Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Điểm Mù

Chương 2: Vì Sao Những Cách Tiếp Cận Đạo Đức Truyền Thống Không Còn Hữu Dụng?

Tác giả: Max H. Bazerman - Ann E.Tenbrunsel

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên một cây cầu vượt dành cho người đi bộ bắc qua một đường xe điện (xem hình 3). Bạn nhìn thấy một chiếc xe điện đang chạy tới và có thể đụng phải năm người đi bộ đứng trên đường ray. Đứng cạnh bạn trên chiếc cầu nằm giữa chiếc xe điện đang lao tới và năm người đó là một công nhân đường sắt đeo một chiếc ba lô lớn. Bạn nhanh chóng nhận ra cách duy nhất để cứu năm người kia là đẩy người công nhân bên cạnh rơi xuống đường ray xe điện bên dưới. Người đàn ông này sẽ chết nhưng thân thể của anh ta sẽ ngăn được chiếc xe điện đâm vào năm người kia. (Ngay lúc đó, bạn cũng hiểu rằng bạn không thể tự nhảy xuống vì bạn không mang đủ khối lượng nặng để chặn chiếc xe điện mà lại không có thời gian để cởi chiếc ba lô của người công nhân rồi tự đeo cho mình.) Bỏ qua những vấn đề về mặt pháp lý, bạn có cho rằng hành động này là có lương tâm khi cứu năm người bằng cách đẩy một người lạ đến chỗ chết?

Hình 3: Song đề cầu vượt

Chúng tôi vừa miêu tả một hiện tượng tâm lý rất nổi tiếng có tên là “Song đề cầu vượt”.[31] Tình huống này thường được dùng để nhấn mạnh hai cách tiếp cận đối lập nhau về mặt nguyên tắc khi đưa ra những quyết định đạo đức: cách tiếp cận hướng đến kết quả và cách tiếp cận hướng đến đạo đức. Cách tiếp cận hướng đến kết quả xác định tính đạo đức của một hành động dựa trên những kết quả sinh ra từ hành động đó. Thuyết vị lợi, một thể phổ biến của thuyết hệ quả thường được miêu tả bằng cụm từ “làm những gì tốt nhất cho một số lượng người lớn nhất”. Một trường phái đạo đức khác mà Immanuel Kant gọi là cách tiếp cận đạo đức lại đánh giá tính đạo đức của hành động dựa trên sự gắn liền của hành động với luật lệ và trách nhiệm.[32] Kant cho rằng muốn đánh giá một hành động là đúng hay sai phải dựa trên việc xem xét các quyền và nghĩa vụ trong xã hội. Theo quan điểm của Kant, hành động đẩy một người xuống cầu là vi phạm quyền của anh ta và vì thế là không đạo đức.

Quả thật, khi đọc tình huống cầu vượt, hầu hết mọi người đều không tin rằng, xét về mặt đạo đức, ta có thể chấp nhận hành động đẩy người công nhân đường sắt khỏi cây cầu để cứu năm mạng người. Bằng cách tiếp cận hướng đến đạo đức, họ sẽ tự vấn liệu mình có quyền đẩy ai đó khỏi cây cầu hay không. Nếu bạn hỏi tại sao họ lại phản đối việc đẩy người công nhân khỏi cây cầu, những câu trả lời phổ biến sẽ là “Đó là giết người!”, “Kết quả không quyết định cách thức” hoặc “Mọi người đều bình đẳng!”[33]. Ngược lại, cách tiếp cận vị lợi sẽ tính đến chi phí và lợi ích của mỗi hành động và sẽ chọn phương án tối ưu nhất giữa chi phí và lợi ích cho tất cả các bên liên quan – trong trường hợp này là cứu năm người bằng cách hy sinh một người.

Hãy cùng nhìn lại vấn đề được nhắc tới trước trong song đề cầu vượt, còn đây là là “song đề xe điện”: Một chiếc xe điện đang chạy về phía năm công nhân đường sắt và họ sẽ chết nếu nó tiếp tục hành trình của mình (xem hình 4). Cách duy nhất để cứu những người này là bẻ ghi tàu[34] để chiếc xe chuyển hướng sang đường ray phụ, nó vẫn sẽ chạy tiếp và khi đó chỉ làm một công nhân thiệt mạng thay vì năm người. Bỏ qua những vấn đề pháp lý, xét về mặt đạo đức, liệu ta có thể chấp nhận việc chuyển hướng xe điện bằng cách bẻ ghi tàu nhằm cứu năm người thay vì một người?[35]

Hình 4: Song đề xe điện

Khi xem xét song đề xe điện, hầu hết mọi người (chưa biết đến song đề cầu vượt) cho rằng về mặt đạo đức, có thể chấp nhận việc bẻ ghi tàu. Nếu bạn hỏi nguyên do, lý giải của họ có xu hướng tập trung vào niềm tin rằng năm người chết sẽ tệ hơn việc một người chết.[36] Đây là suy nghĩ vị lợi nguyên thủy vì nó tập trung vào kết quả của hành động.

Khi được tiếp xúc với cả hai vấn đề này, một số người sẽ trăn trở vì sự không thống nhất gây tranh cãi (arguable inconsistency) của quyết định có gạt cần để chuyển hướng xe điện (trong song đề xe điện) đối lập với quyết định không đẩy người đàn ông khỏi chiếc cầu (trong song đề cầu vượt). Những người trăn trở với sự không kiên định này có khuynh hướng đưa ra quyết định cảm tính trong trường hợp chiếc cầu vượt; sau đó trường hợp xe điện lại dẫn họ đến những quyết định tốt hơn phù hợp với những lý do vị lợi. Khi hai câu chuyện này được đưa ra minh họa, chúng ta đôi khi sử dụng các quy tắc triết học đã được nhắc đến trước đó để đưa ra phán đoán. Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng linh hoạt khi áp dụng những nguyên tắc này và chúng ta đôi khi sẽ làm khác đi những gì mình định làm nếu có thêm thời gian để suy nghĩ về câu hỏi này.

