhất, ông ta vẫn khăng khăng rằng mình vô tội khi đối diện với những bằng chứng chất chồng. Một vài cách giải thích có thể được áp dụng cho những tuyên ngôn về đạo đức và việc chối bỏ các hành động sai trái khi đối diện với những hành vi rõ ràng là không trung thực. Đầu tiên, có thể là người đó thật sự ngây thơ; chỉ khi chúng ta đã tiếp cận tất cả thông tin về việc làm của anh ta, chúng ta có thể đồng tình với đánh giá của anh ta về mặt đạo đức của mình. Thứ hai, có thể người đó không thật sự tin rằng anh ta đã hành động hợp đạo đức nhưng vẫn nói rằng như vậy là đạo đức để tránh những tổn thất đi kèm theo các hành vi trái đạo đức của mình. Cách giải thích thứ ba và chúng tôi cũng cho là cách giải thích khả dĩ nhất và lại là cách phức tạp nhất trong việc cải thiện hành vi con người: có thể là người đó vốn dĩ đã tin vào đạo đức của riêng mình và mặc cho các bằng chứng thể hiện sự đối lập.

Bạn có thể chưa bao giờ bị buộc tội tạo dựng nên những mối quan hệ kinh doanh giả để lừa tiền của các nhà đầu tư, có mối quan hệ với thực tập sinh hay rao bán chiếc ghế nghị sĩ. Nhưng bạn cũng như Lay, Clinton và Blagojevich (và như chúng tôi) tin rằng bạn đạo đức hơn con người thật sự của mình hoặc là đạo đức hơn những gì người khác đánh giá bạn. Các nghiên cứu về đạo đức hành vi cho rằng những thiên lệch trong quá trình suy nghĩ của chúng ta đã hiện thực hóa những hành động minh họa đạo đức này. Cùng với những cộng sự của chúng tôi là Kristina Diekmann và Kimberly Wade-Benzoni, chúng tôi cho rằng sự thiên vị này xảy ra tại vài giai đoạn của quá trình ra quyết định.[92] Trước khi phải đối diện với những tình huống khó xử về đạo đức, con người cho rằng họ sẽ có những quyết định đạo đức. Khi thật sự đối diện với tình thế này, họ đưa ra các chọn lựa ngược lại. Nhưng khi nhìn lại quyết định đó, họ tin rằng mình vẫn là những người đạo đức. Đỉnh điểm của các thiên lệch này dẫn đến các quan điểm tích cực một cách sai lầm về đạo đức của chính chúng ta. Tệ hơn nữa, điều này khiến chúng ta không nhìn thấy rằng mình cần phải cải thiện đạo đức của mình và quá trình này cứ lặp đi lặp lại.

Trong chương này, chúng tôi tập trung vào quá trình tâm lý mà các nhà đạo đức học hành vi đã chỉ ra là ngăn cản con người đưa ra các quyết định đạo đức tại ba giai đoạn – trước, trong và sau khi một quyết định đạo đức được thực hiện.

Trước khi bạn quyết định: Những dự đoán sai

Tưởng tưởng rằng một nữ sinh viên đại học trẻ tuổi đang tìm kiếm một công việc làm thêm trong trường để trang trải chi phí sinh hoạt. Cô nhìn thấy một mẩu quảng cáo cần người trợ giúp cho việc nghiên cứu ở trường. Giờ làm việc và tiền lương phù hợp với những gì cô đang tìm kiếm vì thế cô nộp đơn xin việc ngay lập tức. Cô được gọi đến phỏng vấn và gặp một người đàn ông chỉ khoảng ngoài ba mươi. Trong suốt thời gian phỏng vấn, anh ta đã hỏi nhiều câu hỏi phỏng vấn quy chuẩn kèm theo ba câu hỏi sau:

Bạn có bạn trai không? Bạn có nghĩ mình quyến rũ trong mắt người khác không ? Bạn có cho rằng phục nữ mặc áo ngực đi làm là phù hợp? Bạn nghĩ rằng cô gái trẻ nên làm gì trong trường hợp này? Nếu bạn cho rằng cô ấy sẽ nổi giận và đe dọa người phỏng vấn về những câu hỏi không phù hợp thì có khá nhiều người cũng nghĩ như bạn. Một nghiên cứu đã nghiên cứu chính xác về trường hợp này.[93] Khi được yêu cầu dự đoán họ có thể hành động như thế nào trong buổi phỏng vấn, 62% nữ sinh viên cho rằng họ sẽ hỏi người phỏng vấn vì sao lại đưa ra những câu hỏi như vậy hoặc nói với anh ta rằng những câu hỏi đó không phù hợp và 68% nói rằng họ sẽ từ chối trả lời những câu hỏi này.

Dự đoán của những sinh viên này có thể không đáng ngạc nhiên nhưng họ không thành thật. Trong một nghiên cứu tương tự, những nhà nghiên cứu đưa các nữ sinh viên vào cùng một trường hợp phỏng vấn như được miêu tả ở trên. Một phỏng vấn viên nam ba mươi hai tuổi thật sự đã đưa ra những câu hỏi mang tính công kích. Điều gì đã xảy ra? Không một sinh viên nào từ chối trả lời các câu hỏi. Một số ít, chứ không phải đa số có hỏi phỏng vấn viên tại sao lại đặt ra những câu hỏi đó nhưng họ hỏi rất lịch sự và thường hỏi vào khi kết thúc cuộc phỏng vấn.

