Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đánh thức con người phi thường trong bạn

Chương 7: Làm Thế Nào Đạt Điều Bạn Thực Sự Mong Muốn

Tác giả: Anthony Robbins
Chọn tập

“Cảm xúc nào tập hợp toàn thể con người bạn

và nâng cao bạn lên là cảm xúc tinh tuyền;

Cảm xúc nào chỉ xâm chiếm một phần con người bạn

và bóp méo bạn là cảm xúc thô thiển”.

-RAINER MARIA RILKE

“Lấy cho tôi cú phê đầu tiên”. Elvis Presley luôn luôn ra lệnh như thế để người ta đem đến cho mình liều thuốc đầu tiên đưa mình vào giấc ngủ, sau mỗi buổi tối trình diễn với tất cả sức lực. Người trợ lý của Elvis sẽ mở gói thứ nhất và cho anh uống “Liều thường ngày”: các viên thuốc an thần màu cầu vồng (Amytal, Carbrital, Nembutal hay Seconal) các viên Quaaludes, Valium và Placidyl, rồi ba mũi chích Demerol ngay phía dưới vai.

Trước khi anh đi ngủ, ban hậu cần của anh gồm những người đứng trực ngày đêm bắt tay vào công việc. Thực là một cuộc chạy đua để xem Ông Vua có thể tiêu thụ được bao nhiêu thức ăn trước khi thiếp ngủ. Bình thường anh ăn hết ba ổ bánh mì kẹp phó mát và thịt và sáu hay bảy trái chuối trước khi thiếp ngủ. Nhiều khi các người giúp việc phải moi thức ăn từ cổ họng anh ra để anh khỏi chết ngạt. Thế là Elvis bắt đầu ngủ khoảng 4 giờ.

Anh ta đi đứng chệnh choạng đến nỗi người ta phải khênh xốc vô phòng tắm và đây là lúc anh kêu cú phê thứ hai của mình bằng cách yếu ớt níu lấy áo người trợ lý. Elvis không thể tự mình uống thuốc, vì thế người giúp việc phải bỏ thuốc vô miệng anh ta, rồi từ từ đổ nước vào để cho viên thuốc trôi xuống.

Ít khi Elvis còn đủ sức để gọi cú phê thứ ba. Nhưng theo lệ thường, người trợ lý sẽ cho anh ta uống đủ liều và để anh ngủ tiếp cho tới trưa, là lúc Ông Vua bừng dậy và cơ thể đòi dộng thêm dexedrine và tẩm cocain vào đầu bông gòn rồi hít trước khi lên sàn diễn trở lại.

Vào ngày anh ta chết, Elvis vẫn còn tỉnh táo và đã để dành đủ ba liều thường dùng để kết liễu đời mình. Làm sao một con người nổi tiếng đến thế, được hàng triệu con người ngưỡng mộ và gần như có đủ mọi thứ trên đời, lại truyền miên lạm dụng thân thể mình và tự kết liểu đời mình một cách ghê sợ đến thế? Theo David Stanley, người anh em cùng mẹ khác cha với Elvis, lý do là anh ta thích ghiền thuốc và sống trong mơ màng hơn là ý thức và cảm thấy khổ sở.

Tiếc thay, cũng không hiếm những nhân vật nổi tiếng-những danh nhân trong sự nghiệp nghệ thuật và kinh doanh- cũng tự hủy hoại đời mình, trực tiếp hay gián tiếp. Chúng ta có thể kể các văn sĩ như Ernest Hemingway và Sylvia Plath, các diễn viên như William Holden và Freddie prinze, các ca sĩ như Mama cass Elliot và Janis Joplin. Họ có điểm gì chung? Trước hết, họ không còn tồn tại và tất cả chúng ta đã mất họ. Thứ hai, họ đã mua được một hóa đơn viết rằng, “Ngày nào đó, ai đó, cách nào đó, cái gì đó…và rồi tôi sẽ hạnh phúc”. Nhưng khi họ thành đạt, khi họ đạt tới đỉnh cao danh vọng và chạm được tới Thiên Đàng của Mộng Tưởng, họ khám phá ra rằng hạnh phúc vẫn còn ở xa. Vì thế họ tiếp tục theo đuổi, kéo dài sự đau khổ của cuộc sống bằng rượu, thuốc lá, ma túy, nhậu nhẹt, cho tới khi rốt cuộc họ chìm vào sự quên lãng mà họ khao khát. Họ không bao giờ khám phá ra nguồn hạnh phúc đích thực.