Chúng tôi không có một nguyên tắc bất di bất dịch nào cho việc bạn là một người theo thuyết vị lợi hay là một nhà đạo đức hoặc việc bạn quyết định trở thành người này hay người kia sau khi đọc xong quyển sách này. Bạn hoàn toàn được tự do quyết định với ý kiến của riêng mình về việc nên làm gì trong trường hợp xe điện và cây cầu vượt. Mục đích của chúng tôi chỉ đơn giản là cảnh tỉnh người đọc về những sự không kiên định có thể có trong quyết định và hành động của họ và cụ thể là trong khoảng cách tồn tại giữa hành vi và quan niệm về hành động của họ, khoảng cách mà những cách tiếp cận đạo đức truyền thống có xu hướng bỏ qua.

Các nhà đạo đức học có thể cải thiện đạo đức của chúng ta?

Sau sự sụp đổ của tập đoàn Enron (một tập đoàn năng lượng hùng mạnh nhất nước Mỹ vì chính sách hoạt động nội bộ sai lầm dẫn đến phá sản) và các tổ chức khác cùng thời, nhiều trường học và tổ chức nghề nghiệp đã được mời tham dự nhiều cuộc họp nhằm nhìn nhận nghiêm túc hơn về các vấn đề đạo đức.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng yêu cầu nhiều hành động có đạo đức hơn từ các tổ chức, chúng ta nên nghiên cứu xem các phân tích đạo đức truyền thống còn có thể cung cấp các giải pháp hứa hẹn hay không. Bước đầu tiên là tìm hiểu ý kiến của các nhà đạo đức học về vấn đề này. Xét về mặt triết học, vấn đề “đạo đức” từ xưa đến nay được nghiên cứu trên góc nhìn nguyên tắc chuẩn mực. Đây là cách tiếp cận nghiên cứu về những cách thức xác định tính đúng đắn về mặt đạo đức của một hành động, tập trung vào câu hỏi “Con người nên cư xử như thế nào?” Ví dụ trong trường hợp song đề cầu vượt, các nhà triết học tìm hiểu xem cách tiếp cận đạo đức hay vị lợi là thích đáng hơn.

Các nhà triết học đương đại cho rằng những suy nghĩ mang tính triết học là trung tâm của việc giáo dục đạo đức sẽ giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn và sẽ cho chúng ta sự can đảm cần thiết để đứng lên bảo vệ công lý.[37] Nhưng thẩm phán Richard Posner, đồng thời là một học giả nghiên cứu pháp luật lại cho rằng không có bằng chứng thực tiễn nào tồn tại để chứng minh cho những lập luận này.[38] Thật ra, tự bản thân các nhà đạo đức cũng chỉ cung cấp những mô hình thử nghiệm hoàn hảo để kiểm tra xem cách thức đào tạo truyền thống mang tính chuẩn tắc về đạo đức liệu có giúp tăng tính đạo đức trong hành vi ứng xử hay không. Ý kiến này do Eric Schwi gebel, một giáo sư triết học tại đại học California ở Riverside ghi nhận. Vì các nhà đạo đức học đã cống hiến sự nghiệp cả đời của họ vào việc nghiên cứu và giảng dạy về đạo đức nên chúng ta có thể hy vọng rằng các nhà đạo đức học sẽ hành xử đạo đức hơn chúng ta.[39]

Tuy nhiên trong nghiên cứu của mình, Schwi gebel đã chỉ ra rằng nếu đạo đức đồng nghĩa với “không ăn cắp” thì chính các nhà đạo đức học lại không ghi được nhiều điểm lắm, ít nhất là qua một số phương pháp kiểm tra cụ thể. Khảo sát 31 thư viện khoa học hàng đầu tại Mỹ và Anh, Schwi gebel đã so sánh số lượng sách viết về đạo đức bị lấy mất với số lượng những quyển sách khác không viết về đạo đức ra đời cùng thời điểm và cùng độ phổ biến như nhau. Ông thấy rằng sách đạo đức có xu hướng bị mất nhiều hơn là các loại sách khác. Kế đến, ông nghiên cứu số lượng những quyển sách triết học khá ít người biết đến mà thường chỉ có những sinh viên học chuyên sâu và giáo sư mượn. Trong số này, ông chứng minh rằng sách đạo đức sẽ có khả năng bị mất nhiều hơn 50% đến 150% so với các sách khác.

Schwi gebel cũng đã thực hiện một nghiên cứu tương tự về việc các nhà đạo đức thường có xu hướng can dự vào các hành vi tiền xã hội (prosocial) còn tranh cãi, như vấn đề bỏ phiếu và không ăn thịt. So sánh các nhà đạo đức triết học với các nhà triết học và những giáo sư trong các lĩnh vực khác, ông tìm ra rằng trong khi các nhà đạo đức có khuynh hướng lên án việc ăn thịt nhiều hơn những nhà triết học không nghiên cứu về đạo đức và các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác, thì bản thân họ lại không có vẻ gì là ăn thịt ít hơn những người này. Tìm hiểu những trường hợp khác, nhà nghiên cứu tìm thấy rất ít chứng cứ ủng hộ cho quan niệm rằng việc giáo dục đạo đức theo cách truyền thống sẽ tạo nên nhiều công dân đạo đức hơn.[40] Schwi gebel kết luận rằng nghiên cứu của ông đã giảm bớt sự phổ biến của quan niệm cho rằng tham gia vào những khóa học đạo đức sẽ cải thiện hành vi đạo đức trong tương lai của người học.[41]