Khuynh hướng của con người đưa ra những dự đoán không chính xác về các hành động của chính họ đã được ghi nhận lại trong các nghiên cứu về đạo đức hành vi và các nghiên cứu khác. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ hành động theo cách này trong trường hợp định sẵn. Tuy nhiên, khi thật sự đối diện với trường hợp đó, chúng ta hành xử khác đi. Ví dụ của những “lỗi dự đoán hành vi” có rất nhiều. Chúng ta không giỏi trong việc dự đoán bao lâu thì chúng ta đi nha sĩ một lần. Chúng ta rất tệ trong việc ước tính mất bao lâu để hoàn thành một công việc tại công ty hay một dự án tại nhà. Chúng ta đánh giá thấp mức độ mà chúng ta có thể bị ảnh hưởng từ sếp hay từ đồng nghiệp. Những mục tiêu cho năm mới là ví dụ điển hình của những lỗi dự đoán hành vi. Vào đầu năm, chúng ta đặt ra những kỳ vọng cho mình về những hành động nhất định, bao gồm cả trong lĩnh vực đạo đức. Chúng ta thậm chí còn mở rộng các nguồn lực để “đảm bảo” rằng chúng ta sẽ thực hiện được các mục tiêu này. Chúng ta tham gia các câu lạc bộ sức khỏe, thuê huấn luyện viên riêng, hay mua quần áo nhỏ hơn cỡ của mình. Chúng ta thề sẽ kiên nhẫn hơn, làm tình nguyện vào vào thời gian rảnh hay tìm cách để tiết kiệm năng lượng. Chúng ta tin rằng trong năm tới, chúng ta sẽ là một con người “mới”. Đến 31 tháng 12, chúng ta phát hiện ra rằng có ít thứ thay đổi – nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đưa ra những dự đoán tương tự cho năm kế tiếp.

Bây giờ xem xét sự việc các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, họ đôi khi được đề xuất lựa chọn tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng được áp dụng để đánh giá hiệu quả của các phương thức điều trị cho một căn bệnh cụ thể nào đó hoặc để đánh giá độ an toàn của các loại thuốc. Bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm lâm sàng được chia thành các nhóm, mỗi nhóm nhận một cách điều trị khác nhau. Cuối đợt thử nghiệm, hiệu quả của mỗi phương pháp sẽ được đo lường, bao gồm tác động của đợt thử nghiệm đến căn bệnh và xem xét xem có các phản ứng phụ hay không. Bệnh nhân và người nhà của họ thường được đặt câu hỏi “bạn có muốn tham gia vào thử nghiệm lâm sàng không?”

Quyết định tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng thường là một song đề xã hội. Như chúng tôi đã giải thích trong chương 3, song đề xã hội là những trường hợp mà lợi ích của cả nhóm xung đột với lợi ích của các cá nhân trong nhóm. Ví dụ, những người tin rằng lợi ích xã hội của việc tiết kiệm nhiên liệu lại có thể chọn lái xe hơn là đi bộ với lời biện minh rằng “khí thải xe hơi của tôi cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Song đề xã hội nằm ở trung tâm của nhiều vấn đề khó giải quyết, bao gồm việc bảo vệ môi trường, giải trừ vũ khí hạt nhân và thậm chí là các dự án làm việc theo nhóm ở nơi làm việc. Trong các song đề xã hội, chiến lược cá nhân dễ nhất là : “mắc khuyết điểm – đánh bắt cá đến khi chúng gần tuyệt chủng, tiêu thụ nhiên liệu, duy trì các loại vũ khí hạt nhân hoặc thiếu nỗ lực hợp tác. Nhưng khi các cá nhân trong nhóm “mắc khuyết điểm” thì mục tiêu của cả nhóm – dù là trong việc bảo tồn một số loại nhất định, tạo ra những bước cải thiện cho môi trường, tạo nên một thế giới an toàn hơn hay là hoàn thành một dự án – thường không được hoàn thành. Trong những trường hợp này, mọi người chỉ cần hợp tác với nhau một chút thì họ sẽ đạt được nhiều thành quả chung của cả nhóm. Nhưng đối với các cá nhân, theo đuổi lợi ích của chính mình trở thành mục tiêu sáng suốt nhất. Quyết định có tham gia vào thử nghiệm lâm sàng cũng là một kiểu của song đề xã hội và nó yêu cầu các cá nhân hợp tác để giúp những người khác trong tương lai. Sự tham gia này không nhất thiết cải thiện được kết quả của các bệnh nhân; bệnh nhân có thể nhận sự điều trị trong một thử nghiệm lâm sàng chưa được chứng minh nhưng có thể sẽ không tốt bằng những cách chữa trị có sẵn. Rất nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng hầu hết đều có lợi cho những người sẽ nhận được các phương pháp chữa trị mới và tốt hơn trong tương lai hơn là những người đang mắc bệnh hiện tại. Hơn nữa, lợi – hại mà các bệnh nhân hiện tại nhận được thường vẫn là không rõ ràng và rất khó đánh giá. Mục đích cuối cùng của các cuộc thử nghiệm lâm sàng là cải thiện chất lượng thuốc để mọi người cuối cùng đều có thể nhận được những phương thức chữa trị tốt hơn và chẩn đoán tốt hơn.

Ví dụ như khi bạn nghĩ về quyết định tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sáng và bạn dự đoán là mình sẽ tham dự, bạn kết luận rằng tất cả những ai đạt yêu cầu thì nên tham dự khi được yêu cầu. Bạn tin rằng lựa chọn “đúng” để đóng góp vào những điều tốt đẹp hơn nữa cho ngành y tế và mọi người, bao gồm cả chính bạn thì nên làm điều tương tự. Kết quả của suy nghĩ này là bạn dự đoán chắc chắn mình sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng nếu có cơ hội.

Bây giờ hãy bỏ qua một số năm và tưởng tượng rằng con bạn bị chẩn đoán là gặp bệnh hiểm nghèo liên quan đến tính mạng. Tùy thuộc vào việc con bạn phản ứng lại với đợt điều trị cuối cùng này như thế nào, tỷ lệ thành công có thể giúp con bạn sống thêm 5 năm nữa là 75% và 95%. Bạn đã nghiên cứu về bệnh tình của của con mình và biết rằng cách chữa trị mới nhất được chứng minh là có thể đem đến những kết quả tích cực đáng kể.

