Ngày Sáu
* Mục tiêu của bạn:
Học cách dùng thời giờ cho ích lợi
thay vì để cho thời giờ điều khiển mức độ
thỏa mãn và căng thẳng của bạn.
Nếu có khi nào bạn cảm thấy căng thẳng – ai mà lại không? – lý do rất có thể là chỉ vì bạn cảm thấy không có đủ thời giờ để làm những điều bạn muốn ở mức chất lượng bạn đòi hỏi nơi mình. Ví dụ bạn có thể cảm thấy sự thất vọng này vì bạn chỉ tập trung vào những đòi hỏi của lúc đó: những yêu cầu hiện tại, những thách thức hiện tại, những biến cố hiện tại. Trong tình trạng căng thẳng vì quá tải này, hiệu năng của bạn bị giảm sút rất nhanh. Giải pháp cho vấn đề này đơn giản thôi: kiểm soát khung thời gian bạn đang tập trung vào. Nếu lúc hiện tại bạn đang căng thẳng, bạn hãy tập trung vào tương lai và vào việc hoàn thành hay giải quyết thành công nhiệm vụ trước mắt bạn. Tiêu điểm tập trung mới này sẽ lập tức thay đổi tâm trạng của bạn và cho bạn những nguồn lực cần thiết để bạn giải quyết những khó khăn của hiện tại.
Tình trạng căng thẳng thường là cảm giác bị “bế tắc” trong một khung thời gian nhất định nào đó. Ví dụ như trường hợp một người luôn luôn nghĩ đến tương lai của mình theo những cách bi quan. Bạn có thể giúp người này hướng tiêu điểm tập trung của họ sang những gì họ có thể kiểm soát trong hiện tại. Hoặc có những người khi phải đảm nhận một thách đố nào, thường chỉ tập trung suy nghĩ về những thất bại trong quá khứ của họ. Vì họ sống trong quá khứ, nên mối căng thẳng của họ gia tăng. Nếu biết chuyển đổi sang hiện tại, hoặc dự kiến trước tương lai, họ có thể thay đổi tình trạng cảm xúc của họ ngay. Vì vậy, các cảm xúc của chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh bởi khung thời gian mà chúng ta đang hoạt động trong hiện tại.
Chúng ta thường hay quên rằng thời gian là một sản phẩm của trí khôn, nó hoàn toàn có tính tương đối và kinh nghiệm của chúng ta về thời gian hầu như hoàn toàn là kết quả của sự tập trung tâm trí của chúng ta. Ví dụ, làm sao biết thời gian là dài hay ngắn? Nó hoàn toàn tùy thuộc hoàn cảnh, phải không? Đứng xếp hàng hơn 10 phút có thể coi như dài đằng đẵng cả thế kỷ, đang khi ngồi nói chuyện tâm tình với người yêu một giờ sao mà qua mau thế! Một ngày trong tù dài hơn cả ngàn năm tự do ở ngoài.
Các niềm tin của chúng ta cũng phản ánh quan niệm của mình về thời gian. Với một số người, bất kể trong hoàn cảnh nào, 20 phút được coi lâu như cả đời. Với những người khác, một thế kỷ mới được gọi là thời gian dài. Chính vì thế những loại người này đi đứng khác nhau, nói năng khác nhau, nhìn các mục tiêu khác nhau và nếu họ phải dùng chung một khung thời gian như nhau, bạn thử tưởng tượng họ sẽ bị căng thẳng đến thế nào!
Trong bài luyện tập hôm nay, chúng ta sẽ tóm tắt và áp dụng ba lời khuyên” tiết kiệm thời giờ”.