Thậm chí các nhà triết học lão luyện cũng có vẻ chia ra theo hành vi đạo đức của các nhà đạo đức học. Một cuộc bình chọn của các nhà triết học tại một cuộc họp tại Hiệp hội triết học Mỹ vào tháng 4 năm 2007 đã chỉ ra rằng rất ít người (đặc biệt là các nhà đạo đức học) thể hiện quan điểm rằng theo mặt bằng chung thì các nhà đạo đức học hành xử đạo đức hơn những người khác có cùng nền tảng xã hội, còn phần lớn những người được khảo sát đều cho rằng các nhà đạo đức học không hành xử tốt hơn những nhà triết học không nghiên cứu về đạo đức.[42]

Bạn có thấy ngạc nhiên không? Có thể bạn không ngạc nhiên nếu bạn nghĩ về trọng tâm và quan niệm đằng sau cách tiếp cận của triết học đối với vấn đề đạo đức. Các nhà đạo đức học theo nguyên tắc truyền thống đã tập trung vào việc tìm hiểu cách mà chúng ta nên hành xử và đã có những bước tiến đáng kể trong việc trả lời những câu hỏi kiểu này. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu thực tế đem lại kết quả về vấn đề khác biệt giữa cách mà con người thật sự hành xử và cách mà các hành vi đạo đức của họ có thể được cải thiện – kiến thức cần được hiểu và cải thiện không chỉ là việc các nhà triết học hành xử như thế nào mà còn là việc các khủng hoảng kinh tế và đạo đức trong thập niên qua đã xảy ra như thế nào. Chúng ta sẽ thảo luận trong cuốn sách này về sự khác biệt giữa cách mà chúng ta suy nghĩ mình nên hành xử với cách mà chúng ta muốn hành xử. Chúng ta có thể phán đoán là mình sẽ hành xử một cách nhất quán với những mong muốn tự đặt ra cho mình. Nhưng vào những thời điểm phải ra quyết định, chúng ta thường hành xử theo cách mà mình muốn.

Giới hạn của cách tiếp cận đạo đức truyền thống

Một rào cản khác khiến các học giả về đạo đức học gặp khó khăn trong việc nghiên cứu đầy đủ các vấn đề về đạo đức liên quan đến việc họ đặt những khuynh hướng đạo đức của những người ra quyết định vào vai trò trung tâm. Hầu hết các cách tiếp cận đạo đức đều giả định rằng con người nhận thức một tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức vì bản chất của nó và đáp trả nó một cách chủ ý. Trái lại, những nghiên cứu về đạo đức có điều kiện (đạo đức giới hạn) nghiên cứu những hành vi trái đạo đức xảy ra một cách không chủ ý. Hãy suy xét mô hình miêu tả ảnh hưởng của J. R. Rest về việc ra quyết định đạo đức. Rest cho rằng các cá nhân đối mặt với các quyết định mang tính đạo đức phải trải qua bốn giai đoạn sau đây:[43]

Nhận thức về đạo đức ⇨ Phán đoán đạo đức ⇨ Khuynh hướng/ chủ ý đạo đức ⇨ Hành động đạo đức

Nhận thức, phán đoán, chủ ý và hành động đạo đức hiển nhiên là những yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định đạo đức. Tuy nhiên mô hình này chưa hoàn chỉnh và có thể đang đi sai hướng. Mô hình này cho rằng (1) nhận thức là cần thiết cho một quyết định có đạo đức, (2) lập luận của một cá nhân quyết định sự phán đoán và (3) khuynh hướng đạo đức là yếu tố cần có để hiểu được hành động đạo đức của một người. Mỗi một giả định này, vốn tiềm ẩn trong các cách tiếp cận đạo đức truyền thống và nhiều chương trình đào tạo đạo đức, đã bỏ qua các bằng chứng ngược lại. Bằng cách này, mô hình này hướng sự chú ý của chúng ta khỏi những yếu tố then chốt của việc ra quyết định và phán đoán dẫn đến những hành vi phi đạo đức. Như chúng tôi sẽ giải thích trong những phần sau, những người dạy chúng ta cách cư xử đạo đức hơn đã bỏ qua rất nhiều trường hợp mà chúng ta thật sự tìm thấy chính mình trong đó, bao gồm cả những trường hợp mà chúng ta thiếu nhận thức đạo đức, phán đoán trước khi lập luận và phán đoán sai các chủ ý đạo đức.

Khi chúng ta thiếu nhận thức đạo đức

Hãy tưởng tượng nghề nghiệp chính của bạn là bán hàng. Tất cả thu nhập của bạn phụ thuộc vào việc bạn bán được bao nhiêu. Bạn đã đưa ra những định mức bán hàng tham vọng và bạn tập trung vào cách thức để đạt được những mục tiêu này. Cuối năm, bạn hoàn thành chỉ tiêu và được công ty thưởng lớn.

Viễn cảnh này miêu tả trường hợp mà hàng triệu người làm việc cho các tổ chức trên toàn thế giới đang đối mặt mỗi ngày. Xét hình thức, trường hợp này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bây giờ hãy thêm vào vài chi tiết. Vào năm 2006, người bán hàng là một nhân viên cho vay nợ xấu và chỉ tiêu của anh ta buộc anh ta phải cho các nhà đầu tư vay tiền – vốn phụ thuộc vào khả năng chi trả của họ. Hoặc tưởng tượng rằng người bán hàng làm việc cho Enron năm 1999, bán một ý tưởng mới của hãng này; hoặc bán các công ty hình thức – một cách để che giấu các khoản nợ – cho các nhà đầu tư cổ phần tư nhân như JPMorgan Chase, Citigroup, Credit Suisse First Boston và Wachovia.

