Ngày năm
* Mục tiêu của bạn:
Ta có thể có những giá trị lớn, những qui luật lớn để bênh vực những giá trị ấy, biết đặt đúng những câu hỏi cho mình, nhưng lại không sống những giá trị của mình trong thực tế không? Nếu bạn thành thật với chính mình, bạn biết câu trả lời là có. Mọi người chúng ta lúc này hay lúc khác vẫn để cho các hoàn cảnh chi phối mình, thay vì chúng ta phải kiểm soát các trạng thái và quyết định của mình về ý nghĩa của các hoàn cảnh. Chúng ta cần có một cách rõ nét để đảm bảo mình trung thực sống các giá trị mình đã chọn và cần có cách để đánh giá xem chúng ta có thực sự đạt những giá trị đó trong cuộc sống hàng ngày không.
Người thanh niên ấy đã thành đạt một cách xuất sắc khi mới 27 tuổi đời. Anh rất thông minh, đọc nhiều và cảm thấy mình có thể lay chuyển được thế giới. Nhưng một hôm anh nhận ra điều này: anh không được hạnh phúc bao nhiêu! Nhiều người ghét anh ta vì vẻ kênh kiệu và hống hách của anh ta. Anh cảm thấy mình không còn làm chủ của đời mình, càng không làm chủ được số phận của mình.
Anh quyết định sẽ làm chủ đời mình bằng cách đề ra những chuẩn mực cao hơn cho mình, khai triển một chiến lược để đạt những chuẩn mực đó và tạo ra một hệ thống để đo lường những kết quả anh đạt được mỗi ngày. Anh bắt đầu chọn ra 12 “đức tính” – 12 trạng thái mà anh muốn cảm nghiệm hàng ngày – để làm cho đời sống mình đi đúng hướng mình muốn. Rồi anh lấy cuốn nhật ký viết ra 12 trạng thái đó, bên cạnh danh sách đó anh vẽ những ô vuông dành cho mọi ngày trong tháng. “Mỗi lần tôi vi phạm một đức tính nào, tôi sẽ tô một chấm đen vào ô vuông bên cạnh đức tính đó. Mục tiêu tôi nhắm tới là sẽ không có một chấm đen nào trên danh sách. Lúc đó tôi sẽ biết là mình thực sự sống với các đức tính ấy.”
Anh rất tự hào về ý tưởng này và anh đã đem ra khoe với một anh bạn. Bạn anh nói, “Tuyệt vời! Chỉ có điều tôi nghĩ anh nên thêm đức tính khiêm tốn vào danh sách các đức tính của anh”. Và Benjamin Franklin cười ồ lên rồi thêm đức tính thứ 13 vào danh sách của mình.
Tôi nhớ đã đọc được câu chuyện này trong cuốn tiểu sử Ben Franklin trong lúc tôi đang bận bịu với công việc tại một phòng khách sạn ở Milwaukee. Mới trước đó, tôi đã có ý tưởng về các giá trị và bậc thang của chúng và tôi đã làm ra một dah sách mà tôi nghĩ là giá trị lớn cho chính mình và tôi nghĩ tôi sẽ thỏa mãn khi sống những giá trị ấy. Nhưng khi tôi suy nghĩ về danh sách các đức tính của Ben Franklin, tôi tự hỏi, “Được rồi, mày đã lấy tình yêu làm một giá trị, nhưng ngay bây giờ mày có yêu thương không? Cống hiến là một giá trị lớn của mày, nhưng ngay lúc này máy có cống hiến không?” Và câu trả lời là không.
Tôi có giá trị lớn, nhưng tôi không đo lường xem mình có thực sự sống những giá trị ấy từng giây từng phút không. tôi biết mình có lòng thương người, nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra có nhiều lúc tôi không biết thương người!
Tôi ngồi xuống và tự hỏi, “Tôi sẽ có trạng thái nào nếu tôi thỏa mãn nhất? Tôi muốn có trạng thái nào mỗi ngày, bất kể điều gì xảy ra?” Bất kể môi trường nào, bất kể khó khăn nào chung quanh tôi, tôi sẽ giữ những trạng thái này ít nhất là một lần mỗi ngày!” Những trạng thái tôi quyết tâm giữ là thân thiện, vui vẻ, yêu thương, cởi mở, mạnh mẽ, phấn khích, say mê và khôi hài. Một số những trạng thái này có trong những giá trị của tôi, một số không có. Nhưng tôi biết rằng nếu thực sự sống những trạng thái này mỗi ngày, tôi sẽ liên tục sống các giá trị của mình. Và bạn có thể tưởng tượng ra đây là một công việc khá hấp dẫn.
Tôi đã quyết định sống theo những trạng thái đó mà tôi gọi là Qui luật Sống của mình. Tôi cũng có cảm giác thỏa mãn vì biết rằng khi sống những trạng thái này – sống trung thực với chính mình – tôi thực hiện đúng các giá trị của mình trong lúc đó.
“Hãy đem tôn chỉ của bạn vào hành động”.
-RALPH WALDO EMRSON
Có rất nhiều Qui Luật Sống để bạn noi theo. Bạn nghĩ gì về qui luật sống của Mười Giới Răn? Hay lời thề của Hướng Đạo Sinh? Hay Tôn Chỉ của Hội Những Người Lạc Quan?
Bạn có thể soạn ra Qui Luật Sống của riêng mình bằng cách dựa theo những Qui Luật đã có sẵn…
Khi Jonh Wooden, huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng của UCLA, tốt nghiệp tiểu học năm 12 tuổi, cha của cậu cho cậu một tôn chỉ bảy điểm. Jonh nói rằng tôn chỉ này đã gây một trong những ảnh hưởng lớn nhất cho cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tôn chỉ này ông vẫn nắm giữ từng ngày trong cuộc sống:
TÔN CHỈ BẢY ĐIỂM CỦA JONH WOODEN:
“THỂ HIỆN BẢN THÂN CÁCH TỐT NHẤT”
1. Hãy trung thực với chính mình.
2. Hãy biến mỗi ngày thành kiệt tác của mình.
3. Hãy giúp đỡ người khác.
4. hãy say mê đọc sách tốt.
5. Hãy làm cho tình bạn trở thành một nghệ thuật.
6. Hãy dự phòng cho những ngày khó khăn.
7. hãy cầu xin ơn soi dẫn và tạ ơn vì những phước lành con nhận được mỗi ngày.
TÔN CHỈ CỦA
HỘI NHỮNG NGƯỜI LẠC QUAN
Tôi xin hứa…
* Sống mạnh mẽ để không một điều gì có thể làm xáo động bình an của tâm hồn.
* Nói về sức khoẻ, hạnh phúc, sung túc với mọi người tôi gặp.
* Làm cho mọi bạn bè tôi cảm thấy họ có những giá trị.
* Nhìn khía cạnh tốt đẹp của sự vật và làm cho niềm lạc quan của tôi thành hiện thực.
* Chỉ nghĩ đến điều tốt nhất, hành động cho điều tốt nhất và mong đợi điều tốt nhất.
* Vui vì sự thành công của người khác như của chính mình.
* Quên đi những lỗi lầm của quá khứ và chú tâm tới những thành quả của tương lai.
* Giữ dáng vẻ tươi cười và biết mỉm cười khi gặp bất cứ ai.
* Dành thật nhiều thời giờ để tu dưỡng bản thân, như thế bạn sẽ không còn thời giờ để phê bình người khác. * Hết sức độ lượng để không áy náy, hết sức thanh cao để không giận dữ, hết sức mạnh mẽ để không sợ hãi và hết sức vui vẻ để không cảm thấy bối rối.