Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đánh thức con người phi thường trong bạn

Chương 6: Thay Đổi Một Thói Quen:

Tác giả: Anthony Robbins
Chọn tập

“Một thói quen bắt đầu giống như một sợi chỉ vô hình, nhưng mỗi lần chúng ta lặp lại hành động là chúng ta làm cho sợi chỉ dày lên, thêm một sợi vào trước, rồi thành một cuộn dây thừng cột chặt tư tưởng và hành động của chúng ta mà không thể nào tháo gỡ”.

-ORISON SWETT MARDEN

Nếu chúng ta muốn thay đổi một thói quen, chỉ có một cách duy nhất đem lại hiệu quả: chúng ta phải liên tưởng tới những đau đớn tột độ và trực tiếp mà thói quen cũ gây ra cho chúng ta và những cảm giác vui sướng khôn tả mà một thói quen mới có thể mang lại. Ta hãy suy nghĩ thế này: nhờ kinh nghiệm, tất cả chúng ta học được một số lề lối suy nghĩ và cư xử để tránh đau khổ và có niềm vui. Chúng ta có những cảm giác như nhàm chán, thất vọng, tức giận, hay nặng nề và chúng ta tìm cách để chấm dứt những cảm giác này. Một số người đi mua sắm; một số thì đi nhậu nhẹt, số khác chơi bời; số khác sử dụng ma túy; số khác rầy la con cái. Ý thức hay không, họ biết rằng những hành động này sẽ làm dịu cơn đau khổ và cho họ một mức độ thỏa mãn tức thời nào đó.

Dù chọn cách nào, nếu chúng ta muốn thay đổi nó, chúng ta vẫn phải đi qua 6 bước đơn giản nhưng mang lại một kết quả trực tiếp và lâu bền để giải thoát ta khỏi đau khổ và mang lại niềm vui một cách hiệu quả và thanh tao hơn. Đó là 6 bước sau đây:

Bước thứ nhất

QUYẾT ĐỊNH XEM BẠN THỰC SỰ MUỐN GÌ

VÀ ĐIỀU GÌ NGĂN CẢN BẠN ĐẠT ĐƯỢC NÓ

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi có nhiều người tới xin tôi điều trị và khi tôi hỏi họ muốn gì, họ phải mất hai mươi phút để kể cho tôi nghe những gì họ không muốn hay những gì họ không còn muốn chịu đựng nữa. Chúng ta nên nhớ rằng mình chú tâm vào điều gì thì sẽ đạt được nó trong đời. Nếu chúng ta chú tâm vào những gì chúng ta không muốn, chúng ta sẽ lại càng có thêm nó. Bước thứ nhất để tạo sự thay đổi là quyết định xem bạn thực sự muốn gì để bạn nhắm vào nó mà tiến tới.

Chúng ta cũng phải tìm xem điều gì ngăn cản chúng ta đạt được điều mình muốn. Thường là do chúng ta sợ những đau khổ do sự thay đổi gây ra. Chúng ta thường suy nghĩ “Nếu tôi thay đổi, tôi sẽ phải chịu khổ“, hay chúng ta có một nỗi sợ mơ hồ mà sự thay đổi có thể gây ra cho chúng ta.

Bước thứ hai

TÌM ĐỘNG LỰC: LIÊN KẾT

ĐAU KHỔ LỚN VỚI VIỆC KHÔNG THAY ĐỔI BÂY GIỜ

VÀ NIỀM VUI LỚN VỚI VIỆC THAY ĐỔI BÂY GIỜ

Nhiều người biết họ thực sự muốn thay đổi, thế mà họ không thể bắt đầu hành động! Không phải vì họ không có khả năng, mà vì họ không có động lực. Nếu có ai đó gí súng vào đầu chúng ta và nói, “Mày phải bỏ tình trạng ủ rũ này và bắt đầu cảm thấy vui vẻ ngay bây giờ“, chắc hẳn không ai là không tìm hết cách để thay đổi tâm trạng của mình lúc đó.