Trong khi một số người bán hàng ở những công ty này có thể nhận thức được hệ quả về mặt đạo đức trong những quyết định của mình thì rất nhiều người khác có thể không nhận thức được. Họ có thể chỉ xem đó như là “các quyết định làm ăn” và tin tưởng rằng họ đang làm theo những thông lệ được chấp nhận để đạt được mục tiêu kinh doanh cuối cùng. Hoặc có thể họ sẽ xem đó như là những quyết định pháp lý và sẽ chỉ đơn thuần tự hỏi rằng những chiến lược kinh doanh họ đang theo đuổi có đúng pháp luật hay không. Tuy nhiên, có vẻ như hầu hết đều không xem đó là những quyết định mang tính đạo đức.

Đào tạo đạo đức kinh doanh có xu hướng phần lớn dựa vào cách tiếp cận đạo đức được miêu tả ở trên: đó là nhấn mạnh vào các yếu tố đạo đức của các quyết định với mục tiêu khuyến khích nhân viên chọn những con đường đạo đức. Nhưng giả định thông thường mà quá trình đào tạo này dựa trên là việc nhân viên sẽ chọn lựa đánh đổi giữa hành xử đạo đức và kiếm lợi nhuận về cho công ty của mình quá hẹp. Nó đã bỏ qua sự thật rằng những người ra quyết định thường không nhìn thấy “đạo đức” trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức có sẵn. Trong nhiều trường hợp, người ra quyết định không nhận ra nhu cầu cần thiết phải áp dụng kiểu phán xét đạo đức mà họ đã học trong các khóa huấn luyện đạo đức vào việc đưa ra quyết định của mình.

Như chúng tôi đã miêu tả trong chương 1, tâm trí của chúng ta thường hướng đến đạo đức có điều kiện hay những giới hạn nhận thức có thể khiến chúng ta không ý thức được những khía cạnh đạo đức trong những quyết định của mình. Thế giới bên ngoài cũng giới hạn khả năng chúng ta nhìn thấy những khía cạnh đạo đức trong những quyết định cụ thể. Ví dụ, xét về những khía cạnh của công việc hàng ngày bao gồm các mục tiêu, lương thưởng, các hệ thống đánh giá mức độ tuân thủ (compliance systems) và những áp lực hiện hữu có thể góp phần làm suy thoái đạo đức, một quá trình mà các khía cạnh đạo đức bị loại trừ ra khỏi một quyết định.[44] Ann và đồng sự của cô ấy, Dave Messick từng cho rằng những đặc điểm phổ biến của các công ty có thể khiến chúng ta mù quáng trước những dấu hiệu đạo đức của một quyết định, ví dụ hướng chúng ta tới việc phân loại quyết định của mình là một “quyết định kinh doanh” hơn là một “quyết định đạo đức” và vì thế càng làm tăng khả năng chúng ta cư xử thiếu đạo đức.

Hoạt động thực tiễn của các tổ chức góp phần vào việc làm suy giảm đạo đức có thể tinh tế (subtle) như những khác biệt trong ngôn ngữ dùng để diễn tả quyết định. Một trường hợp thực tế là Albert Speer, một trong những bộ trưởng và cố vấn tin cậy nhất của Adolf Hitler. Sau chiến tranh, Speer thừa nhận rằng bằng cách tự cho mình là “người điều hành” kế hoạch của Hitler, ông ta đã tự thuyết phục bản thân mình rằng những vấn đề liên quan đến con người không phải là công việc của mình nữa.[45] “Cái mác” này cho phép Speer phân loại lại những quyết định đạo đức thành những quyết định công việc và như thế các khía cạnh đạo đức dần bị xem nhẹ trong các quyết định.

Tại sao việc phân loại quyết định của chúng ta lại quan trọng? Vì việc phân loại thường ảnh hưởng đến những quyết định đi kèm đó. Khi chúng ta không phân loại một quyết định là đạo đức, dù là do giới hạn nhận thức của mình hay vì những yếu tố tác động bên ngoài gây ra việc suy giảm đạo đức, thất bại này cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta phân tích quyết định của mình ra sao và hướng mình về cách hành xử không đạo đức, không có dự tính.

Khi chúng ta hành động trước khi cân nhắc

Hãy suy xét hai câu chuyện sau:

• Một phụ nữ đang dọn dẹp tủ quần áo của mình và tìm thấy lá cờ Mỹ cũ. Cô ấy không còn cần lá cờ đó nữa, vì thế cô ấy cắt ra thành từng mảnh và dùng các mảnh vải đó lau dọn nhà tắm.

• Con chó của một gia đình bị xe ô tô đụng chết trước cửa nhà. Gia đình này nghe nói thịt chó ăn rất ngon, vì thế họ xẻ thịt con chó để nấu bữa tối.

Khi nhà tâm lý học Jonathan Haidt và các đồng nghiệp của anh ta trình bày hai câu chuyện này cho các học viên, hầu hết họ đều ngay lập tức chỉ trích hành vi được miêu tả là sai trái, mặc dù họ không thể giải thích lý lẽ ngay lập tức về ý kiến của mình.[46] Thay vào đó, họ trả lời bằng những câu kiểu như “Tôi không biết, tôi không giải thích được, chỉ là tôi biết như vậy”.[47]

Các nhà tâm lý học trực giác như Haidt cho rằng những phản ứng cảm tính như vậy thường đến trước các phán đoán đạo đức. Nói cách khác, các lập luận về đạo đức không ảnh hưởng đến những phán đoán đạo đức. Thay vào đó, nó lại xảy ra ngược lại: phán đoán đạo đức ảnh hưởng các lập luận đạo đức. Theo cách suy nghĩ này, những phản ứng cảm tính xuất hiện tức thời thường lái sự phán đoán của chúng ta và chúng ta đưa vào các lập luận đạo đức thận trọng để bào chữa cho phản ứng đầu tiên đó.[48] Những quá trình cảm tính này làm phát sinh những quyết định ban đầu của chúng ta về các vấn đề đạo đức, ví dụ như việc dùng lá cờ và ăn thịt chó. Đối lập trực tiếp với mô hình của Rest về việc đưa ra các quyết định đạo đức, chỉ sau khi đưa ra các quyết định thì chúng ta mới nghĩ đến lý do để giải thích chúng.