Khi đang bàn về bệnh tình của con bạn, bác sĩ hỏi bạn có đồng ý cho con bạn tham gia vào một cuộc thử nghiệm lâm sàng mà máy tính sẽ quyết định xem con bạn sẽ nhận cách chữa trị nào không. Khi bạn hỏi bác sĩ về tính hiệu quả khi so sánh hai phương thức chữa trị, bà nói rằng cách chữa trị mới vừa mới được phát triển và vì thế còn quá sớm để bà có thể đưa ra câu trả lời. Bạn có sẵn sàng từ bỏ phương thức cũ đã được biết đến và chứng minh vì một lựa chọn mạo hiểm mà bạn chưa rõ kết quả? Câu trả lời của bạn sẽ rất nhanh và chắc chắn: Không!

Tất cả chúng ta có thể liên hệ đến sự thay đổi thái độ nhanh chóng này. Khi quyết định liên quan đến sức khỏe con mình thuần túy chỉ mang tính lý thuyết, bạn hẳn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những quyết định phù hợp với đạo đức của mình. Nhưng khi quyết định đó trở thành sự thật, những suy xét đạo đức của bạn liên quan đến những gì tốt hơn có xu hướng bị vứt ra ngoài cửa sổ.

Bây giờ tất cả những gì bạn quan tâm là đứa con của mình và điều gì là tốt nhất cho con bé. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích vì sao những sai lầm trong dự đoán hành vi lại xảy ra.

Thời điểm quyết định: điều chúng ta muốn định hướng lý trí

Các nhà khoa học xã hội đã tranh cãi khá lâu rằng chúng ta thường trải qua những xung đột bên trong chính chúng ta. Loại hình xung đột phổ biến nhất thường diễn ra giữa “điều chúng ta muốn” và “điều chúng ta nên.”[94] Điều chúng ta muốn miêu tả khía cạnh tình cảm, xúc động, bốc đồng và nóng nảy. Ngược lại, điều chúng ta nên thì lý trí, nhận thức, chín chắn và bình tĩnh. Điều chúng ta nên định hướng cho những mong muốn đạo đức và niềm tin rằng chúng ta nên hành động theo những giá trị và nguyên tắc đạo đức của chúng ta. Ngược lại, điều chúng ta muốn phản ánh hành vi thật sự, thường là được xây dựng nên từ những lợi ích cá nhân và những suy xét không liên quan nhiều đến khía cạnh đạo đức.

Nghiên cứu của chúng tôi cho rằng điều chúng ta muốn và điều chúng ta nên – điều nào nổi trội hơn – thay đổi theo thời gian. Điều chúng ta nên sẽ nổi trội trước và sau khi chúng ta ra quyết định nhưng điều chúng ta muốn thường chiến thắng ở thời điểm ra quyết định. Vì thế, khi đi đến một quyết định, chúng ta dự đoán rằng mình sẽ quyết định được điều mà chúng ta cho rằng mình nên làm. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên lên án những kẻ phỏng vấn có hành vi quấy rối tình dục, vì thế, chúng ta dự đoán là mình sẽ đứng dậy bỏ về trong cuộc phỏng vấn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ đến nha sĩ, chia sẻ công việc tại công ty và ở nhà, thoát ra khỏi các áp lực đến từ bạn bè, tập thể dục và ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Chúng ta nghĩ chúng ta sẽ hợp tác trong các song đề xã hội dù là cá nhân phải trả giá vì những điều tốt đẹp hơn. Tóm lại, chúng ta nghĩ mình sẽ đưa ra các “quyết định nên làm” hoặc là những quyết định dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức của mình. Nhưng tại thời điểm, khi chúng ta thật sự đưa ra quyết định, có những điều hoàn toàn khác xảy ra.

Hình 5 : Tiến trình diễn ra sự tranh chấp giữa điều chúng ta nên và điều chúng ta muốn

Khi đến lúc phải quyết định, chúng ta bị chi phối bởi những suy nghĩ về cách mà chúng ta muốn hành xử; những suy nghĩ về cách mà chúng ta nên hành xử biến mất. Một nghiên cứu về sở thích thuê phim đã minh họa sống động cho sự chi phối của điều chúng ta muốn vào thời điểm ra quyết định.[95] Suy nghĩ rằng chúng ta có khuynh hướng phân loại phim mà chúng ta chưa xem thành hai loại cơ bản: phim giáo dục và phim nghệ thuật mà chúng ta cho rằng mình nên xem, ví dụ như là 90 Degrees South: With Sco to the Antarctic và những bộ phim mà chúng ta thật sự muốn xem như là Kill Bill 2. Trong nghiên cứu của Max với Milkman và Todd Rog- ers, mọi người trả những bộ phim “muốn xem” cho một công ty cho thuê DVD trực tuyến sớm hơn nhiều so với những bộ phim “nên xem”, điều này có thể cho thấy rằng những DVD “nên xem” vẫn chưa được xem và nằm đâu đó trên bàn café lâu hơn những bộ phim “muốn xem”. Tại thời điểm những người tham gia nghiên cứu thật sự quyết định bộ phim nào nên xem, những phim “muốn xem” đã đánh bại những phim “nên xem”.

Khi đặt thứ tự cho những bộ phim để dành xem sau này, chúng ta ở trong giai đoạn dự đoán quyết định mình sẽ đưa ra về những bộ phim chúng ta nghĩ là mình sẽ xem. Tại thời điểm này, chúng ta bị chiếm hữu bởi những ý nghĩ về điều mà chúng ta nên xem. Một cuộc đối thoại bên trong có thể diễn ra kiểu như thế này: “Nếu mình ngồi trước màn hình mà không làm gì, điều tối thiểu nhất mình có thể làm là xem một cái gì đó mang tính giáo dục.” Điều nên xem nổi trội hơn và bạn đặt các bộ phim giáo dục – bộ phim “nên xem” dù giá tiền có cao hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm bạn thật sự quyết định bộ phim mình sẽ xem, suy nghĩ về việc giáo dục mình đã đi đâu đó rất xa khỏi tâm trí bạn. Điều bạn muốn mang tính cá nhân, xốc nổi và thực dụng đã bao trùm điều bạn nên mang tính lý trí, bình tĩnh và cần làm và bạn quyết định ngồi trước màn hình bộ phim Kill Bill 2 (hay là vở hài kịch vô thưởng vô phạt nào đó nếu như Kill Bill 2 không phải là sở thích của bạn).