Nhưng vấn đề là ở chổ chúng ta không tin chắc sự thay đổi là phải làm, mà chỉ là nên làm. Hoặc cũng có thể là phải làm, nhưng tới “ngày nào đó” thôi. Cách duy nhất để chúng ta thực hiện thay đổi ngay bây giờ là chúng ta tạo ra một sự khẩn trương tột độ khiến chúng ta buộc phải làm đến cùng.

Một trong những điều thúc đẩy hầu như mọi người phải thay đổi đó chính là tình trạng một người chạm tới ngưỡng đau khổ. Nghĩa là cảm nghiệm đau khổ sâu đậm tới mức bạn thấy mình phải thay đổi ngay bây giờ.

“Cho tôi một đòn bẩy đủ dài và một điểm tựa đủ mạnh,

tôi có thể một tay nâng nổi trái đất”.

-ARCHIMEDES

Đòn bẩy mạnh nhất bạn có thể làm cho chính mình là sự đau khổ đến từ trong con người bạn, không phải từ bên ngoài. Mối đau khổ sâu xa nhất là bạn biết rằng mình đã không sống xứng đáng với những tiêu chuẩn đời sống của chính mình.

Vậy tại sao có người không chịu thay đổi mặc dù họ cảm thấy và biết rằng họ cần thay đổi. Là vì họ coi việc thay đổi sẽ đem đến đau khổ nhiều hơn là không thay đổi. Để thay đổi một ai và thay đổi chính mình, chúng ta phải đảo ngược quan điểm này, để tin rằng không thay đổi sẽ đem lại đau khổ to lớn và thay đổi mang lại kết quả đầy hấp dẫn và thích thú.

Để có đòn bẩy mạnh, bạn hãy nêu cho mình những câu hỏi nhắm vào đau khổ: “Tôi sẽ phải trả giá thế nào nếu không thay đổi?”. Phần lớn chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả cho việc thay đổi, mà ít cân nhắc những cái giá phải trả nếu không thay đổi. Bạn hãy làm sao cho mình cảm nhận thật sâu sắc sự đau đớn nếu không thay đổi, khiến cho bạn không thể nào do dự hành động.

Kế đến bạn hãy nêu những câu hỏi nhắm vào sự thỏa mãn để giúp bạn liên kết những cảm giác vui sướng với việc thay đổi: “Nếu tôi thay đổi, tôi sẽ cảm nhận thế nào về bản thân? Tôi có thể tạo được động lực lớn thế nào nếu tôi thay đổi trong cuộc đời? Gia đình và bạn bè sẽ cảm thấy thế nào? Bấy giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn bao nhiêu?.

Chủ yếu là bạn hãy tìm ra thật nhiều lý do, những lý do đủ mạnh để thúc đẩy bạn hành động ngay lập tức, chứ không phải đợi một ngày nào đó trong tương lai. Nếu bạn không cảm thấy được thúc đẩy thực hiện sự thay đổi ngay bây giờ, có nghĩa là bạn thực sự không có động lực làm đòn bẩy.

Bước thứ ba

ĐOẠN TUYỆT THÓI QUEN TIÊU CỰC

Để mình cảm thấy luôn ở trong trạng thái ổn định, chúng ta phát triển những thói quen suy nghĩ, tập trung vào cùng những hình ảnh và ý tưởng, tự đặt ra cho mình cùng những câu hỏi. Vấn đề là ở chổ đa số chúng ta muốn có một kết quả mới, nhưng lại luôn hành động theo kiểu cũ. Có lần tôi đã được nghe một câu nói rằng định nghĩa của sự điên khùng là “Cứ làm đi làm lại cùng một việc mà lại mong đạt kết quả mới“.

Xin bạn đừng hiểu lầm tôi. Bạn không có gì sai cả; Bạn không phải con người “cố định”. Nguồn lực của bạn đã có sẳn trong bạn ngay lúc này rồi. Chỉ có điều là bạn cũng có những liên tưởng cố định thường ngăn cản bạn sử dụng khả năng ấy mà thôi. Điều bạn cần làm là tổ chức lại hệ liên tưởng của mình để nó ổn định hướng dẫn bạn theo hướng những ước muốn của bạn chứ không phải theo hướng những nỗi thất vọng và sợ hãi của bạn.

