“Thiếu cảm xúc thì không thể biến đổi bóng tối thành ánh sáng
và bất động thành chuyển động”
-CARL JUNG
Tôi muốn giới thiệu với bạn một anh chàng tên Walt. Anh là một con người tử tế, chừng mực, luôn cố gắng làm những gì hợp lý. Anh sống một đời sống nghiêm túc; khoa học: mọi thứ đều có chổ của nó và theo trật tự của nó. Ngày nào anh cũng thức dậy đúng 6 giờ 30, tắm rửa và cạo râu, uống cà phê, ăn sáng, rồi ra khỏi cửa lúc 7 giờ 10 để đi một quãng đường 45 phút tới chổ làm việc. Anh đến văn phòng lúc 8 giờ rồi ngồi làm cùng một công việc mà anh làm từ suốt hai chục năm nay.
5 giờ chiều anh về nhà, rót một ly rượu rồi bật TV. Một giờ sau vợ anh về và họ ăn những thức ăn còn thừa của bữa trước hay bỏ mấy cái bánh Pizza vào trong lò để ăn tối. Sau bữa ăn, anh ngồi xem tin tức trong khi vợ anh tắm rửa cho đứa con và cho nó đi ngủ. Muộn lắm là 9 giờ 30 là anh đã lên giường rồi. Những ngày cuối tuần anh trông nom vườn tược, sửa xe và ngủ. Walt và người vợ mới của anh cưới nhau đã được 3 năm và tuy cuộc hôn nhân của họ không thể gọi là “say đắm”, nhưng cũng thoải mái – tuy rằng dạo gần đây cũng có dấu hiệu lại rơi vào vết lăn của cuộc hôn nhân thứ nhất của anh.
Bạn có quen biết người nào giống như Walt không? Có thể là một người mà bạn quen rất thân – một người không hề rơi vào tận cùng của đau khổ hay thất vọng nhưng cũng không hề cảm nghiệm một mối đam mê hay niềm vui nào cả.
Có quá nhiều người đau khổ vì ảo tưởng rằng họ hoàn toàn không kiểm soát được những cảm xúc của mình, chúng bất ngờ xảy đến như để phản ứng lại những sự kiện trong cuộc đời chúng ta. Nhiều khi chúng ta sợ những cảm xúc như thể những con siêu vi tuy trong lúc này chưa có ảnh hưởng gì trên chúng ta nhưng sẽ tấn công chúng ta khi cơ thể chúng ta yếu nhất. Đôi khi chúng ta coi cảm xúc của mình như những người em họ thấp vế so với trí khôn của chúng ta và không coi chúng có giá trị gì. Hoặc chúng ta coi cảm xúc là phản ứng nảy sinh nơi chúng ta khi có ai làm gì hay nói gì với chúng ta. Có điểm gì chung trong tất cả những tin tưởng này của chúng ta? Đó là quan niệm sai lạc rằng chúng ta không kiểm soát được những cảm xúc của mình mà chúng ta coi là nhựng điều bí nhiệm.
Tôi nghĩ có 4 thái độ cơ bản khác nhau của người ta đối với cảm xúc. bạn đã có thái độ nào?
1. Trốn tránh
Tất cả chúng ta đều muốn trốn tránh những cảm xúc đau đớn. Hậu quả là nhiều người cố tránh bất kỳ hoàn cảnh nào có thể dẫn đến những cảm xúc mà họ sợ – tệ hơn nữa, nhiều người không muốn có bất kỳ cảm xúc nào! Ví dụ, nếu họ sợ bị từ chối, họ cố tránh mọi hoàn cảnh có thể dẫn tới chỗ bị từ chối. Họ tránh mọi quan hệ tiếp xúc. Họ không xin những việc làm có nhiều thách đố. Đối phó với cảm xúc theo kiểu này là một cạm bẫy, vì tuy việc trốn tránh những hoàn cảnh tiêu cực có thể bảo vệ bạn trước mắt, nhưng nó ngăn bạn không cảm nhận được tình yêu, sự thân mật và sự quan hệ mà bạn khao khát nhất. Rốt cuộc bạn cũng không thể nào tránh cảm xúc. Phương pháp tốt hơn cả đối với bạn là cố gắng tìm ra những ý nghĩa kín ẩn nhưng tích cực trong những gì mà trước kia bạn tưởng là những cảm xúc tiêu cực.