Ảnh hưởng mạnh mẽ của các phản ứng cảm tính đến các phán đoán đạo đức được củng cố bởi các nghiên cứu cho thấy các cá nhân có các tổn thương thần kinh ở các vùng não quy định về cảm xúc sẽ bị giảm khả năng đưa ra các phán đoán và hành vi đạo đức.[49] Những phát hiện này đã đưa ra những nghi ngờ về quan niệm rằng các phán đoán luôn đi trước hành động, một tiền đề đã thống trị các cách tiếp cận đạo đức truyền thống.

Khi chúng ta phán đoán sai các ý định đạo đức

Các cách tiếp cận triết học truyền thống về đạo đức, đặc biệt là những séc-măng (phân khúc) của đạo nghĩa học (deontological ethics) thường đặt khuynh hướng đạo đức vào vị trí trung tâm của sự xem xét trong các phán đoán của hành vi phi đạo đức. Đó là, khi phán đoán đạo đức của một con người, những cách tiếp cận này xem xét liệu người đó có ý định cư xử một cách đạo đức hay không. Nhưng cũng cần xem xét rằng những phán đoán này có thể dựa trên những yếu tố sai lầm như phán đoán được minh họa trong ví dụ sau của giáo sư triết học Đại học Yale tên là Joshua Knobe:[50]

Chủ tịch một công ty đã quyết định có nên thông qua một chương trình mới hay không. Chương trình này có thể giúp tăng lợi nhuận đồng thời cũng thân thiện với môi trường. “Tôi không quan tâm gì đến việc thân thiện với môi trường”, chủ tịch nói. “Tôi chỉ muốn tối đa hóa lợi nhuận hết mức có thể. Hãy khởi động chương trình mới.” Trong trường hợp này, bạn có cho rằng ông chủ tịch có ý định bảo vệ môi trường hay không?

Bây giờ hãy xem xét một phiên bản khác của tình huống này.

Vị chủ tịch đã quyết định thông qua một chương trình mới. Chương trình này sẽ giúp tăng lợi nhuận nhưng sẽ có tác động xấu đến môi trường. “Tôi không quan tâm gì đến việc thân thiện với môi trường”, chủ tịch nói.“Tôi chỉ muốn tối đa hóa lợi nhuận hết mức có thể. Hãy khởi động chương trình mới.” Bạn có cho rằng vị chủ tịch muốn làm hại môi trường không?

Dù sự thật là, trong cả hai trường hợp, mục đích duy nhất của vị chủ tịch là kiếm tiền nhưng đánh giá của mọi người về mục đích của vị chủ tịch có vẻ như còn phụ thuộc vào “hiệu ứng phụ” trong quyết định của ông ta. Sau khi nghiên cứu phản ứng của những người được khảo sát về trường hợp đầu tiên, nói rằng chương trình mới sẽ giúp cải thiện môi trường, chỉ có 23% cho rằng vị chủ tịch có ý định giúp đỡ môi trường. Trái lại, sau khi những người được khảo sát đọc trường hợp thứ 2, 82% tin rằng vị chủ tịch có ý muốn gây hại cho môi trường, mặc dù vị chủ tịch đều thể hiện ý định y hệt nhau trong cả hai trường hợp.

Sự không nhất quán này được điều khiển bởi các yếu tố không liên quan đến mục đích của người ra quyết định. Như vậy, xuất hiện các nghi ngờ về các phương pháp tiếp cận yếu tố mục đích của đạo đức so với hành vi phi đạo đức. Đúng là sự chủ ý có thể lái các phản hồi theo hướng hành vi đạo đức nhưng không phải đúng cho mọi trường hợp và mọi quyết định. Ann và đồng nghiệp của cô ấy, Kristin Smith-Crowe đã cho rằng: “người ‘tốt’ và ‘xấu’ đưa ra các quyết định ‘tốt’ và ‘xấu’” vì thế có thể xác định và hiểu được các quyết định đạo đức có chủ ý và không có chủ ý là rất quan trọng. Các cách tiếp cận truyền thống đã bỏ qua vế sau.

Các biến số mà mô hình các quyết định đạo đức của Rest đã tóm tắt được là rất quan trọng. Nhưng một số yếu tố của mô hình này – nhận thức đạo đức, một thứ tự tập hợp các giai đoạn và sự chủ ý (có mục đích) vẫn chưa làm rõ được các yếu tố then chốt dẫn đến các hành vi phi đạo đức trong hoạt động của các tổ chức. Bằng cách bỏ qua các quyết định đạo đức xảy ra mà không có nhận thức đạo đức, mô hình này đã bỏ qua không xem xét đến một phần đáng kể các quyết định phi đạo đức và những lý do đằng sau chúng.