Chắc bạn từng nhìn thấy một con ruồi bị nhốt trong một căn phòng chứ? Nó lập tức tìm chổ có ánh sáng, vì thế nó lao về phía cửa sổ, đập mình vào cửa kính, có khi hàng giờ liền. Chắc bạn cũng từng nhận thấy có người làm y như vậy chứ? Họ rất muốn thay đổi; họ có đòn bẩy mạnh. Nhưng đòn bẩy dù mạnh đến đâu cũng không thể giúp bạn thoát ra được một cánh cửa đóng chặt. Bạn phải thay đổi phương pháp. Con ruồi chỉ có cơ hội thoát ra khỏi phòng nếu nó bay ngược lại và tìm xem có lối ra nào khác không?

Nếu bạn và tôi cứ theo cùng nề nếp cũ, thì chúng ta sẽ chỉ đạt được những kết quả cũ mà thôi. Mới đây, tôi có tạo ra một phương pháp khá thú vị để cắt đứt lề thói cũ, trong một đợt hội thảo 3 ngày tôi tổ chức ở chicago. Một người nói rằng anh ta thực sự muốn bỏ thói quen ăn quá nhiều chocolate, nhưng tôi thấy rõ là anh ta cảm thấy rất sung sướng khi nhận mình là một “tay ghiền chocolate”. Thực vậy, anh ta còn mặc một chiếc áo thun mang hàng chữ “Tôi muốn cả thế giới, nhưng tôi sẽ nhân nhượng chocolate”. Điều này cho thấy rõ người đàn ông này tuy có thể muốn bỏ ăn chocolate, nhưng vẫn cảm thấy có “cái lợi nào đó” trong việc duy trì thói quen này. Chính vì thế, anh ta không thể bỏ được nó. Anh ta chỉ có thể có lực bẩy nếu biết gán cho những liên tưởng đau khổ cho việc ăn chocolate. Lúc đó, anh ta sẽ tìm hết cách gỡ mình khỏi những đau khổ đó và tìm niềm vui sướng khác cho mình. và tôi đã giúp anh ta làm được điều này bằng cách tạo những liên tưởng đau khổ trong việc ăn chocolate và giúp anh tạo nên những thói quen mới mang lại cho anh niềm vui sướng.

Một trong những bí quyết hiệu quả để cắt đứt thói quen xấu là bạn phải thực hiện vào đúng lúc thói quen này tái diễn. Bạn hãy nhớ rằng, nếu chúng ta muốn có sự thay đổi mới, ta phải quyết tâm cắt đứt thói quen cũ. Phải tẩy sạch mọi dấu vết của thói quen cũ và tìm ra một thói quen mới, rồi tập đi tập lại thói quen này cho đến khi nhuần nhuyễn.

Làm thế nào cắt đứt

những thói quen tiêu cực

về cảm giác và hành động

Quả đúng là nếu chúng ta dành đủ thời gian để cắt đứt một thói quen, chúng ta sẽ có sự đổi mới. Một cách đơn giản để cắt đứt một thói quen là gạt bỏ những cảm giác gắn liền với thói quen đó trong tâm trí chúng ta. Lý do duy nhất khiến chúng ta buồn phiền là vì chúng ta diễn lại sự việc một cách nào đó trong tâm trí mình. Vì dụ, nếu giám đốc của bạn la rầy bạn và bạn cứ nghĩ đi nghĩ lại chuyện ấy suốt cả ngày, liên tục nghĩ đến việc bạn bị chửi mắng, thì bạn sẽ càng cảm thấy tệ hại hơn mãi. Sao bạn không gạt phăng cái cảm giác đó đi ngay từ đầu? Sao bạn không xóa sạch cảm giác đó đi một lần cho xong?