2. Phủ nhận
Một cách thứ hai để đối phó với cảm xúc là chiến lược phủ nhận. Người ta thường cố gắng gạt đi những cảm xúc bằng cách nói, “Hoàn cảnh mình không đến nỗi tệ như thế”. Trong khi ấy, tận trong đáy lòng họ vẫn nung nấu ý tưởng là sự việc quá ghê sợ, là người khác lợi dụng họ, hay họ làm mọi cái đều đúng mà sao sự việc cứ luôn luôn đi ngược lại ý muốn của họ. Có một cảm xúc mà phớt lờ đi như thể không có nó thì chỉ tạo thêm đau khổ mà thôi. Tìm cách phủ nhận cảm xúc của bạn thì không phải là giải pháp. Chương này sẽ giúp bạn cách tìm hiểu cảm xúc và sử dụng nó.
3. Ganh đua
Nhiều người bỏ cuộc đấu tranh với những cảm xúc đau đớn và quyết định hoàn toàn chịu vậy. Thay vì học được bài học mà cảm xúc đang có ý cống hiến cho họ, họ lại làm cho cảm xúc ấy mạnh hơn lên và làm cho nó tồi tệ hơn. Nó trở thành “huy hiệu của lòng can đảm” và họ lấy đó để ganh đua với người khác: “Anh nghĩ hoàn cảnh của anh như thế là tệ lắm sao? Xem này, tôi còn gặp hoàn cảnh khốn đốn hơn nhiều!” Và họ hãnh diện vì mình gặp khó khăn hơn biết bao người khác. Đây chắc chắn là thái độ nguy hiểm nhất và bạn phải tránh nó với bất cứ giá nào. Nó có thể trở thành thái độ tự mãn cố hữu của bạn. Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu những ý nghĩa tích cực mà cảm xúc muốn mang đến cho bạn.
4. Học hỏi và sử dụng cảm xúc
Nếu bạn muốn đời sống của bạn hoạt động thực sự, bạn phải làm sao cho các cảm xúc của bạn hoạt động cho bạn. Bạn không thể trốn tránh nó; không thể gạt bỏ nó; không thể coi thường nó hay ảo tưởng về ý nghĩa của nó. Bạn cũng không thể cứ để mặc nó chi phối đời sống bạn. Các cảm xúc, dù là những cảm xúc nhất thời xem ra là đau đớn. Cũng thực sự là chiếc la bàn nội tâm để hướng dẫn các hành động của bạn tới mục tiêu. Nếu không biết cách sử dụng la bàn này, bạn sẽ suốt đời nằm trong cơn lốc nội tâm xoay vần bạn.
Sáu bước dẫn tới làm chủ cảm xúc
Mỗi khi có một cảm xúc đau đớn, chúng ta có thể theo sáu bước sau đây để phá vỡ kiểu mẫu tiêu cực, tìm ra những lợi ích của cảm xúc đó và giúp chúng ta học được bài học để loại bỏ được sự đau đớn nhanh chóng. Chúng ta tóm tắc sáu bước đó như sau:
Bước 1
XÁC ĐỊNH RÕ BẠN ĐANG THỰC SỰ CẢM THẤY GÌ
Người ta thường cảm thấy quá nặng nề đến độ họ không biết mình đang cảm thấy gì. Họ chỉ biết mình đang bị tấn công bởi những cảm xúc và cảm giác tiêu cực.
Thay vì cảm thấy nặng nề, bạn hãy dừng lại giây lát và tự hỏi mình, “Thực sự mình đang cảm thấy gì ngay trong lúc này?” Nếu bạn nghĩ ngay lập tức, “Mình đang cảm thấy tức giận”, bạn hãy tiếp tục hỏi mình, “Mình đang tức giận thực sự chứ? Hay là có chuyện gì khác? Có thể điều mình đang thực sự cảm thấy là bị tổn thương. Hay mình cảm thấy mình đã để mất một cái gì”. Bạn nên hiểu rằng cảm giác bị tổn thương hay mất mát thì không mãnh liệt bằng cảm giác tức giận. Ngay khi bạn dừng lại trong giây lát để xác định cảm xúc thực sự của mình và bắt đầu chất vấn cảm xúc ấy, bạn có thể làm dịu cường độ cảm xúc và nhờ đó đối phó với hoàn cảnh nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Bước hai
NHÌN NHẬN VÀ COI TRỌNG CẢM XÚC CỦA BẠN
BIẾT RẰNG CHÚNG CÓ ÍCH CHO BẠN
Bạn không bao giờ muốn coi những cảm xúc của mình là xấu. Chỉ cần nghĩ rằng cảm xúc mình đang có là “xấu” cũng đủ để phá hoại mọi sự đối thoại chân thực với bản thân cũng như với người khác. Hãy nhìn nhận và coi trọng cảm xúc của bạn. Nếu bạn muốn tin tưởng các cảm xúc của mình và biết rằng mặc dù trong lúc này bạn không hiểu nó, thì mỗi kinh nghiệm của bạn sẽ đều giúp bạn làm một sự thay đổi tích cực và bạn sẽ lập tức cắt đứt cuộc chiến đang dày vò nội tâm bạn. Thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy mình đang tiến tới những giải pháp đơn sơ. Bạn hãy luyện tập thái độ coi trọng mọi cảm xúc và cũng giống như một đứa trẻ cần sự quan tâm, bạn sẽ thấy các cảm xúc của mình “lằng dịu” hầu như ngay tức khắc.