Ngược lại, ta hãy đối chiếu những câu chuyện trên đây với một lá thư mà tôi mới nhận được từ một người phụ nữ đã sử dụng những bài học tôi cống hiến để thay đổi hoàn toàn phẩm chất đời sống của chị. Lá thư viết như sau:

Ông Tony thân mến,

Tôi đã từng bị hành hạ nặng nề trong đời, từ tuổi ấu thơ cho đến khi người chồng thứ hai của tôi qua đời. Hậu quả của sự hành hạ và của những chấn thương trầm trọng là tôi mắc bệnh tâm thần được gọi là rối loạn đa nhân cách (MPD). Nơi tôi có 49 nhân cách khác nhau, không nhân cách nào biết đến nhân cách khác hay những gì xảy ra cho nhân cách khác.

Điều thoải mái duy nhất tôi có được là trong suốt 49 năm trong tình trạng đa nhân cách là thái độ tự hủy hoại của mình. Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng sự tự hủy hoại thường đem lại cho mình sự thoải mái. Tôi đã thử tự sát nhiều lần không thành công và sau một lần thất bại, tôi được đưa vào bệnh viện và được một bác sĩ săn sóc. Để thống nhất các nhân cách, tôi phải đi ngược trở về chấn thương đầu tiên đã tạo nên mỗi nhân cách. Tôi phải nhớ lại, sống và cảm nghiệm lại chấn thương đó. Mỗi nhân cách khác nhau của tôi đều xử lý một chức năng đặc biệt, một khả năng gợi nhớ riêng và một điệu cảm xúc duy nhất. Tôi đã làm việc với một chuyên gia trong lãnh vực MPD và ông này đã giúp tôi thống nhất tất cả 49 nhân cách trong tôi thành một. Động cơ khiến tôi kiên trì đi theo suốt những tiến trình khác nhau này là cảm giác rằng tất cả những con người có trong tôi đều rất bất hạnh và cuộc đời tôi đã trở nên vô cùng hổn độn (nhân cách này không hề biết những nhân cách khác đang làm gì và chúng tôi thấy mình rơi vào đủ các tình huống và địa điểm khác nhau mà khi kết thúc tôi không còn nhớ lại được điều gì.) Chúng tôi đã tưởng là khi thống nhất thành một con người chúng tôi có thể hạnh phúc-mục tiêu tối hậu của mình.

Đó chính là quan niệm sai lạc của tôi. Tôi chóang váng! Tôi đã sống một năm như trong địa ngục. Tôi thấy mình vô cùng bất hạnh và đau buồn vì từng nhân cách của mình. Tôi thương nhớ từng người và mong muốn họ trở lại trong tôi như trước kia. Điều này quá khó và năm ấy nhiều lần tôi đã tự sát, rồi tôi lại được đưa vào bệnh viện.

Năm ngoái, tình cờ tôi xem chương trình của ông trên tivi và tôi đã đạt mua loạt băng ghi âm 30 ngày luyện tập Sức Mạnh bản thân. Tôi nghe đi nghe lại, áp dụng tất cả những điều tôi học được trong băng. Tôi thoát ra được thế bí khi tôi bắt đầu nghe chương trình đối thoại hàng tháng của ông mang tựa đề ĐỐI THOẠI VỀ SỨC MẠNH. Tôi học được những điều ông hướng dẫn trong tình trạng một nhân cách duy nhất đang khi trước đây tôi luôn luôn sống trong tình trạng đa nhân cách. Lần đầu tiên trong suốt 50 năm cuộc đời tôi đã học biết rằng hạnh phúc xuất phát từ nội tâm. Tôi đã trở thành một con người duy nhất và bây giờ tôi có thể nhớ lại những điều kinh khủng mà mỗi nhân cách trong 49 nhân cách của tôi trước đây từng trải qua. Khi những ký ức này xuất hiện, tôi có thể nhìn thấy chúng và nếu chúng trở nên không thể chịu đựng nổi, bây giờ tôi có thể thay đổi mục tiêu chú ý của mình một cách thống nhất chứ không rời rạc như trước. Tôi không còn phải đưa mình vào tình trạng hôn mê mất trí nhớ và nhảy sang một nhân cách khác nữa.