Bước thứ nhất
KHẢ NĂNG ĐẢO NGƯỢC THỜI GIỜ
Sau khi đã làm chủ được khả năng thay đổi khung thời gian bằng cách thay đổi điểm tập trung, bạn đã sẳn sàng để chuyển sang khả năng lớn thứ hai trong việc làm chủ thời giờ, đó là khả năng đảo ngược thời giờ để một phút tưởng như một giờ, hay một giờ tưởng như một phút. Bạn có nhận ra rằng khi đầu óc bạn quá chìm ngập trong điều gì, bạn quên mất thời gian không? Tại Sao? Vì bạn không còn tập trung vào thời gian nữa. Bạn không đếm thời gian nữa. Bạn đang tập trung vào một điều gì thú vị và vì thế thời gian trôi qua rất nhanh. Bạn hãy nhớ mình phải nắm quyền điều khiển. Hãy điều khiển tiêu điểm của bạn và ý thức chọn cách đo thời gian của mình. Nếu bạn thường xuyên kiểm tra đồng hồ, thời gian xem như bò chậm như sên. Đây cũng thế, kinh nghiệm thời gian của bạn được điều khiển bởi tiêu điểm chú ý của bạn. Bạn định nghĩa cách dùng thời gian của mình thế nào? Bạn đang sử dụng thời giờ, phung phí thời giờ, hay giết thời giờ? Người ta thường nói rằng”giết thời giờ không phải là giết mà là tự sát”.
Bước thứ hai
LÀM ĐIỀU QUAN TRỌNG
Một sự phân biệt có lẽ quan trọng nhất, đó là phân biệt rõ sự cấp bách và sự quan trọng của việc kiểm soát các quyết định của bạn liên quan tới việc bạn sử dụng thời giờ và vì thế liên quan tới mức độ thỏa mãn của bạn. Tôi muốn nói gì? Tôi xin hỏi bạn câu này: Có khi nào bạn làm việc trối chết, hoàn thành đầy đủ những “việc phải làm” trong danh sách, nhưng vào cuối ngày bạn vẫn cảm thấy không thỏa mãn không? Lý do là bạn đã làm tất cả những gì cấp bách và đòi hỏi bạn chú ý trong lúc đó, nhưng bạn quên làm những gì quan trọng, những gì sẽ có ảnh hưởng lớn về lâu về dài. Ngược lại bạn có bao giờ gặp những ngày mà bạn chỉ làm xong một ít việc thôi nhưng đến cuối ngày lại cảm thấy ngày hôm đó có giá trị không? Đó là những ngày mà bạn đã tập trug vào những điều quan trọng thay vì vào những gì cấp bách đòi hỏi bạn chú ý.
Sự cấp bách hình như điều khiển cuộc sống chúng ta. Chuông điện thoại reo trong lúc chúng ta đang bận một việc quan trọng, thế nhưng chúng ta “phải” nhấc điện thoại lên. Lỡ ra chúng ta mất dịp may thì sao? Đây là một ví dụ điển hình về việc bỏ cái quan trọng để làm cái cấp bách. Hoặc chúng ta mua một cuốn sách mà chúng ta nghĩ sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta chần chờ chưa đọc vì còn phải dành thời giờ để đọc thư, hay chạy ngoài đường, hay xem tin tức trên TV. Cách duy nhất để làm chủ thực sự thời giờ của bạn là tổ chức thời biểu hằng ngày của bạn thế nào để có thể sử dụng phần lớn thời giờ vào việc làm các điều quan trọng hơn là các việc cấp bách.
Bước thứ ba
TIẾT KIỆM THỜI GIỜ
Cách hiệu quả nhất để tiết kiệm thời giờ là học hỏi kinh nghiệm của người khác. Chúng ta sẽ không bao giờ thực sự làm chủ được thời giờ nếu chiến lược chủ yếu của chúng ta về học hỏi và điều khiển thế giới chỉ dựa trên phương pháp mò mẫm thử và sai. Học kinh nghiệm của những người đã thành công sẽ có thể giúp chúng ta tiết kiệm được biết bao năm trời vất vả. Chính vì thế mà tôi đọc sách một cách ngấu nghiến, thường xuyên dự các khóa học và nghe các băng từ. Tôi luôn luôn coi các kinh nghiệm này là một nhu cầu, chứ không phải những thứ phụ thuộc và chúng đã cống hiến cho tôi kinh nghiệm của nhiều năm cũng như sự thành công từ đó. Tôi khuyên bạn nên học hỏi kinh nghiệm của người khác thường xuyên tối đa và sử dụng những gì bạn đã học.
“Chúng ta luôn có đủ thời giờ;
Chỉ cần chúng ta sử dụng thời giờ cho đúng”.
-JOHANN WOLFGANG VON GOETHE