Một nhánh của trường phái triết học mới nghiên cứu về hành vi thực tế được gọi là triết học thực nghiệm đã trả lời cho một số quan điểm phê phán của chúng tôi. Những kẻ nổi loạn (rebels) triết học, với hy vọng làm rõ hơn những vấn đề triết học truyền thống đã tiến hành các thí nghiệm nhằm thu thập thông tin về các phán xét/ phán quyết mà con người thật sự thực hiện khi đối mặt với các tình thế khó xử về đạo đức.[51] Hình thức nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin giá trị về cách con người hành xử trong thực tế. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, nó chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ các nhà triết học có phần biệt lập và công trình của họ chưa gây ảnh hưởng gì đến các cách tiếp cận truyền thống về đào tạo đạo đức.

Nếu các cách tiếp cận triết học không cung cấp chìa khóa cần thiết để làm giảm các hành vi thiếu đạo đức trong các tổ chức thì cái gì sẽ cung cấp? Mở cánh cửa đến với các hành vi thiếu đạo đức yêu cầu phải có sự thấu hiểu các ảnh hưởng tinh tế lên các hành vi của chúng ta – những ảnh hưởng mà chúng ta thường không nhận thức được – và những tác động của chúng lên cách chúng ta suy nghĩ về những tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức. Trong phần tiếp theo và các chương kế tiếp, chúng tôi sẽ miêu tả cách các nhà tâm lý học đang áp dụng những hiểu biết này vào lĩnh vực đạo đức hành vi.

Hai hệ thống nhận thức, hai mô thức ra quyết định

Lĩnh vực đạo đức hành vi nhấn mạnh nhu cầu xem xét việc các cá nhân thật sự quyết định ra sao hơn là việc họ quyết định như thế nào trong một thế giới lý tưởng. Các nghiên cứu công bố rằng trí tuệ của chúng ta có hai mô thức rõ rệt trong việc đưa ra quyết định. Bằng cách hiểu được những mô thức này, chúng ta có thể chạm tới những thấu hiểu then chốt để cải thiện đạo đức trong các quyết định của mình.

Không có gì ngạc nhiên khi quá trình ra quyết định của chúng ta có khuynh hướng thỏa hiệp nhất khi tâm trí của chúng ta quá tải. Ví dụ như càng bận rộn với công việc, chúng ta càng ít chú ý hơn khi đồng nghiệp của mình phạm phải các quy tắc đạo đức hay khi chính bản thân mình đi quá giới hạn. Một khái niệm tâm lý quan trọng soi sáng lý do tại sao vấn đề này đáng được quan tâm là sự khác biệt giữa suy nghĩ của “Hệ thống 1” và “Hệ thống 2”.[52] Theo quan điểm này, lối suy nghĩ Hệ thống 1 là hệ thống trực giác của chúng ta khi xử lý thông tin: nhanh, tự động, không mất sức, tiềm tàng và xúc cảm. Hệ thống 1 cũng có hiệu quả và vì thế đóng vai trò như một công cụ thích hợp đóng góp phần lớn các quyết định mà chúng ta thực hiện hàng ngày. Trong khi đó, so với Hệ thống 1, Hệ thống suy nghĩ 2 chậm hơn, tỉnh táo, nỗ lực, thẳng thắn và lôgic hơn.[53] Khi bạn đặt lên bàn cân cái giá và lợi ích của những cách hành xử khác nhau theo một cách hệ thống và có tổ chức, bạn đang sử dụng Hệ thống suy nghĩ 2.

Con người rất hay có cảm xúc, Hệ thống 1 phản ứng với những vấn đề lợi ích theo khía cạnh này. Tuy nhiên, những phản ứng này đôi khi khác biệt với những điều mà chúng ta có thể quyết định với sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Hơn nữa, tầm quan trọng của những quyết định trong thực tế không bảo vệ chúng ta khỏi những giới hạn trí óc của con người. Trên thực tế, nhịp độ điên cuồng của đời sống hiện đại có thể hướng chúng ta đến việc tin tưởng vào Hệ thống suy nghĩ 1 thậm chí khi Hệ thống suy nghĩ 2 được công nhận là có hiệu quả hơn.[54] Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng những người tham gia “bận rộn về nhận thức” thường có khuynh hướng không gắn bó với một công việc hơn là những người tham gia ít áp lực hơn.[55] Tại sao lại như vậy?

Vì năng lượng nhận thức cần phải đủ sức phản ánh để ngăn cản sự thôi thúc một người gian lận. Kern và Chugh đã chỉ ra rằng tác động của những ảnh hưởng bên ngoài lên các lựa chọn đạo đức của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ra quyết định.[56] Họ yêu cầu mọi người tưởng tượng chính mình đang ở trong tình huống như sau:

Bạn đang cố gắng bán chiếc máy thu phát của mình để kiếm tiền cho một chuyến đi nước ngoài sắp tới. Chiếc máy thu phát còn hoạt động tốt và một người bạn có hiểu biết sâu về việc thu âm nói với bạn rằng nếu anh ta làm trong thị trường thiết bị thu phát (mà thật ra không phải) anh ta sẽ trả bạn 500 đô-la để có nó. Bạn không có nhiều thời gian trước khi khởi hành chuyến đi. Bạn của bạn cho rằng bạn có 25% cơ hội có thể bán được chiếc máy này với giá đó trước chuyến đi. [Một nhóm khác thì lại cho rằng có 75% cơ hội sẽ mất phi vụ này]. Một vài ngày sau, một vị khách tiềm năng đến xem chiếc máy và có vẻ thích thú. Vị khách hàng tiềm năng này đã hỏi bạn còn những đề nghị nào khác không. Làm thế nào bạn có thể trả lời rằng bạn còn một đề nghị khác?