Bước 3
TÌM HIỂU THÔNG ĐIỆP
MÀ CẢM XÚC NÀY MUỐN GỞI ĐẾN CHO BẠN
Bạn còn nhớ sức mạnh thay đổi trạng thái cảm xúc chứ? Nếu bạn đặt mình vào trạng thái có cảm giác tò mò thực sự muốn học hỏi điều gì, thì đây là một phương pháp trực tiếp để cắt đứt khuôn mẫu cũ của mọi cảm xúc và giúp bạn học hỏi được nhiều về bản thân mình. Tính tò mò tìm hiểu sẽ giúp bạn làm chủ cảm xúc, giải quyết khó khăn và ngăn ngừa một vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
Đây là bốn câu hỏi để giúp bạn đi vào cảm giác tò mò muốn biết về cảm xúc của mình:
* Tôi thực sự muốn cảm thấy gì?
* Tôi phải tin tưởng những gì để cảm thấy theo cách mà tôi đang cảm thấy?
* Tôi muốn làm gì để có một giải pháp và xử lý tình huống ngay lúc này?
* Tôi học được gì ở điều này?
Khi bạn tò mò tìm hiểu về cảm xúc của mình, bạn sẽ học được những sự phân biệt quan trọng về chúng. Không chỉ cho hôm nay, mà cả cho tương lai nữa.
Bước 4
HÃY TỰ TIN
Hãy tin tưởng rằng bạn có thể đối phó với cảm xúc này ngay. Phương pháp nhanh nhất, đơn giản nhất và mạnh nhất để đối phó với mọi cảm xúc là nhớ lại có lần trước kia ta đã từng có một cảm xúc tương tự và biết rằng ta đã xử lý thành công cảm xúc ấy. Vì bạn đã xử lý nó trước kia, nay bạn chắc chắn có thể xử lý nó lại một lần nữa.
Ví dụ, nếu bạn đang cảm thấy chán chường và trước đây bạn đã đối phó được cảm xúc này, thì bạn hãy hỏi mình, “Tôi đã làm gì khi đó?” Bạn đã có một hành động mới như đi bộ hay gọi mấy cú điện thoại? Nếu bạn nhớ đã làm gì trước kia, bạn hãy làm giống như thế bây giờ và bạn sẽ có những kết quả tương tự.
Bước 5
HÃY TIN CHẮC BẠN CÓ THỂ XỬ LÝ CẢM XÚC ẤY
KHÔNG CHỈ HÔM NAY, MÀ CẢ TRONG TƯƠNG LAI NỮA
Bạn muốn cảm thấy chắc chắn rằng mình có thể xử lý cảm xúc này một cách dễ dàng trong tương lai bằng cách có một kế hoạch lớn để làm chuyện này. Một cách làm đơn giản là nhớ lại những phương pháp bạn đã sử dụng trong quá khứ và tập làm đi làm lại cho những tình huống có thể xảy đến trong tương lai. Việc lặp đi lặp lại này sẽ tạo ra nơi bạn một niềm tin chắc rằng mình có khả năng xử lý dễ dàng những thách đố như thế trong tương lai.
Bước 6
HÃY PHẤN KHỞI VÀ HÀNH ĐỘNG
Bước cuối cùng là hiển nhiên: Phấn khởi lên và hành động! Hãy phấn khởi vì bạn có thể xữ lý dễ dàng cảm xúc này và có ngay một hành động để chứng tỏ bạn đã xử lý được nó. Đừng để mình bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực mà bạn gặp.
Hãy thể hiện khả năng của mình bằng cách tập luyện lại trong tâm trí để tạo những thay đổi trong ý tưởng hay hành động của bạn. Hãy nhớ rằng những gì bạn làm được hôm nay sẽ thay đổi cách cảm nghĩ của bạn không chỉ hôm nay mà cả trong tương lai nữa.