Tôi đang ngày càng học được nhiều điều hơn về bản thân mình và tôi đang học được cách sống đời sống của một con người thống nhất. Tôi biết mình còn nhiều điều để làm và nhiều điều để khám phá. Tôi đang đề ra cho mình những mục tiêu và dự trù kế họach để đạt được chúng. Hiện nay tôi đã bắt đầu giảm cân và nhắm tới mức cân lý tưởng của mình vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh (một món quà quý báu đối với tôi). Tôi cũng biết rằng mình mong muốn có một mối quan hệ lành mạnh, không lạm dụng với một người đàn ông. Trước thời gian tôi nằm viện, tôi đã làm việc trọn giờ cho IBM và tôi từng có 4 doanh nghiệp. Ngày nay, tôi đang điều hành một doanh nghiệp mới và đang hưởng được những kết quả tốt đẹp về việc tăng doanh số mà tôi đã thực hiện được kể từ khi tôi rời bệnh viện. Tôi đang dần dần biết các con, các cháu của mình, nhưng quan trọng hơn cả, tôi đang biết chính mình.

Kính thư,

Elizabeth Pietrzak

Bạn mong muốn gì?

Bạn hãy tự hỏi mình thật sự muốn gì trong đời. Bạn muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, muốn được con cái kính trọng? Bạn muốn có thật nhiều tiền, xe hơi đời mới, làm ăn phát đạt, một ngôi nhà nguy nga? Bạn muốn đi du lịch khắp thế giới, viếng thăm những cảng xa lạ, những di tích lịch sử quí báu? Bạn muốn được hàng triệu người ngưỡng mộ bạn như một nhạc sĩ rock hay một danh nhân với ngôi sao của bạn trên đại lộ Hollywood? Bạn muốn để tiếng lại cho hậu thế như một nhà phát minh ra máy đi trở ngược lại thời gian? Bạn muốn làm việc với mẹ Teresa để cứu vớt thế giới, hay đóng một vai trò chủ động trong việc thăng tiến môi trường sống của con người?

Dù bạn muốn hay khao khát điều gì, có lẽ bạn phải tự hỏi mình, “Tại sao tôi muốn những điều ấy?” Rốt cuộc bạn sẽ đi đến kết luận rằng sở dĩ bạn muốn những điều ấy hay những kết quả ấy là vì bạn coi chúng như những cảm giác nào đó, những cảm xúc hay những tâm trạng mà bạn mong muốn.

Mọi cảm xúc của chúng ta không là gì khác hơn một chuỗi những cơn bão sinh học trong bộ não của chúng ta và chúng ta có thể để nó bộc phát bất cứ lúc nào. Nhưng trước tiên chúng ta phải học cách kềm chế chúng một cách có ý thức thay vì chỉ sống bằng phản xạ. Hầu hết phản xạ cảm xúc của chúng ta là những phản xạ đối với môi trường mà chúng ta học được. Chúng ta hình thành một số bằng ý thức của mình, số khác đến với chúng ta một cách vô thức.

Chỉ cần ý thức rõ những yếu tố này cũng cho chúng ta cơ sở để hiểu rõ sức mạnh của trạng thái. Hiển nhiên chúng ta làm bất cứ điều gì cũng là để tránh đau khổ và đạt sự thõa mãn, nhưng chúng ta có thể tức khắc thay đổi những gì chúng ta tin là sẽ dẫn đến sướng hay khổ bằng cách định hướng lại tiêu điểm chú ý của mình và thay đổi các trạng thái tâm sinh lý của mình.

Hành động xấu hay tốt khác nhau không phải vì khả năng của chúng ta mà vì trạng thái tâm hồn hay thể lý của chúng ta vào một lúc nào đó. Để thay đổi khả năng của bạn, hãy thay đổi trạng thái. Để khơi mở nguồn tiềm năng dồi dào trong bạn, hãy đưa mình vào một trạng thái bén nhạy và mong chờ và điều kỳ diệu sẽ xảy ra!