Như trong một nghiên cứu khác của Kern và Chugh, những người tham gia nghiên cứu sẵn sàng dùng các mánh khóe để tránh các tổn thất hơn là tích lũy lợi nhuận. Tuy nhiên, việc đặt ra chuyện thua hay được chỉ ảnh hưởng đến việc ra quyết định khi các cá nhân chịu tác động của áp lực thời gian và được yêu cầu phải phản hồi nhanh nhất có thể. Các cá nhân không phải chịu những áp lực này – tức là những người được bảo cứ thong thả trong việc phản hồi và suy nghĩ kỹ lưỡng về câu hỏi – không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại vi (không liên quan đến sự lựa chọn đạo đức) của việc có thể đạt được lợi ích hoặc có thể bị thiệt hại.

Cách suy nghĩ nào tốt hơn, Hệ thống 1 hay Hệ thống 2? Có rất nhiều người hài lòng khi tác giả Malcolm Gladwell đưa ra một trường hợp tin tưởng vào trực giác của chúng ta trong quyển sách của ông tên là Blink. Ta vẫn thường tin tưởng ở trực giác của bản thân (Hệ thống 1). Hơn nữa, cách suy nghĩ của Hệ thống 1 là đủ cho hầu hết mọi quyết định; ví dụ sẽ rất mất thời gian nếu chúng ta suy nghĩ một cách lôgic mỗi khi đi mua sắm hàng tạp hóa. Tuy nhiên, tin tưởng vào trực giác của chúng ta một cách bản năng mà không sử dụng tới suy nghĩ Hệ thống 2 có thể nới rộng khoảng cách giữa việc chúng ta muốn cư xử như thế nào và việc chúng ta thật sự hành xử như thế nào. Lôgic của hệ thống 2 có thể là một phần của những quyết định quan trọng nhất của chúng ta, bao gồm cả những quyết định có tính đạo đức.

Nếu những phản ứng bên trong bạn khác với quyết định bạn đưa ra sau một quá trình đắn đo suy nghĩ thì việc hòa hợp sự mâu thuẫn này là điều quan trọng. Nếu bạn để cho tiếng nói bên trong dẫn dắt, những thứ đơn giản như là quan điểm về một quyết định được xem như thua hay thắng có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Nhưng nếu bạn bỏ qua tiếng nói bên trong và hoàn toàn dựa trên quyết định từ sự tính toán thiệt hơn, bạn có thể sẽ bỏ qua những tín hiệu cảnh báo từ bên trong rằng “có gì đó không đúng”, như là bỏ quên những dấu hiệu – loại dấu hiệu mà những người đã gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nên lắng nghe. Việc để cho hai hệ thống này “nói chuyện” với nhau là rất quan trọng. Về cơ bản, khi hai hệ thống này bất đồng thì đó là gợi ý cho bạn để dùng hệ thống này “kiểm tra” hệ thống kia. Trái tim bạn có thể giúp bạn tìm ra những cảm xúc nào bạn đã bỏ qua trong sự tính toán cẩn thận của mình và những phân tích lý tính có thể giúp bạn quyết định xem những yếu tố không liên quan có ảnh hưởng đến sự phản ứng của bạn hay không.

Tầm quan trọng của sự tự nhận thức về đạo đức

Như đã được chứng minh bằng các kết quả nghiên cứu được trình bày trong chương này, người ta nhìn chung không nhận ra rằng những suy đoán về đạo đức của họ thường phụ thuộc vào những cách họ phê phán khi nhận thức nhiều hơn. Thật không may, những thành kiến của chúng ta có vẻ như không giúp chúng ta đưa ra được những quyết định tốt hơn. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng trong khi những người khác có thể là nạn nhân của sự thiếu quyết đoán thì bản thân chúng ta lại miễn nhiễm với chúng. Ví dụ như, khi những người tham gia vào một nghiên cứu được yêu cầu đoán xem những động cơ kinh tế nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ và những người khác trong viêc hiến máu, hầu hết đều đánh giá quá cao ảnh hưởng của sự tư lợi lên những người khác; đồng thời, họ phủ nhận việc sự tư lợi đó ảnh hưởng đến quyết định của chính họ.[57] Hầu hết chúng ta đều đánh giá thấp mức độ mà hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những động cơ và những yếu tố tình huống khác.

Những quyết định mà chúng ta đưa ra nhân danh bản thân, tổ chức và xã hội phần nhiều có thể gây nên những tác hại lớn. Để cải thiện những phán xét đạo đức của mình, chúng ta cần hiểu và chấp nhận những giới hạn của trí óc con người. Tuy nhiên những giải pháp được đề nghị để giảm những kết quả không mong muốn của những quyết định này bao gồm cả sự bổ sung và giáo dục về pháp luật và đạo đức thường không tính đến những giới hạn này. Không có nhận thức về điểm mù, những cách tiếp cận đạo đức truyền thống sẽ không đặc biệt hữu dụng trong việc cải thiện hành vi. Nếu giống như hầu hết mọi người, bạn liên tiếp không nhận ra được những thành tố đạo đức của các quyết định, không chống lại những định kiến trong nhận thức và ngừng suy nghĩ rằng bạn cư xử không đạo đức như bạn thật sự làm, khi đó việc khuyên rằng những phán xét đạo đức nào bạn nên đưa ra có vẻ sẽ không cải thiện đạo đức của bạn. Ngược lại, những bài học về đạo đức hành vi được chứng minh là hữu dụng cho những ai mong muốn trở thành người đạo đức hơn nhưng những phán quyết của họ thường không song hành cùng những lý tưởng hay mong muốn của họ.

____________________________

Chú thích:

[31] Dẫn từ P. Foot (1978), “The Problem of Abortion and the Doctrine of the Double Effect”, in Virtues and Vices (Tạm dịch: Những vấn đề nảy sinh từ việc nạo phá thai và Giáo lý ảnh hưởng Kép); J. J. Thomson (2011), “Killing, Le ing Die, and the Trolley Problem” (Tạm dịch: “Giết, Để mặc cho chết, và song đề xe điện).