Bạn hãy làm thử thí nghiệm này. Hãy nghĩ ra một tình huống làm bạn cảm thấy buồn, thất vọng, hay tức bực. Bây giờ, bạn hãy thực hiện hai bước đầu tiên chúng ta đã học trên kia. Nếu bạn đang cảm thấy buốn vì tình trạng của bạn bây giờ, bạn muốn mình sẽ cảm thấy như thế nào? Tại sao bạn muốn cảm thấy như thế? Điều gì đang ngăn cản bạn không cảm thấy như bạn muốn? Nếu bạn có thể cảm thấy khác đi, điều đó sẽ tuyệt vời biết bao? Bây giờ, bạn hãy tìm một đòn bẩy. Nếu bạn không thay đổi cảm giác hiện có, bạn sẽ tiếp tục cảm thấy thế nào? Chắc chắn là tồi tệ lắm! Bạn có muốn phải trả cái giá đó và tiếp tục mang những cảm giác tiêu cực này đến người khác hay tình huống khác không? Nếu bạn có thể thay đổi bây giờ, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái hơn chứ.

Bước thứ tư

TẠO MỘT SỰ CHỌN LỰA MỚI TÍCH CỰC

Bước thứ tư này có tính quyết định tuyệt đối cho việc thiết lập một sự thay đổi lâu bền. Thực vậy, nhiều người thất bại trong việc tìm ra một con đường để ra khỏi tình trạng đau khổ và bước sang tình trạng sung sướng, lý do lớn là vì người ta chỉ nhắm thay đổi nhất thời. Nhiều người đã đạt tới cực điểm của đau khổ buộc họ phải có thay đổi và họ thậm chí cũng đã cắt đứt được thói quen tiêu cực cũ. Nhưng sau đó, họ không có gì mới để thay thế cho kiểu mẫu cũ.

Nếu bạn không chắc chắn có thể tìm ra cách gỡ mình khỏi đau khổ và tìm ra niềm vui cho việc bỏ hút thuốc, uống rượu, hay các cảm xúc và thái độ khác, bạn có thể tìm ra câu trả lời bằng cách noi gương những người đã thành công trong việc thay đổi của họ liên quan đến các loại tập quán đó. Hãy tìm ra những mẫu gương đã đạt được những thay đổi lâu dài; tôi cam đoan là những người này đã có những lựa chọn để thay thế cho những lối ứng xử cũ.

Tôi xin kể cho bạn một ví dụ liên quan đến một bạn của tôi. Tên anh là Fran Tarkenton. Khi Fran và tôi cùng cộng tác với nhau trong chương trình sức mạnh bản thân trên tivi, anh ta có một thói quen làm tôi ngạc nhiên thật sự. Anh ta luôn luôn nhai thuốc lá. Cả khi chúng tôi đang ngồi trong một cuộc hội nghị, Fran cũng thường quay ra phía sau và nhổ nước miếng. Hành động này tạo một hình ảnh không đẹp về một con người có sức mạnh và thanh lịch. Thế mà anh ta đã mắc thói quen đó suốt 20 năm.

Sau này Fran cho tôi biết là anh cảm thấy nhai thuốc lá là một thú vui lớn nhất trong đời anh. Nó là người bạn thân nhất của anh.

Nhưng điều gì đã khiến anh bỏ được thói quen đó? Anh đã tìm ra đòn bẩy mạnh cho mình. Một hôm, nhờ một chút giúp đở của một người bạn, anh ta bắt đầu nhận ra việc nhai thuốc lá hoàn toàn không phù hợp với phẩm chất con người anh. Nó cho thấy anh không làm chủ được đời mình và vì đối với Fran, làm chủ cuộc đời là điều có giá trị cao nhất và là tiêu chuẩn tuyệt đối mà anh không thể hủy bỏ. Thật vô cùng đau đớn cho anh khi đang ở trong tình huống này. Anh bắt đầu làm cho trí óc của mình tập trung vào khả năng có thể bị ung thư miệng. Và anh gợi ra những hình ảnh tưởng tượng thật sinh động khiến chẳng bao lâu anh đã thành công loại bỏ ý tưởng nhai thuốc lá. Mùi vị của thuốc bắt đầu làm anh buồn nôn. Những hình ảnh này tạo cho anh một đòn bẩy mạnh giúp anh cắt đứt được sự liên tưởng giữa thuốc lá và niềm vui.