Vậy chúng ta có thể thay đổi các trạng thái cảm xúc của mình như thế nào? Bạn hãy coi các trạng thái của mình hoạt động giống như chiếc máy TV. Để có màu sắc rực rỡ, sống động với âm thanh tuyệt vời, bạn cần cắm dây điện và bật công tắc. Bật công tắc chức năng sinh lý của bạn thì cũng giống như cung cấp điện cho máy TV hoạt động. Bạn cần phải khởi động chức năng sinh lý của bạn, nghĩa là cả cơ thể bạn, để đưa nó vào hoạt động. Bạn có khi nào thức dậy rồi đi thơ thẩn quanh nhà không biết làm gì, không thể suy nghĩ được điều gì cho tới khi bạn vận động cơ thể để cho máu lưu thông đều khắp người bạn không? Sau khi đã rời khỏi tình trạng “ù lỳ”, máy được bật lên, thế là các ý tưởng lập tức đến với bạn. Nếu bạn ở trong tình trạng xấu, bạn sẽ không nhận được điều gì, dù bạn có những ý tưởng hay.

Có vô số cảm giác, vô số cách nhìn về hầu như mọi khía cạnh trong cuộc đời. Bạn luôn có sẳn mọi cảm giác mà bạn mong muốn và bạn chỉ cần tìm đúng chúng. Và có hai cách đơn giản để tìm chúng và để thay đổi tâm trạng của bạn: thay đổi cách bạn vận dụng chức năng sinh lý của mình, hay thay đổi tiêu điểm của mình.

Sinh Lý:

SỨC MẠNH VẬN ĐỘNG

Một trong những sự phân biệt có tác dụng mạnh là: cảm xúc là do sự vận động tạo nên. Mọi cảm giác của chúng ta đều là kết quả của cách chúng ta vận dụng thân thể. Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất biểu hiện nơi khuôn mặt hay điệu bộ của chúng ta cũng làm thay đổi cảm xúc của mình vào lúc đó và vì thế cũng thay đổi cách đánh giá đời sống chúng ta-cách chúng ta suy nghĩ và hành động.

Mỗi cảm xúc chúng ta có đều gắn liền với một đặc điểm sinh lý chuyên biệt: điệu bộ, nhịp thở, mỗi cử động, vẻ mặt. Nếu bạn biết cách sử dụng cơ thể khi ở trong những trạng thái cảm xúc nào đó, bạn có thể trở lại những trạng thái đó, hãy tránh nó, bằng cách đơn giản là thay đổi cử động cơ thể của bạn. Điều rắc rối là hầu hết chúng ta chỉ giới hạn mình vào một số mẫu tập quán sinh lý ít ỏi nào thôi. Chúng ta chấp nhận những mẫu này mà không nhận thức được tầm quan trọng to lớn của chúng trong việc hình thành cung cách ứng xử của chúng ta từng lúc.

Nếu bạn thường sử dụng cơ thể bạn một cách yếu ớt, nếu bạn quen để lưng bạn khòm xuống, nếu bạn đi đứng như thể bạn đang mệt mỏi, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi thật. Không thể khác hơn được, vì cơ thể của bạn hướng dẫn cảm xúc của bạn. Tình trạng cảm xúc bạn đang có lại ảnh hưởng ngược lại trên cơ thể bạn và thế là bắt đầu một cái vòng lặp vô tận.

Bạn có thể làm gì để thay đổi ngay lập tức trạng thái của bạn và nhờ đó thay đổi cảm giác và cung cách hành động của ban? Bạn hãy hít một hơi dài qua mũi rồi thở mạnh qua miệng. Hãy nhe răng hết cả hai bên hàm của bạn rồi cười to với vợ hay con cái bạn. Nếu bạn thực sự muốn thay đổi đời sống mình, bạn hãy dành 7 ngày tiếp theo luyện tập trước một tấm gương, mỗi ngày năm lần, mỗi lần một phút, nhớ cười banh hàm ra đến tận mang tai. Bạn sẽ cảm thấy rất ngớ ngẩn, nhưng chính cử động này của cơ thể bạn sẽ kích động não của bạn để khiến sự liên tưởng tới niềm vui trở thành tập quán nơi bạn. Bạn hãy làm đi và hưởng niềm vui của nó!