[32] I. Kant (1964), Groundwork of the Metaphysics of Morals, (Tạm dịch: “Nền móng của Tâm lý đạo đức học”) H. J. Paton dịch.

[33] Greene 2011; F. A. Cushman (2008), “Crime and Punishment: Dis- tinguishing the Roles of Causal and Intentional Analyses in Moral Judgment” (Tạm dịch: Tội ác và hình phạt: Phân biệt vai trò của nguyên nhân và dự đoán trong phán xét đạo đức).

[34] Ghi tàu là thiết bị dùng để thay đổi hướng chuyển động của tàu (Chú thích biên tập)

[35] Dẫn từ Foot 1978;  omson 2011; Greene 2011.

[36] Greene 2011.

[37] M. C. Nussbaum (1997), Cultivating Humanity: A Classical Defense of Reform in Liberal Education (Tạm dịch: Trau dồi nhân cách: cách bảo vệ cổ điển trong cải cách giáo dục tự do); M. C. Nussbaum (2007), “Liberty of Conscience: The A ack on Equal Respect” (Tạm dịch: Tự do Lương tâm: Sự tấn công vào Tôn trọng tương đương); M. Moody Adams (1997), Fieldwork in Familiar Places: Morality, Culture, and Philosophy (Tạm dịch: Nghiên cứu trong những lĩnh vực tương đồng: Đạo đức, Văn hóa và Triết học).

[38] R. A. Posner (1997), “Against Ethical Criticism” (Tạm dịch: Bất đồng phê bình đạo đức).

[39] E. Schwi gebel (2009), “Do Ethicists Steal More Books?” (Tạm dịch: Liệu những nhà đạo đức học có ăn cắp nhiều sách hơn không?).

[40] E. Schwi gebel và J. Rust (sắp xuất bản), “Do Ethicists and Political Philosophers Vote More Often Than Other Professors?” (Tạm dịch: Liệu những nhà đạo đức học và những nhà chính trị triết học có bỏ phiếu thường xuyên hơn những chuyên gia khác?); E. Schwi gebel và J. Rust (sắp xuất bản), “The Moral Behavior of Ethicists: Peer Opinion” Mind. (Tạm dịch: Những hành vi có đạo đức của các nhà đạo đức học: Những quan điểm tương đồng).

[41] E. Schwi gebel (8/8/2009), “Are Ethicists Ethical?” (Tạm dịch: “Những nhà đạo đức học liệu có đạo đức không?”).

[42] Schwitzgebel 2009.

[43] J. R. Rest (1986), Moral Development: Advances in Research and The- ory (Tạm dịch: Phát triển đạo đức: Tiến bộ trong nghiên cứu và học thuyết).

[44] A. E. Tenbrunsel và D. M. Messick (2004), “Ethical Fading: The Role of Self Deception in Unethical Behavior” (Tạm dịch: Suy đồi đạo đức: Vai trò của sự dối trá và các hành vi thiếu đạo đức).

[45] A. Speer (1970), Bên trong the  ird Reich, dịch giả: R. Winston và C. Winston.

[46] J. Haidt, S. Koller và M. Dias (1993), “Affect, Culture, and Morality, or, Is It Wrong to Eat Your Dog?” (Tạm dịch: Ảnh hưởng, Văn hóa và Đạo đức hay là Liệu có sai không khi ăn thịt chó?”).

[47] J. Haidt (2001), “The Emotional Dog and Its Rational Tail: A Social Intuitionist Approach to Moral Judgment” (Tạm dịch: Chú chó u buồn và câu chuyện hợp lý của nó: Khi trực giác xã hội tiếp cận những đánh giá đạo đức).

[48] Haidt 2001.

[49] J. Greene và J. Haidt (2002), “How (and Where) Does Moral Judgment Work?” (Bằng cách nào (và ở đâu) để đánh giá đạo đức có hiệu quả?”).

[50] K. A. Appiah (9/12/2007), “The New New Philosophy,” (Tân triết học mới).

[51] Appiah 2007

[52] K. E. Stanovich và R. F. West (2000), “Individual Differences in Rea-Soning: Impli- cations for the Rationality Debate” (Tạm dịch: Những khác biệt cá nhân khi đưa ra lý do: Ý nghĩa của những tranh cãi hợp lý)

[53] D. Kahneman (2003), “A Perspective on Judgment and Choice: Map- ping Bounded Rationality” (Tạm dịch: Một quan điểm về đánh giá và lựa chọn: Thiết lập sơ đồ cho giới hạn hợp lý).

[54] D. Chugh (2004), “Why Milliseconds Ma er: Societal and Managerial Implications of Implicit Social Cognition” (Tạm dịch: Vì sao một phần nghìn giây lại trở thành vấn đề: Ý nghĩa của xã hội và quản lý trong nhận thức xã hội ngầm).

[55] N. Mead, R. F. Baumeister, F. Gino, M. Schwei er và D. Ariely (2009), “Too Tired to Tell the Truth: Self-Control Resource Depletion and Dishonesty,” (Tạm dịch: Quá mệt mỏi để nói lên sự thật: Suy giảm khả năng kiểm soát bản thân và dối trá).

[56] M. Kern và D. Chugh (2009), “Bounded Ethicality: The Perils of Loss Framing” (Tạm dịch: Đạo đức giới hạn: Sự nguy hiểm của việc thiếu kết cấu).

[57] T. Miller và R. K. Ratner (1998), “The Disparity between the Actual and Assumed Power of Self-Interest” (Tạm dịch: Sự chênh lệch giữa thực tế và mong muốn trong khả năng kiểm soát ý thích cá nhân).

Bình luận
× sticky