Cách lý giải này có thể được áp dụng vào các quyết định đạo đức như thế nào? Khi suy xét đến hành vi của những người dính líu vào các vụ tai tiếng gần đây, ví dụ như Bernard Madoff hay là Rod Blagojevich, hầu hết chúng ta đều tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ có những hành xử như vậy, sẽ không bao giờ ủng hộ những hành vi đó nếu ai đó bảo chúng ta làm như vậy và sẽ báo lại những hành động sai trái mà chúng ta nhìn thấy. Chúng ta tin rằng mình sẽ cư xử như cách mà chúng ta nghĩ là mình nên làm – theo những nguyên tắc, chuẩn mực và đạo đức của chúng ta. Nhưng thực tế, các nghiên cứu về đạo đức hành vi cho thấy rằng khi phải đối mặt với một quyết định liên quan đến khía cạnh đạo đức, chúng ta hành xử khác với những dự đoán về điều mà chúng ta sẽ làm. Điều chúng ta muốn sẽ chiến thắng và những hành vi không đạo đức xảy ra.

Tại sao chúng ta dự đoán về hành xử của mình một đường và rồi chúng ta lại hành động một nẻo, hết lần này qua lần khác trong suốt cuộc đời mình? Các nhà xã hội học đã khám phá ra rằng chúng ta nghĩ về một quyết định khi chúng ta dự đoán cách mình sẽ cư xử rất khác với khi chúng ta phải hành động, sự khác biệt này chịu ảnh hưởng của những động cơ khác nhau vào hai thời điểm và của quá trình xóa nhòa dần đạo đức. Khi chúng ta nghĩ về hành xử tương lai của mình, thật khó để dự đoán những tình huống cụ thể mà chúng ta sẽ đối mặt. Những quy tắc chung và thái độ sẽ điều khiển những dự đoán của chúng ta; chúng ta thấy rừng chứ không chỉ tập trung vào việc thấy cây. Tuy nhiên, khi gặp phải trường hợp đó, chúng ta bắt đầu chỉ thấy cây và khu rừng biến mất. Hành xử của chúng ta bị các chi tiết dẫn đường chứ không phải là những nguyên tắc trừu tượng.

Hãy xét đến một nghiên cứu về những đóng góp từ thiện cho chương trình “Ngày hoa thủy tiên” của Hội ung thư Mỹ. Hơn 80% người tham gia được hỏi liệu họ có mua một bông thủy tiên để đóng góp một phần cho quỹ từ thiện không thì đều cho rằng họ sẽ làm như thế.[96] Thực tế thì khi thật sự phải đối mặt với quyết định này, chỉ có khoảng nửa số người tham gia từng nói sẽ mua hoa là thật sự làm như vậy. Rõ ràng, họ đã nghĩ về những lợi ích chung chung của việc ủng hộ một việc làm tốt và nghĩ về động cơ để họ làm như vậy mà không nghĩ về những thứ sẽ ảnh hưởng đến họ vào thời điểm họ được yêu cầu quyên góp, ví dụ như sự lãng phí hoặc ép buộc về mặt thời gian và tiền bạc. Vào thời điểm phải ra quyết định thật sự, họ có thể sẽ thấy mình phải đối mặt với những vấn đề thực tế, ví dụ như nhu cầu mua một bữa trưa với số tiền ít ỏi mà họ có trong túi, những chi tiết này đã không xuất hiện trong tâm trí họ khi họ dự đoán về cách mình sẽ xử sự. Họ cân nhắc giữa việc mua hoa thủy tiên và mua bữa trưa và bữa trưa đã thắng.

Một trong những lý do khiến chúng ta suy nghĩ khác về cùng một tình huống khi chúng ta dự đoán hành vi của mình và khi chúng ta thật sự quyết định là động cơ của chúng ta tại hai thời điểm này không giống nhau. Trong nghiên cứu về cách thức đàm phán, các nhà đàm phán cho rằng nếu họ đối mặt với những đối thủ cạnh tranh, họ sẽ chiến đấu tới cùng và bản thân họ cũng sẽ cư xử một cách cạnh tranh.[97] Tuy nhiên, khi thật sự đối mặt với những đối thủ cạnh tranh, các nhà đàm phán trở nên ít hung hăng hơn chứ không phải hung hăng hơn. Sự khác biệt giữa dự đoán và hành vi thật sự được bắt nguồn (trace) từ những khác biệt về động cơ tại hai thời điểm khác nhau. Khi suy nghĩ về cách họ sẽ hành xử nếu đối diện với những đối thủ ganh đua, các nhà đàm phán được thúc đẩy bởi động cơ “chiến thắng” và ngăn chặn ai đó lấy mất quyền lợi của họ. Khi thật sự đàm phán, các nhà đàm phán thật ra lại được thúc đẩy bởi việc đơn giản là đạt được thỏa thuận và tránh ra về tay trắng. Tương tự như vậy, động cơ của một người bình thường khi dự đoán họ có cho con mình tham gia vào thử nghiệm lâm sàng là vì lợi ích xã hội; tuy vậy, vào thời điểm quyết định, động cơ chỉ tập trung vào con của họ.

Khi các quyết định mang khía cạnh đạo đức, nghiên cứu của Ann và David Messick cho thấy rằng sự phai nhạt dần đạo đức có thể là yếu tố căn bản dẫn đến khác biệt giữa cách chúng ta nghĩ mình sẽ hành xử với cách chúng ta thật sự hành xử. Trong giai đoạn dự đoán, chúng ta có thể thấy rõ ràng khía cạnh đạo đức của một quyết định có sẵn. Những giá trị đạo đức của chúng ta được khơi dậy và chúng ta tin rằng mình sẽ hành xử dựa trên những giá trị này. Như đã thảo luận ở chương 2, mô hình của các quá trình ra quyết định xuất phát từ các nhà triết học, họ thường dự đoán nhận thức đạo đức sẽ khơi dậy hành vi đạo đức. Tuy nhiên, tại thời điểm ra quyết định, sự phai nhạt đạo đức xuất hiện và chúng ta không còn thấy khía cạnh đạo đức của một quyết định nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ bị chiếm hữu bởi tư tưởng làm thế nào để kinh doanh tốt nhất hay việc đưa ra các quyết định pháp lý. Các nguyên tắc đạo đức có vẻ không còn liên quan mấy, vì thế chúng không xuất hiện trong quyết định của chúng ta và kết quả là chúng ta đã cư xử không đạo đức.