Có một tiêu điểm:

SỨC MẠNH TẬP TRUNG

Nếu bạn muốn, bạn có thể làm cho mình rơi vào tình trạng buồn sầu vào một thời điểm nào không? Chắc chắn là được, chỉ cần bạn tập trung nhớ lại một sự việc gì thật đau buồn trong quá khứ. Tất cả chúng ta đều phải trải qua một số kinh nghiệm khá buồn trong quá khứ. Nếu bạn tập trung vào nó, hình dung ra nó và suy nghĩ về nó trong chốc lát, bạn sẽ mau chóng bắt đầu cảm nghiệm nó.

Nếu bạn muốn cảm thấy mình đang ngất ngây vui sướng ngay lúc này, bạn có thể làm được không? Rất dễ. Bạn chỉ cần tập trung nhớ lại một giây phút nào đó trong quá khứ bạn đã từng sung sướng ngất ngây vì một điều gì đó. Hoặc bạn có thể tập trung nghĩ về những điều bạn đang ngây ngất say mê trong đời ngay bây giờ, những gì bạn cảm thấy là tuyệt vời trong cuộc đời. Hơn nữa, bạn còn có thể tập trung suy nghĩ về những chuyện chưa từng xảy ra, mà bạn vẫn có thể cảm thấy ngất ngây.

Sức mạnh tập trung vào một tiêu điểm là thế! Chúng ta tập trung vào bất cứ tiêu điểm nào, thì tiêu điểm ấy sẽ trở thành ý tưởng thực tại của chúng ta.

Muốn thay đổi đời sống,

hãy thay đổi trạng thái của mình

Giờ đây bạn đã có thể thay đổi trạng thái của mình bằng nhiều cách và tất cả đều hết sức đơn giản. Bạn có thể thay đổi cử động cơ thể của mình ngay tức khắc bằng cách chỉ cần thay đổi nhịp thở. Bạn có thể thay đổi tiêu điểm tập trung của mình bằng cách chọn lựa những gì phải tập trung vào, hay thứ tự những điều phải tập trung, hay cách làm những điều ấy. Bạn có thể thay đổi các khuôn mẫu của mình. Nếu bạn từng quen tập trung vào những điều xấu nhất có thể xảy ra, bạn hãy chấm dứt tình trạng này. Ngay bây giờ, bạn hãy bắt đầu tập trung vào những điều tốt nhất.

Điều cơ bản trong đời sống là có vô số đường lối khác nhau để hướng dẫn đời sống mình, khiến cho đời sống trở thành một nghệ thuật. Tiếc thay, nhiều người chỉ áp dụng rất ít đường lối để thay đổi trạng thái của mình: Họ ăn uống quá nhiều, uống rượu quá đáng, ngủ quá nhiều, mua sắm quá nhiều, hút thuốc, hay sử dụng ma túy- chẳng điều nào ích lợi cho chúng ta, nhưng chúng lại có thể mang đến những tai họa khốc hại. Vấn đề trầm trọng nhất là nhiều hậu quả tai hại này chồng chất lên nhau, khiến chúng ta không nhận ra chúng và khi nhận ra thì đã quá muộn. Đó là điều đã xãy ra cho Presley và tiếc thay, cũng đã xãy ra hàng ngày cho nhiều người khác.

Nếu bạn thấy có những điều bạn cần phải làm nhưng bạn không có động lực để làm, bạn nên biết là mình đang không ở trong tình trạng thích hợp. Bạn phải coi đó là một mệnh lệnh, mệnh lệnh bắt buộc bạn làm bất cứ điều gì để thay đổi tình trạng của bạn, bằng cách thay đổi vận động sinh lý hay thay đổi tiêu điểm tập trung của mình. Bạn phải có một trạng thái quyết tâm thì mới thành công được.

“Mọi giây phút vĩ đại và quyết định trong lịch sử thế giới

đều là chiến thắng của một nhiệt tình nào đó”

-RALPH WALDO EMERSON

Bạn có biết cách làm cho mình cảm thấy dễ chịu không?