Bí quyết quan trọng nhất tiếp theo là Fran đã tìm ra những phương pháp mới để đạt những niềm vui còn hiệu quả hơn là thuốc lá. Anh miệt mài trong công việc làm ăn của mình với tất cả sức lực và bắt đầu đạt những kết quả lớn khiến cho công ty Knowledge ware của anh trở thành một trong những công ty phần mềm vi tính thành công nhất ở Wall street.

Thông thường, nếu chúng ta cắt đứt được những thói quen cũ đi, trí óc của chúng ta sẽ tự động tìm những thói quen mới để thay vào nhằm cung cấp cho chúng ta những cảm giác chúng ta mong ước. Thế nên những người bỏ hút thuốc thường lên cân: trí óc họ tìm ra cách thức mới để tạo niềm những cảm giác thích thú và giờ đây họ ăn được nhiều hơn để lên cân. Vì vậy, bí quyết ở đây chính là chúng ta cần ý thức chọn lựa những thái độ hay cảm giác mới để đưa vào thay thế cho những cảm giác cũ.

Bước thứ năm

ĐIỀU KHIỂN THÓI QUEN MỚI CHO TỚI KHI ỔN ĐỊNH

Điều khiển là cách bảo đảm rằng một sự thay đổi mà bạn tạo ra sẽ trở nên ổn định và lâu dài. Cách đơn sơ nhất để điều khiển một điều gì là lặp đi lặp lại nó cho tới khi trở thành một thói quen. Nếu bạn tìm thấy một chọn lựa nào tích cực, hãy luyện tập cho tới khi nó giúp bạn thoát khỏi sự đau khổ và đạt được sự thỏa mãn mau chóng. Trí óc của bạn sẽ bắt đầu liên tưởng đến điều này như một phương thế để đạt một kết quả ổn định. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ lại rơi vào thói quen cũ.

Nếu bạn lặp đi lặp lại sự chọn lựa tích cực mới mẻ này với một mức độ cảm xúc mãnh liệt, bạn sẽ tạo được một con đường mới và nó sẽ tiếp tục trở thành một đại lộ đưa bạn tới kết quả rồi trở thành một phần của lối ứng xử thường xuyên của bạn. Hãy nhớ rằng, trí óc của bạn không thể phân biệt được điều gì bạn tưởng tưởng mãnh liệt với điều bạn thực sự cảm nghiệm. Việc điều khiển bảo đảm rằng bạn sẽ tự động đi trên con đường mới này, khiến cho thói quen cũ của bạn bị vượt qua và nó thực khó mà quay trở lại. Và thật dễ hiểu sức mạnh củng cố thói quen mới này sẽ làm cho tiến trình điều khiển nó đạt được một cách nhanh chóng.

“Không có gì mà việc luyện tập không thể làm.

Không có gì vượt quá tầm với của nó.

Nó có thể biến đổi thái độ xấu thành tốt.

Nó có thể tiêu diệt những nguyên tắc xấu

và tái tạo những nguyên tắc mới;

Nó có thể nâng con người lên bậc thiên thần”.

-MARK TWAIN

Nguyên tắc tổ chức đầu tiên của mọi việc “Điều khiển thành công” là sức mạnh củng cố. Để ổn định trong việc tạo được một thái độ hay cảm xúc ổn định, chúng ta phải tạo được một thói quen điều khiển. Một thói quen điều khiển là kết quả của việc củng cố, cách riêng, bí quyết của việc tạo nên sự ổn định trong cảm xúc và thái độ của chúng ta là sự điều khiển chúng.

Quy luật củng cố

Mọi khuôn mẫu cảm xúc hay ứng xử mà được củng cố liên tục sẽ trở thành một phản ứng tự động và được điều khiển. Mọi khuôn mẫu mà chúng ta không củng cố được đều sẽ biến mất.