Câu chuyện xe Pinto của hãng Ford năm 1970 là một trường hợp minh họa cách vai trò của đạo đức phai nhạt dần vào những lúc ra quyết định có thể dẫn đến những kết quả tồi tệ. Trong trường hợp va chạm xe từ phía sau, bình xăng của Pinto đã phát nổ ở một tần số không chấp nhận được. Và vì cánh cửa của xe bị kẹt trong suốt các vụ tai nạn, có nhiều người đã thiệt mạng trong những vụ tai nạn xe Pinto vào những năm 1970.

Sau vụ tai tiếng này, quá trình quyết định đã dẫn đến việc kiểm tra kỹ lưỡng lỗi thiết kế của Pinto. Dưới những áp lực cạnh tranh căng thẳng với Volkswagen, Ford đã đẩy nhanh quá trình sản xuất Pinto vào sản xuất với một khoảng thời gian ngắn hơn bình thường rất nhiều. Nguy hiểm tiềm tàng của những bình nhiên liệu dễ nổ đã được tìm ra trong quá trình thử nghiệm va chạm trước khi đưa vào sản xuất nhưng với dây chuyền lắp ráp đã sẵn sàng hoạt động, quyết định sản xuất dòng xe này vẫn được đưa ra. Quyết định này dựa trên những phân tích về chi phí – lợi ích giữa chi phí tối thiểu để sửa chữa các sai sót (khoảng 11$ một xe vào thời điểm đó) với chi phí phải trả cho các vụ kiện có thể có sau các tai nạn. Ford cho rằng trả tiền cho các vụ kiện còn rẻ hơn tiền sửa chữa. Dòng Pinto đã được sản xuất với lỗi thiết kế đó trong suốt tám năm.

Chúng tôi cho rằng không ai trong số những nhà điều hành của Ford có dính dáng đến quyết định tai tiếng này có thể dự đoán trước rằng họ sẽ đưa ra một quyết định thiếu đạo đức như vậy. Tuy nhiên, họ đã đưa ra một lựa chọn khiến nhiều người bị thương và thiệt mạng. Tại sao lại vậy? Có vẻ như, vào thời điểm ra quyết định, họ xem đó là một “quyết định kinh doanh” hơn là một “quyết định đạo đức.” Chọn cách tiếp cận được cho là “lý tính” trong những trường hợp trên thương trường, những nhà điều hành thường tiến hành các phân tích dưới góc nhìn chi phí – lợi ích để đưa ra quyết định. Đạo đức phai nhạt dần khỏi những quyết định; các khía cạnh đạo đức của thương tật và chết chóc không nằm trong sự cân đong đo đếm này. Vì những tính toán cho thấy rằng sản xuất một chiếc xe mà không phải thiết kế lại sẽ là một quyết định tốt nhất nên bình nhiên liệu nguy hiểm vẫn ở đó.

Điều gì đã gây nên sự suy giảm đạo đức này? Nhu cầu bẩm sinh của cơ thể chúng ta có lẽ là một phần lý do. Các phản ứng bên trong chiếm ưu thế vào thời điểm chúng ta ra quyết định. Những cơ chế như vậy được cài vào não chúng ta để tăng cơ hội sống còn. Ví dụ như cơn đói là một dấu hiệu cho thấy cơ thể chúng ta cần dưỡng chất. Cơn đau là dấu hiệu của việc chúng ta có thể đang đối mặt với nguy hiểm trong môi trường của mình. Hành xử của chúng ta trong những trường hợp như vậy trở nên tự động theo hướng đáp lại những thông điệp từ não bộ. Những phản hồi của chúng ta với những tác động đó sẽ chiếm ưu thế vào thời điểm chúng ta quyết định để đảm bảo cơ hội sống sót của mình.

Những cơ chế này rõ ràng đã cung cấp những thông tin giá trị có thể hướng dẫn chúng ta đến với những hành xử cần thiết, ví dụ như ăn để bổ sung chất cho cơ thể hoặc để làm dịu cơn đói. Nhưng những phản ứng bên trong cũng có thể có tác dụng ngược trong những lĩnh vực khác. Xem xét việc bạn quyết định thức dậy sớm vào buổi sáng để hướng đến việc rút ngắn danh sách việc cần làm của bạn. Bạn để đồng hồ báo thức lúc 5:30 sáng với mục đích thức dậy thật sớm. Tuy nhiên, khi đồng hồ reo, mong muốn được ngủ của bạn bao trùm tất cả những sự quan tâm khác. Bạn tắt đồng hồ báo thức và ngủ tiếp. Vào thời điểm ra quyết định, những phản ứng bên trong dẫn đến một sự tập trung nội tâm bị chi phối bởi những lợi ích ngắn hạn. Chúng ta hướng sự chú ý của mình vào việc thỏa mãn những nhu cầu bên trong vốn được điều khiển bởi sự tự bảo vệ. Những mục tiêu khác, ví dụ như quan tâm đến lợi ích của người khác hoặc thậm chí là những lợi ích dài hạn của chính chúng ta sẽ biến mất. Trong trường hợp quyết định bình nhiên liệu của xe Pinto, áp lực cạnh tranh có vẻ như đã sản xuất ra cảm giác tương tự như bản năng sống còn: tránh bị mất thị trường, có thêm nhiều khoản lợi nhuận, và “nhìn có vẻ tốt”, những bản năng này trở thành mục tiêu trọng yếu nhất của các nhà điều hành Ford vào thời điểm họ ra quyết định. Những suy xét về đạo đức bị mờ nhạt. Và, như đã nói ở trên, khi đối mặt với những song đề đạo đức, chúng ta hành động trước khi kịp nghĩ. Nói cách khác, chúng ta đưa ra những quyết định nhanh chóng dựa trên cảm giác đến tức thời hơn là những suy tính cẩn trọng. Những phản ứng bên trong chi phối vào thời điểm chúng ta ra quyết định và bao phủ những suy xét khác. Chúng ta muốn giúp công ty mình duy trì thị phần. Chúng ta muốn kiếm lợi nhuận và các khoản hoa hồng khác. Kết quả là điều-ta-muốn-làm sẽ thắng, điều-ta-nên-làm sẽ thua. Các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ sau đó chúng ta mới bắt đầu suy tính đến những kiểu khía cạnh đạo đức. Mục đích của những phân tích đạo đức này không phải là để đi đến quyết định – đã quá trễ để làm chuyện đó – mà để phán xét những quyết định chúng ta đã thực hiện.