Bạn hãy nhớ rằng thời điểm tốt nhất để xử lý một cảm xúc là ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy nó. Khi nó đã phát triển rồi thì khó cắt đứt hơn nhiều. Triết lý của tôi là, “Giết chết con quái vật ngay từ trong trứng nước”.
Mười dấu hiệu hành động
Chỉ cần dùng sáu bước kể trên, bạn đã có thể xử lý hầu hết các cảm xúc. Nhưng bạn cũng không cần dùng đến sáu bước ấy, nếu bạn thấu triệt được những thông điệp mà mỗi cảm xúc quan trọng muốn chuyển đến cho bạn. Đó là những hiệu lệnh hành động, là mười cảm xúc sơ đẳng mà người ta thường cố tránh nhưng bạn có thể dùng để làm động lực cho bạn hành động. Mười cảm xúc ấy là:
1. KHÓ CHỊU
Những cảm xúc khó chịu không có cường độ mãnh liệt, nhưng chúng gây phiền toái cho chúng ta và tạo cảm giác bị quấy rầy triền miên là sự việc không ổn.
Ý Nghĩa:
Buồn chán, sốt ruột, khó ở, chán chường, hay bối rối là ý nghĩa báo cho bạn biết có gì không ổn đối với bạn
Giải pháp: Xử lý những cảm xúc này thì đơn giản:
1. Dùng những kỹ năng bạn đã học trong sách này để thay đổi trạng thái của bạn.
2. Xác định rõ bạn muốn gì.
3. Lựa chọn hành động thích hợp. Thử một phương thức hơi khác để xem bạn có thay đổi ngay được cách thức bạn đang cảm thấy về tình huống hay không.
2. SỢ HÃI
Các cảm giác sợ hãi gồm những mức độ khác nhau từ quan tâm tới áy náy sang tới lo lắng, xao xuyến, sợ sệt và khiếp sợ.
Ý nghĩa:
Sợ hãi chỉ là dấu hiệu báo trước có điều gì sắp xảy đến mà ta phải chuẩn bị để đối phó.
Giải Pháp:
Xét lại xem bạn đang sợ hãi về điều gì và dự kiến điều bạn phải làm để chuẩn bị tinh thần. Hãy tưởng tượng xem bạn phải có hành động gì để xử lý tình huống một cách tốt nhất. Đây là lúc bạn phải sử dụng phương thuốc hóa giải sợ hãi: Bạn phải quyết định có niềm tin, biết rằng mình đã làm đầy đủ mọi sự để chuẩn bị cho bất kỳ điều gì xảy đến.
3. TỔN THƯƠNG
Cảm giác bị tổn thương là một cảm xúc có lẽ nặng nề nhất trong quan hệ con người, cả về phương diện cá nhân cũng như nghề nghiệp. Cảm giác bị tổn thương thường phát sinh do cảm giác bị mất mát. Khi người ta bị tổn thương, người ta thường quay sang chỉ trích người khác.
Ý Nghĩa:
Dấu hiệu của sự bị tổn thương là chúng ta có một mong đợi nào mà không được đáp ứng. Nhiều khi chúng ta trông chờ ai đó giữ lời hứa mà rồi họ không giữ. Lúc đó chúng ta có cảm giác bị mất sự tin tưởng hay tình thân mật với người đó.
Giải Pháp:
1. Hãy nhận ra rằng có thể đây chỉ là một sự mất mát tưởng tưởng chứ không có thực.
2. Hãy tự hỏi mình, “Có mất mát thực sự nào không? Hay là mình đang đánh giá tình huống này quá sớm, hay quá vội vã”.
3. Nhẹ nhàng và cởi mở trao đổi vấn đề với người có liên quan tới việc tạo ra cảm xúc bị tổn thương của bạn.
4. TỨC GIẬN
Có thể gồm nhiều mức độ từ hơi bực tức tới giận dữ, thù hằn, hay phẫn nộ.
Ý Nghĩa:
Dấu hiệu của tức giận là ai đó hoặc chính bạn đã vi phạm một nguyên tắc hay một tiêu chuẩn mà bạn coi là quan trọng.
Giải Pháp:
1. Nhận ra là bạn đã hiểu sai tình huống và sự tức giận của bạn có thể là bạn cắt nghĩa sai thái độ của người khác.
2. Nhận ra rằng cho dù người khác có vi phạm một nguyên tắc của bạn, thì nguyên tắc ấy không nhất thiết là nguyên tắc “đúng”, cho dù bạn nghĩ đó là đúng.