Chúng ta có thể củng cố thái độ của chúng ta hay của người khác bằng việc củng cố tích cực, nghĩa là mỗi khi chúng ta tạo ra được một thái độ mong muốn, chúng ta được tưởng thưởng có thể là một lời khen ngợi, một món quà, một sự tự do mới.v.v…Hoặc chúng ta có thể dùng sự củng cố tiêu cực. Nó có thể là một sự khó chịu, một sự ầm ỹ, thậm chí có thể là một hình phạt thể xác. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng sự củng cố này không đồng nghĩa với hình phạt hay phần thưởng. Củng cố là đáp ứng một thái độ ngay sau khi nó xảy ra, trong khi phần thưởng hay hình phạt có thể xảy ra rất lâu sau đó.

Tuyệt đối phải định thời điểm

 

Định thời điểm thích hợp là điều sẽ quyết định tuyệt đối tính hiệu quả của việc điều khiển. Nếu một huấn luyện viên la to “Tuyệt vời!” ngay khi đội bóng của ông vừa có một cú banh đẹp, lời khen ngợi này có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với việc ông chờ cho xong trận đấu mới khen ngợi. Tại sao? Vì chúng ta luôn luôn muốn liên kết cảm giác của việc củng cố với mẫu hành động đang xảy ra.

Một vấn đề mà nền tư pháp của chúng ta mắc phải là khi người ta phạm một trọng tội nào, họ thường không bị phạt ngay lập tức. Trí óc họ có thể biết rõ lý do của hình phạt, nhưng mẫu hành động xấu này không hề hấn gì-nó không bị ngăn chặn, cũng không có sự đau khổ gắn liền với nó ngay lúc ấy. Chúng ta phải luyện tập trí óc mình để hành động hiệu quả, không phải bằng lý luận mà bằng cảm xúc. Khó khăn là ở chỗ hầu hết chúng ta không nhận ra rằng chúng ta không ngừng điều khiển lẫn nhau và uốn nắn thái độ của nhau. Thường chúng ta điểu khiển người khác một cách tiêu cực chứ không tích cực.

Câu chuyện sau đây xảy ra với một bạn trai cũ của con gái tôi, Jolie. Jolie đang rất bận bịu với việc học hành, khiêu vũ và một vỡ kịch nó sắp diễn. Bạn trai của nó muốn nó gọi điện cho cậu ta hằng ngày và nếu hai ba ngày nó không gọi, cậu ta làm cho nó chịu khổ sở ghê gớm. Hiển nhiên, cậu ta muốn nó gọi điện thường xuyên hơn, nhưng cách hành động của cậu ta làm con bé bị phiền toái và buồn bực mỗi khi gọi điện.

Bạn có bao giờ cảm thấy có lỗi về chuyện này không? Nếu bạn muốn bạn gái, bạn trai, chồng, vợ, hay một người nào thân thiết với bạn gọi điện thường xuyên cho bạn, bạn thử nghĩ bạn này ép họ gọi điện cho bạn có hiệu quả không? Và khi họ gọi, bạn có chào họ với lời lẽ như sau “Ồ, thế là cuối cùng em đã gọi. Sẽ cứ tiếp tục như thế chứ? Tại sao cứ luôn luôn là anh phải gọi cho em?”

Hành động của bạn đang thực sự dần dần làm cho người kia không gọi cho bạn! Bạn đang tạo cho người ấy đau khổ ngay sau khi người ấy cố làm mọi cách để vừa lòng bạn. Kết quả là người ấy sẽ coi việc gọi điện cho bạn không phải là điều hứng thú nữa, mà là một cực hình. Và như bạn có thể đoán được, kiểu củng cố tiêu cực như thế sẽ thấm vào mọi khía cạnh của mối quan hệ và có thể dẫn tới chỗ kết thúc quan hệ.

Nếu bạn thực sự muốn ai đó gọi cho bạn, thì mỗi khi họ họi tới, bạn phải đáp lại với sự thích thú hân hoan. Nếu bạn nói với họ, bạn nhớ họ biết bao, bạn yêu họ biết bao, bạn biết ơn họ vì được nói chuyện với họ, chắc chắn họ sẽ sẳn sàng gọi lại cho bạn. Bạn hãy nhớ liên kết sự thích thú với thái độ nào mà bạn muốn người khác lặp lại.