Sau khi quyết định: những thiên hướng hồi tưởng

Khi những phản ứng bên trong cơ thể của chúng ta cách xa một song đề đạo đức, những dấu hiệu đạo đức trong các lựa chọn của chúng ta trở lại với đầy đủ tính chất của nó. Chúng ta đối diện với sự đối lập giữa những niềm tin về chính mình là những người đạo đức và những hành động không đạo đức của chúng ta. Đây là sự khác biệt đáng lo ngại và chúng ta có vẻ như có động cơ để làm giảm sự bất hòa này. Nhu cầu này mạnh mẽ đến mức các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong một thực nghiệm rằng đề xuất cơ hội cho người ta chuộc lỗi sau khi làm những việc không đạo đức sẽ giảm nhu cầu hối lỗi cho hành động không đạo đức của họ (ví dụ như tình nguyện giúp đỡ ai đó). Trong nghiên cứu này, cơ hội rửa sạch tội lỗi sau một hành động không đạo đức – trong trường hợp này là về mặt thể chất – là đủ để giữ lại hình ảnh của họ; những hành động khác không cần thiết.

Các cá nhân cũng có thể lấy lại hình ảnh của mình bằng những hành động “tẩy rửa tâm lý”. Gột rửa tâm lý là một khía cạnh của việc thoát khỏi những ràng buộc đạo đức, một quá trình cho phép chúng ta bật tắt những tiêu chuẩn đạo đức thông thường của mình tùy thích. Ví dụ, Neeru Paharia và Rohit Despandé đã nhận thấy rằng những người tiêu dùng muốn mua loại quần áo mà họ biết rằng trong quá trình sản xuất có sử dụng lao động trẻ em thường đàm phán mong muốn của mình trong việc mua món hàng bằng cách giảm mức độ của việc coi sử dụng lao động trẻ em là một vấn đề xã hội. Tương tự, công trình của Max với Lisa Shu và Francesca Gino cho thấy rằng khi con người ở trong những môi trường cho phép họ lừa gạt, họ giảm mức độ xem lừa gạt là một vấn đề đạo đức. Quá trình xa rời đạo đức cho phép chúng ta hành xử trái với những quy tắc đạo đức của mình, trong khi vẫn duy trì niềm tin rằng chúng ta là những người đạo đức.

Sự gột rửa tâm lý có thể diễn ra ở những thể khác nhau. Cũng như những dự đoán của chúng ta về việc mình sẽ phản ứng như thế nào trước một tình huống song đề đạo đức, những khi nóng giận, những hồi tưởng của chúng ta về hành vi của mình không khớp với những suy nghĩ của chúng ta vào thời điểm thực tế khi ra quyết định. Ký ức của chúng ta có chọn lọc; cụ thể, chúng ta nhớ đến những hành vi ủng hộ cho hình ảnh của chính mình và tiện thể quên đi những điều không hay. Chúng ta lý trí hóa những hành xử không đạo đức, thay đổi định nghĩa của mình về hành vi đạo đức và lúc nào cũng vậy, chúng ta trở nên xa lạ với chính những hành vi không đạo đức của chính mình.

Khi nhớ lại những ngày còn học trung học hay đại học, hầu hết mọi người nhớ đến lối sống cởi mở, cười đùa, vui vẻ và phấn khích. Họ có thể sẽ không nhớ những cuộc hội thoại cụ thể hay họ đã làm gì hàng ngày nhưng những hồi ức của họ thường tích cực theo cách nào đó. Thông thường, họ có những quan điểm khác nhau về cuộc sống của mình khi họ thật sự học trung học hay đại học. Họ có thể quên những chi tiết cụ thể, ví dụ như dậy sớm để kịp vào lớp lúc 8 giờ sáng, khó khăn vượt qua bốn bài thi cuối kỳ trong hai ngày hoặc tương tư anh bạn trai hoặc cô bạn gái nào đó. Tương tự như vậy, khi nhớ về đạo đức trong những hành động đã qua, chúng ta thường tập trung vào những nguyên tắc trừu tượng, không phải những chi tiết trong từng hành động như chỉ thấy khu rừng chứ không phải là những cái cây. Thay vì nhớ về một lời nói dối cụ thể nào đó hay là một tuyên bố sai về tình hình tài chính của mình, bạn thường sẽ nghĩ một cách chung chung về cách hành xử chung chung và kết luận theo quan điểm này rằng bạn nhìn chung đã hành động theo những nguyên tắc đạo đức của mình.

Những cái nhìn phóng đại của chúng ta về đạo đức của chính mình thường do khuynh hướng trở thành “những sử gia theo chủ nghĩa xét lại.” Sau khi quyết định không cho đứa con đang bệnh của mình tham gia vào thử nghiệm lâm sàng mà thay vào đó đảm bảo con mình nhận được phương thức chữa trị tốt nhất, bạn nhanh chóng quy quyết định đó thành một ví dụ của sự chu đáo và khả năng tiếp cận và đánh giá những phương thức chữa trị hiện hành. Những thiên lệch có lợi cho bản thân mình chịu trách nhiệm cho những thôi thúc xét lại như vậy. Như chúng tôi đã thảo luận trong chương 3, hai người có thể cùng nhìn nhận một tình huống rất khác nhau, thể hiện ở chỗ nhớ những gì là có lợi cho họ và quên hoặc không bao giờ “giải mã” những gì bất lợi. Khi chúng ta nhớ về những hành động trong quá khứ, những thiên lệch có lợi cho mình giúp chúng ta giấu đi những hành động không đạo đức của mình. Mục tiêu ẩn giấu bên trong không phải là đi đến một bức tranh chính xác về chính mình mà là tạo nên một bức tranh phù hợp với những gì ta mong muốn mình trở thành.