Trong một chuyến đi công tác ở Toronto, tôi cảm thấy cơ thể khó chịu vì bị đau lưng rất nặng. Khi máy bay vừa hạ cánh, tôi đã bắt đầu nghĩ mình cần phải làm gì khi đến khách sạn. Lúc đó đã 10:30 tối, mà tôi lại phải dậy sớm sáng hôm sau để điều hành cuộc hội thảo. Tôi có thể ăn cái gì đó-cả ngày tôi đã nhịn đói-nhưng đã khuya quá rồi. Tôi có thể soạn lại giấy tờ và xem tin tức. Lúc đó tôi nhận ra rằng tất cả những hành động này chỉ là những chiến thuật để tôi tránh cơn đau lưng và có một trạng thái dễ chịu nào đó. Thế nhưng tất cả những hành động đó đều không có vẻ thúc bách tôi. Vì thế tôi đã phải nghĩ ra thật nhiều cách khác nữa để có thể cảm thấy dễ chịu, bất kể là về thời giờ hay nơi chốn.

Bạn có biết cách nào làm cho mình cảm thấy dễ chịu không? Một câu hỏi nghe có vẻ ngốc nghếch phải không? Thế nhưng, thực sự bạn có một danh sách những phương cách mạnh và đặc biệt để làm cho bạn cảm thấy dễ chịu vào một lúc nào đó không? Bạn có thể đạt được điều này mà không cần thức ăn, rượu, thuốc lá, ma túy, hay các nguồn gây nghiện khác không? Chắc chắn bạn có một số phương sách rồi, nhưng chúng ta nên mở rộng phương sách đó. Ngay bây giờ, bạn hãy ngồi xuống và viết ra một danh sách những điều bạn vẫn quen làm để thay đổi trạng thái cảm giác của bạn. Đang khi viết, bạn hãy thêm vào danh sách những điều bạn chưa hề làm nhưng có thể có tác dụng tích cực để thay đổi trạng thái của mình.

Bạn chớ ngừng bút khi bạn chưa viết ra được ít nhất là 15 cách khác nhau để giúp bạn cảm thấy khoan khoái. Bài luyện tập này bạn có thể làm đi làm lại mãi cho tới khi bạn có được một danh sách dài gồm cả trăm phương cách khác nhau.

Khi tôi viết danh sách đó cho mình, tôi nhận ra việc chơi nhạc là một trong những cách mạnh nhất giúp tôi thay đổi trạng thái của mình. Đọc sách cũng là một cách để tôi cảm thấy khoan khoái vì nó thay đổi tiêu điểm của tôi và tôi thích học hỏi- nhất là đọc những sách mang lại kiến thức và thông tin và có những điều tôi có thể đem áp dụng vào đời sống mình. Thay đổi tư thế vận động thân thể cũng là một cách tôi áp dụng để cắt đứt một trạng thái tiêu cực và đi vào một trạng thái phong phú.

Nếu bạn không có kế họach cho niềm vui,

bạn sẽ có chổ cho sự đau khổ

Tất cả bí quyết ở đây là tạo ra một danh sách vô tận những cách thức chúng ta có thể làm để giúp mình cảm thấy dễ chịu và nhờ đó không rơi vào những cách thức khác có tác dụng tiêu cực. Hãy làm cho danh sách này trở thành một thực tại, khai triển một kế họach cho niềm vui từng ngày và mọi ngày. Đừng chờ niềm vui tình cờ đến với bạn; hãy ấn định cho niềm vui đến: hãy dọn chỗ cho nó!

Tất cả những điều chúng ta đang nói là về việc điều khiển hệ thần kinh, thân thể và tiêu điểm tâm trí của bạn để nó liên tục tìm kiếm cách nào mà mọi điều ở trên đời này mang lại lợi ích cho bạn. Bạn nên nhớ rằng nếu bạn còn đang có những khuôn mẫu cảm xúc tiêu cực, đó là vì bạn đang sử dụng thân thể bạn theo thói quen cũ, hay bạn vẫn đang tiếp tục tập trung vào một tiêu điểm tiêu cực nào đó. Nếu bạn cần thay đổi tiêu điểm, thì có một công cụ hiệu quả tuyệt vời để giúp bạn thay đổi nó ngay tức khắc. Bạn cần biết rằng, “hỏi tức là trả lời“, là tựa đề sẽ được khai triển trong chương tiếp theo.

Chọn tập
Bình luận