3. Tự hỏi mình một câu hỏi tích cực hơn, “Xét về lâu dài, có thực sự người ấy quan tâm đến bạn không?” Hãy cắt đứt cơn tức giận bằng cách tự hỏi mình, “Tôi có thể học được bài học gì? Tôi có cách nào thông truyền cho người kia tầm quan trọng của nguyên tắc mà tôi chọn cho mình không?”
5. KHÔNG HÀI LÒNG
Tâm trạng không hài lòng có thể có nhiều nguyên nhân. Mỗi khi chúng ta gặp trở ngại trên đường đời, khi chúng ta đã cố gắng hết sức mà không có kết quả gì, chúng ta dễ cảm thấy không hài lòng.
Ý nghĩa:
Dấu hiệu của tâm trạng không hài lòng là sự kích động. Nó có nghĩa là trí óc bạn tin là bạn có thể làm tốt hơn là tình trạng hiện tại của bạn. Không hài lòng thì rất khác với thất vọng. Thất vọng là bạn có những mong ước trong cuộc đời mà bạn không bao giờ đạt được. Còn không hài lòng lại là một dấu hiệu rất tích cực. Nó có nghĩa là giải pháp cho vấn đề của bạn đang ở trong tầm tay bạn, nhưng điều bạn đang làm thì không có tác dụng, vì thế bạn cần thay đổi phương pháp.
Giải Pháp:
1. Nhận ra sự không hài lòng là người bạn của bạn và động não để tìm ra cách đạt kết quả.
2. Tìm ra động lực để đối phó với tình huống. Tìm một gương mẫu nào đó, một ai đã từng tìm ra giải pháp để đạt kết quả như bạn mong muốn.
3. Phấn khởi vì những gì bạn có thể học được bởi nó sẽ có ích cho bạn cả trong tương lai.
6.THẤT VỌNG
Thất vọng có thể là một cảm xúc rất tai hại nếu ta không giải quyết nó thật nhanh. Thất vọng là cảm xúc tai hại vì nó làm bạn cảm thấy “buông xuôi” hay sẽ vĩnh viễn mất một điều gì.
Ý Nghĩa:
Bạn đã có một niềm mong đợi nào – một mục đích bạn đang thực sự theo đuổi – thế mà mục đích ấy không thành sự, vì thế đây là lúc phải thay đổi niềm mong đợi của bạn cho phù hợp hơn với hoàn cảnh và có hành động để đạt ngay mục tiêu mới.
Giải Pháp:
1. Lập tức hình dung ra một điều gì bạn đang có thể học hỏi được từ tình huống này để làm bài học cho tương lai.
2. Đề ra một mục tiêu mới, một điều gì có thể gây phấn khởi hơn và là điều bạn có thể đạt được tiến bộ ngay.
3. Xét xem có phải bạn đã phán đoán quá vội vàng không. Nhiều khi những chuyện bạn tưởng là thất bại chỉ là những thách đố nhất thời thôi.
4. Nhận ra rằng tình huống có thể chức kết thúc. Vì thế bạn cần thêm kiên nhẫn.
5. Liều thuốc hóa giải hiệu quả nhất là xây dựng một thái độ mong chờ tích cực về một điều có thể xảy ra trong tương lai, bất luận những gì đã xảy ra trong quá khứ.
7.TỘI LỖI
Cảm giác tội lỗi, nuối tiếc và hối hận là những cảm giác người ta tìm mọi cách để tránh trong cuộc đời và đây là điều đáng quí. Chúng là những cảm xúc làm chúng ta đau đớn, nhưng chúng cũng có tác dụng tích cực.
Ý Nghĩa:
Cảm giác tội lỗi nói cho bạn biết bạn đã vi phạm một trong những qui luật cao nhất của mình và bạn phải ngay lập tức làm một điều gì để bảo đảm sẽ không tái phạm trong tương lai. Cảm giác tội lỗi là đòn bẩy cuối cùng để nhiều người thay đổi thái độ. Tuy nhiên cũng có nhiều người phủ nhận cảm giác này hay tìm cách loại bỏ nó. Một thái cực khác là chịu đầu hàng và nuốt cảm giác này, nghĩa là chấp nhận sự đau đớn và cảm nghiệm tình trạng bất lực của mình. Đây là thái độ tiêu cực, không đáp ứng mục đích của cảm giác tội lỗi.
Ngược lại, nó có thể là động lực đưa chúng ta tới thay đổi.
Giải Pháp:
1. Nhìn nhận là bạn đã thực sự vi phạm một qui luật quan trọng bạn đặt ra cho đời sống mình.
2. Quyết tâm tuyệt đối sẽ không để thái độ này xảy ra trong tương lai.
8. BẤT CẬP
Cảm giác mình không làm được điều mà lẽ ra mình phải làm được. vấn đề ở đây là nhiều khi chúng ta đánh giá không đúng mức điều mình có thể làm hay không.