Nếu không nhớ rõ các chi tiết, chúng ta thường tập trung vào số lần chúng ta nói thật hoặc đấu tranh cho những nguyên tắc của mình; đồng thời, chúng ta quên đi những lời nói dối hay là những lần chúng ta cúi đầu trước áp lực. Ví dụ, nhìn lại trường hợp đàm phán xin việc, một ứng viên có thể sẽ nhớ là cô ấy đã nói với người phỏng vấn sự thật về nơi mà cô ấy muốn sống và việc cô ấy có sẵn sàng đi công tác hay không nhưng sẽ nhanh chóng quên rằng cô ấy đã nói dối về mức lương hiện tại của mình. Vì chúng ta được thúc đẩy bởi mong muốn được nhìn thấy mình là những người đạo đức, chúng ta nhớ đến những hành động và quyết định đạo đức và quên đi hoặc là chưa từng xử lý trong não bộ những việc không đạo đức, vì thế hình ảnh của một người đạo đức sẽ ăn sâu trong tâm trí chúng ta.

Nhưng những thiên lệch có lợi cho bản thân chúng ta không hoàn toàn dễ dàng như thế. Đôi khi chúng ta có thể thật sự “nhìn thấy” điều này khi chúng ta hành động không đạo đức trong một tình huống nào đó. Tuy nhiên, thông thường thì chúng ta tìm cách để “lướt qua” hành động này trong tâm tưởng bằng việc hợp lý hóa hành động của mình, thay đổi định nghĩa về đạo đức hoặc nhìn các hành động không đạo đức bằng lăng kính lạc quan hơn. Bill Clinton cho rằng ông đã không có “quan hệ tình ái” với Monica Lewinsky, một lời nói dối mà ông ta có thể đã thực hiện bằng cách thay đổi định nghĩa chuẩn của từ “quan hệ tình ái” trong suy nghĩ. Tương tự, các kế toán có thể quyết định rằng họ đang tham gia vào quá trình “tính toán sáng tạo” chứ không phải là làm sai luật.

Chúng ta đồng thời cũng là chuyên gia trong việc đánh lạc hướng những lời buộc tội. Các nhà tâm lý học từ lâu đã biết rằng chúng ta thích buộc tội người khác và những yếu tố khác là nguyên nhân cho những thất bại của mình và giữ lấy thành công cho riêng mình. Chúng ta có thể duy trì một hình ảnh tích cực của chính mình khi chúng ta cáo buộc rằng các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, dù là một nền kinh tế, một ông chủ hay là một thành viên trong gia đình và tự cho rằng những gì diễn ra suôn sẻ là do sự thông minh, trực giác hay tính cách của mình. Một nhân viên bán xe hơi đã qua sử dụng có thể tự nhìn mình như một người đạo đức mặc dù anh ta bán cho khách hàng xe rò rỉ dầu bằng cách tự cho rằng người mua đã không hỏi đúng câu hỏi. Những nhân viên chịu trách nhiệm thi hành án tử hình hợp lý hóa hành động của họ bằng việc đặt trách nhiệm lên hệ thống pháp luật: “Tôi chỉ làm theo luật.” Và khi bị phát hiện tham gia vào những hành động hợp pháp nhưng không hợp đạo đức, rất nhiều người làm trong môi trường kinh doanh nhanh chóng cho rằng pháp luật cho phép những hành động của họ và họ chỉ đang tối đa hóa giá trị của các cổ đông.

Những thứ bậc quan hệ trong hầu hết các tổ chức cung cấp nguồn gốc gắn liền với những lời chối tội này là sếp. Những cụm từ này nghe có quen thuộc không: “Tôi chỉ làm việc mình phải làm”, “Hỏi sếp đi, đừng hỏi tôi”, “Tôi chỉ làm theo lệnh thôi”? Chiều ngược lại, các ông chủ cũng có khuynh hướng đổ tội cho nhân viên vì những hành vi không đạo đức và tự cho rằng mình vô tội. Kenneth Lay đã hợp lý hóa những hành động không đạo đức của mình ở công ty Enron bằng cách đổ tội cho Andrew Fastow, trưởng phòng hành chính của công ty. Lay cho rằng Fastow đã qua mặt ông và ban giám đốc Enron trong những phi vụ làm ăn không đăng ký đóng thuế để cuối cùng dẫn tới đóng cửa công ty. Trong khi thừa nhận hành động của mình là sai, Lay đã giảm thiểu vai trò của mình trong vụ việc. Ông ta đã giữ lại hình ảnh đạo đức của mình, ít nhất là trong tâm trí của ông ta.

Việc lướt qua những giá trị đạo đức còn biểu hiện trong câu nói sáo rỗng “Ai cũng làm vậy.” Có phải chúng ta đều ít nhiều gian lận các khoản thuế? Sự hợp thức hóa này có quyền lực che giấu những lời buộc tội đến mức nó đã trở thành lý do Ben Johnson đưa ra khi bị cáo buộc sử dụng steroid và lấy đi của anh chiếc Huy chương vàng Olympic 1988. Sự hợp lý hóa này bản thân nó cũng đã hướng đến sự thiên vị. Ann đã phát hiện ra rằng chúng ta càng cố gắng hành xử không đạo đức, chúng ta càng dễ dàng thấy những hành động không đạo đức là phổ biến – và vì thế chấp nhận chúng. Giống như là bạn trốn thuế càng nhiều, bạn càng có khuynh hướng tin rằng những người khác cũng gian lận như vậy.