Hãy định thời biểu cho việc cũng cố

để sự đổi mới có thể lâu dài

Khi bạn đang bắt đầu thiết lập một mẫu ứng xử mới hay cảm xúc mới, điều tối quan trọng là bạn phải củng cố chính bạn hay người có liên quan. Ban đầu, mỗi lần bạn muốn thực hiện mẫu ứng xử mong muốn (ví dụ, đẩy một cái khay còn đầy thức ăn trên đó), bạn cần phải có ý thức về việc củng cố sự thỏa mãn gắn liền với hành động đó. Tuy nhiên, nếu từ đó trở đi, mỗi lần bạn hành động, bạn đều củng cố nó, thì hành động đó sẽ không còn hiệu quả như trước.

Vì tôi đã tự hứa với mình sẽ luôn luôn giúp đỡ những người thiếu thốn, nên mỗi khi tôi đi qua các sân bay, tôi đều cho tiền những người ăn xin. Tôi sẽ không bao giờ quên được một người đàn ông kia luôn đứng ăn xin ở một chổ cố định tại một sân bay mà tôi thường đi. Lần nào đi qua chổ đó, tôi đều cho anh ta tiền. Có một buổi sáng, tôi rất vội và không có sẳn tiền trong túi. Khi đi qua mặt anh ta, tôi mỉm cười nói: “Chào anh! rất tiếc hôm nay tôi không có đồng nào trong túi!”. Anh ta nổi giận vì tôi không còn cho anh ta tiền như tôi đã từng cho anh và anh đã từng cảm thấy rất vui sướng mỗi khi tôi cho.

Chúng ta cần nhớ rằng yếu tố bất ngờ thích thú là một cảm nghiệm rất sung sướng mà con người có thể có. Nó quan trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Chính vì thế mà, nếu bạn muốn có một lối ứng xử lâu dài, bạn cần hiểu và sử dụng phương pháp gọi là định thời biểu cho việc củng cố một thói quen.

Chúng ta xem một ví dụ về việc huấn luyện cá heo. Ban đầu, để tập cho cá heo nhảy, người ta chờ cho cá heo tự động nhảy lên. Họ quan sát một hành động đúng của con vật và thưởng cho nó một con cá. Và cứ mỗi lần con cá heo tự ý nhảy lên, nó đều được thưởng một con cá, dần dần nó hiểu là nếu nó nhảy lên, nó sẽ được một con cá.

Tuy nhiên, về sau người huấn luyện chỉ thưởng cho cá heo nếu nó nhảy cao hơn. Bằng cách nâng tiêu chuẩn lên, người huấn luyện có thể hình thành thái độ của con cá heo. Trọng tâm là chổ này: Nếu lần nào con cá heo nhảy lên, nó đều được thưởng, nó sẽ quá quen và sẽ không đạt hiệu quả 100 phần trăm. Vì thế trong tương lai, con cá heo có khi nhảy lên lần đầu thì được thưởng, có khi phải tới lần thứ hai, có khi tới lần thứ năm. Nó sẽ không chắc cú nhảy nào được thưởng. Điều này khiến nó lúc nào cũng phải cố gắng hết sức. Phần thưởng không bao giờ được coi là đương nhiên.

Tình trạng này cũng tương tự với những người đánh bạc. Một lần họ đánh bạc được sẽ làm họ vui sướng và liên kết sự vui sướng này với sự thắng bạc của họ và nó kích thích họ để luôn luôn đánh bạc với mong đợi có được sự vui sướng ấy. Và phấn thưởng luôn luôn như miếng mồi nhử họ tiếp tục mãi. Ngược lại, một người chơi bạc mà không bao giờ được tiền, dần dần họ sẽ bỏ chơi.

Điều này cũng giống phản ứng của các nhân viên khi nhận tiền lương đều đặn mỗi tháng. Nếu tháng nào họ cũng nhận được cùng một số tiền lương cố định, họ sẽ cố gắng tối thiểu chỉ đủ để nhận tiền lương mà không có điều gì bất ngờ. Ngược lại nếu ngoài tiền lương, thỉnh thoảng họ còn được hưởng các điều bất ngờ khác, như tiền thưởng, lời khen, thăng bậc, thì họ sẽ dồn sức lực tối đa cho công việc để có thể được hưởng những điều bất ngờ thích thú đó. Điều quan trọng là những dịp bất ngờ này phải là bất ngờ thật, không thể đoán trước, nếu không nó sẽ lại trở nên quen thuộc và vô hiệu.