Ý nghĩa:
Ý nghĩa ở đây là hiện tại bạn không đủ mức năng lực thiết để thực hiện nhiệm vụ hiện có. Nó bảo bạn rằng bạn cần tìm thêm thông tin, hiểu biết, chiến lược, dụng cụ, hay lòng tự tin.
Giải Pháp:
1. Hãy tự hỏi mình: “Đây có là cảm giác đúng tôi cảm thấy trong tình huống này không? thực sự tôi bất cập, hay tôi phải thay đổi cách nhìn sự việc của mình?”
2. Mỗi khi cảm thấy bất cập, hãy tìm những mối khích lệ để cải thiện tình hình.
3. Tìm lấy một mẫu gương – một ai đó có hiệu quả trong lãnh vực mà bạn cảm thấy bất cập và xin người ấy dẫn dắt bạn.
9. BẤT LỰC
Tâm trạng u sầu, chán nản và bất cập chỉ là những biểu hiện của cảm giác bất lực. Người rơi vào tình trạng này cảm thấy bị nhận chìm và thường bắt đầu cảm thấy không gì có thể thay đổi tình hình, vấn đề quá lớn, vĩnh viễn, toàn diện và chỉ riêng mình rơi vào tình trạng này.
Ý nghĩa:
Ý nghĩa của tâm trạng bất lực là bạn cần đánh giá lại điều gì là quan trọng nhất đối với bạn trong tình huống này. Lý do là bạn đang cố tìm cách đối phó với quá nhiều chuyện cùng một lúc, bạn muốn thay đổi mọi sự ngay tức thì.
Giải Pháp:
1. Trong tất cả những chuyện bạn đang đối phó trong đời, bạn hãy chọn lấy một chuyện tuyệt đối và quan trọng nhất để bạn tập trung vào.
2. Viết ra tất cả nhựng gì bạn thấy là quan trọng nhất để thực hiện và xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.
3. Xử lý trước tiên việc quan trọng nhất trong danh sách và tiếp tục có hành động cho tới khi bạn thành thào.
10.CÔ ĐƠN
Tất cả những gì làm chúng ta cảm thấy cô độc, cô lập hay bị tách rời khỏi người khác đều nằm trong tâm trạng này. Bạn có khi nào cảm thấy thực sự cô đơn chưa? Tôi nghĩ không một con người nào mà không có lúc rơi vào tâm trạng này.
Ý Nghĩa:
Ý nghĩa của tâm trạng cô đơn là bạn cần một mối tương quan với người khác. Tương quan như thế nào? Nhiều khi người ta tưởng là phải có việc ái ân, hay tình thân mật. Nhưng rồi họ cũng cảm thấy vỡ mộng, vì cả khi có sự thân mật, họ vẫn cảm thấy cô đơn.
Giải Pháp:
1. Nhận ra rằng bạn có thể đến với người khác và thiết lập tương quan tức khắc và chấm dứt tình trạng cô đơn. Luôn luôn có những người quan tâm đến bạn ở khắp nơi.
2. Xác định bạn cần thiết lập loại tương quan nào.
3. Bạn hãy nhắc nhở mình về một điều tuyệt vời của tâm trạng cô đơn là nó có ý muốn nói, “Tôi thực sự quan tâm đến người khác và tôi thích sống với người khác. Tôi cần tìm ra tôi cần có loại tương quan nào với người khác ngay lúc này, rồi có hành động ngay để biến nó thành hiện thực.
4. Có ngay hành động để đến với người khác và thiết lập tương quan với họ.
Mười cảm xúc tạo sức mạnh
1.YÊU THƯƠNG
Biểu hiện thường xuyên của tình yêu hình như có thể làm tan biến mọi tiêu cực mà tình yêu chạm tới. Nếu ai đó tức giận với bạn, bạn có thể tiếp tục yêu thương họ bằng việc chấp nhận một niềm tin sau đây: mọi sự giao tiếp đều là một lời đáp trả yêu thương hay một tiếng kêu cứu giúp. nếu ai đó đến với bạn trong tâm trạng bị tổn thương hay tức giận và bạn luôn luôn đón tiếp họ với tình yêu đầm ấm, rốt cuộc họ sẽ thay đổi tâm trạng và cơn tức giận hay tổn thương sẽ tan đi.