Nếu bạn không thể cố gắng để đẩy các hành vi đạo đức theo hướng có lợi cho mình, bạn luôn có thể thay đổi các tiêu chuẩn đạo đức. Trong những ngành nghề đòi hỏi nhân viên tính lương theo giờ, ví dụ như tư vấn hay luật, những nhân viên mới có thể sẽ tin tưởng mạnh mẽ rằng họ sẽ không bao giờ tính tiền những giờ mình không làm. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, một nhân viên có thể sẽ thấy mình thiếu một giờ trong giờ tính lương “tiêu chuẩn”. Để khỏa lấp sự khoảng trống này, cô ta thêm 15 phút vào mỗi dự án trong 4 dự án. Cuối cùng thì điều gì là quan trọng? Điều quan trọng là những gì đã diễn ra về mặt tâm lý. Tiêu chuẩn đạo đức mà cô nhân viên giữ cho mình đã thay đổi. Ranh giới giữa cái gọi là đạo đức và không đạo đức đã thay đổi.

Khi một người tự điều chỉnh những tiêu chuẩn đạo đức của mình, sức mạnh cho những nguyên tắc đạo đức không còn. Có thể sẽ không còn ranh giới nào mà cô ta không vượt qua. Quá trình này diễn ra từ từ và ngày càng tăng và cô ta sẽ không nhận ra mỗi bước mình đã đi. Một tháng sau khi làm giả thời gian một tiếng, chuyên viên tư vấn này có lẽ sẽ thấy cô ấy bị hụt mất hai giờ. Thêm một giờ nữa cho một tuần trở thành “điều bình thường mới,” và cô ấy thậm chí còn không coi nó là một hành động không đạo đức nữa. Một thời gian sau, chuyên viên tư vấn có thể thấy mình ăn gian đến 10 tiếng một tuần. Trước đây, cô ấy thấy rằng gian lận giờ làm là việc làm không thể chấp nhận được dù trong bất kỳ trường hợp nào, nhưng quyết định đó không tính đến 10 giờ gian lận; hơn thế nữa, cô ấy đã thực hiện hàng loạt những quyết định thêm 10 giờ như vậy – một sự điều chỉnh nhỏ cho tiêu chuẩn đạo đức của cô ấy mỗi lần thực hiện. Để vấn đề tồi tệ hơn, chúng ta có thể trở nên lãnh cảm khi trải nghiệm với các hành vi không đạo đức của chúng ta tăng lên. Đối với tư vấn viên, tình trạng tê liệt đạo đức được hình thành, mỗi lần nói dối về một giờ sẽ ít tổn thương về mặt đạo đức hơn. Và để lấy một ví dụ kịch tính hơn, những nhân viên tư vấn tù nhân cho các “đội hỗ trợ thực thi” những người làm việc với gia đình các tù nhân và nạn nhân của họ có khuynh hướng ngày càng trở nên dễ dãi hơn trong những đánh giá đạo đức mà họ chứng kiến từ các vụ hành quyết.

Số nợ từ kế hoạch Ponzi của Bernard Madoff đã cho thấy một con dốc có thể trở nên trơn trượt như thế nào. Kế hoạch của Ma- doff liên quan đến việc dùng tiền của các nhà đầu tư này trả tiền cho các nhà đầu tư khác, một hành động được cho là đã bắt đầu khi Madoff mất tiền trong các thương vụ và cần một số lượng tiền mặt dư ra để chi trả những khoản lỗ từ các vụ đầu tư này. Dần dần, lượng tiền mà Madoff cần để chi trả các khoản thua lỗ tăng lên và mức độ lừa gạt của ông ta cũng vậy. Mưu đồ này ngày càng tinh vi đến nỗi nó đã qua mắt được các nhà làm luật trong gần 30 năm. Tại sao những chuyên viên kiểm toán của Madoff lại không chú ý đến sự phạm pháp của anh ta? Phân tích cách mà những quyết định không đạo đức của chúng ta được đưa ra, trong chương tới chúng tôi sẽ xem xét một câu hỏi liên quan, đó là bằng cách nào chúng ta thường không chú ý và hành động theo những hành vi không đạo đức của kẻ khác.

_____________________________

Chú thích:

[91] Học viện Josephson (2008), “Report Card on the Ethics of American Youth” (Tạm dịch: Báo cáo về vấn đề đạo đức của người trẻ Mỹ), nguồn: http://charactercounts.org/programs/reportcard/.

[92] A. E. Tenbrunsel, K. A. Diekmann, K. A. Wade-Benzoni, và M. H. Bazerman (2011), “Why We Aren’t as Ethical as We Think We Are: A Temporal Explanation,” (Tạm dịch: Vì sao chúng ta không đạo đức như chúng ta nghĩ: Lý giải về mặt thời gian), trong nghiên cứu về Đạo đức cấp tổ chức, B. M. Staw và A. Brief biên tập, sắp xuất bản.

[93] J. A. Woodzicka và M. LaFrance (2001), “Real versus Imagined Gen- der Harassment” (Ứng xử trong tình huống bị quấy rối tình dục).

[94] T. M. Osberg và J. S. Shrauger (1986), “Self-Prediction: Exploring the Parameters of Accuracy” (Tạm dịch: Tự dự đoán: Khám phá thông số chính xác). E. Tenbrunsel, và A. D. Galinsky (2003), “From Self-Prediction to Self- Defeat: Behavioral Forecasting, Self-Fulfilling Prophecies, and the Effect of Com- petitive Expectations” (Tạm dịch: Từ tự dự đoán tới tự hủy: dự đoán hành vi, tiên tri, và ảnh hưởng của mong đợi có tính cạnh tranh).

[95] K. L. Milkman, T. Rogers, và M. H. Bazerman (2009), “Highbrow Films GatherDust: Time-Inconsistent Preferences and Online DVD Rentals” (Tạm dịch: Highbrow Films Gather Dust: Time-Inconsistent Preferences và Quán cho thuê DVD trực tuyến) Management Science 55:1047–59.

[96] Epley và Dunning 2000.

[97] Diekmann, Tenbrunsel, và Galinsky 2003.

Bình luận
× sticky