Bước thứ sáu

HÃY TRẮC NGHIỆM

Chúng ta đã học năm bước hình thành và điều khiển thói quen mới. Chỉ còn một bước thứ sáu là trắc nghiệm để xem nó có tác dụng trong tương lai hay không. Sau đây là một bảng trắc nghiệm đơn giản để giúp bạn bảo đảm rằng kiểu mẫu hành động mới của bạn hiệu quả, thích hợp và sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai.

*TRẮC NGHIỆM VỀ HIỆU QUẢ*

1. Bảo đảm hoàn toàn liên kết sự đau khổ với khuôn mẫu cũ.

Khi bạn nghĩ đến thái độ hay những cảm xúc cũ của bạn, bạn có hình dung ra và cảm thấy bây giờ chúng đang gây đau khổ cho bạn thay vì sung sướng không?

2. Bảo đảm hoàn toàn liên kết sự thỏa mãn với khuôn mẫu mới.

Khi bạn nghĩ đến thái độ hay những cảm xúc mới, bạn có hình dung ra và cảm thấy đó là những điều bây giờ đang đem lại sự sung sướng thay vì đau khổ không?

3. Đối chiếu với các giá trị, niềm tin và qui luật của bạn.

Thái độ hay những cảm xúc mới có phù hợp với những giá trị, niềm tin và qui luật của bạn bạn trong đời sống không? (Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề này trong một chương sau).

4. Bảo đảm duy trì được những lợi ích của thái độ cũ.

Thái độ hay nhũng cảm xúc mới có còn cho phép bạn hưởng những lợi ích và cảm giác sung sướng mà bạn từng có trong khuôn mẫu cũ không?

5. Sự tiến bộ trong tương lai. Hãy hình dung bạn đang thể hiện thái độ mới trong tương lai.

Hãy hình dung ra điều có thể thúc đẩy bạn chấp nhận khuôn mẫu cũ. Hãy cảm thấy chắc chắn rằng bạn có thể dùng khuôn mẫu mới thay vì khuôn mẫu cũ.

Sáu bước thực hiện việc điều khiển liên tưởng có thể dùng cho bất cứ điều gì: những thách đố trong các mối quan hệ, các vấn đề trong kinh doanh, dễ cáu giận và la mắng con cái.v.v…Ví dụ, bạn quá lo âu về những chuyện mà bạn không kiểm soát nổi. Bạn có thể sử dụng sáu bước điều khiển trên đây để thay đổi khuôn mẫu tiêu cực này như thế nào?

1) Hãy tự hỏi “Tôi muốn làm gì thay vì lo lắng?”

2) Tìm cho bạn đòn bẩy và nhận ra những gì mà sự lo lắng phá hoại trong cuộc đời bạn.

3) Cắt đứt khuôn mẫu tiêu cực đó! Mỗi khi bạn lo lắng, hãy cắt đứt khuôn mẫu ấy ngay.

4) Tìm ra một chọn lựa tích cực. bạn sẽ làm gì thay vì lo lắng? hãy mở nhật ký của bạn và viết ra kế họach bạn sẽ thực hiện ngay lập tức.

5) Điều khiển khuôn mẫu mới. Tưởng tượng một cách sinh động và tập luyện khuôn mẫu mới này với sự cảm xúc mãnh liệt cho tới khi tư tưởng, thái độ và cảm xúc mới này trở thành tự động. Củng cố thói quen này bằng cách thực hiện bước thứ nhất: Kiểm tra để thấy bạn liên tục thành công.

6) Trắc nghiệm xem nó có tác dụng lâu dài không. Hãy nghĩ đến tình huống từng làm bạn lo lắng và tìm cách gạt bỏ sự lo lắng trong tình huống ấy.

Chọn tập
Bình luận