“Chỉ cần bạn biết yêu cho đủ,
bạn có thể là người mạnh nhất thế giới”
-EMMET FOX
2. LÒNG TRÂN TRỌNG VÀ BIẾT ƠN
Tôi tin rằng các cảm xúc mạnh nhất là những cách diễn tả khác nhau về lòng yêu thương. Theo tôi, lòng trân trọng và biết ơn là hai cảm xúc thiêng liêng nhất, chúng diễn tả tích cực qua tư tưởng và hành động lòng trân trọng và yêu mến của tôi đối với những quà tặng mà cuộc đời, con người và kinh nghiệm trao tặng tôi. Sống trong tâm trạng cảm xúc này sẽ khích lệ đời sống bạn hơn bất cứ điều gì khác.
3. SỰ TÒ MÒ
Nếu bạn thực sự muốn tăng trưởng trong đời sống, bạn hãy tập tính tò mò như trẻ con. trẻ con biết ngạc nhiên – chính vì vậy mà chúng rất dễ thương. nếu bạn muốn chữa tâm trạng buồn chán, hãy biết tò mò. Nếu biết tò mò, không có gì là nhàm chán đối với bạn.
4. SỰ PHẤN KHỞI VÀ ĐAM MÊ
Sự phấn khởi và đam mê có thể tăng hương vị cho bất cứ điều gì. Sự đam mê có thể chuyển mọi thách thức thành một cơ hội to lớn. Đam mê là một sức mạnh không thể cưỡng nổi để đưa đẩy đời sống chúng ta tiến lên với một tốc độ cao hơn bao giờ hết. Ta có thể mượn lời của Benjamin Disraeli, con người chỉ thực sự là vĩ đại khi hành động do niềm đam mê thúc đẩy. làm sao ta có được đam mê? Cũng giống như cách thúc chúng ta có được tình yêu, sự đầm ấm, lòng quí chuộng, biết ơn và sự tò mò – chúng ta quyết định cảm nghiệm nó! bạn hãy sử dụng thân thể bạn: nói nhanh hơn, tưởng tượng hình ảnh nhanh hơn, chuyển động thân thể bạn hướng bạn muốn đi tới. Đừng ngồi lỳ một chỗ mà suy nghĩ. Bạn không thể có đam mê nếu bạn tì càm lên bàn, hít thở từ từ và nói năng chậm chạp.
5. SỰ QUYẾT TÂM
Tất cả những cảm xúc trên là vô giá, nhưng còn một cảm xúc bạn phải có nếu bạn muốn tạo nên giá trị lâu dài trên thế giới này. Nó sẽ chỉ cho bạn cách xử lý các tình huống khó chịu và thách đố, các thất vọng và ảo tưởng. Quyết tâm có nghĩa là không để mình bị bế tắc nhưng làm cho mình được đánh động bởi sức mạnh chớp nhoáng của một quyết định dứt khoát. Hành động với quyết tâm có nghĩa là làm một quyết định thích hợp và đanh thép trong khi gạt ra ngoài mọi khả năng khác.
6. SỰ LINH ĐỘNG
Khả năng thay đổi phương pháp của bạn là một hạt giống quyết định bảo đảm thành công. Chọn sự linh động chính là chọn hạnh phúc. Trong cuộc đời, có những lúc mà sự việc không nằm trong khả năng kiểm soát của bạn, những lúc đó khả năng của bạn biết linh động trong nguyên tắc, trong ý nghĩa bạn gán cho sự vật và trong hành động của bạn, sẽ định đoạt việc thành công hay thất bại của bạn, ấy là chưa kể niềm vui và thoải mái bạn sẽ được hưởng.
7. LÒNG TỰ TIN
Lòng tự tin không lay chuyển là cảm giác chắc chắn mà chúng ta ai cũng muốn có. Cách duy nhất để cảm nghiệm lòng tự tin là qua niềm tin. Hãy tưởng tượng ra và cảm thấy chắc chắn về những cảm xúc bạn đang được hưởng bây giờ, thay vì để đợi chúng bất ngờ xuất hiện một ngày nào đó trong tương lai. Khi bạn tự tin, bạn muốn thử nghiệm, muốn lao mình vào công việc. Một cách để phát triển niềm tin và lòng tự tin là tập sử dụng nó. Nếu tôi hỏi bạn có biết cài nút áo của mình không, tôi cam đoan bạn hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng bạn biết. Tại sao? Vì bạn đã làm đều đó hàng ngàn lần rồi! Để dấn mình vào một công việc gì, bắt buộc bạn phải luyện tập lòng tự tin thay vì sự sợ hãi. Khả năng hành động dựa vào lòng tin chính là yếu tố thúc đẩy nhân loại tiến bộ.
8. SỰ VUI TƯƠI
Có một khác biệt lớn giữa việc cảm thấy hạnh phúc bên trong và bộc lộ sự vui tươi bên ngoài. Sự vui tươi kích thích lòng tự tin của bạn, làm đời sống vui hơn và cũng làm những người xung quanh bạn cảm thấy hạnh phúc. Sự vui tươi có sức mạnh loại bỏ những cảm giác sợ hãi, tổn thương, tức giận, không hài lòng, thất vọng, chán chường, tội lỗi và bất cập trong đời bạn. Bạn có sự vui tươi khi bạn nhận ra rằng dù điều gì xảy ra cho bạn, chỉ có vui tươi mới làm cho sự việc trở nên tốt hơn.
9. SỨC KHOẺ
Xử lý lãnh vực này là điều tối quan trọng. Nếu bạn không chăm sóc sức khoẻ thể lý của bạn, bạn rất khó cảm nghiệm những cảm xúc nói trên. Bạn hãy bảo đảm có sức khoẻ thể lý. Hãy nhớ rằng mọi cảm xúc đều đến với bạn qua thân thể bạn. Một trong các điều cơ bản để có sức khoẻ tốt là việc hít thở. Khi người ta căng thẳng, người ta ngưng thở, làm cạn sinh lực của mình. Học hít thở đúng cách là con đường quan trọng nhất để bạn có sức khoẻ tốt. Một yếu tố tối quan trọng khác nữa cho sức khoẻ thể xác là bảo đảm bạn có dồi dào năng lượng thần kinh.
Làm thế nào để có năng lượng thần kinh? Bạn biết rằng mỗi ngày chúng ta tiêu hao năng lượng thần kinh qua các hành động và vì thế ta cần bù đắp lại bằng việc nghỉ ngơi. Bạn ngủ mỗi ngày bao nhiêu? Nếu bạn bỏ ra 8 đến 10 giờ trên giường mỗi ngày thì bạn ngủ quá nhiều đấy. Sáu tới bảy giờ ngủ mỗi ngày được coi là tốt nhất cho hầu hết chúng ta. Không như người ta vẫn tưởng, ngồi yên một chỗ không bảo toàn năng lượng đâu. Sự thật là khi bạn ngồi yên là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi nhất. Hệ thần kinh của con người cần vận động để có năng lượng.
10. SỰ CỐNG HIẾN
Nhiều năm trước, tôi còn nhớ vào lúc tôi gặp bế tắc nhất trong đời, tôi đang lái xe dọc xa lộ ban đêm. Tôi luôn luôn tự hỏi, “mình phải làm gì để thay đổi đời mình?” Bất ngờ một trực giác đến với tôi, kèm theo một cảm xúc thật sâu sắc khiến tôi dừng xe lại bên đường và lập tức viết lên cuốn nhật ký của tôi câu: “Bí quyết của đời sống là cống hiến”.
Trên đời, tôi không thấy cảm xúc nào phong phú hơn là cảm giác bạn là một con người mà những gì bạn nói và làm không chỉ thêm vào cho riêng đời sống bạn, mà còn kích thích kinh nghiệm của những người bạn quan tâm và ngay cả người mà bạn không hề biết đến. Những câu chuyện làm tôi cảm động nhất là những câu chuyện về những người nghe theo tiếng gọi cao cả nhất của cảm xúc để quan tâm một cách vô điều kiện và hành động cho lợi ích của người khác. Khi tôi coi vở Les Miserables, tôi cảm kích sâu xa về nhân vật Jean Valjean, vì ông là một con người tốt lành muốn cống hiến thật nhiều cho người khác. Mỗi ngày chúng ta phải luyện tập ý thức cống hiến bằng cách không chỉ để ý đến bản thân mình, mà còn phải để ý đến những người khác nữa.
Cảm giác cho đi làm cho đời sống đáng sống. Hãy hình dung thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu mọi người chúng ta đều vun trồng ý thức cống hiến cho người khác.
MƯỜI DẤU HIỆU HÀNH ĐỘNG
1. Khó chịu
2. Sợ hãi
3. Bị tổn thương
4. Tức giận
5. Không hài lòng
6. Thất vọng
7. Tội lỗi
8. Bất cập
9. Bất lực
10. Cô đơn
MƯỜI CẢM XÚC TẠO SỨC MẠNH
1. Yêu thương đầm ấm
2. Trân trọng và biết ơn
3. Tò mò
4. Phấn khởi và đam mê
5. Quyết tâm
6. Linh động
7. Tự tin
8. Vui tươi
9. Sức khoẻ
10. Cống hiến